Tạp chí Sông Hương - Số 139 (tháng 9)
Nét chung và riêng giữa hai nhà thơ Huế: Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Thảo Am Nguyễn Khoa Vi
16:57 | 14/05/2010
NGUYỄN XUÂN HÒA Ưng Bình Thúc Giạ thị (1877 -1961) và Thảo Am Nguyễn Khoa Vi (1881 - 1968) là hai nhà thơ Huế giàu tài năng sáng tác vừa có mặt chung, mặt riêng, phản ảnh cuộc sống xứ Huế được nhân dân mến mộ, khâm phục.
Nét chung và riêng giữa hai nhà thơ Huế: Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Thảo Am Nguyễn Khoa Vi
Ưng Bình Thúc Dạ Thị - Ảnh: Internet
Cả hai nhà thơ đều xuất thân nho học, thông thạo chữ Hán, am hiểu tiếng Pháp, chữ quốc ngữ có làm quan địa phương trong chính phủ Nam triều nhưng luôn luôn giữ được cuộc sống thanh bạch, không hám danh lợi "thuở ra sân khấu không làm rộn, khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi" (Ưng Bình), "danh lợi trò đời chẳng ước mơ" (Nguyễn Khoa Vi). Mặc dầu hai nhà thơ có thời gian sống trong vùng tạm bị chiếm ở Huế, nhưng không cộng tác với đế quốc, ghét bon chen nịnh hót luôn luôn gìn giữ đạo đức trung hiếu với gia đình, dùng văn thơ để thể hiện tình cảm của mình đối với thiên nhiên, bạn bè, đất nước, là điều đáng ca ngợi đáng trân trọng.

Về mặt sáng tác, hai nhà thơ có nét chung và nét riêng biểu hiện ở những điểm sau:

I. Nét chung:

1. Ca Huế, hò Huế.

Hai nhà thơ đều rất sành các làn điệu thơ dân gian ở Huế, thường có mặt, gà cho các tay hò mái nhị, hò giã gạo ở Huế do thi xã Hương Bình tổ chức. Nếu Ưng Bình có tập "Bán buồn mua vui", "Tiếng hát Sông Hương" thì Nguyễn Khoa Vi có tập "Hò mái nhì", "Hò mái đẩy". Đề tài thơ dân gian thường ca ngợi thiên nhiên, cảnh vật, con người các danh nhân nổi tiếng (ca ngợi sông Hương núi Ngự, cảnh vật ở Huế) (Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi), ca ngợi các danh nhân: Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Tất Thành (Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi). Hò chơi chữ, hò điển tích chữ chợ, hò chữ công, (Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi)...Có những câu ca như:

"Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu,ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chanh lòng nước non (Ưng Bình)

_ "Việt minh là việc của mình. Anh chị em ơi mau cầm cờ vác gậy mà đi biểu tình với bà con..."...(Nguyễn Khoa Vi) đã sớm trở thành tài sản tinh thần chung của Huế được nhân dân quen thuộc.

Tính trữ tình xuyên suốt trong câu hò tiếng hát của hai nhà thơ. Tuy vậy ở Nguyễn KHoa Vi còn có những câu hò châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội, chẳng hạn như Nguyễn Khoa Vi đã châm biếm một nhân tình già si tình:

Sáng mai, anh gặp em, em nói thiếu tình yêu
Buổi chiều lại gặp em, em nói thiếu tình yêu
Ngày xuân em hãy còn nhiều
Sáu ngàn ba vạn còn biết bao nhiêu là
buổi mai chiều nữa hở em.

2. Thơ Đường luật của Ưng Bình và Nguyễn Khoa Vi.

Thơ Đường luật là thể thơ chủ đạo trong sáng tác của hai nhà thơ. Ưng Bình có tập "Tình Thúc Giạ", "Đời Thúc Giạ". Năm 1992, Nhà xuất bản Thuận hóa in thành cuốn "Thơ ca Ưng Bình Thúc giạ thị tuyển", Nguyễn Khoa Vi có tập "Thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi tuyển" do Sở Văn hóa Thông tin Huế in năm 1991. Nét chung giữa hai tập thơ đó là:

