Tạp chí Sông Hương - Số 254 (tháng 4)
Tiếng súng giữa rừng
10:14 | 29/04/2010
PHAN VĂN LỢINhững ngày cuối năm 1970. Hướng chiến dịch của mùa khô mới đã được xác định. Địch sẽ huy động một lực lượng lớn các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ phối hợp với quân ngụy Lào, có sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ để tiến hành một cuộc hành quân quy mô dọc đường Chín nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược của ta, sau đó sẽ nống ra đánh phá đường giao thông và các kho tàng hậu cần của tuyến đường Trường Sơn vùng Trung - Nam Lào.
Tiếng súng giữa rừng
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Về phía ta, Bộ tư lệnh chiến dịch đã hình thành một thế trận phản kích trong thế chủ động, sử dụng khối bộ đội chủ lực cơ động tác chiến hiệp đồng binh chủng kết hợp với lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4, B5 và bộ đội Đoàn 559, quyết tâm bảo vệ bằng được tuyến vận chuyển chiến lược cùng các cơ sở hậu cần, đồng thời tiêu diệt và làm tan rã ở mức cao nhất lực lượng quân chủ lực ngụy. Mặc dù vẫn còn lác đác những cơn mưa cuối mùa và nền rừng đang sũng nước, nhưng bên dưới tấm thảm xanh mênh mông của rừng Lào, không khí chiến dịch đang nóng lên từng ngày.

Ở trung đoàn 92, các tiểu đoàn bộ binh và hỏa lực vẫn lặng lẽ ém quân trong những khu rừng dưới chân núi Pu Leng, nhưng các cán bộ chỉ huy từ cấp tiểu đoàn trở lên cùng tham mưu, trinh sát đang tất bật gấp rút lên đường trinh sát thực địa. Mặc dù đã được phổ biến kế hoạch tác chiến chiến dịch, nhưng ban chỉ huy trung đoàn vẫn hết sức lo lắng. Trong đội hình sư đoàn, trung đoàn 92 được sử dụng như một đơn vị dự bị cơ động, sẵn sàng đánh phản kích để bảo vệ các kho hậu cần dọc tuyến đường 22 nếu địch từ đường Chín tiến vào khu vực Mường Noọng - A Lưới, đồng thời phải chuẩn bị phương án đánh chặn các tiểu đoàn quân ngụy Lào tiến từ hướng tây nam lên. Công tác chuẩn bị chiến trường buộc phải chia làm hai hướng. Trung đoàn trưởng phụ trách đoàn cánh nam đi về hướng Pha Đo Tuya, còn đoàn của tham mưu trưởng Đặng đi lên hướng bắc.

*
Đài quan sát của đoàn chuẩn chiến cánh bắc đặt trên đỉnh một ngọn núi được ghi trong bản đồ là điểm cao 323. Ở đấy vào những ngày nắng, qua ống nhòm bội số lớn có thể quan sát cả một vùng rừng rộng từ sông Sê Băng Hiêng ra tới sông Sê Pôn. Nhưng vào mùa này những ngày trời trong rất hiếm hoi. Hầu như suốt ngày sương mù phủ trắng trên những cánh rừng và mây lấp đầy các khe núi. Ngay cả những ngày tạnh ráo, cũng chỉ có thể quan sát tầm xa trong vài giờ vào buổi chiều.

Chỉ để một tổ chốt ở đài, Đặng chia đoàn thành nhiều toán hỗn hợp chỉ huy - tham mưu - trinh sát, len lỏi trong các cánh rừng trải dài hai bên đường 22. Trung đoàn đã nhiều năm hoạt động ở chiến trường Trung - Nam Lào, địa hình ở đây không phải xa lạ, nhưng quy mô chiến dịch lần này khác với những năm trước. Ý đồ chiến thuật cho những trận đánh sắp tới hoàn toàn tùy thuộc vào diễn biến của chiến dịch, đòi hỏi công tác trinh sát phải hết sức tỉ mỉ chính xác để có thể xác định phương án tác chiến cụ thể và linh hoạt. Đặng nhắc các toán trinh sát đặc biệt chú ý nghiên cứu kỹ lưỡng những con đường địch có thể cơ động tăng, thiết giáp, những cao điểm trực thăng có thể đổ quân, cẩu pháo đến đặt trận địa hỏa lực hoặc xây dựng căn cứ phong tỏa...

Trong những ngày ấy, trên lớp lá rụng mục ải bốc mùi ẩm mốc phủ dày nền rừng già, dấu chân của các toán trinh sát và của thám báo ngụy giẫm đè lên nhau. Những lối đi vô hình của ta và địch đan cài ngang dọc bên dưới tán cây rừng. Đã có đôi lần chạm mặt nhưng cả hai bên đều cố né tránh, hạn chế nổ súng. Địch không muốn để lộ ý đồ cuộc hành quân. Phía ta, ngoài việc giữ bí mật, còn phải tránh bắn lầm nhau. Trong vùng chiến trường dự kiến, ngoài trinh sát của trung đoàn 92, còn có quân của các đơn vị bạn: trinh sát pháo binh, công binh, thông tin kỹ thuật, bộ đội binh trạm... Hầu hết các toán thám báo địch đều mặc trang phục giả bộ đội ta, trang bị tiểu liên AK, rất khó phân biệt khi chợt gặp trong rừng. Các trinh sát đều được phổ biến rất cẩn thận mật khẩu, ám hiệu quy ước thống nhất trong toàn sư đoàn và được thay đổi theo từng thời gian nhất định.

