Tạp chí Sông Hương - Số 134 (tháng 4)
Cộng đồng lý giải - một tham số tin cậy trong tiếp nhận văn chương
09:08 | 25/03/2010
NGUYỄN THANH HÙNGTiếp nhận văn học thực sự diễn ra dưới ảnh hưởng của đặc điểm cuộc sống trong cộng đồng lý giải tác phẩm. Có được ý nghĩa phong phú của văn bản nghệ thuật là nhờ sự tiếp nhận của các thành viên độc giả tạo ra. Chính những ý nghĩa ấy chứ không phải bản thân văn bản, thậm chí không phải cả dụng ý của tác giả là điểm khởi đầu cho "chiều dài thương lượng" về giá trị của tác phẩm văn học trong lịch sử.
Cộng đồng lý giải - một tham số tin cậy trong tiếp nhận văn chương
Ảnh: sggp.org.vn

Ý nghĩa của một tác phẩm văn học không phải là bộ phận quan trọng nhất của văn bản mà là sự sống trải nghiệm và năng lực hiểu biết đặc trưng nghệ thuật văn chương mà mỗi người đọc có được trong quá trình tiếp nhận. Cần phải thấy sự hạn chế của kiểu phân tích thuần túy theo đúng văn bản, một kiểu phân tích tác phẩm khép kín diễn ra thông qua sự từ bỏ mọi mô hình giải thích dựa trên kiến thức của người phân tích. Cấu trúc nội bộ văn bản chỉ mới mang tính chất tiềm tàng trong khi độc giả chưa biến chúng thành hiện thực bằng việc đọc và đánh giá chúng. Không có lý do khoa học nào chắc chắn để nói rằng một thông điệp thẩm mỹ tự khắc được giải mã theo cách nó đã được nhập mã. Sự trùng khớp giữa giải mã và nhập mã về mặt xã hội học có thể được thực hiện với các chuyên gia, song độc giả nói chung không chỉ rút ra từ tác phẩm sự thỏa mãn bất ngờ của nhà phân tích mà họ cũng có thể cưỡng lại áp lực tư tưởng mà tác phẩm muốn tác động hoặc thay đổi những ý nghĩa mà văn bản nghệ thuật gợi ý hướng dẫn sự quan tâm của người đọc.

Công chúng tiếp nhận văn học là một hiện tượng phức tạp không thể xem nhẹ. Nghiên cứu sự tiếp nhận văn chương và kết quả đáng tin cậy của tiếp nhận phải lắng nghe và tôn trọng tiếng nói của các thành viên trong công chúng độc giả đó. Hiệu quả công việc này sẽ chấm dứt lối tiếp nhận chỉ tập trung vào nhà văn. Tiếp nhận văn học không thể bằng lòng tuân theo cách khảo sát và nghiên cứu hình ảnh người tiếp nhận thông qua văn bản nghệ thuật của tác giả.

Độc giả rộng rãi của tác phẩm là phần đáng để tìm hiểu khả năng và kết quả của cách "trò chuyện hai chiều" để đi đến những nhận định đúng sai, hay dở về một tác phẩm văn học.

Theo xu hướng thuyết phục nghệ thuật tuyệt đối, người ta nghĩ rằng nhà văn khi trao cho xã hội tác phẩm của mình, họ có toàn quyền kiểm soát hiệu quả tư tưởng, tình cảm của người đọc. Không phải thế, tư tưởng bá quyền (hégémonie) của tác giả chỉ là ảo tưởng. Cá nhân người tiếp nhận văn học có thể giải mã theo những thông điệp nghệ thuật nhà văn đã nhập mã vào tác phẩm. Bên cạnh đó người vẫn có thể tạo ra một kiểu giải mã gần đúng với mã của tác phẩm hoặc có thể dùng một mã hoàn toàn trái ngược với mã hiệu của tác giả. Có thể thấy vai trò tích cực năng động của các cá nhân tiếp nhận trong cách họ tự tạo nên kiểu nhận thức riêng của mình đối với nội dung văn bản nghệ thuật và trong cách thức họ tìm thấy ý nghĩa trong các thông điệp thẩm mỹ mà họ tiếp cận. Trường phái ký hiệu học ngôn ngữ không thừa nhận tần số xuất hiện các biểu trưng văn học là chỉ số của nội dung tư tưởng được thể hiện. Trái lại nó được tập trung vào việc khảo sát mối quan hệ cấu trúc giữa các biểu trưng văn học và coi chúng là những thành phần ý nghĩa nội dung nghệ thuật của tác phẩm. Cuối cùng nhưng biểu trưng văn học này lại khôi phục nội dung tiềm tàng của thông điệp thẩm mỹ vượt qua sự tương ứng giản đơn với nội dung hiện thực được thể hiện để khảo sát những ý nghĩa tiềm ẩn trong đó.

