Tạp chí Sông Hương - Số 140 (tháng 10)
Hương trăng
09:26 | 27/05/2010
NGUYỄN CẨM HƯƠNGCâu chuyện tôi sắp kể đây, có thể nhiều người không tin. Nhưng không tin thì thôi tôi cũng chẳng ép. Bởi vì nó cũng khó tin như chuyện cổ tích.
Hương trăng
Minh họa: Ngô Lan Hương

Ngày ấy khi tôi mới chỉ là cậu bé bảy, tám tuổi, do chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ tràn ra Miền Bắc, tôi bị gửi về quê ngoại vừa là sơ tán, vừa để bố mẹ tôi rảnh rang công tác nơi thành phố.

Ông bà ngoại tôi đã mất nhưng các cậu dì, chú bác tôi thì còn đông lắm. Chả lo tôi thiếu người chăm sóc.

Làng quê ngoại tôi là một làng cổ, chuyên nuôi tằm kéo tơ. Tối đến ở làng mà đèn đuốc thắp sáng trưng. Các cô gái quay tơ ngoài sân chuyện trò rinh rích cả đêm. Tơ ở làng chỉ làm đến công đoạn kéo thành con to như cái chày giã giò rồi đem nhập cho hợp tác xã. Sau đó người ta đem đi đâu và làm gì nữa thì tôi chịu. Hồi đó tôi còn bé quá chẳng biết thêm được gì. Nhưng hình ảnh về làng quê ấy thì tôi không thể nào quên được. Phải công nhận làng quê ngoại tôi đẹp và giàu có. Nhà nào cũng cột lim sân gạch, cổng có mái che. Hai cánh cổng bằng gỗ lim nặng chình chịch, mỗi lần đóng mở đến thở ra cả đằng tai. Đường làng toàn lát gạch chỉ nghiêng sống trâu. Mỗi trận mưa xong, lại sạch như li như lau. Bác tôi kể ngày xưa trai gái lấy nhau đều phải nộp lệ cho làng là 100 viên gạch chỉ, phải là loại gạch tốt, gõ kêu côông côông, không nứt sần không méo mó. Mà ở làng làm gì có lò gạch. Thế là công việc sắm đồ lễ cưới xin phải thêm khoản tìm mua gạch tận nơi xa. Cứ vậy, cho đến đời tôi chỉ còn thấy gạch đã bóng lên, cứng như đá. Khít tăm tắp vào đến tận mọi ngõ ngách. Bây giờ lắm khi ngồi nhớ lại tôi thầm phục cái lệ làng ngày xưa ấy. Quả các cụ giỏi thật. Chả có cách nào làm đẹp nhanh và tiện hơn thế.

Nhưng kí ức tuổi thơ về cái làng quê cổ kính ấy, lại không phải những mái đình rêu phong, không phải những con đường lát gạch mát lịm bàn chân, hay những đêm trăng xem các chị gái quay tơ thoăn thoắt... mà lại là ký ức về một làng quê đầy những bóng ma lởn vởn.

Vốn đã nhát như cáy, vẫn hay tò mò. Tôi thích nghe các chị gái kháo chuyện lúc ngồi quay tơ. Đủ mọi loại chuyện, song chỉ có loại truyện mà tôi rất thích nghe nhưng cũng rất sợ. Đó là chuyện ma. Bao giờ muốn nghe, tôi cũng phải giúp chị làm một việc gì đấy. Tỉ như tìm mối tơ chẳng hạn...

Theo như lời các chị kể thì xung quanh tôi chỗ nào cũng có ma. Kia kìa chỗ bụi tre ngoài bờ ao, cứ nửa đêm là nghe tiếng trẻ khóc. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh cứ xoe xóe như xé vải. Cho đến khi có một người đàn bà tóc xõa dài đến cho nó bú nó mới nín. Người ta bảo ngày xưa có một người đàn bà chửa hoang đẻ dấm dúi ở đâu đó rồi giấu con trong bụi tre. Đứa bé bị kiến đốt chết. Khi người mẹ quay lại tìm con thì con đã bị kến đục hết hai con mắt. Chị ta gào lên rồi đập đầu vào bụi tre tự tử. Chắc chắn là từ đó tôi không dám bén mảng tới bụi tre vào bất kỳ lúc nào. Rồi chuyện ở cây đa đình làng. Có bà cụ ngồi bán nước dưới gốc đa. Một buổi trưa thấy có người con gái quần áo xênh xang nhưng lấm lem bụi đất từ xa đi lại. Cô gái vào quán bà nghỉ chân. Bà rót cho cô bát nước nhưng cô không uống mà chỉ xin ngồi nhờ chốc lát. Thấy cô gái vẻ mặt buồn buồn bà hỏi han, mới biết cô bị cha mẹ ép gả cho một người mà cô không yêu. Trong đám cưới, nhân lúc mọi người đang nhốn nháo bận rộn. Cô liền bỏ trốn, chạy một mạch đến đây mới dám dừng chân. Cô vừa kể vừa khóc nức nở làm bà cụ rất thương tình, bà bảo cô cứ ở lại đây với bà, bà sẽ coi cô như con vì bà cũng chỉ có một thân một mình. Cô gái nhận lời và xõa tóc để bà bắt chấy, bà bỗng nhận ra sao mà đầu cô nhớt thế. Bà hỏi, cô gái bảo do đi đường mồ hôi ra nhiều. Nhưng đúng lúc đó có một bác nông dân đi cày về rẽ vào quán bà nghỉ mát. Bà quay ra rót cho ông bát nước quay lại đã không thấy cô gái đâu nữa. Bà ngơ ngác hỏi: “Ông có thấy cô gái ngồi đây đi đâu không?” Bác thợ cày ngạc nhiên: “Cô gái nào, tôi có thấy cô gái nào đâu?. Bà kể lại sự tình. Ông thợ cày cười phá lên: Bà gặp ma rồi. Đúng là ở làng Đại có đám cưới mà cô dâu tự tử ngay trong đêm động phòng”.

