Tạp chí Sông Hương - Số 253 (tháng 3)
Kẻ ngoại tình với văn chương
15:24 | 02/04/2010
PHẠM XUÂN HÙNG(Về cuốn Đọc văn - Tiểu luận - Phê bình của Phạm Phú Phong, NXB Thuận Hóa, 2008)
Kẻ ngoại tình với văn chương
Nhà giáo Phạm Phú Phong - Ảnh: dhtonghophue

Sống nhiều năm ở Huế, là nhà giáo dạy văn chương bậc đại học nhưng tôi cứ nghĩ Phạm Phú Phong còn nhiều lắm chất nghệ sĩ và lãng tử của văn nhân xứ Quảng - người mà trong hình dung của tôi luôn thơ thẩn dọc cánh đồng văn chương, rồi từ đó nghiệm sinh những vẻ đẹp lặng lẽ ánh lên trong từng trang viết…

Cuốn Đọc văn của Phạm Phú Phong do NXB Thuận Hóa ấn hành cuối năm 2008 khá dày dặn, không chỉ bằng số lượng hơn 350 trang viết mà bằng cái cách anh trình bày, những cảm nhận mang tính thẩm mỹ và hàm lượng thông tin về các tác phẩm và nhà văn anh yêu mến. Ấn tượng đầu tiên với người đọc ở chỗ anh không phô diễn những kỹ thuật tân thời, những lý thuyết xám màu mê hoặc người yếu bóng vía mà bằng vào trái tim da diết cùng nhịp đập với các tác phẩm văn chương. Và cũng từ đó, chân dung các nhà văn, nhà thơ bỗng thật gần gũi với đời thường, theo cách mà họ đã chọn lựa để trang trải món nợ văn chương.

Tập sách ngoài phần Mở đầu mang hơi hướng hàn lâm, những trang sách còn lại chia thành 3 phần nối tiếp nhau như là cuộc hành trình của tác giả đến với các tác phẩm văn chương: “Đọc và Ghi”, “Đọc và Nghĩ”, “Phác thảo chân dung”. Hẳn nhiên, con đường từ “Ghi” đến “Nghĩ” và “Phác thảo chân dung” cũng chính là con đường mà Phạm Phú Phong định đặt và ứng xử theo cách của mình với các tác phẩm và tác giả văn chương.

Đọc từng trang viết của Phạm Phú Phong sẽ bắt gặp ở anh một thái độ trân trọng và yêu mến những trang văn - trang đời của từng tác phẩm và tác giả. Không lan man, không gò ép, với mỗi nhà văn anh chọn cho mình một tác phẩm tiêu biểu theo cách cảm và hiểu của anh (như với nhà văn Thanh Tịnh đó là tập truyện ngắn Quê me, với nhà thơ Lưu Trọng Lư là tập hồi ký Nửa đêm sực tỉnh, tập bút ký Người Sài Gòn của nhà văn Sơn Nam…), để từ đó có những ghi chép nghiêm túc và thấm đẫm tinh thần nhân văn. Tôi nghĩ, Phạm Phú Phong phải yêu mến lắm các nhà văn mới có thể đồng hành cùng họ trên từng trang viết. Trong phần “Đọc và Ghi” với mỗi tác giả hoặc tác phẩm văn chương anh chỉ viết trên dưới ngàn chữ, nhưng chỉ trong chừng đó giấy mực anh đã kịp ghi lại những nhận xét khá chính xác và tinh tế. Chẳng hạn với Thanh Tịnh, từ một thế giới nhân vật là “những con người nghèo khổ hiền lành, chất phác, đôn hậu, dịu dàng, chịu đựng…” trong tập truyện ngắn Quê mẹ, Phạm Phú Phong đã thấy “vóc dáng tâm hồn nhân ái của ông vẫn còn tỏa bóng mát chở che cho bao mảnh đời nghèo khó hơn nửa thế kỷ qua và nhiều thế hệ sau”. Với tập bút ký Người Sài Gòn ăm ắp các chi tiết về con người và lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định, Đồng Nai - Bến Nghé và cả vùng Nam Bộ, nhà văn Sơn Nam trong mắt Phạm Phú Phong đã trở thành “bộ từ điển sống, tác phẩm của ông như một bộ bách khoa toàn thư về đời sống của mảnh đất và con người Nam Bộ”... Phạm Phú Phong là người đọc nhiều, cả về số lượng tác giả lẫn thể loại vì thế những ghi chép của anh trải rộng trên nhiều địa hạt. Từ những tác phẩm văn xuôi dài hơi như tiểu thuyết, hồi ký (Bản di chúc của cỏ lau của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thời tôi mặc áo lính của Nguyễn Quang Hà, Cát bụi chân ai của Tô Hoài, Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư…) đến các tập truyện ngắn (Quê mẹ của Thanh Tịnh, Con mèo Foujita của Nguyễn Quang Sáng…), từ những tập tản văn (Thú ăn chơi người Hà Nội, Hương sắc bốn mùa, Ngàn mùa hoa của Băng Sơn, Tản văn của Hoàng Minh Thắng”…) đến các phóng sự giàu chất văn học (Mọi linh hồn đều được đưa tiễn của Xuân Ba). Hơn thế nữa, trong sự đọc nhiều của anh, Phạm Phú Phong chọn cho mình những tác giả, tác phẩm mà anh thấy cần để viết, cần phải viết. Điều anh quan tâm là cái gì còn lại sau những trang viết và anh cũng đã tự nhận “không phải là người có thói quen phân chia văn học theo khái niệm, các phạm trù có sẵn, hoặc theo hệ thống đề tài, hệ thống thể loại…” (trang 56). Chính nhờ tư duy lãng tử ấy mà anh không nề hà buông bút dù đó là nhà văn lão thành Nguyễn Văn Bổng hay cây bút trẻ Hoàng Dạ Thi, từ một cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ đến những tác phẩm thường được xếp vào thể loại cận văn học như Nhật ký (Nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến).

