Tạp chí Sông Hương - Số 255 (tháng 5)
Phải luôn luôn bám lấy đời sống!
08:28 | 03/06/2010
NGUYỄN THANH TÚ          (Phác thảo chân dung nhà văn Nguyễn Bảo)
Phải luôn luôn bám lấy đời sống!
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo - Ảnh: anninhthudo.vn
Quan niệm của nhà văn về nghề văn: “Trừ những người có năng khiếu đặc biệt, nghề văn đòi hỏi sự kiên trì, khổ hạnh. Sáng tác để được đăng đã khó, được khen càng khó biết bao! Để không bị đứt ngang giữa đường, tôi tự nhủ: Phải luôn luôn bám lấy đời sống. Đời sống sẽ cho người viết những trang sách chân thực, những trang sách hay, sẽ là nguồn cảm hứng, nuôi dưỡng niềm say mê của người viết. Để có một lời khen: Sáng tác ấy là chân thực, người viết ra nó nhất định đã trải qua những trạng huống, những hoàn cảnh, những miền đất… được miêu tả trong tác phẩm. Chỉ vậy thôi cũng đủ sung sướng, đủ để an ủi cả một đời cầm bút của mình”.

Tôi ngẫm rằng mỗi nhà văn có phong cách đều có một quan niệm riêng về sáng tạo, dù không cố ý tuyên ngôn thì trong tác phẩm vẫn thể hiện quan niệm ấy một cách khá rõ ràng. Thi pháp học hiện đại có khái niệm quan niệm nghệ thuật, cũng là để nói về cái nhìn, suy nghĩ của nhà văn về sáng tạo nghệ thuật, về con người và cuộc đời. Với sức đọc của mình tôi thấy nhà văn xứ ta không mấy ai viết hay về những điều mình không quen thuộc. Văn minh nước mình là văn minh làng xã, thế cho nên cứ để ý mà xem, trong tác phẩm của hầu hết văn nhân đất Việt đều thấy bóng dáng ngôi làng nhỏ bé, hiền lành, êm ả… Ấy là vì cũng hầu hết nhà văn đều sinh ra từ những ngôi làng ấy! Có điều kiện theo dõi văn học Việt Nam viết về chiến tranh tôi cũng thấy một quy luật này: những nhà văn đã từng cầm súng chiến đấu, hoặc ít ra là trực tiếp sống ở cái thời cả nước lên đường ấy thì trang văn viết về đề tài này mới có sức thuyết phục. Dĩ nhiên phải có tài năng, tài năng là quyết định, nhưng không thể thiếu vốn sống, còn tạo ra vốn sống như thế nào lại là một chuyện khác.

Tôi muốn giới thiệu một nhà văn - người lính đúng nghĩa, một nhà văn có quan niệm sáng tạo thống nhất với tác phẩm, chỉ viết khi phù hợp với quan niệm của mình, người đó là Nguyễn Bảo.

Nguyễn Bảo là bút danh, nhà văn có tên thật là Nguyễn Ngọc Bảo sinh năm 1950 tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cũng có thời trong lý lịch quân nhân, anh ghi sinh năm 1948. Hỏi vì sao? Anh cười: “Đó là kỷ niệm của một thời sôi nổi, bồng bột. Toàn bộ hồ sơ lý lịch, trước khi đi B, tôi khai sinh 1950, khi vào Nam tôi khai tăng lên 2 tuổi. Lý do ư? Dài dòng và cũng ngộ nghĩnh lắm. Năm 2007 Cục Dự trữ Quốc gia thông báo đang giữ hồ sơ và kỷ vật của những người đi B. Tôi đến nhận lại với sự xúc động và biết ơn sâu sắc quân đội mình thật chu đáo,vẹn nghĩa trọn tình. Tôi gửi hồ sơ gốc tới Tổng cục Chính trị, chừng một tháng sau Cục Cán bộ có quyết định “trả lại” năm sinh tháng đẻ của tôi như ban đầu”. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1978. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp, chàng sinh viên ấy lên đường vào Nam đánh giặc, lại xin vào chiến trường ác liệt nhất là Khu 5. Thế là vừa cầm súng với tư cách người lính, vừa cầm bút với tư cách phóng viên chiến trường ở trong hoàn cảnh nguy hiểm nhất vì rất dễ hy sinh. Sự thật là, người phóng viên chiến trường không thể nhanh nhẹn, hiểu biết, khôn ngoan bằng người lính chiến với nhiệm vụ duy nhất là đánh giặc, trong khi đó phóng viên vẫn phải bám theo những mũi xung kích đi đầu, để mà tìm hiểu, để mà lấy tư liệu cho bài viết… Nguyễn Bảo đã có những năm sống, chiến đấu và viết ở trong hoàn cảnh ấy. Bao nhiêu sự vất vả, hiểm nguy nơi chiến trường anh đều nếm trải. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, anh đã khoác balô theo bộ đội đi trồng bông ở Thuận Hải, đi đắp đập, trồng lúa nước ở Tây Nguyên. Chiến tranh nổ ra ở biên giới Tây Nam, anh có mặt từ những ngày đầu, khi mới cưới vợ chưa đầy một tháng… Đi và viết. Mỗi vùng đất đều ghi dấu ấn đậm nét trong anh để rồi cho anh những bài ký, những truyện ngắn và tiểu thuyết. Cùng với sự trưởng thành của ngòi bút, anh trưởng thành trong vai trò lãnh đạo chỉ huy một cơ quan văn học. Anh là mẫu người quyết liệt trong công việc và trong sáng tác. Nhưng anh là nhà văn, người ta tìm hiểu anh cũng phải tìm hiểu từ tác phẩm của anh!

