Tạp chí Sông Hương - Số 134 (tháng 4)
Nhận dạng
09:31 | 01/04/2010
CAO GIÁNG HƯƠNGXin chúc mừng thành công của em. Chúc mừng em, người đạt huy chương sáng giá trong hội diễn...
Nhận dạng
Minh họa: Ngô Lan Hương

Đón bó hoa, Lai nghiêng nghiêng mái đầu đáp lễ, nụ cười nơi khóe miệng như cánh hoa hé nở. Cùng ánh mắt vui vui rạng ngời vẻ đẹp ngọt ngào, êm dịu của tuổi gần bốn mươi, mà ai gặp cũng khó quên, một cảm xúc mến mến, thương thương... Nhưng bỗng, đôi mày nét ngang trên khuôn mặt rạng ngời ấy nhíu lại, làm các đường nhăn mờ quanh mi, quanh miệng bỗng hiện về hội tụ. Sự hội tụ ấy chẳng hợp chút nào trên khuôn mặt trái xoan xinh xắn, dịu dàng mà rất đỗi cương trực của Lai. Có lẽ Lai khó chịu! Vì đâu đây có váng mây đen đã từng len lỏi vào bầu trời xanh, trong thế giới tâm hồn Lai thì phải?

Không lẽ, từ nét mặt hân hoan của người tặng hoa chúc mừng Lai, đã gây cho Lai một cảm giác quen quen, là lạ... Mà dù quen, dù lạ Lai vẫn phải trấn tĩnh lòng mình, để nói lời cảm ơn trong âm điệu trầm lắng nhiều do dự...

Ánh mắt, nét mặt là lạ của người chưa kịp quen trong hội diễn, tặng hoa mình là ai? Trở về vị trí mà Lai thu gọn tóc xõa trước trán như dọn lối cho bộ nhớ tua lại, những gương mặt đã gặp trong cuộc đời mình. Vị ấy là ai? Là ai? Mà hiện đang là thư ký của ban giám khảo hội diễn. Lai chỉ thường nhìn vị ấy, từ góc độ cũng như nhìn các vị giám khảo. “ Tất cả các vị đều có chung một công việc, một nét mặt nghiêm nghị, mệt mỏi với giờ giấc và công việc...” Nhưng tên các vị là gì, thì Lai nhớ người nọ sang người kia. Vì Lai còn mãi vui gặp gỡ với những người đồng nghiệp xa gần, mới cũ rất đáng mến của Lai.

Lời giới thiệu của trưởng đoàn: “ Thành phần đến dự tổng kết của đoàn trong đợt này tham gia hội diễn lần này, ngoài các đồng chí... Chúng ta rất vui là có đồng chí Tần Khê cán bộ nghiệp vụ, chuyên viên trung tâm câu lạc bộ... Đồng chí chính là thư ký số một của ban giám khảo hội diễn như chúng ta đã biết...”

À. Thế là Lai được biết người tặng hoa mình tên là Tần Khê. Tần Khê nheo mắt hướng về phía Lai nháy... Làm các nốt rỗ trên da mặt cứ nở ra lại co vào. Càng nhịp nhàng hơn khi nụ cười khóe mép hùa theo rất điệu đàng, nhưng chính vị đang cố ý che đỡ hàm răng mái hiên của mình, cứ luôn chực vào bờ môi... Nếu Tần Khê không ghé dung nhan sát Lai nói nhỏ: “ Anh rất có công với ý kiến về huy chương của em đấy nhé...” Khi vị trao hoa cho Lai, cũng là dịp Lai chiêm kỹ được từng nốt rỗ của vị ấy. Nhưng càng nhìn gần, nhìn kỹ Lai càng thấy quen quen, là lạ...

Từ khó chịu rồi ngờ ngợ và lúc này Lai thật sự lúng túng... Không lẽ. Không lẽ... Người ấy là? Là số những người đàn ông đã từng ân ái với Lai trong chốc lát ư???

Không. Không thể. Vì những năm tháng Lai lang thang “ đi bụi”, đã không biết bao gã đàn ông cùng Lai trong chốc lát. Lai có nhớ mặt ai bao giờ. Nếu có kẻ gọi Lai: “ Này em Lai, nàng Kiều của thế kỷ hai mươi, đã cùng anh vui vẻ đến bốn lần mà không nhận ra anh sao?” Lai đành buông lời “ xin lỗi” nhưng rồi Lai cũng chẳng nên nhớ đến họ để làm gì... nhớ, chỉ thêm phiền họ và khổ cho Lai mà thôi.

