Tạp chí Sông Hương - Số 140 (tháng 10)
Rì rầm tiếng biển
10:22 | 24/05/2010
NGUYỄN NGỌC PHÚKhông ai biết tung tích lão Ngư. Nghe đồn rằng: một sớm nọ, ông bõ già của nhà thờ xứ làng vạn chài ra mở cửa thì nghe tiếng trẻ con khóc oa oa từ chiếc thúng đặt ở bậc tam cấp lên xuống của nhà thờ.
Rì rầm tiếng biển
Lão ngư - Ảnh: Internet
Đứa bé đỏ hỏn được bọc trong miếng tả lót làm bằng vải buồm, thứ vải được nhuộm rất nhiều lần nước củ nâu. Từ đó cha xứ cho ông bõ chăm sóc đứa bé. Những khi đói sửa đang khóc bằn bặt hễ nghe tiếng hát thánh ca của nhà thờ là nó im bặt mở đôi mắt tròn thao láo, hai vành tai nhỏ xíu giật giật, cái miệng chúm chím như đang bập vào một bầu vú vô hình nào đó trước mặt. Lên ba tuổi, thằng Ngư, tên đứa bé, được một gia đình ở xóm vạn chài hiếm con xin về nuôi và trở thành người nổi tiếng về duyên “sát cá”. Đánh cá cũng như đánh bạc. Ngoài thông thạo nghề biển còn có cái duyên, cái vận. Những người không có cái duyên ấy người ta gọi là Trâu bạc. Hễ Trâu bạc đi xuống thuyền ai là thuyền đó làm ăn không nên nỗi gì. Đánh lưới thì lưới rách. Thả neo thì neo rẽ. Rồi bão gió, gãy buồm, trật lái. Trăm sự cố đôi khi ngẫu nhiên đều gán cho Trâu bạc. Vì thế phần lớn các tên cá đều mang tên thú trên bờ, trên rừng như: cá voi, cá bò, sư tử biển (cá mập), cá chó (hải cẩu), cá chim, cá kiến, cá heo, cá chuồn, cá dơi, cá ó... nhưng tuyệt nhiên không có cá trâu.

Lão Ngư quanh năm đánh độc chiếc quần đùi may bằng vải buồm đi đứng sột soạt đóng từng lớp muối cứng queo. Những ngày đông lạnh buốt lão chống rét bằng nước mắm cốt nấu bằng mắm cá cơm sọc hay đầu cá thu. Cái thứ nước mắm chắt ra từ cái ống nứa gọi là lù cắm vào vại đứng mắm phơi nấu lên thơm nức, nước cứ sánh vàng óng ánh như mật ong chỉ rơi ra vài giọt cách hàng chục mét trong gió thoảng người ta đã biết. Lão Ngư có thể ngồi bất động hàng tiếng đồng hồ thu lu như một con thú rình mồi bên be thuyền trong cái rét như cắt da, cắt thịt để săn cá ngứa giữa mùa giêng hai. Cá tên là “ngứa” mà thịt thơm phức, béo ngậy như chim cu gáy trên đồng. Từ tấm thân cởi trần đỏ au của lão hơi nước mắm cốt bốc ra ở chân lông, kẽ tóc thành cái làn sương cũng có màu nâu sóng sánh tưởng có thể xắn ra từng miếng được. Nhưng hễ lão khoác chăn bông, áo ấm vào là nhức đầu, sổ mũi liền. Cái thú ăn của lão cũng khác. Suốt đời lão chỉ chén mỗi món gỏi cá; hễ ăn những thứ được đun sôi, nấu chín là cái dạ dày của lão sôi lên ùng ục. Lão thường hay chọn cá trích, cá lầm làm gỏi. Cá bao tử lại càng tốt, chữa được cả bệnh đau dạ dày. Đó là những con cá bé được lấy ra từ cái dạ dày của những con cá lớn còn dính đầy nhớt. Lưỡi dao thép của lão sắc ngọt mỏng như lá lúa khéo léo lách dọc thân cá còn anh ánh màu rỉ đồng được đem ướp với đủ thứ gia vị bóp tái với chanh bằng đôi bàn tay sứt sẹo có những ngón cước ăn sâu vào thành những vòng ngấn như chiếc nhẫn. Nhưng hễ bàn tay người khác nhúng vào gỏi cá của lão là bị rối loạn tiêu hóa liền. Còn uống, ngoài rượu, lão chỉ quen dùng cái nước khe “Hảo Hảo” chắt từ ruột đá núi Nam Giới do một thầy địa lý người Tàu tìm ra. Lão uống nước lạnh của khe nhưng hễ đem đun lên hay uống nước giếng là bị “tào tháo” đuổi ngay. Gia tài đi biển của lão gói gọn trong chiếc rương gỗ hình vuông trong đó chia ra nhiều ngăn, nhiều ô, lớp trên, lớp dưới như chiếc tủ của ông thầy đựng thuốc bắc. Ô đựng cước từ loại cước số 1 mảnh như sợi chỉ đến loại cước số 12 (đường kính 12mm) dùng để câu cá tạ trở lên. Ô đựng đủ thứ lưỡi câu to, nhỏ khác nhau, ô đựng các loại hòn chì, các loại rường câu và những chiếc ống câu được tiện từ những thân tre rỗng mà già ngả sang màu nâu bóng. Dù nhắm mắt lại hay trong đêm tối mò lão vẫn có thể lấy đúng ngư cụ mà mình cần dùng. Chiếc rương gỗ của lão không biết được đóng bằng gỗ gì mà vừa nhẹ có thể khoác bên người như chiếc tay nải màu chàm của người miền núi, vừa bền, không mối mọt không bị nước mặn ăn mòn. Gặp nước, gỗ nở ra khít lại các mối ngàm làm thành chiếc phao cứu sinh nổi bềnh bồng sẵn dây khoác vào vai người thì đố sóng đánh bật ra được. Khi cần đặt xuống thành chiếc ghế vuông chằn chặn ngồi câu thoải mái lại tiện lấy ngư cụ.

