Tạp chí Sông Hương - Số 133 (tháng 3)
Gelka
10:14 | 24/03/2010
LTS: Anatoli Kudraves là một nhà văn Beloruxia tài năng. Phần lớn các tác phẩm của ông thể hiện cuộc sống của những người nông dân, người chủ chân chính, giàu bản sắc riêng và chân thành của chính quê hương mình. Tác giả đã dẫn dắt nhân vật của mình trải qua công việc tập thể hóa nông nghiệp, trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cả thời kỳ kinh tế đổ nát sau chiến tranh cho đến ngày hôm nay.
Gelka
Ảnh: Internet

Anatoli Kudraves nguyên là Tổng biên tập tạp chí “Nhiôman”- Minsk , Beloruxia, một thành phố kết nghĩa với thành phố Huế. Ông đã từng đến thăm Huế và Tạp chí Sông Hương nhân dịp kỉ niệm 5 năm ngày thành lập Tạp chí Sông Hương.



ANATOLI KUDRAVES


Gelka


Những cuộc điện thoại, thông thường, thường ngắn ngủi và lộn xộn.

- Chào em.

- Xin chào.

- Anh đây mà.

- Em nghe đây.

- Em sống thế nào?

- Bình thường thôi.

- Anh cũng thế. Vera thế nào rồi?

- Thật đáng mừng, cuối cùng thì con gái em cũng sắp tốt nghiệp trung học, rồi nó sẽ thi vào một trường nào đó, hoặc sẽ lấy chồng.

- Thật ngớ ngẩn, không có Vera thì cô ấy sẽ làm gì?

- Vợ em ấy à?! Thì cô ấy sẽ tìm cho mình một việc gì đó.

- Thôi được rồi, rồi bọn em sẽ thấy... À, em có biết vì sao anh gọi điện thoại cho em không?

- Em không biết, nhưng em rất vui khi nghe giọng nói của anh.

- À ha, anh cũng không định gọi điện thoại cho em đâu, nhưng mà Gelka đã gửi thư.

- Gelka nào?

- Piterova. Gelka Piterova. Em còn nhớ câu: “ Hôm qua tôi làm thịt một con vịt mà mỡ của nó phải được nửa xô...”

- Còn... Tất nhiên, em còn nhớ. Thế cô ấy viết gì?

- Cô ấy muốn mua ngôi nhà của chúng ta.

- Mua nhà chúng ta thế nào được? Thứ nhất, chúng ta không định bán nhà. Còn thứ hai, là bản thân cô ấy đang ở mãi tận Karaganda ...

- Cô ấy muốn mua và trở về sinh sống ở Lipnhixa.

- Ừ, có thể, thật là tốt, nếu như có người nào đó sống trong nhà. Ngôi nhà sẽ có sinh khí hơn, và...

- Em có cần tiền không? Nếu cần anh có thể cho mượn.

- Sao bỗng dưng anh lại nói đến tiền bạc thế. Nhưng nếu như có người... Gelka... Mà ngôi nhà thì bỏ không, vườn thì hoang dại...

- Thì cứ mặc nó hoang dại. Theo anh thấy thì hình như em đã sẵn sàng...

- Thì gượm đã, cứ để nguyên thế đã.

- Để nguyên cái gì?! Anh nhắc lại cho em rõ; Gelka muốn trở về nhà, về Lipnhixa. Và cô ấy thích ngôi nhà của chúng ta.

- Thì cứ mặc kệ...

- Mặc kệ cái gì?

- Nào, nếu như anh đã quyết...

- Quyết cái gì... Anh đã nói hết đâu. Tiếp sau bức thư thì chính cô ấy đã đến đây rồi.

- Cô ấy đến một mình à?

- Tạm thời thì một mình...

- Cô ấy giỏi thật đấy. Thế rồi sao?

- Chả sao cả. Chị Xônhia đã đuổi cô ấy từ ngoài cửa.

- Thế nào?

- Thì em còn lạ gì chị ấy nữa... Chị ấy đã gặp Gelka và nói thẳng vào mặt cô ấy: Cô đừng có mà nhòm ngó ngôi nhà này, không ai và không bao giờ bán nó đâu. Còn cô, Gelka, nếu như cô muốn trở về thì hãy về nhà của mình ấy hoặc là đi tìm cái nhà khác.

- Thế thì anh còn gọi điện cho em làm gì?

- Thôi, cám ơn em... Ta thỏa thuận với nhau thế nhé. Không gọi thì đã tệ mà gọi thì lại càng tệ hơn. Em hãy giữ gìn sức khỏe nhé.

Tiếng tít, tít, tít... trong ống nghe cho thấy cuộc điện thoại đã kết thúc.

Thường xuyên như thế. Im hơi lặng tiếng, sau đó thì xuất hiện, khuấy đảo cả thế giới này lên, sau đó lại mất hút chừng nửa năm, có khi cả năm chả thấy đâu. Đó là anh ấy, anh trai tôi, là tính cách, là phong cách của anh. Chúng tôi sống ở hai thành phố gần nhau, nhưng rất ít khi gặp nhau. Chỉ có điều anh ấy không hề giận khi tôi im hơi lặng tiếng và tôi cũng không vì thế mà bắt lỗi anh ấy.

Thế thì anh ấy gọi điện cho tôi để làm gì nhỉ? Và tại sao tôi chả thấy thú vị gì với cuộc điện thoại ấy? Điều gì làm tôi cảm thấy căng thẳng thế này? Thay vì lên giường đi ngủ vào lúc mười giờ như đã định, tôi lại đi xuống bếp, đặt ấm nước, ngồi đợi cho đến lúc nước sôi rồi tắt bếp. Tôi không uống trà mà lại tìm điếu thuốc và ngồi hút, mặc dù đã hai tháng nay, tôi không hút thuốc nữa.