Tần Khê không thể là số đàn ông mà Lai từng cố quên được, vì ánh mắt hấp háy với cái mặt tổ ong và hàm răng mái hiên kia. Thì chỉ nhỡ gặp một lần, ai cố muốn quên cũng khó. Song gã là ai? Thì Lai vẫn chưa nhớ chính xác được. Phân vân day dứt mỗi lúc một dồn dập. Lai muốn mình có thể lạnh lùng, chai lỳ như hơn mười năm trước để có thể, dửng dưng với ánh mắt hấp háy của Tần Khê đang chiếu tướng vào Lai liên tiếp kia...

Thôi, Tần Khê là ai cũng là qúa khứ... Bây giờ là lúc chia tay với những người đồng nghiệp thân yêu của Lai. Lai phải vui, phải hò hét, phải cùng chúc nhau nâng cốc bia, ly rượu say say, ngọt ngào...

Nhưng thật trớ trêu, cái điều Lai kỵ nhất lại giúp Lai nhận ra Tần Khê là ai. Tần Khê chính là kẻ “ ăn bẩn”. Kẻ “ ăn bẩn” có tên là Tàu Khé của hai mưới năm trước đây...

Đã là kẻ “ ăn bẩn” thì cái chân tướng không thể che lấp bởi những lời nói hoa mỹ hay cái điệu bộ kiểu cách của họ cho dù thời gian có lùi xa, hay hình dạng đã đổi...

Không lẽ cách “ ăn bẩn” cũng được sử dụng như một vũ khí để tiến thân? Không. Không thể thế được. Nhưng nếu còn thế. Thì, ôi! Sẽ còn những số phận phải chịu đắng cay, cơ cực như Lai. Thật buồn...

Đã gần hai thập niên, Lai cũng khó nhận ra Tần Khê là ai, với cái thân hình tương đối bệ phệ và hàm râu quai nón, cố để che lấp phần nào cái mái hiên phía trong, nhưng nó chỉ thêm lởm khởm mà thôi. Có lẽ thế, mà Lai càng thấy quen, thấy lạ. Nhưng phải nhìn Tần Khê ăn. Thì dù, nay Tần Khê đã là một chuyên viên của cơ quan nào đi nữa, Tần Khê ăn vẫn không sạch.

Ấn tượng ấy sẽ được khẳng định rõ hơn, nếu ai được chiêm ngưỡng Tần Khê đang co chân lên ghế, chồm hỗm trong bữa tiệc hôm nay. Với cái miệng râu lổm chổm, nhồm nhoàm đầy thức ăn mà răng vẫn xiết chặt, ken két để dung dịch các thứ trong ấy đã được nghiền, không kịp xuôi vào. Mà cứ ứa ra trắng mép... Mắt lại luôn hấp háy chiếu theo mười quân đang bươn đảo trong đĩa thức ăn, tìm miếng ăn vừa ý. Thi thoảng tay còn đưa lên quẹt quẹt ngang mép. Mặc cho ai quanh mâm đã đứng lên hay ngồi xuống. Thì đối với Tần Khê cũng là việc tùy lòng. Phải chăng, đó là biểu hiện đức tính hồn nhiên, vô tư của Tần Khê đã quên rằng mình là người hào hoa, lịch thiệp trong giao tiếp... Nhưng lúc ăn, thì không ai nhận ra vị trí là người nữa.

Thật may, cảm giác lờm lợm đã lâu, nay vừa xuất hiện trong Lai được đẩy lùi vì khoảng cách giữa Lai và Tần Khê được nới rộng dần. Bởi những cánh tay đua chen nâng cốc chúc tụng, của những người đang hâm mộ vị thư ký số một, trong ban giám khảo hội diễn với những thông tin nửa kín, nửa hở về giải thưởng. Khoảng cách ấy giúp Lai có thời gian quan sát, mà suy nghĩ đến sự đời... Cũng lạ, cũng cái chân tướng “ăn bẩn” bằng cách này hay cách khác, thì không ít kẻ đã thành đạt, nhanh hơn người sợ “ ăn bẩn”. Ừ, có người đã nói: “ đó cũng là một tiêu chuẩn để tiến thân cơ mà...”

- Tôi hân hạnh được đón tiếp em, nào xin cạn ly để mừng thành công của em. Và cuộc hội ngộ này...

