Tạp chí Sông Hương - Số 255 (tháng 5)
Tê tái và đê mê: cách lý giải của giới mỹ thuật
15:56 | 11/06/2010
ĐIỀN THANH(sưu tầm và giới thiệu theo bài viết nhan đề “Agony and Ecstasy” đăng trên tạp chí The Nation, Hoa Kỳ, ngày 1. 12. 2008 của Barry Schwabsky)
Tê tái và đê mê: cách lý giải của giới mỹ thuật
Phê bình gia Barry Schwabsky - Ảnh: internet
Trong những thập kỷ gần đây, triết lý mỹ thuật luôn day dứt, luôn thắc mắc về một vấn đề bí ẩn, khó hiểu, là tại sao một vật nào đó lại được coi, hoặc không được coi là một tác phẩm mỹ thuật. Theo ý kiến Thierry de Duve, nhà văn Bỉ, kể từ khi Marcel Duchamp (năm 1917) đem triển lãm tác phẩm của ông nhan đề “Fountain” (Bồn đi tiểu) và các vật dụng đúc sẵn khác đến nay, hình thức của việc đánh giá mỹ học đã trải qua một sự chuyển đổi, từ “cái này đẹp” (this is beautiful) đơn giản sang “cái này mới là mỹ thuật” (this is art).

Còn đối với nhà triết học, tình trạng mỹ thuật giống như một cái công-tắc đèn điện, hoặc bật hoặc tắt, lúc “on” lúc “off”. Nhưng thực tế, giới mỹ thuật ngày nay không phải như vậy, đó là lý do tại sao Howard Becker, một nhà xã hội học, phàn nàn rằng thế giới mỹ thuật của nhà triết học “không còn nhiều thịt bám trên khung xương của nó lắm”. Theo quan điểm của Becker, đối với các nghệ sĩ, các nhà sưu tầm, và các nhà phê bình, liệu một vật gì đó có phải là một tác phẩm mỹ thuật hay không lại có ít chất nhất. Trong thế giới mỹ thuật của nhà xã hội học này, các tôn ti trật tự, các cấp hạng và các thứ bậc về lỗi lạc, xuất chúng lại ngày càng tăng lên. Vị thế và danh tiếng là tất cả, và có đầy rẫy những thắc mắc, những câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề này, đại loại như:

(i) Tại sao các tác phẩm có vẻ hào nhoáng của Jeff Koons lại được treo ở các viện bảo tàng lớn khắp thế giới trong khi các bức hoạ không kém phần mùi mẫn của Thomas Kinkade lại không bao giờ được đếm xỉa tới?

(ii) Tại sao “Xí nghiệp” của Gavin Brown, chứ không phải là khu trưng bày hội hoạ ngoài trời tại Quảng trường Washington, lại là nơi gặp gỡ, nơi lui tới, nơi hẹn hò của giới mỹ thuật?

(iii) Tại sao tác phẩm của một số nghệ sĩ lại vớ được hàng triệu đô-la tại các cuộc bán đấu giá trong khi tác phẩm của các nghệ sĩ khác cũng có tên tuổi và cũng tham gia triển lãm đã lâu năm lại chỉ bán được vài ngàn, và có lẽ sau đó sẽ không bao giờ có thể bán sang tay người khác được nữa?

(iv) Làm thế nào các quan điểm trái ngược, xung đột nhau về giá trị của các tác phẩm mỹ thuật khác nhau có thể hoà quyện thành một sự đồng thuận, có tính chất đại thể và lắng đọng, về ranh giới của những gì trước hết được coi là mỹ thuật?

