Tạp chí Sông Hương - Số 137 (tháng 7)
Đi tìm mật ngữ "Rêu đá"
15:33 | 26/04/2010
NGUYỄN NHÃ TIÊNNgồi chung một chuyến xe trong một lần cổ ngoạn Mỹ Sơn, nhà thơ Hồng Nhu trao cho tôi tập thơ "RÊU ĐÁ", tập thơ thứ tư của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 1998.
Đi tìm mật ngữ
Ảnh: voque.org

Hai mươi sáu bài thơ trong tập "rêu đá", không có bài thơ nào mang tên gọi của tập thơ. Cũng không một lời tựa, một lời dẫn nhập nào. Rêu đá là rêu đá. Dường như ý niệm của thi sĩ là lớp lớp thời gian vây kín phủ che lột một yên lặng ngàn đời. Và cũng chỉ chính thi sĩ là người biết đánh thức sự yên lặng đó dậy theo cách riêng của mình. Đó là thi ca đích thực không hề bận lòng đến mọi xưng tụng để xác lập một hành trình cô đơn theo cái ý hướng: Thế giới là cái nhìn của tôi, chiêm nghiệm trong lặng yên và cũng đối thoại trong sự lặng yên.

            Để lại sau lưng khoảng lặng đáng ngờ
            Một quẻ bói âm dương dật dờ thấp thỏm.
                                            (Đuôi chồn)

Có lẽ, xưa nay bất cứ thi sĩ nào cũng đều chung nhất một quan niệm: Trước khi thi pháp học song hành với văn chương, với thơ, thơ đã có mặt bên trong, nói cho tuyệt đích - thơ đã có mặt trong giọt máu sinh thành thi sĩ. Tất cả mọi ngôn từ, màu sắc, âm thanh..., kể cả thời gian đều là phương tiện cho thi ca hành trình theo từng ý hướng tự nội. Vượt lên trên mọi thường nghiệm, chiều hướng của thơ đích thực, dù trường phái nào chăng nữa, vẫn có đủ đặc trưng ý hướng tính (intentionalité), của đạo hạnh (éthique) và của tu đức (ascèse). Không một thi sĩ nào được khai sinh trong con người rỗng tuếch, hào nhoáng lớp ngôn ngữ bóng bẩy tụng xưng thi pháp. Ý hướng tính tức là nguyên khởi từ cái giọt máu thi sĩ kia và hướng tới. Đích tới của chiều hướng nầy là hướng tới khác, và vì thế thơ không ngừng vận động trong sự huyền nhiệm của thế giới hợp hôn cùng mỗi cái tôi của thi sĩ.

"Rêu đá" của Hồng Nhu có dáng vẻ mỏng mảnh, và hình như không đồ sộ so với cả khối lượng tác phẩm thơ và truyện của anh đã từng xuất bản. Nhưng trong sáng tạo văn học, ít hay nhiều chưa phải là cái quyết định. Khi đối diện với bản thảo khó mà lường được số phận từng tác phẩm sẽ về đâu. Có điều, trong niềm hoan lạc với thi ca, hạnh phúc hơn hết thảy hạnh phúc là cái men say của cảm xúc đã đưa thi sĩ thoát ly con người "một khối thịt xương", thăng hoa vào một thế giới mới đầy cô đơn lạ lẫm. Nói như thi sĩ Hoàng Cầm, khi ông tâm sự về lý do sự ra đời bài thơ "Bên kia sông Đuống". Tôi có cảm giác như ai đó đọc véo von bên tai tôi và thế là tôi ngồi dậy viết (trong khi nhà văn Nguyên Hồng nằm cạnh ông vẫn thẳng giấc ngáy khò khò), viết mà tưởng như không ghi chép kịp theo nguồn cảm xúc trào tuôn lênh láng. Phải chăng đó là cái đẹp hết sức vi diệu mà chỉ có bản thân thơ ca có được trước mọi loại hình nghệ thuật khác. Vượt ra ngoài nó nghĩa là ra ngoài thơ. Mà đã ra ngoài thơ thì nó thuộc một hình thái khác.