Không thể đánh giá các "quyền" của cá nhân người tiếp nhận văn học đến mức hoàn toàn không còn nhìn thấy đúng mức tác phẩm văn học với tư cách là đối tượng thẩm mĩ đã tác động mạnh mẽ, toàn diện đến người tiếp nhận. Đó là điều cần nói để giải thuyết sự tự do vô hạn ở người đọc.

Nhiều năm nay giới nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận quan tâm đến vấn đề người đọc sáng tạo, tham gia tích cực vào sự hiểu biết tác phẩm văn chương thông qua quá trình xây dựng biểu tượng với những ý nghĩa đặc biệt gắn liền với nội dung các thông điệp họ nhận được. Trọng tâm của vấn đề được chuyển từ "qui trình giải mã thông điệp" sang sự tập trung chú ý vào ngữ nghĩa học hay là quá trình xã hội hóa tác phẩm nhằm vào quá trình người đọc có nắm vững được ý nghĩa của các thông điệp được hình thức hóa trong tác phẩm hay không chứ không không phải chỉ là nhằm vào cảm giác thỏa mãn tâm lý của họ.

Văn bản nghệ thuật được lưu giữ nhờ chữ in đã thúc đẩy người đọc huy động năng lực thị giác hơn là thính giác và xúc giác làm cho môi trường quan hệ giữa các giác quan thay đổi cơ chế hoạt động. Thị giác tạo điều kiện nhiều hơn cho những hoạt động phân tích trí tuệ trong khi thính giác và xúc giác lại tạo điều kiện tốt hơn cho xúc cảm và trực giác.

Phải đi tiếp chặng đường nghiên cứu tiếp nhận bằng cách tìm hiểu đặc tính vật thể của văn bản nghệ thuật và các phương tiện chuyển tải thông tin thẩm mĩ trong tác phẩm cũng như ảnh hưởng của đặc tính vật thể ấy đến cuộc sống tinh thần của người tiếp nhận.

Cần nhận thức rõ ràng tiếp nhận tác phẩm văn học là tiếp nhận cái gì? Thông tin hay là sự nhập cuộc và dấn thân vào nghệ thuật. Người ta thường phân biệt "phương tiện nóng" và "phương tiện lạnh" trong ý đồ tác động của nhà văn đến người đọc. Phương tiện nóng được hiểu như là sự khêu gợi chủ quan đi kèm theo với nhiệt tình dẫn dắt đối thoại của tác giả, không đòi hỏi người tiếp nhận phải tham gia nhiều vào quá trình đồng hóa tác phẩm. Phương tiện nóng thường kéo dài đối với một giác quan nào đó và tạo ra mức độ tiếp thu thông tin cao hơn bởi tính chất động lực cuốn hút của nó. Phương tiện lạnh thì lại tác động sâu và cùng lúc đánh vào nhiều giác quan, chỉ cung cấp thông tin ở mức độ thấp nhưng lại đòi hỏi người tiếp nhận phải nhập thân và nếm trải thẩm mĩ. Điều này gợi cho chúng ta nghĩ về mục đích của tác phẩm không chỉ là thông tin mà là tạo ra môi trường văn hóa thẩm mĩ thích hợp để người đọc cùng sống trong môi trường đó. Mục đích hoạt động của cơ chế tiếp nhận văn học là chuyển hóa người tiếp thụ thông tin từ chủ thể tiếp nhận thành người tham dự vào nhưng biến cố và số phận con người trong tác phẩm. Chất lượng của thông tin lạnh này được thể hiện ở mức độ thỏa mãn và hòa nhập của người tiếp nhận vào đời sống của tác phẩm văn học.