Lão sống một mình. Ngôi nhà nhỏ của lão giống như một bảo tàng thu gọn. Trên tường lão treo nhiều hiện vật lạ mắt mà chủ yếu là đồ của người chết. Là con “sói biển” kỳ cựu nhất của cửa lạch này lão Ngư còn có một cái nghề làm tự nguyện khác đó là khâm liệm xác những người chết biển. Chết biển tội lắm, chim tha, cá rỉa, dị dạng méo mó “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Có những cái xác chết trương phình lên to như con bò mộng. Khi lão cúi xuống khâm liệm, tự nhiên cái xác kêu lên một tiếng “ộc” làm cái bụng xẹp xuống, mũi thở phì phì, lông mày tóc tai dựng đứng cả lên trông phát khiếp. Họ chết oan đấy mà, lão bảo thế! Những đứa bé chết biển thường có bộ dạng giống nhau: chết ngồi, đầu cúi gục xuống hai đầu gối trông như cái bào thai, hai bàn tay nắm lấy cát. Khi có thuyền vớt được xác người chết dân làng bao giờ cũng nhờ lão. Họ bảo: lão mát tay lắm mà. Chỉ cần một chai rượu mạnh vừa uống vừa xát vào tay vào ngực cho ấm người là lão lo chu đáo từ việc tắm rửa bằng nước ngũ vị đến việc chải lại mái tóc cho những người đàn bà xấu số. Trên tường nhà lão treo lủng lẳng những đôi bàn tay, cẳng chân sọ dừa mà những lúc rỗi rãi khi biển động ở nhà lão tự đục, tự tiện lấy bằng thứ gỗ tạp xin được của dân đóng thuyền. Thường những người chết biển bị cá rỉa hay ngâm lâu ngày trong nước rữa ra không được nguyên vẹn. Thiếu bộ phận gì lão đều lắp ghép đầy đủ. Lão bảo: Cho họ sang bên kia đủ chân đủ tay để mà làm nghề, cái nghề nước mặn nó “muối” lắm. Nhà lão treo những chiếc ba- toong, cái áo dạ ba-đơ- xuy, chiếc mũ phớt chắc là của các ông chủ Tây từ hồi trước “cách mạng” được lão đưa tiễn về thế giới bên kia nhưng lão chưa bao giờ sử dụng “để ngắm thôi mà, nhưng đồ Tây nó tốt thật, chừng ấy năm rồi đố mà hỏng!” Đến thời đánh Pháp lão có thêm chiếc quần màu cứt ngựa có cái túi bắt gà to tướng của lính đồn đóng trên núi Nam Giới. Hồi chống Mỹ có chiếc tàu biệt kích bị mắc cạn ở hòn đá rùa ngoài mũi Lố. Bọn người nhái vội vàng bơi ra tàu lớn và điện cho máy bay ở hạm đội ngoài khơi thả bom đánh chìm. Lão Ngư nghe tin uống liền mấy tô nước mắm cốt xung phong lặn xuống tháo gỡ những thiết bị hiện đại trên tàu mặc cho bom nổ tứ phía dưới sự yểm trợ của bộ đội phòng không bờ biển. Chiến công của lão được đưa lên đài, báo. Nhưng rồi đùng một cái tất cả đều như muối bỏ biển. Chả là theo cái tật dã thành thói quen sau lần ấy lão giữ lại cho mình chiếc bật lửa mà khi bật nắp lên thì có hình một mụ đầm đứng ưỡn ngực và cái ngọn lửa ấy lại phát sáng từ chỗ kín đàn bà. Như thế là đồi trụy, không được! Rồi lão giấu một chiếc đài bé xíu như bao thuốc lá mà làn sóng chỉ nhảy được hai số. Một số mắt sóng thường để nghe thời tiết và tình hình tin tức trong nước. Số kia trúng vào cái kênh của đài BBC. Như thế là nghe đài địch tuyên truyền tâm lý chiến, tội này thì nặng thật. Lão bị đưa lên huyện xét hỏi. Dạo ấy, dân đồn lão là gián điệp nằm vùng, chả thế mà khi lặn xuống tàu, bom nổ tứ phía vẫn không bị xây xát gì, chả thế mà lão chỉ ở một mình để dễ hoạt động. Lạy trời, chẳng thà đánh đập tra khảo lão, lão chịu được, bắt lão đục đá, vá tường, lão chịu được. Nhưng giam lỏng lão trên bờ giữa ngày trời yên, biển lặng thì lão lồng lên như điên, như dại. Lão nhớ biển! Lão thèm cái món gỏi tươi sống, thèm cái nước khe “hảo hảo” uống đến tỉnh người. Lão ốm một trận thập tử, nhất sinh khi phải ăn chín, uống sôi, khi phải đắp cái chăn bông sặc mùi loong não, khi ngủ trên cái giường nệm của công an huyện, khi phải dùng nước giếng xây mà lão bảo: tanh mùi bùn đến lợm mửa, đếch chịu được! Chiến tranh càng ác liệt. Chúng thả thủy lôi dày đặc, ngày nào cũng có người chết biển trôi vào. Trên tường nhà lão lại có thêm chiếc mũ tai bèo, đôi ống nhòm. Rồi những trận thủy chiến xảy ra trên biển. Nhà lão lại có thêm chiếc áo rằn ri, chiếc đồng hồ dạ quang mặt màu hồng bốn kim nặng chình chịch đeo sái cả tay không thấm nước của bọn thủy quân lục chiến. Xác nào lão cũng làm chu đáo không kể phe ta hay phe địch. Thôi thì “nghĩa tử là nghĩa tận” “sống khôn, thác thiêng”, lạy người ba lạy, phù hộ cho dân biển làm ăn may mắn, đừng có chiến tranh liên miên là được rồi. Sống là người còn chết thành “ngài” cả thôi.

