Tạp chí Sông Hương - Số 133 (tháng 3)
Ba nhạn
10:15 | 18/03/2010
HÀ PHẠM PHÚDanh xưng Ba Nhạn có tính chất ngoại lai, bởi người Hạ Đan chúng tôi xưa nay không có thói quen gọi tên kèm theo thứ tự được cha mẹ sinh ra. Thói quen của chúng tôi là gọi tên bố, mẹ theo tên con.

Tôi tên là Phú, dân làng gọi bố tôi là ông Phú, gọi mẹ tôi là bà Phú. Thế nhưng dân làng lại chấp nhận gọi Ba Nhạn. Chẳng ai ép mà là tự nguyện, chẳng hiểu vì sao? Gia đình Ba Nhạn từ xư dọn đến, cũng chỉ được dăm năm nay, nhưng không phải là ngụ cư. Gia đình chị có phần đất do tổ tiên để lại.

Mảnh đất ấy kề với nhà tôi, tại sườn đồi bên tây, còn gia đình tôi ở bên đông, có thể xem là tựa lưng vào nhau. Trước khi ba mẹ con chị Ba Nhạn dọn về Hạ Đan, mảnh đất ấy được dòng họ giao cho bố tôi trông nom. Bố tôi trồng dứa và trồng sắn.

Mở gia phả ra coi thì Ba Nhạn có họ với tôi, thuộc chi trên. Ông tôi kể, cụ cố nội Ba Nhạn và cụ cố nội tôi là anh em ruột. Hai cụ cố chung lưng đấu cật khai phá vùng đất chúng tôi đang sinh sống bây giờ, lập nên trại trồng dứa, trồng cọ và trồng sắn. Thời buổi lọan li, ông nội Ba Nhạn tên Hổ, đi kiếm ăn, biệt xứ. Nhưng mảnh đất thuộc phần ông vẫn được họ hàng giữ lai. Lí do đơn giản thế này: Ông Hổ không ở thì con ông, con ông không ở thì cháu ông...

Ba Nhạn là cháu ông Hổ, lí đương nhiên khi trở về quê, họ hàng phải giao mảnh đất mà quyền sở hữu thuộc ông Hổ và xúm vào giúp đỡ mẹ con Ba Nhạn ổn định cuộc sống. Mẹ con Ba Nhạn cũng có vốn liếng giắt lưng, vì thế ngôi nhà của mẹ con chị được xây dựng vững chắc, khang trang.

Bà mẹ chị Ba Nhạn là người ít lời, không thích giao du, suốt ngày tụng kinh niệm Phật. Người ta thấy mỗi phiên chợ, bà hay bố thí cho lũ ăn mày. Chị Ba Nhạn xin được chân kế toán cho hạt giao thông, cúc cung tận tụy, mọi người ai cũng qúy mến, nhưng cứ ở vậy không lấy chồng. Riêng người em Ba Nhạn, đỗ đại học nông nghiệp, ra trường đã mấy năm nay, đang làm hợp đồng cho phòng nông nghiệp huyện. Đó là Tư Yến.

Tôi rất thích Yến, bởi sự trẻ trung và hay châm biếm. Chị kém tôi một giáp. Tuy ở vai chị, nhưng Yến vẫn gọi tôi là anh và xưng em. Không hiểu sao, chẳng thấy ai gọi chị là Tư- Tư Yến- kể cả mẹ và Ba Nhạn?

Yến thích thơ của tôi. Mỗi lần tôi về quê thăm bố mẹ, chị đều qua chơi. Chúng tôi nói đủ chuyện trên đời, có vẻ hợp nhau lắm. Lần nào chị cũng dịu dàng bảo tôi đọc thơ.

- Anh có bài thơ nào mới, đọc Yến nghe đi.

Khi tôi đọc thơ, chị Yến ngồi đối diện, mắt mở to dường như không chớp. Tôi sợ nhìn thẳng vào mắt chị. Có lần chị bảo:

- Yến mới đọc bài thơ của anh trên báo. Yến tự hào lắm.

