Tạp chí Sông Hương - Số 137 (tháng 7)
Chiều muộn
10:57 | 06/05/2010
NGUYỄN VIỆT HÀCô đến và vẫn như mọi khi, anh đang vẽ. Trời xam xám mầu của gió mùa Đông Bắc những đợt vớt vát cuối.
Chiều muộn
Nhà văn Nguyễn Việt Hà - Ảnh: vietbao.vn
Trước khi pha hai cốc trà Lipton nóng, anh lấy miếng vải thô mỏng, mép nham nhở dầu phủ lên tấm toan đang dang dở. Cô vừa uống trà vừa xem anh cẩn thận rửa những cái bút đẫm sơn đã hơi se se vào cái khay Inox xăm xắp không rõ là xăng hay cồn. Hồi xa xưa, khi còn đang yêu cô với nhiều say đắm chưa bao giờ anh cho cô được xem anh vẽ. “ Nó lúng túng lắm” Anh diễn đạt nghèo nàn. Trong những người biết vẽ có rất nhiều người không biết nói. Cô cười “ Nó giống như em tắm mà bị anh xem, có đúng không”. Anh lắc đầu “ Cũng gần gần vậy”. Đã nhiều người đòi xem cô tắm với lý do chưa thấy ai viết văn hay mà lại xinh như cô. Anh châm điếu thuốc và khẽ lấy ngón tay đẩy dọc gói ba số Năm về phía cô. “ Em bỏ rồi” Anh dịu dàng nhìn và cô âu yếm “ Em qua đây để rủ anh đi ăn tối”. Anh ừ.

Hai người đi bộ ngang qua Nhà Thờ Lớn. Tượng Đức Mẹ bế Chúa hài đồng mầu thẫm hơn trong ánh vàng nhờ nhờ của một bóng điện duy nhất. Cái quán tiết canh vịt ở giữa phố Lý Quốc Sư là rất hiếm khi Hà Nội ào ạt ăn ngan. Bún măng ngan và tiết canh ngan là món dễ ăn nhưng không có cá tính. Cô đanh đá bắt đầu đoản văn quà rong về phong cách ẩm thực của người Hà Nội bằng dòng như vậy. Thư chung của mười tám cụ tổ hưu của một phường có nhiều phố cổ gửi về tòa soạn khen tác giả viết sành. Trong thư gọi cô là ông và đề nghị nới rộng bài viết sang cả thú chơi cây cảnh. Cô đưa thư cho anh rồi nũng nịu “ Toàn là ý của anh em văn hoa nó lại” Anh lắc đầu nhưng vẫn ừ. Cô suýt nhăn mày và nếu là ngày xưa thì cô đã dỗi. Khi cô thôi yêu anh, cô có một tình yêu với một nhạc sĩ nói nhiều. Hai người chia tay và nhạc sĩ sáng tác một bản tình ca được thật đông người hát. Những đêm giao lưu, nhạc sĩ nức nở giải thích xuất xứ tác phẩm của mình và thề rằng đã thai nghén nó từ trong hang đá của một đêm chiến tranh. Cô ngồi dưới giữa đám phóng viên văn nghệ buột thở dài và nhớ anh. Anh kiệm lời. Từ vựng của anh không quá sáu trăm từ, có lẽ là do anh lười đọc báo và xem ti vi. Anh thanh minh vì anh vẽ nên ở mức độ nào đó anh không cần chữ. Anh nhầm, cô giảng cho anh đã là nghệ sĩ phải có bề dày văn hóa. Mà chữ là phương cách ưu việt nhất để khẳng định. Anh nói có biết một nhà thơ mà anh thuộc nhiều, quanh đi quẩn lại cũng khoảng bẩy trăm chữ. Làm cái gì, Tây hay Ta. Anh nói tên và không để ý rằng cô khe khẽ nhợt nhạt mặt. Đó là một trong ba thi sĩ khi không say cứ nhất quyết đòi xem cô tắm.

Ngày xưa chúng mình hay cãi nhau những chuyện vớ vẩn nhỉ.

Anh uống rượu ngâm sâm cầm và như thường lệ vẫn là xuất đúp. Cô sẽ uống hết cốc nước cam vắt rồi sau đấy thi thoảng nhấp chung chén với anh. Quán bán đắt nhưng đều khách nên nội thất sửa lại vẻ xa xỉ. Anh và cô chọn được một bàn dễ chịu, tuy gần cửa nhưng không sát liền với những bàn khác. Cô với anh ngồi đối diện nhau. Cách một lối đi nhỏ là một bàn có cặp tình nhân liên doanh. Chàng tóc hung đỏ còn nàng nói tiếng Anh giọng tỉnh lẻ ngữ điệu thô lỗ. Vào phía sâu hơn là một bàn ồn ào có khoảng năm thanh niên đang ngồi. Đồ mồi trên mặt bàn đã gần tàn. Người nói to nhất trong nhóm là một anh chàng trán cao mũi to, mắt lấp lánh kính trắng của người nhiều chữ. Giọng nhừa nhựa men.