Ít ra cũng cần phải lưu ý những nội dung sau đây trong cơ chế tiếp nhận:

            - Người tiếp nhận cần tham dự tới mức độ nào vào cuộc sống tác phẩm.

            - Khả năng đồng nhất các khoảng cách thẩm mĩ - tức là khả năng tác phẩm tạo ra sự hồi đáp ở người tiếp nhận.

            - Độ đậm đặc của thông tin thẩm mĩ được tác phẩm với những phương tiện nghệ thuật của nó chuyển tải.

Phương thức trình bày nghệ thuật trong văn bản nghệ thuật không phải được mở ngỏ hoàn toàn cho bất cứ cách cắt nghĩa nghệ thuật nào. Thật sai lầm nếu tưởng rằng người đọc có thể hoàn toàn theo ý riêng của mình để tiếp nhận tác phẩm. Có một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt văn bản tác phẩm và buộc người tiếp nhận chỉ được lĩnh hội tác phẩm theo một số cách ưu tiên. Đó là "đề án tiếp nhận" của tác phẩm.

Trong cộng đồng lý giải của người đọc do vị trí xã hội, trình độ văn hóa, do thói quen nghề nghiệp chỉ có số mã hạn định và kiểu cách không đồng đều để giải mã tác phẩm. Dù sao thì cách hiểu tác phẩm do tác giả đã lặng lẽ đề nghị trong "đề án tiếp nhận" của tác phẩm vẫn là cách hiểu chụm nhất và đúng nhất đảm bảo chân lý nghệ thuật trong tiếp nhận văn chương.

Giữa cộng đồng lý giải tác phẩm văn chương tồn tại những "khoảng cách thẩm mĩ" Trước hết đó là khoảng cách thẫm mĩ giữa những người tiếp nhận và tác phẩm văn học. Đó là điều hiển nhiên bởi vì người đọc tác phẩm đang tiếp cận với một mô hình nghệ thuật chứ không phải là nắm bắt một hiện tượng hay một quá trình thực tế hiện thực. Với ý nghĩa đó Lênin đã từng nói "những tác phẩm nghệ thuật không cần đòi hỏi sự xác nhận chúng như là hiện thực". Tuy vậy nhưng cũng không thể ngây thơ nhận định rằng tác phẩm nghệ thuật chỉ là sự bịa đặt đầy lầm lẫn. Ngược lại chúng là một thành phần của quá trình giao tiếp nghệ thuật giữa nhà văn và chủ thể tiếp nhận. Chính vì vậy tác phẩm văn chương là yếu tố của hiện thực xã hội đã được con người sáng tạo nên và có mối quan hệ tác động qua lại thường xuyên với người đọc.

Với tư cách là một mô hình, tác phẩm văn học không đồng nhất với những gì xuất hiện trên mặt giấy. Điều đó có nghĩa tác phẩm chỉ là điều kiện tạo nên quan hệ để rút ra những hành động thực tiễn của người tiếp nhận đối với những tình huống được trình bày, mô tả trong tác phẩm mà không liên quan tới những sự kiện diễn ra trong những điều kiện thực tế.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới khoảng cách thẩm mĩ. Về cơ bản có thể kể đến sự hiểu biết về phương thức trình bày nghệ thuật, ngôn ngữ văn học, quan niệm về bản chất, chức năng văn học và những nhu cầu, thị hiếu, thói quen thẩm mĩ. Tóm lại đó là tri thức chuyên môn là trình độ văn hóa, là đặc điểm tâm lý của cá nhân, của thế hệ và của thời đại khi tiếp nhận văn học.

Sự tồn tại khoảng cách thẩm mĩ trong tiếp nhận văn học còn phụ thuộc vào các nhóm độc giả khác nhau. Để đơn giản hóa việc phân loại độc giả người ta chỉ chia ra:

            - Loại độc giả thực tế. Xét về mặt xã hội, đây là những người đọc cụ thể diễn ra trong lịch sử tiếp nhận tác phẩm.

            - Loại người đọc giả định. Xét về mặt tâm lý, đó là hình ảnh người đọc xuất hiện trong quá trình sáng tạo tác phẩm của nhà văn.