Sau hơn nửa tháng, đoàn của Đặng đã cơ bản hoàn thành công việc. Anh cho phần lớn đoàn rút về hậu cứ, chỉ để lại hai trợ lý tham mưu và tiểu đội trinh sát của Cương.

*
Mãi gần trưa nắng mới hửng. Sương mù tan dần, những ngọn núi như trồi lên từ trong sương, trên đỉnh nhuốm nắng vàng hươm. Tham mưu trưởng Đặng mở nắp hộp da lấy ống nhòm đưa lên mắt, chỉnh tiêu cự chăm chú quan sát các điểm cao phía nam sông Sê Pôn. Anh muốn soát lại lần cuối toàn cảnh vùng chiến trường sẽ diễn ra trong dự kiến để quyết định một phương án tác chiến thích hợp.

Mặt trời lên cao, màu mây trắng bạc chói nắng đến nhức mắt. Trước cửa lán đài quan sát, Thái khum bàn tay che mắt dõi theo chiếc OV.10 nãy giờ vẫn lượn đi lượn lại trên vùng trời phía nam Bản Đông, tiếng động cơ u u rền rĩ lúc gần lúc xa nghe khó chịu như có con nhặng vo ve quanh quẩn đâu bên cạnh. Sau lưng Đặng, hai cán bộ tham mưu đang chúi đầu trên tấm bản đồ đưa đầu bút rà theo những kí hiệu chi chít, rì rầm trao đổi với nhau.

- Vừa rồi cậu nào điều nghiên cái 551? - Đặng chợt hỏi, mắt vẫn không rời khỏi ống nhòm.

- Tôi, anh ạ! - Một trợ lý tham mưu trả lời - Tôi đi với trinh sát D3.

Đặng buông ống nhòm, quay lại ngồi xuống bên tấm bản đồ:

- Địa hình ở đấy thế nào?

Trợ lý tham mưu hơi nhíu mày như để nhớ lại:

- Mỏm này trên đỉnh khá rộng, tương đối bằng phằng. Không có cây cao, chỉ cỏ gianh với cây bụi lúp xúp. Sườn phía sông Sê Pôn khá dốc, phía nam và tây nam thoai thoải.

- Tăng PT82 lên được không? - Đặng hỏi tiếp.

Trợ lý tham mưu lúng túng:

- Tôi cũng... chưa tính tới. Có sơ đồ đây anh ạ! - Anh nói, rồi lật loạt soạt xấp sơ đồ, rút ra một tờ đưa cho tham mưu trưởng.

Đặng không trách cấp dưới của mình. Đây là lần đầu tiên sư đoàn chiến đấu có xe tăng tăng cường, chính anh cũng vừa nhận được thông báo qua điện mật. Nếu có tăng phối thuộc sẽ sử dụng ở đâu? Trong điều kiện nào? Chưa hẳn trung đoàn đánh ở hướng này, nhưng tài liệu trinh sát tỉ mỉ sẽ rất cần cho sư đoàn. Đặng chăm chú nghiên cứu bản sơ đồ, suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Theo mình, vị thế của 551 rất quan trọng. Nếu địch lập ở đó một cứ điểm vừa che chắn được sườn nam cho mũi tiến quân lên Bản Đông, vừa phong tỏa đường 22, đồng thời có thể làm bàn đạp để tiến về hướng Mường noọng - A Sầu - A Lưới... - Anh ngẩng lên gọi - Cương ơi, dậy đi!

Tiểu đội trưởng Cương đang ôm súng ngồi tựa góc lán ngủ ngon lành, nghe gọi liền bật dậy đưa tay dụi mắt. Đặng cười:

- Thèm ngủ lắm hả? Thôi, chịu khó vậy. Mình có việc cho cậu đây!

Cương bước tới, ngồi xuống trước mặt tham mưu trưởng. Đặng đưa tay chỉ một điểm trên bản đồ:

- Cậu chọn lấy một tổ, làm kỹ cho mình cái 551. Thật chi tiết! Trên đỉnh địa hình địa vật thế nào? Dài rộng bao nhiêu? Trực thăng đáp xuống cùng lúc được mấy chiếc? Có thể cấu tạo cứ điểm kiên cố được không? Nếu địch đặt ở đấy pháo cỡ 105, 155 tầm khống chế sẽ ra sao? Tìm hiểu sườn điểm cao về tất cả các hướng, xem hướng nào tăng PT82 của ta có thể lên. Tìm đường cho tăng đi. Nghiên cứu kỹ cấu tạo địa chất, độ dốc, độ lún, suối, hẻm núi, khe cạn; chú ý vật cản như cây, đá tảng phải ở mức độ công binh có thể bí mật khắc phục được... Ghi chép, vẽ sơ đồ cẩn thận. Thời gian năm ngày. Được không?

