Tạp chí Sông Hương - Số 141 (tháng 11)
Một thời để thương
09:18 | 02/06/2010
NGUYỄN QUANG HÀ                          Hồi ký(Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế)
Một thời để thương
Nhà văn Nguyễn Quang Hà
Thời chiến tranh, gia đình vợ con xa vời vợi, dù có muốn chăm sóc lo toan cũng chịu. Cũng chẳng ai nghĩ rằng mình sẽ làm cái này, cái kia. Chỉ mong mau hết chiến tranh, trở về với quê hương, với công việc mình đang làm dở dang trước lúc cầm súng lên đường. Vì vậy, hầu như mỗi chúng tôi chỉ có hai việc: Một là đánh giặc phía trước, hai là đánh xong trận rồi thì về hậu cứ quây quần bù khú với bạn bè, chăm sóc và lo toan cho nhau.

Cái vé vào cổng làng văn nghệ Thừa Thiên của tôi là bài thơ "Chiến lũy" viết về một điểm chốt kiên cường trong chiến dịch Mậu Thân. Tôi nhận tờ Cờ Giải phóng in bài thơ này không phải qua đường bưu điện, không phải do một nhân viên liên lạc nào mang qua. Mà chính Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa tới. Bấy giờ cơ quan tham mưu Thành đội Huế đang đóng ở lối khe Xương Voi rẽ vào. Tôi tiếp khách chỉ bằng một bếp lửa rừng. Không thịt, không cá, không xôi, không sắn. Chúng tôi nhậu bằng cái tình của nhau túy lúy. Ít lâu sau tôi được quyết định chuyển "biệt phái" từ lính của thành đội sang báo Cờ Giải phóng.

Ở với văn nghệ sĩ, báo chí tôi được sống một cuộc sống hòan toàn mới. Bởi vì tôi được ở bên cạnh những người thật sự tài năng và cao cả. Tôi nói cao cả, bởi đời họ chỉ có một ham muốn được cống hiến tài năng của mình, và không một phút nào họ không lo tự rèn luyện tài năng ấy. Họ nặng tình với nhau và sống thật hồn nhiên. "Chúng tôi ăn bằng những tiếng cười". Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đấy.

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn gọi cái thời đó là:"Thời yêu thương". Hình như lúc ấy chúng tôi chỉ sống để mà yêu thương. Kể cả Thành đội trưởng Thân Trọng Một cũng là con người như thế. Tôi nhớ bữa tôi bị sốt rét, ông từ trên khu về, đi qua, nghe tin ông rẽ vào thăm. Ông định đãi chúng tôi một bữa cơm. Song chú Chiến liên lạc nói với ông rằng trong gùi chỉ còn hai lon gạo, ông vui vẻ quyết định: "Thế thì nấu cháo". Nấu cháo cũng phải nấu sao ăn cho bưa. Chiến đổ vào cả một soong đầy nước. Cháo chín lễnh loãng. Nước đi đằng nước, gạo đi đằng gạo. Nhìn soong cháo ông cười: "Tau đố mi răng cho cháo đặc được chừ?" Ông lôi trong gùi của ông ra một cân thịt bò khô của quân khu trưởng, thiếu tướng Hồ Tú Nam tặng riêng ông đề phòng những lúc ốm đau. Ông đổ hết vào nồi cháo. Một nồi cháo đại, thơm lừng. Đó là bữa đại tiệc trong cái thời yêu thương ấy.

Cứ hễ có dịp là trong ký ức lại bùng dậy kỷ niệm một thời yêu thương. Làm sao quên được Ngô Kha, trong một chuyến đi công tác về Hương Thủy, giữa trận bom đạn mù trời, cái sống và cái chết cách nhau tích tắc ấy, chưa tan khói bom, Ngô Kha đã rũ bụi đứng dậy đọc câu thơ tự hào:

            "Những tưởng không mong xum họp nữa
            Ai ngờ đạn tránh cụ Ngô Kha"

Nhớ chuyện nói lái của Hoàng Phủ Ngọc Tường với Đắc Xuân. Khi Xuân đọc xong tập "Cao điểm cuối cùng" của Phù Thăng, cái tên ấy làm Xuân cười một mình. Xuân nói với Tường: "Phù Thăng tức là thằng Phu phải không?" Tường đáp: "Cậu thì có hơn gì: Thằng Xuân là thùng xăng. Hay chi hơn nhau đâu mà so bì".

