Tạp chí Sông Hương - Số 253 (tháng 3)
Vàng
11:15 | 26/04/2010
NGUYỄN NGỌC LỢIBóng chiều phủ xuống núi rừng một màu xám ảo mờ. Đã hết một ngày quần quật của đám phu đãi vàng. Lúc này trên xà lan đang diễn ra bữa cơm chiều. Đám phu ngồi bệt trên mảnh sàn nhớp nhúa, bưởng trưởng cách đó một đoạn có mâm có chiếu.
Vàng
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Đang nhồm nhoàm với cái đùi nướng vàng ươm bỗng buông tay rơi xoảng xuống mâm, nhổm người bước sang chỗ bọn hắn, vừa ngồi xuống Hân đã nhếch mép cười rất lạ. Nụ cười trên khuôn mặt bì bì, ánh mắt lạnh lẽo trong cặp mắt ti hí. Chưa lúc nào hắn thấy bưởng trưởng Hân cười như thế, dễ sợ đến như thế. Vẫn nụ cười ấy, trong ánh chiều vàng vọt của khe núi cô liêu hoang vắng, cái nhếch mép của Hân báo hiệu điều chẳng lành. Nhìn miệng Hân cười khiến hắn liên tưởng đến mõm của con thú mà chiều qua bọn chúng mua ở đâu mang về lúc hắn đang hí húi nhặt từng hòn đá trong cái máng đãi. Hắn đã kịp nhìn con thú bị ném sóng xoài xuống sà lan. Chẳng biết đó là con gì, hắn chỉ nhớ là cái mõm của nó nhọn và bộ răng trắng nhởn.

- Ăn đi, hốc đi, tọng đi... - Hân khe khé trong cuống họng, môi đột ngột mím lại, mắt gườm gườm.

Hắn ngẩn ra, ngơ ngác rồi ớn lạnh, thần kinh tê cứng, một phút như bất động. Trước mặt bọn hắn là cái đĩa lớn những khúc, những cục xương vừa bị gặm nham nhở.

- Tao mời... các đồng chí chịu khó dùng, trông thế nhưng còn ối thịt đấy...

Hơn chục con người rách rưới bẩn thỉu ngơ ngác rồi thất thần dừng đũa. Mâm cơm của những người làm thuê chỉ có bát măng nấu với mấy con cá cỡ ngón tay út và đĩa bột súp. Suốt cả tuần họ chỉ cơm muối măng rừng. Chiều nay họ gặp may, người đàn bà duy nhất có mặt trên xà lan vừa nấu ăn cho tất cả vừa phục vụ Hân lúc bưởng trưởng có nhu cầu..., đã nhặt được mấy con cá bị hút vào vòi bơm theo dòng nước dội xuống máng văng ra rồi nằm phơi ngay trên sạp. Chị rửa sạch chúng rồi cho vào nồi canh. Họ sộp soạp và nhai những miếng cơm với miếng canh măng có chút chất đạm hiếm hoi. Vừa sang bát thứ hai thì miếng cơm đã mắc cứng trong cuống họng của cả bọn. Hân gằm gằm chiếu ánh mắt lạnh lẽo vào mặt từng người:

- Ăn đi chứ, tao mời thật mà... Các chàng trai...

Bưởng trưởng chỉ ăn một mình, cách xa chỗ ăn của đám làm thuê phải ngồi tận ngoài mũi xà lan nếu trời không mưa. Không ai biết mâm bưởng trưởng có gì, thịt gà thịt bò, thịt thú rừng, rượu...? Mà biết để làm gì, đầy tớ, kẻ làm thuê không được biết, không nên biết chuyện đó. Người làm thuê như bọn hắn, ai cũng biết thân phận, nhất là trong hoàn cảnh này. Sáng tinh mơ, khi sương rừng còn ẩm ướt dăng đầy khe núi lòng sông thì bọn hắn đã phải dậy sớm. Đứa hì hụi mò vớt ngụp lặn đứa chôn chân bên máng đãi, thân thể chân tay luôn dầm trong thứ nước đục ngàu màu gạch cua và mắt căng ra mà dán mà soi vào cái đám bùn đất cát sỏi lổn nhổn bên cạnh tiếng máy nổ đinh tai và tiếng nước dội ào ào. Nước xối tóe làm bắn tung đất cát, thành thử đầu tóc mặt mũi đứa nào cũng lấm như trâu cày. Trong muôn vàn công việc tốn cơm thì hẳn cái việc ngâm mình trong nước là chóng đói nhất. Bưởng trưởng cho mỗi người ăn một cân mỗi ngày. Chẳng phải vì bưởng trưởng thương mà vì Hân biết có ăn no bọn hắn mới có sức làm. Thế mà vẫn đói. Cái đói luôn hành hạ đám người làm thuê. Chất bột chỉ cho cảm giác căng bụng trong chốc lát. Đói mà vẫn phải làm. Vừa làm vừa trông cho mau đến bữa. Thường thì bưởng trưởng ngồi vắt vẻo trên cao kiểm soát và theo dõi động thái từng người. Đám tay chân lăm lăm đứng cạnh để thu lấy những mẻ vàng cám mà bọn hắn vừa đãi được. Những vảy vàng cám li ti nhóng nhánh sáng được gom lại và nạp ngay cho Hân. Thỉnh thoảng trong máng xuất hiện những cục vàng cỡ hạt ngô hạt gạo, những lúc ấy Hân nhảy bổ xuống vồ lấy như con thú vồ mồi, mặt mày hả hê sung sướng.