Những lúc như thế, tôi rất lấy làm ngượng. Tôi phải thú thật rằng, ở xa tôi nhớ chị Yến. Đi đâu tôi cũng dành tiền mua quà để khi về quê biếu chị. Đã sang tuổi băm, cũng không ít người đặt vấn đề, nhưng không hiểu sao, cũng giống như Ba Nhạn, chị chẳng ưng ai. Những lần chỉ có chị với tôi, chị bảo:

- Tiếc thật! Chị chẳng thấy ai được bằng Phú.

Tôi vô cùng ngạc nhiên, không hiểu chị nói gì. Nhưng tôi nhớ đó là lần duy nhất Yến xưng chị với tôi.

Bẵng đi một thời gian tôi mới có dịp về thăm bố mẹ. Buổi tối, tôi chờ mà không thấy chị Yến qua chơi. Mẹ tôi bảo:

- Chị ấy bỏ đi đâu xa lắm.

Tôi sang nhà gặp Ba Nhạn. Chị đón tiếp tôi chẳng niềm nở, cũng chẳng lạnh nhạt. Cũng đúng thôi, từ ngày Ba Nhạn về Hạ Đan đến giờ, chúng tôi chẳng có dịp nào chuyện trò tay đôi. Xa cách là tất nhiên. Tôi hỏi:

- Bác đi đâu hả chị?

- Cảm ơn chú hỏi thăm. Má tôi theo các bà đi chùa trên Trái Hút.

- Thế còn chị Yến?

- Hả? Con nhỏ bỏ đi ba bốn tháng nay, nghe nói lên mạn ngược, khe Hóp, suối Bương gì đó.

Chị Ba Nhạn kiệm lời. Chị rót nước đẩy qua phía tôi mà chẳng nói gì thêm. Ngồi một lát, tôi cáo từ, lòng chợt thấy buồn vô hạn.

Tôi chẳng hiểu vì sao Yến lại bỏ đi. Trước khi mẹ con chị dọn về Hạ Đan ít lâu, Ba Nhạn có về tìm nhận họ hàng. Chị trình với bố tôi những ghi chép về dòng họ của ông Hổ và của bố chị. Bố tôi xem xong, ôm lấy chị mà nói:

- Cháu của ta. Mừng quá. Đất của ông nội cháu, chú vẫn trông nom, mỏi mắt trông chờ con cháu ông Hổ về nhận.

Ba Nhạn nói:

- Bố cháu trước khi mất có dặn. Mẹ con cháu phải tìm về quê. Mẹ cháu đợi sang cát cho bố cháu xong sẽ về. Thưa chú, đúng tháng này sang năm mẹ con cháu sẽ về.

Mẹ con Ba Nhạn ở với chúng tôi đã dăm năm có dư, chẳng điều tiếng gì. Việc đi lại, thăm hỏi, đỡ đần nhau những khi có công có việc, thì mẹ con chị đặc biệt chu đáo. Tuy thế, ngoài gia đình tôi ra, với hàng xóm mẹ con Ba Nhạn vẫn như người xa lạ, dửng dưng khó gần.

Mẹ Ba Nhạn mới ngót sáu mươi, người nhỏ nhắn, nhưng nom như gần bẩy mươi. Mỗi khi ra đường, bà đều đội nón che gần kín mặt, nếu không mang nón thì bà cúi gằm, chẳng nhìn ai. Ở tuổi xấp sỉ bốn mươi Ba Nhạn vẫn còn nét đẹp kiêu sa của người con gái chưa một lần xuất giá. Nhưng nom chị lúc nào cũng buồn buồn, đôi mắt nhìn lơ đãng đi đâu. Có lần mẹ tôi hỏi, tại sao chị cứ ở không vậy? Chị lắc đầu không nói.

Bây giờ chị Yến bỏ đi, tôi mơ hồ cảm thấy trong gia đình chị chứa đựng một bí mật gì đó, cần phải khám phá. Tôi tự bảo mình, phải đi tìm Yến.