Lai giật nảy người, hơi lúng túng với ân huệ bất ngờ của Tần Khê đang đưa cốc bia sát miệng Lai. Lai đỡ vội cốc bia gạt nhẹ sang bên, cũng là động tác chạm cốc với người chúc mừng mình. Nụ cười nửa miệng duyên dáng, và lời “ cám ơn” khi ánh mắt Lai chiếu thẳng vào long nhân Tần Khê, làm Tần Khê hơi lùi lại một chút nhưng ánh mắt vãn dán chặt vào Lai. Mọi người như hiểu ý vị thư ký số một muốn gì?... Họ làm hiệu cho nhau dồn dần, dồn dần để Tần Khê sát vào Lai. Âm thang lanh chanh, loang choang của ly cốc chưa dứt, thì cả một miệng bia phì thẳng vào mặt Lai. Chân tướng lịch lãm của vị thư ký... đã được bộc lộ đến đỉnh cao, dù vị đã cố gìn giữ. Ngẩng mặt nhìn Tần Khê, nhìn mọi người qua những giọt mưa nhầy chảy trên má. Lai bất động trong ít phút dường như mọi người cũng cảm nhận đủ... Lai nâng tà áo dài, tay run run thấm nhẹ những vết bẩn. Mùi bia vốn đã nồng, Lai ít khi chịu được. Thế mà, nay lại từ miệng kẻ ăn không sạch phun ra, thì quả là: mùi không những nồng, mà còn hăng hắc nữa. Mọi người im lặng, Lai cũng thế, nhưng Lai được cơ hội thoát ra ngoài để tẩy rửa, để không phải chứng kiến những lời có cánh đang vây kín Tần Khê.

- Ôi! Tại anh xúc động quá. Người đẹp này có điện từ không cùng tần số với anh rồi.

- Anh để các em lau mặt, lau quần áo cho anh. Anh ngồi chờ một lát, là có xe đón anh về nghỉ.

- Hình như anh không được khỏe, vậy mà anh vẫn đến với đoàn chúng em. Đúng là diễm phúc lớn cho cả đoàn. Chúng em cám ơn anh.

- Dạ. Đoàn chúng tôi rất biết ơn anh đã đến. Đoàn có chút quà biếu anh. Mong anh nhận cho... Đoàn trưởng đặt phong bì vào tay Tần Khê, Tần Khê vuốt vuốt thấy cộm, nên nhếch mép cười và bắt chặt tay đoàn trưởng “ cám ơn, cám ơn các cậu hơi nhiêu khê”.

Đời lạ thế! Người bị phun bẩn vào mặt, thì lẳng lặng mà lui, còn kẻ phun bẩn người khác thì... Không lẽ đó là sự khuyến khích cùng nhau, lần sau cứ thế mà làm chăng?

Mặc dù đã bao năm liên hệ cùng làm việc với nhau, họ chẳng lạ gì nhau. Bởi Tần Khê chính là vị trưởng phòng văn hóa huyện vùng cao, tên cũ là Tàu Khé theo đúng tập tục của dân tộc Mèo. Còn mẹ Tàu Khé lại là con gái miền xuôi. Theo gia đình đi khai phá miền ngược, rồi được cha mẹ gả chồng cho trai bản Mèo. Chính vì thế mà Tàu Khé luôn được nâng đỡ và ưu tiên, từ anh thanh niên chưa hết cấp hai tham gia văn nghệ huyện, được đề cử làm trưởng phòng văn hóa huyện, rồi lại được chọn đi Đại học chuyên tu văn hóa, lại còn được ưu tiên chuyển về trung tâm phương pháp câu lạc bộ... Tàu Khé được hưởng đặc ân là người vùng cao với cái gien pha trộn, một thuận lợi cho chân tướng có sẵn của vị để có thể nhanh chúng thay tên, đổi dạng...