Thế là tôi lại không dám ra đình nữa, mặc dù mùa hè cây đa ở đình rất lắm ve.

Nhà bác cả tôi cũng thuộc loại khá giả ở làng. Các anh chị tôi đông lắm nhưng họ đều lớn cả. Mỗi chị út thì cũng hơn tôi đến 5 tuổi. Tất cả người nào việc nấy, họ đều quần quật suốt ngày. Bác cả tôi tính tình riết róng và rất nghiêm khắc. Thậm chí còn hơi sắt đá nữa. Đúng 5 giờ sáng, bác dựng tất cả các con dậy đi làm, mặc kệ đứa nào tối qua thức khuya. Nếu chưa dậy kịp bác đã cầm sẵn chiếc roi mây quất đét vào mông. Dẫu mắt còn nhắm vẫn phải ôm đít chạy một mạch ra ngoài ao vã nước vào mặt cho tỉnh ngủ..Tôi còn bé không ai ép dậy nhưng đã thành phản xạ tôi cũng tỉnh ngủ và dậy theo. Nhiệm vụ của tôi là phải cầm chổi lau quét sau cái chổi kè của chị út để sân gạch được sạch. Mùa trám bác phơi trám, phơi men làm tương và hong tơ ướt.

Xong việc tôi được nghỉ. Còn chị út phải cắp cái thúng và một cái hèo đi quanh bờ ao tước mo nang giật cành khô về đun nước. Bác tôi dứt khoát không cho đun nước bằng rơm, sợ chị út đun bị hơi khói. Còn tôi thơ thẩn ra bờ đầm sen bắt chuồn chuồn hay vớt cá thia thia chơi, chờ chị út xong việc sẽ chống thuyền đi bẻ ngó sen. Từ nhà bác tôi ra bờ đầm có vài bước chân. Đầm sen là của làng. Nó có từ đời nảo đời nào nom rất thâm u rậm rập. Đầm sen lại ăn thông ra cánh đồng nên nước trong và có nhiều cá. Nhưng các cụ trong làng cấm không cho câu... Không ai được tự ý hái sen về dùng riêng. Gia đình bác tôi từ đời ông cố đã được làng tín nhiệm giao cho việc trông coi đầm sen. Đến mùa sen làng thu hoạch rồi chia đều cho các gia đình. Sen thường được dùng trong các món ăn chay tịnh, tuyệt đối không bao giờ được ăn cùng với thịt súc sinh hay dùng trong những cỗ bàn ăn uống - phàm phu. Đã thành luật thì làng quê ngoại tôi giữ nghiêm lắm. Đầm sen như là phần thiêng liêng của một thánh địa. Con nít làng chẳng đứa nào dám bén mảng đến đó chơi. Chủ yếu chúng sợ chiếc roi mây của bác tôi.

Một lần tôi cùng chị út chèo thuyền ra xa đến khoảng gần cuối đầm sen, chỗ giáp với cánh đồng. Nơi đây không gian thoáng đãng mát mẻ ngạt ngào hương sen. Tôi thích thú quá cứ nài nỉ chị út khoan hãy về. Chị út cũng thích nhưng ngại bác cả nên cứ chùng chằng không dám quyết. Tôi nghĩ ra một trò chơi để lôi kéo chị út. Tôi bảo chị ngắt những cánh hoa sen thả trên dòng nước giả làm thuyền chở các nàng tiên đi du ngoạn, cô tiên là những hạt sen non trắng tinh mền mại. Chị út mải chơi quên phắt chuyện về, rủ tôi đi trút nước sường đọng trên những lá sen đem về cho bác pha trà, chị bảo nghe các cụ nói nước trên lá sen là nước của trời, uống vào sẽ thọ lâu, đẹp ra...

Chúng tôi khum cái lá sen to làm cái đựng. Chị út đến từng chiếc lá nhẹ nhàng trút những giọt nước trên lá sen vào chiếc phễu lá trên bàn tay tôi... Mỗi một lá sen có khi chỉ vài ba giọt. Nhưng như vậy mới quí. Được một lúc cảm thấy nặng tay tôi bảo chị mở ra xem được nhiều chưa. Khi cái lá sen từ từ xòe ra trên tay chị thì lạ chưa, trong lá chẳng có lấy một giọt nào. Cả hai chũng tôi tròn mắt nhìn nhau, hoang mang. Mặt chị út bần thần rồi tái dần, chị run run nói vào tai tôi: “Ma uống hết rồi”. Cũng vừa lúc đó, gió từ đâu thổi tới ào ạt xô đẩy cả đám lá sen nghiêng ngả. Bầu trời đang xanh cao bỗng ập xuống những đám mây đen màu xám chì như sắp sửa ụp lên đầu chúng tôi. Tôi ngơ ngác còn chị út thì hốt hoảng đẩy thuyền về trong căng thẳng. Từ xa tôi đã thấy bác cả đứng trên bờ tay cầm chiếc roi mây vẻ mặt tức giận.

