Tạp chí Sông Hương - Số 136 (tháng 6)
Những giọng nói
16:31 | 20/04/2010
ANTONIO TABUCCHIAntonio Tabucchi (sinh năm 1945) là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất và dịch nhiều nhất hiện nay của Italia, bậc thầy nổi tiếng về truyện ngắn tâm lý.
Những giọng nói
Nhà văn Antonio Tabucchi - Ảnh: iic.gr

Chính thể loại này đã có mặt trong tất cả các tập truyện ngắn của ông: Quảng trường Italia (1975), Con tàu nhỏ (1978), Chơi trò trái ngược (1981), Người phụ nữ ở Porto Pim (1983), Người Ấn ban đêm (1984), Những lời ám chỉ nhỏ nhặt vô nghĩa (1985), Đường chân trời (1986), Kinh cầu hồn (1992). Với tác phẩm Kinh cầu hồn Tabucchi đã được trao giải thưởng của Hội Văn Bút quốc tế năm 1992 và giải thưởng văn học lớn nhất Italia mang tên “Palazzo al Bosco" năm 1993. Là người am hiểu và yêu thích thơ ca, Tabucchi đã khởi xướng và chủ biên tuyển tập thơ siêu thực Lời cấm (1971), tuyển tập thơ của nhà thơ Bồ Đào Nha nổi tiếng Fernando Pesoa Tập hợp duy nhất (1979). Năm 1987 Tabucchi được trao giải thưởng văn học danh dự của Pháp “Medicis Etranger" dành cho nhà văn nước ngoài xuất sắc nhất trong năm.


Người đầu tiên gọi đến là một cô gái. Đây là lần thứ ba cô ta gọi đến trong ba ngày nay và chỉ nhắc đi nhắc lại mãi một câu: tôi không thể chịu hơn được nữa... Trong một số trường hợp cần đặc biệt chú ý để khỏi mắc phải tình trạng phụ thuộc tâm lý vào người gọi máy. Cần phải thận trọng nhưng đồng thời phải tỏ ra sốt sắng để người đầu dây bên kia cảm thấy đây không phải một cỗ máy vô hồn mà là một người bạn mà sự góp chuyện có thể quyết định đến vận mạng của họ. Ngoài ra có một nguyên tắc quan trọng: anh không được "vấp" khi nói, nếu không tình hình chỉ phức tạp thêm lên. Với những người đang trong trạng thái u uất chính lại hay xảy ra điều đó, họ không bằng lòng nghe một giọng nói không biết của ai, họ cần một người có thể tin cậy được, họ muốn để đó chính là cái giọng ấy và tuyệt vọng bám víu vào đó. Khó nhất là khi gặp phải những người bị một tư tưởng ám ảnh, do đó họ dựng lên quanh mình một bức tường vững chắc. Đôi khi họ nói qua điện thoại những điều khiến dựng tóc gáy lên và rất ít khi chịu tiếp xúc. Nhưng lần này mọi việc diễn ra suôn sẻ bởi vì tôi gặp may: tôi bất ngờ đụng đến chuyện cô ta quan tâm. Đấy lại thêm một nguyên tắc nữa áp dụng được cho đa số trường hợp: cố gắng khơi được đề tài có thể gây sự chú ý của người gọi đến, bởi vì tất cả mọi người, dù là người tuyệt vọng nhất đi nữa, xét đến cùng vẫn có một cái gì đấy khiến họ quan tâm, thậm chí cả những người dường như đã cắt đứt hết các quan hệ với hiện thực. Vả chăng, đó là vấn đề thiện chí của anh. Đôi khi buộc phải dùng đến những mánh khóe nhỏ: chẳng hạn tôi đã có lần giải tỏa được một tình thế trước đó tưởng chừng không có lối thoát chỉ nhờ vào một chiếc cốc. Giả sử chuông điện thoại reo, anh nhấc máy, nói câu chào hỏi bình thường, nhưng trong ống nghe hoàn toàn im lặng, thậm chí không nghe thấy cả hơi thở. Tuy nhiên anh cứ tiếp tục kiên trì nói một điều gì đấy theo tinh thần thế này: anh đã biết là ở đầu dây đằng kia có người nghe, mà nếu họ đã nghe, thì hãy cứ nói tất cả những gì anh muốn, nói điều vừa nảy ra trong đầu, nói một cách bỡn cợt, mắng mỏ, cuối cùng là phê phán. Đáp lại vẫn là sự lặng câm, im lìm. Nhưng người đã gọi điện đến tất là có lý do, chỉ có điều là anh không biết mà thôi, nói chung là anh không biết gì hết. Người đó có thể là người ngoại quốc hay người câm - bất kỳ ai. Khi đó tôi bèn cầm một cái cốc và một cây bút chì rồi nói: cô biết không, trên thế gian này có hàng triệu hàng triệu người, nhưng chỉ có hai chúng ta gặp nhau, sự thật là gặp nhau trên điện thoại, đúng vậy, không biết nhau, không nhìn thấy nhau, nhưng dẫu sao vẫn là gặp nhau, chúng ta hãy tận dụng cơ hội này, bởi nó phải có một ý nghĩa nào đấy, cô nghe tôi nói chứ, chúng ta sẽ chơi một trò chơi thế này, trước mặt tôi đây là một cái cốc, tôi sẽ lấy cây bút chì gõ vào nó - coong, coong, cô nghe thấy không, nếu nghe thấy thì cô cũng gõ lại hai tiếng, mà nếu cô không có vật gì trước mặt thì chỉ cần lấy móng tay gãi gãi vào ống nghe đáp lại cũng được, tôi đề nghị cô nghe nhé, bây giờ tôi thử sắp xếp lại những điều nghĩ ra trong đầu, còn cô hãy nói là có thích chúng không - chẳng hạn cô có thích biển không, nếu có thì gõ hai lần, nếu không thì một lần.

