Tạp chí Sông Hương - Số 253 (tháng 3)
Tìm hiểu minh triết tam giáo trong văn hóa Việt Nam
09:47 | 16/04/2010
HOÀNG NGỌC HIẾNTôi hào hứng đi vào đề tài này sau khi đọc bài tiểu luận của Tỳ kheo Giới Đức “Phật giáo có thể đóng góp gì cho minh triết Việt?”(1)
Tìm hiểu minh triết tam giáo trong văn hóa Việt Nam
Ảnh: Internet
Tác giả đặt chủ đề của mình trong đề tài lớn mà ông hình dung được chiều sâu và sự phong phú rõ ràng của nó: minh triết Việt là “…linh hồn của văn hiến, văn học, nghệ thuật, đạo lý sống, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... kể cả các lễ hội dân gian, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, nhạc lễ, các ngành nghề thủ công, điêu khắc và cả ẩm thực nữa”. Nó là… “cái nguồn lực, cái tạo nên hồn sống có được từ Tam giáo đồng nguyên và cái đặc thù của bản sắc dân tộc được cộng hưởng bởi 54 cư dân anh em... ”. Trong bài tiểu luận Giới Đức lẩy ra những viên ngọc quý minh triết Việt từ tư tưởng vô vi, tư tưởng vô ngã..., những ý tưởng sâu sắc của Phật giáo mà tác giả tâm đắc. Tôi mong đợi những Giới Đức trong các lĩnh vực văn hóa - tư tưởng chia sẻ tâm huyết và chí hướng gây dựng minh triết Việt của Tỳ kheo Giới Đức, mỗi người trong lĩnh vực của mình lẩy ra được và gom vào một ít, dù chỉ là một hạt bụi ngọc.

Riêng với các bạn độc giả trẻ, những sinh viên, những giáo viên, những nhà báo…, những nghiên cứu viên trẻ, tôi giới thiệu một số vấn đề minh triết Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) trong văn hóa Việt Nam, hy vọng rằng qua sự phân tích và lý giải những vấn đề này, các bạn có ý niệm về minh triết và minh triết Việt.

Trước khi tìm hiểu minh triết của mỗi “giáo” xin có đôi lời về sự biểu hiện của minh triết ngay trong tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”. “Tam giáo đồng nguyên” là một truyền thống bền vững hàng ngàn năm trong lịch sử văn hóa nước ta. “... truyền thống tư tưởng dân tộc - Nguyễn Huệ Chi viết - vốn lấy sự dung hợp các hệ tư tưởng, sự chung sống hoà bình giữa các trường phái Nho, Phật, Đạo làm phương thức sinh tồn”(2). Có thể nói đến nguyên tắc “đồng nguyên” như một nét căn cốt của bản lĩnh văn hóa dân tộc. Từ cuối thế kỷ 11 trong bài làm của Đỗ Đô (?) đậu Minh kinh khoa năm Sửu (1097) (năm sau lại đậu Khoa Tam giáo) có câu:

Phật, Nho, Lão thị tam gia nhất trù,
Quân, sư, phụ nại ngũ luân chi yếu

(tạm dịch: đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão trong ba nhà mà một bếp Vua, Thầy, Cha là cốt yếu của ngũ luân(3).

Đến thế kỷ XIII, nguyên tắc này được khẳng định trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218 - 1277).

... Vị minh nhân vọng phân tam giáo,
liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm...

Dịch nghĩa:

... Người chưa hiểu chia bừa thành tam giáo,
Giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm...

Trong nhà của chí sĩ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, ảnh của Khổng Tử, ảnh của Lênin, ảnh của Tôn Văn được treo bên nhau(4). Phải chăng đây là một hình ảnh của “tam giáo đồng nguyên” hiện đại? “Khổng Tử, Jesus, Tôn Dật Tiên - Hồ Chủ Tịch nói, - chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(5).