Cho đến khi anh 60 tuổi, cầm cái thông báo quyết định nghỉ hưu, anh chỉ trăn trở một nỗi băn khoăn là cơ quan mình - Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi anh làm Tổng Biên tập, sẽ phát triển như thế nào. Còn ngoái lại một đời văn, theo tôi là anh đã trọn vẹn với dăm tập truyện ngắn: Biển đêm (1982), Những cuộc tình đã qua (1983), Quà tặng (1999), Những người sẽ vào thành phố (1996), Ảo ảnh (2004), Phía sau người lính (2008); 5 tiểu thuyết: Người ở thượng nguồn (1983), Giám định của đất (1987), Những cuộc tình đã đi qua (1989), Khoảng sáng không mất (1992), Thượng Đức (2005); 2 tập bút ký: Giữ yên giấc ngủ cho Người (1997), Nơi Tổng thống Hoa Kỳ đi qua (2004). Tổng số trang viết cũng dễ tới 3 vạn trang. Đấy là chưa kể hàng trăm bài báo thông tin chiến sự được viết ngay trên chiến hào thời đánh giặc. Thế thì cũng đã nhiều. Nhưng cái chính là có bạn đọc, có tác phẩm có rất nhiều người đọc, dư luận đánh giá cao. Vậy là hạnh phúc, vậy là có đóng góp.

Nguyễn Bảo là nhà văn chuyên về văn xuôi, nét riêng của anh thể hiện rõ ở hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.

Cảm hứng chủ đạo của mỗi truyện ngắn Nguyễn Bảo thường là cảm hứng về đạo lý, giọng văn điềm đạm, trầm tĩnh, không lên gân, không tỉa tót, hoa mỹ, cứ như là có sao nói vậy. Nó không làm ta day dứt, thắc thỏm vì số phận trái ngang của nhân vật hay sự ám ảnh của những chi tiết..., nhưng dư âm của truyện thì cứ thấm dần vào người đọc về kinh nghiệm ứng xử với cuộc đời của người lính trong và sau chiến tranh. Tôi nhớ rất rõ một truyện ngắn hay từ tập Ảo ảnh có tên Chuyện của một vị tướng. Câu chuyện không phải là sự ca ngợi phẩm chất tuyệt vời dũng cảm, thông minh của người lính Châu Khải Định, người sau này trở thành một vị tướng mà là ở khía cạnh khác: mối quan hệ quân dân. Châu Khải Định là người mưu cao kế giỏi lừa địch như lừa đứa trẻ con, thế mà khi về hưu, vị tướng lẫy lừng một thủa ấy phải thốt lên: “Kỳ diệu thế! Giấu được thằng địch, té ra chẳng giấu được dân”. Bài học vì dân, gần dân, luôn là bài học mới mẻ; câu chuyện nói thêm một khía cạnh nhỏ mà sâu: người cán bộ phải biết luôn học tập trí tuệ từ dân. Truyện ngắn Nguyễn Bảo là chuyện về nhân cách làm người. Mỗi truyện có thể coi như bài học về cách sống, vô luận trong hoàn cảnh nào, con người ta cứ sống trung thực, trung thực đến đáy thì sẽ nhận được nhiều quà tặng của cuộc sống. Một người lính như Toản, vì trung thực mà anh lại không gặp may trong chiến tranh nhưng ở thời bình, vẫn bản lĩnh ấy, phẩm chất ấy anh lại nhận được quà tặng vô giá từ bài học: hãy là chính mình trước mọi cám dỗ, cho dù đó là những cám dỗ ngọt ngào nhất (Quà tặng)…