Công việc coi ngó kiểm soát thu nhặt vàng cám Hân giao cho đám đệ tử thân tín. Đó là những con chó trung thành, thằng nào cũng lo tán tụng tâng bốc để được chủ ban cho chút lợi lộc như vô bản tìm gái, mua gà và được thêm một xái... Hắn nghĩ, bọn kia có thật trung thành với bưởng trưởng không nhỉ? Chúng toàn những đứa cô hồn mặt mày gian xảo, đểu cáng và mất dạy. Cũng như bọn hắn, chúng nó cũng đã bị Hân cột chặt bằng những “liều” những “tép” cấp phát theo định kỳ. Vậy thì Hân mất công canh phòng để mắt làm gì. Bọn hắn, dù dưới đáy máng có là vảy hay là cục cũng vậy thôi, chẳng ai dám mảy may tơ hào. Chiếc xà lan chỉ dừng ở những nơi heo hút nhất trong khoảng mênh mông rừng hoang rậm rạp, dù có thả ra cũng chẳng ai tìm được đường mà mong trốn thoát. Như thế thì có giấu được vàng rồi cũng chẳng thể làm gì, giữ lại trong người lại càng là rước họa vào thân. Đừng có dại mà trốn, không thể thoát. Không chết vì đói cũng chết do lạc đường, chết do đói thuốc...

Làm sao hắn rơi vào hoàn cảnh này? Làm sao hắn lại chui đầu vào cái thòng lọng này nhỉ? Ngày đó, khi khấp khởi xốc ba lô xuống tàu với tâm trạng của người sống sót và chiến thắng trở về thì hắn đâu nghĩ rằng cuộc đời hắn sẽ có một đoạn như thế này. Hắn ngây ngất, hắn choáng ngợp, tâm hồn bấn loạn vì niềm vui. Với hắn, sống sót để trở về cũng đồng nghĩa với chiến thắng. Như vậy là đã hai lần hắn chiến thắng, một ở tây nam, một ở phía bắc. Khoác ba lô đi giữa quê hương hắn chẳng còn bận tâm lo nghĩ gì hết. Chưa có gì phải vội vàng, cứ chơi cứ nghỉ cho thỏa thích, dù có ăn gạo hẩm khoai ngô... Hắn còn trẻ mà, chưa tới ba mươi... Học nghề, cưới vợ... Không, hãy dành mấy tháng đi chơi cho thỏa. Hắn sẽ... Từ ga tàu về làng hắn định rằng sẽ gặp Hạnh, cô người yêu duyên dáng xinh tươi rồi mới về nhà. Nhưng rồi hắn ngập ngừng, hắn quyết định là phải gặp bố mẹ trước. Bố mẹ phải là người đầu tiên biết hắn còn nguyên lành trở về. Cả năm trời nay hắn không nhận được tin tức gì của Hạnh. Biết đâu... Thôi, để xem ra sao, biết đâu lòng người đã khác... Ý nghĩ ấy chỉ làm hắn nhói lòng một chút rồi đâu lại vào đấy. Niềm vui đang choán đầy trong hắn. Hắn bước những bước hăm hở với những hình ảnh về vẻ mặt của bố, của mẹ và của thằng em trai. Rời đường phố một đoạn, lối ngõ làng hắn chìm lút sau những rặng tre. Nhà hắn kia rồi. Ngôi nhà ngói nhỏ có bờ duối làm hàng rào bên cạnh cái ao rau muống. Mùa này đúng mùa rau muống, có lẽ rau tốt và non lắm, nhìn xanh om lên thế kia. Sáng mai phải bảo mẹ luộc một nồi to ăn cho đã. Hắn vừa đi qua dãy phố buồn hiu tẻ nhạt sau chiến tranh mà đâu có để ý. Mắt hắn, lòng hắn chỉ chăm chăm vào cái nhà này. Trời đã tối từ lúc nào ánh sáng từ mấy bóng đèn đường vàng vọt ngoài kia không thể lọt tới đây, lối vào nhà chỉ lờ mờ và nhớp nháp bùn dưới chân dép. Ngõ nhà hắn, cái cổng có hai cánh bằng tre mà bố đã làm trước lúc hắn đi, hai cái khung giờ đã xộc xệch và đổ nghiêng lật sang một bên. Trong nhà im ắng lạ thường. Tiếng ca vọng cổ không biết từ nhà nào vọng tới, tiếng pin sôi lục bục, tiếng ọt ẹt đứt quãng lúc gần lúc xa. Hắn ngập ngừng bước vào sân.