Trong suy nghĩ của “người học trò nhỏ”, tư tưởng của những vĩ nhân đại diện cho những hệ tôn giáo, triết học rất khác nhau thuộc những thời đại lịch sử và những nền văn hóa hoàn toàn khác nhau được quy “đồng nguyên” ở cái “tâm” với nhân quần xã hội. Tư tưởng “đồng nguyên văn hóa” ở Hồ Chủ Tịch - nếu như có một tư tưởng như vậy - được đặt ở chữ “tâm” và vượt ra ngoài văn cảnh dân tộc. Trong văn hóa, nguyên tắc “đồng nguyên” có khi còn cao hơn sự lựa chọn giữa “đa nguyên” và “nhất nguyên”.

Nguyên tắc “đồng nguyên” văn hóa đồng bản chất (congénial) với tinh thần khoan hòa văn hóa. Tinh thần khoan hòa này cao hơn những sự cố chấp “tôn giáo”, “triết học”, “mỹ học”. Tinh thần khoan hòa văn hóa có cơ sở triết học ở “ý thức về Người khác”, đó là ý thức “tôn trọng những khác biệt của kẻ khác, để kẻ khác tôn trọng những khác biệt của ta” (đây là định nghĩa của nhà triết học Mêhicô Leopoldo Zea về từ “khoan hòa” được ông xem là “từ then chốt” trong văn hoá thế giới ngày hôm nay)(6). Tinh thần “khoan hòa” văn hóa bao hàm khả năng “định lại những dị biệt của ta, những điều làm cho ta khác người khác, song vẫn tôn trọng những gì không giống ta mà bình đẳng với ta” (tài liệu đã dẫn). Trong sự đa dạng văn hóa, nói theo cách diễn đạt của Leopolda Zea: “điều quan trọng là có thể khác nhau một cách bình đẳng sao cho mọi người đều bình đẳng trong khi vẫn khác nhau”.

Trong một bài nghiên cứu về tinh thần khoan hòa của tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” Trần Ngọc Vương có nhận xét đích đáng về khả năng “xuất nhập trong tam giáo” của những trí thức cựu học... “Nhà nho số một trong lịch sử Nho giáo ở Việt Nam - tác giả viết - là Nguyễn Trãi cũng tâm sự với sư Đạo Khiêm: Đừng lạ nếu một ngày nào đó, tôi cũng sẽ đi tu thiền (“Lân kỳ ngã diệc thượng thừa thiền”). Nguyễn Bỉnh Khiêm khi lui về, vừa dựng quán Trung Tân, vừa lập am Mây trắng. Ngô Thời Nhiệm đi xa hơn nữa, lấy pháp hiệu Hải Lượng thiền sư, tự mệnh là Trúc Lâm đệ tứ tổ, trước tác sách về triết học Phật giáo rất dụng công (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh)”(7). Tâm thế “xuất nhập” thoải mái trong tam giáo là điều đáng suy nghĩ có liên quan đến tín ngưỡng, đức tin của người Việt. Phải chăng ngay trong đức tin người Việt cũng thích sự thoải mái, tránh những gì quá căng thẳng, gò bó.

Có ý thức về “tính đồng nguyên” (chung một nguồn) của “tam giáo” tạo ra tâm thế “xuất nhập” thoải mái trong “tam giáo”. Tâm thế này tạo ra tinh thần khoan hòa trong đời sống tôn giáo của xã hội, từ cầu trường này không thể không ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Tinh thần khoan hòa là một đức hạnh căn cốt của minh triết.

