Tạp chí Sông Hương - Số 141 (tháng 11)
Người dịch G.G. Marquez ấy là bạn tôi
16:10 | 27/05/2010
THANH THẢONgười dịch Marquez ấy chưa một lần gặp Marquez, dù anh đã từng sang tận xứ quê hương văn hào này.
Người dịch G.G. Marquez ấy là bạn tôi
Dịch giả Nguyễn Trung Đức - Ảnh: vietbao.vn
Nhưng chả sao. Nguyễn Trung Đức đã gặp Marquez ở phần tinh túy nhất, bùng nổ nhất, ấn tượng nhất: đó là những tác phẩm của ông. Có thể nói, Nguyễn Trung Đức trong hơn hai mươi năm dịch thuật của mình đã dịch gần như “trọn gói” G.G. Marquez, trừ một tác phẩm anh dự tính sẽ dịch, tiểu thuyết “Mùa thu của trưởng lão” nhưng do phải bận rộn vào hai “cây đa cây đề” khác là Octavio Paz và Luis Borges nên vẫn chưa có thời gian “sờ” tới. Nhớ hồi những năm 80, khi lần đầu tiên những tác phẩm của Marquez xuất hiện ở VN qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức (riêng tiểu thuyết TRĂM NĂM CÔ ĐƠN có thêm phần đóng góp của hai dịch giả tiếng Tây Ban Nha là Quốc Dũng và Phạm Đình Lợi), những người viết văn và độc giả yêu văn học ở VN đã rung động, thậm chí, đã chao đảo.

Hồi đó, có nhà văn trẻ sau khi đọc TRĂM NĂM CÔ ĐƠN đã buột thốt: “Thì ra, còn những kiểu viết khác nữa.” Đúng vậy, không biết khi tác phẩm Marquez vào châu Âu, nó có gây “sốc” như thế chăng, chứ ở VN, Marquez thật sự đã làm đảo lộn, làm thay đổi cách nghĩ, cách viết của không ít nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ. “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” qua các bản dịch của Nguyễn Trung Đức đã khiến ta sờ thấy được, hình dung thấy được những vùng âm u trong thế giới con người, những “vùng cấm” mà trước Marquez, chưa có nhà văn nào sục vào một cách hệ thống như thế, thấu đáo như thế. khi quyết định dấn thân vào những “vùng cấm” ấy, Marquez đã chứng tỏ cho người đọc toàn thế giới biết ông là người can đảm như thế nào. Và khi “dấn thân” vào những tác phẩm của Marquez để chuyển ngữ ra tiếng Việt, Nguyễn Trung Đức tuy âm thầm không hề tuyên bố, nhưng đã chứng tỏ cho những người khát khao muốn thấy một sự thay đổi, một sự cách tân trong nền văn học VN, rằng người muốn cách tân, muốn đổi mới sẽ phải mang trên lưng cái thánh giá nặng tới cỡ nào.

Trong suốt 17 năm tôi chơi thân với Nguyễn Trung Đức, chiếc thành giá nặng trịch của nghề dịch thuật đã không rời lưng anh. Chơi với bạn bè, cùng “tiêu phí” thời gian cho bạn bè không một chút so đo, nhưng ngay sau đó, Nguyễn Trung Đức lại lặng lẽ ngồi vào bàn, và...dịch. Anh nói với tôi, cố gắng lắm mỗi ngày cũng chỉ dịch được từ hai đến ba trang. Vậy chỉ riêng tác phẩm Marquez, anh đã dịch và in đến mấy vạn trang rồi. Nếu ngày xưa người ta dạy phải học đức kiên nhẫn như Ngu Công dời núi, thì với tôi, chỉ cần học đức kiên nhẫn ấy từ những người làm công việc dịch thuật như Nguyễn Trung Đức, là đủ. Cái công việc kiên trì, tiệm tiến, nhiều khi như đơn điệu ấy có làm người dịch thấy chán nản hay mỏi mệt không? Nguyễn Trung Đức lắc đầu: “Tôi càng dịch càng thấy...sướng, càng thấy khỏe, ông ạ.”. Tôi tin. Bởi tôi cũng đã từng võ vẽ dịch dăm ba chục bài thơ, tôi biết nghề dịch khổ và sướng thế nào. Cái khổ thì khỏi nói nhưng cái sướng cũng vô cùng. Nhiều khi, chỉ dùng được một từ Việt tương ứng, một chữ có thần, là đủ sướng tới...mấy ngày. Mà với Nguyễn Trung Đức những từ câu có thần như thế không ít trong các bản dịch của anh, hỏi làm sao mà anh không sướng tới...mười mấy năm cho được (!)

