Em nhìn đồng hồ và giật mình. Có lẽ hôm nay lại ngắm trăng ở Ngã Tư Sở mất. Nói thế không ngoa tí nào, nhiều lần em từng chôn chân ở đây. Một cái nhúc nhích, động đậy cũng có khả năng ảnh hưởng tới hàng chục người bên cạnh. Trời tháng năm mồ hôi đẫm áo. Từ đây về nhà còn 10 cây số nữa, xe đạp ơi! Mùi mồ hôi lẫn mùi nước hoa tạo nên một hỗn hợp mùi khó chịu, khẳn gắt. Gã vô duyên nào đó lại cho xe máy rồ lên từng đợt, nhả những đợt khói cùng hơi xăng nồng nặc. Mệt mỏi đến nỗi người ngoa ngoắt, khó tính cũng không buồn buông một câu chửi. Em và anh gặp nhau trong hoàn cảnh không lãng mạn mấy anh nhỉ? Mặt em đang xầm xì thì gặp nụ cười của anh. Sau này em mới hiểu đó là nụ cười cảm thông. Còn lúc ấy ngay lập tức em nghiêm mặt lại vì thói quen cảnh giác. Người bây giờ lừa nhau như chơi, nhất là đàn ông càng phải đề phòng. Anh có bảo với em là anh thấy em nhiều lần rồi, chỉ có em là không biết. Bởi lúc anh đang chôn chân dưới lòng đường thì đã thấy em nhanh nhẩu luồn trên hè phố, lách qua những hiệu quần áo và dày đặc mũ nón lòe lọet màu sắc. Hôm nay, anh thử lách lên hè đường xem sao. Anh nhận ra một điều là lâu nay đã sai lầm không biết chớp cơ hội để ra khỏi đám đông tắc nghẽn nhanh hơn. Ra đến chỗ đường thoáng rộng rãi thì chiếc xe máy tàng tàng cũ kỹ của anh chạy chậm lại, để bành bạch song hành với chiếc mi ni đỏ Trung Quốc của em. Chúng mình thông cảm với nhau đã đành, đến phương tiện của chúng mình cũng đồng điệu với nhau. Xe đạp mi ni đỏ thỉnh thoảng bật ra những tiếng "cộc" khô khốc. Em hơi ngượng: "Chắc là vấn đề trục bi gì đó". Xe của anh tự dưng nổi hứng vù lên một đoạn trước làm anh cũng phải đỏ mặt. Em mời anh về nhà em chơi. nói nhà cho oai chứ chỉ là một căn phòng thuê bé tí xíu, bà chủ thương tình lấy 150 nghìn mỗi tháng, thế là còn may. Tuy nhiên, em cũng biết sắp xếp, quét dọn, trang trí chẳng ai chê được. Anh khen: "Chỗ ở thế này cũng là khá". Kẻ cũng hơi vô duyên khi mà mở miệng lại cứ chuyện nhà cửa, dân tỉnh lẻ mà. Anh gật gật đầu kể: "Anh đang ở cùng một thằng bạn, nhà cửa của nó rộng rãi, căn bản đang lúc vợ nó đi nghiên cứu sinh, nó rủ anh ở cho vui". Thôi, cái gì cũng từ từ em ạ! "Ừ, em cũng đâu phải là người nóng vội. Mà nóng vội thì làm được gì. công việc chỗ em hơi bấp bênh, sơ sẩy một chút là bị đuổi việc ngay. Thành lệ cứ 7 giờ sáng cả hai đợi nhau ở Ngã Tư Sở, dần dà quên đi sự bực bội những buổi tắc đường. Mắt em nhớn nhác khi không thấy bóng anh. Thế rồi yêu nhau. Yêu em, anh mới biết em là một cô gái yếu đuối, chứ không phải có vẻ lạnh lạnh như hồi đầu anh mới gặp. Lạnh thế cho thiên hạ sợ. Đùa thế chứ, họ sợ gì em. Ở cơ quan, nhất là cái phòng của em, họ sẵn sàng dìm em xuống bất cứ lúc nào. Họ vừa không ưa, lại vừa ngại em, chẳng phải vì em ghê gớm gì đâu. Dù sao em cũng được giám đốc có vẻ tín nhiệm. Em vào đây cũng chẳng phải con ông cháu cha gì, em được tuyển theo tiêu chuẩn cơ quan. Thỉnh thoảng, anh rủ em đi chơi, đi ăn tối. Em từ chối những chỗ quá đắt