Khi Tàu Khé ngoài tuổi ba mươi đã có thâm niên năm sáu năm làm trưởng phòng văn hóa huyện. Lúc ấy Lai còn là cô học sinh cấp ba trường huyện. Do tai nạn khi khai thác gỗ, bố mẹ Lai đã qua đời. Lai côi cút bơ vơ, chẳng biết dựa vào ai, khi bố mẹ Lai cũng là kẻ côi cút gặp nhau ở lâm trường này. Lai đành nghỉ học để xin vào cơ quan của bố mẹ, mong được một việc làm gì đó mà sinh sống. Lai đang chờ nhận việc. Thì, được chọn đi tham gia hội diễn trang phục dân tộc miền núi do thầy cô giáo trường cấp ba giới thiệu với cán bộ phòng văn hóa huyện. Đi dự thi, nhờ có dáng người cao đẹp, khuôn mặt thanh tú, từ đôi mắt đến cái miệng đều tươi như hoa. Lai lại hát hay, múa khéo, nên sau lần đi hội diễn trang phục của tỉnh được giải cao. Thì, Lai được ủy ban quyết định tuyển dụng về làm nhân viên của Tàu Khé. Hai năm tiếp theo Lai luôn giành được giải thưởng (huy chương vàng, huy chương bạc...) của tỉnh và toàn quốc về thi giọng hát hay, về thi trang phục dân tộc. Cả huyện ai cũng khen Lai, đẹp nết và giỏi giang.

Trưởng phòng Tàu Khé vô cùng tự hào và tự thấy mình phải có trách nhiệm với tài năng xinh đẹp của huyện, của phòng. Lai trở thành vật báu của phòng Văn hóa, của cả cơ quan huyện. Nên lúc thì, cho cháu cân đường bồi dưỡng, lúc thì bánh xà phòng thơm tắm cho đẹp, mát da con gái... Lai hồn nhiên nhận qùa và nhận luôn sự chăm sóc ân cần của trưởng phòng. Mà chưa bao giờ phải nghĩ là, phải nói lời cảm ơn. Có nói, chỉ thêm phần khách sáo. Nhưng Lai luôn răn mình phải sống cho tốt, cho ngoan. Để không phụ lòng mọi người, để cha mẹ được mát phận nơi cõi vĩnh hằng.

Mùa xuân năm Lai tròn mười tám tuổi, Lai được cùng Tàu Khé đi cùng đoàn cán bộ huyện lên thăm, tặng quà và phục vụ các chiến sỹ biên phòng, đồn huyện nhà. Lai đã cùng người chiến sỹ đẹp trai, hát hay nhất đơn vị hát song ca say sưa những bài hát về tình yêu: như Gửi lời của gió của Duy Thái... Rồi Lai hát tặng các chiến sỹ những bài hát về quê hương về tuổi trẻ, về người lính và nhất là những bài ca trữ tình mượt mà. Tình yêu của Lai và người chiến sỹ cùng hát song ca, cũng được chắp cánh từ đấy...

Ba năm sau, Lai lên gặp trưởng phòng Tàu Khé, để báo cáo về đám cưới của mình. Trưởng phòng cứ hở hở, rồi nheo nheo mắt nhìn cô.

- Cô Lai định lấy chồng?

- Vâng, cháu và anh ấy yêu nhau đã ba năm...

- Nhưng ai cho cô lấy chồng vào tuổi này.

- Dạ. Anh ấy hai ba, cháu đã ngoài hai mươi...

- Tôi biết. Nhưng tôi mới đề nghị cho cô vào biên chế chính thức được vài tháng. Cô đã làm được gì chưa? Cô lấy chồng để cơ quan nuôi báo cô, cả nhà cô à?

- Dạ, cháu sẽ...

- Thôi. Tôi chưa đồng ý cho cô lấy chồng bây giờ. Cô đừng chống lệnh tôi, không tốt đâu.

Lai thật sự bàng hoàng lo sợ trước lời nhát gừng, thách thức của trưởng phòng, cô đành im lặng, để nghĩ cách đối phó. Nhưng khi người chiến sĩ biên phòng không thấy người yêu đến đơn vị như đã hẹn. Anh về thăm cô. Đáng ra, Lai phải vui mừng để giải bày, đẻ cùng tìm cách giải quyết cho đám cưới của hai người được tiến hành như đã định. Nhưng cô lại để tâm trạng lo sợ, xâm lấn và thiếu mặn mà với người yêu. Anh chiến sỹ khó hiểu và rất buồn, anh đi dạo quanh, lại được trưởng phòng của cô mời vào chơi. Chuyện trò. Chuyện những gì cô đâu biết... cô chỉ thấy khi người yêu về, xách ba lô chào “ vĩnh biệt”... rồi. Cô mới sững sờ gọi theo, nhưng người chiến sỹ ấy đã đi thẳng.

