Tạp chí Sông Hương - Số 254 (tháng 4)
Đặng Ngọc Khoa và thơ thời “hậu sói”
14:26 | 07/05/2010
NGUYỄN HỮU HỒNG MINHI.“Ta rồi chết giữa mùa màng”(*).
Đặng Ngọc Khoa và thơ thời “hậu sói”
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh - Ảnh: vietnamnet.vn
Một linh cảm lạ lùng, nhói đau và bất chợt trồi lên của tâm hồn bí ẩn. Cái lộ trình tâm linh hoang vu càng ngày càng bị sa mạc hóa vì sức ép bỏng rát tê riễu của những cơn đại cuồng phong đô thị. Một cuộc hóa thân nằm ngoài dự tính nhưng không phải là con sâu đo xanh xao ngơ ngác hoài niệm về những miền ký ức lữ hành đã qua, đã khép kín chỉ còn âm ba ngày cũ trong thế giới phi lý Franz Kafka mà là một cuộc thịnh nộ muốn “lột xác” hóa thành sói, con sói hoang dại hung dữ rửa tiếng hú giữa đại ngàn xanh thẳm. Nhưng cuộc trầm kinh, lột da đó cuối cùng cũng phải tự tắt, tự tiêu, tự tan rửa “chìm trong bóng nhớ” để con sói dù lồng lộn, quay quắt với sám hối, dằn vặt “chon von mép vực”, cuối cùng cũng tàn hơi. Chỉ đủ sức ngoái nhìn buồn rầu bộ da găm những vết tích hung bạo của đời sống bắn vào. Để rồi tang thương, xuống núi. Để tiếp tục những cuộc hóa thân ta bà, cam phận kiếp chó nhà, chó cảnh. Sủa vui. Mon men và bon chen theo bờ vực, dốc ngược cơm áo.

Cũng là chó sao sói rừng và chó nhà khác nhau đến thế. Trong một bài viết về nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Đặng Ngọc Khoa khéo léo lồng ghép một chuyện câu kỳ lạ cũng liên quan về chó. Khi đối thoại với nhà Quảng học, và hỏi tâm sự cuối của nhà văn, Nguyễn Văn Xuân cho biết ông muốn sau khi qua đời sẽ được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm trên đồi Phong Lệ Bắc. Do ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này “Trên chó. Dưới cũng chó. Bọn bay chỉ châu đầu ăn. Chẳng lo chi việc nước!”. Bài có đăng trên báo Thanh Niên và Đà Nẵng. Mới đó mà cả người hỏi và người trả lời cũng đã hóa thành thiên cổ. Nhưng hình như vẫn còn quanh quẩn đâu đó đàn hương hình của giấc mộng “lột da sói cũ chon von ta về…”.

Chân dung Đặng Ngọc Khoa - Ảnh: nhattanhl.vnweblogs.com


Tôi muốn qua hình ảnh sói đại ngàn của Đặng Ngọc Khoa để thử phân tích về tâm lý con người Hậu - hiện đại. Có hay không nỗi bất an mà cũng người thơ “bất đắc dĩ” này gọi tên một cách tài tình “Đi ngược chiều nhân loại”. Ngược chiều phải chăng từ con sâu phi lý bất động Kafka đến con Sói Đồng Hoang cô liêu trữ tình Hermann Hesse, và bây giờ thế giới đang có một cuộc đột biến, lột xác dữ dội về tâm thức cặp hình ảnh Người - Sói? Liệu có xảy ra cuộc tiến hóa ngược? Câu hỏi không dễ trả lời. Chỉ có một sự thật: con người càng lúc càng cô đơn, hoang mang đang manh nha đi tìm lại chính mình.