Hôm đó chúng tôi bị mỗi đứa một roi quắn đít nhưng tôi không khóc.

Chuyện ma ở đầm sen, chị út dặn tôi giữ kín. Nhưng chính chị lại tuôn ra cho các chị lớn biết. Cứ thế chuyện ma ở đầm sen đã có thêm màu mè.

Người ta đồn rằng: có người đi qua đầm sen vào ban đêm trót chao chân để rửa, thế là bị ma kéo chân suýt chết đuối. Ở đầm sen vào đêm trăng sáng, có người đã thấy một người đàn bà mặc áo cánh trắng ôm con vừa chèo thuyền. Thỉnh thoảng còn hát ru con văng vẳng.

Từ đó cái đầm sen là chốn hãi hùng của tôi. Tôi chẳng dám ra đó chơi nữa. Đầm sen đã thâm nghiêm càng trở nên hoang vu bí hiểm hơn.

Tôi trở thành cậu bé nhút nhát sợ sệt, nhìn chỗ nào cũng thấy ma. Tôi quẩn theo chân người lớn như một cái bóng. Có hôm còn tè cả ra giường khi chưa ngủ chỉ vì sợ không dám ra ngoài đi tiểu. Bác tôi bực lắm, đe cả nhà không được thì thầm chuyện ma, còn tôi bác cấm không được hóng chuyện các chị gái quay tơ.

Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn về thăm tôi. Mỗi lần về mẹ lại mua cho tôi một món quà gì đó để dỗ tôi khỏi theo mẹ. Phải chia tay mẹ tôi buồn lắm nhưng món quà mẹ để lại bao giờ cũng hấp dẫn tôi hơn. Song không hiểu sao lần đó tôi rất chán tất cả mọi thứ. Tôi chỉ cần mẹ. Thế là tôi nhất quyết đòi đi theo mẹ cho bằng được. Mẹ dùng đủ mọi cách để dỗ tôi nhưng đều vô hiệu. Tôi biết mẹ cũng đau đớn lắm không đành. Cứ chần chừ suốt từ sáng đến tận chiều mãi khi tôi mệt quá trót ngủ say, mẹ mới lẻn đi được. Tỉnh dậy tôi gào khóc bắt đền, nhưng lúc này chả ai dỗ tôi cả. Mọi người đều bận công việc. Tôi ấm ức ngồi ngoài cổng khóc tỉ ti, cứ nghĩ như vậy mẹ sẽ sốt ruột quay lại. Đến bữa cơm, tôi không vào ăn, bác quát lên “Nó không ăn thì cho nó nhịn” Biết tính bác nói là làm, nên tôi càng quyết trả thù bằng cách gào khóc to hơn, dai dẳng hơn.

Màn đêm buông xuống, tôi vẫn cứ ngồi ì ngoài cổng tấm tức khóc. Bác sai anh thứ hai đẩy tôi ra ngoài đường rồi đóng cổng lại. Khuôn mặt bác sắt đanh vì tức giận, bác nói: “Mẹ mày chiều mày quá. Tao phải dạy mới được”. Các chị nhìn tôi thường hại nhưng chẳng ai dám hé một lời xin, cứ nem nép lên giường đi ngủ theo lệnh bác. Khi cánh cổng gỗ kin kít khép lại, tôi mới nhận ra rằng mình hoàn toàn thất bại. Không thể thi gan với bác được nhưng muộn rồi. Vả lại không hiểu sao lúc đó lòng tự trọng trong tôi bùng cháy. Tôi kiên quyết thà nằm ngoài đường còn hơn phải xin lỗi bác. Một chốc có ai đó đẩy chiếc chiếu rách dưới khe cửa ra ngoài cho tôi nằm. Trước khi yên phận, tôi còn gào lên những lời thách thức như để tự trấn an mình.


Ngồi bên ngoài cánh cổng, tôi bắt đầu sợ. Phía trước là đầm sen mênh mông trăng. Tôi nhắm tít mắt gục mặt vào hai đầu gối để khỏi trông thấy con ma mặc áo trắng nhe răng cười cợt đang tiến lại gần tôi. Song từ phía đầm sen chỉ có tiếng gió đập vào những tàu chuối già lật phật và tiếng côn trùng rỉ rả râm ran...

Tôi thiếp đi trong một giấc mơ kỳ lạ...