Tôi không thấy thú vị vì anh ấy đã đề cập đến ngôi nhà. Tất nhiên là thế. Bố mất đã tròn năm rồi. Và chẳng ai có ý định bán nhà cả. Bán thế nào! Cứ để thế, dù tôi và anh ấy có đi đâu đi nữa. Dù cho ngôi nhà có bỏ trống, dường như xa lạ đi nữa. Thật tiếc cho khu vườn. Bốn năm trước bố đã cải tạo lại nó. Và nó đã đâm chồi, bén rễ...

Và Gelka, Piterova Gelka...

Trong trái tim của mỗi con người đều có một khoảng trống, nơi mà chính anh ta cũng không muốn để ý đến và nhất là lại càng không muốn để người khác biết đến. Chẳng phải vì ở đó cất giấu một điều gì đó đen tối, đáng sợ, đáng xấu hổ khi để người khác biết được, mà đơn giản chỉ vì ở đó cất giấu một điều gì đó rất đỗi quý giá, thân thương, thậm chí đôi khi còn là một nỗi đau. Và, đôi khi chỉ chỉ là tro tàn của những niềm hy vọng đã tiêu tan, nhưng anh ta vẫn không chùng, vẫn không nguôi. Mặc dù chính người đó không có lỗi khi để tiêu tan những gì không thể có, mà lỗi của anh ta, có thể, đó lại là vì chính anh ta là người đã tin vào điều gì đó mà không thể nào mong đợi được, tuy nhiên, cái niềm tin không trở thành hiện thực ấy dường như đã làm cho anh ta trở thành người có lỗi với những gì đã thành tro tàn ấy và có lỗi với sự âm ỉ không nguôi của đống tro tàn kia.

Gelka là một cô gái đẹp. Một vẻ đẹp khó tả, nó lồ lộ, đập ngay vào mắt khiến mọi người không thể thờ ơ được. Dáng người nhỏ nhắn, thanh nhã, nước da bồ quân với những búp tóc loăn xoăn xòa trên trán và đôi mắt màu xanh trời sắc sảo, bạo dạn và lóng lánh như cười. Ở con người cô toát ra sự nhanh nhẹn, sinh động và lóng lánh như thủy ngân. Mọi người ở Lipnhixia luôn gọi cô một cách âu yếm. Gelka “ Tôi mới gặp Gelka”; “ Tôi vừa bảo Gelka viết thư”. Gelka, Gelka...

Tôi không biết mọi người thì thế nào, chứ tôi thì luôn cảm thấy thật là khó, khi bất cứ lúc nào cũng cảm thấy những cái nhìn chăm chắm vào mình. Như thể bạn sống không phải cho bản thân bạn, mà là vì một ai đó và bạn không thể giấu mình đi đâu được, mà nếu có giấu được thì thế nào bạn cũng biết rằng ở đâu đó, có một ai đó đang nghĩ về bạn, đang dõi theo từng bước chân bạn. Và, có thể, chính bạn cũng bắt đầu nghĩ về mình như thể đang nghĩ về một người nào đó xa lạ và lạnh lùng. Tôi đã cảm thấy như thế, khi tôi nghĩ về Gelka còn chính Gelka, có thể, sẽ chẳng còn cảm thấy như thế đâu. Cô ấy sống với một niềm hạnh phúc luôn hiện rõ trên nét mặt và cô tự hào về điều đó.

Và hơn thế nữa

Bất cứ khi nào gọi tên cô ấy, trước hết tôi lại nhớ đến bố của cô ấy, ông Rưgor, gọi một cách suồng sã là “ Piter” đảo ngược của từ “ Tiper”. Một người đàn ông cao gầy với bộ râu của người đã ngoại ngũ tuần, ông luôn luôn mặc cái áo da thô mà thậm chí mùa hè cũng không thay. Rưgor là một người thợ mộc và là một người thợ đóng thùng giỏi. Bằng đôi tay khéo léo của mình ông ấy có thể làm được cả cái máy quay bơ lẫn chiếc đĩa gỗ dùng để đựng bánh, mà dù, ta có cầm lấy nó trên tay và nhìn kỹ cũng không hề thấy có một khe hay rãnh hở nào cả, như thể đó là một đô vật hình tròn hoàn toàn, thật hoàn mỹ và tuyệt đẹp.

Ông ấy sống cùng vợ và Gelka, cô ấy là con gái duy nhất của họ, trong một ngôi làng nhỏ chừng dăm bảy nóc nhà ẩn sâu trong rừng.Mọi người đều gọi ngôi làng nhỏ ấy là “ cái móc”, bởi vì nó nằm đeo vào cuối một ngôi làng chính dài. nơi có ngôi nhà của chúng tôi và chiếm giữ con đường dẫn vào thị trấn, một con đường ngắn và vuông góc mà nếu không có nó thì không thể nào gọi là “cái móc” được.

Thật khó mà nói được rằng ai đã chèn lấn ai ở “cái móc” ấy: có thể là rừng. Bạch dương, Hoàn diệp liễu, Miên liễu đang mọc lấn vào những khu đất mà con người đã đào xới, mà cũng có thể là con người, những con người bướng bỉnh đang giành giật từ rừng những bãi chăn súc vật rào kín. Rừng ở đây giáp với một khoảng trống lớn, mà cách khoảng bốn mươi mét kể từ khu vườn ngoài cùng là một bãi lầy phủ đầy trái nham lê chín đỏ bầm rơi rụng xuống. Đó là chốn thiên đường mơ ước đối với loài sóc, chồn và cả lũ sói nữa, và chỉ có nỗi sợ lũ sói mới giữ được lũ con trai chúng tôi không đến đó. Thực ra, không phải vì khu rừng đó hoang vắng, cũng không phải vì ở đó chó sói rất nhiều mà chúng tôi ít đến chỗ “ cái móc”, cuộc sống của số cư dân thưa thớt ở đó, đối với chúng tôi, như bao phủ một điều gì đó rất bí ẩn. Ngoài ra còn có một nguyên nhân mà tại sao chúng tôi ít đến đó: dân cư trong làng hầu như đều là những người đã luống tuổi và chẳng có ai cùng trang lứa với chúng tôi cả. Chỉ có Gelka, mặc dầu cô ấy cũng không cùng trang lứa với chúng tôi nhưng chúng tôi coi cô ấy là của mình, cô ấy đơn độc và đẹp nổi bật ở cái xó xỉnh ấy.