“Thôi ta về lại với ta/ Cùng vầng trăng khuyết trăng tà trăm năm/ Đất quê thơm một chỗ nằm/ Chõng tre mẹ bện mẹ chằm cho ta”… Con người đang làm chủ hay nô lệ của chính những cuộc cách mạng do mình tạo ra, ảnh tượng ảo vọng về một tân thế giới? Giấc mơ người sói đang liên tục trở về, vây bủa. Tại sao? Dường như sau mỗi cột mốc phát triển, thì tâm hồn hậu hiện đại cũng tự đánh khắc một dấu khóa hay chôn tận đáy sâu vì vẫn không thể cứu chữa, giải phóng cái Tôi ra khỏi sự cô đơn, ẩm lạnh muôn kiếp. “Buồn vui như nước đá/ Tan rồi lại đông”. Đắm ngập trong chủ nghĩa tiêu dùng và triết lý hưởng thụ, hậu - hiện đại đang tự mài vỡ vỏ bọc kết cấu mỹ học nhân sinh, sẵn sàng đánh đổi cái nền tảng được lập trình công phu để lấy một thú vui tàn rữa, phút chốc. Hậu - hiện đại đang đánh mất mình trong những bí mật khởi thủy, tiềm ẩn sức mạnh hiển nhiên. Và rõ ràng nguy cơ tha hóa, bị tận diệt về nhân cách là điều cảnh báo khó tránh khỏi. “Phê bình cá mương/ Cơn say tập thể/ Khạc ra trăm phó bản…” Chưa lúc nào “đa nhân cách” - một thủ pháp hóa cuộc sống được nói đến và đề cao nhiều như hiện nay. Những ảnh tượng phức hợp, đa chiều nhưng nhìn từ phía nào đó cũng cạn kiệt, mông lung, hoang hóa vẻ đẹp hồn nhiên, đáng gióng chuông báo động.

Gần đây văn học và điện ảnh đang dậy sóng với các tác phẩm mang biểu tượng “Sói hóa” như tiểu thuyết Tô-tem Sói của Khương Nhung (Trung Quốc), các bộ phim gây sốc trong giới trẻ, “cháy vé” suốt những suất chiếu với Chạng Vạng (Twilight), Trăng Non (New Moon). Cuộc tình của Isabella Swan và Edward Cullen, với dòng máu sói nguyên thủy tìm lại bản thể mình giữa đêm khuya vắng như cặp dấu nối đẹp cài huyền thoại vào thực tại. Theo tiếng gọi của thủy tổ đại ngàn, Edward Cullen bảo vệ tình yêu và tìm diệt cái ác. Không dừng ở châu Âu, điện ảnh châu Á cũng đang lên cơn sốt với Chiến BinhTình Sói, bộ phim của “khứa lão” Trung Quốc nổi tiếng - đạo diễn Điền Tráng Tráng. Dựa trên câu chuyện tình yêu của nhà văn Nhật Bản là Inoue Yasushi. Phim chụp bối cảnh cuộc tình của một vị thống soái đời Tần với một cô gái thuộc bộ lạc Thiết Lặc xinh đẹp, hoang dã với lời nguyền, nếu nam ngoại tộc cùng cô sống đời vợ chồng thì sau bảy ngày đêm, cả hai sẽ biến thành sói. Và sự cám dỗ hoang lạc ấy dưới sắp xếp góc máy và bàn tay tài tình của đạo diễn đã dựng dậy vẻ hoang lộng, đa giác “Sẽ có một ngày như thế tim tôi/ Trước cái chết lẽ nào sợ hãi?”.  

Và cuộc “Sói hóa” như một trào lưu, như một làn sóng ấy còn tràn sang lay động hay đánh chiếm cả máy móc. Series phim giả tưởng X-Men, cỗ máy chiến binh người sói Wolverine có đôi tay vuốt sắt xé thịt đối thủ. “Đỉnh rừng chiều đại ngàn rung tiếng gọi/ Huyễn hoặc em và hiện hữu anh/ Lăn về đâu những viên đá da xanh/ Ngôi nhà bình yên nào ta dựng bên dòng thác lũ/ Trọn đời không tuổi tên phủ dụ…”. Thử dò một làn sóng trong vĩ thanh Đặng Ngọc Khoa để biết hóa ra giấc mơ sói của anh cũng chính là âm vọng chung của giấc mơ vượt thoát bộ khung thép như những chiếc lồng bàn áp đặt, úp hay đậy lên mâm cỗ trương nở, oi ngạt của xã hội hậu hiện đại.

