Tạp chí Sông Hương - Số 141 (tháng 11)
“Tôi đã nhìn thấy tuổi thanh xuân của thế giới”
16:02 | 01/06/2010
Viện sĩ A-lếch-xan-đơ Đa-ni-lô-vích A- lếch- xan- đrốp là một nhà toán học lỗi lạc, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi ông mới 24 tuổi, sau đó nhiều năm giữ cương vị hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Lê- nin- grát. Ngoài toán học ra, ông còn quan tâm tới nhiều lãnh vực khoa học khác như đạo đức học, triết học, khoa học... Viện sĩ ưa thích làm thơ, và điều đặc biệt thú vị là ở tuổi 70, ông đã leo lên tới một trong những đỉnh núi của dải Thiên Sơn hùng vĩ... Sau đây là cuộc trao đổi giữa viện sĩ và phóng viên tờ “Nước Nga Xô viết”
“Tôi đã nhìn thấy tuổi thanh xuân của thế giới”
Viện sĩ Aleksandr Danilovich Aleksandrov - Ảnh: wikipedia.org

- Thưa ông A- lếch- xan- đơ Đa- ni- lô- vích, tuổi thanh xuân của ông trùng khớp với sự ra đời của một thế giới mới. Theo ông thì làm một người cùng tuổi với nước Cộng hòa Xô viết là một niềm hạnh phúc hay một bi kịch?

- Lịch sử đó không đơn thuần là một chiếc cầu thang thuận tiện hướng thẳng đến tương lai. Con đường của nhân loại ít khi chạy trên đồng bằng mà thường là vắt qua núi non hiểm trở. Và những con dốc dựng đứng cũng như vực thẳm hun hút lại trùng với những thời kỳ cách mạng. Nhưng chính nhân loại đã thực hiện những cuộc đi lên cao nhất vào các thời kỳ ấy. “Họ đã chinh phục bầu trời”- Mác đã viết về các chiến sĩ công xã Paris như vậy.

Tôi thuộc về thế hệ những năm 20. Con đường đi của chúng tôi không thẳng tắp và dễ dàng. Chúng tôi đã chiếm lĩnh những đỉnh cao chưa từng thấy và đã bước tới sát bên bờ vực thẳm; có người đã rơi xuống và vĩnh viễn mất hút trong dòng nước chảy xiết của thời gian. Người đời vốn khác nhau, và ở trên đỉnh cao có người cảm thấy tâm hồn phơi phới và hạnh phúc, song có người chỉ thấy chóng mặt và buồn nôn vì lên cao. Và giờ đây, khi thời đại đó đã lùi xa vào dĩ vãng thì có một số người định ngoảnh nhìn lại phía sau. Nhưng họ đã trông thấy gì ở đó?

Cách mạng còn là một bi kịch vĩ đại của lịch sử, xứng đáng với ngòi bút của Sếch-xpia hoặc Tôn-xtôi. Thế mà hiện nay mon men đến đề tài này là những ký giả vốn chỉ quen sáng tác các giai đoạn nhảm nhí về lịch sử.

Khi tôi nghĩ rằng nhà báo của chúng ta có một vị trí hẩm hiu như thế nào trong chế độ hiện nay thì tôi bao giờ cũng nhớ tới một áng văn xuôi của Ai Cập cổ vĩ đại “Chuyện vua Pê-tê-ít đệ tam”: “Cứ mặc cho họ dẫn Sự thật đến và chọc mù cả hai mắt của nó- Dối trá nói- Và để cho nó ngồi gác cổng cho ngôi nhà của ta”

- Qua lời ông, có cảm tưởng là “thời hoàng kim” đối với các cây bút bậc thầy đã xuất hiện ở thời kỳ sau Cách mạng...

- Thế anh biết gì về thời kỳ đó nào? Đúng, tôi rất tự hào là mình thuộc về thế hệ của những năm 20 và tôi khẳng định rằng chưa bao giờ, cả trước lẫn sau đó, ở nước ta lại có sự tự do sáng tác như vào những năm 20. Theo chỉ thị của chính Lênin, tập truyện ngắn “Một tá dao găm đâm vào lưng Cách mạng” của A. A-véc-chen-cô đã được xuất bản, mặc dầu thật khó hình dung nổi một cuốn sách nào có tính chất nhạo báng hơn đối với chính quyền Xôviết so với tập truyện này.

