Tạp chí Sông Hương - Số 140 (tháng 10)
Khoảng cách còn lại
15:13 | 25/05/2010
TRẦN CHINH VŨTầu về đến ga vào lúc ba giờ sáng. Anh như người chợt tỉnh sau một giấc ngủ chập chờn. Suốt ba mươi tiếng đồng hồ ngồi ròng rã trên tàu, trong một khoảng không gian dài hẹp, cùng với mọi tiếng động ầm ĩ.
Khoảng cách còn lại
Minh họa: Ngô Lan Hương

Rời khỏi toa tầu cảm giác thật nhẹ nhàng. Bầu trời nửa đêm về sáng, bềnh bệch mầu ánh trăng cuối tháng, như nước da người ốm. Gió từ biển thổi vào, làm hàng điệp vàng trước nhà ga, lay đưa nhè nhẹ. Đang mùa điệp nở, mầu hoa vàng rực nhìn vào ấm mắt và với anh lại vô cùng quen thuộc. Từ lần đầu tiên đặt chân xuống sân ga này, anh trở nên người yêu thích mầu vàng của mỗi mùa điệp nở. Anh đã nói lại với Ngà ý nghĩa của mình. Chị cười:

- Vì anh hay đến Nha Trang vào dịp tháng năm.

- Nói cho đúng hơn. Anh nói chữa lại, mỗi lần vào anh thường phải ngồi chờ em ở dãy ghế bên hàng điệp này.

- Anh đã thấy mệt rồi sao? Ngà hỏi lại với giọng trêu chọc.

- Thực ra không còn cảm nhận được điều ấy nữa, vì tình ý đã xuất hiện.

Ngà cười, giọng chị reo reo như cách nói đếm:

- Chán...! Không chán...!

Cứ như thể Ngà đang bứt từng cánh hoa ném xuống, để xem chuyện dừng ở cách nào. Lần này cũng vậy, anh phải ngồi chờ đây đến sáng. Ngà chẳng thể ra đón anh vào giờ này được “Nhà chỉ có hai mẹ con gái, nửa đêm dậy dắt xe đi, hàng xóm sẽ nghĩ gì. Ở thành phố Nha Trang chứ đâu phải ở thủ đô Hà Nội”. Điều này thì Ngà nói đúng.

Nhớ lần đầu tiên anh đến nhà Ngà, một căn hộ nhà cấp bốn ở cuối đường Võ Thị Sáu. Chỉ sau một lúc đã có mấy bà ở cùng dãy, sang hỏi han hay mượn một cái gì đấy, để quan sát anh “Cũng là để đánh giá, xem xét nữa. Một đôi tình nhân già mà còn bị xét nét đến vậy”. Một ý nghĩ vui vẻ với họ. Còn Ngà thì nói:

- Cũng dễ hiểu thôi. Sau bao nhiêu năm, đây là lần đầu tiên, họ thấy em đưa một người đàn ông lạ về nhà.

- Cũng may là anh còn có đươc một cái bản mặt tử tế, để bà chủ nhà khỏi bị xì xào.

Anh nói đùa thêm với Ngà.

Chiếc kim đồng hồ đã nhích thêm được ít phút. Anh móc túi lấy ra một điếu thuốc châm lửa. Khói thuốc lẫn ngay vào màu trăng bàng bạc. Anh chợt nhớ cái mầu sương tháng mười lúc còn ở quê nhà. Một thời thơ ấu xa xôi, nhiều lúc ngỡ không còn thuộc phần đời của anh nữa. Sương trắng lốp như tơ nhện quấn trên các gốc rạ. Từ bấy đến nay anh đã đi bao nơi, cuộc đời cũng đã chịu thêm bao nỗi thất bát. Anh cũng đã sắp trở thành một người già, tuổi đã đi qua nửa của cái thập kỷ “tri thiên mệnh” rồi. Vậy mà cuộc đời vẫn chấp chênh như còn ở cái tuổi ngoài ba mươi.