Còn đây là trường hợp cô gái bây giờ đang gọi đến. Sau vài phút im lặng, cô ta bắt đầu nhắc lại: tôi không thể chịu hơn được nữa, tôi không thể chịu hơn được nữa, tôi không thể chịu hơn được nữa. Và cứ lảm nhảm thế mãi, không dứt. Thật hết sức ngẫu nhiên là khi đó tôi đang đặt máy quay đĩa. Hôm nay là ngày Mười Lăm tháng Tám (1), tôi nghĩ, vị tất đã có nhiều người gọi đến, thật ra thì tôi đã đến trực từ hơn hai giờ trước đây nhưng cho đến lúc đó chưa có ai quay máy. Trời nóng khủng khiếp, chiếc quạt nhỏ tôi mang theo không đưa lại chút mát nào, thành phố im lìm như chết, tất cả mọi người đều đổ hết ra ngoại ô đi nghỉ. Tôi sửa lại tư thế ngồi ghế cho thuận tiện, thử cầm sách lên đọc nhưng cuốn sách rơi xuống ngực, mà tôi thì sợ ngủ thiếp đi trong giờ trực. Phản ứng của tôi trở nên chậm chạp, nếu có ai bất ngờ gọi đến thì trong mấy giây đầu tôi sẽ rất mù mờ, mà chính giây phút đầu như thường lệ là có tính quyết định, bởi vì người gọi đến có thể gác máy và ai mà biết được liệu người đó có đủ dũng cảm gọi lại một lần nữa hay không. Vì thế tôi chạy đĩa "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" của Mozart với âm lượng vừa đủ nghe, bản nhạc vui vẻ có tác dụng khích lệ và làm phấn chấn tinh thần. Cô gái gọi đến khi đĩa hát vẫn còn chạy. Cô ta im lặng hồi lâu, sau đó bắt đầu lặp lại là không thể cứ thế này hơn được nữa. Tôi không ngắt lời cô ta, bởi vì đối với những trường hợp như thế có nguyên tắc của nó: người đang cần bộc lộ nỗi niềm thì cứ để cho họ nói hết những điều muốn nói, nói bao nhiêu cũng được. Khi cuối cùng cô ta dừng lời và chỉ còn nghe thấy hơi thở đứt quãng của tô ta truyền qua máy, tôi mới lên tiếng: cô chờ chút nhé, tôi chỉ nhắc cái đĩa hát ra thôi - nhưng cô ta bảo: khỏi cần, cứ để nó chạy. Tất nhiên, tôi nói, tôi rất vui lòng để chiếc đĩa quay tiếp, nhưng cô có thích Brams không? Tự tôi cũng không biết được vì sao tôi đột nhiên cảm thấy chiếc chìa khóa cho câu chuyện lại có thể là âm nhạc, mánh khoé này nảy ra trong đầu tôi một cách ngẫu nhiên, những cái mẹo nho nhỏ đôi khi là do may mắn mà có, còn về cái tên Brams thì chắc đó là trò chơi của tiềm thức dưới ấn tượng cuốn sách của Sagan (2) mà tên gọi đã in sâu vào óc tôi. Đó không phải là Brams, cô gái nói, mà là Mozart. Sao lại là Mozart? - tôi vờ hỏi. Tất nhiên là Mozart, cô ta đáp vẻ đã hoạt bát hơn, đó là bản "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" của Mozart. Và cô ta liền kể cho tôi nghe về nhạc viện, nơi cô ta học tập trước khi xảy ra câu chuyện này.