Cương nhoẻn cười, anh hiểu đó là mệnh lệnh chứ không phải câu hỏi. Đặng quay sang nói với hai cán bộ tham mưu: “Có gì ăn không? Ăn xong ta về luôn. Ở nhà còn bao nhiêu là việc, sẽ bận tối mắt tối mũi lên chứ chả chơi đâu!”

*
Thái trải tờ giấy, chỉnh cho mép dọc trùng với hướng bắc - nam của kim địa bàn rồi bắt đầu vẽ sơ đồ tổng thể điểm cao 551. Bên cạnh anh, Thắng loay hoay ráp các mảnh sơ đồ từng phần mà ba người đã vẽ phác để ghi nhớ trong hai ngày qua. Cậu vuốt phẳng một tờ nhàu nát lấm lem đất, băn khoăn nhìn những nét vẽ, miệng lẩm bẩm: “Tờ này vẽ phần nào nhỉ?”. Tiểu đội trưởng Cương đang ngồi xem lại những ghi chép trong cuốn sổ tay, nghe vậy ghé mắt nhìn sang:

- Mỏm đông bắc, chỗ dốc đứng. Phần này cậu vẽ chứ còn ai!

- Ừ nhỉ! - Thắng gãi đầu cười khì - Mấy hôm nay đầu óc cứ lú lẫn thế nào ấy! Mà dạo này tay em cứng quèo, nét vẽ không còn mềm mại như trước. Hồi còn đi học, em vẫn nổi tiếng là người có hoa tay nhất trường đấy!

Cương tủm tỉm:

- Chỉ khoác! Cậu hoa mắt hoa mũi thì có, lấy đâu ra hoa tay!

Thắng giãy nảy:

- Em nói thật đấy! Hồi đó em đã mơ sau này làm họa sĩ. Đi đâu em cũng mang theo tập giấy vẽ và hộp chì màu, gặp gì thích là vẽ. Đám bạn phục lăn, đứa nào cũng bảo em có năng khiếu.

- Lấy cho mình những tờ sườn nam. - Thái nói, tay đưa bút họa nhanh mấy đường cong bình độ.

- Đây anh! - Thắng đặt mấy tờ sơ đồ trước mặt Thái, tiếp tục tán róc - Suốt ba năm học cấp ba, em làm “họa sĩ chuyên nghiệp” chuyên trang trí cho tờ báo tường của lớp. Báo tường lớp em lần nào cũng đứng nhất toàn trường. Còn em mà vẽ mẫu thêu thì lũ con gái cứ gọi là thích mê. Dạo ấy con gái đứa nào cũng đua nhau thêu khăn tay, không phải để dùng mà đem tặng người thân: anh trai, bạn trai, người yêu... Anh Thái này, trên đỉnh đồi có mấy chỗ trũng hình yên ngựa, anh nhớ chưa? - Thấy Thái gật đầu, Thắng lại liến láu kể - Cuối năm lớp mười em bận tối mắt tối mũi. Dạo ấy cả nước rùng rùng ra trận, thanh niên trai trẻ lớp lớp nối nhau nhập ngũ. Hầu như con gái toàn trường đều đưa khăn đến nhờ em vẽ mẫu. Phổ biến nhất là hình chim bồ câu ngậm phong thư, khi một con, khi hai con. Còn mấy đứa nhờ vẽ cặp bồ câu cùng tha hai trái tim lồng vào nhau thì cứ lén lén lút lút, chẳng là các nàng thêu khăn tặng người yêu. Thành ra kỳ thi năm ấy em phải thi lại hai môn. Anh tính suốt ngày suốt đêm phải bò ra vẽ cho kịp, thời gian đâu mà ôn bài...

Cương phì cười:

- Cậu bịa đến khiếp! Học dốt thì cứ nói dốt, chứ chỉ vẽ mấy con bồ câu nhỉnh bằng con tôm, làm gì bận đến thế!

- Em mà bịa a? - Thắng cãi - Không tin lúc nào về quê em, anh hỏi thử xem! Mà đâu chỉ có khăn. Các chị các cô trong làng trong xã còn tới “đặt hàng” em vẽ mẫu thêu áo gối. Chiến tranh, anh nào cũng tranh thủ cưới vợ trước khi ra mặt trận...

- Sao cậu không cưới lấy một cô?

- Em thì... - Thắng gãi đầu ngượng ngùng - Lúc đó em mới mười tám tuổi...

- Thế cậu có người yêu chưa?

- Em cũng có... à mà... chưa...

- Một là có, hai là chưa, sao lại “à mà”?