- Tình cảm đối với thiên nhiên của hai nhà thơ thật phong phú, đa dạng. Đọc thơ Ưng Bình ta bắt gặp những bài: "Vịnh cầu Tràng Tiền", " Chợ Đông Ba", "Chơi thuyền trên sông Hương", "Cầu Lăng Cô", " Dạo chơi cửa Thuận", "Cảnh Tam tòa", "Lầu Ngũ phụng", "Hồ Tịnh Tâm", " Cầu Nông Lợi", "Làng Vĩ Dạ", "Đình Lộc Minh", Làng Thọ Lộc"... (Ưng Bình); "Cầu Trường Tiền", "Chợ Đông Ba", "Sông Hương núi Ngự", "Cầu Đập Đá", " Núi Đá Bạc", "Hồ Tịnh Tâm", "Bến Đò Tuần", Biển Thuận An", "Cảnh Mùa Thu"., "Nhớ cảnh Huế", "Đi dạo núi"... (Nguyễn Khoa Vi.

Thiên nhiên Huế rất đẹp dưới con mắt của nhà thơ:

Trông ra mặt biển thái bình dương
Cảnh Phú Xuân kinh đẹp lạ thường
Năm vẻ sáng ngời mây đỉnh ngự
Một màu trong vắt nước sông Hương
(Phú Xuân kinh: Ưng Bình)

Nguyễn Khoa VI trong bài "Đi dạo núi" đã viết:

Non xinh xinh nước xinh xinh
Bao nhiêu non nước bấy nhiêu tình
Ta đây là kẻ ưa non nước
Non nước e khi cũng giống mình.

Đứng trước cảnh đẹp của đất nước thần kinh Ưng Bình không nén nổi cảm xúc:

Kinh hoa đây cũng chốn phồn hoa
Có cảnh sông Hương đẹp lắm mà
Gió mát trông qua trăng ngoảnh lại
Thơ hay gửi tới rượu bày ra.

Thật không hẹn mà gặp Nguyễn KHoa Vi ca ngợi cảnh Huế qua bài thơ giàu âm hưởng dân gian:

Anh đã vô Nam ra Bắc
Thấy nhiều nơi cảnh sắc cũng xinh
Đi đâu mình cũng nhớ mình
Nhớ sông Hương nước mát, nhớ non Bình trăng trong.

Tình cảm đối với thiên nhiên của hai nhà thơ thật dạt dào sâu thẳm. Nhưng do hoàn cảnh phải sống trong hoàn cảnh đất nước chưa được giải phóng, cuộc sống con người bị gò ép, thiếu tự do, hai nhà thơ không tránh khỏi nổi buồn, họ thường mượn cảnh thiên nhiên để giải bày tâm sự, tự an ủi mình. Có thể xem các bài thơ "Đêm năm không ngủ", " Tương tư", "Hoài cảm", (Ưng Bình).

"Bệnh tương tư", Cảm tác Thuận An, (Nguyễn Khoa Vi).

Xét về đề tài thiên nhiên thì do hoàn cảnh Ưng Bình sống ở nhiều miền đất nước, nên thơ viết về thiên nhiên có chiều rộng hơn: " Một bóng nước hồ gươm", "Một cảnh núi Nùng sông Nhị", "Một núi Hồng sông Lam", "Một cánh buồm Hội An", "Cảnh Sài gòn", "Rạch Giá", " Tháp Cảnh tiên Bình Định", "Động Huyền Không", "Động Phong Nha",... Chẳng hạn như viết về động Phong Nha Quảng Bình, tác giả phải khai thác cảnh đẹp hoang sơ, u tịch của hang động.

Gọi tiếng chùa hang ở chốn này.
Mười lăm năm trước đã vào đây
Rêu in cửa động nhiều thêm vẻ
Mà cội bồ đề chẳng đổi thay...
E động thiên thai cũng chốn này
E chàng Lưu Nguyễn có vô đây
Lạc đường ta khỏi như ai trước.
Không gặp tiên là rủi hóa may
            (Chơi động Phong Nha: Ưng Bình).