Tiếp đó mọi việc diễn ra tốt đẹp.

Thời gian chậm chạp trôi đi. Tôi nghe chuông nhà thờ San- Domenico điểm sáu tiếng và đưa mắt nhìn qua cửa sổ: bóng tối oi ả đã bắt đầu buông xuống thành phố, thi thoảng mới có những chiếc xe chạy trên đường. Tôi kẻ lại lông mày một chút - đôi khi tôi thấy mình có vẻ xinh - và ngả mình xuống đi văng bên cạnh chiếc máy hát, ngẫm nghĩ về công việc, về mọi người, về cuộc sống.

Chuông đổ lúc sáu rưỡi. Tôi nói câu chào hỏi thông thường, có lẽ bằng giọng hơi mệt mỏi một chút, cảm thấy ở đầu dây bên kia thoáng hơi bối rối, rồi một gọng nói cất lên: tôi tên là Fernando, nhưng tôi không phải là trạng động từ (3). Lại thêm một nguyên tắc hay nữa: cần biết cân nhắc câu đối đáp đầu tiên để qua đó chứng tỏ mình cởi mở, muốn trò chuyện tâm tình. Tôi bật cười nói rằng tôi có một người ông tên là Andrei nhưng ông ấy không phải là thức điều kiện (4), mà chỉ đơn giản là một người Nga thôi. Đầu dây bên kia khẽ có tiếng cười đáp lại. Rồi giọng nói lại cất lên rằng dẫu sao vẫn có cái gì đó chung với các động từ: một số đặc điểm của chúng có trong tính cách của ông ấy. Trước hết ông ấy là nội động từ. Tất cả các động từ là dùng để cấu tạo câu, tôi nói. Tôi cảm thấy câu chuyện của chúng tôi đã đi theo cách nói bóng gió, sau đó tốt nhất là cứ theo giọng điệu mà người đối thoại đã khởi đầu. Nhưng bây giờ tôi là thức giả định, đúng hơn, thức hợp thành, anh ta nói. Thức hợp thành ư? - tôi hỏi lại, theo nghĩa nào vậy? Theo nghĩa là, anh ta đáp, tôi đã hạ vũ khí. Có thể sai lầm là ở chỗ, tôi nói, vũ khí không nên hạ xuống, mà có thể nguyên nhân là ở thứ ngữ pháp quái quỹ, sẽ là đúng đắn hơn nhiều nếu các bên tham chiến đều được vũ trang, vây quanh là rất đông người tay không, khi đó anh hãy tin chắc rằng cả một đạo quân sẽ được bảo vệ. Anh ta đáp: tôi sẽ. Tôi nói cuộc trò chuyện của chúng ta giống như bảng chia động từ. anh ta bật lên một tiếng cười gằn, ngắn ngủi. Sau đó anh ta hỏi tôi có quen nghe tiếng động thời gian không. Không, tôi đáp, không quen. Việc này rất đơn giản, anh ta nói, chỉ cần ngồi trên giường vào ban đêm, khi không ngủ được, căng mắt nhìn vào bóng tối, một lúc anh sẽ nghe thấy một thứ tiếng giống như tiếng rì rầm của biển cả hay tiếng gầm gừ của con thú đang nuốt mồi. Chẳng hiểu sao anh ta không nói kỹ việc này, mặc dù tôi không ngắt lời anh ta, tôi còn