Tạp chí Sông Hương - Số 133 (tháng 3)
Hoa xuyến chi
16:43 | 19/03/2010
HUỆ MINHCả làng chẳng ai lạ gì chị. Người chị vừa ngắn vừa to. Bàn chân lại bé xíu, lúc nào cũng run rẩy đỏ bầm vì cố sức đỡ tấm thân đồ sộ. Nhưng tóc chị lại dài, óng mượt như nhung. Da chị trắng tinh như tuyết. Răng cũng đẹp. Chúng như những hạt bắp non mỏng mảnh.
Hoa xuyến chi
Minh họa: Ngô Lan Hương
Ôi chao, người con gái nào chỉ cần có bằng nửa các nét đẹp như của chị cũng đã đủ để kiêu hãnh rằng: “Ta thật xinh!” rồi! Vậy mà, xếp tất tật những thứ đó lên người chị chúng lại phản tác dụng một cách trớ trêu và hài hước. Nhìn riêng từng nét thì đẹp, nhưng tổng thể thì chúng chồng chéo, làm lu mờ nhau khiến khuôn mặt nặng nề của chị trở nên tẻ nhạt một cách khó chấp nhận. Tất cả chỉ tại chị quá béo. Sự béo làm cơ thể chị phồng lên, phình to bừa bãi. Có lẽ vì thế mà ngót bốn chục tuổi rồi, chị vẫn chẳng có mảnh tình nào an ủi. Không người đàn ông nào muốn nhìn chị lâu. Mà cứ gì đám đàn ông, ngay cả phụ nữ cũng thế. Họ thờ ơ và có phần sợ hãi, một kiểu sợ hãi vô thức và thật vô lý khi chị ở gần. Chỉ có lũ trẻ là không né tránh chị. Chị vẫn ở một mình trong ngôi nhà hai tầng xinh xắn đầy đủ tiện nghi. Ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn đồi, cạnh con đường lớn xuống thị trấn, quanh nhà toàn hoa xuyến chi.

Bố mẹ chị ở tận bên Mỹ, giàu có lắm. Anh trai chị có bằng tiến sĩ kinh tế. Em gái chị là phóng viên một tờ báo lớn và rất xinh đẹp. Họ đều đã là chủ gia đình... Mười năm trước, cả nhà đưa chị về Việt Nam cùng hy vọng mong manh rằng với số tài sản kếch xù, sẽ có người chịu lấy chị làm vợ. Họ tính toán, bàn cãi khá kỹ càng rồi quyết định mua nửa quả đồi và xây nhà ở vùng trung du yên tĩnh đến heo hút này, gửi tiền vào một ngân hàng gần đó rồi về Mỹ. Dân làng đầu tiên thấy lạ, sau cũng quen dần với sự có mặt của chị. Họ biết chị có một cái tên thật xinh: Nguyễn Hoa Xuyến Chi. Họ quen gọi chị là “dì Chi béo" hay “cô Chi mập”.