Nếu “Đọc và Ghi” dừng lại như những điểm xuyết về một tác phẩm cụ thể thì ở phần “Đọc và Nghĩ” Phạm Phú Phong đã có những giọt mồ hôi của sự đào bới các tầng vỉa của hệ thống tác phẩm và tác giả. Đó là một Vũ Trọng Phụng xứng đáng phong vương phóng sự Bắc kỳ đến Thạch Lam với thi pháp truyện ngắn đặc sắc, một Thái Bá Lợi với tư duy tiểu thuyết hiện đại đến Phạm Thị Hoài với mạch truyện ngắn độc đáo trong dòng chảy văn chương Việt thời đổi mới… Chiếm dung lượng một phần ba tập sách, hơn 100 trang viết nhưng Phạm Phú Phong đã nghiền ngẫm và khá nặng lòng với các tác giả và những vấn đề anh quan tâm. Điểm nổi bật và xuyên suốt phần này là hệ thống tác phẩm của mỗi nhà văn được anh soi chiếu dưới góc nhìn thi pháp học. Từ xuất phát điểm “thi pháp là mỹ học của nghệ thuật ngôn từ” Phạm Phú Phong không chỉ tiếp cận tác phẩm ở các góc độ như nội dung đề tài, quan điểm nghệ thuật, tư duy sáng tạo… mà còn mổ xẻ, phân tích tác phẩm ở nhiều hệ quy chiếu khác như hệ thống nhân vật, giọng điệu ngôn ngữ, cốt truyện và kết cấu… Trong phần “Đọc và Nghĩ”, 9 nhà văn được Phạm Phú Phong chọn viết có người đã định vị trong dòng chảy lịch sử văn học chính thống (Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam), có người đang nổi tiếng trên văn đàn (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Thái Bá Lợi), có người trẻ hoặc đang âm thầm nuôi dưỡng một bút lực (Thuận, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt).