Người ta cũng có thể đặt những câu hỏi tương tự như vậy trong các lĩnh vực khác, nhưng trong mỹ thuật mấy trăm năm qua, những câu hỏi như vậy vẫn xoay quanh bản chất của nó: mỹ thuật chính là lĩnh vực tồn tại để có nhiều tranh luận về thực chất mỹ thuật là gì. Và những câu hỏi như vậy đặt ra không chỉ đối với giới sành sỏi, am hiểu mỹ thuật, mà chúng còn làm cho công chúng rộng rãi cũng phải để tâm suy nghĩ. Có lần một người bình thường xem một hoạ phẩm của Picasso rồi nhận xét, “Con tôi vẽ còn đẹp hơn”. Ngày nay đứa bé đó đã lớn, cảm thấy ngạc nhiên nhưng không còn cảm thấy bị xúc phạm, khi đọc tin rằng một con cá mập trong một bể kính đáng giá cả một gia tài nhưng đã được hào phóng đem cho Viện Bảo tàng Thành phố New York mượn. Giờ đây, anh ta thán phục, dù bất đắc dĩ, con người tinh quái kia, người có thể dàn dựng toàn bộ sự việc đó, và thấy khá thú vị được đem chuyện ấy ra bàn - cho dù ngắm nhìn bản thân con vật đó cũng chẳng thú vị gì cho lắm - đấy là theo ý kiến của anh ta.

Sarah Thornton đã dành hẳn 7 ngày, lăn lộn trong thế giới mỹ thuật đồng thuận cao - thế giới trong đó các tác phẩm của Jeff Koons giá lên như diều, chứ không phải các sáng tác của Thomas Kinkade - một thế giới mỹ thuật tự cho mình cái quyền gọi là giới mỹ thuật. Thornton không hề phản bác hoặc ủng hộ cái ý muốn độc quyền khả năng định nghĩa mỹ thuật ấy; chị thừa nhận nó theo giá trị bề ngoài của nó. Có một thời Howard Becker đã tạm thời chia những người hành nghề mỹ thuật thành 4 loại hình: các nghệ sĩ chuyên nghiệp tổng hợp, những người không theo qui tắc của tổ chức, nghệ sĩ dân gian, và nghệ sĩ nửa mùa. Chỉ có loại hình chuyên nghiệp xuất hiện trong cuốn sách của ông, và phần lớn trong bọn họ bị coi là không đủ tư cách: một người chuyên cung cấp các tranh phong cảnh cho các phòng khách sạn cũng chiếm một vị trí không hơn gì người có thú chơi độc đáo nhất. “Bảy ngày trong Thế giới Mỹ thuật” (Seven Days in the Art World) của Sarah Thornton là một cuốn sách mà tôi xin giới thiệu với bất cứ ai muốn biết thế giới mỹ thuật chuyên nghiệp độc quyền như thế nào. Đối với bất cứ ai muốn hiểu lý do tại sao nó lại như vậy, và muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và một nội dung mang tính so sánh hơn những gì Thornton đã cung cấp, cách lựa chọn tốt nhất là hãy đọc công trình nghiên cứu cổ điển mang tính chất xã hội học của Becker nhan đề “Các thế giới Mỹ thuật” (Art Worlds), mới được tái bản gần đây, được cập nhật và mở rộng phạm vi hơn.