Chị sống bình thản nơi mảnh đất trung du này. Mọi người chẳng ai thù ghét gì chị nhưng cũng không đằm thắm mặn mà lắm. Dân ở đây nghèo và lam lũ quanh năm. Họ sống chủ yếu bằng nghề trông rau và lúa bãi. Đất đồi rất tốt nhưng nước thì khá hiếm nên đến giờ, cả làng mới có được dăm cái ti vi của vài hộ khá giả. Xe đạp thì tróc sơn, gỉ vành, chuyên dùng làm xe thồ rau xuống chợ thị trấn. Trường học khá tuềnh toàng hoang vu với mấy gian cấp bốn quét vôi trắng nằm khép nép bên kia đồi. Trẻ em đầu trần, chân đất đến lớp học chữ, làm tính rồi về nhà giúp bố mẹ trông em, tưới rau hay lên đồi kiếm củi. Chúng hầu như không biết đến những cuốn chuyện tranh hấp dẫn hay trò chơi điện tử cùng các đồ chơi đắt tiền. Truyện cổ tích chỉ do ông, bà chúng kể, quanh đi quẩn lại vẫn là “Tấm Cám” hay “Sọ dừa”... Cái ti vi màu nhà chị trở nên đắc dụng. Cánh cổng sơn màu tím nhạt luôn mở rộng để lũ trẻ quần áo lấm lem, xốc xếch túa vào. Biết tính chị sạch sẽ, chúng tự động rửa chân tay, phủi quần áo tươm tất rồi ngồi xếp bằng trên nền nhà mát lạnh vừa ngó màn hình vừa nhí nháu bình phẩm hoặc cãi cọ nhau. Xem chán, chúng quay sang nghe chị kể chuyện. Chuyện của chị không phải cổ tích cũng chẳng ra ngụ ngôn hay hiện đại nhưng lũ trẻ cảm nhận được chị thật thông minh, trong chị tiềm ẩn một kho tàng ngôn ngữ phong phú... Bọn trẻ và cả mọi người ở đây không thể biết rằng, ông nội chị ngày xưa làm đến chức chánh mật thám Bắc Kỳ. Sau năm 1954 ông đem cả gia đình vào Nam và sang Mỹ di tản dạo tháng 4 năm 1975. Trước khi đi, ông còn kịp gởi hàng yến vàng và kim cương vào một ngân hàng lớn tại Thụy Sĩ... Mười ba tuổi, chị vẫn xinh đẹp thông minh như bao cô nhỏ may mắn khác. Sang Mỹ được vài tháng tự nhiên chị béo dần và béo nhanh đến mức cả nhà phát hoảng. Đến rất nhiều bệnh viện, không phát hiện ra bệnh gì ngoài dòng chữ “Rối loạn dậy thì”. Bác sĩ còn an ủi rằng chị khỏe mạnh, bình thường, rồi sẽ ổn thôi... Sự giải thích và động viên của các bác sĩ không làm cho bố mẹ chị yên tâm. Họ cầu khẩn thần linh và rất chịu khó đi xem bói. “Đời cha ăn mặn tất đời con phải khát nước! Con không thì cháu phải chịu!” Nghe thế, mẹ chị lăn đùng ra ngất xỉu, về nhà vật vã khóc lóc hàng tháng trời. Bố chị rất hoang mang, công việc buôn bán chểnh mảng. Còn cô bé con ẩn trong cơ thể mập phì là chị thì kinh hoàng... Cả gia đình chìm nghỉm vào không khí lo sợ, hốt hoảng trừ ông nội. Chẳng hiểu vì ông muốn tự trấn an mình hay suy nghĩ như vậy thật mà suốt ngày lớn tiếng răn dạy bố mẹ chị rằng đừng rỗi hơi tin vào đám thầy bói hay nói nhăng nhít ấy, rằng làm gì có thần linh... “Nó mắc chứng bệnh gì đó, người ta chưa phát hiện được chứ đâu như chúng mày nghĩ! Quả báo gì? Tao vẫn sống sờ sờ ra đây?"... Không biết mọi người trong nhà phản ứng thế nào, còn riêng chị thì ngược lại. Dần dà chị nghĩ, ông nội đã vơ hàng đống vàng của những người lao khổ, tống biết bao nhiêu Việt Minh vào tù làm vừa lòng quan thầy rồi dẫn cả nhà cao chạy xa bay đến Mỹ. Bố mẹ chị kinh doanh buôn bán bằng những đồng tiền đó và giàu sụ. Anh trai, em gái chị khỏe mạnh, thành đạt... Trả nợ cho những điều đó, tất yếu chị phải chịu hẩm hiu thôi! Thế là chị chán, chẳng thiết nghĩ đến việc oán than cuộc đời và số phận bạc bẽo của mình nữa... Năm chị hai mốt tuổi, ông nội qua đời. Chị không hề trách giận ông dù rất tủi thân đến khi nhắm mắt, ông vẫn khăng khăng cho rằng chị mắc bệnh, một căn bệnh quái gở. Vì chị mà con dâu, con trai ông hờ hững lạnh nhạt với ông. Gia đình luôn ngột ngạt căng thẳng, cảm giác sờ sợ một điều gì khi thấy vẻ mặt ủ ê, cái nhìn cam chịu và dò hỏi của chị với tất cả... Ý định trở về Việt Nam dần xuất hiện trong những tháng ngày vừa ấm cúng vừa cô độc ấy. Thực lòng, chị ngán đất Mỹ. Những tòa nhà chọc trời, xe cộ vun vút trên đại lộ, cuộc sống văn minh đến vô cảm giúp gì cho một kẻ như chị suốt ngày ngồi yên lặng trong căn phòng biệt lập đầy đủ tiện nghi hiện đại, chuyện trò với bốn bức tường hoặc nhìn mẹ tất bật chăm sóc mình với vẻ mặt rầu rĩ cố giấu giếm mặc dù chị biết, mẹ rất thương yêu mình...

Dù sao thì chị cũng phải cảm ơn trời phật đã cho mình một trí tuệ sáng láng và khả năng tưởng tượng phong phú để có thể níu giữ được bọn trẻ hiếu động bằng những mẩu chuyện chị vẫn thầm tự hào là rất thuyết phục. Có những chuyện do chị tự nghĩ ra mà dần dần chính chị cũng tin rằng, mình không hề bịa, cứ ngỡ mình đã đọc ở đâu đó rồi kể lại. Cũng hồi hộp, háo hức và tò mò như lũ trẻ khi nghĩ về số phận của các nhân vật... Chị yêu hoa xuyến chi và đã dồn tâm sức sáng tác một câu chuyện cảm động về loài hoa này. Đó là một câu chuyện chị tâm đắc nhất. Có lẽ vì nó mang cái tên xinh đẹp của chị. Hình như, khi nghĩ ra câu chuyện đó, tình thương cái tên tội nghiệp trào dâng và chị kể chuyện như một sự tạ lỗi với cái tên đã trót gắn với chị thì phải. Lũ trẻ há mồm nghe. Đứa ngồi im mơ màng tưởng tượng. Đứa thì nằm bò ra sàn nhà, ôm chặt cái gối ngước mắt về phía cửa sổ có đám xuyến chi thập thò, đung đưa trong gió.

“ Ngày xưa, tại vùng đồi trù phú kia có một thiếu nữ sống cùng mẹ già. Gia đình nàng có nghề làm hương nổi tiếng khắp vùng. Nhiều chàng trai cảm mến đường ăn nết ở và vẻ hiền dịu, dễ thương của nàng đã tìm đến cầu hôn. Vì nhà nghèo, mẹ lại đang bệnh nặng nên nàng đều từ chối. Ngày ngày trong căn nhà tranh bé nhỏ, nàng cặm cụi xe hương và thuốc thanh phụng dưỡng mẹ... Tám năm sau, mẹ nàng qua đời. Lúc này, nàng đã trở thành một phụ nữ hao gầy. Những chàng trai ngày xưa say mê nàng giờ đã yên bề gia thất. Nàng âm thầm sống một mình trong cảnh quạnh hiu với nghề làm hương cùng những hoài niệm về thời thiếu nữ trẻ trung cô độc...