Sân ga vắng trở lại, đám khách vội vã ồn ào nhất đã đi khỏi, mấy anh xe ôm, xích lô lại túm vào chỗ để chuyện gẫu, hoặc ngủ gà gật trên xe để chờ khách chuyến sau. Anh chẳng muốn vào ngồi trong phòng đợi, dù nhìn vẫn còn thấy có ghế trống. Dù là ngày hay đêm, ở đấy lúc nào cũng nồng nặc hơi người và tiếng trò chuyện rì rầm chẳng lúc nào ngớt như mưa giọt tranh rất khó chịu. Cũng chẳng thiếu những kẻ lang thang cơ nhỡ, tìm vào để kiếm một chỗ ngả lưng, với mọi hành trang bám bụi của họ. Thành phố này đối với anh vừa quen lại vừa lạ, chẳng cứ lần này anh mới có cảm giác thế. Chỉ còn cái mặn mòi lẫn trong gió biển là anh thấy thân thuôc. Ngà cũng cảm nhận được điều suy nghĩ ấy ở trong anh. Một lần chị nói:

- Cuộc tình của chúng mình cũng đã gần được hai năm rồi. Anh cũng đã phải qua hàng chục hành trình. Em hiểu được sự mệt mỏi của anh. Cần phải kiên nhẫn thêm chút nữa. Vấn đề là ở đứa con gái của Ngà. Trước kia cô gái thường giục giã mẹ:

- Chẳng ai có thể sống mãi một mình được.

Lúc ấy Ngà còn hoàn toàn chưa nghĩ đến chuyện xây dựng lại.

- Vẫn có con ở bên mẹ đấy chứ.

- Rồi con sẽ lấy chồng.

- Mẹ sẽ sống với vợ chồng con.

- Già trẻ gì, mỗi con người cũng phải có cuộc sống riêng đấy mẹ ạ.

Nhưng khi anh xuất hiện trong cuộc sống tình cảm của Ngà, chính cô lại là người phản bác lại điều mẹ mong muốn. Chẳng những chỉ dửng dưng, mà còn hoàn toàn lạnh nhạt với chuyện của mẹ.

- Chẳng nhẽ con không phải là người đã gợi chuyện đó trước với mẹ hay sao.

- Đúng là con đã làm chuyện đó.

- Vì sao bây giờ con lại không thích nữa?

- Nhưng con làm sao ngăn được chân đi của mẹ.

- Con phải nói rõ ràng ra. Hay bác ấy là mẫu người con không thích.

Cô gái không trả lời mẹ.

Anh đã chạm mặt cô gái một hai lần, người gầy mảnh, nhẹ cân ăn nói sắc sảo, nhưng khó tính. Trong buổi gặp đầu hình như anh có nói về bóng đá, vì biết cô gái là dân ghiền, nói cả chuyện thời trang nữa. Có điều gì làm mếch lòng cô gái trong hai đề tài đó. Anh cũng chẳng thể biết được. Sau đó Ngà viết thư ra cho anh

“... Ngay em là mẹ nó mà cũng chẳng thể hiểu được hành động của nó. Có dồn mãi, nó cũng có được câu trả lời: Mẹ cứ ra ngoài Hà Nội ở với bác ấy đi. Con cũng đã lớn, đã có việc làm, con ở một mình trong này cũng được. Đã nuôi nó từng ấy năm, phút chốc bỏ nó sao được. Cần phải biết chờ. Em muốn anh nghĩ như em đã nghĩ. Rồi chúng ta sẽ vượt qua được”.

Những ngày chờ câm lặng, một tín hiệu dù nhỏ cũng chưa thấy lóe sáng ở phía trước. Anh tìm đến chiếc ghế đá vẫn ngồi mỗi lần xuống ga ngồi chờ. Bao nhiêu lần rồi, cũng chẳng nhớ nữa. Cả dãy ghế bỏ không. Đêm về sáng nhiều gió, chẳng ai muốn ngồi chờ ở ngoài này. Hàng điệp vàng đang nở rộ hoa, mầu nhìn ấm lên nhờ ánh sáng từ mấy ngọn đèn trên nóc ga hắt xuống. Anh nhận ra được mầu lá điệp ngai ngái đang mỗi lúc tan tỏa quanh anh. Ngoài đường vắng hẳn, họa hoằn mới có người qua lại. Anh nhớ ra ở Hà Nội, anh cũng thường bật thức vào giờ này. Điều ấy mới xảy ra với anh, trong một hai năm gần đây thôi. Đã đến lúc anh cảm nhận được hết cái sự trống trếnh của nửa phía giường không có người nằm, ngay cả trong trạng thái còn đang ngủ, ngỡ như nửa phía giường đang xốp lên, trở thành một vùng không khí loãng, để mỗi lúc tay anh chạm tới đấy, thấy lạnh toát và một cảm giác mong manh, sợ hãi. Thế là anh hoàn toàn tỉnh hẳn. Một nỗi buồn sâu lắng, đã hàng chục năm rồi, chiếc giường không có hơi hướng phụ nữ, thức giấc đêm hôm vẫn chỉ là mình đối diện với mình.