I. Về tư tưởng “phản thân” (trở về bản thân mình) của đạo đức Khổng Mạnh, và “tứ vô” của Khổng Tử.

1. Về “phản thân luận” đạo đức Khổng Mạnh.

Đạo đức của cá nhân bao gồm hai loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức: quan hệ đạo đức của cá nhân với người khác, với những cộng đồng có liên quan đến mình và quan hệ đạo đức của cá nhân với bản thân mình. Đạo đức cách mạng coi trọng sự giáo dục loại quan hệ đạo đức thứ nhất và trong những năm đầu cách mạng chúng ta đã chứng kiến sự khơi dậy và phát triển như vũ bão những cao trào tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân và nhân loại (đời sống xã hội trước sau được duy trì bởi nguồn sống tinh thần này). Tuy nhiên, trong một thời gian dài chúng ta coi nhẹ loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân với bản thân mình. Trách nhiệm đạo đức này thể hiện ở những đức tính (trong tiếng Việt bắt đầu bằng chữ “tự”): tự trọng, tự tín, tự ái... Hồ Chủ tịch hết sức coi trọng sự tự ý thức của cá nhân về đạo đức. Hồ Chủ tịch đặc biệt coi trọng lòng “tự ái” ở con người (theo nghĩa chân chính của từ này thì nó đồng nghĩa với tự trọng). “... Không làm điều gì có hại cho danh dự của mình - Hồ Chủ tịch viết - thế là chân chính và tự ái, mà ai cũng phải tự ái” (X. Y. Z. Thuốc đắng dã tật. Nxb Sự thật, 1960, tr. 14). Lòng tự ái, lòng tự trọng - trong quan niệm của Hồ Chủ tịch - là một bề chiều (dimension) quan trọng của nhân cách đạo đức. “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tín - Hồ Chủ tịch viết - không có lòng tự trọng, tự tín là người vô dụng”. Hồ Chủ tịch viết tiếp: “Người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự trọng, tự tín của các đồng chí mình” (Hồ Chí Minh. Vấn đề cán bộ. Nxb Sự thật, 1975, tr. 44). Không phải ngẫu nhiên người thanh niên cách mạng ưu tú họ Lý được Bác đặt cho tên là Lý TựTrọng. Đầu thế kỷ này, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bàn về nhân cách của con người “lấy mình làm chủ” (là “con người mới” thời bấy giờ) cũng đề xuất ba đức tính: tự ái, tự trọng, tự tôn (Xem bài Ba đức riêng trong Nguyễn Khắc Hiếu Tản đà tản văn in lần thứ hai, Hương Sơn, 1942). Trong sinh hoạt đạo đức, tư tưởng cũng như trong công tác giáo dục những đức tính này ít được chú ý. Đây là một lỗ hổng rất đáng được quan tâm trong đời sống đạo đức của chúng ta. Phải chăng vì vậy xung quanh chúng ta có những người có những ưu điểm đáng quý nhưng nhân cách không đẹp. Trong ngôn ngữ hàng ngày, “tự ái” bao giờ cũng được dùng với nghĩa xấu. Hầu như không có ai nhớ đến nghĩa “chân chính” của từ này, như là ý thức về phẩm giá cá nhân, như là một tình cảm cao quý khiến ta cố gắng, tìm mọi cách để xứng đáng với sự quý trọng của người khác. Nguyễn Khắc Hiếu và Hồ Chí Minh ở trong số ít những nhà văn hoá hiểu “tự ái” như một phẩm giá cao thượng, một điều cốt yếu của nhân cách đạo đức. Tự ái - Nguyễn Khắc Hiếu viết - là “chút lòng tự yêu mình, tự tiếc mình... giữ cái tài ấy, cái đức ấy... làm nên công đức ấy, sự nghiệp ấy”.

“Tự trọng” là mình trọng mình, “tự tín” là mình tin ở mình, “tự ái” là mình biết yêu, biết quý mình... Những đức tính này là biểu hiện của quan hệ mình với mình trong đời sống ý thức và sự hiện diện của quan hệ mình với mình có giá trị vô song đối với nhân cách và bản lĩnh con người. Quan hệ mình với mình là tiền đề cho sự hình thành chủ thể, nó tạo ra sự đối lập giữa mình - chủ thể và mình - tồn tại, giữa “mình là” - chủ thể (être - sujet) và “mình là” (être).

Trong sách Mạnh Tử (và Luận Ngữ, Trung Dung...) có một vốn từ phong phú chỉ những thao tác trong quan hệ mình với mình: tự phản (tự xét mình), xem Đ.T.C. Mạnh Tử, t. hạ, tr. 60; t. thượng, tr. 86, phản thân (xét lấy mình), xem Đ.T.C. Mạnh tử, t. hạ, tr. 22, phản cầu chư kỳ thân (xét trở lại cái nguyên do nơi mình) xem Đ.T.C. Đại học, Trung dung, tr. 57, tự tỉnh (tự xét mình mà tỉnh ngộ) xem Đ.T.C. Luận ngữ, tr. 59, nội tỉnh (tự xét từ bên trong bản thân) xem Đ.T.C. Luận ngữ, tr. 183, tỉnh ngô thân (xét bản thân mình), xem Đ.T.C. Luận ngữ, tr. 4, bổn chư thân (lấy mình làm gốc)... xem Đ.T.C. Đại học Trung dung, tr. 87.