Rồi một hôm, có chàng trai trẻ ở nơi xa đến vùng này. Chàng xin vào làm công cho nàng. Lúc đầu, nàng e ngại. Sau rồi cũng đồng ý. Có người đàn ông gánh bớt, công việc đỡ vất vả và hương của nàng hình như thơm hơn. Họ khấm khá dần... Người làng thấy má nàng bớt rám, mắt long lanh và dáng người thon thả lại. Nàng hay cười hơn- nàng đã yêu người đàn ông đó... Tin chàng trai, nàng trao cả cho chàng bí quyết của nghề làm hương gia truyền cùng toàn bộ vốn liếng dành dụm được trong những tháng ngày vất vả xưa... Vào một đêm giông gió, chàng trai kia đã ra đi không một lời từ biệt, nhắn nhủ. Nàng trở nên câm lặng khi biết anh ta đã từ bỏ mình, lấy hết tiền bạc cùng bí quyết nghề làm hương quý báu khiến bao người thán phục ao ước, để lại cho nàng căn nhà trống tênh hoang lạnh. Nàng sống buồn bã như cây cỏ, trời nắng thì héo khô nhưng vẫn sống. Đến mưa lại ngập dập cũng chẳng chết và cứ thế, lay lắt ngày qua ngày. Cũng từ đó nàng bỏ nghề làm hương, sống đạm bạc nghèo khó nhờ mảnh vườn nhỏ trồng rất nhiều cây trái sau nhà.

Vào một ngày mùa đông, nàng lặng lẽ từ giã cõi đời không một lời oán trách. Nàng chết thật nhẹ nhàng. Dân làng đưa nàng lên đỉnh ngọn đồi cao nhất chôn cất nàng với những vòng hoa trắng. Nàng vẫn là trinh nữ- một trinh nữ hiếu thảo, dịu hiền và bạc mệnh. Trên đỉnh đồi đầy gió, trăng và ánh nắng mặt trời ấy, mộ nàng mọc một loài hoa mảnh mai, lá nhỏ xinh mơn mởn xòe ra như những bàn tay bé xíu. Hoa năm cánh trắng muốt, mịn màng khoe nhị vàng đung đưa kiêu hãnh. Chỉ khi nào tâm hồn không vướng lụy, người ta mới ngửi thấy một mùi hương thật thanh khiết dịu dàng như không có thực lan tỏa, tan loãng xung quanh mình, ấm áp như tấm lòng trong trắng, niềm tin yêu thánh thiện nàng đã dâng hiến trọn vẹn mà không được đền đáp. Dân làng đặt tên là hoa Xuyến chi.

Lại nói về chàng trai kia. Anh ta cuỗm sạch cả tiền bạc của nàng- số tiền họ dự định làm đám cưới và xây một nếp nhà mới- đến một nơi rất xa. Anh ta dùng số tiền và bí quyết làm hương ăn cắp được bắt đầu một cuộc sống khác và anh ta đã thành công. Hương của anh ta lập tức được người dùng ưa chuộng. Làm ăn phát đạt nên anh ta giàu lên nhanh chóng. Hai năm sau, anh ta lấy một cô gái đẹp làm vợ. Mãi năm năm nữa, họ mới sinh được một cô con gái khỏe mạnh, kháu khỉnh... Cũng thời gian đó, tự nhiên trong làng họ xuất hiện một loài hoa rất lạ, nghe dân trong vùng kháo nhau, đó là hoa xuyến chi- thì xuyến chi!- Với họ, tên hoa là gì cũng được, họ không quan tâm vì đang hạnh phúc- Họ có con sau bao tháng ngày đợi mong...

Thời gian thấm thoát trôi đi. Con gái họ đã ba tuổi, vẫn chẳng biết nói cười. Cô bé có cặp mắt buồn rười rượi. Người chồng cứ nhìn vào mắt con lại thấy bất ổn. Một dự cảm mơ hồ thật lạ lùng và rất khó nắm bắt ẩn trong hình hài đứa con yêu dấu của anh ta mà anh ta không thể cảm nhận, lý giải nổi. Từ lúc lẫm chẫm, nó đã thích đám xuyến chi mọc lan vào tận sân nhà. Suốt ngày con bé tha thẩn chơi với những cánh hoa dại kia, anh ta tức giận cầm dao phạt hết. nhưng lạ thay, chỉ vài ngày sau, đám xuyến chi lại mơn mởn tươi xanh vẫy gọi cô bé. Và nó lại hơn hở, mắt sáng lên nghịch hoa xuyến chi...”

Câu chuyện dừng ở đó, chị mặc cho lũ trẻ tưởng tượng phần kết. Có đứa không chịu, thắc mắc:

- Sao dì lại đặt tên hoa giống tên dì vậy?

- Đâu nào? ở đây rất nhiều xuyến chi cơ mà? Tên dì chỉ giống tên hoa ấy thôi! vừa nói chị vừa chỉ vào đám xuyến chi bên cửa sổ, giọng thuyết phục.

- Lớn lên, đứa bé có nói được không hả dì?- Con Lý, tóc vàng hoe ngồi cạnh chị rụt rè.