Còn những điều gì ẩn kín chưa được khai quật trong trái tim “đa mang” mà ngày thường ngỡ đã phơi phóng, sấp ngửa trên những bài báo? “Đâu chiếc chìa bí mật/ Giấu trong biển sao xanh?” Còn những gì như rượu cặn dưới ly, bụi dưới đáy tim sau những trò tấu nói, giễu hài ngỡ như “tài hoa rất mực” rớt lại cuối những cuộc trà dư tửu hậu? Còn gì không anh Khoa ơi! Đó cũng là một câu hỏi kỳ lạ của cuộc sống. Tại sao vẫn muốn lần tìm một phía nào đó, một cái gì khác cất giấu ở đâu đó ngoài những gì đã phơi lộ, hiển diện? Tôi chợt nhớ đến câu thơ Yves Bonnefoy “Con người là sự bất toàn”. Và sự bất toàn đó thường cất giấu trong thơ. Có thể Đặng Ngọc Khoa còn “Vỡ vụn rồi nỗi buồn ta!” và có những bài thơ hay nghe mông lung và hoang vu. “Trên trời dưới đất có ta/ Bầu xanh trút cạn gặp ba lão trời/ Một lão khóc một lão cười/ Một lão chẳng khóc chẳng cười nhìn ta/ Ta cười ta thét ta la/ Dửng dưng gã nhấc gót qua chân trời…”. Âm vọng Bùi Giáng? Tìm bí mật mà anh cất giấu? Đó cũng là bất ngờ của thơ. Cho dù ngày còn sống vì nhiều lý do anh giấu đi thì bây giờ vẫn “Như có tiếng khóc ré/ Tự nơi nào rất xa”.

Cũng có thể hành trình cuộc đời đa mang và đa đoan ấy “tiếng khóc ré” là những cuộc tự vấn, thức tỉnh. Là những ám ảnh:

Cái sống và cái chết không có ranh giới ở Túy Loan
Cạnh miếu Ông Ích Đường người thợ gò lông ngực mọc ngược
Mắt đập vào mắt, lửa tung vào lửa
Từng từng trận ngôn từ báng bổ
Ai sống vì dân ai thác vì dân?

Trong một thời đại mà mọi niềm tin bị thử thách trầm trọng thì vẫn còn đó những đạo lý như bản lề, mở ra những le lói hy vọng, những ngay thẳng của cái chết:

Cái sống cái chết không có ranh giới ở Ninh An
Bình quân mỗi người 165 kí thóc nợ
Người sắp chết dặn con bó chiếu
Nợ có vay có trả
Nhớ đừng quên cái hái cái liềm.

