Tạp chí Sông Hương - Số 138 (tháng 8)
Người đàn bà cô đơn
08:30 | 13/05/2010
KIM NHẤTĐám ma bà Gái thật là buồn! Ngoài một số bà con trong xóm nghèo cùng mấy đứa nhóc lượm nhôm nhựa với bà thì chẳng có ai là họ hàng thân thích.
Người đàn bà cô đơn
Suốt chặng đường dài đưa bà ra nghĩa địa nơi yên nghỉ cuối cùng của bà, mưa rơi tầm tã, gió rít ào ào làm mọi người lạnh run. Có lẽ ông Trời cũng động lòng xót thương cho kẻ bạc mệnh trong cảnh khốn cùng...

Bà Gái “ra đi” mau quá! Chẳng tốn một viên thuốc cũng không phiền ai chăm sóc và cũng không kịp trối trăng cho lũ cháu côi cút khốn khổ của bà. Bà “ra đi” trong giấc ngủ giữa đêm mưa sa gió gào. Bà đã sống một cuộc đời đầy bão táp và chết trong cô đơn bất hạnh giữa cao nguyên bạt ngàn màu xanh cà phê. Gió đại ngàn sẽ ru giấc ngủ ngàn thu của bà. Màu xanh cao nguyên sẽ ôm bà vào lòng đất như bất cứ ai đến với cõi vĩnh hằng. Từ nay bà sẽ thoát khỏi cuộc đời bể dâu. Thoát khỏi cả những gì bà đã phải đeo mang suốt cả cuộc đời! Chỉ thương cho bọn nhóc đã từng được bà cưu mang che chở. Bà chết quá bất ngờ đã khiến cho chúng bị hụt hẫng, nhìn mặt đứa nào cũng rớm lệ. Chúng khóc vì thương bà và khóc cả cho số kiếp trôi nổi của mình. Từ nay chúng sẽ phải tự dựa vào nhau mà kiếm sống. Vì trong đầu óc trẻ thơ, chỉ có bà là người tốt nhất, đáng tin nhất. Mà người chúng thương nhất thì đã bỏ chúng mà “đi” mất rồi.

Lũ trẻ này cũng như bà Gái, đều từ các nơi trôi dạt về đây rồi nhập thành hội gọi là “hội nhôm nhựa”. Cũng có vài đứa thích đi riêng để ăn mảnh một mình. Nhưng đều thương nhau và cứu nhau khi bạn gặp nạn, và những đứa trẻ côi cút bơ vơ ấy chính là hậu quả của nhiều cặp vợ chồng chia tay rồi bỏ rơi con cái để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Nơi bà cháu nghỉ đêm là túp lều cũ rách cạnh bức tường một nhà bỏ hoang vô chủ. Những ngày nắng đẹp gió mát thì túp lều ấy như một tổ ấm che chở cho mấy bà cháu yên giấc sau một ngày lao động cực nhọc. Nhưng, những đêm mưa gió thì căn lều bé nhỏ rách nát kia không che nổi mười con người đang rét run cầm cập. Nhưng dù sao thì căn lều ấy vẫn là tổ ấm là mái nhà nương thân của những kẻ tha phương khốn khổ.

Những đứa trẻ cơ nhỡ ngày càng gia tăng vì có nhiều lý do. Lớp trước trưởng thành thì bỏ nghề nhôm nhựa đi làm thuê làm mướn hoặc phụ hồ. Có đứa đã có nhà cửa vợ, con. Một số đứa được Nhà nước cho ăn học tử tế để mai sau có ích cho nước nhà.

Cứ thế, lớp trước trưởng thành thì lớp trẻ khác đến, cứ y như luật tự nhiên của dòng đời. Và bà lại dìu dắt, chỉ bảo chúng cái nào nên lượm và cái nào không nên lượm. Bà chỉ bảo, căn dặn cẩn thận vì bà đã từng chứng kiến cảnh giết người thê thảm chỉ vì họ lượm nhầm đầu đạn M79 lại ngỡ là vàng mười. Có người biết nguy hiểm mà vẫn đập đầu đạn để bán có tiền nhiều hơn. Nhưng tiền đâu chưa thấy đã bị mất mạng. Những chuyện như thế, các anh công an phường đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai. Cũng không trách họ được, vì trong lúc khốn cùng mà những thứ giết người ấy lại là bán được tiền hơn hẳn các phế liệu khác thì họ cứ lượm cứ bán để kiếm chén cơm manh áo qua ngày. Riêng với bà thì khác. Dù có đói bà cũng không dám sờ tới Tử thần.