Trong quan niệm của Mạnh tử, tự xét mình (tự phản, phản thân) là thao tác cơ bản trong quan hệ mình với mình trong đời sống đạo đức, có thể nói đến tự phản luận hoặc phản thân luận như là một nét quan trọng trong đạo đức học Mạnh tử. Sở dĩ việc “tự xét bản thân mình” được coi trọng vì Mạnh tử quan niệm “bản thân” là “gốc” của những cái gốc: “Gốc của thiên hạ là đất nước, gốc của đất nước là gia đình, gốc của gia đình là bản thân” (xem Mạnh tử, ch. VII, 5).

Cùng bản chất với tinh thần tự xét mình là sự coi trọng việc tự trách mình hơn là trách người. “Khi xảy ra việc chẳng phải, mình nên trách mình một cách đậm đà và trách người qua loa...” (xem Đ.T.C. Luận ngữ, tr. 245).

Đạo đức Khổng Mạnh đề cao lòng tự tín ở con người.

Bực chí Thành “chỉ tin cậy ở sức mình, chớ không nương nhờ ở nhân vật nào” (xem Đ.T.C. Đại học Trung dung, tr. 93).

“Người quân tử trông cậy ở mình; kẻ tiểu nhân trông cậy ở người” (xem Đ.T.C. Luận ngữ, tr. 24).

Nói đến chữ tín là nói đến sự tin cậy của người khác đối với mình “tín tắc nhân nhậm yên” (có chữ tín thật thì người ta tin cậy mình), xem Đ.T.C. Luận ngữ. tr. 273. Mạnh tử còn định nghĩa chữ tín trong quan hệ mình với mình. “Người làm thiện do theo lương tâm và bổn tính, không miễn cưỡng và không giả trá, gọi là tín” (xem Đ.T.C. Mạnh tử, t. hạ, tr. 269).

Đạo đức Khổng, Mạnh hết sức coi trọng nội lực ở bản thân con người, tính tích cực, tính chủ động của chủ thể đạo đức.

Trong đời sống đạo đức, nội lực trước hết là sức mạnh tinh thần bên trong, sự giác ngộ bên trong.

Cảm thấy trong lòng mình “có điều ngay thẳng”, đó là cơ sở của nết đại dũng. Sách Mạnh tử có dẫn lời của Khổng tử: “Nếu tự xét lấy mình, thấy mình có điều ngay thẳng dẫu với hàng ngàn, hàng muôn người, mình cũng vẫn đi qua một cách an nhiên đó” (xem Đ.T.C. Mạnh tử, t. thượng, tr. 87). “Thấy mình có điều ngay thẳng”, đó là “cái lý cốt yếu”, là nội lực của lòng đại dũng. Có dũng khí, không biết sợ, nhưng không có một lý cốt yếu làm nội lực thì đó mới chỉ là “tiểu dũng”, chưa phải là “đại dũng”.

Đạo đức Khổng Mạnh có đòi hỏi cao về sự tự giác, sự chân thành, sự chủ động trong hành vi đạo đức.

“Làm nhân đức là do nơi mình, chớ há do nơi ai sao?” (xem Đ.T.C. Luận ngữ. tr. 181).

“...kẻ sĩ hào kiệt, dẫu chẳng có một ông Văn vương ra đời, tự mình cũng khởi lòng làm thiện được. ” (xem Đ.T.C. Mạnh tử, tập hạ, tr. 223).

Tự giác, chủ động trong hành vi đạo đức là biểu hiện của sự thống nhất trong quan hệ mình với mình và “mình dối gạt mình” (xem Đ.T.C. Đại học. Trung dung. tr. 17) là điều tối kỵ trong đời sống đạo đức.

Tinh thần coi trọng sự tự xét mình và sự tự giác trong hành vi đạo đức cùng một bản chất với tinh thần coi trọng sự xem xét độc lập, sự phán xét độc lập và sự quyết định độc lập của chính mình trong hành động.