Nghệ sĩ Sarah Thornton - Ảnh: canadianart.ca


Mỗi một ngày trong số 7 ngày của Thornton là một cuộc lặn lội trong một khung cảnh môi trường điển hình của hoạt động thế giới mỹ thuật: cuộc bán đấu giá, cuộc kiểm tra năng khiếu mỹ thuật, hội chợ, cuộc chuẩn bị cho Giải thưởng Turner, các hoạt động văn phòng của một tạp chí mỹ thuật, xưởng sáng tác của một nghệ sĩ (chính là xưởng sáng tác của Takashi Murakami, nghệ sĩ Pop Art Nhật Bản), Hội chợ Mỹ thuật Venice tổ chức hai năm một lần… Có điều lạ là trong số những ngày đó, không có ngày nào dành cho bảo tàng mỹ thuật, chắc chắn là điểm đến cuối cùng đối với mọi nghệ sĩ chuyên nghiệp đương đại. Có lẽ điều này phản ánh thực tế là bất chấp lời khuyến cáo của Thornton rằng “thế giới mỹ thuật rộng mênh mông hơn thị trường mỹ thuật”, cách nhìn của chị về thế giới mỹ thuật vẫn phản ánh tính tập trung của thị trường trong thập kỷ qua. Dẫu sao, tính tức thời “đấy, bạn thấy không” mà chị cố gây dựng - được nhấn mạnh thêm bằng những tiêu đề của các phần trong phạm vi từng chương theo dòng thời gian trong mỗi ngày trôi qua - chính là một hư cấu tiện lợi vậy; nhưng nêu trúng vấn đề hơn chính là 5 năm mà Thornton đã dành cho việc nghiên cứu để viết cuốn sách và phỏng vấn rộng rãi trong thế giới mỹ thuật. Thornton không phải là nhà báo điển hình, mà là một nhà xã hội học, với cuốn sách xuất bản trước đây, một công trình nghiên cứu gần với dân tộc học về văn hoá câu lạc bộ nổi lên như sóng cồn ở Anh quốc đầu những năm 1990. Chị là một người dạn dày kinh nghiệm trong việc sử dụng phương pháp quan sát có nhiều người tham gia để lần mò ra được cái hệ thống ngầm của các thỏa thuận và các xung đột hình thành nên một cộng đồng, cơ cấu bằng những phân cấp ngôi thứ. Trong khi viết cuốn “Bảy ngày”, Thornton đã cố gắng, có lẽ quá thiết tha, để có một giọng văn cởi mở, bình thường, không bị trở ngại vướng víu vì bất cứ một sự phát triển lên thành lý thuyết không úp mở nào, đi quá sâu vào việc miêu tả trang phục của mọi người. Tuy vậy, kiến thức bác học, có tính chất hàn lâm của chị đã nâng chị lên trên một tầm cao do chị sắp xếp định ra “mạng lưới những nền tiểu văn hoá đan xen nhau, chồng chéo nhau, được tập hợp với nhau bằng một niềm tin vào mỹ thuật”.

Việc Thornton coi thế giới mỹ thuật như là một tiểu văn hoá khiến ta phải ngạc nhiên. Một chuyến thăm quan tại một trong số các viện bảo tàng lớn trưng bày mỹ thuật hiện đại và đương đại, tồn tại trong mọi thành phố quan trọng, rất có thể dễ dàng thuyết phục nhà quan sát rằng mỹ thuật chẳng qua chỉ là văn hoá dung dị, chứ không phải tiểu văn hoá- đó chính là điều cốt lõi, nổi bật trong xã hội. Xét cho cùng, biết bao tiền của và niềm kiêu hãnh công dân đã được đầu tư vào trong đó. Nhưng những con người tạo nên thế giới mỹ thuật ấy vẫn thường phân vân tự hỏi liệu văn hoá của họ có thực sự là trung tâm hay không. Rõ ràng bản thân họ tin là như vậy, nhưng họ ý thức sâu sắc rằng có điều gì đó lập dị, kỳ cục về mối liên quan giữa họ với nền văn hóa nói chung, một thứ gì đó rất mong manh. Cũng giống như nền văn hoá câu lạc bộ mà Thornton đã nghiên cứu trước đây, thế giới mỹ thuật là cả một môi trường đặc thù, chuyên ngành, dựa trên cơ sở khiếu thẩm mỹ, sở thích; cả hai đều tuỳ thuộc vào giá trị của tính xác thực và thái độ miệt thị thẩm mỹ của văn hoá quần chúng chủ đạo. (Do đó một nhà sưu tầm mê Roy Lichtenstein không thể trở thành người hâm mộ các truyện tranh vui được). Người xuất bản “Diễn đàn Mỹ thuật” đã miễn cưỡng thừa nhận rằng tạp chí của ông ta là “một cơ quan theo một nghĩa ngồ ngộ”, và đại loại như thế, mỹ thuật đương đại cũng là một nền văn hoá, nhưng theo một nghĩa khôi hài vậy thôi. Thế giới mỹ thuật không biết được liệu nó có phải là một loại hình tiểu văn hoá có kỳ vọng muốn trở thành một nền văn hoá hay là một nền văn hoá kỳ vọng trở thành một loại hình tiểu văn hoá hay không.             