tiền, thương em kiểu ấy thì tàn nhẫn quá. Anh còn phải nuôi lũ em ở nhà. Bây giờ làm bạc mặt ra mới đủ chi tiêu các khoản ăn, mặc, đám cưới... Anh làm công nhân ở một xí nghiệp gần cơ quan của em. Sáng sáng, anh đưa em đi làm. Ngồi trên cái xe của anh cũng chật vật lắm, thỉnh thoảng giữa đường tắt máy, anh nắm tay lái chạy bộ một vòng cho xe nổ máy, rồi đợi em hớt hải phía sau. Chúng mình nhìn nhau, nửa buồn cười, nửa ái ngại. Nhưng trông anh tất tưởi mà thương, lại hạnh phúc vì có người yêu nhiệt tình như thế. Nét rạng rỡ ứ đầy đôi mắt em. Chiều anh đón em ở cổng công ty. Lẳng lặng, chẳng cười, chẳng nói, em bước tới, anh biết là có chuyện bất ổn rồi. Em mệt lắm à? Không, em chỉ muốn đi đâu cho khuây khỏa. Hai đứa đưa nhau ra Hồ Tây chơi. Những gốc cây buổi chiều thì thào lời những đôi trẻ yêu nhau. Anh nắm tay em, sốt sắng: "Nào, có chuyện gì nói anh nghe". Thở dài. Bà trưởng phòng làm khó làm dễ cho em. Chỉ vì em đã dám thế vào chỗ con của bà ta. Em trở thành đối tượng của bà trưởng phòng, để bà dò xét, chú ý em từng tí. Nhân viên công ty dặn em lúc em mới chân ướt chân ráo vào đây rằng nếu như bà trưởng phòng đã không ưa ai thì người đó phải liệu chừng. Có trường hợp người cùng phòng em đã nghỉ việc vì không chịu nổi bà. Còn em, em dại gì mà thành người đối đầu của bà ta, em tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra. Chịu đựng là một cách đối phó tạm thời. Giọng em hình như vẫn nghẹn vì tức giận. Anh khẽ khàng nâng gương mặt em lên, gương mặt của một cô bé bướng bỉnh: "Thôi em, mọi sự khởi đầu đều khó. Ở hoàn cảnh em bây giờ phải thận trọng" Anh làm yên lòng em song thực sự trong anh cảm thấy một nỗi bất lực. Yêu em , mà đến bây giờ còn chưa lo nổi một ngôi nhà để em cùng ở. Tự nhiên hai đứa đều im lặng và chìm trong suy nghĩ.Anh cố xua nỗi bất lực ám ảnh bằng động tác ném viên sỏi ra mặt hồ. Em nhìn anh, bỗng hối hận. Mà thôi, sao em cứ hành hạ anh bằng những lời than thở này nhỉ. Lẽ ra từ nãy tới giờ chúng mình phải làm những điều của những người yêu nhau. Bóng chiều đã loang dài trên mặt nước. Em hối tiếc bởi tự mình đã làm tiêu tan ý nghĩ lãng mạn. Em mạnh dạn quàng tay vào cổ anh, nụ hôn ấm chạm khẽ lên gáy anh. Bây giờ, quên hết nỗi bực dọc chiều nay, quên cả những cạnh khóe, xỉa xói của bà trưởng phòng, em cảm thấy chẳng có gì dịu dàng như làn mi, rạo rực và ngọt như môi anh. Rồi chúng mình lại có những buổi tối tràn trề yêu thương khi anh không bận làm ca. Lên cơ quan em cố giữ một thái độ lễ phép với bà trưởng phòng. Ở địa vị này em chỉ có cách ấy thôi, người khác còn có quà cáp biếu xén dịp này dịp nọ. Còn em đã không có gì rồi sao không có nổi một lời chào. Bà trưởng phòng rất khéo gợi ý về ngày sinh nhật của bà, tự nhiên cái con bé ngang ngạnh trong em trỗi dậy. Em căm tức thói thực dụng trơ trẽn của bà. Em cười một cách đầy ngụ ý. Thản nhiên như không em quay gót ra ngoài. Đúng lúc ấy thì giám đốc vào.Giám đốc theo nhân viên đánh giá là người biết thoáng đúng