Tôi nhớ dạo sau khi TRĂM NĂM CÔ ĐƠN lần đầu tiên được in bởi sự liên kết giữa Hội Văn Nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng với NXB Văn Học, mà người “tổ chức” là nhà văn Thái Bá Lợi, chúng tôi đã hân hoan chào đón bản in thứ 100.000 của tác phẩm này. Lúc bấy giờ ta chưa vào kinh tế thị trường, khắp nơi là bao cấp, nhưng tôi và một người bạn nữa đã bắt đầu ngấp nghé làm “đầu nậu” in sách. nói cho đúng hơn là làm “trung gian” cho đầu nậu, bấy giờ là “đại gia” Mai Quốc Liên. Nghề làm “cò” của tôi tiến triển có vẻ tốt đẹp và một trong những địa chỉ tin cậy để tôi "cò" là bạn tôi, Nguyễn Trung Đức. Nhớ khi Đức hồ hởi báo tin với tôi là đã có trong tay TÌNH YÊU THỜI THỐ TẢ, tôi đã “còm-măng” anh ngay: “Ông dịch ngay đi, tụi tôi sẽ lo mọi chuyện.” Nói là làm, tôi về Qui Nhơn bàn với Từ Quốc Hoài để thi sĩ họ Từ này bán cái máy cát-sét vợ mới đi tu nghiệp bên Anh mua về. Hồi đó, cái cat-sét của Từ thi sĩ là “của độc” nên bán rất dễ và được khá tiền. Tôi xúi Từ Quốc Hoài “đầu tư” toàn bộ số tiền bán cát-sét ấy cho Nguyễn Trung Đức để có “lương ăn” mà dịch TÌNH YÊU THỜI THỖ TẢ, một quyết định đầu tư không mạo hiểm chút nào, vì chúng tôi tin ở văn tài của Marquez, và tin ở bản dịch của Nguyễn Trung Đức. Nghe tin loáng thoáng việc dịch tác phẩm này một vài “đại gia” đầu nậu đã đánh tiếng với Nguyễn Trung Đức để họ bao in trọn gói với nhuận bút ưu đãi, một số tiền khá lớn so với hồi đó, và cũng có thể so với bây giờ nữa. Nhưng Nguyễn Trung Đức đã lắc đầu: anh và tác phẩm Marquez đã “có chỗ có nơi” rồi. Và nơi đó là bạn bè. mà bạn bè luôn luôn là một số Một với Nguyễn Trung Đức.

Trong khi Nguyễn Trung Đức cắm cúi dịch thì tôi thực hiện những chuyến “ngoại giao con thoi” từ Nam ra Bắc. Nhiều “đại gia đầu nậu” biết chuyện đã gạ tôi, nhưng cuối cùng, tôi đã dừng bước ở Huế đô, với anh em văn nghệ Thừa Thiên - Huế (à quên, văn nghệ Bình- Trị - Thiên), với Hoàng Phủ Ngọc Tường và Tô Nhuận Vỹ, những người không phải đầu nậu nhưng rất yêu Marquez và quyết tâm in tiểu thuyết của ông, trước là phục vụ văn học, sau là...kiếm thêm chút đỉnh tiền bạc cho Hội Văn nghệ. Mục đích ấy trong sáng quá, nên mới nghe tôi đã “ô-kê” liền. Vậy là làm hợp đồng, ký chú hẳn hoi, trong đó khoản nhuận bút cho người dịch là 7% giá bìa, và “tiền cò” cho nhóm chúng tôi là 2% giá bìa. Số lượng in thì tùy thực tế, nhưng hồi đó, tác phẩm Marquez được in ở VN không dưới 50.000 bản. Giá sách hồi ấy rẻ lắm, nhưng rẻ mấy thì rẻ, chúng tôi cũng chắc mẩm sẽ kiếm được cho Trung Đức một số tiền lớn, và kiếm cho mình số tiền đủ trả lại chiếc cát-sét cho vợ Từ Quốc Hoài, còn ra sẽ tha hồ...ăn nhậu.