Hoặc nỗi đau, nỗi hoang mang “Như ngọn gió đơn độc/ Thoát khỏi tâm bão/ Anh lang thang dưới trời đêm kiệt sức”. Những câu thơ khô máu lệ. Ngôn ngữ cử động kêu lên như đang bị thương. “Làm sao thoát/ Những cơn đau/ Không màu/ Không vị/ Những trường gió nhiệt đới nóng/ Nghịch chiều”. Và bí mật của thơ giống như bí mật của ngôi mộ cổ. Những hoa văn được chạm khắc trên mặt mỗi ký tự. Những gì khai quật hôm nay đã gửi gắm tự ngàn xưa. “Đêm nằm nghe tiếng quê nhà/ Tiếng sông chảy sáng tiếng gà gáy trăng/ Tiếng đời ta tiếng tật nguyền…”. Thơ cho thấy không thất hẹn hay lỡ hứa trước một điều gì cả. Nó mông lung ba la. Mơ hồ. Có có không không. Vì thế có kẻ chăm chắm cả đời cần mẫn đi tìm thơ khổ ải như lạc đà băng qua sa mạc. Và chân trời thi ca cứ mở toang toác, thông thống phía trước. Cũng như có kẻ thầm lặng dằn vặt cả cuộc đời hụp lặn một mình với trò chữ nghĩa. “Gió đi gió có tái hồi/ Cho tôi gửi nửa cuộc đời về sau/ giữa quê nhà ta nằm đau/ gặp cơn gió cũ bạc đầu không hay…” Với thơ, Đặng Ngọc Khoa, kẻ chẳng bao giờ tin vào mình? Hay với thơ, Đặng Ngọc Khoa “thượng thừa”, kẻ quá tự tin vào mình, trước sau gì hố thẳm thi ca chữ nghĩa của anh cũng sẽ được khai quật? Và ngày sống, anh nương tựa vào những câu thơ như những báu vật cuối cùng mà mình có? “Ta rồi chết giữa mùa màng”. Mùa màng của Đặng Ngọc Khoa là bội thu hoa đăng gặt hái muộn nhưng vô cùng độc địa trên cánh đồng thơ hôm nay ư? Đồng vắng. Người không trở về. Thi tứ bay loạn ảo giác. Một tài hoa xẹt ngang ánh chớp định mệnh. Ngỡ không cho ai và cũng chẳng ai cần cả. Thơ. Không tuyên ngôn, không sứ mệnh. Thơ. Giam giữ trong hầm mộ tối. Thơ. Và rồi cuối cùng bất ngờ truy lĩnh tất cả. Đong đầy một mùa màng. Thơ. Đặng Ngọc Khoa là một ví dụ.

Chương trình thơ nhạc “Không trái tim ai ngừng đập trên đời” - Ảnh: acedanang.vnweblogs.com


II.
Tôi không nghĩ có ngày mình phải sớm ngồi cặm cụi làm bản thảo thơ cho anh. Một công việc vừa nặng nề vừa tàn nhẫn. Nặng nề là lúc anh qua đời anh trối lại tôi và họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn phải làm bản thảo cho anh. Khi đó trong tay chúng tôi không có một bài thơ nào hoàn chỉnh. Tàn nhẫn là vì phải làm công việc này tôi phải sống trực diện thường xuyên trong một tâm thức là anh đã qua đời rồi. Anh chết rồi. Công việc chúng tôi đang làm là trái tim anh gửi lại. Một điều đau đớn mà tôi không chịu nổi. Và tập thơ phải ra mắt vào đúng 49 ngày của anh.

Tôi vẫn không quên những mùa mưa Đà Nẵng dầm dề, lạnh giá. Trong ngọn lửa bếp ấm áp, anh Khoa hiện ra như vị cứu tinh với những xâu cá tràu, cá lóc, những củ khoai “trĩu mùa màng” như thơ anh đã viết. “Thơm dấu chân người cơ cực băng qua/ Mát những bàn tay phồng chai cộm rát/ Cát ơi hãy đẻ triệu trứng hồng khao khát…”. Anh đã từ Hòa Tiến, đạp xe ngược gió về Đà Nẵng thăm cha tôi. Thực ra những hình ảnh trong bài thơ về mùa xuân của bạn “Hăm hở từng vòng bánh xe quay/ Bất chấp ổ gà đất đá bay/ Chiếc xe cọc cạch trật xích líp/ Hảo sửa vội vàng mỡ đầy tay” chính là nói về anh. Không lần nào anh vào nhà mà không tìm ra giếng để rửa đôi tay lấm lem vì dầu mỡ. Hình ảnh “chiếc xe cộc cạch” đi vào ký ức tôi sâu đậm bởi cùng một ý thơ của cha viết cho chúng tôi ngày đó “Bạn của bố em không có người nào đi xe hơi/ Thường đến nhà em lóc cóc xe đạp/ Có chú đi xe trật sên trật cóc/ Cứ hỏi chúng em mượn búa mượn kềm”. Chúng tôi đã cùng nhau sống qua một thời cơ cực, gian khổ đó. Một hình ảnh khác còn đọng trong trí nhớ tôi là anh Khoa làm thơ và vẽ rất nhiều. Bao giờ anh cũng gửi cho cha tôi những tác phẩm mới. Ngày đó, tôi là một cậu bé thường tò mò lén đến bên bàn viết của cha để đọc những bài thơ, xem những ký họa. Vì thế, tôi ấn tượng với anh Khoa đến mức, trong tôi, bao giờ Đặng Ngọc Khoa cũng là một nhà thơ đúng nguyên nghĩa đẹp của nó. Anh Khoa không bao giờ tự nhận mình là thi sĩ. Nhưng anh là một nghệ sĩ bẩm sinh. Vì thế những gì anh làm, anh viết đều đầy rung động, đầy cảm xúc, chinh phục trái tim người khác.