bết làm gì khác hơn là ngồi im lắng nghe. Trong khi đó anh ta cứ nói lan man gì đấy, tôi cảm thấy qua câu chuyện là mối dây liên hệ của chúng tôi đã bị đứt đoạn, anh ta chuyển qua một chuyện khác hoàn toàn không ăn nhập gì với chuyện trước, mà có thể đơn giản là anh ta không muốn kể về những đêm mất ngủ của mình nữa. Tôi cứ để mặc cho anh ta nói - bất luận thế nào cũng không bao giờ được ngắt lời người đang nói. Tôi không thích cái giọng anh ta, tôi nghĩ, nó khi thì quá khích động, khi lại gần như thầm thì. Ngôi nhà rất to, đó là một ngôi nhà cổ, đầy các thứ đồ gỗ do ông bà cụ kị để lại, những thứ đồ xấu xí theo phong cách hoàng đế, có nhiều tấm thảm đã sờn rách và nhiều bức chân dung những người đàn ông cau có và những phụ nữ bất hạnh và kiêu căng với môi dưới hơi trễ xuống, cô có biết vì sao những cái miệng của họ lại có hình dáng lạ lùng như thế không? - bởi vì nỗi khổ cả cuộc đời dồn vào môi dưới và kéo nó trễ xuống, những phụ nữ này cứ phải thao thức hàng đêm bên cạnh những gã đàn ông ngu ngốc không có khả năng tình ái, và cứ thế đêm đêm họ ôm ấp nỗi buồn của mình ngồi chong mắt nhìn vào bóng tối, ở trong buồng để quần áo sát bên buồng tôi vẫn còn vương vãi những thứ đồ cô ấy để lại: trên một chiếc bàn sát giường có mấy bộ quần áo trông rất khó chịu, một dây chuyền nhỏ bằng vàng cô ấy đeo cổ tay, một chiếc kẹp tóc bằng đồi mồi, một bức thư năm trên tủ com-mốt dưới cái chao đèn thủy tinh, nơi trước đây đặt một chiếc đồng hồ báo thức lớn của xứ Baden, chiếc đồng hồ đó đã bị tôi phá tung khi còn là một cậu bé, một hôm tôi bị ốm, không ai đến chơi với tôi, tôi nhớ rõ chuyện đó như mới xảy ra hôm qua, tôi nhỏm dậy với lấy chiếc đồng hồ để dưới cái chao đèn đang phát ra những tiếng kêu đáng sợ, rồi tôi mở mặt sau và tỉ mẩn gỡ hết các thứ trong đó ra cho đến lúc khắp mặt giường rải đầy những cái bánh xe răng cưa nhỏ, nếu cô muốn, tôi có thể đọc nó cho mà nghe, tôi nói bức thư, hơn thế tôi còn có thể đọc thuộc lòng nó, tôi đã đọc đi đọc lại nó hàng tối, Fernando, nếu như anh biết được em căm thù anh đến chừng nào suốt chừng ấy năm, bức thư mở đầu như vậy, phần sau thì tự cô có thể đoán ra được, cái chao đèn còn tích tụ lại sự căm thù. Sau đó anh ta lại đột ngột thay đổi câu chuyện, nhưng lần này tôi cảm thấy nắm được mạch chuyện bởi vì anh ta gọi lên một cái tên đàn ông: Jacomino.