Bạn thân của lão là con cá heo sứt mép đã cứu lão thoát chết trong một trận bão. Theo cái lệ đã thành quen những khi thuyền lão được cá bao giờ lão cũng lấy cái tù và làm bằng vỏ ốc thổi “oa oa” trong gió. Con cá heo có tật này ít khí săn được mồi nổi lên bên be thuyền và được lão đổ vào miệng từng bát cá con. Bởi lão Ngư là tay tài công kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm dân gian đánh bắt cá nên những ngư phủ trên thuyền phải chiều theo ý lão. Những lần “tháo gió” lão đã trổ hết tài của mình khéo léo đưa thuyền vào cửa lạch. Lão bảo: “Những nạm gió chìa, vôi ấy thấm gì?”. Nhưng cứ giữ mãi cái thói quen cho cá heo ăn mồi ấy đám ngư phủ nhiều khi cũng xót ruột. Những tiếng rì rầm bàn tán, những ánh mắt lấm lét liếc ngang liếc dọc. Lão không để ý. Những tiếng bấc, tiếng chì nói nhau nặng nhẹ trong thuyền, lão không thèm chấp. Một hôm, sau khi cho lão uống rượu say nằm mê mệt trên bánh lái con thuyền, một người trong đám ngư phủ lấy tù và rúc lên. Con cá heo quẫy đuôi bơi lượn quanh thuyền mấy vòng. Hình như nó cũng nhận ra điều gì khác thường. Nhưng vì đói mồi nó vội há miệng ra thì một bát vôi to tướng rót vào cổ họng nó. Nước biển sôi lên ùng ục. Con cá heo rú lên mấy tiếng ghê rợn và bị bỏng nặng. Lão Ngư tỉnh rươụ chồm dậy hất cái con người độc ác đó xuống biển. Sau, mọi người can ngăn mãi lão mới cho vớt lên và đuổi thẳng lên bờ. “Biển không dung nạp loại người ấy”. Cho nó đi biển trước sau gì rồi thuyền cũng bị nạn. Lão bảo thế! Từ đó dù lão có khản cổ gọi tù và con cá heo không bao giờ xuất hiện nữa. Bấy giờ bạn của lão còn lại là một ông già đóng quan tài trong làng. Lão bảo:

- Nhìn cái gió này, mây này, trăng tán này là sắp mùa bão đấy, ông chuẩn bị gỗ đi là vừa. Chiều dài thì cứ ước lượng gần giống nhau, còn chiều ngang phải đóng cái to, cái nhỏ vì có nhiều xác ngâm nước trương phình lên.

Nhiều lần hai ông lão bần thần ngồi uống rượu vừa ngắm đám trai làng lực lượng như đang đo đếm tính toán gì đấy. “Lại sắp có gió nhà chắt Bảy rồi”. Cái đận ấy vào dịp này nhà “chắt Bảy” bị trúng gió chết cả thuyền. Một mình lão xắn tay lo liệu, vì vậy đám trai làng thường đến hỏi lão cái lịch thời tiết đặc biệt chỉ có lão mới biết. Cái lịch được lập ra bằng các ngày giỗ trong làng.

Không biết lão Ngư có của cải gì. Họ đồn lão có nhiều vàng lắm, vàng của những người chết biển. Nhưng chắc chắn là lão có của vì thuyền lão bao giờ cũng gặp may. Hôm ấy lão đang uống rượu với gỏi cùng ông già đóng quan tài thì nghe tin ngoài mũi Gò đang chuẩn bị xả thịt một con cá heo để bán cho dân câu cá mập. Lão vội sấp ngửa chạy ra. Trời ơi, con cá heo sứt mép của lão. Lão rẽ đám đông bước vào. Tiếng bàn tán thì thầm sau lưng lão. Mấy tay buôn cá vôi nâng giá bán khi biết con cá heo ấy là người bạn thân thiết của lão. Giá được tăng vùn vụt. Lão Ngư lấy cái túi da cá mập ném xuống trước mặt mấy gã buôn cá: “Gia tài của tao chỉ có chừng ấy. Chúng mày để lại con cá cho tao, còn tất cả của cải trong cái túi này cho chúng mày tất!”

Lão đổ ra, mọi người trố mắt nhìn những lá vàng nhãn hiệu “Kim Thanh” lóe lên trong ánh nắng chiều vàng vọt, tuyệt nhiên không thấy bất cứ một vật trang sức nào của con người như vòng vàng, dây chuyền, nhẫn vàng. Chưa bao giờ ông lão đóng quan tài lại đóng một chiếc hòm to và kỳ công đến thế. Ông biếu không cho lão chôn con cá ở chân núi Nam Giới.


Tôi là người làm công tác bảo tàng. Khi đi tìm hiện vật, nghe tin, đến xóm vạn chài thì lão Ngư đã thành người thiên cổ. Khi lão mất, ông già đóng quan tài chôn lão Ngư bên cạnh mộ con cá. Trên ngôi mộ của lão có tấm bia đá hình cây thánh giá. Nghe nói trong cơn hấp hối, mặc dầu lão là người ngoại đạo, nhưng mọi người trong làng lại được nghe ngắt quãng nhưng rõ ràng lão đang đọc kinh. Đây là lần đầu tiên trong đời lão đọc bài kinh bổn mà không biết lão đã học bao giờ với hai tiếng: A- men sau cùng nhòa đi trong nước mắt của mọi người.

Khi tôi đến thăm mộ lão Ngư thì thật là kỳ lạ: Những cây hoa muống biển bên mộ con cá heo vắt ngang quấn lấy cây thánh giá trên mộ lão nở hoa rực rỡ. Bên những chùm hoa tím bỗng ánh lên một bông hoa đỏ như máu, và tôi nghe đâu đây tiếng người đọc kinh rì rầm trong tiếng đất, tiếng biển...

Hà Tĩnh tháng 10/ 1999
N.N.P
(140/10-00)




Các bài mới
Hương trăng (27/05/2010)
Các bài đã đăng
Ngày mai (24/05/2010)