Tâm trạng Lai vẫn lo lắng vẫn ngại ngùng, khi cô nghĩ đến những cử chỉ lời nói của Tàu Khé, nhưng nguy cơ Lai có thể mất người chồng sắp cưới yêu thương của mình. Nghĩ được thế Lai vùng dậy bất chấp sự đe dọa của trưởng phòng, cô phải gặp anh ngay. Gặp anh, cô sẽ báo tin để anh biết, anh sắp được làm bố. Anh với Lai sẽ cùng sống dưới mái nhà hạnh phúc, có tiếng trẻ bi bô gọi mẹ, đòi cha. Đó cũng là điều anh luôn nhắc, luôn mong, khi hai đứa áp mặt vào nhau...

Ôi! những giây phút thật hạnh phúc, những tháng ngày thật đẹp. Lai sắp được làm vợ, làm mẹ...

Nhưng rồi. Thật tội... người chiến sỹ biên phòng được người yêu báo tin vui, sắp được làm bố thì... người lại, hắt hủi xua đuổi người yêu. Mặc cho dòng nước mắt hai người làm mờ đi tất cả...

- Cô về ngay. Về mà báo tin với thằng trưởng phòng của cô. Đó mới là cha của con cô, là chồng của cô. Lai chết lặng, đứng giữa nhà tựa cột gỗ. Rồi cô bỗng gào lên: “Tôi hiểu tất cả rồi. Vì sao Tàu Khé lại li dị vợ. Vì sao Tàu Khé lại chăm sóc tôi. Vì sao lại đe dọa, khi tôi báo tin, tôi sắp lấy chồng. Tôi hiểu rồi...” Người chiến sỹ đã quay lưng bước đều từ lúc nào... Tiếng gào của Lai vỡ òa trong không gian bao la, biến vào hư không. Không còn đứng vững nữa, Lai lao đầu chạy. Lai còn nói cho ai nghe nữa... Với người chiến sỹ biên phòng đã từng yêu thương cô hết lòng nghe ư? Nhưng người nông nổi quá! Người ơi...

Lai sẽ trút hết căm phẫn này vào đầu Tàu Khé... Nhưng vừa vào đến phòng Văn hóa, Lai nhìn thấy Tàu Khé đang ăn uống cùng với khách, giống tư thế hôm nay: “ miệng cũng nhồm nhoàm, tay cũng bươn bươn, mắt vẫn hấp háy, hấp háy...” và khi nhìn thấy Lai, Tàu Khé đảo mắt qua mọi người, rồi mới thốt lên “ ô Lai”... Thế là cô nôn thốc, nôn tháo rồi ôm ngực chạy... Dù Lai có kêu gào. Có khóc cha, gọi mẹ cũng không át được những lời tuyên bố của Tàu Khé là: “ Tàu Khé sắp cưới cô Lai xinh đẹp, giỏi giang nhất huyện làm vợ. Đám cưới sẽ to nhất vùng”. Không những thế, Tàu Khé còn vỗ ngực trước bàn ăn đông đủ quan khách của huyện: “ Tuy Tàu Khé đã một đời vợ, lại gần tứ tuần rồi, mà vẫn có bé xinh đẹp hiến dâng cuộc đời...” Mọi người nghe rõ lời Tàu Khé nói, họ có lời ra tiếng vào. Có người thì ngậm ngùi cho số phận của cô gái xinh đẹp, nết na nổi tiếng của huyện. Nhưng đó, lại là việc riêng. Mà là việc riêng, lại là tình cảm cá nhân. Nên chẳng ai bảo ai, họ đành im lặng để lo việc của họ...

Nhưng Lai, Lai căm giận, phẫn nộ lo sợ mà lại xấu hổ... Cũng có lúc cô định chấp nhận làm vợ Tàu Khé cho xong, cho yên thân. Nhưng nhiều khi cô lại muốn cấu xé Tàu Khé, nhất là lúc hắn nói lời vỗ về, dụ dỗ cô:

- Anh sẽ yêu thương, mẹ con em suốt đời, anh không bao giờ để em phải khổ. Anh yêu em vô cùng bé ạ. Bé làm vợ anh là bé không bị đuổi việc, bé lại được luôn bên anh. Bé muốn gì cũng có. Bé nghe anh đi. Nào anh yêu bé nào...