Đã bao đêm anh đứng trên bao lơn nhìn xuống. Con đường Nguyễn Trãi vắng tanh, những cây xà cừ đổ bóng đen thẫm xuống mặt đường. Một thứ ánh sáng nhòa nhạt của mấy ngọn đèn đường chiếu sáng. Còn cả một hai con chó hoang đi lang thang trong đêm. Mùi hoa mộc, hoa nhài xông lên ngan ngát từ mấy chậu cây anh đặt ngoài hàng hiên, trộn lẫn trong đó cả mùi lá tươi của giậu tầm xuân của ngôi nhà trước mặt. Về tháng hai hoa tầm xuân nở chíu chít mắt nhìn. Anh nhớ đến câu ca dao cũ “Nụ tầm cuân nở ra xanh biếc. Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay...” Ngỡ rằng câu ca dao đã chết lâu rồi, nhưng thời buổi sống bây giờ, nhiều người đàn bà đã bỏ chồng để đi với người khác. Câu ca dao vì vậy vẫn còn đứng đó, trong trái tim những đàn ông bị hắt hủi. Ông chủ ngôi nhà ấy cũng vậy, để vợ đi xuất khẩu ở Đức, người đàn bà đã tìm cách ở lại rồi lấy luôn người chồng khác. Một người đàn bà khác đã đến với ông, nhưng cứ mỗi lần hai người định về chung sống với nhau, đứa con trai mười bốn tuổi của ông, lại trốn vào phòng của nó, khóc rấm rứt với tấm ảnh của người mẹ còn lại. Ông lại mềm lòng, chẳng thể tiến hành được ý muốn của mình. Ông tâm sự:

“Đành phải chờ nó lớn thêm lên chút nữa. Rồi nó sẽ nhận ra. Có đến với nhau cũng chỉ cốt có bầu có bạn lúc về già, chứ đâu có tính chuyện nẩy nở, sinh sôi gì thêm nữa”.

Câu chuyện của họ cũng đã kéo dài hai ba năm nay rồi, Ngà cũng đã nghe anh kể lại chuyện này. Chị nói với anh:

- Chúng mình cũng phải biết chờ như họ. Sự chờ đợi cũng có mặt tích cực của nó, làm chín thêm những tình cảm đang có trong nhau.

- Nhưng nó lại không hợp với chúng ta, những người sắp bước vào tuổi già.

- Em hiểu.

Giọng Ngà trầm xuống. Anh thông cảm được với mọi điều chị đang nghĩ, nhưng sự chờ ấy đơn vị nó là tháng hay là năm. Cơ số nó là một hay nhiều nữa. Nhưng anh không để chị nhận ra nỗi buồn ấy của mình.

- Mười mấy năm nay nó đã quen vịn vào vai em để bước, muốn nhắc ra để nó đi một mình, cũng phải từ từ và có thời gian thích hợp.

Cuộc tình của anh và Ngà có được hết sức ngẫu nhiên, ngỡ như mọi việc do chúa sắp đặt. Một truyện ngắn của anh viết, in trên tờ báo văn nghệ thành phố. Truyện đơn giản, kể về cuộc sống cô đơn của một người đàn ông lớn tuổi. Những ngày dài không nghe được một tiếng gõ cửa, những đêm không ngủ chỉ đối diện với chính mình. Truyện được in lại vào tập “Những truyện ngắn hay trong năm” của một nhà xuất bản, rồi nó lại được tái hiện trên một tờ tuần báo, có chỉ số phát hành rất lớn, cùng với vài dòng xam bô độc đáo của người biên tập nó. Ít lâu sau anh nhận được lá thư, được chuyển qua tòa báo, để đến được với anh. Chị bộc lộ tâm trạng của mình.

“... Đã có nhiều ngày, cùng lúc tôi mở cả ti vi, cát sét, để chẳng nghe gì, chẳng xem gì. Chỉ lấy cái ồn ào vô nghĩa, để che lấp sự trống trải đích thực. Nếu như Chúa là có thật, tôi sẽ túm lấy Chúa để hỏi cho bằng được, tôi cũng là con người, vậy cái phần nhỏ hạnh phúc của tôi đâu...”.Những con chữ của chị đã đốt cháy tâm can anh và anh hiểu, trong cuộc sống lúc này, nỗi cô đơn chẳng của riêng ai.