- Tao khẳng định lúc ấy là mười giờ. Vậy tao hỏi lại thằng Nam, lúc mười giờ tối hôm đó mày đang ở đâu.

Thằng Nam mặt nhỏ vẻ nhờn nhợt thị dân, mặc bộ comple cắt khéo của những người nâng niu hình thức, trả lời giọng cũng đã tai tái rượu.

- Em không tin.

- Mày không tin bởi vì mày ngu. Tao vốn ít lời nhưng tao buộc phải nói. Đơn giản, đây là tương lai của một con người.

Ba thanh niên ngồi cùng vỗ tay rồi tranh nhau chạm cốc với chàng đeo kính. Thằng Nam ngần ngừ.

- Bọn em ăn chiều với nhau rồi chia tay lúc bảy rưỡi, nó nói với em là nó đi học.

- Chúng mày thấy chưa, cuối cùng sự trung thực cũng đã lên tiếng.

Một trong ba thanh niên a dua, đứng lên rót đều năm chén rượu, trịnh trọng dúi một cốc vào tay thằng Nam, rồi tự mình ngửa cổ uống một trăm phần trăm.

- Tao đi tiên phong và tao cũng tiên phong nói với tư cách là thằng bạn thân nhất của mày. Đàn bà như thế là không được, phải hủy bỏ ăn hỏi.

Anh chàng đeo kính xua tay.

- Không thể vội vã, đây là tương lai của một con người.

Minh Họa - LÊ QUÝ LONG


Anh nhìn cô và thấy cô khinh khỉnh khẩy cười. Xã hội đô thị chật thường phải nghe cả những điều không muốn nghe. Bốn giờ sáng anh thức ngửa mặt nhìn trần nhà hút thuốc. Khoảng năm rưỡi thì chợp chợp ngủ được, nhưng sáu giờ bắt đầu có loa phường. Anh không nhớ lắm giai điệu nhạc mở đầu chương trình, nhưng tất cả lời đọc, lời hát về sau thì anh thuộc lòng. Đơn giản là nội dung thường giống nhau “ Tôi xin cố gắng học tập tu dưỡng phấn đấu nhằm hoàn thiện mình để khỏi phụ lòng mong mỏi của mọi người”. Đầu tiên anh tưởng là lời hứa của bí thư chi đoàn phường nhà, nhưng cuối cùng nghe phát thanh viên đọc đoạn kết mới biết là lời cảm ơn ban giám đốc trại cải tạo của một tù nhân hình sự được đặc xá nhân dịp năm chẵn. Cô gắp cho anh miếng đùi vịt và suýt nữa anh bật lời xã giao cảm ơn. Tệ đến thế rồi chăng. Ngày xưa anh và cô hôn nhau mười bốn trên hăm tư, nói chuyện với nhau đủ chuyện nhảm nhí hoặc cao thượng. Thằng Nam dằn mạnh chén rượu.

- Em không thể tin

Anh chàng đeo kính gừ gừ nhìn.

- Khui bờ lẹt. Mày định bảo tao nói dối hả.

Thằng Nam xua tay.

- Không.

Cả bàn rượu lại lao nhao nói, tiếng được tiếng mất. Anh và cô không nhìn nhau, cả hai đều đang muốn nghe.

- Được rồi, tao sẽ chơi bài ngửa. Con bé đó cắt tóc bom bê, mặt tây tây và ai em so ry ngực nở phồng. Nếu mày muốn tao sẽ kể cả quá khứ cho mày nghe.

Thằng Nam giọng yếu hơn.

- Anh làm sao mà biết được.

- Tao biết, tao biết hết. Tất cả những gì gần gũi với con người đều không xa lạ với tao.

Có một mùa nắng đẹp vào khoảng gần cuối hồi cô và anh yêu nhau. Cô lúc ấy bắt đầu nổi tiếng và anh vừa bán được bức sơn dầu đúng giá. Cô rủ anh hay anh rủ cô đi Sầm Sơn. Cô cho anh xem cái thẻ hội viên cái hội mà cô vừa gia nhập. Anh cười buồn và không hiểu sao cô nghĩ là anh đố kị.