Thoạt tiên tôi lên khe Hóp, ngòi Bương, những vùng đất nghe tên đã heo hút. Dò hỏi khắp, nhưng chẳng thấy tăm hơi chị Yến đâu. Lại về quê hỏi chị Ba Nhạn, cũng chẳng biết gì thêm. Những ngày ấy tôi đã viết được mấy bài thơ, rặt điệu buồn. Tôi chọn một bài trong số đó gửi đăng báo. Sau khi bài thơ in ra độ chừng nửa tháng, một chiều tôi đang ngồi ở cơ quan thì có tin nhắn ra phòng trực có người gặp. Ai thế nhỉ? Tôi vừa đóng máy đánh chữ vừa lẩm nhẩm tự hỏi.

Thật không ngờ! Chị Yến. Chị tự đến tìm tôi. Tôi reo lên và gần như ôm chầm lấy chị. Chị đỏ mặt nói:

- Yến phải khó khăn lắm mới về được đây gặp anh. Yến đã đọc bài thơ của anh và thấy thương anh quá.

Tôi mời chị ra một qúan cà phê, gọi cho chị một cốc cam vắt. Tôi hỏi chị:

- Sao chị lại bỏ nhà đi?

Yến im lặng một lúc lâu. Tôi bỗng thấy ân hận vì đã hỏi chị như vậy. Cuối cùng Yến cũng lên tiếng. Chị nói:

- Chúng ta là họ hàng, nhưng chắc chắn anh không hiểu gì về mẹ con Yến. Để Yến kể cho anh nghe những chuyện này.

Những chuyện Yến kể cho tôi nghe khá lộn xộn, có lẽ vì qúa xúc động. Khi thuật lại, tôi cố gắng giữ sao cho được cái căn cốt của câu chuyện.

Ngày ấy Sáu Thắm mới mười tám tuổi. Cô vui vẻ, yêu đời, lúc nào cũng nhảy chân sáo và ca hát. Bạn bè gọi cô là sơn ca. Cô tham gia vào một đội trừ gian, tích cực học tập, được huấn luyện bắn súng. Một buổi tối, người chỉ huy gọi cô tới giao nhiệm vụ. Cô phải đi giết một tên ác ôn. Gã tên là Chạo, đã gây nhiều tội ác, đến lúc phải đền tội. Người chỉ huy giao cho cô một khẩu súng ngắn với một băng đạn sáu viên.

- Bây giờ cô đến thôn X gặp một lão nông tên là Luông. Ông ta sẽ chỉ cho cô kẻ mà cô phải bắn.

Sáu Thắm lần mò trong đêm, tìm được đến nhà lão Luông ở thôn X thì gà gáy sáng. Lão Luông đã nhận được lệnh đón cô. Lão bảo:

- Cô ngủ lấy một giấc. Đến giờ lão sẽ đánh thức.

Cô vừa ngả lưng đã lập tức chìm vào giấc ngủ vùi. Khoảng bốn giờ sáng, lão Luông đánh thức Sáu Thắm:

- Đến giờ rồi, đi thôi.

Sáu Thắm mắt nhắm mắt mở đi theo lão Luông đến chỗ phục kích. Hai người nấp sau bụi cây rậm rạp, quan sát con đường liên thôn từ xóm X sang xóm Y. Phía sau họ là cánh rừng. Thực hiện nhiệm vụ xong, họ có thể nhanh chóng rút vào đó an toàn.

Trời dần sáng. Sáu Thắm đưa mắt nhìn lão Luông. Đó là một lão nông dân hiền lành, chất phác. Sáu Thắm rụt rè hỏi:

- Bác nhận được mặt tên Chạo chứ?

- Nhận chắc.

- Nó là ác ôn. Nó ác lắm phải không?

- Chắc thế.

Im lặng một lúc lâu, lão Luông chợt hỏi:

- Cô quen việc này rồi à?

- Không, mới lần đầu.

- Lão run lắm.

- Bình tĩnh. Nó là ác ôn mà.