Với nhà văn, quá trình sáng tạo nghệ thuật và mỗi tác phẩm vừa là sự thăng hoa, vừa là sự không lặp lại trên nền tảng của quan điểm nghệ thuật và phong cách sáng tạo độc đáo của riêng mình. Bằng vào sự khảo sát, nghiền ngẫm qua tác phẩm, hệ thống tác phẩm, Phạm Phú Phong đã có những đánh giá sắc sảo về các nhà văn, qua đó chỉ ra những yếu tố nền tảng tạo ra tài năng và dấu ấn của nhà văn trong lòng độc giả. Chẳng hạn, nghĩ về Vua phóng sự Bắc kỳ Vũ Trọng Phụng, anh cho rằng nhà văn này đã có công khai sinh ra thể tài kép phóng sự - tiểu thuyết (“Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”…) và cùng với thể tài này là quan điểm nghệ thuật hiện thực đến tận cùng đã đưa Vũ Trọng Phụng trở thành tên tuổi sáng giá. Với Phạm Thị Hoài, dựa trên lập ngôn của chính nhà văn viết như một phép ứng xử toàn diện…, Phạm Phú Phong đã chỉ ra một số yếu tố đặc trưng của thế giới nghệ thuật, trong tư duy và ngôn ngữ văn chương của nữ văn sĩ này, đó là một thứ “hiện thực tâm trạng” được thể hiện bằng sự “đánh vật với ngôn ngữ, là quá trình hiện đại hóa tiếng Việt, kết hợp ngôn ngữ dân gian với hiện đại…”. Có thể nói, trong phần “Đọc và Nghĩ”, các nhà văn đã được Phạm Phú Phong tiếp cận theo nhiều hướng, đó là tư duy tiểu thuyết của Thái Bá Lợi, giọng điệu văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Thuận và… cả cách tiếp cận từ những điều người khác dễ dàng bỏ qua như lời đề từ trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Tuy nhiên, với mỗi nhà văn, Phạm Phú Phong không chỉ có những đánh giá thiện chí mà còn mổ xẻ những bất cập, những khía cạnh hạn chế trong tư duy nghệ thuật và thi pháp của các tác giả. Dù rất khen ngợi văn tài của Phạm Thị Hoài, anh vẫn cho rằng trong một số tác phẩm của chính nhà văn này đã không có sự thành công trong việc cách tân ngôn ngữ văn chương. Cũng như vậy, với nhà văn Thuận, anh cho rằng sáng tác của chị, với các tiểu thuyết có phần mở đầu “thường quá nặng nề, khó đọc” và như thế là “tự giới hạn phạm vi người đọc trong một tầng lớp nhất định, mất đi tính đại chúng của văn học”.

Từ Ghi đến Nghĩ, và sau đó, ở cuối tập tiểu luận phê bình Đọc văn Phạm Phú Phong đã dành khoảng một phần ba số trang để phác thảo chân dung các nhà văn. Trên bình diện rộng hơn và cách tiếp cận không dừng lại ở tác phẩm, anh đã đi sâu nghiên cứu tiểu sử, quá trình hình thành tài năng văn học, mối quan hệ giữa nhà văn với thời cuộc… để tạo dựng nên chân dung các nhà văn. Bằng giọng văn điềm đạm, tiết chế, khả năng thẩm thấu văn chương mạnh mẽ, anh đã góp thêm cho người đọc một cách nhìn ra gương mặt của các nhà văn qua cuộc đời và tác phẩm của họ.

Không đại ngôn và Phạm Phú Phong chỉ khiêm tốn nhận những gì mình viết ra chỉ là phác thảo chân dung song với những gì anh trình bày khiến người đọc có cảm giác các nhà văn thật gần gũi, tài năng của họ bắt đầu từ những trải nghiệm cuộc sống và tác phẩm của họ là sự lao động cật lực và nghiêm túc với chữ nghĩa. Dĩ nhiên, không ai và không thể vẽ nổi chân dung một con người, một nhà văn cụ thể chỉ bằng trang giấy và con chữ, nhưng qua đó, Phạm Phú Phong đã thành công khi có những ký họa sinh động về các nhà văn mà anh đã chọn để phác thảo: Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng, Nguyễn Minh Châu, Chu Cẩm Phong, Y Điêng, Tô Nhuận Vỹ, Cao Duy Thảo, Thái Ngọc San và Thế Vũ.