“ Anh nghĩ là em không viết được à”

“ Chuyện đó không quan trọng”

“ Đã bao giờ anh vẽ mà em nói gì đâu”

Anh thở dài, anh cũng muốn hùng biện giải thích là anh yêu cô, anh yêu cô rất nhiều. Thế nhưng chẳng có biện sĩ nào từ vựng lại vẻn vẹn có sáu trăm từ. Cũng có một lần ấp úng mãi, anh cố nói cho cô hiểu rằng anh tin cô yêu anh không phải vì anh hình như là họa sĩ hình như là lập dị, những khái niệm sang trọng và lãng mạn mà hầu như các cô bé mới lớn đều thấy thích. Anh chỉ muốn cô yêu anh thôi.

“ Đến bao giờ em xong tập truyện của em thì anh sẽ biết”

Đến bây giờ cô đã in được tập truyện ngắn thứ hai. Cô đã đưa tặng rất nhiều người, những người mà cô luôn khâm phục văn cách. Họ thờ ơ đọc, nhưng họ vẫn háo hức muốn rình xem cô tắm. Thằng Nam nghiên người móc mô bai, ấn một số nhớ, mặt căng thẳng nhìn vaò cái màn hình nhỏ sáng một màu xanh nhờ nhờ. Cả bàn rươụ lặng theo.

- Nó tắt máy.

- Mày gọi vào số di động à.

- Vâng

- Đàn bà không nên di động nhiều, phụ nữ đoan chính ngày xưa thường không đi quá cửa bếp nhà mình.

Thằng Nam đứng lên vùng vằng. Những người bạn lảo đảo níu tay áo nó. Chàng Nam rũ tay áo dứt khoát. Nó cài cái mô bai vào bao da nhỏ buộc ở thắt lưng ngang bụng.

- Được rồi, em sẽ về em đèo vợ chưa cưới của em qua đây. Anh nhìn lại thật rõ cho em.

Những người bạn ngồi cùng bàn lại xôn xao can. Một người kéo thằng Nam và người kia đẩy nó đi ra phía cửa. Sự thật thì luôn vô thủy vô chung nhưng những cái nhá nhem đểu thì thường thích có đầu có cuối. Chàng trai tiên phong đưa ra chiết giải trung dung.

- Bọn mày bình tĩnh, chuyện này là trọng đại chứ không phải chuyện đùa. Nam này, mày tin tao chứ.

Thằng Nam nhìn, lỗ thủng của lòng tin hở ra hau háu chỉ còn biết bám víu vào cái phao bằng hữu.

- Tao với mày là bạn từ thuở sinh viên. Mày yêu bao nhiêu lần tao không can thiệp nhưng mày lấy vợ thì nhân danh tình bạn tao phải cẩn thận. Mày cứ về đón con bé đó tới đây. Mày giả vờ là không biết bọn tao rồi ngồi xuống góc bàn phía kia. Anh Hảo sẽ quan sát rồi nhận diện. Nếu đúng như anh Hảo nói thì phải bái bai. Không thể cưới một con đàn bà thiếu tư cách như vậy được.

- Còn nếu không phải thì sao.

Thằng Nam căng thẳng hỏi. Nó đưa ống tay áo quệt ngang mồm chùi rượu.

- Thì tuyệt vời chứ sao, vàng thật thì đâu có sợ lửa.

- Ô kê. Tao đồng ý.

Anh chàng đeo kính đập mạnh hai bàn tay vào nhau. Cặp tình nhân liên doanh ngoảnh sang rồi dịu dàng quay lại hôn nhau. Anh bơ vơ tự uống hết ly rượu và thấy mình lạc lõng. Nghĩ cho cùng anh cũng chỉ là người biết vẽ. Bọn trẻ hỏng rồi. Nhiều lần anh dặn anh là đừng chua chát. Tuổi trẻ hỏng thì có gì đáng sợ. Phía trước là một khoảng thời gian đằng đẵng dư sức tạo ra một tuổi già đứng đắn. Cô tiếp thêm cho anh một miếng đùi vịt chồng lên miếng kia vẫn còn nguyên. Lúc nãy đi ngang qua Nhà Thờ Lớn. Cô hỏi anh đã vẽ xong bức chân dung Giu- đa hay chưa. Anh nói là vẫn còn dở. Vì sao. Rất khó cắt nghĩa là tại sao một bức tranh dang dở và thậm chí vĩnh viễn dừng ở đó. Có phải bây giờ nhiều Giu- đa quá không. Giống như các nhà báo nữ, câu hỏi của cô sắc sảo độc địa. Anh lắc đầu. Nếu Chúa chỉ có một thì chắc chắn Giu- đa chỉ có một. Bán Chúa là thương vụ không thể dễ dàng. Bây giờ nếu có nhiều cũng chỉ là những phiên bản mất nét của Giu- đa. Bọn chúng tầm thường chỉ đủ sức bán lẫn nhau. Anh nghĩ rồi cũng không mong cô hiểu được anh nghĩ. Thằng Nam hơi chệnh choạng bước ra ngoài, lưỡng lự trèo lên yên xe đề máy. Những người bạn với theo dặn nó đi đứng cẩn thận. Cái FX 125 không tự chủ bánh trước chồm lên mặc dù vào ga rất nhẹ. Anh lửng lơ nhìn chèn rượu màu nâu vàng.