- Ai đó?

Tiếng mẹ hắn bất ngờ từ bếp vọng ra làm hắn giật mình. Đúng là tiếng mẹ rồi.

- Ai đó, hỏi sao không nói?

- Con mà mẹ. Bố đâu rồi?

- Mày đã về à?

Không phải tiếng reo vui như hắn chờ, không có nét mặt hồ hởi để hắn thấy. Không có sự trầm trồ thán phục của thằng em trai như hắn mong... Tiếng mẹ và cả thân hình của bà cũng đang chìm đâu đó trong bóng đêm nghe như vọng về từ một cõi xa xăm sâu hút. Hắn bỗng lạnh người, niềm hứng khởi xẹp xuống tức thì như quả bóng đầy hơi bị một mũi kim chọc thủng.

Hắn có được ăn cơm không nhỉ, đêm đó, khuya lắm rồi mẹ hắn vẫn chưa thôi kể cho hắn nghe.

Bố hắn được hợp tác xã phân công đi mua than tận Hải Phòng, không hiểu sao khi về nhập lại bị thiếu hẳn hai tấn. Hai tấn... hai tấn... Hay là bố bán... Hắn bức bối hỏi... Bán sao được. Cùng đi có những mấy người, lại thuê cả công an bảo vệ... Hay là tại cân sai... sao lại như thế được... Mẹ không biết...

Bố hắn bị người ta giữ đã mấy hôm. Thằng em trai cũng đã bỏ đi trước đó mấy ngày. Thế là chết rồi. Hắn thừa biết cái tội để thất thoát tài sản tập thể rồi sẽ như thế là... Hai tấn than, qui ra thóc là... Người ta nói than là vàng. Không đủ than lấy gì cho dân đun, lấy gì đốt vôi... Mà vấn đề không đơn thuần có thế. Rồi người ta sẽ qui cho bố hắn cái tội tham ô, tội ăn cắp, tội làm thất thoát tài sản... Xấu xa lắm, tủi hổ lắm. Bao nhiêu công lao uy tín chính trị của bố hắn rồi sẽ mất hết... Thế thì...

Hắn bật lửa châm đèn, lôi võng mắc lên hai cột nhà rồi ôm ba lô còng queo nằm trong bóng đêm với đầu óc trống rỗng. Đêm đầu tiên sau mấy năm xa nhà của hắn là như vậy. Không một lời thăm hỏi, không một câu chúc mừng... Một nỗi buồn mênh mang trĩu nặng trong tận đáy lòng hắn. Hắn đâu ngờ cảnh ngộ lại thê thảm như thế này. Tai họa đâu đổ vào đầu bố hắn, đổ vào mẹ hắn, và cả hắn nữa. Chợt như nhớ ra, hắn nhồm dậy hỏi vọng vào buồng, chắc mẹ hắn đang trằn trọc trong đó.

- Thế lâu nay mẹ có gặp Hạnh không? Hạnh có vào chơi không?

- Ôi trời... Tiếng kêu, tiếng thở của bà càng làm hắn rụng rời thêm.

- Mày hỏi thì mẹ mới nói... Thôi, quên nó đi.

- Sao? Có chuyện gì thế? Hắn nhổm người trên võng.

- Người ta có nơi có chốn rồi... Tiếng “rồi” mẹ hắn dừng đột ngột, dứt khoát như muốn nhủ hắn rằng đừng có mơ tưởng gì nữa cho đau lòng.  