Thắng lúng túng ngập ngừng một lúc rồi kể, giọng không còn liến thoắng như trước:

- Hồi ở quê em có cô bạn thân lắm, lại rất xinh, tên là Thảo. Nhà cô ấy ở xóm trên, em xóm dưới, nhưng hai đứa từ hồi nhỏ đã cùng nhau đi chăn bò ngoài bãi sông. Bãi sông quê em đất phù sa màu gan gà, đi chân đất cứ mát rượi, êm như nhung. Ở đó vào mùa nước cạn người ta thường trồng rau cải. Đến vụ hoa, dọc bãi cứ vàng rực cả lên... - Thắng ho húng hắng, lại kể tiếp - Mấy năm học cấp ba hai đứa không còn đi chăn bò nữa, nhưng cùng đến trường, học cùng lớp, ngày nào cũng gặp nhau. Cho đến năm lớp mười, những hôm phải nghỉ học không gặp, em cứ thấy bần thần... Rồi em nhận ra cả cô ấy cũng vậy, thỉnh thoảng lại cầm vở chạy từ xóm trên xuống để hỏi về một bài toán bài hóa nào đó mà em biết Thảo thừa sức làm được. Cô ấy học giỏi hơn em nhiều... Quả thực lúc đó hai đứa chưa nói gì với nhau nhưng trong đầu em cứ vấn vương nghĩ về Thảo, rồi nhớ nhớ mong mong đến nôn nao cả người... Buổi chiều cuối cùng trước ngày em nhập ngũ, Thảo đến nhà rũ em ra bãi sông... - Thắng chớp chớp đôi mắt ươn ướt - Dạo ấy vào vụ cuối đông gió heo may se lạnh, bãi sông vàng rực hoa cải. Đến bây giờ em vẫn như nhìn thấy cô ấy đứng trước mặt, ánh mắt sâu hun hút, đôi má ửng hồng, mái tóc dài bay bay... Phía sau Thảo là thảm hoa vàng dập dờn như sóng, sau nữa là dòng sông xanh, rồi đến bờ đê phía bên kia xanh ngắt màu cỏ, đẹp không thể tả! Em vội rút tập giấy vẽ và hộp chì màu, bảo cô ấy cứ đứng yên như thế để em vẽ. Em đưa bút hối hả vẽ phác hết bức này đến bức khác. Lúc đó hình như “máu” họa sĩ nổi lên, em không còn nhớ tới thời gian, không nhớ chuyện ngày mai nhập ngũ. Hồn vía bay lên mây, em múa bút cố lột tả cho được vẻ đẹp của Thảo trên nền hoa cải dòng sông bờ đê... Mãi đến khi cô ấy vùng bỏ chạy, em mới giật mình bừng tỉnh. Em ngơ ngác nhìn theo, thấy Thảo vừa chạy vừa ôm mặt khóc. Bấy giờ em mới nhận ra chiều đã muộn, mặt sông bắt đầu mờ sương... - Thắng bỗng im bặt.

Cương buông thõng:

- Cậu thật ngốc!

- Vâng, đúng là em ngốc thật! - Thắng gượng cười - Lúc đó em nhìn xuống những tờ phác thảo, thấy chẳng bức nào ra hồn. Thế mới là ngốc! Từ đó em cạch mộng họa sĩ.

Thái buông bút ngẩng lên hỏi:

- Chả lẽ trước lúc ra đi, cậu không đến xin lỗi cô ấy sao?

- Tối đó em đến, thấy cửa nhà Thảo đóng im ỉm. Em không dám gọi cứ đi tới đi lui đến tận khuya làm chó trong xóm sủa ran. Sáng hôm sau lên xe, em đưa mắt tìm mãi chẳng thấy Thảo đâu. Mãi lúc xe sắp lăn bánh, em gái cô ấy chạy tới đưa em gói giấy nhỏ, nói: “Chị Thảo gửi anh chiếc khăn”...

- Chắc là chiếc khăn tay thêu đôi chim bồ câu mỏ ngậm hai trái tim lồng vào nhau? - Cương hỏi.

- Không! Một chiếc khăn trắng tinh! - Thắng thở dài, mặt buồn thiu.

- Sau này cậu có viết thư cho Thảo?

- Có viết nhưng... không kịp! - Thắng nghẹn ngào - Thảo chết sau đó mấy tháng. Cô ấy trực 12 ly 7, bom đánh trúng trận địa...

*
Tổ trinh sát của Cương đã hoàn thành nhiệm vụ khá suôn sẻ. Trong ba ngày, họ sục sạo khắp cao điểm 551, vẽ xong sơ đồ có đánh dấu ghi chú cẩn thận những chi tiết cần thiết, và tìm được ba con đường xe tăng có thể lên. Công việc hoàn tất, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sáng hôm ấy, họ quay về.