Trời bắt đầu sáng rõ. Từ xa xuất hiện một bóng người. Đến gần thì Sáu Thắm nhận ra đó là một gã trai, còn trẻ. Gã vừa đi vừa huýt một điệu sáo vui vẻ. Sáu Thắm lẩm bẩm, sao gã rửng mỡ đi đâu sớm vậy. Lão Luông giọng trầm trọng:

- Thằng Chạo đấy.

Sáu Thắm căng mắt nhìn. Thằng Chạo là một gã trai non oặt, chỉ trạc tuổi cô. Nghe điệu sáo của gã, có vẻ như gã vô tư, yêu đời.Tự nhiên cô thấy nghi ngờ, bèn nắm chặt tay lão Luông, hỏi:

- Có chắc là thằng Chạo không?

- Không sai.

Thằng Chạo bắt đầu đi đến gần. Sáu Thắm nhìn thấy khuôn mặt búng ra sữa của gã. Thằng này là ác ôn sao? Gã vẫn huýt sáo, đôi mắt ngước lên trời như thể đang nheo cười. Gã sắp đi qua mặt Sáu Thắm và lão Luông. lão Luông giục:

- Bắn đi cô Sáu!

Sáu Thắm giương súng lên lại hạ xuống. Tay cô run run. Cô hỏi, như tự hỏi mình:

- Hay là chúng ta nhầm?

Lão Luông nghĩ rằng cô nghi ngờ lão, bèn nói:

- Lão nhìn không sai. Đúng là thừng Chạo đấy.

Khi ấy gã trai đã đi qua chỗ hai người nấp. Sáu Thắm nhìn thấy tấm lưng chắc khỏe và trẻ trung của gã. Có lẽ gã là một người ưa lao động và thể thao. Nom gã vô tư quá, không phòng bị gì cả.

Lão Luông nhìn thấy gã trai sắp đi khuất sau hàng cây ăn quả trồng ở ven đường, bèn nghiêm trọng nhắc nhở Sáu Thắm:

- Cô không bán, cấp trên sẽ kỉ luật cô và tôi.

Sáu Thắm vẫn lượng lự:

- Đúng gã là thằng Chạo chứ?

- Tôi nhận đúng mà. Bắn đi.

Sáu Thắm kéo cò. Cô nhằm bắn vào lưng gã. Tiếng súng nổ phá tan cái yên tĩnh của buổi sáng. Lão Luông vùng dậy, kéo cô chạy. Tuy nhiên, sáu Thắm vẫn kịp nhận thấy gã trai ngã xuoóng mặt đường, rãy lên mấy cái rồi mới nằm im.

Ít lâu sau, người ta phát hiện ra, gã trai bị Sáu Thắm bắn chết chỉ là một thanh niên bình thường. Gã không phải ác ôn. Tuy nhiên cả lão Luông và Sáu Thắm đều không có lỗi.Cấp chỉ huy đã nhận được báo cáo nhầm.

Sáu Thắm bỏ ăn mấy bữa. Mọi người trong đội động viên, an ủi cô. Nhưng càng động viên an ủi, cô càng buồn. Cuối cùng, không chịu được sự dằn vặt, cô bỏ đội trốn ra thành phố. Nhưng vào thành phố được hai hôm thì cô bị bắt, bỏ ngục. Cảnh sát cho côc là phần tử khủng bố. Những trận đòn tra đổ xuông cô như mưa rào. Những câu hỏi lặp đi lặp lại: Cơ sở ở đâu? Ai là đồng bọn? Ai là chỉ huy? Nhưng cô nậm miệng, không hé nửa lời. Nửa năm sau, Sáu Thắm được thả ra, tiều tụy như một con mèo hen.Cô được chủ một tiềm ăn nhỏ cưu mang. Nhờ tuổi trẻ, cô hồi sức nhanh, trở thành một thanh nữ xinh đẹp. Người chủ tiệm ăn quyết định đưa cô lên địa vị bà chủ.

Ít lâu sau, Sáu Thắm sinh con gái đầu lòng, rồi con gái thứ hai.

Năm Sáu Thắm ba mươi tuổi thì gặp lại những đồng đội của cô ngày xưa trước khi vào thành phố. Cô bị kết tội phản bọi và bị đưa đi trại cải tạo.