"Rêu đá" trước hết là sự kết nối của nhiều khoảnh khắc lạ lẫm, gợi mở sự tìm kiếm khám phá. Từ "Đêm thủy trúc" đến "Đêm Hàng Châu nghe tiếng chim bắt cô trói cột", có vẻ như thiên nhiên lúc nào cũng thường trú một bí ẩn, một huyễn tưởng, sẵn sàng chờ đợi cái nhãn quan thi sĩ đánh thức. Đi bên cạnh anh trên đường vào Mỹ Sơn, tôi hỏi: "Bên Hàng Châu Trung Quốc mà cũng có loài chim Bắt cô trói cột hở anh?". Anh Hồng nhu gật đầu bảo: "Nó cũng kêu y như ở mình vậy". Thiên nhiên quả kỳ diệu, sông suối, cỏ hoa, chim chóc dường như không hề có biên giới. Thực ra mỗi tiềm ẩn trên từng sự vật đầy rêu xanh kia vốn vô tình và vô cảm cả những vô tri. Nó đẹp, nó buồn thậm chí nó trò chuyện cùng người đều từ giọt máu thi sĩ truyền sinh cho nó. Vén từng lớp rêu lãng mạn ấy lên tôi lại gặp "Phong Nha", "Đan Thiềm", "Bạch hạc"...

            Không tìm ra ai để lạ
            rêu xanh um nơi bậu rễ anh ngồi
            cây quá biết chân dung người của đá
            dưới gốc nầy một phiến gọi mồ côi
.
                                        (Trứng cá)

Giải mã những thanh âm của cây lá, sự yên lặng kỳ bí của sự vật, nhà thơ nầy có thể diễn giải ra một niềm vui, thi sĩ kia lại có thể phát hiện ra một nỗi buồn. Dù tiếng nói nào chăng nữa thì sự hiện hữu kia chính là tôi hiện hữu cùng thế giới của tôi. Nó có thể mê hoặc một hạnh phúc hay thảng thốt không ngờ một nỗi đau đều tạo nên một thăng hoa đượm màu siêu (méta) và hình (physique), hai thuộc tính mà ta hay bắt gặp trong thơ Hồng Nhu:

            Vầng trăng ấy mãi không thôi quẫy cựa
            mắc liềm vào nhòa nhạt tháng ngày xưa
            bờ dương liễu vẫn ngây thơ đứng tựa
            cát trảng bay thoáng dợn bóng ai vừa...

                                        (Cát trắng)

Cùng lội bộ 3 km đường núi đồi vào đến Mỹ Sơn trong một buổi sớm mưa mỏng lay phay và nắng lộn lẫn vào nhau. Nhìn dáng anh Hồng Nhu phất phơ mái tóc bạc, vừa như cắm cúi háo hức vừa như nhẹ tênh thảnh thơi cổ ngoạn. Tôi nghĩ thầm: "Giá như anh có mặt nơi nầy sớm hơn, chắc chắn rêu Mỹ Sơn sẽ nói với anh được điều gì đó như anh từng gặp" Mưa trên sông Tiền Đường" hoặc là "Đọc thơ Đường ở Văn Thái Các". Nhưng điều đó chắc rồi sẽ xảy ra, tôi tin là thế bởi trong con mắt mơ màng kia, đã từng ngồi cuối thế kỷ 20 lại vẫn nghe ra tiếng nức nở "Tỳ bà hành" đâu tận bến Tầm Dương xa lắc, thì nói gì Mỹ Sơn nầy đầy ắp những vị thần nhan sắc rực lửa apsara...

Ngôn ngữ của thơ Hồng Nhu không bao giờ có sự nắn nót cầu kỳ, cũng không dễ từ ruột gan tuôn ra lênh láng. Những khoảnh khắc xuất thần, đầy mê say cứ lặng lẽ phát tiết một cách phiêu bồng hồn nhiên có lúc chểnh mảnng thiên nhiên trong veo thanh khiết. Những điều ấy tôi đã gặp cách đây khá lâu khi anh đối thoại cùng Hội An như mơ như thực "Hội An em hay của Hội An nào". Đó cũng là thứ "rêu đá" trên một cuộc rong chơi không hẹn ước với bất cứ hẹn ước nào. Hội ngộ bất ngờ, chia tay không dự báo, thế giới ấy yên lặng phẳng lờ chợt đột ngột bùng vỡ vô vàn những thanh âm. Muốn nghe được những thanh âm ấy không thể nghe bằng tai, muốn nhìn được cõi lặng yên đó không thể nhìn được bằng mắt. Vâng, chỉ có sự yên lặng nầy mới ngắm mới nghe được sự yên lặng kia, thế giới của đá, của hoa, của rêu xanh vô thanh mà đầy những mật ngữ: "Thôi em đừng nói nữa. Hình như bạch hạc đang nhú mầm. Cuống hoa vút mềm như lời người ươm nhựa. Hạt mưa nào rơi mấp mé thanh âm". (Bạch hạc).

N.N.T
(137-07-00)



 

Các bài mới
Chuyện nghề (10/05/2010)
Cảm nhận Huế (10/05/2010)
Bao nhiêu là cát (07/05/2010)
Chiều muộn (06/05/2010)
Các bài đã đăng