Tạp chí Sông Hương - Số 134 (tháng 4)
Khi giảng thơ Xuân Diệu có nên giới thiệu bài “Hư vô” cho học sinh?
15:06 | 24/03/2010
HỮU ĐẠTKhi giảng dạy thơ ca của bất cứ nhà thơ nào, ngoài những bài được đưa vào sách giáo khoa việc giới thiệu thêm những bài thơ khác trong sự nghiệp sáng tác của tác giả là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi giới thiệu cần có những cách phân tích và đánh giá đúng đắn mới phát huy được việc mở rộng kiến thức cho học trò. Nếu không sẽ gây ra những tác dụng ngược lại.

Bài thơ “ Hư vô” là một trong các bài thơ vẫn được các thầy giáo cô giáo giới thiệu khi giảng về sự nghiệp thơ Xuân Diệu, mặc dù nó không nằm trong chương trình. Điều đó dễ hiểu vì Xuân Diệu là một trong những cây bút xuất sắc của phong trào thơ mới. “ Hư vô” là bài thơ thể hiện khá rõ nét đặc trưng về phương pháp sáng tác của trào lưu thơ ca này. Thế nhưng cách lý giải của các thầy cô vẫn chưa thỏa đáng để đáp ứng được sự mong đợi của học trò. Một mặt, không có sự gợi ý mang tính sư phạm ở sách giáo khoa. Mặt khác, bản thân bài thơ lại có những câu mơ hồ, khó hiểu khiến cho ngay cả các nhà thơ, các nhà phê bình cũng không tìm thấy lời giải đáp thống nhất.

Trong một cuộc trao đổi trên báo Văn Nghệ, Trần Đăng Khoa đã phê phán các nhà phê bình: phê bình gì mà “ cứ lủn mà lủn mủn” mất quá nhiều thì giờ để bàn về một câu thơ. Tuy phê các nhà phê bình như vậy nhưng chính Trần Đăng Khoa lại là người bỏ nhiều công sức viết một bài dài nhất về hai câu thơ này trong số các tác giả đã tham gia thảo luận. Chỉ riêng điều đó cũng đủ làm cho học sinh kinh hãi, chưa nói cái sự rối bời diễn ra trong cách lý giải khác nhau của mỗi người. Theo chúng tôi, chớ vội vã tin ngay vào điều các nhà phê bình hay nhà thơ đã viết mà cần có sự suy xét, cân nhắc bằng chính nhận thức của mình đề cùng tìm ra cái đích chung. Thơ hay thường đọc lên đã cảm được người đọc. Thơ càng hay thì càng có sức cảm ở các cấp độ khác nhau, lứa tuổi khác nhau, trình độ khác nhau mà không gây ra những phản ứng về tâm lý ngôn ngữ mẹ đẻ, trên trường ngữ nghĩa và cách biểu tượng cũng như cách thức tư duy của cộng đồng. Điều này ta thấy biểu hiện ở nhiều câu ca dao, nhiều câu thơ, bài thơ tuyệt tác của tiền nhân.

Nhìn nhận như vậy ta sẽ thấy ở đây có vấn đề. Nó không nhỏ và càng không “ tủn mủn” như Trần Đăng Khoa đã viết. Bởi vì nó liên quan đến hàng triệu học sinh không phải của một thế hệ. Đối với các em, không biết thì hỏi. Hỏi phải có người trả lời. Văn học vốn là một hiện tượng phức tạp. Sự đa nghĩa là khó tránh khỏi, nên việc giải đáp của người lớn là rất cần thiết. Việc giải đáp có sức thuyết phục hay không lại là một chuyện.

Có lẽ sự phức tạp chính ở một thói quen trong tiềm thức của chúng ta, vốn quan niệm nhà thơ nào lớn thì ở bài thơ hay không có câu dở. Thời xưa, trong văn học dân gian, các cụ đã cảnh tỉnh điều này qua chuyện tiếu lâm với cái ý châm biếm “ cái gì của trầm... thải ra cũng thơm cả”. Theo ý Trần Đăng khoa câu thơ trên là cái mã khóa của cả bài thì quả đó là cái mã khóa bị gỉ nên cho vào ổ nào cũng vừa mà rốt cục lại không mở được một ổ nào. Học sinh thì kêu lên đó là “ bàn tay quái dị”. Còn những người lớn thì mỗi người hiểu một phách, loạn xạ cả lên.