Buổi gặp lần đầu của hai người vào một ngày cuối năm rất rét. Chị ghé vào Hà Nội trên đường ra quê ăn tết với mẹ, còn anh đang đuối sức trong căn hộ quá rộng của mình. Anh ngạc nhiên về người đàn bà, đã ở cái độ tuổi ngoài bốn mươi, mà còn giữ được gương mặt quá trẻ như vậy. Một thân hình thon thả, trong bộ comlê màu trắng ngà. cùng chiếc khăn màu quàng cổ có sọc kẻ. Chị đã ở lại với anh một ngày, một đêm. Anh vẫn còn giữ cho mình đến lúc này, cái cảm giác bàng hoàng sung sướng của ngày cuối năm đó. Trời đang nắng nóng bắt gặp cơn mưa rào tháng ba. Hạnh phúc đã tìm lại được, dù đã muộn mằn.

Ngỡ như mọi việc sẽ được thông đồng bén giọt, chị có gan để túm được áo Chúa, nếu Chúa là hiện hữu, để hỏi cái phần nhỏ hạnh phúc của mình ở đâu, nhưng lại không đủ dứt khoát, để nhắc được cái bàn tay của con, bao năm quen vịn trên vai mình để nói “Đã đến lúc con phải đi một mình”.

Hình như lại sắp có chuyện tàu đến. Vào hay ra cũng chẳng biết nữa, mấy anh xích lô đang ngủ gà gật chợt bừng tỉnh, cùng mấy anh xe ôm xô đến, bu lấy chiếc cửa ra vào của ga. Trong phòng đợi cũng trở nên nhốn nháo. Cảnh tàu bè ban đêm giống như cảnh chợ chiều. Anh nhìn đồng hồ, còn mấy phút nữa là đến bốn giờ sáng. Lúc này Ngà cũng chưa dậy, trong căn phòng của chị nằm, đầy ắp gió biển từ buổi chiều, trộn lẫn trong đó cả mùi nước mắm của một xí nghiệp chế biến thuỷ sản ở phía sau đấy.

Anh cũng đến ở căn phòng này cả tuần, khi con bé về chơi với họ hàng ở Phú Yên. Bữa ăn nào cũng có hai người, điều cả hàng chục năm rồi anh không có, những đêm ngủ lại có người đàn bà ở bên, không có cái cảm giác trống ở bên mình nữa và bàn tay anh, lúc nào cũng có thể chạm tới làn da thịt mềm mại, ấm nóng của chị, rồi kéo ôm chị vào lòng.

Những người đàn bà hàng xóm lại không ngừng sang thăm nom anh. Cũng là một sự vui vẻ.

- Họ đánh giá anh thế nào nhỉ. Anh hỏi chị. Nặng hay nhẹ đây.

Ngà cũng nói đùa lại:

- Bảy chục ký là cái chắc. Mông vai đều nạc.

Anh đã có được những ngày vui hiếm có và hài hước nói về mình “Kẻ đến đánh cắp tình yêu của con cái” Rồi đến lúc con bé cũng trở về. Anh rời đó trước mấy giờ, trở lại nhà nghỉ và có cái ngơ ngác của một kẻ vừa bị ai thò túi lấy đi mất cái vật thân thiết của mình. Ngà hiểu được điều ấy. Anh cảm nhận được sự thông cảm của chị, nên nói lại để Ngà yên lòng:

- Chẳng sao đâu, mình hát lại điệp khúc vậy.

Nhà nghỉ anh đến, gần với cơ quan của Ngà, nên ngày nào chị cũng rẽ vào được một hai lần, thường là một giờ, cũng có lúc ở được lâu hơn. Anh đã nói vui “Cái điệp khúc này hát mãi không chán”.

Sân ga lại ồn ào lên rồi, tầu ra chứ không phải tàu vào, chẳng hy vọng có thể tìm được gương mặt nào quen, trong đám hành khách này. Bầu trời nhìn lên đã rạng hơn. Chẳng mấy nỗi mà sáng. Anh xách túi đứng dậy, mấy anh xe ôm nhìn thấy xô tới, anh vội giơ tay cản họ, rồi bước đến cái quán cà phê ở vỉa hè. Hình như cái quán này cả đêm không ngủ lúc nào cũng thấy có hai ba người khách ngồi.