Cái tâm văn nghệ của anh Khoa rất lớn. Anh luôn “đa mang” làm hết việc này việc khác cho anh em. Các bài viết về các nhà văn, nhà thơ như: Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký, Hoàng Lộc, Đynh Trầm Ca… anh “lặn lội” làm hết. Hình như anh tìm được khoái thú khi làm công việc này. Những tàn thư tịch cổ như có vong, có duyên quyến dụ ngòi bút anh. Như trường hợp Đặng Ngọc Khoa đi tìm lại gốc tích bài thơ nổi tiếng Hồ Trường của nhà thơ Nguyễn Bá Trác. Với cái chết của nhà văn Dương Thị Xuân Quý (vợ nhà thơ Bùi Minh Quốc), nhà văn Chu Cẩm Phong, những bí mật xung quanh cuộc đời và cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm… anh đều có những trang viết đầy tính phát hiện. Không chỉ dừng ở những bài báo, anh còn cùng với ACE tổ chức những đêm giới thiệu tác giả - tác phẩm vinh danh họ như đêm thơ của nhà thơ Hoàng Tư Thiện làm xúc động lòng người. Trước khi mất một tháng len giữa hai cơn đau anh còn viết bài giới thiệu về họa sĩ lãng du Phan Ngọc Minh với chuyến “về nguồn” ký họa đền đài lăng tẩm Huế.

Tôi có duyên với anh Khoa nhiều việc lạ. Bởi anh là học trò thân thiết của cha nên thường lên xuống. Vì thế tôi biết nhiều chuyện của anh. Cả những bài thơ, những chuyện tình anh riêng mang tặng những ai, những ai. Rồi anh chuyển vào Đồng Nai. Khi anh Khoa về báo Thanh Niên, lúc đầu được phân công phụ trách trang Hôn Nhân Gia Đình, anh tìm tôi bảo viết. Anh Khoa có cái tật lạ là rất thương người khó. Chắc cuộc đời anh quá khổ, quá bầm dập nên quá am hiểu nỗi đời. Hễ có cơ hội được chút chút là anh tìm cách giúp những ai khó hơn. Ngay từ thời đó, anh đã hỏi tôi sinh viên có quá khó khăn không? Và anh nói sẽ tìm cách xin cho tôi 1 suất học bổng Nguyễn Thái Bình của báo lúc đang bắt đầu xây dựng. Anh thuê một căn nhà tuốt Thủ Đức mỗi chiều đi làm về rất xa. Và anh nói với tôi chuyển lên ở với anh cho vui. Được một thời gian anh không ở Sài Gòn nữa mà quay về Long Khánh là phóng viên phụ trách mảng thông tin miền Đông Nam Bộ. Chắc là anh muốn gần gia đình để chăm sóc cho những đứa con đang lớn.

Rồi cuộc đời thật kỳ lạ. Tôi lấy vợ quê Xuân Lộc. Vậy là tìm về nơi ngày xưa anh Khoa từng ở. Nói chuyện Long Khánh. Lúc chuyển ra thị xã, cuộc sống anh có khá hơn. Anh có một căn nhà trong khu quy hoạch gần trung tâm. Và kể ra, anh cũng gắn bó với mảnh đất khá lâu, hơn mười năm. Xung quanh việc anh quay về Đà Nẵng ngoài nguyên nhân anh muốn trở về “gối đầu lên cỏ nghĩ quê nhà” thì còn do việc anh có viết một loạt bài điều tra đưa ra ánh sáng nhiều việc khuất tất ở một bệnh viện. Và nghe đâu vì một thế lực nào đấy toàn bộ hồ sơ của vụ việc đã bị thay đổi và Đặng Ngọc Khoa bị đưa vào án “treo bút”.