Sau đây là lời khuyên của Mạnh tử với Tuyên vương về hành động cất dùng người hiền tài.

“Như những quan hầu cận bên tả bên hữu đều cho rằng người nào đó là trang hiền tài, mình chớ vội tin. Như các quan đại phu tại triều đều cho rằng người nào đó là trang hiền tài, mình cũng chớ vội tin. Như khắp cả nước người ta đều cho rằng người nào đó là trang hiền tài, chừng ấy mình mới quan sát. Khi đã nhận thấy quả thật là trang hiền tài, chừng đó mình mới cử dùng”. (xem Đ.T.C. Mạnh tử, t. thượng, tr. 61).

Có thể hình dung lời khuyên nhiều tầng lớp này như một kịch bản nhiều tình tiết:

- Tình tiết 1: các quan hầu cận bên tả bên hữu đều cho rằng người nào đó là trang hiền tài...

- Tình tiết 2: các quan đại phu tại triều đều cho rằng ngươi nào đó là trang hiền tài...

- Tình tiết 3: khắp cả nước, người ta đều cho rằng người nào đó là trang hiền tài...

- Tình tiết 4: chừng ấy mình mới quan sát và khi đã nhận thấy quả thật là trang hiền tài, chừng ấy mình mới cử dùng.

Có hai cách hiểu lời khuyên của Mạnh tử tương ứng với hai cách phân tích kịch bản nói trên mà kết quả là sự đề xuất những tư tưởng chủ đạo khác nhau.

Nếu như trong sự phân tích kịch bản, tình tiết thứ ba được xem là trung tâm thì kết luận được rút ra là: chỉ dư luận của quần chúng nhân dân (cả nước) mới đáng cho nhà vua quan tâm, ít ra nó có trọng lượng hơn dư luận của các sĩ phu, của các cận thần tả hữu... Từ kết luận này có thể nói đến quan điểm quần chúng, quan điểm trọng dân của Mạnh tử, chúng ta có thêm luận điểm bổ sung cho tư tưởng “dân vi bản” của ông.

Nếu như trung tâm của sự phân tích là tình tiết thứ tư thì lại có một kết luận khác: dư luận của quần chúng nhân dân vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó nhưng không có giá trị quyết định bởi vì căn cứ cuối cùng để nhà vua quyết định là sự quan sát riêng, sự phán xét riêng của nhà vua. Qua cách lập luận chặt chẽ, khúc chiết trong lời khuyên, chúng ta có thể hình dung được nhà vua sẽ xử sự như thế nào khi sự xem xét và phán xét của nhà vua không phù hợp với dư luận của quần chúng nhân dân. Lời khuyên của Mạnh tử bao hàm tinh thần coi trọng dư luận của quần chúng nhân dân và tư tưởng đề cao vai trò tối hậu quyết định của sự xem xét và phán xét cá nhân trong những quyết định hành động. Có lẽ đây là một trong những tư tưởng quan trọng nhất trong sách Mạnh tử vì nó được khẳng định ba lần trong ba dị bản của lời khuyên tiếp liền nhau và được trình bày cùng một cách dắt dẫn, lập luận, câu chữ gần như in hệt, chỉ có hành động cần được quyết định là khác. Dị bản thứ nhất của lời khuyên bàn về quyết định cất dùng một trang hiền tài nào đó. Dị bản thứ hai có liên quan đến quyết định phế bỏ một người nào đó không tốt. Dị bản thứ ba xoay quanh quyết định xử giết một người nào đó phạm tội đáng chết.

Đòi hỏi phải có những lý cốt yếu làm nội lực cho những đức tính, coi trọng sự tự xét mình và sự tự giác, đề cao vai trò của sự xem xét và phán xét riêng trong quyết định hành động, cả mấy phương diện này gộp lại chứng tỏ Mạnh tử tiếp cận khái niệm nhân cách và minh triết của ông đã đề ra những chuẩn mực có tính nhân loại phổ biến cho nhân cách con người. Thời nào cũng vậy, nội lực mạnh mẽ trong đời sống tinh thần và hoạt động xã hội, tinh thần tự xét mình và tự giác cao, bản lĩnh độc lập và tinh thần cầu thị trong sự xem xét và phán xét riêng, coi trọng dư luận của quần chúng nhưng không bị ràng buộc bởi bất cứ dư luận nào..., những đức tính này thường là được thiên hạ quý trọng, ở đâu cũng vậy thôi, là người hẳn hoi không thể thiếu những đức tính nói trên. Xây dựng một lý thuyết hiện đại về nhân cách không thể bỏ qua những nghĩ ngợi và đòi hỏi của Mạnh tử về nhân cách con người.