Đi được chừng cây số thì gặp một con suối nhỏ nước cạn, bờ bên này dốc đứng, phía bên kia thoai thoải. Lúc Cương vừa lội xuống nước, bên kia xuất hiện một toán người mặc quần áo bộ đội. Anh ngờ ngợ, định hỏi mật khẩu thì toán thám báo đã bất ngờ nổ súng. Hàng tràng tiểu liên quất tóe nước, cắm phầm phập vào bờ dốc đứng. Cương bị bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu tiên. Anh ưỡn người loạng choạng ngã úp mặt xuống suối, vùng máu đỏ từ từ loang ra trôi theo dòng nước. Thắng đang đứng trên bờ dốc, vừa kịp trút súng khỏi vai đã thấy đau nhói cả hai chân. Anh khuỵu xuống, cố ôm súng lăn tròn mấy vòng tránh đạn. Thái từ phía sau nhào tới, nép vào gốc cây bắn xả cả băng đạn vào đám người lố nhố bên kia suối, rồi xộc tới ôm Thắng chạy quay trở lại nằm nấp sau một gốc cây to: “Cậu bị ở đâu?”, Thái thay băng đạn hỏi nhanh. “Cả hai chân anh ạ! Chắc gãy xương...” Nhìn sang bên kia thấy bọn địch vẫn thập thò trên bờ suối, Thái di chuyển nhanh về phía dưới một quãng, bắn liền mấy loạt vào những lùm cây đang lay động. Bọn thám báo lập tức bắn trả, đạn bay rào rào. Thái bò nhanh lại chỗ Thắng nằm. Anh lấy dao găm xẻ hai ống quần, băng vội vết thương để tạm cầm máu, rồi hỏi: “Cậu còn bắn được không?” Thắng mím môi gật đầu. Anh đỡ Thắng nằm sấp, đặt khẩu AK vào tay cậu, dặn: “Nấp ở đây. Nếu chúng tràn xuống suối, cố bắn cản, không cho chúng tới chỗ Cương. Tớ sẽ trở lại ngay”. Nói xong, anh xách súng chạy vội lên mé trên.

Thắng nén đau gác súng lên khúc rễ cây ngắm thử, rồi quờ tay rút ba quả lựu đạn đặt trước mặt. “Không biết anh ấy đi đâu nhỉ?”. Thắng nhìn về hướng Thái vừa chạy, bỗng hiểu ra: Thái sẽ vượt suối ở quãng trên đánh vào sau lưng bọn kia. Thắng phấn chấn giương súng nổ mấy loạt vào mé rừng bên kia suối. Bọn địch bắn trả, tiểu liên nổ rền từng tràng, đạn bay ràn rạt cắt lá rụng lả tả. “Chỉ tổ phí đạn! Đố chúng mày làm gì được ông!” Thắng bình tĩnh điểm xạ nhịp đôi, hút sự chú ý của địch về phía mình. Nghe tiếng súng, anh đoán bọn chúng chưa đến một tiểu đội.

Mặt trời đã nhô khỏi ngọn cây, mé rừng bên kia suối sáng rõ hẳn lên. Từ chỗ nằm không nhìn thấy Cương, nhưng Thắng biết anh ấy đã hy sinh. Bằng mọi cách phải lấy được xác. Với lại toàn bộ tài liệu trinh sát đều do Cương giữ. Bây giờ mọi sự đều trông cậy vào anh Thái... Sao anh ấy lâu thế? Thắng cảm thấy như đã hàng giờ trôi qua. Bọn địch chần chừ, nhưng chúng sẽ đoán ra bên này chỉ có một tay súng... Anh định di chuyển vị trí bắn, nhưng vừa nhỏm dậy vết thương đã nhói lên buốt đến tận óc. Thắng choáng váng, mắt nhòa đi. Nhìn sang bên kia chỉ thấy những quầng sáng chập chờn, rồi chợt mấy ánh chớp bùng lên sáng lóa, lá cây bay tơi tả trong quầng cát bụi. Trước lúc ngất lịm, anh còn kịp nghe tiếng AK nổ giòn giã từng loạt ngắn.

*
...Trong cơn mê, Thắng có cảm giác như mình đang nằm trên một đám mây bồng bềnh trôi. Tiếng gió lướt rì rào bên tai, có cả tiếng cành lá xào xạc. Bên dưới anh dập dờn bãi sông nở đầy hoa cải vàng tươi sắc nắng. Bỗng đám mây tan ra, Thắng rơi thẳng xuống. Anh chới với hụt hẫng, căng người chờ sự đau đớn, nhưng khi chạm đất lại thấy êm ái như vừa ngả mình trên đống rơm. Phải rồi, mình vừa rơi đè lên vạt cải đang trổ hoa. Hình như Thảo đang nấp đâu đó trong ruộng hoa, anh không nhìn thấy cô, chỉ nghe tiếng gọi văng vẳng: “Thắng ơ...ơi... ơi...”. Thắng giật mình tỉnh lại, mở mắt ra. Anh chỉ nhìn thấy màn sương trắng mờ đục, nhưng đúng là có ai đang lay gọi anh, tiếng gọi gấp gấp: “Thắng ơi, tỉnh chưa?” Thắng chớp chớp mắt. Màn sương tan dần, hiện lên rất gần trước mặt anh là khuôn mặt ngăm đen quen thuộc với đôi mắt mở to đầy lo lắng. “Anh Thái!”, Thắng reo mừng rỡ, giọng khản đặc. Thái thở phào:

- Cậu làm mình lo quá! Nào, uống chút nước cho đỡ khát. - Anh luồn tay nâng đầu Thắng lên, tay kia cầm bi đông ghé sát vào miệng cậu - Uống từng ngụm thôi, từ từ kẻo sặc.