Bà Gái tên thật là Nụ. Con một gia đình nghèo ở vùng biển. Nụ là chị cả rồi mới đến Tùng là em trai kế. Năm Nụ lên sáu thì Nụ không thấy ba ở nhà. Thỉnh thoảng lắm ông ta mới về, mà về lần nào Nụ cũng thấy ba mẹ cãi vã nhau, có lúc còn đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán. Những lần như thế, Nụ thường bế em Tùng chạy trốn đến khi mẹ gọi mới dám về. Năm sau, Nụ thấy ba dẫn về một cô gái son phấn đầy mặt, tay cổ đeo đầy vàng, ba nói với mẹ: “Đây là vợ tau, từ nay tau không về cái nhà này nữa”. Nói rồi ông ta cùng cô bồ ra xe ngoài sân định về, nhưng bà mẹ đã túm tóc con bồ nhí giật mạnh xuống đất và hét: “Đồ con đ. Đồ mặt mo. Mày dám cướp chồng tau à?” Mẹ nói chưa hết lời thì liền bị một đạp mạnh như búa tạ làm mẹ ngất xỉu. Chị em Nụ sợ run cầm cập. Chờ ba đi xa mới dám gọi mẹ dậy xoa bóp. Có lẽ vì bị phụ tình mà từ đó mẹ đối xử với chị em Nụ rất lạnh nhạt. Nhiều khi Nụ bế em đi chơi tới tối, mẹ cũng không thèm gọi về ăn cơm. Nụ cảm thấy ở người mẹ có cái gì đó khác lạ và cô linh cảm một điều rằng cô sẽ mất luôn cả mẹ. Quả đúng thế thật. Hai năm sau, Nụ thấy mẹ vắng nhà luôn, và khi về thì có một người đàn ông lạ về theo. Người đàn ông mắt ti hí, đầu để tóc như đàn bà, liếc xéo hai chị em như dao chém chuối hỏi mẹ: “Hai đứa con của cô đấy à?” Mẹ có vẻ sợ hắn. Cứ mỗi lần có hắn trong nhà là Nụ bị sai khiến đủ điều. Hắn đi ra khỏi nhà Nụ mới thở phào. Tình cảm buồn khổ ấy kéo dài trọn năm thì bà mẹ lại đi với đàn ông khác, có lẽ mẹ đã bị hắn bỏ rơi đi tìm gái khác. Dạo này Nụ thấy mẹ cũng son phấn lòe lọet, quần áo đẹp đẽ và đeo cả dây chuyền cùng hai nhẫn vàng nữa. Nụ thấy mẹ trẻ và đẹp hẳn ra. Nhưng cách đối xử với con cái thì ngày càng tồi tệ hơn trước. Hình như bà muốn xa hẳn các con nhưng không đành, vì lúc đó em Tùng mới được ba tuổi. Khi Nụ mười hai tuổi thì Tùng lên sáu và người mẹ không bao giờ trở về nữa. Nụ đã làm đủ nghề như giặt quần áo thuê, rửa chén bát cho các quán cơm chợ để có tiền nuôi em ăn học. Tùng cũng thương chị và hiểu cảnh ngộ của mình nên nó học rất giỏi. Một hôm, để có tiền mua quần áo mới cho em, Nụ đã bước chân vào nhà hàng với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn chỗ khác. Vì thiên hạ vẫn đồn đại rằng các khách hàng trong đó rất sộp. Nhưng vất vả cả ngày mà ông chủ chỉ trả bằng hai bữa cơm một lần. Nụ đang bưng bia cho khách, bỗng cô nhìn thấy một ông khách rất mập, ăn mặc rất sang đi cùng với một bà béo đeo đầy vàng. Nụ tới gần và cô bỗng chựng lại rồi ù té chạy ra khỏi quán như bị ma đuổi. Người đàn ông béo tốt ấy không ai khác mà chính là người cha mà trước kia chỉ là một dân chài nghèo khổ. “Ôi! Đồng tiền đã làm thay đổi tất cả. Đông tiền mạnh đến thế ư?”. Nụ vừa chạy vừa trộm nghĩ thế và cô thấy buồn vô hạn khi nghĩ tới người mẹ cũng vì đồng tiền mà bỏ rơi chị em cô sống lay lất trong ngôi nhà tranh nghèo nàn.