Sáu Thắm lầm lũi chịu đựng, không một lời ca thán, để lại cho chồng hai đứa con gái. Người chồng vừa nuôi con, vừa thăm nuôi vợ, không để điều gì. Bẩy năm sau, Sáu Thắm được thả. Gia cảnh bấy giờ sa sút, đời sống khó khăn, cả hai vợ chồng nai lưng ra làm mà kiếm không đủ đút lỗ miệng. Người chồng sinh ra nghiện ngập, phát bệnh đau gan. Sáu Thắm ngày càng ham làm từ thiện, năng đi chùa, thích bố thí cho kẻ ăn mày. Vì thế gia cảnh nghèo lại càng nghèo. Riêng tiếng mõ cầu kinh và tiếng cãi cọ mè nheo của đám trẻ lang thang cơ nhỡ là không bao giờ vắng.

Nhưng vận bĩ rồi cũng qua, cuộc sống vợ chồng Sáu Thắm khá dần lên. Sáu Thắm quyết chí nuôi cho con gái ăn học. Trời có mắt, những đứa con gái của Sáu Thắm đều ngoan, học hành không đến nỗi nào. Mặc dù vậy, không khí trong nhà Sáu Thắm chẳng mấy khi thấy tiếng cười. Hai cô con gái thì mỗi người một nết. Cô chị tính tình có vẻ giống mẹ, ít nhất cũng là thích đi chùa, thích tham gia vào những việc cúng tiền cho nhà chùa. Cô em thì chán ngấy cái cảnh gõ mõ tụng kinh của mẹ, không chịu được mẹ lúc nào cũng buồn rầu, lặng lẽ như là có lỗi với tất cả mọi người. Người chồng đau gan, nhưng không chữa nồi rượu, đến lúc bệnh tăng, chừa rượu thì không kịp nữa, các thầy thuốc tây thuốc ta đều lắc đầu rút lui.

Trước khi mất, người chồng gọi mẹ con Sáu Thắm lại, trối trăn một điều: Đoạn tang, ba mẹ con phải tìm về que nội vf giao cho người con gái lớn một cuốn sồ bìa bọc vải.

Đấy là chuyện gia đình Yến. Sáu Thắm là người mẹ, còn hai người con gái là Ba Nhạn và Yến.

IV-

Năm ấy Ba Nhạn mới hai mươi tuổi, vừa học xong lớp kế toán, xin được việc làm tốt trong một công ty. Mảnh mai và xinh đẹp. Ba Nhạn luôn được các chàng trai săn đón. Trong số những kẻ hay trồng cây si trước nhà, có một người mà Ba Nhạn có cảm tình, tên Đồng. Anh ta là kĩ sư xây dựng, có công ăn việc làm ồn định, cao lớn đẹp trai. Thuộc mẫu người hiện đại mà đám con gái đang thích. Những tối chủ nhật. Ba Nhạn ở nhà,Đồng thường đến chơi. Hai người ngồi bên chiếc bàn cũ kĩ, nói những chuyện cơ quan, bàn về những cuốn sách đang ăn khách. Thi thoảng hai người cũng rủ nhau đi xem phim. Đồng đi xe máy còn Ba Nhạn đi xe đạp. Cứ như thế, kéo dài đến ba năm.

Có lần Yến bảo Ba Nhạn:

- Chị nhận lời lấy anh ta đi, em thấy được đấy.

Ba Nhạn cười:

- Nhưng anh ta có ngỏ lời với chị đâu.

Sau lần ấy chừng nửa năm, bất ngờ có tin Đồng bị tai nạn ô tô, đưa vào đến bệnh viện thì chết. Ba Nhạn khóc như mưa như gió, đâm bổ đến bệnh viện, nhưng người nhà đã đưa xác Đồng về quê xa rồi. Trở lại nhà, Ba Nhạn như người mất hồn. Chị thắp hương khấn vái rì rầm, cứ thế ba bẩy hai mốt ngày, người rạc đi.