Tôi không nhớ tới Piter vì những cái thùng gỗ hay những cái đĩa mà vì những phẩm hạnh kì lạ của ông, những phẩm hạnh mà đối với một số người này thì họ cười khẩy, còn đối với một số người khác thì họ mỉm cười khoan dung và độ lượng. Piter luôn luôn biết một cách chính xác ở trong làng ai và khi nào thì họ làm thịt heo. Sau này, khi tôi đã khôn lớn, khi chính bản thân ông lão Piter không còn nữa, tôi mới bắt đầu nghĩ rằng ông lão Piter, rõ ràng, đã có cách nhẩm tính của mình, ai có và có bao nhiêu con heo và có ai khi nào chuẩn bị mài dùi. Mà cũng có thể ông lão có biệt tài đánh hơi mùi lông heo cháy. Khi người ta thui thì mùi lông cháy khen khét có thể ngửi được ở chỗ khá xa... Tôi còn nghĩ rằng, có thể, ông ấy còn nghe được tiếng kêu của con vật bị đâm vào tim trước lúc chết, dù điều này cũng không chắc chắn lắm vì Piter bị nghễnh ngãng nặng. Dù gì thì gì đi nữa, ngay khi nhà nào đó mổ heo, khi họ bỏ những gì ngon nhất vào chảo như gan, thịt, mỡ lá và khi khắp nhà dậy lên một mùi thơm làm cồn cào gan ruột, lập tức cửa được mở ra một cách nhẹ nhàng và ông ấy hiện ra trước khung cửa.

Ông ấy luôn đến không chỉ có thế, mà còn lôi ra từ trong túi áo da một xị vốtca và trịnh trọng đặt nó lên bàn như thể đó là một chai rượu một lít vậy. Bên cạnh các chai rượu nhỏ xíu như đồ chơi của trẻ con thì cái chai nửa lít hay một lít của chủ nhà trông càng to hẳn ra. Nhưng không ai có dịp đụng đến cái chai đó vì ông chủ nhà luôn để mắt đến cái chai đó và luôn rót thêm rượu của mình vào, nếu như có yêu cầu. Sau đó vặn nút chai lại rồi trả lại cái chai cho vị khách không mời mà đến đã say ngật ngưỡng và thường là người ta nhét cái chai vào cái túi áo da sâu hoắm của ông. Lưỡng lự một lát, Piter bỗng như bắt đầu nhớ ra: “ Này, cậu biết không, người anh em, hôm qua tớ mới làm thịt một con ngỗng, một con ngỗng cực to, và mỡ, người anh em ạ, mỡ của nó... dễ phải đến sáu phun tơ (*)...” Ông ấy luôn nói điều đó như thể trước mắt không phải là con lợn lòi đã bị xẻ thịt mà là “ sáu phuntơ” ấy, nếu như mà không nhiều hơn thì cũng bằng chỗ con lợn này. Lúc khác thì ông lão Piter lại kể là đã giết thịt một con lợn lòi, mà mỡ của nó nhiều bằng cả cái làng này. Ông lão Piter có cái mũi không bình thường, ông ta thường nói giọng mũi và chữ “ l” thì lại nói thành chữ “ nh”...

Ông lão Piter thì kì quặc mà Gelka thì... Tất cả điều đó dường như không tương hợp, nhưng mà nó là thế. Vâng, thật ít có điều gì ở một người nào đó mà lại không tương hợp...

Như những nơi khác, chiến tranh đã lan đến Lipnhixa của chúng tôi, chỉ có điều hơi muộn hơn vì làng tôi nằm sâu trong vùng đầm lầy. Sự xa cách những con đường chính, rừng và đầm lầy trở thành điều kiện đầu tiên cho phép con người làm nên sự bất ngờ. Họ thành lập các trung đội du kích và bắt đầu cuộc chiến giành lại từng mảnh đất quê hương từ tay bọn Đức.

Chiến tranh đã gieo rắc nỗi buồn khắp nơi, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục phần việc của mình dù với sự âm thầm, lặng lẽ, tựa như nước vẫn âm thầm chảy dưới lớp băng đông cứng kia.

Đối với chúng tôi, những chú nhóc, thì sự im ắng ấy chẳng có gì lạ cả, mà chỉ là một điều bí mật lớn đang bao trùm mọi người và đến lúc cần phải phanh phui và chứng minh cho mọi người biết một điều gì đó, thật bất ngờ và đặc biệt can đảm. Chúng tôi lùng sục bất cứ nơi nào mà chúng tôi đoán là ở đó có dấu hiệu tồn tại của điều bí mật đó, để không bỏ sót bất cứ một sự kiện đặc biệt nào cả.

Những buổi tối dạ hội là đặc biệt thú vị nhất. Bấy giờ người ta vẫn tổ chức các buổi dạ hội dù có thưa hơn so với trước chiến tranh. Dù vậy thì ngôi nhà vẫn như lắc lư theo tiếng gót dày rầm rập của vô số đôi chân đàn ông trong điệu Pôn-ca náo nhiệt hòa với tiếng đàn phong cầm và tiếng trống lục lạc. Đó không chỉ là những điệu nhảy thông thường mà là một cái gì đó hơn thế. Mọi người như đang trút mọi sự giận dữ hờn căm lên cái sàn nhà tội nghiệp kia, như thế cái sàn nhà có lỗi lầm gì đó và vì thế mà họ gõ, họ nện lên chúng một cách không thương tiếc.

Người lớn không cho phép lũ trẻ chúng tôi tham dự những buổi tối đó. Chúng tôi bị xách tai và bị dúi vào những góc tối mà không dám than phiền với ai cả: nếu bố hoặc mẹ mà biết được chúng tôi đã đến đó thì thế nào cũng bị ăn đòn thêm.