- Bố của đứa bé có biết hoa xuyến chi mọc từ mộ người trinh nữ ngày xưa không hả dì?- Thằng Kiên, nhà cách đây hai quả đồi nhưng là đứa chăm chỉ nhất trong các buổi "bổ túc" kiểu này- hấp tấp hỏi.

- Dì bịa hả?- Thằng Bi, bé nhất đám nhưng bao giờ cũng tinh ranh và thích chọc phá tự dưng hét toáng lên- Dì chỉ chuyên bốc phét!!!

- Thôi nào Bi!- Chị dịu dàng- Bao giờ các con lớn lên, dì sẽ đưa đến gặp đứa bé ấy. Đến giờ nó cũng không biết nói cười. Vẫn chỉ thích hoa xuyến chi. Còn bố nó, hình như ông ta đã... chết thì phải!- Chị hơi rung giọng khi nói những lời cuối cùng. Lũ trẻ chẳng để ý gì đến vẻ là lạ ấy của chị. Chúng còn bận nhìn ra sân xôn xao bàn tán. Với chúng, những cánh xuyến chi tầm thường kia hôm nay đúng là đẹp hơn thật. Thằng Kiên còn cam đoan nó đã ngửi thấy một mùi thơm nhẹ nhàng ở quanh đây...

Từ hôm đó, thi thoảng lại có đứa nhắc đến câu chuyện hoa xuyến chi, đến cô nhỏ kỳ lạ chẳng biết nói cười và chỉ thích xuyến chi kia. Vài đứa bé nhất còn ao ước mình nhanh lớn để dì Chi đưa đến gặp cô bé ấy. Và cũng từ hôm đó, thỉnh thoảng chúng lại lên đồi tìm hái những bông xuyến chi đẹp nhất mang về cho chị. Chúng chỉ phiền một điều là lần nào cũng phải chạy thục mạng về ngôi nhà có cánh cổng màu tím nhạt vì xuyến chi chỉ rời gốc không lâu đã heo héo, cánh hoa uốn cong lại buồn bã rồi... Cứ vậy chị chăm chỉ và hào hứng sáng tác ra những câu chuyện vừa gần gũi vừa mang tính huyền thoại kể cho lũ trẻ. Chúng hồn nhiên tiếp nhận, hồn nhiên làm giàu có hơn tâm hồn ngây thơ và vốn hiểu biết ít ỏi, thiếu thốn mà tạo hóa đã không ưu ái chúng- những đứa trẻ được sinh ra từ vất vả ruộng đồng, từ sự nhọc nhằn cơ cực của cha mẹ chúng- những con người chân chất và lầm lũi đã sống cùng vùng đồi màu mỡ nhưng vắng vẻ hiền hòa này.

- Cô Chi à! Mong cô thương các cháu! Vụ bắp cải này nhà tôi mất trắng. Tiền giống vốn cũng chẳng thu lại được nói chi đến công xá lãi lời. Tết nhất thì đang ở sau lưng...

- Chị định mượn bao nhiêu?- Chị dừng tay thu nhặt đám lá rung quanh mấy gốc cây, run run đứng dậy bước vào nhà.

- Tùy cô, cô thương các cháu với!- Người đàn bà cầm lấy rổ lá te tái chạy theo.

- Năm trăm ngàn được không chị?- Chị quay sang- Kìa chị cứ để đấy! Lát nữa em đổ ra phơi...

- Thế thì tốt quá! Cảm ơn cô! Cô thật phúc hậu!- Người đàn bà mừng rỡ, mắt chị rơm rớm.

- Tiền đây! Chị cầm lấy rồi về đi kẻo tối! Lúc nào rảnh mời chị sang chơi!- Chị đưa cho chị ta cái phong bì và rụt rè nói, giọng buồn buồn.

- Được rồi! Cảm ơn cô! Mùa màng xong, chị sẽ sang nói chuyện với em sau... Khổ quá! Bận bịu suốt ngày...

-...


Chờ chị ta đi khỏi, chị mệt nhọc ngồi xuống. Chị không giận họ, những người nông dân vừa hiền lành vừa vô tâm kia. Cũng chỉ tại họ quá nghèo. Miếng cơm manh áo cùng những lo toan vụn vặt cần thiết hàng ngày đã làm cạn kiệt sức lực họ, làm sao họ còn thời gian để dành cho chị dù chút ít? Và cả chị nữa? Mười năm sống ở đây, chị đã làm được gì cho họ hay chỉ nhìn mọi người bằng cặp mắt giận dữ và tủi phận như một con thú lạc bầy, rằng chẳng ai thèm biết đến sự cô đơn cùng những khát khao bé nhỏ đời thường của chị. Rằng người ta coi chị chẳng khác gì đám xuyến chi- loài hoa dại lan lung tung ở vùng đồi này...