Hôm hắn ra đi Hạnh đã hứa và đã thề rằng dù phải đợi hắn đến bao nhiêu cũng vẫn đợi...Chiếc khăn tay Hạnh thêu tặng vẫn còn đây. Mới bốn năm chứ mấy. Chiếc khăn luôn nằm trong đáy ba lô, chỉ thỉnh thoảng hắn đưa ra ngắm nhìn cho đỡ nhớ rồi lại cất vào đó. Ngày từ biên giới Tây Nam về qua nhà để ra phía Bắc, gặp nhau Hạnh vẫn nhắc lại câu nói ấy cơ mà...

- Bố nó được bầu làm chức gì đó trên xã... Việc tra xét bố mày cũng do ông ta phụ trách. Bố mày bị khai trừ rồi... Lúc bố mày chưa đi than thì thỉnh thoảng nó có vào... Nghe đâu bây giờ nó cũng làm cán bộ gì đó...

- Hạnh làm cán bộ gì?

- Mẹ đâu có biết. Người ta đồn nó sắp cưới. Nó lấy cái anh gì mới đi học về giờ làm trên huyện í. Sự đời là thế đó con ạ. Thôi, ngủ đi. Sắp sửa gà gáy đầu rồi đó... Tiếng mẹ hắn đã nhão ra uể oải và buồn thảm... Ngủ đi, nghe tin mày về là sáng mai người ta kéo sang hỏi thăm đó....

Trăng hạ tuần lặng lẽ sáng. Một vầng trăng mảnh mai cô đơn đã úa vàng một góc trời. Hắn nhớ là như vậy. Từ trong võng nhìn ra qua khuông cửa để ngỏ, màn đêm mung lung với những ngọn tre lặng phắc, những tán lá cũng lặng phắc. Hắn ngỡ như mình đang nằm trong một trạm khách giao liên nào đấy ở Trường Sơn, chỉ khác là không có tiếng nói cười của đồng đội chung quanh. Mẹ hắn đã ngủ chưa, chỉ nghe tiếng ngáy nhỏ đứt quãng và tiếng thở nhọc nhằn vọng đến. Trời tối nhờ nhờ, mấy con muỗi o e thỉnh thoảng va vào mặt hắn. Hắn cứ trằn trọc và buồn thảm như thế, nỗi buồn làm ngực hắn lạnh buốt, tim như muốn rụng xuống. Thế rồi cái buồn rụng tim ấy đã chỉ đường cho hắn. Gần sáng trở dậy móc túi và chỉ giữ lại mấy đồng, còn bao nhiêu trong số tiền ra quân ít ỏi hắn đặt cả trên đầu giường mẹ, rồi lặng lẽ cuốn võng. Khoác ba lô lên vai, trước khi bước ra sân hắn ngập ngừng mấy phút nơi cửa buồng. Mẹ hắn đấy, trong ánh sáng nhờ nhờ hắt vào từ cái cửa sổ hướng đông một thân hình gầy guộc thoi thóp ngủ dưới tấm chăn mỏng hờ hững. Lòng hắn đau nhói từ thẳm sâu của tình con. Mẹ hắn đấy, bà đã mong hắn biết bao nhiêu. Hắn là niềm hi vọng cuối cùng của bà. Trong thời khắc, trong cảnh huống này không thể nào khác được... Hắn quả quyết bước. Bao nhiêu là mộng tưởng đã sụp đổ tan tành, liệu hắn có đủ sức lực và ý chí để gượng dậy? Hắn không thể chịu đựng sự ghẻ lạnh của người đời. Hắn biết, dù chưa thể kết luận bố hắn có bị tội hay không thì người ta cũng sẽ nhìn hắn như thế nào. Hắn không thể sống nổi nếu bị coi thường, nếu bị xa lánh. Người ta sẽ chẳng cho hắn đi đâu, làm gì... Vậy thì, tốt hơn hết là đừng để ai nhìn thấy hắn, cứ để mọi người coi hắn như đã chết...