Nhưng rồi chúng tôi cũng kiếm mọi cách để đến đó và biết hết tất cả những gì xảy ra tại đó.

Không có buổi dạ hội nào mà Gelka lại không đến. Mà không có cô ấy sao được?! Tất cả chúng tôi đều biết rõ có hai chàng trai và cả hai đều là C trưởng của hai đại đội du kích khác nhau và đang theo đuổi Gelka, và chúng tôi đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra.

Mọi người đều biết rõ là Gelka đã có người yêu, anh Leonid Krivosev, người địa phương chúng tôi. Anh ấy đã tốt nghiệp lớp mười sớm hơn một năm và cũng như Gelka tốt nghiệp loại giỏi, nhưng giờ đây anh ấy đang ở ngoài mặt trận

Mọi việc kết thúc hết sức tồi tệ. Một tối dạ hội được tổ chức ở làng bên cạnh và tất nhiên, Gelka cũng có mặt ở đó, hai chàng trai kia cũng đến. Không ai giải thích được mọi việc bắt đầu từ đâu, nhưng cả hai đều vớ lấy súng. Anh chàng từ đội du kích Ivan Ivanovic, nhanh tay hơn, đã nổ súng trước...

Linh cữu của người C trưởng bị giết có cái họ hết sức lạ lùng đối với chúng tôi - Evstratov - quàn tại làng chúng tôi.

Đang là mùa đông, nhưng ngoài sân trời trở ấm còn trong nhà thì hết sức ngột ngạt. Nằm trong quan tài là anh, bình thản và đẹp với mái tóc đen xoăn bồng bềnh. Người láng giềng của nhà tôi bác Teklia cắt những nhành lau xanh đặt trên gối trắng hai bên khuôn mặt nhợt nhạt của người trai đã chết. Những nhành lan xanh như nhắc nhở mọi người rằng mùa xuân nắng ấm và mầu xanh sắp đến và cả cuộc sống nữa, nhưng chàng trai trẻ này không còn nữa và sẽ không bao giờ còn nhìn thấy tất cả những điều đó.

Mọi người trong làng đều đến tiễn đưa anh, họ đứng vây quanh quan tài của người du kích, nhưng không có mặt Gelka. Những nưgười phụ nữ thì cho rằng cô ấy không nên đến. Để những người du kích không trả thù cô ấy: một cô gái đã đùa với lửa và ngọn lửa kia đã thiêu chết một người...

Nhưng tôi lại ngóng trông cô ấy đến. Tôi cho rằng cô ấy không thể không đến. Và khi mọi người chuẩn bị khiêng quan tài lên thì cô ấy đến. Tất thảy mọi người đều giãn ra nhường lối cho cô. Gelka bước tới đầu quan tài và mọi người đầu nhận thấy, cô ấy như già hẳn đi sau một ngày đêm, khuôn mặt tối sầm lại. Gelka đứng yên lặng, không một dòng nước mắt, sau đó quay người và đi ra khỏi ngôi nhà và mọi người lần nữa giãn ra nhường lối cho cô và không ai giữ cô lại cả. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, như thế, bằng sự ra đi của mình, cô ấy đã cất được tảng đá đang đè nặng lên tâm hồn mọi người.

Tôi hởi lòng hởi dạ khi tất cả xảy ra đúng như tôi dự đoán. Gelka không thể nào cư xử khác được. Lòng tôi tràn ngập một niềm tự hào: chẳng lẽ ở đâu đó trên cõi đời này lại còn có những cô gái mà vì họ mấy chàng trai đội trưởng lại bắn nhau? Thật đáng tiếc, tất nhiên thế, là họ đã bắn chết nhau. Tốt hơn hết là họ đi vào rừng, cầm lấy súng và bắn vào bia. Thậm chí có thể bắn vào hộp đựng xì gà mà họ đặt trên gốc cây. Bước cách khoảng ba mươi bước chân và bắn. Và người nào bắn trúng đích người đó sẽ thắng và Gelka sẽ đi với người đó. Còn ở dạ hội, ở nhà, không ai thấy gì cả. Hoàn toàn không công bằng chút nào cả khi người C trưởng thứ hai bị đem ra xét xử tại tòa án du kích. Phán xét anh ta vì tội gì đây? Chả lẽ lại phán xét anh ta cái tội đã say mê Gelka?. Mọi người đều say mê cô ấy cơ mà. Trong khi đó ở Lipnhixa chưa một ai biết được rằng vị hôn phu của Gelka trung úy Leonid Krivosev, năm ngoái đã hi sinh anh dũng ở mặt trận Leningrad .

Trong làng không ai gặp Gelka cho đến hết chiến tranh. Đột nhiên Gelka xuất hiện và thực sự đã là một cô gái thành thị: môi mọng son và tóc uốn loăn xoăn. Cái váy cô ấy mặc cũng ngắn hơn so với các cô gái trong làng. Con người cô toát lên vẻ sống động và rất dễ xúc động. Ngay cả khi cười, cô ấy cũng gắng cười to hơn người khác, nói năng theo kiểu cách người thành thị, bỏ hẳn lối nói của người thôn quê.

Tôi nhớ rất rõ tiếng cười, không bình thường và thói quen đưa tay vuốt tóc như thể muốn giũ bỏ một cái gì đó của cô ấy “ Ôi, tôi chết mất”. Có một điều gì đó giả dối trong từ “Tôi chết mất” và trong mọi cử chỉ của Gelka. Thật đáng thương cho cái cô Gelka trước đây. Thực ra, tôi cũng ít khi suy ngẫm về điều đó vì tôi còn có những mối bận tâm khác. Đã đến lúc tôi phải đi học và kiếm tiền để mua sách vở, bút mực, phải đi hái và đi bán nấm, bán hoa quả, đi chặt củi liễu và phơi khô. Mùa hè năm đó, tôi chẳng hề mảy may đau lòng khi nghe thấy bà và mấy cô trong làng chế giễu, cười nhạo nỗi đau của Gelka.