Cách đây hai năm, mẹ chị qua đời. Bố và mẹ- hai người thân yêu nhất của chị đều lần lượt gửi nắm tro tàn bé nhỏ tại một thành phố giàu nhất nước Mỹ. Giờ đây, muốn thấy họ, chị phải thu lu trước màn hình với cuộn băng vidéo thì thầm trò chuyện. Chị thấy lòng mình thanh thản hơn khi mỗi ngày cắm vài nén nhang lên bàn thờ: “Mong bố mẹ phù hộ cho con!” Rất tự nhiên, chị ít nghĩ đến đất Mỹ hơn. Gia đình chị giờ đây là vùng đồi yên tĩnh, là căn nhà xinh xắn cùng lũ trẻ dễ thương ngày ngày huỳnh huy nh xô cánh cổng màu tím nhạt chạy vào... Thời gian đầu, chị như người thừa ra trong cộng đồng vì sự sang trọng và giàu có quá mức. Sau rồi, người ta cũng quen, thôi không dò xét tò mò nữa, chị trở nên thân thuộc dần dù không gần gũi. Tiếng là gần thị trấn, song cuộc sống của mọi người xung quanh giản đơn thiếu thốn quá. Tiền chị thì nhiều. Vậy là chị đánh tiếng cho vay. “Hãy đến mà lấy nếu bác gặp khó khăn!”. Và họ đến thật! Đầu tiên cũng rụt rè ngài ngại. Dần dà thành quen, thành chuyện thường ngày hơn... Thế là điều vừa buồn cười vừa xót xa đã xảy ra, có những người làm như ngẫu nhiên quên cả trả nợ, sáu bẩy năm chẳng hề ngó ngàng đến nó. Chị thấy cay đắng quá! Tại sao lại thế? Tại sao lại không trả tiền cho chị? Phải chăng họ nghĩ “Nó giàu có thế, lại ở một mình, không trả cũng chẳng chết!... Tại nó mời chứ tự dưng mình đâu đến hỏi!... Đang túng thiếu, tính sau vậy!... Số tiền này cũng chẳng đáng gì với nó!..."... Thế là kết cục, gặp chị họ vẫn chào hỏi nhưng tịnh không có ai nghĩ đến chuyện tới nhà chị khất nợ. Rất ít người mời chị đến nhà chơi, họ nghĩ chị đi lại khó khăn và cũng chẳng thích nhìn thấy khuôn mặt tròn bự cùng vóc người đồ sộ run rẩy của chị, càng chẳng có kẻ nào chịu lấy chị làm kẻ tâm tình. Chia sẻ cái gì khi chị chỉ suốt ngày ru rú ở xó nhà, đau ốm liên tục. Những điều chị biết thì toàn là sách vở vì ngày ngày, chị chỉ có mỗi việc ăn, ngủ và đọc sách. Từng bộ sách cao ngất nghểu trong nhà chị chẳng thể làm cho ruộng bắp cải của họ bớt sâu rầy, thùng gạo trong buồng nhà họ đầy hơn. Còn lũ trẻ ư? Chúng thích đến với chị thì kệ chúng, thiệt lợi gì? Nhà chị có cái ti vi to tướng, lại mát mẻ sạch sẽ, cứ để chúng chơi ở đó cũng tốt. Điều ấy cũng chứng minh rằng, chị chỉ có trí tuệ của cô bé mười ba tuổi mà thôi (!). Lũ trẻ thích thú là phải. Thế là chỉ khi đến vay tiền hoặc nhờ giúp đỡ, người ta mới coi chị là một người bình thường tốt bụng. Chị đón cái “diễm phúc” ấy vừa sung sướng vừa buồn tái tê... Giờ thì chị quen rồi. Ai mượn bao nhiêu chị đều kín đáo ghi chép cẩn thận, đơn thuần cho đỡ quên thôi chứ chẳng phiền muộn hơn khi người ta cư xử với mình kỳ cục như vậy. Vì chị biết, trên đời này có những người mặc nhiên bị thiên hạ xem thường bởi người ta xấu xí quá, răng người ta hô quá, mắt người ta lồi quá hay người ta vụng về quá trong hành vi cử chỉ khi ứng xử giao tiếp... Ai cũng cho mình được cái quyền chê bai, ác cảm với họ. Phải kiên cường lắm chị mới quen được với việc “xếp” mình vào “hàng ngũ” của lớp người đầy thua thiệt ấy và gắng sống bình thản trước tất cả, vui vẻ chấp nhận cả chút lợi dụng của ai đó như một điều tất yếu đối với bản thân mình. Bây giờ chị đã đủ tự tin, để có thể tự hào về mình, về những gì đã đang làm cho lũ trẻ và cho cả mọi người dù điều đó không hề được thừa nhận”. Trút một hơi thở dài, chị chầm chậm đứng lên đi ra cổng. Cảm giác thanh thản và bình an dần trở về...

Mấy hôm nay, không thấy lũ trẻ rẽ vào. Chắc chúng bận giúp bố mẹ cắt thêm vài tải cỏ hay thồ xu hào xuống chợ bán lấy tiền mua gạo nếp, đỗ xanh và quần áo mới. Ở đâu, dù nghèo khó hay thịnh vượng, những ngày cuối năm này cũng được bọn trẻ háo hức và rộn rã chuẩn bị. Ngày tết cổ truyền vẫn thấm đẫm niềm vui của trẻ thơ.