Yến lấy làm lạ, bảo chị:

- Chị làm sao thế? Chưa một lời hẹn ước với anh ta. Việc gì chị phải như vậy?

Ba Nhạn bật khóc:

- Em không hiểu được đâu.

Phải một thời gian sau, đã nguôi ngoai, Ba Nhạn mới kể sự tình với Yến.

Ba Nhạn nói:

- Là thế này. Trước khi Đồng mất ba ngày, anh ấy đã ngỏ lời với chị. Nhưng chị đã từ chối. Phải, chị đã từ chối anh ta. Giá Yến nhìn thấy bộ mặt của anh ta lúc ấy thì Yến cũng phải mủi lòng. Mặt anh ấy từ đỏ hồng bỗng trắng bệch như sáp. Anh ấy bỗng như câm. Chị sợ phải nhìn vào khuôn mặt ấy, nên bỏ đi ngay.

Yến kể:

- Chị Ba Nhạn cũng kì lạ. Trước đấy thì mong chờ lời cầu hôn của Đồng như hạn hán mong mưa. Đến khi Đồng ngỏ lời cầu hôn thì lại từ chối, mà từ chối thẳng thừng. Lẽ ra Ba Nhạn phải khéo léo, nói thác ra lí do gì đấy để anh ta khỏi sốc, chẳng hạn cho thời gian để suy nghĩ, chẳng hạn bây giờ còn phấn đấu sự nghiệp, thư thả hãy bàn đến... Từ chối nhưng vẫn gieo vào lòng người ta một tia hy vọng. Như thế đỡ đau hơn, đỡ sốc hơn. Nhưng như thế thì không phải là Ba Nhạn nữa, và câu chuyện cũng hết.

Một lần Ba Nhạn nói với Yến:

- Tại chị. Nếu chị không từ chối Đồng thì Đồng đâu phải chết. Chính chị đã giết Đồng.

- Sao chị lại nghĩ quẩn thế. Đồng bị tai nạn là chuyện ngẫu nhiên, có liên quan gì đến chị.

Ba Nhạn nghe Yến nói vậy thì lặng im, không cãi lại. Nhưng từ đó, chị trở thành con người khác, ủ rủ, co mình lại, không thích giao du chơi bời. Có một điều là, vẻ buồn uể oải khiến Ba Nhạn trở nên hấp dẫn. Nhiều người đến với chị, nhưng chị nhẹ nhàng từ chối, nếu không thể nói thì chị lánh mặt. Mười mấy năm sau, mặc cảm về cái chết của Đồng vẫn đeo đẳng chị. Trở về sống ở Hạ Đan, Ba Nhạn càng thu mình lại, ngoài công việc của cơ quan, ngoài việc tụng kinh gõ mõ ngày một, ngày rằm, dường như chị chẳng còn biết gì nữa.

Tôi ngồi nghe Yến kể, lòng cứ thắc thỏm không yên. Lần này tôi cương quyết hỏi:

- Nhưng sao Yến lại bỏ đi trong hoàn cảnh bác gái và Ba Nhạn như thế?

Yến nhìn tôi không chớp. Không hiểu sao tôi lại thấy sợ, bèn lảng tránh ánh mắt của chị. Chị cười nói:

- Đúng là anh không hiểu Yến. Để Yến nói nhé. Yến kính trọng mẹ và chị, nhưng Yến không thể chịu được cái không khí ấy. Vả lại...

Yến ngừng nửa chừng, còn tôi cũng không gặng hỏi.

Chúng tôi còn ngồi rất lâu, không ai nói gì. Rồi đêm xuống. Đột ngột Yến đứng dậy bảo:

- Bây giờ Yến phải đi. Nếu có về quê, nhờ nói với mẹ và chị Ba Nhạn rằng, Yến vẫn sống. Đừng tìm Yến...

Hà Nội, ngày 10- 11- 1999
H.P.P
(133/03-2000)




 

Các bài mới
Gelka (24/03/2010)
Hoa xuyến chi (19/03/2010)
Đón Tết (18/03/2010)
Các bài đã đăng
Mẹ (18/03/2010)