Ít ngày sau khi Gelka trở về nhà, người mẹ giao cho cô đi chăn bò. Khi đó, ở trong làng bò còn rất ít và không còn chăn dắt thường xuyên nữa, mỗi người tự chăn bò của mình và chăn bò ở đâu tùy thích: cỏ bạt ngàn. Gelka chăn bò ở khá xa nhà và họ đã mắc một trận mưa rào lớn. Đó là một trong những trận mưa rào hiếm hoi, bất chợt trút xuống xối xả, ào ào và lượng nước của trận mưa đó phải bằng cả tháng mưa dầm cọng lại.

Gelka chạy về nhà người ướt như chuột lột. Người mẹ để cô đi thay quần áo và nghiêm khắc hỏi “Thế con bò đâu?” Và bà nghe câu trả lời: “Con bò chạy qua bụi cây đến bụi cây ở đầm lầy” “Cái gì” người mẹ không hiểu “Con bò chạy qua bụi cây đến bụi cây ở đầm lầy” Gelka nhắc lại.

Người mẹ không hiểu gì về những lời ấy, nhưng bà thấy rõ một điều là: con bò thì không thấy đâu, trời thì đang tối dần và Gelka thì đang chơi chữ trêu chọc mẹ. Bà vớ lấy cái gậy và chỉ ra cửa: “Tôi sẽ cho cô thấy cả bụi cây lẫn đầm lầy, cô cứ thế về nhà mà không có con bò xem?

Gelka chẳng phải đi tìm con bò, nó tự về nhà một mình sau khi đã trú mưa trong rừng dưới một tán thông. Và hình như chẳng có người ngoài ở trong nhà khi người mẹ nói chuyện với Gelka, nhưng kể từ ngày đó, bất cứ ai muốn trêu chọc Gelka đều bắt đầu bằng câu nói: “ Con bò chạy qua bụi cây...” Nhưng Gelka chẳng hề để ý tới điều đó. Dạo chơi chừng vài tuần lẽ, bông đùa: “ Ôi, tôi chết mất” và rồi lại lên thành phố.

Việc cô ấy trở về sinh sống ở Lipnhixa cũng bất ngờ như khi cô ra đi. Thực ra, cô ấy không trở về một mình mà với một anh chàng tóc vàng luôn luôn có nụ cười đắc ý, tên là Vaxili. Cùng với sức vóc của một gã trai trẻ, anh ta còn có hàm răng trắng đều rất đẹp và miệng luôn cười mỉa thậm chí cả khi người ta nói anh ta những điều thậm tệ, có khi còn giơ cả nắm đấm ra nữa. Mọi người đều nhớ rất rõ nụ cười đó.

Cạnh nhà ông lão Piter có một mảnh đất trống và nông trang đã cấp nó cho gia đình trẻ đó. Vài năm sau ở đó đã có một ngôi nhà và cái chuồng. Từ đất đầm lầy cây cối đã bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Đó là tất cả sức lực và công lao của ông lão Piter, dành cho con gái và con rể.

Chàng rể không biết thế nào lại trở thành nhân viên thu ngân, đi khắp thôn xóm thu thuế, thu bảo hiểm và công trái. Chắc chẳng còn ai nhớ khi chàng rể của ông lão Piter vác cái cào hay cái phạng, nhưng mọi người lại nhớ rất rõ khi anh ta mang cái túi tiền. Anh ta làm việc quên mình và hoàn tất công việc với nụ cười bất di bất dịch.

Ông lão Piter từ giã cõi đời một cách lặng lẽ và người ta chôn cất ông cũng âm thầm. Một thời gian sau mọi người mới chợt nhận thấy giữa chàng rể và ông bố vợ đã quá cố một điểm thật giống nhau. Nếu nhà ai đó tổ chức mừng đầy tháng, lễ đặt tên thánh, đám cưới và thậm chí cả đám ma nữa thì anh ta đều xuất hiện đúng lúc và luôn đứng ở một chỗ nào đó gần chủ nhà. Anh ta ăn và uống rất nhiều nhưng chẳng bao giờ say và không bao giờ quên một vật quan trọng khi ra về đó là cái túi của mình.

Trách nhiệm công việc của một nhân viên thu ngân đôi lúc buộc anh ta phải đi xa Lipnhixa, anh ta không kịp trở về nhà trước lúc trời tối và ngủ lại bất cứ nơi nào khi màn đêm buông xuống. Khi thì ở làng này, khi thì ở làng khác. Thoạt đầu Gelka rất tức giận, nhưng cô ấy còn có thể làm gì được? Thời tiết thì luôn thất thường: khi thì tuyết dày đặc, lúc thì mưa, rồi còn trách nhiệm công việc của Vaxili nữa, và nếu như anh ta không thể về nhà ban ngày thì cũng không ai để cho một người đi đường xa vào ban đêm. Nhất là trong tay anh ta còn cái túi đầy tiền và giấy tờ. Vì thế anh ta càng ngủ ở nhà thường xuyên thì Gelka càng yên tâm hơn. Có một thời gian, một số bộ đội đến làng chúng tôi để khai thác gỗ, củi, và chàng trung úy trẻ tuổi đã chọn nhà họ để ở trọ.

Chuyện đó xảy ra khi Vaxili đang đi đến một trong những ngôi làng xa nhất, thường thường từ đó mà trở về nhà phải mất từ hai đến ba ngày đêm. Dọc đường về nhà người ta đã nói cho Vaxili biết về người đàn ông đang ở trọ trong nhà anh. Người ta còn nói toạc ra với Vaxili rằng anh không nên chỉ có biết đi thu thuế táo và lê, rằng hãy dè chừng khi về nhà của mình thì không có ai chờ đón anh nữa...

Vaxili nghe tất cả những điều đó một cách bình thản và với nụ cười bất di bất dịch, anh trả lời:

- Cái cây thì chẳng có gì nếu như trên cây quạ đen không đậu?