Người đàn bà ấy mặc áo cánh trắng bế tôi lên và nói rằng: “Ta đưa cháu ra ngoài kia ngủ cho mát, ở đây muỗi lắm”. Rồi tôi được đưa lên một chiếc thuyền con. Lúc này dường như tôi đã tỉnh giấc. Tôi còn nhớ rõ, người đàn bà ấy rất đẹp, khuôn mặt trắng mát, mắt đen và dịu dàng giống hệt mắt mẹ tôi. Mái tóc cô ấy không xõa mà búi gọn sau gáy giống mẹ tôi, chỉ khác là buộc thêm chiếc khăn mùi xoa như các cô gái trong làng. Trong khoang thuyền còn một đứa bé nữa nhỏ hơn tôi vài tuổi đang ngủ say sưa. Người đàn bà đưa tôi đi trên đầm sen vừa đi vừa hỏi chuyện: “Sao chau lại ngủ ngoài hè?”. Tôi kể lại mọi chuyện. Bà xoa đầu tôi chép miệng: “Phải sống xa mẹ khổ lắm cháu ạ”.

Rồi bà hỏi tôi có đói không? Tôi gật vì đã thấy bụng đang sôi lên òng ọc. Bà lấy từ trong chiếc nồi đất ra cho tôi củ khoai rồi bóc cho tôi ăn. Khoai đã nguội nhưng ngọt lịm, tôi ăn thấy tỉnh cả người nên cứ mải miết ăn cho đến khi bà bảo: “Hết rồi cháu ạ, tạm vậy, ta không biết cháu đói”.

Ăn xong, tôi chẳng còn buồn ngủ nữa. Khoan khoái ngắm đầm sen dưới trăng lung linh như cõi thần tiên. Không gian bát ngát hương thật dễ chịu. Tôi nghĩ nếu được ngủ ngoài này thì thích biết mấy.

Sực nhớ đến hôm đi chơi đầm sen với chị út. Tôi buột miệng hỏi, cứ như đang tâm sự với mẹ tôi: “Cô ơi, có phải đầm sen này có ma không?” Người đàn bà buông tay chèo ôm tôi vào lòng rồi cười: “Không có ma đâu cháu ạ”. Tôi vẫn thắc mắc: “Sao người ta cứ kể...cháu nghe...sợ lắm”. “Không đâu, đó chỉ là người giả làm ma thôi”. “Thế sao phải giả làm ma ạ”, “ À là vì... có thể họ không được người đời chấp nhận”.

Tôi chả hiểu gì, cứ thắc mắc sao lại thế. Nhưng bà không trả lời chỉ nói: “Sau này lớn lên cháu sẽ hiểu. Mong sao cháu không thành người ác”.

Tôi vừa ngái ngủ vừa băn khoăn nghĩ rằng, xưa nay tôi chỉ thấy ma ác chứ có bao giờ thấy người ác đâu. Người đàn bà bảo: “Cháu buồn ngủ rồi phải không? nằm xuống đây cô ru cháu ngủ”. Tôi lăn xuống khoang thuyền cạnh đứa bé vẫn thiêm thiếp trong giấc nồng.

Tiếng ru tan trong gió nhưng thấm đẫm trong từng mạch máu của tôi. Và hình như tôi còn nhớ đến tận bây giờ.

“Ai làm cho bến xa thuyền

Cho trăng xa cuội, cho bạn hiền xa ta...”

Khi tôi tỉnh dậy thì thấy xung quanh mọi người đang nhốn nháo với vẻ mặt âu lo hốt hoảng. Hình như mọi giận hờn trong tôi được sương đêm gột rửa. Tôi mỉm cười thiện cảm với mọi người kể cả bác tôi lúc đó vẫn đang cau có vì căng thẳng. Một ông thầy lang được bác mời đến, vẻ mặt bí hiểm bắt tôi phải nằm yên để ông xem mạch. Tôi thấy lạ, tôi có bị ốm đâu. Thậm chí sau một đêm ngủ ngon, tôi còn thấy khỏe ra. Nhưng tôi cũng thấy thinh thích vì hình như tôi được chiều chuộng hơn mọi ngày. Cho mãi đến khi không còn ai, chị út mới thì thầm vào tai tôi: “Đêm qua em bị ma dẫn đi người ta tìm thấy em ngủ say trên bờ đầm. Tôi cãi: “Không phải ma, em đi với một cô, cô ấy hiền giống mẹ em lắm. Em còn được ăn khoai luộc nữa cơ. Chính cô ấy đã ru em ngủ mà”. Lời nói của tôi được truyền đi càng làm mọi người thêm hoảng sợ. Chị út kể lại rằng nửa đêm hôm đó, bác tôi sai anh Hai ra mở cổng để bế tôi vào nhà. Nhưng khi mở cổng ra thì chẳng thấy tôi đâu, anh vội gọi cả nhà dậy đi tìm. Bác tôi sợ mang tiếng với làng nên không cho cầm đen đốt đuốc, không cho gây ồn ĩ. Bác cắt đặt mỗi người một hướng lặng lẽ đi tìm. Nhưng đến gần sáng vẫn không thấy tăm hơi tôi đâu. Mãi khi có ánh mặt trời. bác mới phát hiện lối ra đầm sen có vết bùn mới nên đã ra đầm sen và tìm thấy tôi vẫn còn ngủ ngon lành trên những chiếc lá sen và cũng đắp bằng những chiếc lá sen.