Không hiểu tại sao hắn không thể chết như bao đứa khác. Trường Sơn, Tây Nguyên, biên giới tây nam, biên giới phía bắc bom bi pháo chụp pháo giàn... Vậy mà hắn vẫn sống, sống lành lặn, sống đàng hoàng hiên ngang như bao kẻ thắng trận trở về với khúc khải hoàn. Hắn hối hả bước. Bước thật nhanh, sáng đến nơi rồi. Hắn không thể giáp mặt mấy ông mấy bà có con chết trận. Hắn không thể kể cho họ nghe về cái chết của con cái họ. Hắn biết trước rằng không thể chịu được nước mắt của những người bố người mẹ. Vậy thì hắn có quyền gì được sống mà trở về nguyên lành khoẻ mạnh trước mặt họ. Cái làng này... những thằng Triển, thằng Biên, thằng Tuấn, thằng Hài... Thôi, cứ coi như hắn đã chết, đã biến khỏi trong mắt họ...


Thằng Hân, cái thằng chủ của cái xà lan đãi vàng này, cái thằng còn thua hắn đến mấy tuổi mà dám đối xử với hắn như đối với một con chó. Đám xương nó mút nó gặm còn lổng chổng như xương bốc mả thế kia. Nó lại còn nhe răng cười, cái mõm nhô ra và hàm răng trắng nhởn vừa đểu giả vừa độc ác. Đã bao lần nó bảo bay là những thằng ngu, còn sống sót mà đi làm thuê cho tao thế này là phúc bảy đời chúng bay rồi... Thằng Hân, cái thằng không hề mất một giọt mồ hôi trong mấy cuộc kháng chiến giờ đang cười cợt đang phỉ nhổ vào mặt những đứa như hắn... Đã nhiều lần thằng Hân khoe những mẹo những trò những thủ thuật để không phải đi bộ đội, nào là giả làm chảy máu dạ dày, nào là nhịn ăn để không đủ cân, vận khí công cho trương bụng, dồn máu lên mặt cho đỏ lên một cách dị thường... Toàn những trò của những đứa không một chút tự trọng... Ánh trăng lạnh lẽo chiếu vào mặt thằng Hân một thứ ánh sáng âm u rờn rợn đến ma quái. Đáy xà lan, nước vẫn lặng lẽ trôi dưới lòng sông, các ghềnh thác vẫn rú gào bài ca mông muội muôn thuở của núi rừng hoang dã. Đám tay chân của Hân đứa khoanh tay đứa khuỳnh chân đứng nhe răng cười cổ vũ chủ như một lũ chó nhâu nhâu...

Có lẽ cũng như lúc này, hôm đó lòng hắn cũng nhói đau, đau vì số phận, đau vì nhục nhã...Ra khỏi ngõ, khi yên chí là mẹ vẫn không hay biết thì hắn co cẳng chạy. Trời vẫn chưa sáng, phố xá vẫn chìm trong giấc ngủ mê mệt của những kiếp sống nhọc nhằn. Hắn bước đi như một con chó hoang bị xua đuổi. Thế rồi bước chân đưa hắn lên ga tàu. Hắn bước đại lên một toa khi đoàn tàu dừng bánh mà chẳng cần biết con tàu sẽ về đâu. Vài ổ bánh mì và những hớp nước chè ôi, tàu dừng bánh hắn mới biết đã ra tới Hà Nội. Lúc đó hắn mới nhớ tới Lạng Sơn, cái thị xã biên giới tan hoang trước lúc hắn từ đó trở về. Nơi đó hắn có Hiền, cô bạn gái xinh xắn đã yêu hắn bao nhiêu. Chẳng biết giờ đây gia đình Hiền đã quay lại chưa. Hôm hắn ra quân về quê thì Hiền và gia đình vẫn còn ở nơi sơ tán. Ngày đó nếu như chưa có Hạnh, nếu như không vì Hạnh thì hắn đã...

Hắn quyết định theo một chiếc xe bộ đội ngược lên. Và người quen đầu tiên hắn trông thấy là Hiền. Cô bạn sững sờ khi thấy hắn xuống xe chỗ tiếp giáp đường sắt với đường ô tô để rẽ vào phố. Hiền dẫn hắn về nhà. Gia đình Hiền đã trở lại ngay hôm hắn rời Lạng Sơn. Những ngày tiếp theo là những ngày đầy hạnh phúc. Hằng ngày Hiền ngồi bán ở quán nước, còn hắn ra ga tàu, ra bến xe khuân vác thuê. Dần dần hắn theo người ta lên sát đường biên làm cửu vạn và như một con lừa ngày mấy chuyến qua lại biên giới. Dạo đó có ngày hắn kiếm được số tiền đủ mua nửa chỉ vàng. Hai tháng sau, hắn mang mấy cây vàng theo cánh buôn lậu đi sâu vào đất Trung Quốc. Và tiếp đó thực sự là những ngày chui lủi của hắn. Hắn bị săn đuổi khắp nơi. Cô bạn gái khóc đứng khóc ngồi và đã bao phen thót tim vì hắn. Nhiều hôm, mãi nửa đêm gà gáy hắn mới mò về trong hình hài của một con ma đói, rách rưới tã tượi. Mặc, hắn nhe rằng cười khoe với cô bạn thêm mấy cây vàng vừa kiếm được. Vàng, vàng là muôn năm. Chỉ có vàng mới thay đổi được cuộc đời hắn. Hắn tuyên bố dõng dạc trước Hiền sẽ cưới lúc nào có trong tay chục cây vàng...