Thực tế anh ta nghĩ gì thì không ai biết được, nhưng suốt cả tháng trời khi bộ đội khai thác và vận chuyển củi, gỗ thì anh ta luôn về ngủ ở nhà mình. Khi những người lính cùng anh chàng trung úy chuyển đi nơi khác, mấy ngày liền mọi người không thấy mặt Gelka đâu cả. Mọi người đều nói rằng quầng mắt cô ấy có vết bầm tím và sưng vù.

Việc Gelka và Vaxili rời khỏi Lipnhixa mãi sau này khi đi bộ đội tôi mới biết. Sự ra đi của họ tôi không chứng kiến, nhưng họ đã ra đi thì có nghĩa là cần phải thế. Cái loại thuế mà Vaxili từng đi thu đã được bãi bỏ từ lâu và với cái nghề ấy thì, rõ ràng, anh ta không thể kiếm được việc làm. Mẹ của Gelka bà Piterikha qua đời...

Có một thời kì huyên náo, khi rất nhiều người ở Lipnhixa, ở các làng bên cạnh rủ nhau rời bỏ nơi ở cũ và người thì đến Kotaganda kẻ thì Đonbass hay Karelia để sinh sống. Không biết ai là người Lipnhixa đầu tiên quyết định ra đi và đến làm việc tại một khu mỏ ở ngoại ô Karaganda và sau đó kéo theo những người khác trong làng cùng đi. Trong số họ có cả gia đình bác tôi, một gia đình cả thảy gồm hai mươi người. Gelka và Vaxili cùng đi đến đó.

Tôi nghe tin Vaxili cũng làm việc tại mỏ. Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên và tôi chợt nhận ra rằng chúng tôi đôi khi cùng nhầm lẫn khi đánh giá về một con người. Đấy, anh chàng Vaxili đấy, một nhân viên thu ngân thuế mà chả e sợ chút nào khi chui vào hầm mỏ. Còn Gelka... Gelka người vợ, người mẹ của những đứa trẻ. Có lẽ, cũng đã tìm được một công việc gì đó thích hợp cho mình.

Tôi đã nghĩ như thế và một số người rời làng ra đi mà giờ đây trở về làng như những vị khách cũng đã nói với tôi như thế. Còn Gelka và Vaxili thì không một lần trở lại Lipnhixa.

Mấy năm trước đây, vì công việc, tôi phải bay đến Kazaxtan. Lúc đó đang là mùa hè, xa xa dưới cánh máy bay, thảo nguyên là một màu vàng cháy trông giống như lớp vỏ của chiếc bánh mì nướng.

Vượt qua hàng ngàn kilômét mà không ghé thăm những người đồng hương, thăm bà con thân thích của mình thì thật là không phải vì thế tôi đã đến thăm họ.

Mọi người đón tiếp tôi như thể tôi đã đến từ Xiberi xa xôi. Còn câu hỏi thì: “ Ở đó bây giờ thế nào?” “ Bà thì sao? Chết rồi ư? Xem kìa! Thế còn ông Petrus! Cũng chết rồi? Thế đấy...”

Tôi thật sự buồn vui lẫn lộn giữa những con người đã từ lâu không còn coi tôi là người thân thích của họ nữa. Bởi tình thân, nó cũng giống như tình yêu, phải luôn duy trì ngọn lửa: sống cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, gặp gỡ nhau, trong khi đó thì thời gian chả khác nào một người làm vườn khắc nghiệt cắt bỏ ngay nhiều cành cây dù ở đó chỉ mới chớm xuất hiện dấu hiệu của sự khô héo. Anh ta cắt bỏ chúng mà không hề nghĩ rằng thậm chí cái cành đó dù đã chết khô thì nó vẫn gắn liền với cội rễ. Khi cắt bỏ chúng là chính anh ta đã cắt bỏ cả cội rễ của nó.

Tôi ngồi vào bàn với những người thân và chăm chú ngắm bà bác của mình. Bác tôi, một thời là một người đàn bà nhanh nhẹn, hoạt bát, vóc dáng xinh đẹp, khuôn mặt thanh tú, ăn nói sắc sảo và hành động thì kiên quyết. Chôn cất người chồng đầu tiên trước chiến tranh, còn lại một mình cùng ba đứa con nhỏ dại, sau đó bác tôi lấy một người đàn ông trẻ, sinh thêm cho ông ấy bảy đứa nữa và với đám đông đó bác tôi chả sợ đi cùng trời cuối đất

Hình như cuộc sống của bác tôi cũng không đến nỗi nào, dù rằng bác tôi đã già, mặt mũi đã nhăn nheo, mắt đã kém. Năm tháng và gia đình. Vâng, một gia đình đông đúc. Nếu tập hợp đầy đủ cả con lẫn cháu thì con số đã vượt quá ba mươi. Bác tôi cũng đã chôn cất người chồng thứ hai ở đây và giờ đây cũng chỉ còn lại một mình.

Và khi mọi người đều đã đói, khi những chiếc bánh được bưng lên, bỗng có tiếng chuông gọi cửa. Cửa mở, người bước vào nhà không phải ai khác mà là Vaxili. Hơn thế nữa, trong tay anh ta vẫn là chiếc túi thu ngân dạo nào nay đã cũ nát.

Tất cả điều đó hết sức bất ngờ đối với tôi. Còn Vaxili thì vẫn với nụ cười quen thuộc ngày nào, vẫn hàm răng trắng đều, vẫn khuôn mặt trẻ và đôi mắt tươi cười như thế hơn một phần tư thế kỷ đã không trôi qua kể từ ngày chúng tôi gặp nhau lần cuối. Chúng tôi đã gặp nhau lần cuối ở Lipnhixa, tại buổi liên hoan chia tay khi tôi đi bộ đội.

- Anh sao thế, ở đây vẫn đi thu thuế à? - Tôi hỏi.

- Không, giờ đây anh không còn là nhân viên thu ngân nữa. Bây giờ anh là nhân viên bảo hiểm. Anh nhận bảo hiểm tất cả: đồ gỗ, xe lửa, nhà cửa và cả sinh mạng nữa... Nếu cậu muốn, anh có thể bảo hiểm sinh mạng của cậu, nếu như cậu chưa mua bảo hiểm, ha? Cậu đi nhiều, bay nhiều, và mọi điều đó có thể xảy ra, ha?

