Tạp chí Sông Hương - Số 140 (tháng 10)
Muốn có bản sắc trước hết phải hay
10:35 | 21/05/2010
NGUYỄN KHẮC THẠCHVấn đề bản sắc địa phương trên tạp chí văn nghệ tỉnh nhà chúng ta đã có dịp bàn bạc, trao đổi nhưng chưa ngã ngũ. Có lẽ trong trường lực báo chí, tờ văn nghệ vẫn là chỗ nhạy cảm nhất về phương diện văn hóa. Hẳn nhiên, trong địa hạt ấy, tờ văn nghệ cũng là nơi khả kiến nhất về phương diện nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra ở đây là bản sắc địa phương của tờ báo được xét theo phương diện nào? văn hóa hay nghệ thuật?
Muốn có bản sắc trước hết phải hay
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch - Ảnh tư liệu

Thực tế về mặt lý luận, trong bộ môn văn học so sánh, kể cả những ý kiến cực đoan nhất, cục bộ nhất, người ta cũng chỉ đề cập vấn đề ở qui mô dân tộc hoặc cấp độ quốc gia chứ chưa ai nói đến một nền văn hóa địa phương. Tôi cũng đã từng được dự hai cuộc hội thảo về những vấn đề văn học miền Trung, một của Hội Nhà văn, một của trường Đại học khoa học Huế nhưng cuối cùng vẫn thấy tù mù về cái gọi là văn học vùng hoặc văn học miền ấy. Theo tôi, mỗi quốc gia chỉ có một nền văn học và mỗi địa phương là một bộ phận của nền văn học ấy chứ không thể có những nền văn học "nội tỉnh". Chỗ khác nhau là mỗi vùng, mỗi địa phương, tùy "nết đất" của nó mà sinh ra nhiều hay ít những nhà văn. Nhà văn và những sáng tạo của họ đều không có biên giới. Chẳng lẽ những ý tưởng nghệ thuật, những tư duy tưởng tượng cũng phải đóng khung trong một phạm vi nào đó như những qui tắc quản lý hành chính.Càng không thể khu biệt rành rọt tài năng địa phương, tài năng quốc gia, tài năng quốc tế trong lĩnh vực văn chương. Nếu xét về yếu tố ngôn ngữ thì cũng không thể lấy tiếng địa phương dùng trong văn bản để làm thước đo bản sắc. Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Khi ngôn ngữ đã thành nghệ thuật thì cũng có nghĩa là nó đã được "xã hội hóa" về mặt thẫm mỹ. Ở đấy, nó đã lớn hơn xác chữ, lớn hơn chính nó và lớn hơn cả cái "địa phương tính" vốn có của nó.

Mỗi người viết khi đã thành tác giả thì nói chung, họ đều có giọng điệu hoặc phong cách riêng. Đấy là những giá trị cá nhân tồn tại biệt lập không thể đem cộng chùng lại thành "bản sắc" của cộng đồng. Dù in ở báo này hoặc mang sang báo kia, các giá trị ấy vẫn vẹn nguyên những đặc tính ban đầu của nó. Vậy nên các tạp chí địa phương không thể coi sự hiện diện các giá trị nghệ thuật riêng lẻ ấy trên bản báo là của riêng mình.