Thắng hớp mấy ngụm nước, hỏi:

- Thế còn anh Cương?

- Cương hy sinh rồi. Mình vừa cõng cậu ấy lên mé bờ suối.

Thắng nghẹn ngào:

- Cho em nhìn mặt anh ấy...

- Đừng cử động. Nằm yên để mình xem lại vết thương.

Anh không muốn để Thắng nhìn thấy tiểu đội trưởng của mình lúc này. Cương bị trúng hàng chục phát đạn, thân hình thủng lỗ chỗ bê bết máu, khuôn mặt vỡ toác lầy nhầy xương thịt, biến dạng đến không còn nhận ra. Cuốn sổ tay cùng bản sơ đồ cũng bị đạn xuyên thủng, lấm máu.

Hai vết thương của Thắng đều ở bắp chân. Chân trái bị đạn xé một vết dài hai đốt ngón tay; chân phải nặng hơn: viên đạn xuyên qua bắp chân, lỗ đạn ra toác thịt rách xơ nhầy máu. Thái lau sạch máu khô cùng bụi bẩn rồi nghiêng lọ cồn dốc vào cuộn bông, nói: “Chịu khó nhé! Sẽ rất buốt, nhưng đỡ lo nhiễm trùng.” Anh dùng bông tẩm cồn lau kỹ quanh miệng vết thương, Thắng nghiến răng chịu đau, cơ hàm bạnh ra căng phồng, khuôn mặt tái xanh lấm tấm mồ hôi. Thái đặt gạc lên vết thương, nhẹ nhàng quấn những vòng băng. Anh động viên:

- Cậu gặp may đấy! Bị ở phần mềm, không trúng xương. Chỉ dăm bữa nửa tháng là chạy nhảy được ngay ấy mà! Còn đau lắm không?

- Em... chịu được! - Thắng cố giữ giọng bình thản, chợt ngờ ngợ khi nhìn thấy những cuộn băng lạ mắt - Anh lấy đâu ra mấy thứ này?

- Của tụi thám báo. Có năm thằng. Mải nhăm nhăm về phía cậu nên mình đến sát sau lưng mà chúng chẳng hay biết gì. Chắc bọn này cũng định mò lên 551, và không chỉ có một toán. Chúng mang theo cả máy truyền tin, tiếc là trúng lựu đạn hỏng mất rồi. Nếu có máy, mình dò tìm tần số chúng gọi nhau sẽ biết thêm đôi điều... - Anh trầm ngâm - Mình nghĩ, anh Đặng nói đúng. Nếu chiến dịch nổ ra, nhất định địch sẽ đổ quân chiếm điểm cao này. Bằng mọi cách phải đưa được tài liệu trinh sát về trung đoàn.

Thắng bảo:

- Để em lại đây, anh mang tài liệu về trước, rồi cho người quay lại đón.

Thái mỉm cười:

- Chẳng việc gì phải vội! Cậu với mình cùng về, đã nổ súng ngay đâu mà phải cuống lên! - Thái lấy ra một hộp thịt, dùng dao mở hộp xoáy tanh tách quanh một vòng, bật nắp đưa cho Thắng - Chiến lợi phẩm đấy! Cậu cố ăn rồi nằm nghỉ một lúc lấy sức. Mình đi lo cho Cương.

Nói xong anh xách súng đứng dậy đi luôn.

*
Họ dừng một lúc bên mộ Cương. Nấm đất đơn sơ được bao quanh bằng những tảng đá bê từ dưới suối lên. Cho đến lúc này Thái vẫn chưa biết quê Cương ở đâu. Anh về tiểu đội mới một tháng, chỉ chúi đầu vào công việc, không quan tâm đến điều gì khác. Thái cảm thấy như mình có lỗi với Cương, dù biết trong hoàn cảnh này chẳng thể làm gì hơn được. Trên lưng Thái, Thắng đang khóc lặng lẽ, mấy giọt nước mắt rơi xuống gáy anh nóng hổi. “Ta đi thôi!”, Thái ngậm ngùi nói. Anh cõng Thắng đi men bờ suối tìm lối xuống. Phía bên kia suối mấy con diều hâu đang lượn vòng vòng, chúng đã đánh hơi thấy mùi xác chết của bọn thám báo.

Mặt trời ngả về chiều, nắng lốm đốm trên nền lá rụng. Xung quanh yên ắng, chỉ có tiếng chim hót, tiếng gió xào xạc trên ngọn cây và tiếng sột soạt khi họ lội trong những đám cây lá rậm rạp. Thái bước từng bước ngắn, cố giữ nhịp chân đều đặn để khỏi phí sức. Lúc trưa anh đã quyết định bỏ ba lô lại, chỉ mang theo những thứ thật cần thiết: hai khẩu AK, một băng đạn dự trữ, dao găm, bi đông, cùng mấy cuộn băng cá nhân, hai phong lương khô, mấy hộp thịt và tấm võng. Chặng đường về tới hậu cứ trung đoàn không xa, người khỏe có thể đi trong một ngày, nhưng bây giờ Thái chưa biết mình phải đi mấy ngày mới tới. Điều anh lo nhất là vết thương của Thắng, để lâu sẽ nhiễm trùng. Với lại cậu ấy bị mất máu nhiều, rất dễ bị choáng...