- Em chưa mua bảo hiểm sinh mạng, mà em cũng không muốn đâu. Em chỉ thấy rất ngạc nhiên là năm tháng đã bỏ sót anh đấy.

- Bỏ sót anh ư? Anh đã nghỉ hưu rồi, mà năm tháng thì còn cần gì ở một người hưu trí? Anh có lương hưu của một người thợ mỏ, cũng khá. Còn khoản phần trăm bảo hiểm, chỉ là món tiền kiếm thêm, phụ thêm thôi.

- Cháu tưởng rằng ở mỏ cậu ta có thể sống thiếu nó ư? Bác tôi hất đầu chỉ vào cái túi của Vaxili.

- À, chả là anh đi phát lương cho các thợ mỏ mà. Vaxili giải thích, miệng thì cười cười, hai cánh mũi thì phập phồng như đang đánh hơi. Anh ta cũng đã ngồi vào bàn và trước mặt là một cái bát đầy.

Vào buổi chiều, khi cái nóng đã hạ xuống, trời đã mát mẻ hơn. Tôi cùng với Volodia, người anh con bác tôi, đi dạo trong công viên thành phố mỏ. Trong một góc công viên, trên chiếc ghế dài, anh đã kể lại cho tôi nghe về cuộc sống của mình và công việc ở mỏ. Công việc và cuộc sống của anh không đến nỗi tệ lắm.

- Nhưng dù sao đi nữa thì anh cũng sẽ không ở đây đâu. Anh sẽ đi công trường xây dựng hồ Baikan hoặc sẽ đi Kamtratka... Anh muốn ngắm nhìn thế giới này khi mình còn đang trẻ. Bất giác anh tôi kết thúc câu chuyện của mình.

- Thế còn mẹ anh thì sao? Tôi hỏi

- Mẹ anh ư? - anh trầm ngâm - Mẹ anh thì... càng ngày càng khó khăn hơn với bà ấy. Khi mùa xuân đến, bà sẽ về quê, về Lipnhixa. Bà ấy đi, còn mọi người thì đều ở lại đây. Suốt ngày bà cứ lẩm nhẩm: “Giờ này hoa đồng nội đã nở cả rồi”, “ có lẽ nấm cũng đã mọc”, “ còn ở đầm lầy, mấy năm gần đây chắc cây nham lẽ cũng đã mọc nhiều hơn, đấy, trên ti vi người ta dự báo thời tiết đấy: mưa liên tục”. Thế đấy, chỉ khi nào mùa thu chuyển sang đông thì bà ấy mới tạm yên lòng và dịu đi. Sau đó thì tất cả lại bắt đầu. Anh nghĩ, có lẽ là do tuổi già.

- Tuổi già chỉ là một phần, không khéo bác bị bệnh đấy.

-Ừ, có thể bà ấy bị bệnh. Bà ấy ăn uống đều không thấy ngon miệng.

- Thế anh tính sao?

- Còn tính sao nữa. Giá như bố anh còn sống, có thể anh sẽ nghĩ được điều gì đó... Bà ấy về Lipnhixa sống với ai cơ chứ? Tất cả con cháu đều ở đây...

Đâu đó phía sau lưng bỗng có tiếng động. Tôi quay lại nhìn. Phía sau lưng chúng tôi có một người phụ nữ còn khá trẻ, tay xách cái bao bố đi dọc theo rặng cây keo và chăm chú nhìn vào từng bụi cây. Tôi cảm thấy cái gì đó quen quen ở người phụ nữ ấy, nhưng cảm giác đó chỉ thoáng qua, như một sự hồi tưởng mơ hồ và biến mất. Volodia cũng nhìn theo người phụ nữ đó, sau đó anh quay sang tôi.

- Em có biết ai đó không?

- Không, làm sao em biết được.

- Em biết đấy... Gelka đó mà.

- Piterova Gelka?

- Chính cô ta đấy.

- Cô ấy... làm gì ở đây?

- Thu lượm vỏ chai. Ở đây, trong công viên này và những ngày nghỉ cuối tuần người ta thường mang cả gia đình tới đây và đem theo cả đồ ăn thức uống. Thông thường, để khỏi tha chai lọ về nhà, họ vứt chúng vào các lùm cây. Và thế là, cô ta đến đây và thu lượm chúng.

Điều đó thật là quá đáng. Gelka... Gelka đi thu nhặt vỏ chai ở công viên thành phố. Tôi chợt nhớ đến Vaxili, một người khôn ngoan, đẹp trai, một thợ mỏ về hưu, nhân viên bảo hiểm. Tôi cũng còn nhớ lời nói của anh ta: “ Nếu cậu muốn anh sẽ bảo hiểm sinh mạng cho cậu"

- Này anh Volodia, thế còn anh ta. Vaxili ấy, anh ta có biết là Gelka đến đây làm việc ấy không?

- Biết chứ, và biết rất rõ nữa là đằng khác.

- Anh ta sao thế, không đưa tiền cho cô ấy à?

- Rõ ràng là không rồi: anh ta rất keo kiệt. Giữa họ hình như không còn gì nữa, tan vỡ hết rồi... Thỉnh thoảng cô ấy có đến chỗ bọn anh, đến chỗ mẹ anh... Tất cả mọi người đều rất nhớ Lipnhixa... Volodia nói điều đó một cách trầm ngâm, mỗi lời như kéo dài ra

... Và một ngày mùa xuân đầy hoa. Điều này xảy ra sau khi bố tôi đã mất.

Tôi trở về ngôi nhà cũ, đứng giữa sân và nghĩ cách để vào nhà. Mặc dù chúng tôi đã nhờ người chị họ tên là Xonhia trông nom hộ căn nhà, chị ấy ở cách nhà chúng tôi một con đường. Nhưng nhờ thì nhờ vậy thôi chứ chị ấy cũng bận việc nhà, việc của mình...