Cả hai Thornton đều không biết, còn đối với niềm tin đầy tự hào nhưng đầy băn khoăn lo lắng của các cư dân thế giới mỹ thuật rằng họ có phần khác với những người khác không, thì chị chỉ có thể đồng tình mà thôi. Chị thấy rằng “Ngay cả ở nơi thẳng thắn nhất của thế giới mỹ thuật, các cá nhân nghệ sĩ đều có tính cách riêng” - na ná như ý kiến của nhà xuất bản tạp chí mỹ thuật giải thích sự mến mộ của ông đối với thế giới mỹ thuật bằng cách miêu tả nó như là “nơi tôi tìm thấy những tâm hồn thân quen nhất - có đủ những con người lập dị, học lực có thừa, lỗi thời, vô chính phủ, làm cho tôi vui sướng vô ngần”. Nhưng họ không biết được rằng liệu sự đam mê của họ là cao thượng hay đê tiện: một nhà sưu tầm coi nó như là một tôn giáo và một sự say mê. Còn một chủ gallery thì lại tổng kết một cách mỹ miều nghề nghiệp của mình “Ngành kinh doanh của chúng tôi chuyên bán các triệu chứng được biến tấu thành những tác phẩm.” Điều mơ hồ khó hiểu ở đây là liệu các triệu chứng đó chỉ là những biểu hiện của một số cá nhân lập dị hay là của cả nền văn hoá rộng lớn kia. Các nghệ sĩ tin vào cách nhìn nhận vấn đề của họ - người thì bảo: “một cách nhìn toàn diện về mọi vật phải như thế nào,” người khác thì lại nói: “đó là một cách lý giải thế giới hoàn toàn mang tư chất của một cá nhân” - và để giúp cho các nghệ sĩ có thể thành công, các nhà sưu tầm, các nhà buôn tác phẩm và các nhà phê bình mỹ thuật cũng phải tin tưởng vào cái đó với họ. Các nhà sưu tầm nói: “Những gì chúng tôi tìm kiếm chính là tính thống nhất toàn vẹn”. “Nỗi ám ảnh đã trở thành một biểu hiện của danh dự: Takashi lao động sáng tác bức tranh này miệt mài tới mức nhiều người giúp việc đã bỏ ra đi,” một người buôn tranh say sưa, thao thao nói bên tác phẩm mà ông muốn bán, nhẹ nhàng nhập nhằng lao động của các phụ tá của Murakami với lao động của người chủ xướng. Nhưng đồng thời họ tin rằng “một bộ sưu tầm các tác phẩm cũng là một cách nhìn cá nhân - nó tượng trưng cho quan điểm độc nhất và độc đáo của các nhà sưu tầm đối với các tác phẩm (tuy vậy, cũng như các nghệ sĩ, họ cũng muốn thấy mình được vinh danh tập thể)”.   

Chính vì giá trị của một tác phẩm mỹ thuật luôn luôn bị tranh cãi, đặc biệt khi nó chưa được thần thánh hoá do thời gian (tức là do thói quen), cho nên những người trong thế giới mỹ thuật ít cảm thấy yên ổn về vị trí của họ trong thế giới ấy. Có người nói: “Nhà sưu tầm là lớp người kiếm được tiền; có một sự phân biệt ngấm ngầm giữa các nhà sưu tầm “chân chính”, họ mua tác phẩm vì những lý do “chính đáng”, với những thương lái mua bán chỉ vì mỹ thuật - nhưng điều này có nghĩa tiền của nhà sưu tầm ít có tác dụng bảo vệ ở khía cạnh bị xét đoán bởi các lái buôn mỹ thuật (ít nhất là những nhà buôn mà nhà sưu tầm tôn trọng coi như những nhà buôn mỹ thuật chân chính), các nghệ sĩ và trước hết là các đồng nghiệp sưu tầm mỹ thuật (những con người chân chính thực sự, dĩ nhiên). Cũng như vậy, các nghệ sĩ thường xuyên bị giày vò vì những lo lắng về việc không biết họ bị các lái buôn, các nhà phê bình và các nghệ sĩ khác nhìn nhận mình như thế nào. Thành công có thể là một dấu hiệu cho thấy người ta đã trở nên chán ngấy và không sáng tạo nữa. Và dĩ nhiên, trong khi Thornton miêu tả các nghệ sĩ, các nhà phê bình, các giám tuyển mỹ thuật, các lái buôn, các chuyên gia của các nhà bán đấu giá, và các nhà sưu tầm…, tất cả đều là một bộ phận của một thế giới mỹ thuật rộng lớn, thì chính bản thân họ không phải lúc nào cũng công nhận lẫn nhau như thế, như khi một nghệ sĩ tình cờ nói về “những người không phải là đồng nghiệp của anh ta, như các nhà sưu tầm, các cán bộ bảo tàng”...