Thằng Hân bưởng trưởng lúc này cũng đang nói tới vàng. Bàn tay đang nắm của nó bỗng xoè ra, trước mắt hắn và cả bọn là một cục vàng bằng trái táo. Thằng Hân đã có bao nhiêu cục vàng như thế. Cục vàng này bọn hắn đãi được từ cái mẻ đầu tiên của cái ngày cách đây hai hôm. Lúc đó thằng Hân đang ăn dở tô gì đó bỗng nhảy ào đến và rống lên như phát rồ...

- Cái gì đây, vàng phải không? Chúng mày có biết tại sao vàng quí không?

- Vì nó...

- Không hỏi mi? Nín.

Một thằng đứng sau lưng bưởng trưởng nhanh nhảu chưa kịp nói hết câu đã bị chặn họng đứng chưng hửng.

- Tại sao? Chúng mày thì làm sao biết vàng là thế nào. Tao nói cho mà biết. Vàng là một thứ kim loại đặc biệt, nó quí là bởi không gì làm cho nó hao mòn được cả. Và... nó quí bởi do... bọn bay làm ra, bọn bay kiếm ra... Ha... ha...


Hắn sa chân vào đây, thế mà đã hơn một năm. Lúc đó chiếc xà lan này còn ở một khúc sông khác. Đám người nhợt nhạt gày gò rách rưới giương những cặp mắt trũng sâu nhìn hắn vừa như ngạc nhiên vừa như thích thú. Hắn đâu hiểu được những ánh mắt ấy. Người dẫn đường hứa rằng cơm nuôi ăn mỗi tháng chủ sẽ trả đúng hai chỉ. Hai chỉ mỗi tháng. Hắn dự định chỉ cần làm một năm...

Ngày đó định bụng kiếm thêm ít nữa hắn sẽ cưới Hiền. Thấm thoắt hắn lên biên giới thế mà đã được ba năm. Ba năm, cô Hiền mười bảy trở thành cô Hiền hai mươi nở nang tươi tắn. Và hắn rắn rỏi già dặn đầy vẻ can trường. Thị xã lúc này nhộn nhạo người tứ phương. Người ta cắm lán dựng trại suốt dọc hai bên đường lên cửa khẩu, suốt ngày suốt đêm sôi sục cảnh bán mua băng hội lừa đảo chộp giựt... Một cơ hội, một môi trường kiếm tiền dễ như húp cháo mở ra đối với hắn. Có chuyến đi về trao tay sang tên hắn kiếm được mấy chỉ liền. Số vàng, tiền kiếm được hắn định bụng sẽ gửi Hiền giữ nhưng rồi lại thôi. Nhiều vốn sẽ nhiều lời... Nhưng ở đời ai hiểu hết chữ ngờ. Trong một lần sang biên giới hắn đã bị nhà chức trách giữ lại và đưa sâu vào nội địa. Hắn bị xích tay và tống lên xe trùm bạt kín bưng. Cái xe chở bọn hắn đi mãi vào rừng xanh núi đỏ hết ngày này qua ngày khác. Chỗ người ta thả hắn xuống cũng là rừng. Rừng nối tiếp rừng mờ mịt sương dăng mùa hè tuyết phủ mùa đông. Đó là những ngày kinh hoàng nhất của đời hắn. Ăn đói mặc rách lao động khổ sai và... rét khủng khiếp. Bọn hắn phải làm cái việc đào đất xẻ rãnh vác đá vá núi. Có bao nhiêu tiền mang theo hắn bị lột sạch. Bị nhà chức trách lột, bị người cùng cảnh lột, bị những ả gái điếm mạt hạng lột... Trong cái xã hội hỗn tạp và khốn khổ như thế con người bỗng trở thành dã thú, chúng cắn xé chém giết, cướp giật nhau không thương tiếc. Cho nên hắn, hễ sau một ngày, lúc được trở về nằm yên trong một góc trại thì mới biết rằng lại thêm một ngày được sống mà chẳng nhớ là thời gian đã trôi đi được bao lâu. Mãi cho đến hai năm sau, khi được chở trả về Việt Nam, qua biên giới rồi mà hắn vẫn chưa hết hãi hùng. Hắn tìm gặp Hiền với bộ dạng như một tấm giẻ thì Hiền đã lấy chồng. Hiền khóc, dúi cho hắn mấy chỉ vàng rồi nói em cứ ngỡ... lâu quá rồi... tha lỗi cho em...