Lai không nghe rõ Tàu Khé lảm nhảm gì nữa, cô lừ lừ nhìn hắn. Rồi khúc đầu, giơ mười ngón tay như vuốt của mèo sát mặt hắn. Tàu Khé dùng sức ghì chặt Lai, và vẫn những lời lảm nhảm... Lai lại nôn ọe, hắn đành buông cô ra. Lai lao đầu chạy vào rừng, nơi đây Lai đã cùng ai ngắm trăng, ngắm sao... Rừng cây và thảm cỏ như muốn ôm ấp che chở Lai. Gió nhè nhẹ đưa, Lai thiêm thiếp trong niềm vui, đang được vùi sâu trong vòng tay trong người yêu, người chiến sỹ biên phòng đẹp trai, hát hay nhất đơn vị của Lai...

Từ ngày đó Lai luôn có mặt nơi rừng cây, bãi cỏ lúc nào cũng nguyên hơi ấm của người Lai yêu thương thì phải. Lai thầm gọi anh, mong anh, người chiến sỹ biên phòng với tình yêu trong sáng mà nông nổi. Người sẽ trở lại nơi này, nơi tràn đầy kỷ niệm vủa tình yêu, Lai hy vọng và mong ngày, mong đêm, hết một tháng rồi hai tháng... Người chiến sỹ không đến, Lai hận lắm, hận người bao nhiêu, Lai căm thù Tàu Khé bấy nhiêu, Lai thà chết nơi này, chứ Lai không thể làm vợ Tàu Khé. Mặc cho hắn tìm đón, van nài, hết đe dọa, lại cầu xin... Lai muốn chết nhưng! Lai xoa nhẹ vào nơi mầm mống của tình yêu đang vần vũ, đang lớn dần trong Lai???

Thế là... chừng ba tháng sau đó, mặc cho lời xì xào chép miệng, đẩy đưa của mọi người, Lai đồng ý về xuôi cùng với anh chàng lái xe kiểm lâm. Chàng lái xe kiểm lâm ấy, đã từng theo đuổi săn đón Lai rất lâu, nay chàng được dịp thể hiện tình yêu của mình với Lai.

Lai đã định phận sống với chàng lái xe kiểm lâm ấy. Nhưng, khi cái sinh linh bé nhỏ trong Lai bị thoát ra ngoài. Vì không chịu được cuộc chinh chiến hết Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa rồi Vĩnh Linh... trong điều kiện ăn nghỉ thất thường. Lai bơ phờ, hụt hẫng không giữ được con. Nên Lai cự tuyệt luôn với chàng lái xe định cưu mang đời mình. Lai lao vào chốn giang hồ để trả thù, để rửa hận. Động cơ ấy đã giúp Lai nhanh chóng từ hoa hậu thành đại ca, đại tướng... Khắp vùng cánh lái xe Bắc Nam bậc anh chị và các tay chơi có hạng đều muốn được Lai tiếp... Nhiều anh hùng hảo hán, nhiều đấng tay chơi quân tử muốn đón Lai về làm vợ, Lai từ chối. Lai còn phải trả thù, trả thù...

- Lai trả thù ai? Trả thù đến bao giờ?

Câu hỏi ấy cũng là lời kêu gọi thiết tha của người bạn học cũ cùng trường nay anh là lính lái xe. Anh gặp Lai trong một đêm mà Lai đã cạn kiệt sức lực. Lai đâu còn sức mà tránh người bạn ấy như mọi lần nữa. Người bạn là lính lái xe đã tìm hiểu tường tận về Lai. Anh cảm thông và xót xa cho thân phận người bạn học cùng trường, như em gái anh vậy. Lai làm sao cảm nhận được điều ấy ngay nên cô dằn, hắt anh. Vốn anh là lính lái xe Trường Sơn và đã nhiều lần va với các loại khách làng chơi, giới giang hồ. Trong anh luôn giữ hình ảnh Lai thuở học trò khi nghĩ về trường học. Nay gặp lại, anh muốn cứu vớt bù đắp cho số phận bạn gái như em mình ấy. Anh đã lập một kế hoạch, phải độc quyền được Lai thì mới hy vọng cứu được Lai. Và anh đã nhờ sự giúp đỡ của bạn bè đồng đội. Rồi anh dám san nửa cơ nghiệp để thực hiện kế hoạch của mình. Thế là, trong năm bảy chuyến chạy suốt Bắc Nam, anh tìm cách mời Lai đi cùng. Anh đã chinh phục được Lai bởi tính kiên trì và lòng dũng cảm, lại rất rộng lượng của người lính. Từ mến phục anh, Lai đã nhận lời làm vợ anh, người lính lái xe bạn học cùng trường cũ năm nào, nơi Lai từng sinh ra và lớn lên. Để có ngày hôm nay.