Truyện ngắn Nguyễn Bảo là cái dấu gạch nối giữa hai khoảng thời gian, chiến tranh hôm qua và hòa bình hôm nay, nó mang dấu ấn một thời đánh giặc và một thời hòa bình còn mới mẻ nên đầy sự ngổn ngang bề bộn. Tôi phân loại một cách ước lệ rằng ở xứ ta hôm nay có hai loại truyện ngắn, một loại thiên về truyền thống, cổ điển, một loại thiên về hiện đại cách tân. Loại thứ nhất coi tình huống là thi pháp chủ đạo, loại sau hướng sự quan tâm vào chi tiết, lời văn, giọng điệu. Tôi xếp truyện Nguyễn Bảo vào loại thứ nhất. Mỗi truyện của anh là một tình huống mà bạn đọc có thể dễ dàng gọi tên ra tình huống ấy. Anh giỏi tạo tình huống. Nhưng ấn tượng về cách kể trong truyện ngắn của anh, theo tôi là nghệ thuật tạo điểm nhìn, một điểm nhìn luôn soi chiếu đồng thời cả quá khứ và hiện tại để tạo ra một kiểu kết cấu song hành tuyến tính rõ ra là truyện ngắn Nguyễn Bảo. Quá khứ thường là cảnh chiến trận hôm qua, hiện tại thường là cảnh hòa bình hôm nay, câu chuyện có khi bắt đầu từ thời hiện tại, lấy điểm tựa là hiện tại để rồi ngược về quá khứ chứng minh, lý giải, cắt nghĩa một sự kiện, một tính cách nào đó. Có thể hình dung mỗi truyện như một dòng chảy uốn lượn giữa đôi bờ thời gian hôm qua và hôm nay, luôn soi chiếu, bổ sung cho nhau giúp người đọc hình dung rõ hơn về nhân vật. Khoảng cách giữa hai thời quá khứ và hiện tại thường không xa, có khi chỉ là một quãng ngắn trong cuộc đời nhân vật nên các sự kiện, chi tiết trong quá khứ được kể vẫn như tươi nguyên. Thời quá khứ lại luôn được khúc xạ qua trường nhìn nhân vật, thường là “tôi” kể lại chuyện mình hoặc mình biết nên câu chuyện kể vừa trung thực vừa giàu cảm xúc.

Truyện ngắn Nguyễn Bảo được viết, chắt ra của một người đã trải đời nên nó mực thước, khuôn mẫu, giản dị, đúng mực. Các độc giả đã có tuổi với độ lịch duyệt nhất định mới tìm đến loại truyện này, còn các bạn trẻ thì họ lại ưa một sự bung phá, quẫy đạp của những cái “tôi” đầy khát khao đổi mới. Nhưng khi đọc tiểu thuyết Nguyễn Bảo thì người trẻ hay người không còn trẻ đều thấy hợp “khẩu vị”, vì ở thể loại này nhà văn thực sự đã “hóa thân” để viết. Những nét riêng nổi bật của phong cách Nguyễn Bảo rõ hơn ở tiểu thuyết.

Một điều rất nên lưu ý là tiểu thuyết của anh cứ ngày càng chín dần về ý tưởng nhưng cứ trẻ ra về cách viết, chữ trẻ ở đây tôi muốn nói về sự đổi mới trong cách xây dựng nhân vật, trong lời văn, giọng điệu… Bắt đầu từ cuốn đầu tiên Người ở thượng nguồn (1983) bạn đọc đã thấy dấu hiệu của một bút lực tiểu thuyết chuyên về đề tài chiến tranh và người lính, đến Giám định của đất, Những cuộc tình đã đi qua… vững vàng hơn nhưng vẫn còn nặng về sự kiện tư liệu, nhưng đến Thượng Đức thì thực sự là một bứt phá. Cuốn tiểu thuyết ra đời đã tạo được dư luận, hai lần giải thưởng, giải của Hội Nhà văn (2006) và Bộ Quốc phòng (2004 -2009) càng khẳng định giá trị của nó. Tác phẩm đã đưa Nguyễn Bảo trở thành một trong những nhà tiểu thuyết có thành tựu chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Thượng Đức đã tiểu thuyết hóa thành công chiến dịch Thượng Đức thời đánh Mỹ, mà để viết được nó Nguyễn Bảo phải sống, viết và đánh giặc nhiều năm ở vùng đất ấy. Nét đặc sắc của tiểu thuyết ấy là gì?

Tiểu thuyết đã tái hiện một cách sinh động khí thế hừng hực của một thời đánh giặc. Chúng tôi cho rằng rồi đất nước ta sẽ giàu mạnh, văn minh, nhưng càng giàu mạnh văn minh càng không quên được quá khứ. Trong giáo dục con người, nếu không chú trọng giáo dục đạo đức thì rất dễ đào tạo ra những con người thông minh nhưng lại độc ác. Thế cho nên những đoạn văn miêu tả hình ảnh quần chúng cách mạng xả thân để có ngày độc lập tự do trong Thượng Đức phải nên đưa vào sách giáo khoa: “Những bà mẹ lao lên trước mũi xe ủi của thằng địch, tay cầm cuốc, tay xách can xăng: - Mày cứ nghiến vào đây. Tao chết mày chết. Những chị ôm con nhỏ trong lòng lăn ra ngay trước xe bọc thép của địch. Những đoàn học sinh, sinh viên trẻ măng phơi phới tuổi xuân rầm rập xuống đường biểu tình đấu tranh. Súng địch xả vào họ…”.