            - Loại độc giả tinh hoa xét về mặt thẩm mĩ bao gồm những người đọc có trình độ chuyên ngành văn học. Những người được đào tạo, giáo dục cơ bản và tiếp tục được phát triển trong chuyên ngành cũng như tự học có kết quả.

Mỗi loại độc giả trên lại có những khoảng cách thẩm mi khác nhau nhưng tựu trung họ có những điểm chung. Loại bạn đọc thực tế thường cảm nhận tác phẩm tự phát và tùy hứng. Đặc điểm chung trong tiếp nhận văn học của những độc giả này là đi tìm sự đồng điệu, cảm thông của tâm hồn và trạng thái tình cảm cá nhân. Tiêu chí của sự đánh giá trong tiếp nhận lệ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm sống và cuộc đời thực tế. Ưu thế của lối tiếp nhận văn học ở họ là thiên về trực cảm, hồn nhiên. Bởi thế những độc giả này khi tiếp nhận văn học thường nhận định chủ quan. Mối quan hệ giữa nhận thức, đánh giá và thưởng thức không diễn ra đồng bộ.

Loại người đọc giả định là một bộ phận nhỏ của độc giả thực tế. Họ có thuận lợi cơ bản là có thể tìm thấy những hình tượng quen thuộc của giới mình trong tác phẩm. Vì thế kênh phản ánh và kênh tiếp nhận có nhiều cơ hội và điều kiện khai thông. Sự tiếp nhận qua những đặc điểm tâm lý nghệ thuật, bao gồm nhu cầu, thị hiếu và lý tưởng thẩm mĩ là ưu điểm của loại bạn đọc này.

Loại độc giả tinh hoa tiếp nhận văn học trên cơ sở hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về tri thức văn học. Họ hiểu rõ tác phẩm văn học là hình thức phản ánh cuộc đời bằng phương tiện nghệ thuật do cá tính sáng tạo của nhà văn. Trong quá trình tiếp nhận văn học, trình độ thích ứng của lớp độc giả này với sự phát triển và tiến bộ của văn học trong sự phản ánh cuộc sống là nổi bật.

Ưu thế của họ là thiên về tri thức chuyên ngành. Quá trình tiếp nhận văn học ở họ đảm bảo được sự hài hòa giữa nhận thức đánh giá và thưởng thức thẩm mĩ. Họ là những người tổng hợp, xây dựng nên những chuẩn cứ để đánh giá văn học và những giá trị ngày càng hoàn chỉnh, phù hợp với sự phát triển nội tại của văn học. Như vậy tiếng nói quyết định cuối cùng khi đánh giá chất lượng tiếp nhận văn học, chân lí nghệ thuật của tác phẩm văn học thuộc về cộng đồng lý giải chúng. Loại độc giả thực tế sẽ phát huy sức mạnh sự thật của đời sống và sự lắng kết kinh nghiệm nghệ thuật trong thời gian. Lớp người đọc giả định (Jean P.Sartre gọi là người đọc tiềm tàng) sẽ góp phần khẳng định nhu cầu, thị hiếu, thói quen và lý tưởng thẩm mĩ. Điều đó đóng góp quan trọng vào quá trình sáng tạo văn học và làm nên dáng dấp văn học một thời. Loại độc giả tinh hoa đóng góp chủ yếu vào việc thẩm định văn học, phát biểu khách quan về chân lý nghệ thuật và giá trị đích thực của văn học. Họ là những người phát triển những chuẩn cứ đánh giá văn học khách quan.

Giải quyết thấu đáo mối quan hệ biện chứng giữa lý trí và tình cảm giữa cá nhân và tập thể, giữa lịch sử và thời đại, giữa tính văn học và tính xã hội của văn học là mục đích phấn đấu của cả ba loại độc giả này. Sự phối hợp hiệu quả đọc văn chương của cả ba loại độc giả trên về một trào lưu, một giai đoạn hay một tác phẩm văn học sẽ là một tham số đáng tin cậy trong tiếp nhận văn học của bất cứ thời đại nào.

11 - 1999
N.T.H
(134/04-00)



 

Các bài mới
Nhận dạng (01/04/2010)
Ở Paris (31/03/2010)
Biển muộn (30/03/2010)
Hoa cỏ (29/03/2010)
Các bài đã đăng