Minh họa: Nguyễn Thiện Đức


Khi Tùng mười tám, nó đã là một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Nụ thầm nghĩ: “Một chàng trai khỏe đẹp lại có học như thế, chắc xin việc làm chẳng mấy khó khăn. Có việc làm là có tương lai. Cuộc đời chị em cô sẽ thoát khỏi cảnh nghèo hèn”. Nhưng Tùng học chưa hết cấp thì đã bị bắt đi lính và bị đưa ra trận. Hai năm sau, có tin đồn đơn vị Tùng bị quân Việt cộng giết gọn trong một khu rừng quê tại Đà Nẵng. Nụ không tin là em đã chết. Cô bỏ việc đồng áng lặn lội đi tìm em. Nhưng vất vả cả tháng trời vẫn không tìm được Tùng. Cuối cùng có người mách cô nên lên tỉnh hỏi các đồn, nơi phụ trách đơn vị của Tùng. Cô lại khăn gói ra đi. Lần này cô được cấp trên đón tiếp niềm nở và báo cho cô biết Tùng còn “sống” và đang học trường sỹ quan Đà Lạt. Nụ thầm cám ơn trời đất đã cứu mạng Tùng sống sót để chị em được đoàn tụ. Nụ đâu có ngờ những lời nói của hắn đều là dối trá và hắn thấy cô xinh đẹp nên đã rắp tâm làm hại đời cô.

- Mời o uống nước.

Hắn bưng bia và nước ngọt ra mời cô. Sẵn đang khát cô tu luôn một hơi chẳng cần giữ ý. Bỗng cô cảm thấy đầu mình choáng váng rồi đôi mắt đẹp díp lại không còn biết gì nữa. Tên đồn trưởng mà mọi người vẫn gọi là “Lão D” vội bế cô lên giường trong và làm cái trò mà hắn đã từng làm với những cô gái quê khờ khạo cả tin. Nhìn tấm thâm nõn nà đang phơi trước mắt hắn nuốt nước bọt ừng ực. Nhìn hắn lúc này chẳng khác gì một con thú đang say mồi...

Khi Nụ tỉnh lại mới biết mình vừa bị hắn làm nhục. Nhìn trước nhìn sau không thấy một bóng người, cô vội mặc quần áo vào người rồi lủi thủi bước ra đường “Chúng mày là ác thú! Chúng mày là quân khốn nạn”. Vừa đi vừa lẩm bẩm chưởi tên trưởng đồn. Giá như khi tỉnh dậy mà có mặt tên đường đồn trong phòng, thì nhất định cô sẽ nhổ nước bọt vào mặt hắn mà chưởi mà cào cho hả giận. Nhưng hắn vốn khôn lỏi biết trước sự việc sẽ xảy ra nên hắn đã tránh mặt. Bây giờ Nụ chỉ còn biết kêu trời và trách mình sao quá tin người để hại cái thân. Cô tự nhủ mình, từ nay cô sẽ không bao giờ bước đến những nơi sang trọng như thế nữa và cô vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi khổ nhục đời. Nhưng oái ăm thay, phút giây ngắn ngủi dại dột lần đó đã tặng cô một cái bào thai. Cái bào thai đáng ghét mà cô không ngờ tới. Sự thay đổi của Nụ không qua khỏi con mắt tò mò của hàng xóm. Họ bắt đầu xì xầm rồi bàn tán về cô. Còn các bà thì nghi ngờ chồng mình ăn ở với cô nên lạnh nhạt với mình. Lúc này bao nhiêu nghi ngờ, bao nhiêu tội lỗi đều trút lên đầu Nụ không chút thương tiếc. Chỉ có bà cụ Tư, một bà mẹ có hai con đi bộ đội là hiểu cô và thường đến ai ủi động viên cô. Khi biết Nụ có ý định phá thai, bà cụ đã ngăn lại và nói: “Ba hắn có tội thì mi chưởi ba hắn, chứ hắn có tội chi mô mà mi nỡ giết hắn, mi cứ đẻ đi, mi không nuôi thì tao nuôi”. Với ý định giết con là thế, nhưng khi đứa bé ra đời, nó bụ bẫm, trắng trẻo và rất dễ thương thì Nụ không đành. Đứa bé càng lớn càng đẹp và khỏe mạnh. Bà cụ đặt tên cho nó cái tên là Dũng mong nó lớn lên trở thành một chàng trai dũng cảm dám đương đầu với sự thật, một sự thật phũ phàng mà không ai muốn.