Chừng giữa buổi thì họ ra khỏi rừng, bước xuống một sườn dốc thoai thoải mọc đầy lau. Lá lau tua tủa bông trắng muốt phất phơ, vô số cây lau khô già rụi xuống chằng chéo ngang dọc trên nền đất sỏi. Thái chật vật nghiêng người lách qua những khóm lau, chân loạng choạng sục trong đám thân lau khô giòn gẫy răng rắc, thỉnh thoảng lại xốc nhẹ đỡ cho Thắng khỏi tuột. Mồ hôi ròng ròng trên mặt thấm vào những vết lá lau cứa buốt nhon nhót. Anh chớp chớp đôi mắt cay xè nhìn về phía trước, chỉ thấy nắng chiều viền lửa trên những lá lau nhọn sắc. Lúc này không thể dừng lại, phải ra khỏi rừng lau trước khi trời tối. Anh cắn môi lầm lũi bước, cảm thấy vòng tay Thắng đang lỏng dần. Chốc chốc cậu lại giật mình quàng chặt hai cánh tay níu lấy cổ áo anh.

Mãi lúc chiều xế hai người mới ra khỏi rừng lau. Trước mặt họ là con suối rộng chảy qua dưới chân một ngọn núi đá, giữa dòng lô nhô những tảng đá đen sì. Thái chùng chân đặt Thắng ngồi xuống hòn đá cạnh bờ suối, ngoảnh lại hỏi: “Mệt không?”. Thắng lắc đầu, giọng khàn khàn yếu ớt:

- Em... không sao!

Thái vục bi đông xuống suối lấy đầy nước, đưa cho Thắng:

- Cậu ngồi đây đợi, nhớ giữ súng trong tay. Mình đi tìm chỗ ngủ. - Anh lội ào qua suối đi về hướng vách núi.

Thắng uống mấy ngụm nước rồi nghiêng bi đông dốc nước vào lòng bàn tay rửa mặt. Nước suối mát lạnh làm anh thấy tỉnh táo hơn. Mặt trời đã xuống thấp. Thắng nhìn bóng núi đang loang nhanh trên vùng cỏ lau, chợt nhận ra từ sáng tới giờ anh và Thái vẫn chưa ra khỏi bóng râm của điểm cao 551...

Đêm đó hai người nghỉ lại trong một hang đá nhỏ ở chân vách núi. Trên nền hang vẫn còn những dấu vết chứng tỏ đã từng có người trú ở đây: mấy hòn đá sém lửa ám khói, vài đống tro tàn, những thanh củi cháy chưa hết... Thái chặt cành lá che kín trước cửa hang rồi mới nhóm lửa. Suốt đêm anh chỉ ngủ chập chờn, thỉnh thoảng lại ngồi dậy chất thêm củi vào đống lửa. Bên cạnh, Thắng nằm thiêm thiếp, chốc chốc lại giật mình ú ớ. Thái đặt tay lên trán cậu, tạm yên lòng vì Thắng không sốt, vết thương cũng không bị rỉ máu. Trước cửa hang con suối vẫn rì rào chảy miết. Trong đêm khuya thanh vắng, nghe rõ tiếng nước réo ồ ồ quanh mấy tảng đá chắn giữa dòng. Lẫn trong tiếng suối là tiếng chim ăn đêm kêu khắc khoải, tiếng côn trùng rền rĩ, tiếng con mang tác đều đều văng vẳng lúc gần lúc xa... Lúc lúc lại có đợt gió cuộn tới, lướt rào rào trên rừng lau bên kia suối. Thái đặt súng xuống đất, ngả mình cạnh đống lửa lo lắng nghĩ tới chặng đường ngày mai. Đến hôm nay là vừa hết thời hạn năm ngày theo quy định của tham mưu trưởng Đặng. Nếu đi kiểu này, chưa biết mấy ngày nữa mới về đến hậu cứ...    

Sáng ra Thái dậy sớm đun nước muối để nguội, rửa vết thương rồi thay băng cho Thắng. Hai người đợi đến lúc sương tan bớt mới lên đường. Rút kinh nghiệm hôm qua, Thái cõng Thắng lên lưng, xếp dọc chiếc võng buộc thành cái địu theo kiểu phụ nữ dân tộc địu con khi lên nương, lại dùng dây võng choàng qua hai đùi buộc chân Thắng treo vào thắt lưng mình. Anh nhún người xốc thử mấy cái rồi ngoảnh lại hỏi:

- Cậu thấy sao?

- Ổn rồi anh ạ! - Thắng nhoẻn cười - Thế này em đỡ mỏi mà anh cũng được rảnh tay. Chỉ sợ anh mệt.