- Tình cảm đối với bạn bè nhân dân:

Thơ viết về bạn bè, nhândân là thể hiện một thái độ ứng xử, quan hệ giao lưu, quan niệm sống của một cộng đồng xã hội. Ưng Bình đã có những bài thơ: "Ngày xuân gặp bạn", "Gửi thăm Ngọc Sơn tiên sinh", "Hoạ thơ Đỗ Hữu bảo", "Nhớ Ngư Xuyên", "Nhớ người xưa", "Mời bạn chơi tết", "Họa vần thơ ông Mai Lâm", "Mừng cụ Phú KHê đến Huế", " Mừng cụ Phan Kỉnh Chỉ vô làng thơ Hương ngự", " Mừng Thảo Am Nguyễn Khoa Vi", Nguyễn Khoa Vi cũng viết nhiều bài thơ về tình bạn như: " Trông bạn đường xa", "Đi thuyền cùng bạn cảm tác", "Họa thơ ông Mai Viên", "Đêm nằm nhớ bạn", "Nhắc bạn", "Trách bạn phụ tình", "Hỏi bạn", "Họa thơ cụ Thúc Giạ. Thông thường các bài thơ kể trên, hai tác giải đều ghi lại những ký ức đối với bạn, nổi buồn, niềm vui, khi chia ly, lúc gặp mặt. Được tin Phan Kỉnh Chỉ quê ở Quảng Trị, Tuyết Ngọc quê ở Nghê An, bị mất tin sau cảnh chạy loạn giặc Tây năm 1947, Ưng Bình viết:

Nhớ chàng Kỉnh Chỉ non Mai
Nhớ cô Tuyết Ngọc ở ngoài sông Lam
Cảnh biệt ly ai làm nên nổi
Bặt tin hồng biệt hỏi ai đây...

Nguyễn Khoa Vi, một lần cùng đi thuyền tiễn bạn lên ga Huế, tình bạn quyến luyến không rời, nhưng bỗng tiếng còi trên ga dục gọi, nhà thơ viết:

Thuyền đuổi mép sông cây chảy ngược
Gió đè mặt đất, cỏ nằm xuôi
Chén đưa rót mãi tình khôn cạn
Nông nổi trên ga dục tiếng còi.
(Đi thuyền đưa bạn lên ga Huế).

Không chỉ viết về tình bạn, hai nhà thơ còn gửi gắm tâm sự, nỗi lòng, tình cảm của mình đối với nhân dân Huế trong cảnh chiến tranh bão lụt, đói kém. Về đề tài này, có nhữung bài như: "Chim khóc tổ", " Phu xe đối đáp", "Giặc Tây bố ráp Vĩ Dạ", "Chuyện người hành khất" (Ưng Bình), "Trời lụt", "Trời bão", "Nhân tình thế thái", "Cảnh trời mưa to gió lớn", "Kỷ niệm ngày 23/5 năm Ất Dậu thất thủ kinh đô Huế", Nước non đâu cũng nước non nhà (Nguyễn KHoa Vi).

Xin ghi lại hai bài, bài nói về cảnh chiến tranh của Nguyễn Khoa Vi và cảnh đói kém của Ưng Bình. Nguyễn Khoa Vi viết về cảnh chiến tranh qua bài "Ngày thất thủ kinh đô Huế" như sau:

Tháng năm Ất Dậu tối hăm ba
Súng nổi vang trời giặc Pháp qua
Ngoài phố cửa nhà tan nát sập
Trong thành dân sợ lết bò ra
Lão thần Tôn Thất không đương lại
Ấn chúa Hàm Nghi phải chạy xa
Thơ tả đôi câu làm kỷ niệm
Nhớ ngày quốc hận Việt Nam ta.
(23/5 ngày thất thủ kinh đô - Nguyễn Khoa Vi)

Ưnh Bình viết về cảnh đói kém qua bài"Cảm cảnh hành khất ", năm giáp thân:

Thấy bạn ăn mày quá tả tơi
Câu ca thân dậu hẳn như lời
Khó tìm bảy cắc mua lon gạo
May được mười xu có củ khoai
Cuối chợ đầu đình thương mấy kẻ
Trên mền dưới nệm ngỏ cùng ai
Rủ lòng bố thí cơn tai nạn
Hơn nén hương dâng giữa phật đài
            (Cảm cảnh người hành khất: Ưng Bình)

Thơ tự thuật, khai bút, tự khuyên.