Vợ chồng Lai làm sửng sốt giới giang hồ, trong sự nghi ngại mà họ không nói ra, nhưng họ kính nể tình yêu chân thành cởi mở của số phận đầy truân chuyên và gian truân, ở hai con người như Lai và anh.

Lai vốn là người phụ nữ xinh đẹp nhưng gặp bất hạnh, nay Lai được chồng yêu thương, bù đắp về tinh thần và vật chất. Nên cô đặp rực rỡ, đằm thắm mà lại rất kiêu sa trong sự ngỡ ngàng, trầm trồ của mọi người. Con gái của vợ chồng Lai ra đời, cũng xinh đẹp như mẹ. Nhưng gan góc và ý chí kiên cường như cha, được bộc lộ khi đòi cha mẹ những gì nó muốn. Con gái nhỏ là niềm vui. Niềm hạnh phúc lớn lao của người lính lái xe bao năm vượt Trường Sơn. Và từng lăn lội với cuộc đời sóng gió của năm tháng chiến tranh, nay anh muốn nghỉ để được quây quần bên vợ con. Để cùng nhau ngắm luống hoa, chăm đàn gà, đàn bê và cả những lũ hươu, nai ngơ ngác như trong phim hoạt hình của tuổi thơ. Cảnh đẹp bên những con vật khôn ngoan, nhanh nhẹn. Cuộc sống thật êm ả thanh bình. Còn gì hạnh phúc hơn, đối với những số phận như vợ chồng Lai. Âu cũng là niềm khao khát, hoan hỉ của nhiều gia đình bạn bè, đồng đội của họ, biết họ.

Tiếng lành đồn xa, bạn bè đồng nghiệp, đồng đội xa gần, thân quen khắp nơi có điều kiện dẫn về thăm vợ chồng Lai. Ai cũng mừng, cũng vui, và cũng có người ôm Lai khóc vì quá vui sướng nhìn thấy cuộc sống và hạnh phúc của bạn. Một người đồng nghiệp cũ của Lai đến tìm và mời Lai về tỉnh tham gia chương trình văn nghệ quần chúng, để tham gia hội diễn toàn quốc. Lai không khỏi do dự và ngại ngùng, nhưng chồng Lai động viên:

- Em nên tham gia, đây là dịp được gặp lại bạn bè đồng nghiệp cũ cũng là dịp em thử sức mình có thể xếp vào cỡ bậc nào trong làng nghệ thuật quần chúng hiện nay em ạ.

- Anh ơi! Huy chương sáng giá nhất hội diễn, em không dám tin là thật, khi em nghe vị chủ tịch hội đồng giám khảo nhận định sau buổi diễn của đoàn và trước những đông đảo đồng nghiệp của em.

- Vui quá, em đã gọi to tên anh và con. Hai bố con có nghe được không? Giờ này anh đang ru con ngủ và ngóng chờ tin em nhiều lắm hả? Vâng, ngày mai em sẽ ở bên anh và con rồi mà.

Tiếng còi xe báo, đã đưa Tần Khê về nơi an nghỉ... Lai cũng đã gột sạch được những vết bẩn. Song chút xon xót trong tâm can khi Lai đang nghĩ, ở một nơi nào đó vẫn còn chân tướng như Tần Khê (Tàu Khé). Thì, ôi! Những số phận khổ đau sẽ còn lập lại...

Giá như cuộc phát động làm sạch môi trường, mà làm sạch luôn cả những chân tướng ấy, thì sẽ tránh được bao tai họa cho xã hội chúng ta.

Nhưng dù sao thì váng mây đen cũng phải tan để bầu trời xanh, sẽ xanh mãi... cho đôi mày nét ngang trên khuôn mặt dịu dàng mà cương trực của vợ người lính một thời oanh liệt, vẫn xinh đẹp và giỏi giang nhất vùng để, phải nhíu lại. Mà chỉ luôn rạng rỡ bên chồng, người cựu chiến sỹ Trường Sơn để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng giàu mạnh.

C.G.H
(134/04-00)



 

 

Các bài đã đăng
Ở Paris (31/03/2010)
Biển muộn (30/03/2010)
Hoa cỏ (29/03/2010)