Đêm lãng đãng sương giữa thung lũng sâu. Thỉnh thoảng có tiếng tác của một con nai rừng nào đó đi lạc vút lên rồi rơi tõm vào thinh lặng. Trăng nhợt nhạt giữa những lùm cây ướt đẫm sương.
Du bước lặng lẽ giữa miên man nghĩ suy đang ám ảnh. Cứ mỗi lúc buồn, Du lại lặng lẽ ra đây, giữa đêm, như một thói quen vô thức, để chìm vào những nhợt nhạt của trăng, những ướt đẫm của sương và cả những kí ức về Sa. Du biết Sa đi thật rồi, nhưng không hiểu sao Du vẫn cứ bị ám ảnh bởi bóng Sa, giữa một đêm trăng nhợt nhạt như thế này, ướt rượt như một dự cảm không lành về tương lai. Mỗi lúc như thế, lồng ngực Du lại nhói lên như có một con ong rừng đang đốt vào tim mình, rồi sau đó là một luồng điện rần rần chạy dọc sống lưng. Cũng có lúc Du sợ, nhưng nỗi sợ đó cũng mơ hồ, nhợt nhạt như bóng Sa. Cũng có lúc Du trốn chạy, rồi lại bị những ánh trăng nhợt nhạt lọt qua những tán cây đang ướt rượt trói chặt. Thế là Du lại chôn chân trong những miên man kí ức. Đến khi tiếng mõ trâu lọc cọc vang lên bên sườn đồi, Du mới trở về...
Hôm nay, Du lại ra đây, khúc suối nhỏ luồn giữa hai ngọn đồi gấp khúc thành một đoạn vịnh nhỏ, nơi có một tảng đá chìa ra mặt nước, bó gối lắng nghe nhịp thở đều đều của đêm, của Sa, lắng nghe tiếng bước chân Sa đi bồng bềnh giữa màn sương mờ đặc, và Du nghe thấy tiếng Sa thật. Du thấy bóng Sa đứng đó, ướt rượt giữa đêm. Nhưng tim Du không nhói lên nữa, cũng không có luồng điện chạy rần rần dọc sống lưng. Du chỉ thấy Sa rất gần, rất gần. Đúng lúc Du định cất tiếng gọi, tiếng gọi của ba năm, của hơn một ngàn ngày chờ đợi, thì cái bóng ướt rượt chợt quay đi, mất hút vào những lùm cây lúp xúp bên kia suối. Tiếng gọi chưa kịp thốt ra khỏi miệng thì nghẹn lại, vỡ vụn, ép lấy lồng ngực đang căng cứng...
Du trở về như kẻ mất hồn, như Du của ba năm về trước. Câm lặng. Đôi mắt vốn đã thâm quầng, sâu hoắm càng mờ đục nỗi tuyệt vọng. Du nghe thấy hơi thở của Sa, rất gần, rất gần, rồi cái bóng ướt rượt sương đang bồng bềnh, bồng bềnh trôi...
Lại một lần nữa Du ngồi vô thức nhìn sang bên kia bờ suối, nơi cái bóng Sa vụt qua rồi mất hút vào bóng đêm mờ đặc sương. Nhưng là một buổi chiều. Tiếng mõ trâu lóc cóc bên triền đồi bảng lảng. Giữa lúc đang miên man với những cảm xúc không thể gọi thành tên, giữa lúc đang quay cuồng với mớ kí ức lộn xộn thì Du lại nghe thấy tiếng bước đi giữa mờ đục sương hôm ấy. Tiếng bước đi rất gần, rất gần. Du lao như hụt hơi qua con suối cạn, mặc kệ nước như cuốn lấy chân, mà quăng, mà vật, mặc kệ nước bắn lên ướt đẫm áo quần, ướt đẫm khuôn mặt dại lên vì chờ đợi, như sợ rằng cái bóng ấy sẽ vụt mất lần nữa. Du cố rướn đôi tay với lấy tiếng bước chân rất gần, rất gần, cố bắt lấy cái bóng ướt đẫm sương của Sa...