Tôi bèn hỏi anh ta: bức thư đề ngày Mười Lăm tháng Tám phải không? Trực giác của tôi bỗng nhiên mách bảo cho tôi điều đó, và anh ta đáp vâng, hôm nay là vừa đúng một năm và anh ta sẽ kỷ niệm nó một cách xứng đáng, anh ta đã chuẩn bị sẵn thứ vũ khí để kỷ niệm, nó đang nằm trên bàn đây, cạnh chiếc máy điện thoại.

Anh ta dứt lời, tôi đợi thêm một lát với hy vọng anh tại lại lên tiếng, nhưng anh ta không nói thêm gì nữa. Khi đó tôi nói: gượm đã, anh Fernando, để đến dịp kỷ niệm sau, hãy thử đợi thêm một năm nữa. Nói xong tôi thấy ngay lời đề nghị của mình thật nực cười, nhưng vào lúc này đầu óc tôi không thể nghĩ ra được cái gì khác hơn, tôi nói thế chỉ là vì phải nói ra một điều gì đấy. Xét đến cùng lời lẽ chẳng có nghĩa gì, điều quan trọng là hai bên hiểu nhau. Trong những cuộc nói chuyện qua điện thoại hết sức khác nhau, gặp những trường hợp ngốc nghếch nhất, tôi luôn luôn cảm nhận được sự hiểu nhau này, nhưng bây giờ lại chính là trường hợp mà cái biết đó đã phản lại tôi, tôi đột nhiên cảm thấy tuyệt vọng, dường như chính tôi mới phải cần đến một người khác lắng nghe mình giãi bày tâm sự và đưa ra những lời an ủi, động viên. Tình trạng này chỉ diễn ra thoáng chốc, anh ta vẫn im lặng, tôi nhanh chóng trấn tĩnh lại và đã biết phải nói gì tiếp theo. Tôi có thể nói về các viễn cảnh nhỏ và tôi đã nói cho anh ta nghe về những viễn cảnh nhỏ. Cuộc sống có một số kiểu viễn cảnh. Những cái gọi là viễn cảnh lớn mà mọi người thường coi là những điều quan trọng nhất, và những cái mà tôi gọi là viễn cảnh nhỏ, vâng tất nhiên là chúng nhỏ, tôi đồng ý, nhưng nếu như trong thế giới vạn vật đều là tương đối, nếu như thiên nhiên cho phép tồn tại cả đại bàng và bọ kiến, thì vì sao, tôi hỏi, lại không thể sống như loài kiến, sống bằng các viễn cảnh nhỏ, vâng vâng, bằng các viễn cảnh nhỏ, tôi kiên trì nhắc lại, và anh ta thấy lập luận của tôi là có lý. Thế các viễn cảnh nhỏ đó là gì? - anh ta hỏi và tôi cố gắng giải thích thật rõ ràng. Các viễn cảnh nhỏ - đó là modus vivendi (5), anh hiểu chứ, hay có thể nói thế này: đó là hình thức tập trung chú ý, chú ý cao độ, hết mức, đến những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống, dường như đó là chi tiết chính yếu nhất, nhưng đồng thời lại cần phải coi cái đó với thái độ mỉa mai, diễu cợt, khi hiểu rằng thật ra nó chẳng phải là chính yếu gì cả, bởi vì vạn vật đều là tương đối. Soạn danh mục các môn học, tiến hành ghi chép, bắt mình phải tuân theo một trật tự nghiêm nhặt và không lùi bước trước bất cứ việc gì, tất cả những điều đó đều có tác dụng giúp đỡ. Viễn cảnh nhỏ - đó là cách thức cụ thể để gắn mình vào những điều cụ thể.