Chuyện tôi bị ma dẫn đi nhanh chóng lan ra khắp làng. Các cậu, dì tôi tỏ ra bất bình với bác.Họ thường đến thăm tôi, không hẳn là để chăm sóc mà tò mò hỏi tôi như thể là người từ hành tinh khác tới. Tôi vẫn khẳng định tôi không gặp ma chỉ gặp người. Nhưng điều đó càng làm họ khẳng định thần kinh tôi không bình thường. Có lẽ vì sự quá lo lắng của họ mà tôi cũng đâm hoang mang. Toi cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ rằng tôi đã gặp ma thật. Phải chăng đó chỉ là một bóng ma, và tôi đã bị ma mê hoặc dẫn dắt. Đêm đêm tôi nằm mơ, nhưng không có giấc mơ nào đi trên đầm sen với người đàn bà đó. Mà lại chỉ là những con ma xõa tóc nhe răng từ dưới đầm ngoi lên bấu những ngón tay nhọn hoắt vào người tôi. Tôi vùng vẫy la lên: “Ma, ma, mẹ ơi cứu con”...

Bác tôi ít ngủ hẳn, bác cũng trở nên trầm tư hơn, không quát tháo nhiều nhưng lại lơ đãng việc quán xuyến công việc.

Chẳng hiểu sao mẹ tôi lại biết chuyện. Mẹ trở về thăm tôi rồi một mực đưa tôi đi. Bác không gàn nhưng buồn lặng lẽ. Sau khi nhét vào tay mẹ tôi một đùm lá khô, bảo sắc cho tôi uống, bác chỉ nói giọng rầu rầu: “Nếu cháu có sao, cô nhớ báo để anh tìm thầy thuốc”.

Nhưng tôi có sao đâu? Tôi vẫn cứ lớn lên khỏe mạnh, học hành thông minh. Chẳng có biểu hiện gì của người bị bệnh tâm thần, hay như người ta nói là bị ma ám cả.  

Tôi vào đại học rồi làm việc, thỉnh thoảng vẫn về thăm quê ngoại. Quê ngoại tôi bây giờ không còn thâm u, cổ kính nữa mà đã ồn ã sôi động với không khí kinh tế thời mở cửa. Duy chỉ có bác tôi là vẫn cổ như xưa. Bác đang tàn theo thời gian.

Chuyện về cái đêm mộng du ấy của tôi, ai ngờ đã trở thành nỗi ám ảnh dày vò bác từng ấy năm trời, đến tận bây giờ bác vẫn chưa tha thứ cho mình. Nhất là khi tôi vẫn chưa lấy được vợ, tôi đã trên 30 tuổi rồi.

Thực ra tôi nghĩ cái duyên cái số chưa đến, chứ bản thân tôi chẳng có gì bất bình thường cả. Tôi đẹp trai công ăn việc làm ổn định, tính tình chin chắn, điềm đạm, khối cô ước mơ tôi, nhưng chả hiểu sao tôi vẫn cứ dửng dưng với họ. Mẹ tôi sốt ruột lắm, bà thầm lặng đi cầu cúng khắp đền này chùa nọ cho tôi. Song vị thần ái tình vẫn biền biệt nơi đâu?

Lần ấy về công tác ở tỉnh T. Tôi nằm ở khách sạn đã gần tuần, ban ngày xuống cơ sở làm việc nhức đầu vì những bản tài liệu, những con số thoắt ẩn thoắt hiện như ma. Tối về, lại chỉ biết nhìn quanh bốn bức tường trắng xóa trong căn phòng lạnh mà thấy lạnh đến ghê người. Buồn quá tôi xuống phòng lễ tân ngồi tán gẫu với mấy cô phục vụ. Các cô hỏi tôi: “Suốt mấy ngày qua sao không thấy anh đi chơi?” Tôi bảo tôi chẳng biết đi chơi ở đâu. Mà thực ra tôi chỉ thích tìm một nơi yên tĩnh mang nét đồng quê để được thư giãn chút ít. Một cô nói: “Vậy thì có một nơi rất hợp ý anh đấy. Nếu anh muốn đi ngay bây giờ cũng được”, Tôi lưỡng lự, cô bảo: “Cũng không xa, cách thành phố chỉ gần 10 cây số sẽ có người đưa anh đi, anh có thể về khách sạn ngay tối nay cũng được.” Tôi chấp chận. Một lát sau có một thanh niên đi xe máy tới. Cô phục vụ giới thiệu đó là người của khách sạn, sẽ đưa tôi đi. Trời đã nhá nhem tối, tôi bỗng thấy mình cũng thật nhiêu khê. Chả biết đến đó tôi có tìm được thú vui gì không? Tôi hỏi người đang chở tôi: “Đó là một điểm du lịch của tỉnh chăng?. “Không hẳn là điểm du lịch, nhưng là nơi nghỉ ngơi thư giãn tuyệt diệu cho những ai ưa hoài cổ. Anh cứ đến sẽ biết. Có chỗ cho anh câu cá, thưởng trăng, ngắm hoa, nghe chim hót và ăn những món ăn chay tịnh.”

