Tạp chí Sông Hương - Số 255 (tháng 5)
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê và cuốn tiểu thuyết mới xuất bản
16:48 | 31/05/2010
LGT: Cuốn tiển thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê vừa xuất bản được xem là tác phẩm thành công nhất của ông, cũng là cuốn tiểu thuyết viết kỹ lưỡng nhất, lâu nhất. Cuốn tiểu thuyết này hiện nay nằm trong danh sách những cuốn vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Sông Hương xin giới thiệu những ý kiến nhận định rất chân thành của Giáo sư Trần Đình Sử, nhà văn Ma Văn Kháng và nhà nghiên cứu phê bình Từ Sơn.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê và cuốn tiểu thuyết mới xuất bản
Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê là bạn cùng trang lứa, là nhà văn cùng một thế hệ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi có một duyên may với anh Nguyễn Khắc Phê là lúc tôi làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Lao Động đã được đọc những tác phẩm đầu tay - những cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

Tôi rất có ấn tượng về 2 cuốn tiểu thuyết của anh hồi đó là cuốn “Đường giáp mặt trận” và nhất là cuốn sau: “Chỗ đứng người kỹ sư”. “Chỗ đứng người kỹ sư” được giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980. Hai cuốn này để lại ấn tượng rất sâu trong lòng bạn đọc cũng như trong lòng tôi. Sau này, tôi được đọc tiếp anh Nguyễn Khắc Phê. Chúng tôi là bạn với nhau nên nếu có tác phẩm thì thông báo cho nhau cùng tìm đọc. Tôi cũng rất thích những cuốn sau này của anh như là cuốn “Thập giá giữa rừng sâu” (NXb Trẻ, 2003); đặc biệt tôi rất hâm mộ cuốn tiểu thuyết mới xuất bản “Biết đâu địa ngục thiên đường” (NXB Phụ nữ, 2010), một cuốn sách có dung lượng khá lớn.

Nói về nghệ thuật văn xuôi của anh Nguyễn Khắc Phê thì có thể nói như thế này: Văn xuôi của anh là một thứ văn giàu chất hiện thực đời sống, giàu sự trải nghiệm sâu sắc và được viết bằng một phong cách riêng, rất kỹ lưỡng - kỹ từng câu, từng chữ, từng ý tưởng - do đó gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Và như vậy, theo tôi đấy là một phong cách văn xuôi lớn và nghiêm túc.


GS. Trần Đình Sử: Tên tuổi nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì tôi nghe tiếng đã lâu, nhưng gần đây tôi mới có điều kiện đọc và làm quen với nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Tôi rất quý mến anh, bởi cái tính giản dị và rất là chí tình đối với bạn bè. Gần đây tôi đọc tiểu thuyết của anh, đặc biệt là “Những ngọn lửa xanh” (NXB Phụ nữ, 2008) và tiểu thuyết dài hơi “Biết đâu địa ngục thiên đường” mới xuất bản. Đọc văn của anh, tôi thấy được Nguyễn Khắc Phê là một nhà văn hết sức tâm huyết đối với số phận con người, với vận mệnh đất nước cũng như đối với sự tiến bộ của xã hội. Ngòi bút của anh không hề né tránh các vấn đề nhạy cảm của đất nước, đồng thời anh đã nêu các vấn đề đó một cách điềm tĩnh và rất chân thành. Cho nên ngôn ngữ của anh có sức thuyết phục và tôi nghĩ không những đối với tôi mà đối với xã hội cũng có sức thuyết phục như vậy.

Nhìn chung về sáng tác của anh Nguyễn Khắc Phê, tôi đọc không nhiều, nhưng tôi có cảm tưởng anh là một môn đệ trung thành của chủ nghĩa hiện thực. Và cũng có thể do tuổi anh đã cao, nhưng anh không chạy theo các kiểu cách tân kỳ trong nghệ thuật, anh vẫn trung thành với bút pháp miêu tả cuộc sống như là diện mạo vốn có của nó; tất nhiên là anh cũng có những đổi mới. Tôi nghĩ, ở nước mình, ngôn ngữ hiện thực trong cái tính giản dị của nó, vẫn còn có sức thuyết phục đối với đông đảo người đọc, và có lẽ đó cũng là một chỗ mạnh của ngòi bút Nguyễn Khắc Phê.