Một khía cạnh khác thường của thế giới mỹ thuật - ít nhất trong số những người mua tác phẩm mỹ thuật chứ không phải lao động sáng tác ra chúng - đều không được Thornton nhắc đến, mặc dù một số người đối thoại của chị có ám chỉ nhắc đến: thực tế là ở Hoa Kỳ và Anh quốc, tình hình sưu tầm mỹ thuật chủ yếu nằm trong tay người Do Thái, và có lẽ, ở một mức độ ít hơn, cả việc quản lý hoạt động này nữa. Bây giờ quay sang xem xét tình hình Luân Đôn, sự quan tâm sát sao chưa từng có từ trước tới nay đến mỹ thuật đương đại rất có thể chưa từng diễn ra nếu không nhờ có nỗ lực của hai người, cả hai đều gốc Do Thái: đó là Charles Saatchi, nhà sưu tầm sinh trưởng ở Iraq, và Nicholas Serota, giám đốc Gallery Tate. Một nhà sưu tầm đã ví một phiên bán đấu giá buổi tối tại Nhà Christie với buổi “đi lễ giáo đường vào những Ngày Lễ Lớn. Mọi người đều quen biết nhau, nhưng họ chỉ gặp nhau một năm đôi ba lần, và thế là họ chuyện trò rôm rả để nắm tình hình”. Một vị giám khảo Giải thưởng Turner ví mỹ thuật với những ghi chép lịch sử trong Talmud về các cuộc tranh luận tập trung xung quanh Luật của người Do Thái: “một cuộc đối thoại tiếp diễn bất tận dung nạp đủ các loại quan điểm”. Thornton quan sát giám đốc Basel, hội chợ mỹ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới, đi quanh một lượt các gian hàng tại hội chợ: ông trò chuyện với các khách hàng, các lái buôn mỹ thuật, bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, và Thornton quan sát, “tôi nhớ tôi thậm chí còn nghe thấy ông ta nói “Shalom!” (xin chào - tạm biệt) nữa”.