Trong cơn hứng khởi, tôi đã nói với Nguyễn Trung Đức là khi xong việc, sẽ mua cho anh một lúc bốn chiếc ti-vi để bốn góc nhà, tha hồ xem (nhà Trung Đức thuở ấy chưa có ti-vi). Nghe thế đã rạo rực lên biết bao là tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp. Nhưng hỡi ơi, ở đời đâu phải ai cứ muốn là được, dù ước muốn của ta chính đáng và lương thiện. Khi Nguyễn Trung Đức hoàn thành bản thảo, chúng tôi đã trao tân tay bên văn nghệ Huế, chỉ còn đợi in nữa là xong, thì xảy ra sự cố, chẳng biết mấy ông Văn nghệ Huế đô làm ăn thế nào, hay có ai “chọc ngoáy” vào, mà sách đang in phải bị dừng. Sau đó là những cuộc đấu khẩu, đấu văn bản liên tu bất tận giữa bên in sách với các cơ quan chủ quản. Dạo ấy cũng đã có người mách nước: có...hai trăm ngàn việc này xong ngay, nhưng các ông văn nghệ Huế dường như ngoài khả năng sáng tác dồi dào và cãi cọ rất...dai, thì túi các ông thường rỗng. Vì thế việc kiện cáo phải chuyển lên cấp cao hơn giải quyết, và ở cấp Bộ, Marquez từ chỗ là nhà văn đoạt giải Nobel lừng lẫy và TÌNH YÊU THỜI THỔ TẢ đã phải vào vòng luân hồi để quay về với kiếp trước của nó là kiếp...giấy, hay kiếp bột giấy. Cùng với sự nghiền nát ấy, những hy vọng những mơ ước của nhóm chúng tôi cũng đi tong. Trung Đức không có bốn cái ti-vi để bốn góc nhà, Từ Quốc Hoài không trả lại cho vợ được cái cát-sét, còn tôi thì may quá, chỉ mất đi một rổ trứng tưởng tượng. Sau vụ này, tôi đâm chán ngán với nghề “cò” sách, và nhân dịp được sang Liên Xô (cũ) học mấy tháng ở trường Góoc ki, tôi đã chuyển sang buôn áo phông phao và quần bò. Nhưng đợt đi thì lời, nhưng đợt về lại lỗ do nồi áp suất và bàn là “lưỡi cày 51” chợt hạ giá bất ngờ. Tôi vĩnh biệt thương trường từ đó. Bây giờ nghĩ lại, nghề “cò sách” chỉ tốn có...nước bọt, cũng là nghề dễ làm nhưng khó...ăn. Đành vậy.

Cùng với những thăng trầm của TÌNH YÊU THỜI THỔ TẢ, tình bạn của chúng tôi với Nguyễn Trung Đức lại đâm mặn mà thắm thiết hơn. Ở đời, lúc khó mới dễ tìm bạn, còn lúc vui thì chỉ là... thôi. Chúng tôi lại mỗi người mỗi việc, lâu lâu có dịp gặp nhau là vui hết mình, mặc xác cả thời thổ tả. Cứ cặm cụi vậy, sau TÌNH YÊU THỜI THỔ TẢ, Nguyễn Trung Đức đã dịch và in gần 20 đầu sách trong vòng hơn mười năm nay. Đó là một kết quả lớn lao, nếu ta biết những tác phẩm anh dịch đều thuộc loại “văn học thứ thiệt”, và đều khó dịch. Có lẽ ở Viện Văn học bây giờ, duy có Nguyễn Trung Đức là chỉ mới có tấm bằng cử nhân văn chương. Mọi người ở đó đều đã là giáo sư, tiến sĩ cả rồi. Nhưng về kết quả và sức làm việc, khả năng làm việc, thì đồng nghiệp, đồng cơ quan của anh thảy đều công nhận rằng Nguyễn Trung Đức không cần phải “kiếm thêm” cái bằng tiến sĩ làm gì. Bởi những bài viết nghiên cứu, giới thiệu tác giả, tác phẩm, khuynh hướng sáng tác mà anh đã viết đủ cho những lớp sau anh làm đến mấy cái bằng tiến sĩ. Có anh nhà thơ mau mồm nói: “Các anh là bạn bè nên cứ ca ngợi nhau!” Đúng thế, nhưng tôi còn biết ca ngợi ai, nếu trước nhất không biết ca ngợi bạn mình?

23.10.2000
T.T
(141/11-00)



Các bài mới
Thím Thoải (10/06/2010)
Các bài đã đăng