Thơ tự vịnh, khai bút, tự khuyên là nét phổ biến chung của các nhà nho như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi không nằm ngoài thông lệ đó. Thơ tự vịnh, tự thuật, tự khuyên là nhằm khắc hoạ chân dung của chính nhà thơ trong một hoàn cảnh khong gian, thời gian nhất định nhằm gìn giữ điều tốt lành, và loại trừ cái xấu của riêng mình. Có thể nêu ra một số tựa đề như: "Thơ khai bút" "Thơ khai bút năm Tân Tị" " Tết năm Giáp Thân" "Thơ tự thuật bảy mươi", "Thơ lên lão tám mươi", " Tết năm Mậu tý", "Tết năm Đinh sửu". Thơ tự thuật cùng bạn làng thơ nhân dịp đầu xuân"Khai xuân năm Kỷ hợi"(Ưng Bình) "Thơ khai bút nhân dip 75 tuổi", "Thơ đề bức ảnh năm 81 tuổi", "Ăn mừng lễ cửu tuần trước 83 tuổi" "Tự khuyên", "Khuyên đời", "Vịnh cảnh già" (Nguyễn Khoa Vi). Xin trích 2 bài thơ: một của Ưng Bình, một của Nguyễn Khoa Vi. Năm 1959, Ưng Bình 83 Tuổi, Ông tự vịnh:

Đính hưu vách mảy lai ngâm nga
Tức cảnh câu thi Tết goi là
Khỏe cánh tìm hương con bướm liệng
Vui lòng rũ bạn tiếng oanh ca
Ngành cây cổ thụ đang sây lá
Ngọn bút tao đàn cứ trổ hoa
Tuổi thọ trời cho ai có hỏi
Thưa rằng nay đã tám mươi ba
            (Khai xuân năm Kỷ hợi(1959): Ưng Bình)

Năm 1961, Nguyễn Khoa Vi bước vào tuổi 83, ông có bài thơ "Ăn lễ cửu tuần trước", năm 83 tuổi:

Tuổi mình nay mới tám mươi ba
Ăn cửu tuần chơi truớc gọi là
Đông đủ một bầy con cháu trẻ
Dài hơi hai đứa vợ chồng tra
Rậm người gẫm lại hơn nhiều của
Rộng bụng lo chi nỗi hep nhà
Chén rượu câu thơ mừng tuổi thọ
Mua vui chung với bạn làng ta
(Ăn lễ cửu tuần trước năm 83 tuổi: Nguyễn Khoa Vi)

Hai nhà thơ còn làm thơ khuyên con cháu phải biết gìn giữ đạo gia phong" giấy rách giữ lấy lề" đừng làm điều gì hại đến thanh danh gia đình và xã hội:

_ Chớ ỷ giàu sang chớ thị quyền
Học hành con phải gắng cho chuyên
Hiếu trung hai chữ ngàn thu rạng
Sẵn tám gương soi đạo thanh hiền
                        (thơ Ưng Bình)

_Trót đã xông pha với lửa than
Nay đà rõ mặt giống da vàng
Hai vai trung hiếu con còn gánh
Một khối ân tình mẹ vẫn mang
            (thơ Nguyễn Khoa Vi)

II. Nét riêng:

1. Thơ trào phúng của Nguyễn Khoa Vi.

Đề tài chủ đề trong thơ Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi có điểm giống nhau, nhưng cách thể hiện có khác nhau. Ưng Bình chủ yếu là nhà thơ trữ tình (có lúc nhà thơ có chút châm biếm nhưng khuynh hướng chung trữ tình, xem thêm bài thơ "Con bướm bướm") (1). Nguyễn Khoa Vi có ít thơ trữ tình nhưng khuynh hướng chủ yếu là thơ trào phúng (2). Lựa chọn một bút pháp nào đó là do hoàn cảnh, tính cách, sở trường khiếu thẩm mỹ của người ấy tạo nên.

Bà Nguyễn Khoa Bội Lan - Ảnh: antgct.cand.com.vn

Bàn về phong cách của hai nhà thơ, Nguyễn Khoa Bội Lan, con nhà thơ Nguyễn Khoa Vi có giới thiệu cho chúng ta: "phong cách của bác Thúc Giạ và cha tôi khác nhau. Bác Thúc Giạ rất thông minh nhưng hơi hiền cả đời khong mất lòng ai, thơ ca của bác Thúc Giạ nhẹ nhàng tình tứ. cha tôi thì không thế. Lúc còn trẻ cha tôi hay nghịch, lớn tuổi vẫn còn nghịch (trang 123, Thơ Thảo Am, Sở Văn hoá Thông tin, năm 1991). Trong lời bình thơ Thảo Am, có đoạn nói nhà thơ có "bút pháp nghệ thuật khá độc đáo, hấp dẫn" "ý thơ ẩn hiện, bóng bẩy mập mờ, lúc nhẹ nhàng, lúc chua chát, sâu cay"(3) là ý muốn nhấn mạnh nghệ thuật trào phúng của nhả thơ.