Những đặc trưng ngấm ngầm đậm chất Do Thái chắc chắn len lỏi vào tình cảm mà thế giới mỹ thuật, có lẽ chỉ một bộ phận của thế giới đó thôi, được tách riêng sang một bên bằng cách này hay cách khác, mà cũng chỉ “theo một nghĩa khôi hài thôi.” Nó cũng góp phần giải thích tại sao thẩm mỹ của thế giới mỹ thuật thực sự là một vấn đề đạo đức, một thứ thẩm mỹ tìm kiếm một thứ gì đó còn cao đẹp hơn cả thú chơi đơn thuần. Một trong những quan sát sâu sắc nhất trong “Bảy ngày” không phải là của một nghệ sĩ nổi danh nào hay một viện đại học nghiền ngẫm nghiên cứu nào mà Thornton đã trao đổi, mà là của nhà sưu tầm, khi được hỏi ông có thích các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ tuổi không thì ông trả lời: “Tôi không nhất thiết phải thích các tác phẩm ấy nhưng tôi vẫn mua chúng”. Đây là một chuyện khôi hài nhưng nó hoàn toàn nghiêm túc, và xét từ góc độ sưu tầm, nó là một giai đoạn phát triển cao hơn của nhận thức - nó cũng giống y như khi một nghệ sĩ sáng tác một tác phẩm nào đó mà anh ta không nhất thiết phải thích tác phẩm ấy. Thực tế là ngay từ đầu thế kỷ trước đã thế rồi, chẳng hạn vào năm 1905 khi Gertrude và Leo Stein mua tác phẩm “Người phụ nữ đội mũ” (The Woman with the Hat) của Matisse, giờ đây là một trong những báu vật của Viện Bảo Tàng Mỹ thuật Hiện đại San Francisco. Leo hồi tưởng lại “Đó là bức sơn dầu nguệch ngoạc nhất mà tôi chưa hề thấy. Tôi mà không mất vài ngày khắc phục cảm giác khó chịu ấy, thì tôi đã không chộp ngay lấy tác phẩm đó đâu”. Nhưng dĩ nhiên có một điều qui định: cứ mua một tác phẩm đi, trước khi bạn học được cách thích nó, hoặc cứ sáng tác một tác phẩm nào đó mà bạn chưa học được cách thích nó, thì không thể giống như mua tác phẩm bởi vì một người nào đó khác thích tác phẩm ấy hoặc sáng tác tác phẩm mà một người nào đó muốn bạn sáng tác - cho dù đấy chính là điều mà không biết bao nhiêu nhà sưu tầm hoặc không biết bao nhiêu nghệ sĩ làm như vậy. Tách được mình ra khỏi những thói đỏng đảnh của thị hiếu của môi trường xung quanh mình là một thành tựu đáng kể. Nhưng tách được mình ra khỏi thị hiếu của chính mình thì thật là hiếm có hơn nhiều. Nắm vững được thị hiếu, sở thích của chính mình và theo đuổi nó chính là tính trước sau như nhất, nhưng nắm được những hạn chế của thị hiếu của mình, rồi lại có ý muốn khắc phục chúng lại là một hình thức còn cao cả, tao nhã hơn tính trước sau như nhất và khả năng nhạy bén trong kinh doanh. Một hoạ sĩ giải thích về tác phẩm của chị như sau: “Tôi biết nó kết thúc khi tác phẩm cảm thấy độc lập hẳn tôi”. Còn một nghệ sĩ điêu khắc nói: “Tôi không nhất thiết phải yêu những thứ tôi đang tạo ra… Đó là cho phép ta chấp nhận những gì ta làm”.

Vào lúc mỹ thuật vẫn còn đang nổi đình đám phần lớn nhờ những giá cả phi lý mà người ta vẫn tự nguyện chi trả, nếu nói rằng đạo đức của thế giới mỹ thuật kéo theo một sự mâu thuẫn trong tư tưởng rất sâu sắc về cơ sở tài chính của nó nghe có vẻ ngạc nhiên - “cái sợi dây rốn bằng vàng” luôn luôn trói buộc nó với giai cấp thống trị, như Clement Greenberg đã nhận xét. Mặc dù thế giới mỹ thuật đầy dẫy những con người có biệt tài kiếm tiền, nhận xét của tôi là đối với phần lớn trong số họ - kể cả những nhà buôn và sưu tầm mỹ thuật - có rất ít khả năng hợp lý về kinh tế đối với hành vi của họ, hoặc có khả năng hợp lý về kinh tế nào chăng nữa là cái vẻ bề ngoại che đậy những động cơ của họ mơ hồ, khó hiểu hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là các động cơ ấy là phần nào “thanh khiết” mà là thậm chí mỹ thuật tưởng như hoàn toàn gắn liền với văn hoá thương mại thì cũng vẫn gắn liền theo kiểu khả năng tưởng tượng bằng hình ảnh.