Nhớ Trần Vàng Sao hay nói chuyện tếu táo. Anh chàng yêu cách mạng một cách đam mê. Tên thật là Nguyễn Đính, khi tham gia cách mạng anh đã lấy tên Vàng Sao, và trần trụi là lời nguyện làm cộng sản của mình. Trần Vàng Sao nổi tiếng ở bài thơ: "Bài thơ của người yêu nước mình". Đọc bài thơ nghiêm trang ấy, ai ngờ có lúc anh đã nhại thơ bạn để chọn một bạn gái trong cơ quan:

            "Ở tận Sông Hồng em có biết
            Quê hương anh cũng có người yêu
            Anh mãi gọi với lòng tha thiết
            Kù Tiễn Thiêu so với Kiều Tiễn Thu"

Nhớ Doãn Yến và Khánh Thông. Một bữa, người bạn Ka Tu chạy về cơ quan báo tin khẩn cấp: "có hai người của Y20 (tức Thành ủy Huế) một người thấp thấp như ri (vừa nói vừa lấy tay làm động tác) răng hô hô, một người râu như ri đầy cằm, họ ăn phải trái độc". Anh em trong cơ quan biết ngay là Khánh Thông và Doãn Yến. Chạy tới, hai người đang sùi bọt mép bất tỉnh nhân sự. Đó là loại hạt rừng ăn thơm và bùi như lạc rang. Rất độc. Không biết, ăn vào chết như chơi. Biết sớm nên Thông và Yến thoát chết. Nói đến Khánh Thông, làm sao quên được mối tình chớm nở của anh với Gái ở rẫy Chà Tàng. Bỗng Thông được đi làm nhà cho trường Đảng của Ban tuyên huẫn, mối tình bị chia hai, tức cảnh anh em làm thơ tặng Thông:

            "Không giường không chiếu mà bui (vui)
            Có giường có chiếu trên xui làm trường".

Hai câu thơ tặng Thông cũng nói được một cảnh vất vả của văn nghệ sĩ Thừa Thiên, vừa phải làm công tác chuyên môn, vừa phải vất vả phát nương làm rẫy trồng sắn tự túc lương thực ở chiến trường.

Nhớ Lê Huy đi xin bắp của đồng bào, xin được cả một nạm to lá thuốc xanh. Anh để thuốc và bắp cùng một gùi. Về luộc bắp ăn, cả cơ quan say đứ đừ suốt một ngày.

Nhớ Trình Phở ngày ngày cắp súng vào rừng bắn sóc, bắn dôộc về thay chất đạm nuôi cả cơ quan.

Nhớ chuyến tôi với Sĩ Thái, NGuyễn Khoa Điềm theo anh Tống Hoàng Nguyên đi công tác cánh Bắc. Suốt dọc đường đi pháo địch bắn chặn đường. Đêm ngủ một hầm chữ A giữa bãi bom B52, tưởng thế là thoát, ai ngờ đêm đến, lại trúng đường B52 rải bom.Quần áo chiều giặt phơi ngoài cửa hầm bay mất hết. Thái bị bệnh quáng gà, đêm đêm về sâu, phải dắt qua vùng trắng, đến lúc gặp ánh đèn, Thái mới tỉnh táo được. Vậy mà không đêm nào không đi vùng sâu...

Những kỷ niệm kể suốt ngày không hết.Cho đến hôm nay, có dịp tụ hội lại kể với nhau như dòng sông không bao giờ cạn. Vậy mà báo Cờ Giải phóng vẫn ra đều đều mỗi tháng hai kỳ đúng hạn. Các tập san văn nghệ Thừa Thiên Huế không lỡ dịp trình làng. Đặc biệt tập thơ "Những ngày giữ đất" được xuất bản trong hoàn cảnh gian lao ấy. Điều kỳ diệu nhất là năm 1970 Huế tổ chức được đại hội văn nghệ trên đỉnh ngọn Tre Linh, giữa mênh mông rừng núi chiến khu.

Đúng hẹn, các "cây" văn nghệ từ các đơn vị chiến đấu rủ nhau kéo về. Lực lượng văn nghệ nòng cốt bây giờ là các phóng viên, biên tập của tờ Cờ Giải phóngCứu lấy Quê hương. Có thể kể ra đây: Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Khánh Thông, Nguyễn Đắc Xuân, Sĩ Thái, Văn Thái, Trần Thân Mỹ, Nguyễn Quang Hà, Tống Hoàng Nguyên,Doãn Yến.Có lẽ duy nhất lúc ấy Hoàng Phủ Ngọc Tường có tập ký: "Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu". Tường rủ tôi hai đứa in chung một tập thơ, song ý tưởng ấy đang thuộc thì tương lai. Các tác giả: Kim Cúc, Trần Nguyên Vấn, Quế Lâm, Nguyễn Khoa Điềm đang làm tạp chí văn nghệ Trị Thiên tít mãi trên khu ủy. Trần Vàng Sao sau chiến dịch 1968 đã ra Bắc.