Thế là ở đây không còn chỗ cho hắn. Thật chua chát, thật đắng cay. Cái gì nơi đây đã cho thì giờ đây nó đã lấy lại. Không những thế, nơi đây còn lấy đi của hắn năm sáu năm tuổi trẻ và biến hắn thành một kẻ trắng tay cùng cực... Mấy chỉ vàng Hiền đưa nhanh chóng bay vèo trên những chặng tàu xe quăng quật và trong những tối gá vội gá vàng với những phấn son dọc đường cát bụi.

Và cái bến đỗ của hắn bây giờ là cái xà lan đãi vàng này. Cái xà lan với cái máy đi-ê-den khét lẹt mùi dầu suốt ngày phành phành nổ trên khúc sông đỏ ngàu màu bùn đất và vắng lặng đến rợn người. Lúc đó trong túi không còn lấy một chinh một hào và đói đến lả người giữa một thị trấn thì hắn gặp một người đàn ông. Hình như người đàn ông ấy đã theo dõi hắn từ lúc hắn xuống xe. Bởi lúc hắn đã xỉu xuống bên lề đường thì gã đàn ông xuất hiện và trao cho một ổ bánh mì. Lời mời gọi của gã đàn ông như một miếng mồi cài dưới lưỡi câu... Mãi đến sau này mới nghĩ thế, còn lúc đó hắn như chết đuối vớ được cọc. Ăn ngốn ngấu xong chiếc bánh mỳ hắn theo chân người đàn ông bắt xe và nhằm hướng tây chạy mù mịt.

Sau gần một ngày đi bộ xuyên rừng, gã đàn ông đưa hắn dừng bước trước một con sông. Đoạn sông trước mặt hắn quanh co sâu hun hút giữa những vách đá, giữa những khu rừng âm u rậm rạp. Dưới xa kia, cái xà lan trông tựa một ngôi nhà, lem luốc màu bùn đất mà hắn biết rằng mình đã là thành viên. Phải đến mấy ngày sau hắn mới biết, cái đám suốt ngày dầm nước dầm bùn trên xà lan, đến gần mười đứa cũng đa số là lính, thằng bảy tư thằng bảy lăm, thằng bảy chín... đủ cả. Ban ngày thì thôi, ban đêm, hễ lên nằm một dãy trên cái sàn nhớp nhúa bẩn thỉu là y như rằng chúng lại nhắc tới những ngày đó. Họ cũng như hắn, ký ức chất đầy những kỷ niệm trận mạc, hễ nhắc tới là giọng thằng nào cũng hào hển thiết tha... Một thời bi tráng liệt oanh. Ngày lễ vừa rồi, người đàn bà trên xà lan không biết kiếm đâu được đã dúi cho chúng chai rượu. Hoá ra cô ta cũng có cảm tình với bọn hắn. Nghĩ cũng hay, tấm thân thì để cho thằng bưởng trưởng vày vò còn tâm hồn thì...hình như chỉ dành cho mấy thằng đã từng đi lính... Đêm đó bọn hắn rì rầm và cả hát nữa chứ. Bọn hắn hát... Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn... Bọn hắn hát... gặp em trên cao lộng gió... Gặp gặp, gặp cái cục cứt. Im mồm cho tao ngủ. Sau tiếng nạt của bưởng trưởng là một bầu không khí chết lặng giữa đêm rừng.