chỗ, làm việc nguyên tắc, chặt chẽ duy chỉ có một điều em thấy rằng cặp mắt đẹp, sẫm màu của ông ta không theo một phép tắc nào khi thấy các cô gái, điều đó không loại trừ em. Gặp em ở cầu thang vắng người, lần nào cũng vậy, ông cười bí ẩn, chẳng hiểu sự thiện cảm ông dành cho em có phải là sự may mắn không? Anh đến một tối mưa, người gầy đi rất rõ.Em vuốt mái tóc ướt nước mưa của anh: "Sao cả tuần nay anh không tới". Anh lắc đầu: "Bố anh ốm quá, anh phải về ngay". Em cau mặt: "Bố ốm mà không nói với người ta một câu người ta còn về thăm. Anh bảo: "Anh không muốn em lo.Anh nói ra thì thế nào em cũng về, nhưng trong lúc công việc khó khăn thế, nghỉ nhiều là không nên em à. Nhờ trời, bố anh có đỡ rồi". Em dằn dỗi, rồi thấy mình phi lý. Đúng là lúc em đang gặp sự chèn ép rõ rệt từ phía bà trưởng phòng. Mãi bà chưa tìm ra được lỗi gì to tát ở em nên suốt ngày hằm hè. Không hành hạ em được bằng chuyện lớn lại hạch sách em bằng chuyện nhỏ: "Này, mày đáng tuổi con giám đốc mà cô thấy mày toàn gọi giám đốc bằng anh. Nghe cứ chướng tai thế nào". Em có biết gì đâu, chỉ nghe người ta bảo giám đốc không thích gọi ông ấy là chú, là thủ trưởng.Cái ý thích có vẻ như đơn giản đó có gì mà em không chiều được. Càng ngày em càng ngẫm ra con người ta sống với nhau thật chẳng dễ dàng gì. Trong cuộc họp cơ quan bà trưởng phòng nói em không tiếc lời, bây giờ mất việc coi như là trắng tay.Em biết có người muốn bênh em nhưng không thể vị họ sợ mất việc. Chỉ có một người bênh vực em một cách có hiệu quả. Đó là giám đốc. Ông nhanh chóng xoa dịu không khí bằng câu nói nửa chừng không rõ nghiêng về em hay là bà trưởng phòng. Nhiều người nhìn em ngạc nhiên và ghen tỵ. Nắng xiên găn gắt qua tấm kính sáng. Em gõ cửa phòng giám đốc. Ông ta gương kính lên, nhíu mày như không hiểu. Em cất tiếng chào rồi nói lời cám ơn với ông. Giám đốc bắt tay em, bàn tay nhỏ nhắn của em bị giữ trong bàn tay nóng và dày của ông ta hơi lâu. Lần đầu em bối rối, khó xử. Em là người chịu ơn kia mà! "Em có gì khó khăn trong công việc không? Cứ nói với tôi nhá". Mỗi lần gặp em ông ta hay có câu ấy. Mắt ông nhìn em đăm đắm như đợi ở em điều gì. Em lo lắng, hình như em bắt đầu phụ thuộc vào giám đốc. Giám đốc chọn em cùng một người trợ lý nữa cùng đi công tác xa. Ở một bãi biển nắng ấm phương Nam, em đã nghe ông phàn nàn về cuộc sống vợ chồng, về sự trống trải sau ngày li hôn và từ khi gặp em... Những lời quen thuộc trong sách chỉ cần ngần ấy là em hiểu cả. Tan sở, lòng em dềnh lên một nối chống chếnh khôn tả. Chúng mình đều nghèo, hiểu nhau mà chẳng giúp gì được nhau. Nghĩ đến lời hứa hẹn của giám đốc, em lại thương anh. Em không muốn than thở chuyện công việc, chuyện nghèo mãi với anh bởi sợ chúng mình lại chẳng nén nổi tiếng thở dài. "Giá như anh có thể giúp em được". Phải rồi, chỉ "giá như" thôi! Cả cái lúc tay anh lùa trong mái tóc em, những sợi dài mượt - cái lúc tưởng rằng bình yên nhất thế rồi cứ phải đứt đoạn vì nỗi lo lắng của em. Đứa em gái