Trung thành với nguyên tắc ký họa trong nghệ thuật hội họa, Phạm Phú Phong chọn phóng bút vào phần hồn, phần tính cách đặc sắc nhất của mỗi nhà văn bên cạnh những nét điểm xuyết chọn lọc khá kiệm chữ song vẫn làm nổi lên chân dung các nhà văn theo cảm nhận của anh. Với từng chân dung, Phạm Phú Phong có những cách tiếp cận khác nhau, có nhà văn anh bắt đầu từ một nhận xét chung về cả thế hệ nhà văn cùng thời, cùng không gian cầm bút, có nhà văn anh bắt đầu từ miền quê sáng tác, lại có nhà văn anh bắt đầu từ ý thức và cảm hứng sáng tạo… Những cách tiếp cận ấy cho phép Phạm Phú Phong lựa chọn bảng màu và chất liệu cần thiết để phác thảo các chân dung. Những cách tiếp cận dưới hình thức là những nhận xét tuy ngắn ngủi song đã cho thấy nét sắc sảo của Phạm Phú Phong khi bắt nhịp với cuộc đời và tác phẩm các nhà văn. Chẳng hạn với Bình Nguyên Lộc anh cho rằng đó là nhà văn cùng thời với một thế hệ nhà văn ở miền Nam trước đây như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đông Hồ, Vương Hồng Sển Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam… và đặc điểm tương đối phổ biến đó là những nhà văn hóa mà tác phẩm của họ thể hiện sự am hiểu đến tường tận các lĩnh vực văn hóa. Với Nguyễn Minh Châu, anh cho rằng số phận văn chương của nhà văn này gắn liền với mảnh đất Trị - Thiên và người lính để từ đó hình thành một bút lực mạnh mẽ trước hiện thực cuộc đời. Cao Duy Thảo thì lại khác, anh nhận xét đó là nhà văn “không thuộc diện các nhà văn cầm bút đi về phía chiến tranh mà thuộc thế hệ những nhà văn từ chiến tranh đi về phía văn học…”. Từ những nhận xét mang sức khái quát cao, Phạm Phú Phong đi vào tác phẩm và phác thảo nên chân dung mỗi nhà văn. Ở đây, chưa thể nói rằng, Phạm Phú Phong thành công ở tất cả những phác thảo nhưng chí ít các nhà văn qua trang viết của anh đã hiện lên như một cá thể sáng tạo độc lập, không lặp lại và một vị trí nhất định trong ngôi nhà văn chương Việt. Đặc biệt và dường như với những nhà văn nào anh yêu mến thì chân dung anh vẽ ra càng dày dặn, ngồn ngộn ý thức tìm tòi, khám phá. Như với Nguyễn Minh Châu, qua hệ thống tác phẩm, Phạm Phú Phong đã bóc tách và cho rằng toàn bộ văn nghiệp của ông thể hiện ít nhất 3 Nguyễn Minh Châu, đó là một Nguyễn Minh Châu - “người lính mang trong mình tình yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hòa nhập cái tôi riêng rẽ của mình trong cộng đồng, trong sản xuất và trong chiến đấu ở hậu phương (Cửa sông), hăng hái nhập vào đoàn quân ra trận mặt đối mặt với kẻ thù trong trận chiến đấu một mất một còn (Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính)”, một Nguyễn Minh Châu là “người lính trở về sau ngày toàn thắng, mở ra tấm lòng bao dung, nhân đạo của người chiến thắng”, “biết nhìn nhận đâu là kẻ thù, đâu là nhân dân và sẵn sàng tha thứ để hàn gắn vết thương chiến tranh”, “quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, của con người với bao nhu cầu phức tạp của nó (Những người đi từ trong rừng ra)” và một Nguyễn Minh Châu với “vai trò tích cực xã hội của mỗi cá nhân sau khi tách rời khỏi cộng đồng”, “tự nhận thức và thái độ dấn thân lặng lẽ”.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói thêm rằng phần cuối cùng của cuốn Đọc văn Phạm Phú Phong đã có một Lời kết mà người đọc có thể xem đó là Lời bạt của chính tác giả. Lời kết có tên “Người ta đến với văn chương như một cuộc ngoại tình”. Một chút nghiền ngẫm, một thoáng ưu tư, một nỗi sợ mơ hồ, một ám ảnh day dứt với chữ nghĩa khiến con người lãng tử trong chân dung nhà giáo Phạm Phú Phong thốt lên “Riêng tôi, cũng là kẻ có đôi lần ngoại tình với nhiều tác phẩm, tác giả hoặc nhân vật (nam có, nữ có, già có, trẻ có), đã từng ép mình lên từng dòng chữ để thấy cái ma lực âm thầm và rát bỏng của văn chương…”.

Thưa rằng với tác giả, nhà giáo Phạm Phú Phong, không ít người đọc trong đó có tôi đã từng thất vọng vì những tác phẩm, tác giả mà những trang văn, trang đời của họ nhạt nhẽo bởi thứ tình yêu - hôn nhân giữa con người với văn chương bị đóng khung, căng cứng trong thứ luân lý giả vờ và nhạt nhẽo. Mong anh có thêm những cuộc ngoại tình, những cuộc ngoại tình chính chuyên theo cách nói của anh để người đọc có thêm những trang viết mang ma lực âm thầm và rát bỏng của văn chương.

Đà Nẵng sau bão số 9 năm 2009
P.X.H
(253/03-10)




 

Các bài mới
Vàng (26/04/2010)
Các bài đã đăng