- Chú uống nâu hay đen đây?

Bà chủ quán hỏi.

- Đen đá bà ạ, bà cho nhiều đá vào. Hình như bà chủ quán đang có câu chuyện dở với khách nên có người hỏi:

- Rồi sao nữa hở bà?

- Còn sao nữa. - Vừa đặt cốc nước trước mặt anh, bà vừa trả lời. - Nó bê cô ấy lên rồi ném bịch xuống giường, như ném xuống một cái khăn hay một cái gối. Tội nghiệp cho cô ấy, người chỉ một tay xách nặng, còn nó to như một con trâu mộng, mà phải đâu chỉ là lần đầu.

- Sao không nhờ chính quyền can thiệp.

- Cũng đã gọi ra phường vài lần rồi đấy. Viết giấy cam đoan không được tái phạm rồi cho về. Như chuyện bắt cóc bỏ đĩa ấy mà.

- Còn hàng xóm?

Bà lão chép miệng:

- Cuộc sống bây giờ ai nấy phải lo làm ăn, thì giờ đâu nhiều để quan tâm tới chuyện của người khác. Hơn nữa việc nó xảy ra như cơm bữa.

- Sao không đem ra tòa bỏ quách nó đi.

- Đành là thế, nhưng có phải miếng thịt đâu mà lấy dao xẻo ngay đi được. Cũng phải năm lần bảy lượt tới tòa án, lại còn phải có tiền nữa. Ai ngồi xử không cho bây giờ. Lần này khéo không thoát được mất, những nửa chai thuốc sâu vào ruột cơ mà.

- Có đưa được cấp cứu ngay không hở bà?

- Cũng phải sau đấy hai ba giờ mọi người mới biết.

Anh đã hiểu được câu chuyện, cũng chẳng phải lần đầu anh được nghe một câu chuyện như thế, mà chỉ ở đây mới xảy ra. Hạnh phúc là cái gì mà làm con người khốn khó đến vậy, nó ở trong tầm tay với của bất kỳ ai. Nhiều người tìm mọi cách để đến thì chưa có được, kẻ đang có trong tay lại ném bịch xuống như ném đi một cái chăn hay một cái gối. Hẳn là gã đàn ông ấy, chưa bao giờ biết tới nửa chiếc giường bỏ trống đêm đêm, không khí ở đấy nó xốp lên như một vùng không khí loãng, nỗi mong manh run sợ và mỗi cuộc đi tìm của anh, phải trải qua hàng ngàn cây số, cùng những tiếng đồng hồ ngồi chờ sáng ở cái sân ga xa lạ này. Anh lại nhớ đến cái rặng hoa tầm xuân của ông bạn cùng phố. Cũng đã hai ba năm rồi, họ vẫn cứ lẽo đẽo ở hai đầu, tìm cách lấn từng chút một,. để được gần nhau và anh sẽ cứ hát điệp khúc này đến bao giờ.

Bà chủ quán lại nói:

- Cái thời của chúng tôi, vợ chồng sống với nhau êm thấm lắm. Làm gì có thời gian nhiều để tìm hiểu, chủ yếu là sự xếp đặt của bố mẹ, nhiều đôi còn chẳng có đăng ký nữa chỉ có họ hàng biết, vậy mà đũa cứ đủ đôi cho đến hết đời. Cốt lõi là ở cái khác kia. Còn hai đứa này đi đến nát ngõ nhà nhau rồi mới cưới đấy chứ.

Anh xin bà bán quán một chén nước để tráng miệng. Một nỗi đau nhiều người còn chưa được nhận ra, đàn ông hay đàn bà cũng vậy, làm sao có thể sống nổi một mình, một khi đã chấp chới bước vào cái tuổi già. Con cái cũng chẳng thể chăm nom đầy đủ cho bố mẹ được. Người già có một khoảng trống rất lớn trong mỗi ngày sống cần được bù đắp, không thể chỉ bằng vật chất mà được.

Trước hôm vào đây ông tổ trưởng dân phố, đã đưa cho anh số điện thoại của nhà ông ta.

- Nhớ kỹ vào trong đầu ấy, có làm sao thì gọi cho biết để còn kịp đến, kẻo chết thối trong nhà mà mọi người vẫn chẳng biết đâu.