Nhà phê bình Từ Sơn (Thư gửi Nguyễn Khắc Phê nhân đọc tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường”): Tôi đã đọc xong “Biết đâu địa ngục thiên đường” - sau mấy tuần đọc một cách kỹ lưỡng và chậm rãi. Rất xúc động. Nỗi băn khoăn thánh thiện của bạn thể hiện rất rõ qua từng trang sách. Có thể không phải là quá lời khi tôi cho rằng ngòi bút của Phê đã rỉ máu, nước mắt và mồ hôi khi nhìn lại thân phận những con người thông qua sự chiêm nghiệm đầy trách nhiệm và đậm tính nhân văn từ những mẫu người có liên quan máu thịt đến cuộc đời mình. Hơn hai mươi năm qua - kể từ khi đặt bút viết tiểu thuyết này (1987) đến khi tác phẩm được in ra (2010) - bao nhiêu điều trăn trở, dằn vặt; bao nhiêu cân nhắc, suy tư đã đến với bạn? Tôi tin là nhiều lắm. Và cho đến tận bây giờ - khi cuốn tiểu thuyết đã được in ra - bạn vẫn còn không ngừng nghĩ suy về những gì mình đã nói, những gì mình chưa tiện nói, những gì mình không thể nói, những gì mình đã tự lý giải và còn bao điều mình chưa lý giải được về thân phận những con người. Và, trên bình diện tổng quát, số phận, con đường lịch sử và trần thế của dân tộc chúng ta trong non một thế kỷ qua vấn đề “Biết đâu địa ngục thiên đường” vẫn chưa có lời giải đáp hoàn chỉnh, đúng đắn bởi còn nhiều vùng bị che lấp chưa được rọi sáng để khảo sát, để tìm ra sự thật (những sự thật có thể rất huy hoàng và cũng có thể rất chua xót...).

“Biết đâu địa ngục thiên đường” là vấn đề nóng bỏng của mọi kiếp người từ khi trái đất này có con người - con người biết suy nghĩ, chứ đâu chỉ với “cậu Tú Tâm” (nhân vật chính trong tiểu thuyết). “Địa ngục”, “Thiên đường” là những vùng miền, những thân phận có thật trên những nẻo đường Trần thế. Con người, loài người thì đúng hơn, đã, đang và sẽ bước đi trên những nẻo đường ấy mang theo khát vọng tìm về cõi Chân, Thiện, Mỹ hoàn thiện. Chắc chắn con đường này không có điểm kết thúc - cho dù điểm kết thúc là địa ngục hoặc thiên đường hiển hiện tuyệt đối dưới dạng thức: hoặc chỉ là Địa ngục, hoặc chỉ là Thiên đường. Vì nếu kết thúc đúng là như vậy thì Con Người và văn chương - nghệ thuật chẳng còn việc gì phải làm nữa. Tôi nghĩ thế không biết có sai trái gì chăng? Tôi cho rằng Địa ngục, Thiên đường là do con người tự đặt ra dựa vào những điều có thật nơi trần thế. Trong cuộc hành trình vô tận về phía trước, loài người hầu như phải luôn đối mặt với địa ngục, phải vượt qua nó để mong đi tới thiên đường mà mình mong ước. Địa ngục, Thiên đường không ở dưới lòng đất sâu thẳm hoặc ở một nơi xa vời nào đó trong vũ trụ. Điều này thể hiện rất rõ qua những trang viết trong cuốn tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của bạn.

Tôi chia sẻ với Phê với tất cả tâm tình đồng điệu.