Tôi không cảm thấy tất cả những điều tôi nói ra là có sức thuyết phục nhưng mục đích của tôi không phải là thuyết phục anh ta. Tôi biết rõ rằng tôi không phải khám phá ra bí mật của hòn đá triết học, tuy nhiên cái thực tế là anh ta cần được cảm thấy vẫn có một ai đó quan tâm đến những vấn đề của anh ta thế là đã đủ để tôi phục vụ rồi. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được cho anh ta. Anh ta hỏi liệu có thể gọi điện về nhà cho tôi được không. Rất tiếc, nhưng tôi k hông có điện thoại ở nhà. Còn gọi về đây? Tất nhiên, gọi về đây thì lúc nào cũng được, không, ngày mai đáng tiếc là không được rồi, nhưng có thể nhắn tin lại cho tôi, hơn thế, anh ta cần phải làm được việc đó, ở đây sẽ có bạn tôi trực, người bạn sẽ chuyển lại mọi tin tức cho tôi biết, tôi sẽ rất vui mừng chờ xem viễn cảnh nhỏ của cái ngày anh ta trải qua là như thế nào.

Anh ta lịch sự chào tạm biệt tôi bằng cái giọng dường như xin lỗi. Đêm đã xuống mà tôi thậm chí không hay biết. Một số cuộc nói chuyện điện thoại gây hao tổn sức lực ghê gớm. Qua ô cửa sổ tôi nhìn thấy Gulivơ đang băng qua phố, anh ta đến thay ca cho tôi, Gulivơ, có thể nhận ra anh ngay thậm chí dù có đứng trên mái nhà chọc trời nhìn xuống, không phải ngẫu nhiên mà anh mang cái tên Gulivơ. Tôi sửa soạn đồ đạc chuẩn bị ra về. Chỉ đến lúc này tôi mới nhận ra là đã chín giờ kém mười phút, quỷ tha ma bắt, tôi đã hẹn với Paco là tôi sẽ có mặt ở nhà đúng chín giờ. Nếu thậm chí tôi có về kịp, thì cũng không thể đến nhà sớm hơn chín rưỡi. Thêm nữa hệ thống giao thông công cộng vào những ngày thường đã khốn khổ, còn vào ngày Mười Lăm tháng Tám thì nói chung đừng có trông mong gì! Tốt hơn cả là cuốc bộ. Tôi lao như tên bắn ngang qua mặt Gulivơ, không để anh kịp chào tôi, anh gọi với theo đùa câu gì đấy, tôi vừa chạy xuống cầu thang vừa nói là tôi có cuộc hẹn, lần sau lạy Chúa hãy đến đúng theo lịch trực và tôi để lại cho anh chiếc quạt dù anh không xứng được như vậy.