Tại sao thằng Hân lại không cho bọn hắn ôn lại những kỷ niệm ấy nhỉ. Tại sao nó lại ghét cay ghét đắng những người làm thuê cho hắn, những người giúp hắn có vàng... Nó sống chui sống nhủi như một con chó trong lúc bọn hắn đổ máu bỏ xác mà bây giờ lại có quyền cười cợt phỉ báng thế nhỉ... Hắn chợt tỉnh rồi tay chân run lên bần bật, mắt như toé lửa... Không kịp để ý tới đám người đang ngồi như bất động, nét mặt thất thần đầy vẻ yếu đuối bạc nhược của đám bạn. Quyết định loé lên rất nhanh như một tia chớp, như một phản xạ tức thì, hắn bật dậy bằng tất cả sức lực còn lại như một chiếc lò xo bị nén bất ngờ bật chốt hãm. Thằng bưởng trưởng bật ngửa trước cú húc bằng đầu của hắn vào giữa ngực. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến đám tay chân của Hân sững ra mấy giây sau mới kịp phản ứng.

Khỏi phải nói hắn bị trừng phạt như thế nào. Người nát bấy như một tấm giẻ rách, quá nửa đêm hắn mới tỉnh dậy và cảm thấy toàn thân đau đớn như bị cắt rời từng khúc từng đoạn từng bộ phận. Hắn lờ mờ nhận ra là đang nằm trên bãi cát gần mép nước rồi lại ngất đi. Gần sáng hắn tỉnh. Rét quá, rét đã làm hắn tỉnh hay vì người đàn bà ấy đã làm hắn tỉnh. Người đàn bà duy nhất có mặt trên xà lan. Người đàn bà mà đêm đêm hắn vẫn thường nghe những tiến rên rỉ đau đớn trong cái xó được quây bằng mấy tấm vải phía sau xà lan làm chỗ ngủ cho thằng Hân đang ngồi ngay cạnh hắn, quần áo tóc tai ướt đẫm dính bết vào người. Chỗ hắn nằm lúc này là một hốc đá kín đáo. Chẳng biết cô ta bằng cách nào mà đưa được hắn lên đây. Ánh sáng mảnh trăng cuối tháng lạnh lẽo hắt xuống từ đỉnh rừng, chiếu qua vòm hốc đá khiến hắn nhìn rõ khuôn mặt cô. Khuôn mặt con gái còn khá trẻ mà hằng ngày hắn đâu để ý, dễ nhìn, hiền dịu, ít nhất là vào lúc này... Cô đang dùng tấm giẻ lau rửa vết thương rồi bôi cho hắn một thứ dầu gì đó. Hắn rên lên khe khẽ. Cô vội vàng bịt miệng hắn, thì thào. Anh cố chịu đau, chúng nó nghe...

Vì cớ gì người đàn bà này đã cứu mình? Hằng ngày bọn hắn chỉ coi cô ta là thứ rác rưởi, là đồ chơi cho thằng Hân. Nhất là những khi tối đến bọn hắn ngửi thấy mùi nước hoa, mùi son phấn. Giữa chốn góc rừng lạnh lẽo xa vắng hoang vu, cái mùi ấy chỉ kích thích những thằng đàn ông... mà cô chỉ thuộc quyền sở hữu duy nhất của thằng chủ. Bọn hắn đã vừa thèm thuồng vừa tức tối, cũng có lúc thấy xót xa cho thân phận đàn bà con gái của cô. Giờ thì cô ta đang cạnh bên hắn đây. Điều đó có nghĩa là cô đã yêu thương hắn. Giọng người đàn bà thì thào trong nước mắt, anh thật là điên khùng, chúng sẽ giết anh mất thôi... Làm ra vàng mà chúng mình đâu có được vàng... Phải đi thôi anh, phải trốn khỏi nơi này, em sẽ đưa anh đi... Dù em chẳng còn gì cho anh... Cô cúi sát rồi hôn lên khắp khuôn mặt bầm dập của hắn. Nước mắt cô chan đầy mặt hắn. Tay cô rờ rẫm khắp thân thể bấy bá của hắn. Bàn tay ấy chạm đến đâu hắn run lên đến đó... Đã quá nửa đời người rồi, có lẽ đây mới thực là những giọt nước mắt giành cho hắn.

Trăng đêm nay sao mà giống trăng đêm đó. Một vầng trăng lạnh lẽo và cô đơn. Chỉ khác một điều, trong ánh trăng đêm đó hắn đã ra đi trong chán nản tuyệt vọng thì đêm nay, cũng dưới ánh trăng này, trong vòng tay người đàn bà xa lạ hắn đã cảm thấy được yêu thương. Hắn run lên bần bật. Hắn run lên từ đáy lòng sâu thẳm.

Tháng 3 năm 2009
N.N.L
(253/03-10)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Vuốt mắt cho em (02/04/2010)