Có một cái gì đó ám ảnh khiến cho tất cả những người viết bài đều khăng khăng khẳng định đó là câu thơ hay? Đây là điểm duy nhất có sự thống nhất ở cả nhà phê bình và các nhà thơ. Nhưng để hay đúng theo nghĩa của nó thì có người đề nghị sửa lại vì nghi là in sai (Hồng Diệu, Vũ Quần Phương), có người thì lý giải phải hiểu nó thế này (Nguyễn Bao, Trần Duy Hiệp), có người lại bảo phải hiểu nó thế kia (Trần Đăng Khoa). Chỉ qua việc ấy đủ thấy đây không phải là câu thơ hay mà chính là câu thơ dở nhất của cả bài thơ. Cái dở này thể hiện ở chỗ nhà thơ này đã không tạo ra được trường liên tưởng ngữ nghĩa có trong tiềm thức của người Việt, càng xa lạ với trường liên tưởng của tư duy học sinh. Chính ở đây, Xuân Diệu đã rơi vào tình trạng “ lời bất tuân ý, ý chẳng theo lời”. Ông đã không tìm được một cách diẽn đạt có hiệu quả nhất để bộc lộ ý tưởng của mình.

Khi Trần Đăng Khoa lấy ý của Vũ Quần Phương để phê Hồng Diệu, coi ý của Hồng Diệu là phàm tục với cách hiểu “ đôi tay chín nóng”, chính Trần Đăng Khoa đã phàm tục hóa ông chứ không phải Hồng Diệu đã phàm tục hóa câu thơ. Bởi vì các từ “ chín nóng” mà Hồng Diệu đã giả định ở đây là với nghĩa bóng giống cách hiểu của nhà thơ Nguyễn Bao và một nét gần với nhà thơ Trần Duy Hiệp: “ chín” với nghĩa là “ trải qua, kiên nhẫn đến độ...”, “ nóng” với nghĩa là “ ấm”, “ nhiệt tình”, “ nhiệt huyết”... Hiểu như thế câu thơ đâu có phàm tục? Trái lại, nó thể hiện một cái ý mà Trần Đăng Khoa mất rất nhiều công phân tích: sự khát khao với đời, khát khao sống của nhà thơ Xuân Diệu. Chẳng vì mục đích giễu cợt, cố ý lái sang “ cặp móng giò nóng sốt” để làm bạn đọc hiểu lệch hẳn ý của Hồng Diệu, hạ thấp tầm nhận thức của một nhà phê bình trong ông.

Chính cái thước đo ở bạn đọc mới làm ta phải giật mình, nhất là sự cảm nhận rất tự nhiên của tuổi học sinh với bài thơ. Sao hai tay có mười ngón mà lại “ chín móng bám vào đời”? Theo cách hiểu của Trần Đăng Khoa thì “ chín” ở đây là con số 9. Tất cả mọi cố gắng của Trần Đăng Khoa nhắm lý giải một điều: chín móng bám vào cuộc đời thể hiện sự khao khát cuộc sống, bám vào hiện thực. Còn một móng là dành cho hư vô nên bài thơ mới có tên là “ Hư vô”. Từ đó người viết trượt triền miên trên cái đã suy diễn để nói tới thân phận, tới việc thương xót nhà thơ rồi cả quyết cái ngón hư vô kia cũng có ở mỗi chúng ta... thì ngòi bút đã đi tận đâu đâu chứ không còn bám sát thực với nội dung bài thơ nữa. Cách hiểu về hiện thực và tượng trưng rất ngẫu hứng và lung tung nên sự biện luận của Trần Đăng Khoa đầy mâu thuẫn, khi viết “ Với Xuân Diệu thì khác. Con số chín của ông ở trong bài thơ cụ thể này lại nghiêng về phía hiện thực, một hiện thực đặc biệt nhuốm màu ước lệ”. Thật kỳ qúa! Nếu người ít am hiểu về thuật ngữ và lôgic ngữ nghĩa sẽ tin ngay vào điều lý giải này. Trong bài viết, Trần Đăng Khoa đã nhắc tới cách phân tích văn học và phương pháp của triết học thì đây chính là phép đánh tráo khái niệm của thuật ngụy biện. Bởi vì, ai cũng biết “ hiện thực nhuốm màu ước lệ” thì không còn là hiện thực nữa, nó đã trở thành “ tượng trưng” rồi.