Giai thoại sau đây có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn quan niệm của Mạnh Tử về nhân cách.

“Ông Mạnh Tử sắp sửa vào triều viếng vua nước Tề. Nhưng chẳng dè, vua đã sai người đến thay mặt vua mà nói với Mạnh Tử rằng: “Quả nhân có ý muốn đến viếng ngài. Nhưng ngặt bị cảm vì khí lạnh, nên chẳng tiện lướt gió. Ngày mai quả nhân sẽ lâm triều. Chẳng biết quả nhân có hân hạnh gặp ngài chăng?” Mạnh Tử đáp rằng: “Chẳng may tôi cũng bệnh; không thể vào triều mà bái kiến vua” (xem Đ.T.C. Mạnh tử, t. thượng, tr. 117).

Cớ sao Mạnh Tử sửa soạn vào triều viếng vua nước Tề, đến khi có lời mời của Vua thì lại cáo bệnh không vào triều nữa? Mạnh Tử đến nước Tề với vị thế “tân sư” (khách bậc thầy) từ nước ngoài đến và việc ông vào triều viếng vua Tề là do tự ông chủ động. Giờ có lời mời của vua mà ông vào triều thì ông ở vào thế bị động và bị lạc vị thế, từ vị thế tân sư ông tụt xuống vị thế một quan chức bị triệu vào triều bái kiến vua (dù cho lời mời của vua hết sức trang trọng và lịch sự). Nói một cách nôm na, Mạnh Tử là người đáo để. Xét thấu đáo ta thấy ở Mạnh Tử có mối quan tâm thường xuyên kiểm soát và làm chủ những vị thế của mình, điều này thể hiện một quan niệm cao về nhân cách.

Sự hiện diện của quan hệ mình với mình trong đời sống ý thức là cấu trúc tâm lý của những đức tính tự trọng, tự tín, tự ái..., là tiền đề của sự hình thành chủ thể, của sự khẳng định nhân cách, bản lĩnh độc lập. Cũng như cái “tôi” của Descartes có sức mạnh không chỉ vì nó “nghĩ ngợi” mà còn vì nó “biết rằng nó nghĩ ngợi”, “cây sậy nghĩ ngợi” của Pascal cũng vậy, nó vô cùng yếu ớt, một giọt nước đủ giết chết nó, sức mạnh của nó là ở chỗ nó biết nó chết, ở nó có cái “mình chết” và cái “mình biết rằng mình chết”, chính vì vậy nó vượt lên trên Vũ trụ thừa sức tỷ tỷ lần tiêu diệt nó.

(còn nữa)

H.N.H
(253/03-10)


-----------------
(1) Phật tử Việt Nam (báo mạng) số ra ngày 23/12/2008
(2) Xem Tạp chí Văn học số 1. 1993, tr. 11.
(3) Xem Danh nhân Thái Bình, tập III. Sở Văn hoá Thông tin Thái Bình xuất bản, 1989, từ trang 11.
(4) Theo lời của nhà báo Quang Đạm phát biểu ý kiến trong một cuộc hội thảo.
(5) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. Bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức Hồ Chí Minh truyện. NXB Tam Liên, Thượng Hải, 6/1949 tr. 91. Chuyển dẫn từ Nho giáo xưa và nay NXB KHXH, Hà nội 1991, tr. 127.
(6) Xem Người đưa tin UNESCO, 11/1990, phỏng vấn Leopold Zea, tr. 9.
(7) Xem Trần Ngọc Vương, Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Đại học quốc gia Hà nội, 1999, tr. 77.



Các bài mới
Vàng (26/04/2010)
Các bài đã đăng
Vuốt mắt cho em (02/04/2010)