Đọc xong, tôi rất muốn viết ra một bài phê bình thật tâm huyết và nghiêm túc cuốn tiểu thuyết của Phê. Nhưng rồi tôi lại thấy khó quá. Cái khó đầu tiên là sức khỏe. Vào trạc tuổi “cổ lai hy” tôi cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Muốn viết một bài phê bình đúng như ý mong muốn, tôi cần phải đọc toàn bộ các tác phẩm của bạn trong mấy chục năm qua, phải tìm đọc nhiều tài liệu và các tác phẩm văn học phản ánh một chặng đường đầy biến thiên bi tráng của dân tộc, phải cập nhật thông tin tình hình văn học hiện nay v.v… là những điều mà không một ai viết phê bình văn học có thể tự cho phép bỏ qua. Đấy là chưa kể phải tìm hiểu nhiều mặt để đưa ra được những kiến giải đúng đắn về những vấn đề mang tính thời đại bạn đã nêu ra trong cuốn tiểu thuyết này. Những công việc này hiện nay đối với tôi quả là bất cập.

Tôi muốn nhân đây chỉ ra đôi điều về nhược điểm trong cách viết “Biết đâu địa ngục thiên đường”. Có thể xem những điều tôi sắp nói dưới đây là sự chia sẻ, đồng cảm với bạn về những khó khăn chưa thể vượt qua của bạn trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết này.

Có vẻ như Phê cân nhắc quá “chừng mực” để “phòng vệ từ xa” tránh những điều ai đó sẽ quy kết xằng bậy - tôi muốn nói hình như Phê chưa dám mạnh dạn đi đến tận cùng mọi vấn đề đặt ra nên đã để cho các nhân vật của mình “ẩn dấu” khá nhiều tâm trạng và tính cách. Các sự việc, các tình huống đầy tính bi kịch hầu như chỉ được miêu tả qua những lời trần thuật có phần nhẹ nhàng, thiếu tính quyết liệt cần có, phải có. Điều này tác giả mới chỉ làm được một phần trong các chương cuối - từ khi nhân vật bà cụ Huy tỉnh lại. Khi đọc mấy chương đầu, tôi đã “mò” đoán được “ngón nghề” của tác giả: dồn nén các tình tiết để rồi sẽ cho bung ra ở phần cuối để người đọc hiểu được “con người bí hiểm” là Tâm, “con người ngộ lẽ phải” là Kiên, là Hưng v.v... Nhờ vậy, những trang viết của bạn ở các chương cuối đã gây được xúc động mạnh mẽ cho người đọc, đã kéo được nguời đọc cùng chia sẻ các vấn đề tác giả muốn gửi gắm. Mừng cho thành công của Phê.

Trong cái hỗn độn, tạp nhạp của đời sống thường nhật và của văn chương hiện nay cuốn sách của bạn nếu ai chịu khó tìm đọc sẽ thấy lòng mình được tẩy rửa trong sáng hơn và cảm thấy cần phải làm cho cuộc đời này bớt đi những điều phi lý, vô nghĩa đã “quyến rũ” sự đam mê huyễn hoặc của nhiều người khi nó được bao phủ một lớp vỏ bọc hào nhoáng.

Vài hàng tâm sự với bạn. Mong bạn luôn sung sức trong sáng tạo và trong cuộc sống. Dù còn ngàn muôn cái đen tối che phủ đâu đó trên bầu trời nhưng, một đại văn hào (hình như Gớt) đã nói: “Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. CUỘC SỐNG, CON NGƯỜI với vô vàn điều huyền diệu vẫn luôn có thật trên những nẻo đường Trần thế của loài người. Chỉ cần chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ trên cơ sở khoa học (chứ không ảo tưởng, mê tín) chắc chắn Cuộc Đời sẽ ngày một tốt đẹp và công bằng hơn.

Chúc bạn mọi sự tốt lành.

Hà Nội đầu tháng 3-2010
T.S
(255/5-10)
      



Các bài mới
Một hộp đào (25/06/2010)
Cha và con (14/06/2010)
Các bài đã đăng