Nghệ thuật trào phúng của Nguyễn Khoa Vi biểu hiện ở cách khai thác sử dụng các thể cách của thơ Đường, thơ thất ngôn, tứ tuyệt, thủ vì liên hoàn, thủ vị liên hoàn điệp dụng, song thanh điệp vận, yết hậu, nói lái, hạn chữ, hạn vần, độc vận, hài hước....tất cả đến 17 thể cách.

Nội dung châm biếm, trào phúng dưới nhiều góc độ khác nhau: một kẻ si tình, một nhân tình già, một ông quan lười biếng, một kẻ tham lam, một kẻ nịnh hót, "ngọng miệng xôi chùa, dở hoá ngon",một kẻ nham hiểm" mặt ngựa đầu trâu", có khi đã kích cả tên mật thám(4)" giả vờ làm am thơ Phật" để che mắt thiên hạ... Sau đây là một số cách thể hiện ngòi bút trào phúng của Nguyễn Khoa Vi:

Thơ yết hậu: Làm câm

Hay ăn thì hay đói
Hay nói lại hay lầm
Lỡ miệng không bưng kịp
Làm câm.

Thơ độc vận: Trách kẻ đa tình

Chạy chửa chai chân chẳng chịu chừa
Chín chìu chua chát chán chê chưa
Cha chài chú chóp chơi chung chạ
Chả chính chuyên chi chớ chực chờ


- Thơ nói lái: Trách vợ già hay ghen

Mơi tra chiều hỏi chuyện ma trơi
Trời đe ghen chi cứ trẻ đời
Cớ sự làm sao mà cứ sợ
Dời chưn không kịp đứng dừng chơi

_Thơ hạn vần: (hạn dấu huyền, sắc, nặng,hỏi)

Huyền diệu trông lên cửa đạo thiền
Sắc không khôn rõ thấu căn nguyên
Nặng nề nghiệp chướng e chưa hết
Hỏi mấy ai đà có thiện duyên

_Thơ hài hước: Cái quạt:

Mới nắm trăng ra đã thấy duyên
Hèn chi thiên hạ tốn đồng tiền
Trong cơn nóng nảy ai ai cũng
Thao thức không thời đố ngủ yên

Cái tài châm biếm của nhà thơ thể hiện ở chỗ nói mập mờ hai mặt nói về con vật nhưng ám chỉ thói xấu của một lớp người trong xã hội. Bài" Tâm tướng người xấu", thuộc loại thơ hạn vật mỗi câu có tên, hai con thú, là một bài thơ có giá trị châm biếm cao:

Tâm tính người xấu:

Ngồi nhăn răng khỉ chổng râu dê
Tưởng cóc hình mang ngó gớm ghê
Đã buộc cổ mèo treo cổ chó
Còn tham con diếc tiếc con trê
Miệng hùm gan thỏ người khinh bỉ
Mặt ngựa đầu trâu chúng nhạo chê
Vẻ rắn vẻ rồng khoe tốt đẹp
Lòng lang dạ hổ có ai dè

Qua một số dẫn chứng nói trên đã khẳng định được nghệ thuật thơ trào phúng tài tình của Nguyễn Khoa Vi

2. Tuồng của Ưng Bình.

Tuồng là một thể loại nghệ thuật phát triển cao dưới triều Nguyễn. Triều Nguyễn lập hẳn một cơ quan trong cung đình lo biểu diễn tuồng. Đào Tấn là nghệ sĩ xuất sắc về tuồng. Ưng Bình cũng có sở trường về tuồng, ông đã sáng tác hai vở tuồng có giá trị, đó là vở tuồng Lộ Địch và tuồng Tào Lao.

Tuồng Lộ Địch (Le cid) tác giả soạn dựa vào vở kịch Le cid của Corneille có cải biến ít nhiều về lớp lang nhân vật để phù hợp với tuồng hát Việt nam. Nội dung ca ngợi tình và hiếu của hai nhân vật Lộ Địch (Rodrigue) và Chi Manh (Chimène). Vở tuồng có ba hồi 16 màn đã được công diễn ở Huế trước Cách mạng tháng 8.