Những cái tết chúng tôi về Đà Nẵng thường ghé nhà anh chơi. Có năm nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, nhà thơ Ngựa Trời Khương Hà, Nguyệt Phạm, Huỳnh Lê Nhật Tấn… ghé qua nhà anh và đàn hát đến khuya. Khi nói chuyện văn học, anh Khoa rất say mê. Anh cho thấy một phần khác của tâm hồn mà hằng ngày bị giấu kín bởi nghề và làm báo. Biết Trần Tiễn Cao Đăng là một dịch giả nhiều tâm huyết với dịch thuật, đã dịch những cuốn sách nổi tiếng Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót, Xứ Cát, Từ Điển Khazas… anh xin số liên lạc để nhờ Đăng xem lại một số bản dịch của anh mà như anh nói “cố gắng học để không chậm lụt với bạn bè và cập nhật thông tin về nghề báo…” Những ai biết Đặng Ngọc Khoa đều yêu quý đức tính chịu khó của anh. Mùa xuân năm 2009 như linh cảm được chuyện gì đó, đêm giao thừa anh lang thang rất khuya. Hình như anh muốn tận hưởng đến tận cùng những phút giây trời đất chuyển giao. Ký ức của những ai đã xem trang “blog Khoa Việt Nam” chắc sẽ khó quên trước khoảnh khắc giao thừa anh chưa về nhà mà còn lang thang vào tận Hội An. Anh phỏng vấn trực tiếp, ghi âm người lao công ca quét đường nửa khuya, du khách nước ngoài… rồi lọ mọ cả đêm để post những thông tin sốt nóng lên blog. Anh biết là vào khoảng khắc này bao nhiêu người Quảng xa quê hương muốn biết thông tin về quê nhà như thế nào. Anh chia sẻ với họ. 

Một lần trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ. Anh nói trên chuyến rong ruổi cuối năm từ Sài Gòn ra Hà Nội bao giờ anh cùng với Phạm Thị Thu Thủy, vợ anh, phụ trách tờ Thể Thao Văn Hóa Cuối tuần cũng sẽ ghé ăn mỳ Quảng của quán bà Thu gần Cẩm Lệ. Kể ra một nghệ sĩ gốc Bắc như anh mà khen mỳ Quảng của bà Thu Cẩm Lệ thì chắc bà này cũng phải sở đắc một “công thức ẩm thực” tuyệt chiêu nào đó. Tôi vui chuyện kể với anh Khoa. Anh trố mắt, gãi đầu băn khoăn. Bởi anh cũng là dân ghiền mỳ Quảng “chính hiệu” mà cũng không thể xác định quán đó nằm ở đâu? Thực ra một nghệ sĩ có tính dễ thương thường quên như anh Dương Thụ trong khi Đà Nẵng chỉ là trạm dừng trên đường thiên lý thì cũng có thể anh nhớ không chính xác. Vậy nhưng khi anh Khoa viết bài tùy bút khá nổi tiếng “Sẽ Có Một Công Viên Mỳ Quảng” anh vẫn băn khoăn không cách nào tìm thấy quán bà Thu Cẩm Lệ. Anh đã điện nhờ tôi xác minh lại. Chuyện vui nhưng cũng cho thấy sự cẩn trọng, trung thực, với mọi nguồn thông tin của anh khi làm báo.

Sài Gòn, 7.1.2010
N.H.H.M
(254/04-10)


-------------
(*) Những câu thơ trích dẫn trong bài là thơ Đặng Ngọc Khoa. Trích trong tập “Không Trái Tim Ai Ngừng Đập Trên Đời” - Nhà xuất bản Thanh Niên 1.2010.




Các bài mới
Các bài đã đăng
Màu tím hoa sim (29/03/2010)