Vòng một vòng quanh sân, tôi chợt thấy một làn khói xanh mỏng manh vờn nhẹ trên ống khói nhà bếp. Hình như anh tôi đã đến đây và đang nhóm lò. Củi thì chẳng phải kiếm đâu xa: Bố đã dự trữ cách đây ba năm. Chúng tôi nhóm lò cho ấm cúng và ngủ lại qua đêm và sáng sớm hôm sau cả hai anh em quyết định đi vào rừng. Đi qua đầm lầy còn hơi sớm, dù đã có đường mương rãnh cải tạo đất nên dễ đi qua. Chúng tôi men theo bìa rừng. Đã là đầu tháng năm, tiết trời ấm áp dễ chịu, những ngọn cỏ xanh non như những cây kim dũng cảm đâm xuyên qua lớp lá mục vươn lên khỏi mặt đất. Là là trên những mô đất một làn khói sương xanh nhàn nhạt. Không gian thoang thoảng mùi nhựa chồi non của cây dương và cây hoàn diệp liễu.

Chúng tôi đi sâu vào rừng, vòng qua những vùng nước còn đọng lại, nổi váng vàng do đất không thấm hết, khi thì chúng tôi chui lọt vào rặng miên liễu, khi thì đi vào những rặng thông ẩm ướt. Chúng tôi đi loanh quanh khá lâu mà vẫn chưa tìm ra được lối trống. Hình như chỗ này từng là một khu vườn của ai đó, dù những cây bạch dương và hoàn diệp liễu bị cây miên liễu bám chặt vào, nhưng rõ ràng đây là những cây được trồng làm ranh giới. Những cây mận được trồng trong khuôn viên khu vườn lâu ngày đã thành hoang dại. Ở giữa khu vườn hình tứ giác là những cây táo đứng đều đặn. Chứng tỏ người ta đã bỏ khu vườn này lâu rồi. Khắp nơi là cây tầm ma mọc tầng tầng lớp lớp.

Nhưng đáng ngạc nhiên không phải là điều đó, mà là khu vườn nở đầy hoa. Hoa nở chi chít đến nỗi không còn thấy thân cành nữa. Một bó hoa khổng lồ, đặc cứng.

Khi bước đến gần hơn, tôi đã sững người. Nhìn vào thân cây táo, tôi không tài nào hiểu nổi. Thân cây không tròn trịa mà là được đẽo gọt! Còn lớp vỏ thì không hẳn là vỏ cây táo, chỗ thì màu nâu đậm, chỗ thì màu socolat sáng nhạt và hoa thì nở đầy từ tán lá trên cùng xuống đến tận gốc: chỗ thì hoa màu này chỗ thì lại nở màu khác như thể có một người nào đó dùng bút pháp của mình vẽ lên thân cây vậy. Còn thân cây thì được viền trang trí giống như những dây cột veranda của nhà nghỉ.

- Em không tài nào hiểu nổi - tôi quay lại anh trai và đưa mắt dò hỏi.

- Em không hiểu cái gì? Anh ấy bình thản nói, thậm chí hết sức bình thản.

- Anh nhìn vào thân cây táo xem. Chúng sao thế?

- Bị đẽo nhẵn.

- Thế nào?... Bị đẽo nhẵn?

- Đúng, đẽo nhẵn bằng rìu. Một loại rìu thông thường.

Tôi bước lại gần một cây táo. Toàn thân cây là hoa nở màu hồng nhạt, thật yên bình. Những chú ong rụt rè hút mật. Thân cây, có thời gian trở nên cằn cỗi và con người đã vội vàng hoặc đã nổi cáu dùng rìu phạt ngang. Nhưng rồi cây hết sức mình tự chữa lành những vết thương ấy và từ những vết thương đó xuất hiện một làn da non, kể cả những chỗ vỏ cây đã bị bóc hẳn và nhựa cây như một lớp màng mỏng màu da lươn đã phủ bọc lấy chúng. Với cây táo thứ hai, rồi cây thứ ba cũng thế... Và khu vườn giờ đây đang nở hoa.

Tôi im lặng nhìn anh trai và chờ đợi anh ấy nói.

- Thế em có biết vườn của ai đây không?

- Em không biết.

- Vườn của Piterova Gelka đấy. Khi rời khỏi đây, cô ấy đã xách rìu nhảy bổ ra vườn và như một người điên cô ấy đã dùng rìu phạng tất cả cây cối trong vườn. Người ta nói rằng hình như một người đàn bà trong số những người mà chàng thu ngân Vaxili, thường ngủ lại qua đêm muốn chuyển đến chỗ này. Và thế là Gelka với cái rìu trong tay... “ Không phải dành cho tôi thì cũng không thể dành cho kẻ khác” Và thế là...

Tôi không hỏi gì thêm nữa. Tôi nhớ có lần tôi cùng với anh trai vượt qua đầm lầy, bóc vỏ cây miên liễu để bán lấy tiền mua sách vở. Khi đó rặng miên liễu kia đứng cô độc và trơ trụi.

Chúng tôi im lặng trở về nhà. Anh tôi, miệng thì hút thuốc liên tục, mắt thì nhìn đâu xa xăm. Tôi cũng chẳng muốn nói gì cả. Tâm hồn tôi trống rỗng và khó chịu. Như thể có một người nào đó rất thân thiết đã phản bội lại tôi và phản bội một cách công khai, trâng tráo.

Tôi không kể cho anh tôi nghe rằng cách đây không lâu tôi đã gặp Gelka.

Và tiếng chuông điện thoại.

Tôi ngồi trong bếp và hút thuốc, dù tôi đã bỏ thuốc được hai tháng rồi... và cũng đã hứa với vợ là không bao giờ hút nữa.

ThỦy Chi dịch
(133/03-2000)



 

Các bài đã đăng
Hoa xuyến chi (19/03/2010)
Đón Tết (18/03/2010)
Ba nhạn (18/03/2010)
Mẹ (18/03/2010)