của em ra chơi. Nó ra để chào em vào học may ở nhà một người bạn cũ của mẹ. Nó học khá nhưng không thể thi đại học được. Mẹ em đã yếu sức rồi. Còn em thì giúp gì được đây? Mẹ còn phải dồn sức cho thằng út sang năm thi, nhà có mỗi đứa con trai thì cố gắng cho nó có sự nghiệp đàng hoàng, tử tế. Có điều em không nỡ nói với anh rằng em gái em tỏ ra không bằng lòng về chuyện chúng mình đi tới hôn nhân. Đúng ra nó chỉ quý cái tính của anh chứ không muốn anh là anh rể của nó. Em không trách em gái của em, nó vốn là đứa chịu thiệt thòi trong nhà do nghèo. Cũng như em đã sợ khổ lắm rồi. Em thấm thía nỗi nghèo là thế nào. Ngày xưa, mẹ phải còng lưng trồng lạc, trồng ngô cũng chỉ đủ để tiễn em một cách an tâm lên thành phố học và các em của em không phải đói. Hôm mẹ lên thăm em, em đưa mẹ đi ăn kem Tràng Tiền. Mẹ khen kem ngon thật nhưng dứt khoát không ăn nữa khi nhìn bảng giá. Thế là em hiểu hết, mẹ lại nghĩ đến mấy đứa ở nhà, nghĩ đến em. "Ôi, mẹ ơi, lo gì", em gạt đi nhưng lòng thắt lại. Hồi nhỏ, em cứ mong lớn thật nhanh để giúp mẹ. Càng lớn thấy hóa ra mơ ước của con gái dành cho mẹ thật hão huyền. Biết nói gì với anh nhỉ, không lẽ cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh để mong anh bớt những ý nghĩ tồi tệ về em sau này. Buổi tối anh đến, sốt sắng mua cháo bổ, thuốc thang vì ngỡ rằng em đang ốm. Những cử chỉ đó khiến em vừa cảm động vừa có cảm giác day dứt của một người mới lừa dối. Đàn ông khi cả tin cũng đáng thương lắm. Em nằm vờ ngủ, chăn phủ ngập đầu và gối đầm nước mắt. Ngày hôm sau, em lại tiếp tục đi làm. Vẫn qua mấy con phố dài đông người, nồng lên mùi xăng, mùi mồ hôi, nước hoa cùng đủ loại âm thanh hỗn tạp của đời sống. Đám đông uể oải vì sức nóng hầm hập của buổi chiều chen lấn, chỉ đợi một khoảng trống để vượt lên. Cũng như lúc tắc đường, em cần có một lối thoát, kể cả phải lách những chỗ không hề muốn. Anh ơi, anh có hiểu không? Có lẽ em không cần phải thanh minh với anh nhiều đến thế. Lời lẽ chẳng vớt vát nổi niềm tin đã mất. Em đã không đủ dũng cảm để hai đứa mình chịu chật vật trong một căn phòng thuê rộng chưa đầy 15m2 và đón đợi nguy cơ mất việc. Anh ơi, chỉ cần một cái gật đầu, em sẽ có công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng nhưng tình yêu và niềm tin chắc sẽ không bao giờ trở lại. Em mệt mỏi lắm rồi! Chiều nay giám đốc đưa em về bằng ô tô, vẫn qua con đường cũ. Em thấy đám đông vẫn chen chúc. Nhưng máy điều hòa trong xe giám đốc vẫn chạy đều. Em không thấy nóng như khối người chen chúc ngoài kia. Em rùng mình vì lạnh. Nước mắt em chảy xuống. Em vội quay mặt đi để không ai nhìn thấy em khóc. Đi giữa lòng đường đông đúc ấy, em vẫn bị ngợp đầy một nỗi cô đơn hoang vắng khủng khiếp. Bây giờ em mới có thời giờ để ý tới mấy đôi trẻ chở nhau trên một chiếc xe cũ kỹ, nói cười ríut rít. Dường như họ quên cả cái chật hẹp, bức bối của sự chen chúc. Phải chăng em là người vội vàng. Sao em bỗng nhớ anh đến thế này? Hà Nội 16-4-2000 L.T.P.H (136/06-00) |