Nghệ sĩ Takashi Murakami - Ảnh: guggenheim-bilbao.es


Thornton nhắc đến 7 chương sách của chị như những bản tường thuật, nhưng phần lớn chúng giống như những bức tranh cắt dán các bức ảnh chụp nhanh. Chỉ có một chương thể hiện đúng nghệ thuật tường thuật truyền thống, với những khát vọng, những chướng ngại vật, hồi hộp và thành công - và nó hoá ra lại là một điểm sáng nổi bật của tác phẩm. Đó là chương nói về Takashi Murakami, người mà ta đang được chứng kiến anh đang vật lộn để thực hiện tác phẩm vĩ đại nhất của đời anh, cho kịp cuộc triển lãm hồi tưởng tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại ở Los Angeles. Chương này cùng là một minh hoạ cho mối quan hệ lạ kỳ giữa mỹ thuật với tiền bạc. “Xưởng sáng tác” của Murakami thực chất là một khu kinh doanh liên hợp với các trung tâm ở Tokyo và TP New York, với tống nhân viên lên tới 90 người. Nhưng như một người giao dịch thú nhận sau chuyến thăm “Xưởng sáng tác” thì thấy, “Xưởng sáng tác” phát đi một thông điệp, nói lên rằng, “chúng tôi không phải là một phân xưởng sản xuất bừa bộn. Chúng tôi hoạt động kinh doanh rất sạch sẽ, tươi nguyên và chuyên nghiệp”. Và đối với câu châm ngôn của Andy Warhol: “Kinh doanh giỏi là loại hình nghệ thuật hấp dẫn nhất, lôi cuốn nhất, quyến rũ nhất… Kiếm tiền là nghệ thuật, lao động là nghệ thuật và kinh doanh giỏi là nghệ thuật tuyệt nhất”, Murakami cười ngất đáp: “Đó quả là kỳ diệu!”

Và Murakami nói đúng. Đó chính là cuộc tình lãng mạn cuối cùng, cuộc tình lãng mạn ở cõi trần, của những con người trần tục. Murakami tâm sự với Thornton: “Tôi vứt bỏ cuộc đời thường của tôi để tôi có thể tập trung vào công việc của mình. Ta muốn mong chờ một câu chuyện lãng mạn hơn ư?” Ta chỉ có thể hy vọng Thornton sẽ đáp “Còn gì lãng mạn hơn thế được nữa?!” Một nhà lý luận nổi tiếng về mỹ thuật gần đây có viết: “Lời rêu rao của một nghệ sĩ nào đó cho rằng sáng tác của mình là một hành động sáng tạo, không đoán trước được, giờ đây nghe có vẻ cổ lỗ lắm rồì và ngày nay thế giới mỹ thuật không coi trọng điều ấy lắm.” Những gì mà cuộc đi điền dã của Thornton cho thấy là thế giới mỹ thuật coi ý tưởng này rất nghiêm túc. Tại đỉnh cao của chương về Murakami, bức tượng Phật khổng lồ của anh, mà việc tạc bức tượng này đã gây biết bao vấn đề khó khăn to lớn về kỹ thuật và hậu cần, đã nhô lên trên lò dúc. Mãi đến bây giờ người ta mới vỡ lẽ bức tượng ấy chính là bức chân dung tự tạc của chính Murakami vậy. “Thật không thể tưởng tượng được!” giám tuyển mỹ thuật thốt lên, người từ trước tới nay cứ chờ đợi giây phút anh thành công hay thất bại này. Ông ta đã được hưởng một kinh nghiệm mỹ thuật lãng mạn nhất, bản thân nó cũng là một huyền thoại vô cùng thanh khiết, và mạnh mẽ không thể tưởng tượng nổi: đó là sự phát hiện được cái tôi sáng tạo thông qua việc vận dụng, biến tấu các vật liệu vô tri vô giác. Nó là kết quả của một quá trình thai nghén đau đớn và ngất ngây, Tê tái và Đê mê, mà tất cả chúng ta vẫn còn ngưỡng mộ, vẫn còn say mê.

Đ.T
(255/5-10)



Các bài mới
Một hộp đào (25/06/2010)
Cha và con (14/06/2010)
Các bài đã đăng
Du, Sa, Miên... (31/05/2010)