Nụ rất thương con như cô đã từng yêu thương đứa em trai xấu số. Khi Dũng lên bảy, cô lo cho Dũng tới trường học, cô mong sau này lớn lên, Dũng sẽ nên người. Đứa con độc nhất này cô nhất quyết không để nó bị bắt đi lính nữa. Nhưng có lẽ số phận đã được trời định. Khi Dũng vừa tròn mười tuổi thì bỗng dưng bị đám người lạ bắt cóc trên đường nó tới trường học. Được lũ trẻ trong xóm báo tin, Nụ vội bỏ cả công việc bổ đi tìm con khắp nơi. Nhưng Dũng vẫn biệt vô âm tín. Nụ ôm đầu gào khóc như điên: “Dũng ơi! Con ở mô? răng không về với mạ Dũng ơi!” Nhiều người thương hại đến an ủi cô. Có người lại nói chính mắt ông ta nhìn thấy có hai vợ chồng nhà giàu cùng thằng Dũng lên máy bay sang Mỹ. Nghe vậy Nụ chỉ còn biết khóc than kêu trời, và cô hoàn toàn hết hy vọng gặp lại con. Nhưng với trái tim người mẹ rất mực yêu con, thỉnh thoảng nghe ai nói nhìn thấy Dũng ở đâu là cô lại đến đó tìm kiếm, dò hỏi với ý nghĩ mơ hồ, dù Dũng không còn sống nữa cô vẫn phải đưa xác nó về chôn cất đàng hoàng. Nhưng việc tìm kiém, dò hỏi kéo dài hai năm vẫn không có kết quả. Đau khổ! Buồn phiền đã khiến cô tàn tạ, hốc hác hẳn đi.

Một đêm không trăng. Nụ đi tìm con về thì đêm đã khuya. Quá mệt mỏi, Nụ thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng cô giật mình tỉnh giấc vì tiếng kẹt cửa: “Ai đó?” Thay câu trả lời là một khối thịt nặng như đá tảng đè dí cô xuống giường và bàn tay thô ráp to bè rõ là người đàn ông bịt chặt lấy miệng cô. Nụ hoảng nhưng cố vùng vẫy hòng thoát khỏi kẻ lạ mặt. Nhưng hắn rất khỏe. Nụ vội cắn mạnh vào tay hắn để hắn buông mình ra, nhưng có lẽ hắn qúa say tình nên không thấy đau. Hắn thì thào bên tai Nụ: “Ngoan nào. Anh đây mà. Anh thấy em buồn khổ anh thương lắm. Anh cũng góa vợ lâu rồi. Chúng ta hãy sống với nhau, đừng bỏ phí tuổi xuân em ạ”.. Nụ nhận ra lão Tự cùng xóm. Lão đã trên sáu mươi nhưng còn sung lắm. Vợ lão chết đã sáu năm, bỏ lại cho lão bốn đứa con cả trai lẫn gái. Đứa trai đầu đi lính quốc gia đã chết trận, đứa gái kế bỏ nhà theo trai rồi biệt tăm luôn. Thằng em trai thứ mười sáu tuổi lão bắt nó ở nhà làm ruộng. Còn đứa gái út bốn tuổi thì lão tống cho nó đi ở đợ nhà người giàu ngoài thành phố. Rút cục lão chẳng phải nuôi đứa nào.