Ngày nay, chẳng hạn, người ta viết rằng chỉ có công cuộc cải tổ mới khám phá ra cho nhân dân những bức tranh, tỷ như “Hình vuông ma thuật” của họa sĩ Ma-lê-vích. Tôi xin phép được nhắc lại rằng vào những năm 20, bức tranh đó đã được tự do trưng bày ở Viện bảo tàng Nga cùng với các họa phẩm khác. Hồi đó đã xuất hiện nhiều trường phái văn học rất khác nhau... Không hề có một sự bức chế nào trong nghệ thuật. Những tác phẩm của Ê-xê-nhin, Pin-nhi-ắc, Xây-phu-lin na mà sau lại bị cấm, đã được in ra thoải mái.

Hiện nay người ta không thể hình dung nổi là một cao trào văn hóa rộng lớn như thế nào đã được dấy lên vào những năm đó. Nhà hát Vác-tan-gốp, Nhà hát tuổi trẻ, nhà xuất bản “Văn học thế giới” đã được thành lập...

Đó là thời kỳ khi mà văn hóa, khoa học và trẻ em là trung tâm chú ý của chính quyền. Trong thành phố Pê-trô-grát đang bị đói vào năm 1918, người ta đã phải ăn bột vỏ khoai tây, song chính hồi đó đã được thành lập Viện Kỹ thuật vật lý và Viện quang học mà các nhà bác học (mỗi Viện đã cung cấp 6 viện sĩ) sau này đã tạo ra tấm lá chắn hạt nhân cho Tổ quốc, còn ở ngoại ô Mát-xcơ-va đã khai trương phòng thí nghiệm nổi tiếng của Viện Khí động lực học Trung ương- điều đó có nghĩa là con đường của chúng ta đi lên vũ trụ đã khởi đầu từ năm 1918 xa xôi ấy.

Các trẻ em cơ nhỡ vào những năm đó đã được đích thân Déc-gin-xki chăm lo, còn bây giờ có ai trong số “các nhà cải cách trẻ tuổi” quan tâm đến số phận của các trẻ em bị ném ra ngoài đường phố?

Vào những năm 20, trên các quảng trường của nước Nga từng bị cuộc nội chiến tàn phá, người ta đã dựng những vở bi kịch của các tác giả cổ đại- cái đó hoàn toàn không giống với những buổi hòa nhạc Rốc điên loạn tại Hồng trường ngày nay.

Các nhà dân chủ bây giờ cũng nên tìm hiểu xem hồi đó người ta đã dạy cho trẻ em những gì. Ở trường chúng tôi, luật sư V.Di-a-cô-nốp đã dạy môn lịch sử hiến pháp Anh quốc mà “các nhà cải cách” của chúng ta cũng nên biết, ở bên ấy tòa trụ sở quốc hội trong suốt tám thế kỷ không một lần nào bị bắn phá.

Còn nói đến sự tàn bạo của thời kỳ đó thì cố thủ tướng Ấn Độ Nê-ru trong cuốn “Nhìn vào lịch sử thế giới” đã dẫn lời của một viên tướng Mỹ tên là Gơ-rép-xơ từng phục vụ trong bộ tham mưu của Côn-tsác (tướng Bạch vệ - L.S) nói rằng cứ một binh sĩ bạch vệ bị Hồng quân bắn chết thì 100 lính Hồng quân phải đổi mạng. Và điều đó có thể hiểu được. Đối với Hồng quân thì những binh lính của đối phương bị bắt làm tù binh được coi là những người mu-gích bị lừa gạt, thế thôi. Nhưng đối với bọn bạch vệ thì tất cả các tù binh đều là kẻ thù.

Lê-nin đã viết “Linh hồn sống động của chủ nghĩa Mác là sự phân tích cụ thể đối với tình huống cụ thể". Vào những năm 20 tất cả chúng tôi sống trong sự chờ đợi ngày hội tương lai của cuộc Cách mạng thế giới, nhưng đến cuối những năm 30 mọi người thấy rõ rằng những hoài bão đó không thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần và nước ta một mình nằm lọt thỏm trong vòng vây của kẻ thù. Từ thời điểm ấy chủ nghĩa yêu nước bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Liên bang Xô viết thay vì chủ nghĩa quốc tế đơn phương trước đó.

Chủ nghĩa cộng sản là một hiện tượng đầy chất thơ và chất bạo liệt. Ở đầu thế kỷ, chủ nghĩa cộng sản đối với thế giới trong hình tượng Prô-mê-tê thách thức các thần linh. Bằng những nỗ lực của các phần tử tầm thường trong Đảng, chủ nghĩa cộng sản bị hạ thấp xuống thành giai thoại trong sinh hoạt- càng có nhiều xúc xích bao nhiêu thì càng tiến gần đến chủ nghĩa cộng sản bấy nhiêu! Và nếu như vào đầu thế kỷ tư tưởng cộng sản có sức quyến rũ trái tim của tuổi trẻ thì theo mức độ mất dần chất thơ, nó càng ngày càng trở thành số phận của người già và đã biến thành bản chỉ dẫn khô khan nhàm chán.