Gần bốn giờ chiều, chị khép cổng chậm chạp lần từng bước sang sườn đồi bên kia. Nắng đã nhạt hẳn sương giăng mờ khắp nơi. Hoàng hôn trung du đẹp hơn hẳn những nơi khác, nó khiến ta liên tưởng đến sự thanh bình mà hùng vĩ của đất trời... Đang chăm chú bước, bỗng chị nhìn thấy một cậu bé chừng bốn, năm tuổi đang tha thẩn chơi một mình. Nó mặc bộ đồ thể thao khỏe mạnh, khuôn mặt bầu bĩnh với những sợi tóc mềm lơ thơ hơi bết trước trán. Cậu bé hình như không biết có người đến gần, vẫn mải mê với trò chơi của mình. Xa hơn chút ít, một người đàn ông luống tuổi ngồi im lặng ngắm cảnh chiều tà. Chị thích thú theo dõi cậu bé và chỉ chốc lát, quên hẳn anh ta. Với sợi dây khá dài, nó loay hoay trước một cây mẫu đơn chỉ cao đến cổ nhưng tán xòe rộng nở đầy những chùm hoa đỏ rực, tròn xoe. Tò mò, chị lại gần cậu bé... Hí húi một lúc nó đã buộc được vài chùm hoa với nhau và hình như vẫn chưa hài lòng. Thỉnh thoảng, nó lại dừng tay ngắm nghía, quệt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ hồng, cử chỉ chẳng khác gì người lớn. Rồi nó xăm xăm chạy quanh cây mẫu đơn, dáng vẻ còn băn khoăn lắm... Chị bỗng bật cười thành tiếng. Một thoáng run rẩy, một chút khám phá khiến tâm hồn chị rưng rưng, mềm mại hẳn... Tiếng cười của chị làm người đàn ông ngạc nhiên, anh ta bước lại gần với cái nhìn dò hỏi. Chị khẽ khàng:

- Thế giới của trẻ thơ thật rộng lớn và huyền bí! Anh thấy không, chỉ cần một cây mẫu đơn bé nhỏ, cậu bé này có thể say mê với trò chơi của mình vài giờ đồng hồ không hề biết mệt. Nó đâu để ý đến chúng ta?

- Cô nghĩ như vậy ư? - Anh ta ngạc nhiên nhìn chị thích thú.

-...

Cậu bé lúc này dường như mới thấy người lạ. Nó ngước cặp mắt đen láy nhìn hai người rồi ngoái đầu xuống triền đồi cất tiếng: “Mẹ ơi”. Một phụ nữ trạc 30 tuổi cầm cái liềm nhỏ chạy lên. Cô gật đầu chào chị rồi dẫn cậu bé ra về, chị nhìn theo, ngạc nhiên:

- Ồ! Tôi cứ tưởng cậu nhỏ kia đi cùng anh?

- Cô sống ở đây à? - Người đàn ông không trả lời câu hỏi của chị

- Nhà tôi bên kia đồi. Cổng có màu tím nhạt, anh nhìn thấy không?

- Có, cô sống một mình sao?

- Một mình! - chị ngượng nghịu khi thấy anh ta cứ chăm chăm nhìn mình nửa tò mò, xem xét, nửa lạ lẫm... Rồi anh ta cười, nụ cười hiền hậu làm chị nhẹ nhõm hẳn...

Từ buổi chiều đó, người đàn ông rất hay đến thăm chị. Những hoàng hôn có nắng anh thường cùng chị lên đồi ngắm cảnh, nhìn mặt trời mệt mỏi chui gọn vào tấm thảm mây ngũ sắc nằm vắt ngang dãy núi trùng điệp nơi xa mang đi những tia sáng cuối cùng sau cả ngày rong ruổi... Họ nói đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển. Người đàn ông kể, anh ta là nhà văn đi thực tế ở vùng trung du này để hoàn thành cuốn tiểu thuyết đang viết dở về đề tài chiến tranh. Anh nói mình rất nghèo, lại thích lang thang đây đó nên chưa kịp có một gia đình. “Ai dám lấy tôi chứ? Tiền chẳng có, suốt ngày hí húi hết viết lách lại khoác túi đi biệt. Cả tháng không về qua nhà...” Chị lắc đầu tỏ ý không bằng lòng còn anh thì cười buồn buồn, vẻ trầm tư...

Chị có một cái tết vui nhất từ trước đến nay cùng lũ trẻ và anh dù mãi mùng ba tết anh mới từ thành phố trở lại. Bọn trẻ thấy dì Chi béo quý chú nhà văn cũng tỏ ra có thiện cảm. Từ ngày có chú ấy, chúng được đọc rất nhiều truyện tranh, sách báo hay. Thi thoảng, thằng Kiên, con Lý còn được đèo ra tận thị trấn trên chiếc Phượng Hoàng mới cùng chú nhà văn xuống chợ và khi về bao giờ cũng là một túi quà lớn khoác trên lưng...

Rồi chị mời anh đến ở nhà mình vì căn nhà nhỏ của vợ chồng anh cán bộ văn hóa xã khá chật chội. Những bữa cơm đầm ấm mang không khí gia đình khiến họ dường như hạnh phúc hơn. “Vậy là vẫn còn một người đàn ông xa lạ, không phải bố và anh trai, trân trọng quý mến mình!” - Chị thấy mình thật may mắn nên lặng lẽ, kín đáo chăm sóc anh. Có những đêm trắng, phòng anh không hề tắt ánh đèn. Nhiều lần anh bỏ đi đâu đó cả buổi, chiều muộn mới hớn hở quay về, khoe một tập bản thảo dày dặc những vết gạch xóa cùng bó xuyến chi đã héo rũ. Chị phì cười trước vẻ chân thật rất trẻ con của anh...

Thi thoảng anh về thành phố và lúc lên là một ba lô sách vở, tạp chí, những cuốn tiểu thuyết, sách nấu ăn cùng mảnh vải rất đẹp “Để em may đồ, anh phải nhờ mấy cô bạn thân đi cả ngày mới mua được đấy!”- Những lời nói dịu dàng của anh làm chị cảm động.