Chuyện đó cũng đã xảy ra trong phường của anh rồi. Ngay hồi đầu năm. Đăng cũng ở lứa tuổi anh. Thời đánh Mỹ đi Thanh niên Xung phong rồi về. Chẳng hiểu được nghỉ theo chế độ gì, mỗi tháng chỉ được lĩnh tám mươi ngàn thôi. Phường cũng tìm cách trợ cấp cho Đăng hàng quí, nhưng cũng có vài lần Đăng không nhận “Tôi còn đủ chân tay sẽ làm thêm được”. Nhưng suốt ngày cũng chỉ thấy Đăng ở nhà, họa hoằn mới thấy đi ra ngoài một lúc. Người nhìn ngày mỗi gầy đi, gương mặt thêm nhàu nát. Cũng có lần anh nói với Đăng “Phường giúp cho thì cứ nhận đi chứ”, nhưng Đăng lắc đầu “Lúc chiến tranh đem cái thân vào chiến trường còn chả tiếc, sao bây giờ lại làm cái gánh nặng cho nhà nước được”.

Đăng không có vợ con đã đành, ngay họ hàng cũng chẳng ai đến thăm. Quê thì mãi đâu tận miền Trung. Đôi lần có vài người trong tổ hưu trí đến thăm. Tết vừa rồi, cứ thấy cửa nhà Đăng đóng im ỉm, mọi người lại ngỡ không khéo tết này Đăng về thăm quê. Hơn nữa trong cuộc sống thường nhật, Đăng cũng chẳng nhờ vả, vay mượn ai, cũng không lân la tới một nhà ai, nên mọi người không để ý đến. Cho đến lúc phát hiện thấy mùi thối từ nhà Đăng xông ra, mọi người mới phá cửa để vào. Ra Đăng đã chết tự lúc nào, cũng không ai nghe nói tới hay nhìn thấy Đăng bị ốm nữa. “Một kết cục quá buồn”. Mấy đêm liền anh chẳng sao ngủ được. Hình ảnh một người đàn ông gầy gò, suốt ngày nín lặng, cho đến lúc chết, đôi mắt còn mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, đã trở thành sự đay nghiến đối với anh.

Trời đã sáng hẳn rồi, cuộc sống đường phố bắt đầu thức dậy với mọi tiếng động quen thuộc và những tiếng rao hàng. Vậy là anh đã thức trọn ba giờ đồng hồ trên cái sân ga này. Rặng điệp vàng, những gương mặt lạ và câu chuyện kể của bà bán quán. Đâu phải lần này đã là lần chót, còn cả nhịp điệu quen thuộc trong những ngày ở lại với thành phố này. Chỉ lát nữa thôi Ngà sẽ đưa anh đến nhà nghỉ Hòa Bình ở đường Trần Quí Cáp, mọi cô nhân viên ở đấy đều đã thuộc mặt anh, rồi mỗi ngày Ngà tạt qua đấy một hai giờ. Vẫn những bữa cơm bụi và đêm nối đêm trên cái giường ngủ vẫn chỉ có một mình, cho đến lúc trở lại sân ga này, mua vé tàu quay ra Hà Nội. Một cảm giác thấm mệt và buồn nữa. Anh rút một điếu thuốc ra châm lửa, vừa lúc Ngà đi xe đến. Ngà thật trẻ trung trong tấm áo sơ mi mầu xanh da trời.

- Anh có tìm được chỗ chợp mắt lấy ít phút không?

- Anh không muốn ngủ.

- Con bé nó cũng đoán biết là anh vào đấy. Nó chỉ nói một câu hóm hỉnh “Chắc là có người hẹn gặp mẹ sớm ở ngoài ga”

- Em nói lại thế nào?

- Chỉ cười thôi. Cái gì cũng vậy, có đi rồi khắc đến.

Hai người lên xe rồi lẫn nhanh trong cái dòng chẩy náo nhiệt của một ngày mới bắt đầu. Nỗi buồn vừa nãy chớm hiện ở trong anh, đã nhanh chóng tan biến đi, khi vòng tay Ngà ngồi sau quàng qua eo lưng anh, mỗi lúc thêm chặt và ấm nóng.

T.C.V
(140/10-00)





 

Các bài mới
Hương trăng (27/05/2010)
Các bài đã đăng
Ngày mai (24/05/2010)