Du và cái bóng ngã sóng soài trên bờ cát. Đôi tay Du vẫn nắm chặt gấu áo, cát bám đầy mặt, đầy tóc, đầy thân thể Du. Lồng ngực Du căng lên như muốn xé tung chuỗi ngày chờ đợi, của những đêm trăng, của ướt rượt sương và của những tiếng mõ trâu lóc cóc bên triền đồi...
Tiếng tác thật to xé toang màn sương mờ đục dưới trăng, kéo Du về thực tại. Trước mặt Du không phải Sa, mà là một thiếu nữ đang run lên vì sợ. Một khuôn mặt xanh xao, một đôi môi thâm đen như môi người đi rừng bị mắc mưa giữa mùa đông lạnh, đôi mắt trũng sâu. Nhưng trời, đôi mắt ấy, đôi mắt trong ngần của Sa… Du khẽ rùng mình.
“Anh, anh…” giọng nói run run giữa những hơi thở dồn dập. Du buông tay. Cô gái lại cắm đầu bỏ chạy. Không hiểu sao, Du vùng dậy chạy theo cái bóng nhỏ ấy. Hai cái bóng cứ lao như điên giữa những lùm cây lúp xúp, giữa sương đêm đang dần mờ đục giữa thung lũng vắng.
Trước mặt Du là một túp lều lợp bằng lá cọ. Rất nhỏ, chỉ có một cái giường, một cái bàn và hai chiếc ghế, tất cả đều bằng tre, thứ tre lồ ô già vẫn còn xanh bóng, và một cái gùi nhỏ bằng mây, chắc là đựng thức ăn, Du nghĩ thế. Cô gái Du chạy theo lúc nãy đang nép sau tấm liếp ngăn, vừa nhìn Du, vừa run lên vì sợ. Du có cảm giác nếu như bước thêm bước nữa, cô gái ấy sẽ xô ngã tấm liếp mà chạy, hoặc sẽ nhảy xổ vào Du, sẽ cào, sẽ cấu, sẽ cắn xé Du như một con thú hoang bị dồn vào bước đường cùng.
Tay cô gái vẫn bám chặt vào tấm liếp, căn nhà lợp lá cọ rung lên nhè nhẹ. Du cố trấn tĩnh mình, rồi chìa tay ra, vô thức. Trống ngực Du đập thình thịch. Du nhắm mắt. Rồi bất giác nghĩ tới Sa, Du bước đến:
“Đừng sợ, tôi là Du, người bản Bút Tưa bên kia suối…”
Đôi vai gầy vẫn run run. Nhưng đôi mắt trong veo đã dịu lại. Du cố gắng bước thật nhẹ, đôi bàn tay vẫn chìa ra. Du cười, nụ cười tắt ngấm đã ba năm nay lại trở về, thân thiện đến lạ lùng…
Ánh đèn dầu leo lét không đủ soi rõ mặt người, lay lắt như mảnh đời của hai con người trong túp lều lá cọ liêu xiêu. Đôi lúc nghe thấy cả tiếng bấc đèn phập phù, căn phòng nhập nhòe sáng tối. Du lặng im trong những miên man. Sa, Sa hiện hình trong cô gái nhỏ ướt rượt sương… Một câu chuyện buồn trong căn chòi lá cọ lay lắt ánh đèn.
“Amế sinh Miên trong một buổi sớm mùa đông, sương muối giăng đặc mạng nhện trên những cành cây thành những chấm mờ đục khắp thung lũng. Bà đỡ đặt tên cho đứa bé gái có đôi mắt đen, đẹp lạ lùng ấy là Miên. Có lẽ vì thế mà Miên khổ. Ai trong làng cũng bảo Miên đẹp nên khổ. Mà Miên đẹp thật. Mười tám tuổi, Miên xinh như bông hoa trang trên rừng, như hoa cây cơm nguội bên suối. Miên đẹp đến nỗi những phụ nữ trong làng sắp đến ngày sinh nở lại tìm đến Miên, xin ở với Miên, những mong hình ảnh của Miên khắc sâu vào tâm trí họ, khắc lên khuôn mặt đứa con họ đang mang trong bụng. Đã thế, Miên lại nổi tiếng thông minh. Tiếng sáo Areeng, tiếng Tarqơơi took của Miên làm say đắm biết bao chàng thanh niên Cơtu. Mỗi bước đi của Miên là hàng trăm ánh mắt đổ dồn theo cùng với sự ngưỡng mộ, niềm ao ước xen lẫn những đố kỵ ghen ghét. Những đêm trăng, dập dìu theo điệu tâng, tung, Miên càng nổi bật với khuôn mặt ửng hồng ánh lửa. Rời trường nội trú huyện, Miên xuống phố với ước mơ về một y sĩ chữa bệnh cho dân bản.