Khi chiếc xe máy bỗng phanh khựng trước một lùm cây um tùm, tôi mới ngẩng lên và đọc hàng chữ kết bằng đèn màu nhấp nháy: “Hương Nguyệt Liên”. Chà cái tên nghe đặc Tàu, chắc chủ nhân là một người Hoa? Song anh bạn đi cùng tôi đã cải chính ngay;” Việt một trăm phần trăm, dân Kinh Bắc xịn. Chị ấy cũng là cán bộ trong ngành du lịch. Sau chuyến đi Singapo trở về đã đầu tư xây dựng khu giải trí này. Trước kia khu này là một đầm hoang, chỉ có năn lác và xung quanh là đồi thông hoang vu. Chị ấy đã đề xuất với tỉnh thuê toàn bộ khu này cải tạo làm nơi du lịch sinh thái. Tất cả ở đây đều trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã. Từ đó đến giờ khu này thu được khoản lãi khổng lồ. Khách nước ngoài đến thành phố đều muốn qua nơi nghỉ ngơi giải trí kiểu đồng quê”.

Tôi bảo, nhưng đến đây mà không có bạn hiền thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Anh bạn chở tôi cười toét miệng rộng, ra chiều hiểu ý rồi bảo: “Anh nói có lý. Nhưng nơi này lại chỉ để tìm lại sự tĩnh tại, thanh bạch của tâm hồn...”. “Ồ anh hiểu sai ý tôi rồi. Tôi cần gì tìm sự mua vui rẻ tiền ấy cơ chứ. Nhưng anh biết đấy uống rượu cũng cần có bạn hiền nữa là...” “Em thì không xứng đối ẩm với anh rồi, nhưng em có thể giới thiệu anh với bà chủ và chắc chắn anh sẽ được phục vụ như ý”.

“Không cần phải cầu kỳ thế đâu, tối nay cậu là bạn hiền của tớ được rồi.”

Chúng tôi thuê một căn chòi lá bên hồ sen. Lại cũng đang tuần trăng giữa tháng 5. Sen nở thơm ngát. Tôi vỗ vai cậu bạn đánh đét như tìm ra được một nước cờ hay khi dõi mắt ra hồ sen vằng vặc ánh trăng. “Chả trách quán này có tên là Hương Nguyệt Liên”.

Chắc không tự tin khi phải trong vai bạn hiền với tôi nên anh chàng xe máy cứ nhấp nhổm chạy đi chạy lại lấy cớ gọi cái này tìm cái kia và một lát thì biến mất. Sau đó, một người phụ nữ xuất hiện. Nói là phụ nữ vì cô ta không còn trẻ song nếu gọi là già thì không thể được. Trông cô ta khó đoán tuổi. Không hẳn là người phụ nữ có gia đình cũng không ra một cô gái son trẻ.

Cô nhẹ nhàng chào tôi và nói rằng đến để tiếp chuyện tôi theo yêu cầu. Tôi định từ chối vì sợ gặp phải những trường hợp tôi đã từng gặp. Nhưng quả thật, người phụ nữ này làm tôi không thể lắc đầu trước bất cứ một lời đề nghị nào. Thề có trời đất, tôi không hề có chút ý nghĩ nhục dục mà chỉ thấy lòng lâng lâng thư thái khi đang được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên. Nàng mặc một bộ đồ lụa trắng ngà mềm mại nhẹ như một làn mây trắng xốp. Mái tóc dài búi gọn sau gáy như kiểu phụ nữ Ân Độ, cài một bông hoa bằng bạch kim lấp lánh nơi góc búi tóc. Khuôn mặt nàng như một búp sen trắng, và đôi mắt thì thăm thẳm đến nao lòng. Trong khung cảnh nửa ảo nửa thực này, nàng cũng như không có thực. Nàng như từ hồ sen kia bước lên hay từ trên cung trăng bay xuống?.

Sau khi pha trà, cùng tôi nhấp chén trà sen thơm ngát, nàng mời tôi thưởng thức món sương sa ngọt mát đến tận gan ruột. Giọng nàng nhẹ như gió thoảng và như vọng từ cõi xa xăm.

“Xin được hỏi quí khách dừng chân ở nơi này đưọc bao lâu”.

Tôi bảo: “Tôi mới được giới thiệu đến đây lúc chập tối, tôi không có ý định nghỉ ngơi lâu mà chỉ đến cho biết và thưởng trăng một lát rồi về khách sạn trên phố. Mai còn làm việc.”

“Rất mong khách còn nán lại ở tỉnh này thì trở lại đây một lần nữa để được phục vụ chu đáo.”

Tôi bảo: “Nếu chị không bận, chị có thể tiếp tôi lâu lâu một chút được không? Tôi không có bạn ở thành phố này. Suốt một tuần nay ở khách sạn, tôi chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường lạnh”.

Nàng gật đầu và xin lỗi để đi gọi điện thoại cho ai đó một lát rồi trở lại. Tôi nhìn theo bước nàng đi nhẹ như một làn gió và cảm giác như tôi đã từng gặp nàng đâu đó rồi, nhưng không tài nào nhớ nổi.

Qua giọng nói tôi biết nàng không phải người gốc thành phố Miền Trung này. Khi lớn lên nàng được mẹ kể lại rằng, mẹ đã sinh ra nàng ở một gò hoang của một làng quê miền Bắc, khi mẹ nàng trốn đến đó và chuyển dạ. Một cụ già đi bắt cua buổi sáng sớm đã cứu mẹ con nàng và gửi vào một ngôi chùa gần đó. Hai mẹ con nàng sống nương nhờ cửa Phật cho đến khi nàng được hai tuổi thì sư cụ trong chùa tịch. Mẹ nàng sợ người khác về thay sẽ tra hỏi nên đã bồng bế nàng bỏ đi, làm đủ mọi nghề và họ đã trôi dạt về miền đất này.