Tuồng Tào Lao. Nội dung vở tuồng viết về nhân vật Tào Lao đa tình hiếu sắc. Một hôm anh ta đến miếu Ba Tiêu bất ngờ gặp cô Dương Liễu xinh đẹp đang dâng hương ở miếu, anh ta đem lòng yêu mến. Anh ta bèn đóng giả vị thần linh ngồi ở miếu, truyền báo cho Dương Liễu sẽ kết hôn vơi Tào Lao.

Dương Liễu tin là sự thật, bèn theo Tào Lao về trình với cha mẹ Tào Lao. Lúc đến nhà thì Dương Liễu biến thành con cọp, cha mẹ Tào Lao rất sợ hãi. Quan sở tại biết được câu chuyện có vẻ ly kỳ đó, cho đoan do thám đến xem xét câu chuyện thực hư thế nào. Đoàn do thám bắt Tào Lao giải lên huyện đường để điều tra sự trạng. Giữa đường Tào Lao phát điên ca hát rộn ràng. Vừa vặn lúc bấy giờ, có xa giá của Hoàng phi (vợ Hoàng thái tử) trên đường về quê. Hoàng phi nghe lời ca tiếng hát có vẻ chân thành động lòng trắc ẩn, bèn truyền tha tội cho Tào Lao, lại còn cho vàng bạc nữa.

Tào Lao vui mừng hết điên, trở thành trạng thái bình thường, lương thiện. Vậy Hoàng phi là ai? Hoàng phi chính là Dương Liễu. Dương Liễu hoá thành cọp rồi hoá thành Hoàng phi, thật là biến hoá khôn lường.

Tuy câu chuyện có nhiều tình tiết biến hoá ly kỳ nhưng có nghĩa có tình, thuận theo lòng người, nên được xem là vở tuồng có giá trị.

Vở tuồng có 12 hồi, có nhiều làn điệu ca Huế quen thuộc.

Rõ ràng, hai nhà thơ Huế vừa có nét chung, nét riêng, mỗi người có một phong cách riêng. Ưng Bình thiên về trữ tình, tính trữ tình trong thơ Ưng Bình là nhất quán, âm hưởng nhẹ nhàng tình tứ. Nguyễn Khoa Vi vừa có trữ tình nhưng chủ yếu vẫn là trào phúng châm biếm. Trong thơ Nguyễn Khoa Vi có vận dụng nhiều thành ngữ tục ngữ. Hai nhà thơ là thành viên của Hương Bình thi xả (Ưng Bình làm chủ soái). Hai nhà thơ có mối quan hệ khắng khích thân mật thường xướng họa lẫn nhau. Có khi cả hai nhà thơ cùng sáng tác một bài (Núi Ngự không cây Sông Hương vắng khách). Hai nhà thơ đều khâm phục tài lẫn nhau. Ưng Bình có nhận xét về Nguyễn Khoa Vi qua bài: "Phẩm đề":

            "Khen rằng thị liệu đủ nghề
            Phong tao lắm vẻ hoạt kê cũng tài.

Nguyễn Khoa Vi trong bài "Văn tế sống Ưng Bình" đã nêu lên đức độ cuộc sống "thanh bạch" của Ưng Bình xứng đáng là con cháu của "Tuy Lý phủ gương xưa" một con người:

            "Làm thi ca đầy đủ tính tình
            Đặt tuồng văn rành rành tình điệu"

Ưng Bình và Nguyễn Khoa Vi là hai nhà thơ lớn, góp phần xứng đáng vào truyền thống văn hóa xứ Huế.

N.X.H
Tháng 4-2000
(139/09-00)


--------------------------------------
(1) Xem “Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Gịa Thị” của Tôn Nữ Hỉ Khương (NXB Văn gnhệ thành phố Hồ Chí Minh, bài "Mình yêu hoa nó cũng yêu hoa”, trang 32)
(2) Xem thêm bài "Nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Vi - Nguyễn Xuân Hòa trong sông Hương số 2 (45) tháng 3 năm 1991).
(3) Xem lời bình thơ Thảo Am (thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, Sở văn hóa Thông tin Huế, in năm 1991).
(4) Xem thơ Thảo Am - Nguyễn Khoa Vi, trang 89. Sách đã dẫn.



Các bài mới
Lên non (21/05/2010)
Tiếng gọi câm (20/05/2010)
Các bài đã đăng