Xuân tàn, trời bắt đầu nắng. Mùa hạ tới không ồn ào dù đã có những trận mưa rào bất chợt đổ xuống vùng đồi. Đã ba tháng rồi họ sống chung dưới một mái nhà. Tình cảm nửa giống tình nhân với tình nhân, nửa như anh em ruột thịt nhưng ấm áp và thành thực. Người đàn ông cảm nhận được rằng, bên trong vẻ thô kệch kia ẩn giấu một tâm hồn trong sáng và đa cảm, một nội tâm phong phú cùng những suy nghĩ thánh thiện. Điều đó đã níu giữ anh ở lại vùng đồi này. Vẻ dị dạng của chị dần quen mắt và nó chẳng còn gây cho anh cảm giác gờn gợn như lúc đầu nữa. Rất tự nhiên thằng Kiên, con Lý và cả thằng Bi nghịch như quỷ con đều được chú nhà văn ưu ái đặc biệt. Người đàn ông cư xử với chúng như bạn bè vì anh tin rằng chính chúng chứ không phải bất kỳ ai, bất kỳ lời thức tỉnh, giáo huấn nào sẽ mở toang những cánh cổng nặng nề cũ kĩ nhốt từng tâm hồn cằn cỗi, mệt mỏi vì mưu sinh của người lớn và thổi vào đó miền sáng dịu dàng của sự chân thật, đồng cảm giữa con người với đồng loại, tự nhiên và ngây thơ giống như ngày ngày chúng xô cánh cổng màu tím nhạt thân thuộc ùa vào, mặt mũi còn lem nhem bụi bặm... "Giá mà em có với anh một đứa con!" Chị cười ngượng ngập, buồn bã khi anh khẽ khàng chải mái tóc dài óng ả của mình. Điều ấy làm anh đau đớn. Những giọt nước mắt của người đàn ông rơi xuống tóc chị mặn mòi. Giữa họ, vĩnh viễn chỉ có một tình yêu mang nghĩa tinh thần. Nó thiêng liêng và cao quý thật nhưng cũng vì thế, nó chẳng đầy đủ một tình yêu. Sự giản dị và đời thường trong cuộc sống lứa đôi, những đứa con xinh xắn khỏe mạnh... đó là điều họ rất khó có thể với tay đến. Họ giống hai đường thẳng song song, cả hai cứ mải miết đi từ đầu nọ sang đầu kia suy nghĩ, ao ước và thời gian thì cứ trôi đi vô vị, dằn vặt... “Em đừng buồn! Rồi em sẽ khỏi bệnh, sẽ gầy bớt, tự nhiên như khi em mập lên vậy! Chúng mình sẽ đợi! Chúa công bằng và nhân từ lắm!" Những lời an ủi như thế, người đàn ông thấy nhạt nhẽo và phi lý chẳng khác gì chuyện dỗ một đứa trẻ đang khóc đòi mẹ khi mẹ nó đã bỏ đi hoặc không còn trên cõi đời này nữa. Vậy mà anh vẫn nói, vẫn an ủi và chị thì lặng thinh, cố gắng mỉm cười...

Chuyện một người đàn ông đến sống cùng cô Chi làm cả vùng đồi bàng hoàng. Sao lại thế được chứ? Nghe nói anh ta còn là nhà văn cơ đấy! Rõ thật là!... Trong tâm trí họ nhà văn phải là người ở thành phố, trong những ngôi nhà to lớn sang trọng. Anh ta phải ăn mặc lịch sự, chải chuốt, chân phải đi giầy... Đằng này, trông anh ta thật kỳ quặc! Người thì cao lòng khòng, tóc đã điểm bạc, gương mặt khắc khổ. Anh ta chưa khi nào khoác com-lê cả... Mà làm thế nào cô Chi béo mồi chài được anh ta nhỉ? Lưng cô ta to như cánh phản, người tròn trùng trục lại cao chưa được mét rưỡi thế? Hay anh ta là kẻ “đào mỏ” thượng thặng? Ôi chao! Cả vùng đồi như lên cơn sốt dịch, chỗ nào cũng râm ran chuyện cô Chi... Những kẻ mượn tiền không trả thì hồ hởi, yên tâm lắm “Thằng cha kia ghê gớm thật! Lần này có lẽ hắn vớ bẫm! Đến mình, nợ vài năm rồi mà cô ta vẫn vui vẻ, xởi lởi thế kia thì cô ta tiếc gì hắn! Thôi, cho qua luôn!. Lo lắng làm gì trừ phi cô ấy đến... đòi! “Một góc tối tăm trong lòng họ lại trồi lên, to dần, choán lấy phần sáng sủa khác... Chị hoảng sợ lắm nếu người đàn ông bỏ đi nhưng vẫn gắng tỏ ra bình thản:

- Anh buồn lắm hả?

- Không! Anh thương em!- Người đàn ông nắm lấy tay chị lặng lẽ.

- Họ lạ quá đấy mà! Chắc phải khá lâu nữa họ mới quen được chuyện này... Anh! Hay anh cứ về thành phố đi... Cuốn sách cũng sắp xuất bản rồi...

- Anh biết phải làm gì, đừng quan tâm đến điều đó nữa, được chứ! -Người đàn ông dứt khoát, giọng vẫn dịu dàng.