- Yên trí! Cậu nhẹ hều, chừng bốn chục kí chứ mấy! - Anh cầm khẩu AK đưa cho Thắng - Cậu tròng dây qua cổ, khoác chéo sau lưng cho dễ đi.

Thái men theo bờ suối vòng qua ngọn núi đá rồi nhằm hướng mặt trời mọc rảo bước. Anh không sợ lạc đường. Vùng rừng nào đã đi qua một lần là anh có thể nhắm hướng cắt rừng quay trở về đúng chỗ mà không cần lần theo đường cũ.

Sáng nay gặp cánh rừng thưa và tương đối bằng phẳng nên Thái đi liền một mạch, đến gần trưa mới dừng lại khi gặp một khe nước nhỏ. Để Thắng nằm nghỉ, anh xách súng lủi dọc bờ khe, lát sau quay trở lại với mớ rau rừng trong tay: “Ta sẽ nấu món canh rau với thịt hộp. Suốt tuần nay toàn ăn lương khô, nuốt nghẹn cả cổ”. Anh nói, rồi nhặt cành khô nhóm lửa.

Khi ngọn lửa vừa bùng lên thì chợt nghe tiếng máy bay rì rì ngay trên đầu. Thái vội gạt banh đống lửa, bẻ cành cây dập khói. Anh ngẩng đầu lo lắng nhìn lên. Chiếc máy bay trinh sát bay khá thấp, thoáng thấy bóng nó lướt qua kẽ lá. Thái khoác chéo súng sau lưng, chạy tới gốc cây mọc ở đầu dốc bám thân cây thoăn thoắt leo lên, ngồi nép trong tán lá. Chiếc OV.10 lượn vòng trên khoảng rừng thưa, bán kính chừng ba kilomet. Hết vòng lượn thứ ba, nó tăng độ cao bay thẳng về hướng đông, nhỏ dần thành một chấm đen rồi mất hút. Thái chăm chú quan sát vùng rừng chiếc máy bay vừa lượn trên đó nhưng không phát hiện ra điều gì, chỉ thấy ngút ngàn cây lá xanh rợp im lìm như đang mơ màng trong giấc trưa. Anh tụt xuống đất, lẳng lặng quay lại chỗ bờ khe.

- Sao anh? - Thắng ngước mặt lên hỏi.

- Mình không rõ! Nó lượn ba vòng trên rừng, sau đó bay thẳng.

Thắng luồn tay gối đầu, mắt nhìn lên vòm cây, trầm ngâm:

- Em nghĩ, ở đó có địch! Năm ngoái có lần em với anh Cương đụng biệt kích, trước đó cũng có một chiếc L.19 lượn kiểu như vậy.
Nó bay liên lạc chứ không phải trinh sát.

- Có thể cậu nói đúng. Thôi, đành gác món canh rau lại. Cậu ăn thịt hộp nhé! - Thái nói, lấy dao mở một hộp thịt ba lát.

Thắng ngồi tựa gốc cây, bẻ cành cây làm đũa gắp từng miếng thịt cho vào miệng uể oải nhai. Thấy cách Thắng cầm đũa, Thái hỏi:

- Cậu thuận tay trái à?

- Em thuận cả hai tay. Cầm đũa, bắn súng tay nào cũng được. - Thắng cười, kể - Dạo đang huấn luyện tân binh, em trêu ông đại đội trưởng bằng cách nheo mắt phải, bắn tay trái, ông ấy chửi um lên. Khi em bảo em bắn tay nào cũng được, ông không tin cho bắn thử, cả hai tay đều đạt loại giỏi. Có vậy khi trung đoàn đến nhận quân ông mới “tiến cử” em vào trinh sát, chứ lúc đầu thấy em thấp bé nhẹ cân ai cũng chê.

Ăn xong, hai người nghỉ một lúc rồi đi tiếp. Thái dùng võng địu Thắng như lúc sáng, nhưng lần này anh nới dài dây khẩu AK, lên đạn khóa lại, bảo:

- Cậu choàng qua vai phải, kẹp súng bên nách trái. Lúc gặp địch cứ cặp vào hông tớ mà bắn. Bắn găm từng loạt ngắn, đừng xả cả tràng. Chỉ có mỗi băng đạn thôi đấy...

Thắng ngập ngừng:

- Hay... ta đi vòng?

- Biết nó ở đâu mà vòng? Cứ đường mình mình đi. Nếu gặp địch, chủ động xốc tới bắn xả mà thoát. Thế nhé!

Thắng im lặng. Anh biết không còn cách nào khác. Hai người buộc chằng vào nhau thế này lúc đụng địch không thể lăn, bò, xoay trở như bình thường. Thắng nhìn xuống đôi chân quấn đầy băng của mình, chợt ứa nước mắt. Anh ấy đã quyết hai người sống cùng sống, chết cùng chết...

(Còn nữa)
P.V.L
(254/04-10)


Các bài mới
Các bài đã đăng
Màu tím hoa sim (29/03/2010)