Nghe nàng kể tôi cứ hình dung đến những câu chuyện cổ mà tôi vẫn từng được nghe từ thuở ấu thơ. Trong khung cảnh này, nàng và câu chuyện của nàng như là cổ tích.

Trở về khách sạn, lạ thay từ hôm đó tôi làm việc thấy nhẹ nhõm hẳn, đầu óc bỗng sáng láng ra và công việc trôi chảy. Có thể trước đó tôi đã bị Stress.

Hoàn thành chuyến công tác. Tôi đặt mua vé tàu để trở về và người phục vụ khách sạn đã đem đến cho tôi với lời dặn: “Chuyến 8 giờ sáng mai tàu 48 tiếng”. Bây giờ là 12 giờ trưa, như vậy phải 20 tiếng nữa tôi mới có thể ngồi trên tàu. Thật là một quãng thời gian chết... Bỗng tôi sực nhớ đến Hương Nguyệt Liên, thực ra cái chính là tôi nhớ đến nàng, tôi muốn gặp nàng một lần nữa.

Lặng lẽ thuê xe đến khu giải trí, những thật đen đủi, người tiếp tôi không phải là nàng. Giữ tế nhị, tôi không dám đề nghị, cũng không hỏi, chỉ kiên nhẫn chờ. Lẽ nào lại chẳng có lúc tôi gặp được nàng?

Lang thanh trên đồi thông, hết câu cá lại chọc mấy chú chim nhảy nhót trong lồng. Tôi lại trở về căn nhà kè bên đầm sen nằm khểnh đọc sách. Vẫn chẳng xua đi được nỗi trống vắng. Nàng ở đâu mà chẳng thấy tăm hơi?

Bầu trời đang ngả dần sang màu khói, không gian cũng lãng đãng sương. Tất cả cảnh vật nơi đây như dang chuyển sang một thế giới khác và... hình như tôi cũng vậy.

Trên chiếc thuyền màu hồng kết bằng những cánh hoa sen. Tôi đưọc các nàng tiên đưa về xứ sở của họ. Xứ sở hoa sen... Đúng lúc đó nàng xuất hiện. Hương sen từ thân thể nàng tỏa ra thơm ngát. Nàng mỉm cười bảo rằng nàng vừa mới về, nghe tin tôi đợi, nàng đến đây ngay. Và mời tôi cùng ăn tối với nàng.

Bữa cơm toàn món chay. Nàng rót cho tôi một li rượu nếp cẩm đỏ au như bồ quân. Tôi vừa nhấp môi đã cảm thấy men say, lan trong từng mạch máu. Không biết có phải vì thứ rượu ủ đặc biệt, hay vì có nàng? Nhưng quả tình tôi không rõ mình đang ở đâu? Ở cõi đời thực hay trong chốn bồng lai?

Giọng nàng thì thầm ngọt ngào và huyền hoặc như nàng Sê hê rát trong “ngàn lẻ một đêm”. Rằng nàng đã được lớn lên từ một vương quốc của loài sen. Ở đó nàng được uống thứ nước đọng trên lá sen, ngủ trên những chiếc lá sen...

Tôi mơ màng nhớ lại cái đầm sen của quê ngoại tôi một thời thơ ấu và ngán ngẩm hiểu rằng bây giờ nó đã trở nên bẩn thỉu, người ta đã chia nhau ngăn thành từng khoanh, thả bèo, trồng rau muống và đổ rác để lấn đất...

Trong ánh sáng mờ tỏ từ ngọn đèn treo tường như một búp sen hồng, gương mặt nàng lại tỏa ra thứ ánh sáng xanh mát như trăng. Xung quanh nàng là đám thị nữ áo xanh họ đang vâng lệnh nàng đi cứu vớt những linh hồn của loài hoa đang hấp hối.

Còn tôi lúc đó lại như một con quỉ, con quỉ đàn ông hừng hực ý nghĩ chiếm đoạt. Song nó run rẩy nghĩ rằng có thể sẽ nhận một nhát đâm từ tay nàng.

Hình như hiểu được ý nghĩ của quỉ, nàng tiên hoa mỉm cười riễu cợt rồi cùng đám thị nữ bay xa dần. Tôi cuống cuồng chạy theo. Nhưng...

“Anh sao thế? Tôi đi lấy thêm món tráng miệng đây mà”. “Đừng bỏ anh... xin lỗi... anh không dám, em có phải là một nàng tiên không?”.

Nàng cười thành tiếng rồi bảo nàng chỉ là nhân viên phục vụ ở đây thôi.

Trăng hạ tuần đã treo lơ lửng trước hiên nhà. Nàng xin phép chia tay. Tôi cuống cuồng đặt vào bàn tay nàng miếng vải đỏ thêu tua rua. Đó là chiếc bùa mẹ tôi đi cúng, người ta bảo phải đeo vào cổ cho tôi để trừ tà ma ám hại. Tôi xấu hổ vẫn cứ để nó trong ví, coi như một tấm chứng minh thư: “Tặng em để ghi nhớ buổi gặp gỡ này. Đây là lá bùa hộ mệnh của anh. Coi như tính mạng anh đã nằm trong tay em”.