Về phương diện văn hóa, trên mỗi tờ báo, nó cũng có cái "ảo" và cái "thực". Ảo là cái trừu tượng, vô hình, cái làm nên "chất" của tờ báo. Thực là cái cụ thể, hữu hình, cái làm nên "tượng" của tờ báo. Đề tài văn hóa, lịch sử ở mỗi địa phương được khai thác như thế nào thì nó sẽ ảnh hưởng đến lượng của tờ báo như thế ấy. Lượng của báo chính là thông tin. Cách xử lý, ứng dụng những thông tin ấy mới là chết của báo. Chết lượng hoặc ảo thực về phương diện văn hóa đều có thẻ làm nên bản sắc cho mỗi tờ báo địa phương. Song, nếu quá lạm dụng đề tài văn hóa cho có bản sắc thì tờ tạp chí văn nghệ sẽ đi lệch tiêu chí của nó. Bất cứ tờ báo văn nghệ nào cũng phải lấy việc sáng tác làm rường cột. Phần nghiên cứu văn hóa chỉ có ý nghĩa "gia vị" trên "mâm cỗ" văn nghệ. Tính địa phương trên mỗi tờ báo trước hết là sự thể hiện một cách trung thành tôn chỉ mục đích của nó. Theo đó, tác giả và tác phẩm địa phương sẽ phải vừa là phương tiện vừa là mục đích của mỗi tờ báo. Nếu tờ văn nghệ địa phương mà không đăng tải tác phẩm của tác giả tại chỗ, không phản ảnh được diện mạo văn học tỉnh nhà thì nó không có lý do gì để tồn tại. Hơn thế nữa, bằng những lợi thế của mình, nó cũng có thể phát hiện; nâng đỡ và đào tạo những cây bút trẻ một cách thường xuyên, liên tục theo dòng chảy của đời sống văn học. Chỗ khác nhau mang màu sắc riêng ở mỗi vùng chính là nội lực của những chủ thể sáng tạo và hiệu ứng tham gia của nó đối với tờ báo. Tuy nhiên, nếu quá chú trọng tính địa phương đến mức cục bộ thì nó sẽ ra tờ báo tỉnh lẽ, vì trên thực tế, chưa có tỉnh nào đủ sức để làm một tạp chí văn học có tầm cỡ quốc gia mà chỉ dựa vào đội ngũ "cây nhà lá vườn". Đấy là chưa kể đến việc cần thiết mở rộng giao lưu, hòa nhập với thế giới bên ngoài theo nhu cầu "hướng ngoại" và qui luật phát triển của đời sống. Song, tỷ lệ dùng bài từ nơi khác trên các báo địa phương là bao nhiêu cho hợp lý thì vẫn còn là sự tùy tiện. Nhiều khi, không phải do ý muốn hoặc ý chí của tòa soạn mà nó còn phụ thuộc vào lượng bài vở tại chỗ. Tạp chí Sông Hương trước đây có thể tự lực được 50 đến 60% nhưng đến nay, do đội ngũ viết ngày một mỏng nên chỉ đáp ứng được 20 - 30%. Tất nhiên, cũng không phải bất cứ cái gì tác giả địa phương viết ra đều đăng được. Tờ báo tồn tại nhờ người viết nhưng sống lại phải nhờ người đọc. Vậy thì chọn bài in là chọn cho người đọc chứ không phải chọn cho người viết. Người đọc bao giờ cũng khách quan và khắt khe đòi hỏi nâng cao chất lượng tờ báo. Nhìn vào làng văn các tỉnh, ít nhất cũng thấy được hai hạng tác giả là viết hay và viết không hay. Hạng viết hay thì tác phẩm của họ gửi đi đâu cũng in được. Hạng còn lại, họ chỉ có một cửa duy nhất là "chơi trên sân nhà". Đấy là chỗ nan giải, dồn tờ báo vào thế "bỏ thì thương, vương thì tội". Chuyện thường ngày ở mỗi tòa soạn là đều phải chịu một áp lực "nể nang" và chấp nhận một liều lượng nào đó những trang viết có giá trị nghệ thuật thấp thua trình độ thẩm mỹ của công chúng. Mặc dù trong nghề làm báo, người ta đều thâý rằng, trong mỗi số, bài nào cũng hay cả là không nên nhưng khi bài không hay quá rậm rạp thì tờ báo sẽ dở, sẽ thành tờ lá cải. Nó sẽ không hề có và không hề mang một bản sắc nào hết.

Suy cho cùng, bản sắc một tờ báo cũng giống như cá tính của mỗi con người. Một con người không có cá tính chẳng khác gì một tờ báo không có bản sắc. Song, cá tính một con người có thể có cả cái hay lẫn cái dở còn bản sắc của một tờ báo thì nó chỉ hàm nghĩa cái hay mà thôi.

N.K.T
(140/10-00)



 

Các bài mới
Hương trăng (27/05/2010)
Các bài đã đăng