Trên thực tế, con số chín trong văn học vốn hay được dùng với nghĩa tượng trưng. Trong ca dao, trong thành ngữ, câu đối... ta gặp nhan nhản những cách dùng tượng trưng theo kiểu “ Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”, “ Chín đợi mười chờ”, “ Chín thương mười nhớ”, “ Trời ngất chín tầng cao giận khó trộm đào thêm tuổi mẹ”... Ây là cái lệ thông thường vẫn thế, còn Xuân Diệu có phá lệ để tạo ra sự đặc biệt hay không còn phải căn cứ vào sự sáng tạo của ông nữa!

Nếu coi “ chín móng” ở câu thơ này nghiêng về hiện thực thì đó là một hiện thực phi lý. Bởi vì, trong thực tế, muốn bám vào một vật nào đó ai lại không dùng móng mà phải dùng ngón. Có cái móng mà bám được như thế chỉ có móng quỷ hoặc là thứ móng sắt (hiện thực) đóng dưới chân ngựa. Mặt khác, chẳng có lý do gì để nói, dù là tượng trưng, nhà thơ đã dùng chín móng để bám vào hiện thực còn một móng dành cho hư vô? Chưa kể, chúng ta đã tạo ra một bức tranh hỗn loạn về lý luận, rất tai hại với tuổi học trò. Vì sao vậy? Nếu chúng ta xem xét lại những khái niệm cơ bản có liên quan đến việc phân tích câu thơ trên cũng như cả bài thơ đó, là các khái niệm “ hiện thực” và “ lãng mạn” chúng ta sẽ thấy rõ.

“ Lãng mạn” về bản chất là thoát li hiện thực. Thoát li theo cách nào, sẽ tạo ra các trường phái lãng mạn khác nhau.

Bài thơ “ Hư vô” được làm theo phương pháp lãng mạn. Nó là sự tưởng tượng của nhà thơ về cõi chết, về con đường đi tới hư vô. Thực chất, đó là sự bế tắc trước cuộc sống, là hoang mang không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Vậy mà có không ít người vì ngợp trước cái bóng của ông lại cứ thao thao khẳng định, thơ ông bám sát vào hiện thực thì lạ lùng quá. Đây là cách phân tích dựa vào cái bóng của nhà thơ chứ không phải là căn cứ vào văn bản để tìm hiểu về nội dung và giá trị nghệ thuật đích thực của thơ.

Có thể nói ngay, về mặt ngôn ngữ câu thơ mà ta đã mất công bàn tới chính là câu thơ dở nhất của bài, chẳng phải là khóa mã nghệ thuật gì ghê gớm cả.

Về ý nghĩa, ở lứa tuổi học sinh đang là tuổi ước mơ, khát vọng mà đã vội nghĩ tới “ Hư vô”, giới thiệu “ Hư vô” trong cách tán tụng và ca ngợi về cái hay của nó thì lại càng phi lý và phản giáo dục. Người thầy biết giảng thế nào cho đúng? Học sinh phải liên tưởng ra sao khi “ Hư vô” chỉ thích hợp với những người đã quá chán chường vì nếm trải mùi đời hoặc giả sắp đi vào cõi chết do già yếu hoặc bệnh tật? “ Hư vô” không phải và không bao giờ là mục tiêu suy nghĩ của tuổi trẻ. Giáo dục nghệ thuật không tính đến tâm lý, lứa tuổi sẽ tai hại biết nhường nào. Bài thơ này vẫn có thể được gọi là bài thơ hay (tuy có cả câu dở) nhưng chỉ hay trong phạm vi phản ánh được một khoảnh khắc tâm trạng hoang mang, bế tắc khi nhận thấy khoảng cách giữa cuộc sống với hư vô mà thôi.

Một bài thơ như thế giới thiệu trong học sinh quả là quá tải với nhận thức của tuổi trẻ mà không có hiệu quả giáo dục, thiết nghĩ là một vấn đề cần xem xét lại!

H.Đ
(134/04-00)



 

Các bài mới
Nhận dạng (01/04/2010)
Ở Paris (31/03/2010)
Biển muộn (30/03/2010)
Hoa cỏ (29/03/2010)
Các bài đã đăng