Nàng cầm lá bùa trên tay rồi cảm động bảo: “Em cũng có vật làm kỷ niêm cho anh”. Nói rồi nàng bỏ đi một lát. Sau trở lại đem theo chiếc hộp khảm xà cừ rất đẹp. Trước khi mở, nàng bảo: “Đây là hai vật kỷ niệm của mẹ em, nhưng mẹ đã để lại cho em, em sẽ trao cho anh một thứ. Coi như linh hồn em đã thuộc về anh”.

Trong hộp, tôi nhìn thấy trên miếng nhung đỏ có một chiếc vòng bằng hạt cườm đỏ và một chiếc kèn nhựa màu vàng. Nàng cầm chiếc vòng lên và bảo: “Ngày ấy mẹ em nghèo lắm, em chỉ có cái này là vật trang sức duy nhất thôi”. Nàng trao cho tôi, nhưng tôi lại đang dán mắt vào chiếc kèn nhựa chỉ to bằng ban tay trẻ con, ngạc nhiên hỏi: “Hồi nhỏ em cũng thích thổi kèn sao?” “Không” nàng nói: “Đây là vật kỷ niệm của mẹ em. Mẹ cất giữ kỹ lắm và nói rằng: Để giả lại cho một cậu bé nào đó mà mẹ đã gặp. Hình như cậu bé phải sống xa mẹ. Cậu bị đẩy ra ngoài cửa và khóc đến nỗi từ ngoài đầm sen mẹ phải động lòng. Mẹ đã đưa cậu lên thuyền đi chơi đầm sen rồi ru cậu ngủ. Không ngờ khi bế cậu lên bờ đã để rớt lại chiếc kèn này trên thuyền. Sau đó mẹ đã đi tìm cậu để giả lại mà không gặp được. Mẹ không cho em chơi sợ em làm hỏng. Từ đó cho đến khi mẹ mất, nó là vật kỷ niệm cùng với chiếc vòng của em”. Tôi chưa kịp nghe hết lời nàng nói đã thấy đầu óc choáng váng. Suýt nữa thì tôi hỏi nàng “Vậy ra em không phải là ma đấy chứ?”

Hôm đó sau khi tỉnh dậy tôi đã sờ túi và biết mất chiếc kèn, tôi bảo chị út ra bờ đầm tìm giúp tôi, nhưng chị không đi và nói rằng chắc nó đã rơi xuống nước. Tôi tiếc lắm chỉ muốn đi tìm nhưng chẳng ai cho tôi bén mảng ra bờ đầm cả.

Thấy tôi vẫn đần mặt nhìn chiếc kèn, nàng hốt hoảng hỏi. Tôi trả lời: “Anh không sao chỉ là nhớ đến một thời thơ ấu, hồi nhỏ anh cũng thích chơi kèn”.

Nàng quay ra hướng đầm sen lúc này đã vằng vặc ánh trăng. Khuôn mặt nàng giống hệt khuôn mặt người đàn bà tôi gặp trong cái đêm mộng du ấy.

Không gian dìu dịu mùi hương, không hẳn là hương sen mà còn thoang thoảng một hương vị dịu mát nữa. Tôi hít một hơi thở dài rồi hỏi nàng đó là hương của loài hoa gì? Nàng mỉm cười bảo: “Đó là hương cảu ánh trăng đấy”. À thì ra là vậy? Hình như trong cái đêm tôi đi với người đàn bà trên đầm sen tôi cũng đã được hít thở cái mùi hương như vậy.

Để hẹn hò, nàng bảo sắp tới nàng sẽ có dịp trở ra Bắc và tìm về quê ngoại. Tôi mừng quýnh lên bảo rằng: “Hãy rủ anh cùng đi với, anh cũng có một quê ngoại giống quê ngoại của em”. Nói đến đó tôi đã thấy tim mình đập thình thịch. Nàng sẽ trở về nơi đó và sẽ nhận ra tất cả. Tôi sẽ kể cho nàng nghe, và nàng sẽ là người giải thoát cho bác tôi khỏi nỗi mặc cảm đã ám ảnh bác trong suốt cuộc đời.

Tỉnh dậy trong không gian đầy sương và tiếng chim, tôi khoan khoái nghĩ rằng đêm qua tôi đã ngủ rất say. Người phục vụ mang thức ăn sáng đến cho tôi, mỉm cười thật mát mẻ.

“Tôi phải ra ga ngay cho kịp chuyến tàu, xin lỗi tôi muốn gặp để chia tay với cô gái đã tiếp chuyện tôi tối qua, xin cô nhắn dùm”.

Cô phục vụ: “dạ” rất ngọt rồi quay đi, lát sau cô quay lại nói rằng: “Tối qua không có ai tiếp anh cả, hình như anh đã ngủ từ rất sớm”. Rồi cô quay lui không kịp để tôi thắc mắc.

“Quái lạ?” Tôi tự bấm vào tay mình để thử độ tỉnh táo. Không sao cả... Chợt tôi rút chiếc ví và mở ra: lá bùa vẫn còn nguyên trong ví.

N.C.H
(140/10-00)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngày mai (24/05/2010)