Lão vốn ham ăn nhác làm lại có tính vũ phu. Lão đánh đập vợ con như cơm bữa, khi vợ lão chết chỉ còn nắm da bọc xương. Vì lão ác nên góa vợ đã lâu mà chẳng bà nào thèm bước chân vô vào nhà lão. Ây thế mà mỗi lần ăn nhậu say xỉn, lão vẫn thường khoe khoang rằng: "Lão rất thương vợ thương con. Rằng nếu lão thích thì ối bà sà vào lòng lão xin làm vợ”. Lão tôn vinh mình lên bao nhiêu thì lão coi thường khinh bỉ phụ nữ bấy nhiêu. Có lẽ vì thế mà đêm nay lão mò vào nhà Nụ để hòng giở trò sàm sỡ. Khong ngờ bị Nụ chống cự quyết liệt. Lừa lúc lão nới tay để cởi quần áo Nụ đạp thật mạnh làm lão té ngửa. Cô vùng dậy lao ra ngoài hô: “Cướp, cướp bà con ơi” Tiếng kêu cứu trong đêm khuya vang đi khắp xóm. Chẳng mấy chốc mọi người kéo đến đầy sân nhà: “Cướp mô?” Chỉ cho tui đập cho hắn chết ngay chừ”. Nụ chỉ vô nhà, mọi người nhào vô tìm kiếm một hồi nhưng chẳng có tên cướp nào cả. Một số người cho rằng Nụ đã hóa điên nên nhìn gà hóa cuốc và họ lục đục ra về cả. Đêm đó Nụ thức trắng đêm không dám ngủ.

Một tuần sau lão ra đồng gặp Nụ đang cấy lúa. Lão gườm gườm nhìn Nụ nói đầy hăm dọa: “Đồ con đ. Thèm lắm mà còn giả bộ làm cao. Vì mày mà súyt nữa tau bị ê mặt. Mi làm nhục tau thì tau cũng sẽ làm nhục mi coi ai thua. Chuyện này tau không bỏ qua mô. Tau sẽ rêu rao cho cả xóm biết mi là đồ con đ. Đồ chửa hoang. Đồ ham tiền đi ngủ với lính. Tau sẽ nói mi là kẻ đã”... “Ông im đi” Nụ hét lên vì quá tức giận “Chính ông là kẻ thối tha”... “Hà- hà- Lão cười ha hả thách - Được lắm. Để coi mi có gan hay tau có gan nhé”. Nói rồi lão thong thả bước về.

Nụ biết lão sẽ làm thật để trả thù. Lão sẽ bịa ra đủ thứ chuyện xấu xa nhất để làm nhục Nụ trước mặt bà con. Dù bà con không tin thì Nụ cũng không còn mặt mũi nào mà nhìn họ, và lão sẽ còn phá Nụ dài dài nếu cô vẫn không chịu làm theo ý lão. Chỉ có nước phải bỏ xứ mà đi thật xa mới hòng thoát khỏi tay lão dê già này. Và ngay đêm đó, Nụ đã khăn gói ra đi, mang theo nỗi buồn vô cùng tận của người mẹ bất hạnh...

Tuổi thanh xuân đầy hương sắc nhưng lắm gập ghềnh của Nụ đã trôi đi trong cơ cực đời thường. Mái tóc đen dài năm xưa chỉ còn lơ thơ điểm bạc búi tó sau gáy. Nụ đổi tên là Gái. Một bà Gái cô đơn, bất hạnh và khốn cùng giữa dòng đời, cùng những đứa trẻ bất hạnh lang thang khắp mọi nơi đi lượm phế liệu để sống qua ngày. Và đến lúc nhắm mắt xuôi tay bà vẫn chưa hưởng được một ngày vui. Phải chăng định mệnh đã được trời định sẵn cho kiếp người? Hay do con người vì ham sang giàu mà quên đi “nhân đức” mà người Việt Nam vốn có từ ngàn xưa?

K.N
(138/08-00)



Các bài mới
Day dứt (17/05/2010)
Các bài đã đăng
Gió ngàn (11/05/2010)
Hồn Huế (11/05/2010)