Thế là ngày ngày, trong căn nhà của chị vẫn có anh và lũ trẻ. Bây giờ, chúng không còn được nghe dì Chi kể chuyện nữa nhưng bù lại, được thoải mái đọc sách và thi thoảng cùng chú nhà văn lang thang khắp vùng đồi. Chúng thích lắm. Với chúng, những người chủ căn nhà này thực sự là bạn tốt. Mọi lời đàm tiếu của người lớn chẳng mảy may làm chúng quan tâm dù chút ít...

Những tháng ngày vừa êm đềm vừa sóng gió như thế kéo dài đã được gần năm. Đầu đông, trời se lạnh, từng đợt gió mùa đông bắc tràn về làm khô cong những chiếc lá vàng thưa thớt rơi khắp vùng đồi, chị đột nhiên ngã bệnh. Người đàn ông đã quen với việc chăm sóc chị nên các bác sĩ quen thuộc lần lượt được mời đến... Nhưng lần này khác với những lần trước, chị rất tỉnh táo mà cứ yếu dần. Người ta vẫn không biết chị mắc bệnh gì nên việc điều trị trở nên phức tạp và hầu như không có kết quả.. Linh cảm có chuyện chẳng lành, người đàn ông tìm cách thuyết phục chị:

- Anh đưa em về thành phố! Ở đó...

- Em đã từng sống ở Mỹ! Người ta bảo em không có bệnh!

- Nhưng đã gần ba mươi năm! Y học bây giờ...

- Đừng thuyết phục em! - Chị mệt nhọc mỉm cười- Em không đi đâu cả! Em xin lỗi...

Vài tuần trôi qua thảng thốt, người đàn ông tuyệt vọng khi thấy tóc chị rụng bời bời từng món lớn. Làn da trắng hồng giờ nhợt nhạt xám lại. Mắt chị mờ dần... Dù có lũ trẻ cùng vài người hàng xóm tốt bụng ở bên, anh vẫn thấy mình có lỗi và đơn độc khi nghe chị thủ thỉ dặn dò... Hầu như không ngủ, anh đã ngồi bên chị hết ngày này sang ngày khác, hốc hác, câm lặng đến lúc chị trút hơi thở cuối cùng... Chị ra đi nhẹ nhàng và thanh thản vào một sáng tháng chạp có nắng ấm áp. Đám tang ngan ngát mùi hương trầm và trắng muốt hoa. Những vòng hoa sang trọng được người đàn ông mang về đặt trước linh cữu chị. Cả vùng đồi sực tỉnh khi thấy lũ trẻ tay ôm từng bó xuyến chi đứng cạnh nhau im lặng. Nước mắt của chúng làm mọi người chợt ngỡ ngàng. Trong họ dường như có sự thay đổi nào đó thật bùi ngùi, rõ rệt. Một người, hai người... rồi tất cả đều đến. Trên tay họ là nắm hoa rừng mộc mạc và cả những chiếc phong bì được cài kín đáo- họ đến trả tiền cho người đã mất và trân trọng, ngượng ngập cúi đầu từ biệt chị... Mọi người để chị yên nghỉ ngay tại khu vườn yên tĩnh, xinh xắn của mình. Mộ chị quay nhìn về hướng mặt trời mọc, tràn ngập nắng gió và ánh trăng...

Một tháng sau, người đàn ông về thành phố khi đã hoàn tất thủ tục rút tiền ở ngân hàng để xây dựng một ngôi trường khang trang cho đám trẻ vùng đồi. “Hãy giúp em cho thằng Kiên, con Lý và cu Bi học đến đại học. Em luôn mong ước điều đó”. Những lời trăn trối của chị vang bên tai anh thì thầm, tin cậy “Em hãy yên lòng! Anh sẽ giúp em thực hiện mọi dự định còn dang dở... Ngủ ngon nhé và chờ anh trở về...”

Một cái tết nữa sắp gõ cửa từng nhà, gấp gáp, rộn rã...

Người đàn ông trở lại vùng đồi. Mọi người đón anh như đón người thân thiết trở về. Lần này, anh mang theo một va li sách. Không phải cuốn tiển thuyết anh vừa hoàn thành mà là tập truyện ngắn của tác giả Hoa Xuyến Chi... Lũ trẻ mỗi đứa được tặng một cuốn. Chúng ngỡ ngàng và rất thích thú khi từng câu chuyện quen thuộc dì Chi đã kể giờ nằm ngay ngắn, sinh động trên những trang giấy trắng tinh... Những câu chuyện thấm đẫm tình thương yêu cùng tấm lòng bao dung của dì đã thổi vào chúng lòng can đảm, nghị lực cùng niềm tin tiềm tàng khi nghĩ về nỗi khổ đau, niềm vui sướng cùng những điều tốt đẹp của cuộc đời phía trước... Người đàn ông ngước nhìn lên trời. Gió lay nắng nhảy từ cụm lá này sang cụm lá khác, vàng óng, mềm mại... Thằng Kiên và đám trẻ quả quyết rằng, ba mùa đông qua, ngày anh trở về trời bao giờ cũng nắng ấm. Cả vùng đồi cây cỏ xôn xao và những bông xuyến chi khi rời gốc vẫn trắng muốt, tươi rói dưới nắng và gió mùa đông...

1.11.99
H.M
(133/03-2000)





Các bài mới
Gelka (24/03/2010)
Các bài đã đăng
Đón Tết (18/03/2010)
Ba nhạn (18/03/2010)
Mẹ (18/03/2010)