- Chúng mình đi về đi.

- Anh đang ăn dở mà.

Anh cũng biết là cô muốn tò mò đoạn cuối. Cô là đàn bà và còn biết viết văn. Cuộc đời hiền lành vốn dĩ ít kịch tính, cô rất khó bỏ qua. Phụ nữ khi không yêu thường để ý đến nhiều đến ngoại cảnh.

- Anh đau bụng.

Ngày xưa anh luôn chiều cô và bây giờ lớn rồi cô thi thoảng chiều anh. Cô gọi tính tiền và không dằn mình được nhìn sâu tới bàn ồn ào. Anh chàng đeo kính đang uống chén rượu mới.

- Khi tao bước vào, tao choáng người thấy con vợ thằng Nam. Nó với thằng kia đang khoác vai nhau. Đầu tiên tao ngờ ngợ nhưng tao tin vào trí nhớ của tao. Tao đã một lần gặp thằng Nam hôm nó đèo con bé này đi ăn bánh cuốn Hàng Thang.

Anh uể oải đi ra cửa và cô lưỡng lự đi ra sau. Cô khoác nhẹ tay anh, hai người chầm chậm đi dọc vỉa hè.

- Anh có nghĩ là con bé kia nó chịu tới không.

- Anh mong là không.

- Nếu tay đeo kính nói đúng thì con bé kia sẽ tới. Đã như thế thì có gì phải sợ.

Anh bước, cố tập trung chân dẫm đều vào một hàng gạch nhất định. Đấy là thói quen khi không vẽ được và phải đi bộ. Lòng đường nhựa phố nhỏ thẫm đen, chưa hẳn muộn mà đã vắng người đi lại. Một cái FX phóng ngược chiều thật nhanh. Cả anh và cô không nhận thấy ai trên yên. Anh nhả điếu thuốc dở khỏi môi. Anh nghĩ mình sẽ vẽ một cái xe máy đang ở tốc độ cao không có người lái đi vô định trong những phố cổ. Hồi học năm cuối anh bắt chước ông Phái vẽ phố không có người. Liên tiếp chỉ là mái nhà, những mái nhà ngói cũ hoặc màu nâu đỏ hoặc màu xanh lét. Ngây thơ là sinh viên. Bỗng cô chợt rút tay ra khỏi anh thảng thốt nói.

- Chết, em để quên cái bờm tóc. Anh đợi em một tí em chạy lại lấy.

Anh nghĩ cô đi sẽ lâu vì đoạn cuối câu chuyện trong quán còn bùng nhùng lắm. Anh đi qua bên kia vỉa hè có một hàng thuốc rong. Dưới ngọn đèn tròn nhờ nhờ 40 watt là một con bé chừng tuổi 12 tóc hoe nắng ngồi sau cái tủ kính nhỏ có nhiều vết rạn. Nó bóc gói thuốc, trả lại anh tiền lẻ và đôi mắt của nó lay láy đen. Không hiểu sao anh nghĩ về bím tóc tết đôi đuôi sam của cô hồi anh mới gặp. Mọi sự trong trắng chẳng bao giờ khác nhau. Anh đi về phía vỉa hè cũ, châm điếu thuốc và thấy cô tất tả chạy lại. Cái bờm tóc cắn ngược trên mái tóc tỉa ngắn.Nếu cứ để tự nhiên không hiểu bao lâu tóc sẽ dài. Cô đưa tay, anh nhè nhẹ khoác hờ và cô làu bàu.

- Đàn ông nhiều thằng hèn thật.

Anh im lặng và hai người lan man đi. Phía trước là một ngã tư, không rõ là ngã tư của những phố nào. Anh chưa muốn về nhà và hình cô cũng vậy.

- Chúng mình đi đâu đi.

- Đi đâu.

Cô nhìn anh và anh loanh quanh nhìn dọc những con đường. Dương Chu tìm dê dặn rằng đừng đi vào những ngã rẽ. Anh nhìn bốn cột đèn hiệu giao thông ở bốn góc. Chúng im lặng đứng không có điện. Anh chờ. Chợt nhiên cả bốn đèn hiệu đều bật ở nấc đèn vàng. Nhấp nháy. Nhấp nháy.

17/ 5/ 2000
N.V.H
(137-07-00)





Các bài mới
Chuyện nghề (10/05/2010)
Cảm nhận Huế (10/05/2010)
Bao nhiêu là cát (07/05/2010)
Các bài đã đăng
Ngọc trong cát (29/04/2010)
Hoa và rượu (29/04/2010)