Chúng tôi đánh giá cao sự đổi mới cấu trúc nhân vật, có thể gọi là xu hướng phá vỡ cấu trúc nhân vật. Có một quan niệm về hình tượng người lính trong tiểu thuyết này, đó là quan niệm con người chính là con người. Trước 1975 các nhà văn có xu hướng đẩy nhân vật vào miền “không khí vô trùng” nên nhân vật đẹp quá, lý tưởng quá, gần với người trời mà xa với người trần. Rất không nên phê phán đây là căn bệnh minh họa, ở thời ấy thì phải có những nhân vật ấy. Cái thời con người sống với nhau trong vắt thì có những nhân vật như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu là đúng thời. Nhân vật trong Thượng Đức đã được giải phóng ra khỏi công thức “người trời” hôm qua để trở về với đúng nghĩa con người bình thường, người đời. Các nhân vật dù ở cương vị chỉ huy nhưng cũng đầy khuyết tật của con người, cũng nóng vội, chủ quan, duy ý chí, cũng nói tục chửi bậy, cũng trai nọ gái kia “tình cảm dạt dào lắm”, cũng run sợ hoang mang khi thất bại hay đứng trước cái chết... như Hoàng Đan - Tư lệnh quân đoàn, Hoàng Thủy - Bí thư huyện ủy... Khi nhà văn trả hình tượng người lính về đúng bản chất con người của hình tượng thì điều đó đồng nghĩa với viêc miêu tả đúng bản chất khốc liệt của chiến tranh. Đã là con người thì ai cũng muốn sống, ai cũng muốn hưởng thụ, ai cũng có tính nọ tật kia... mà chiến tranh thì là một thứ thuốc thử để con người hiện ra đúng với bản chất. Qua đó bạn đọc hôm nay hiểu hơn thực chất của những mất mát hy sinh của người lính hôm qua, để sống cho xứng đáng với quá khứ.

Nhưng đổi mới thể loại rõ nhất ở loại nhân vật kẻ thù. Đây cũng là quan niệm con người chính là con người, bên ta có kẻ xấu người tốt thì bên địch cũng thế, cũng có người hay kẻ dở, và trong một con người cái tốt cái xấu cũng lẫn lộn. Các nhân vật trung tá Nguyễn Quốc Hùng, thiếu tá Lầu, thiếu tá Tín… tuy là kẻ thù nhưng vẫn có bản chất rất người, thông minh, lịch sự, học vấn cao, có tình thương… Đây không phải là cái nhìn sai trái mà là cái nhìn đúng về con người. Thì ra những con người lầm đường lạc lối kia không hoàn toàn đánh mất tính người. Ở ngày hôm nay rất cần những cái nhìn nhân văn ấm áp ấy để con người quên đi quá khứ lầm lạc, để con người tin hơn vào tình người, tình đời. Tác phẩm là một minh chứng thành công của thể tiểu thuyết sử thi - tâm lý, không chỉ miêu tả tâm lý mà vươn tới sự phân tích tâm lý khá thuần thục, biện chứng, tự nhiên, như đoạn phân tích tâm lý nhân vật trung tá ngụy Nguyễn Quốc Hùng khi sắp tự sát, ở thời điểm ấy tình người của nhân vật thật sự làm rung động độc giả. Nhà tiểu thuyết đã không quan niệm kẻ thù chỉ ở phương diện thú tính mà còn nhìn họ ở cả phần nhân tính. Thêm cái nhìn nhân tính đã giúp ngòi bút khám phá nhân vật kẻ thù góc cạnh hơn, sâu sắc hơn.

Có thể dùng mấy chữ tính người, tình người để khái quát vẻ riêng của tiểu thuyết Thượng Đức cũng như cả những sáng tác văn xuôi của anh, và cả con người ngoài đời của anh. Một nhà văn, một con người luôn xử thế với phương châm lấy tình người, coi tính người làm trọng, thì đấy là một nhà văn đáng kính, một con người đáng phục. Nhà văn ấy, con người ấy là Nguyễn Bảo!

N.T.T

(255/5-10)




Các bài mới
Một hộp đào (25/06/2010)
Cha và con (14/06/2010)
Các bài đã đăng
Du, Sa, Miên... (31/05/2010)