Dẫu ít người, đại hội văn nghệ Thừa Thiên vẫn được tiến hành. Đại biểu các đơn vị chiến đấu lên được 20 người. Ngồi trong đại hội chỉ chừng ba chục người. Đại hội rất muốn có đại biểu đang đầu sóng ngọn gió đấu tranh trong thành phố như Lê Ghềnh, Trần Hoài, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Võ Quê, Tần Hoài Dạ Vũ, nhưng làm sao có được.

Hội trường đại hội là ngôi nhà tạm trực của cơ quan ở ngay bên đường trục chiến khu.Anh em đã ra rừng chặt từng khúc gỗ dài gần bằng chiều rộng ngôi nhà lợp lá nón làm ghế ngồi. Hậu cần của đại hội, nếu tôi nhớ không lầm thì Thành ủy vận động nhân dân xã Hương Hữu tặng cho đại hội 10 gùi sắn, Thành ủy tặng một con heo 15 cân. Vốn liếng đại hội chỉ có ngần ấy, song gương mặt ai cũng hồ hởi, như không đếm xỉa gì tới khó khăn trước mắt.

Nội dung chính của đại hội được tất cả đại biểu đề cập tới là: "Chúng tôi đã có vốn sống của cuộc kháng chiến thần thánh này, vậy làm thế nào để có được tác phẩm bây giờ?

Những tham luận tại đại hội không nhiều, tập trung vào các đề tài: Chúng ta không viết về cuộc kháng chiến này thì chờ ai viết đây. Sự thôi thúc ấy như thổi một luồng lửa nóng hổi vào đại hội, ai cũng thấy trách nhiệm của mình là phải cầm bút. Các tác giả tự đọc những bài thơ để trong đáy ba lô, bây giờ mới là dịp họ được trình diễn tác phẩm sáng tác trong âm ỉ giữa hai cuộc chiến trận. Người nọ tiếp lửa cho người kia bằng chính cuộc sống mãnh liệt của mình.

Đêm mới thật sự là cuộc thảo luận sôi nổi. Giữa nhà đốt một đống lửa lớn thay đèn. Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha cùng chủ trị cuộc thảo luận, trả lời câu hỏi của từng đại biểu, và tham gia ý kiến riêng mình. Đêm càng khuya lửa càng đỏ, cuộc thảo luận thiết thực càng trở nên sôi nổi.

Giường nằm cho các đại biểu, ai nấy tự lo. Võng từ trong ba lô đưa ra. Ngôi nhà làm hội trường đó, ai muốn mắc góc nào thì mắc. Đống lửa giữa nhà chia chung hơi ấm cho từng người.

Sau hai ngày làm việc, các đại biểu lại tỏa về đơn vị chiến đấu của mình. Nguyễn Văn Khởi vừa khoác ba lô về đến chỗ đóng quân của đơn vị thì gặp địch tấn công. Máy bay trực thăng thả chất cháy xuống. Cả người Khởi cháy bùng như ngọn đuốc. Anh là người văn nghệ sĩ đầu tiên của Huế hy sinh ngay sau đại hội trở về.

Còn tất cả chúng tôi lao vào phục vụ cho việc tuyên truyền, chống trả cuộc hành quân Lam Sơn 719 lên Lào, hòng phá vỡ hành lang vĩ tuyến 17, tràn quân ra Bắc. Song 719 của địch đã thất bại hoàn toàn.

Đại hội văn nghệ Thừa Thiên Huế tuy đơn giản, nhưng đã tạo nên một động lực vô giá. Từ đại hội này, liên tiếp những tác phẩm văn, thơ ra đời. Và từ đây đã xuất hiện các nhà văn đang ảnh hưởng sâu sắc đến văn nghệ ở vùng đất cố đô này. Có thể kể ra đây các nhà văn đã trưởng thành lên từ ngày ấy: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Phương Trà, Nguyễn Quang Hà, Hà Khánh Linh, Võ Quê.

Từ bấy đến nay đã 30 năm. 30 năm mở đầu một chặng đường không mệt mỏi đã đóng góp những tác phẩm xứng đáng cho dòng văn học chống Mỹ cứu nước.

Đại hội văn nghệ Thừa Thiên Huế năm 1970 là một cột mốc rất đáng tự hào cho một thời yêu thương và đứng dậy.

N.Q.H
(141/11-00)





Các bài mới
Thím Thoải (10/06/2010)
Các bài đã đăng
Huế (01/06/2010)