Rồi Miên gặp Vương. Dân phố chính hiệu. Hào hoa. Vương mang đến cho Miên những lạ lẫm đầy thú vị, những câu chuyện cười, những đêm lang thang khắp thành phố dưới ánh đèn đường, rồi chui vào một quán hủ tiếu ven đường nghi ngút khói. Có đôi khi là những quán cà phê thật lạ, thật đẹp. Và bên bờ vai Vương trước biển, trước bình minh của một giấc mơ mà Miên chưa từng được thấy. Cũng có lúc giận hờn vu vơ để giữa đêm, Vương đến dưới căn phòng trọ, run lên vì ướt, vì lạnh mà tay vẫn ôm chặt bó hoa hồng... Miên đắm chìm trong những ngọt ngào mà Vương mang lại. Rồi ngày càng xinh đẹp hơn, sành điệu hơn với những bộ quần áo đắt tiền, những món trang sức, và cả những lần đi Bar. Một lần, hai lần, những ngỡ ngàng không đủ sức níu giữ đôi chân trần sơn cước. Rồi quen, rồi nhớ cái ồn ào đến vỡ tung lồng ngực, nhớ những cay nồng của Henessy, XO, nhớ tiếng leng keng cụng ly, lắc lư theo tiếng nhạc xập xình. Đến lúc Miên chẳng còn nhớ nổi từ khi nào Miên bắt đầu chìm trong những cơn mê dại, những cơn mê màu trắng. Nhanh quá, ngắn quá để Miên kịp nhận ra rằng Miên đang vấp ngã. Rồi Vương hiện nguyên hình là một gã Sở Khanh đáng nguyền rủa ném Miên ra khỏi giấc mơ đã ám màu khói xám. Đến khi Miên trở về đây, với những gùi thức ăn, với những lần lên cơn đến điên dại, với mái nhà lợp cọ sau những lùm cây lúp xúp bên khe suối. Và với cả những tiều tụy đáng thương, những đớn đau bệnh tật. Chỉ có Amế lặng lẽ đến, rồi đi sau khi đặt gùi thức ăn lên chiếc bàn bằng tre lồ ô vẫn còn xanh bóng. Miên trở thành cái bóng ướt rượt sương đi về giữa ánh trăng nhợt nhạt...”
Du chìm vào giọng kể đều đều xen lẫn những tiếng nấc, những khoảng lặng đáng sợ như muốn nuốt chửng hai tâm hồn đang quằn quại với những nỗi đau riêng. Du nhìn Miên, nhìn Sa đang hiện hữu trong những xanh xao bệnh tật của Miên. Cổ họng Du nghẹn lại, không nói nên lời. Chỉ có đôi bàn tay, đôi bàn tay với lấy Sa giữa những nhớ mong, giữa nước, giữa cát, và chìa ra nắm lấy đôi bàn tay gầy đang run run bưng mặt. Chợt Miên ngước nhìn Du, ánh mắt nửa như cầu xin, nửa như ra lệnh:
“Anh đi đi, đi đi anh...”
Trước mắt Miên, những tiếng nhạc chói tai, những tiếng hét, tiếng la ó, những tiếng chạm cốc leng keng, tiếng cười đắc chí của Vương nhập nhoạng giữa ánh mắt Du ngỡ ngàng trong ánh đèn dầu leo lét...
P.Đ (255/5-10)
|