-Theo ông, tư tưởng cộng sản là gì? Có lẽ ông biết một định nghĩa mới nào chăng?

- Chẳng cần đến một thứ hình thức chủ nghĩa như vậy. Đưa ra một định nghĩa chưa phải là nêu lên bản chất. Có khi một dòng thơ còn nói được nhiều hơn là một công thức triết học khô khan. Ta hãy nghe xem Giắc Lơn- đơn viết gì về chủ nghĩa cộng sản: “Tất cả mọi người sẽ trở thành những thợ rèn nên thứ hạnh phúc chung và công việc lao động của họ là rèn nên niềm vui và tiếng cười trên chiếc đe âm vang của cuộc sống! “Tư tưởng cộng sản nằm trong bốn chữ- Lao động và tự do.

- Cái gì chứ tự do thì hiện nay chúng ta đã có quá thừa

- Tự do là một hệ thống được điều chỉnh. Xin đừng lẫn lộn tự do với sự hỗn loạn bát nháo. Đúng là về mặt hình thức thì mọi người hiện nay được cởi trói. Nhưng khi người ta đói thì cánh tay đó tất yếu hoặc chìa ra xin bố thí hoặc thò vào túi người khác. Và quỹ đạo vận động của tự do ngay từ đầu đã được xác định trước. Và không cần đến bất cứ một cái cùm nào! Vậy thì đó là thứ tự do gì?

Còn những người cộng sản chúng tôi, khác với những nhà dân chủ hiện nay, cho rằng muốn có tự do thì phải tạo ra cơ sở vật chất. Trước hết cần giải phóng con người thoát khỏi sự túng thiếu nhục nhã, thoát khỏi sự cần thiết phải đâm chém nhau vì một miếng bánh mì. Tôi nghĩ rằng các nhà khoa học trên kinh nghiệm của bản thân đã cảm nhận được luận điểm này của chủ nghĩa Mác vì hàng nửa năm họ chưa được trả lương và buộc phải đi bốc dỡ hàng trên tàu hỏa.

Có lần trong một cuộc thảo luận như vậy ở Ấn Độ, tôi đã phát biểu: “Những nhà duy vật chúng tôi cho rằng cái cơ bản- đó là cái vật chất, nhưng cái chủ yếu- đó là cái tinh thần” và sau đó tôi trích dẫn lời của Ramakrishna: “Đừng nói về tình yêu đối với người anh em của mình mà hãy thực hiện lòng yêu thương ấy đi!”.

Hiện nay người ta cố ra sức nhồi nhét cho chúng ta rằng cơ sở của tự do và độc lập là chế độ tư hữu. Bởi thế cho nên tôi mới xin được nói rõ rằng đức chúa Giê-su không có một chút tài sản riêng nào ngoài tấm áo choàng mà Người mang trên mình, còn toàn bộ tài sản của thánh Gan-đi là một mảnh vải che thân, song không thể hình dung được những nhân cách tự do nào hơn thế. Chế độ tư hữu nói chung không phù hợp với sự giải phóng tinh thần và bởi vậy nó xa lạ với mọi thứ tôn giáo chân chính. Trong cuốn sách Kinh “Bha-ga-vát Ghi-te” của những người theo đạo Hin-đu có đoạn viết: “Người nào được giải thoát khỏi tính đố kỵ, sự tức giận, khỏi của cải, khỏi bản thân khái niệm “của tôi” thì người đó sẵn sàng trở thành người Bàlamôn.” Hoặc trong kinh Phúc âm có nói: “Hỡi những người giàu có, thật đau khổ cho các ngươi bởi vì các người đã có nguồn an ủi của mình”.

Nói chung, tất cả những người lương thiện, dù đó là đức Phật, đức chúa Giê-su hay Lê-nin, đều hiểu tài sản một cách giống nhau và quan điểm của những bậc vĩ nhân này mâu thuẫn gay gắt với thứ đạo lý trục lợi mà hiện nay người ta đang bứng trồng từ phương Tây sang mảnh đất Nga.

Tôi thích nhắc lại câu nói “Nước Chúa ở trong lòng chúng ta” bởi lẽ tự do là trạng thái nội tại của con người, ngay cả khi nó chịu sức ép bên ngoài nhưng không phản bội lại chính kiến của mình, niềm tin của mình...

LÊ SƠN giới thiệu và dịch
(141/11-00)



Các bài mới
Thím Thoải (10/06/2010)
Các bài đã đăng
Huế (01/06/2010)