Thật lạ lùng khó tin, nhưng khi tôi vừa chạy ra khỏi cổng thì thấy chiếc xe buýt số 32 từ một góc ngoặt tới, nó tuy không đưa tôi về đến tận nhà nhưng rút ngắn được phần lớn chặng đường. Tôi nhảy bật lên xe buýt, nó hoàn toàn trống vắng - đó cũng là một điều ấn tượng, chuyến xe buýt số 32 vắng vẻ vào ngày này, nếu nhớ lại thường ngày nó ra sao. Người tài xế lái chậm đến mức tôi muốn quát vào mặt ông ta, nhưng rồi tôi tự bảo mình: cậu sao thế, trông ông ta có bộ mặt khốn khổ và đôi mắt đục lờ thế kia mà, thôi được, nếu như Paco mà giận thì chỉ càng tệ hại hơn cho anh ấy thôi, mình không biết bay. Tôi bước xuống bến cạnh những cửa hiệu lớn và rảo bước về nhà, nhưng bây giờ đã chín giờ hai lăm, có chạy cũng chẳng kịp nữa, đằng nào cũng đã muộn, mà rồi lại mồ hôi mồ kê và thở hổn hà hổn hển như một con ngựa bị kiệt sức. Tôi tra chìa khóa vào ổ, gắng mở thật nhanh. Căn nhà chìm trong bóng tối và vắng lặng. Tôi cảm thấy bất an, chẳng hiểu sao lại nghĩ là có chuyện gì không hay xảy ra, sau đó là cơn lo lắng thật sự. Tôi lên tiếng gọi: Paco, Paco, em đây, em đã về đây. Thoáng chốc tôi như ngạt thở vì tuyệt vọng. Tôi để sách báo và túi xách lên chiếc bàn cạnh cửa ra vào và đến bên cửa dẫn sang phòng khách. Paco, Paco, tôi gọi thêm lần nữa. Đôi khi bầu không khí tĩnh lặng mới nghiệt ngã làm sao. Tôi biết sẽ phải nói gì với anh ấy nếu anh ấy ở đây: hãy tha lỗi cho em, Paco, tôi sẽ nói với anh ấy, đây không phải là lỗi của em khi phải thực hiện một cuộc nói chuyện dài qua điện thoại, còn một nửa số phương tiện giao thông không hoạt động vì hôm nay là ngày Mười Lăm tháng Tám. Tôi bước ra, khép lại cánh cửa ban công - trong vườn đầy muỗi, vừa thoáng thấy ánh đèn chúng vụt bay đến hàng loạt. Bỗng tôi nhớ là trong tủ lạnh của tôi còn một hộp trứng cá và một hộp patê, tôi nghĩ giờ đã đến lúc khui chúng ra và thậm chí phải mở một chai rượu Meden. Tôi lấy tấm khăn ăn màu lanh vàng trải ra và cắm một cây nến đỏ. Ánh nến soi tỏ ve ấm cúng gian bếp của tôi với những đồ đạc làm bằng gỗ màu sáng. Trải bàn xong, tôi lại khẽ gọi: Paco. Tôi dùng chiếc thìa gõ nhẹ vào chiếc cốc làm nó phát ra những tiếng kêu nhỏ, sau đó tôi gõ mạnh hơn, âm thanh vang vọng khắp nhà. Đột nhiên tôi thấy phấn khởi, vui vẻ. Tôi trải thêm một chiếc khăn ăn nữa ở bên đối diện, đặt lên đó cái đĩa và chiếc cốc cùng bộ đồ ăn. Tôi rót rượu vào cả hai cốc. Rồi tôi vào buồng tắm trang điểm lại một chút, phòng khi bất ngờ bây giờ anh ấy đến thật. Khi đó chuông sẽ réo hai lần, anh ấy bao giờ cũng bấm chuông hai lần, tôi sẽ ra mở cửa với dáng vẻ bí mật, em đã bày bàn cho hai người, em đã đợi anh, tôi sẽ nói vậy, tự em cũng không biết vì sao, nhưng em đã đợi anh.

Có Chúa mới biết được vẻ mặt anh ấy khi đó sẽ thế nào.

NGÂN XUYÊN
dịch theo bản tiếng Nga
tạp chí Novy Mir số 8/1996
(136/06-00)


-----------------
(1) Ngày 15/8 ở Italia là ngày nghỉ lễ thánh. Hơn nữa từ 1 - 15/8 là thời gian nóng nhất, mọi người đi nghỉ nhiều.
(2) Ý nói cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ Pháp F.Sagan: "Bạn có yêu Brans không?"
(3) Trong tiếng Italia trạng động từ có tận cùng bằng "ando"
(4) Trong tiếng Italia ở ngôi thứ nhất thức điều kiện tận cùng bằng "rei"
(5) Hoàn cảnh, điều kiện sống (tiếng Latinh)



 

Các bài mới
Lời dâng (26/04/2010)
Vườn hoang (26/04/2010)
Lời thanh minh (22/04/2010)
Đêm thánh nhân (22/04/2010)
Các bài đã đăng
Tuổi tôi (13/04/2010)
Hương thời gian (13/04/2010)
Mánh bí truyền (08/04/2010)