Tạp chí Sông Hương - Số 141 (tháng 11)
Hầu chuyện nhà văn Bùi Hiển
09:29 | 07/06/2010
ĐỖ NGỌC YÊN(Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế)Vào một sáng đầu thu, tôi tìm đến khu tập thể Trung Tự, Hà Nội, nơi nhà văn Bùi Hiển đang sống cùng con cháu. Ông là một trong số những người đầu tiên tham gia thành lập Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên tháng 10 năm 1950, tổ chức tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế hiện nay.
Hầu chuyện nhà văn Bùi Hiển
Nhà văn Bùi Hiển - Ảnh: cinet.gov.vn
Dù đi có hơi chậm và phải chống ba toong nhưng ở vào cái tuổi ngoại bát tuần như ông mà da dẻ vẫn hồng hào, khỏe mạnh thật là điều đáng mừng không chỉ cho con cháu, mà cho cả giới văn nghệ nước nhà. Khi vui bạn bè, ông còn có thể nhâm nhi đôi chút rượu ngon và trò chuyện rất rôm rả. Được hầu chuyện ông là một niềm vinh dự lớn đối với những người hậu sinh như tôi.

Nhà văn Bùi Hiển tiếp tôi tại bàn làm việc của ông ở nhà riêng rất cởi mở và chân tình. Ông chậm rãi kể lại một cách say sưa những ngày ông đã sống và viết tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. Ngay khi vừa đặt chân lên đất Thừa Thiên, tháng 8 - 1949, đoàn cán bộ tuyên truyền Liên khu IV đã đi cùng chiếc ghe với bốn người thương binh. Tất cả họ đều nằm im, không rên rỉ hoặc trăn trở vật vã gì. Trên đường đi ông đã gặp ở đâu đó một làng quê bị giặc Pháp đốt trụi. Trên nền nhà cũ có năm nấm mộ dài đắp song song... Những năm tháng tiếp theo ông đã lần lượt đi khắp 6 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, sống chung với đồng bào Thừa Thiên ở các làng, len lỏi giữa các đồn bốt giặc. Thỉnh thoảng ông đi công tác với tiểu đoàn 319 thuộc trung đoàn 101, một đơn vị nổi tiếng đã từng đánh tàu địch chuyển quân ở Hói Mít. Ngay sau đó, Bùi Hiển đã viết hai bút ký Một cuộc hành quân Người tù binh Pháp. Trong chuyến đi này ông ghi chép được khá nhiều tư liệu cho truyện Ánh mắt, sau này đăng tải trên tạp chí Thép mới của Văn nghệ Liên khu IV. Đây là một trong hai tập truyện mà đến bây giờ ông vẫn tâm đắc nhất.

Ông cùng một số anh em công tác ở Sở Tuyên truyền Liên khu IV đã được cử vào Thừa Thiên công tác, giúp anh em trong đó xây dựng phong trào văn nghệ, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đoàn gồm có nhà văn Bùi Hiển, các văn nghệ sĩ Phan Nhân, Nguyễn Hồng, Mặc Hy, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Xuân An, Hồng Liên, Hoàng Tuấn Nhã, Hồng Chương, Đình Quang, Nguyễn Khắc Thứ, Chế Lan Viên, Dương Tường, Lương An, Minh Châu,Tấn Hoài, Hoàng Tài, Phan Giá, Minh Lương, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh... các anh chị em văn công Thừa Thiên, cán bộ và chiến sỹ trung đoàn 101... tập trung tại một làng trồng mía và dệt vải ở xã Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc phía nam tỉnh Thừa Thiên theo chỉ đạo của cấp trên. Đến tháng 10/1950 một cuộc Họp Bạn anh em văn nghệ toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được tổ chức, đánh dấu sự ra mắt của Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Lúc đầu dự kiến khoảng 150 người về dự, nhưng vì bị địch càn nên số anh em ở phía bắc Thừa Thiên không vào được nên chỉ còn lại có 50 người. Ngay hôm khai mạc tiếng đại bác đì đùng nổ quanh những vùng lân cận. Mọi người một tai nghe Trịnh Xuân An đọc báo cáo, còn tai bên kia lắng nghe tiếng súng để đề phòng địch càn qua. Nhìn ra đường mọi người thấy đồng bào đang nháo nhác chạy. Nhưng chỉ một lát sự yên tĩnh lại trở lại. Hội nghị tiếp tục và diễn ra trong bốn năm ngày gì đó. Trong cuộc Họp Bạn này có trình diễn các tiết mục văn nghệ và diễn cả vở Nhật Xuất củaTào Ngu (Trung Quốc). Một cuộc tranh luận về thơ, văn, nhạc, kịch đã nổ ra, có chấm và trao giải thưởng cho những tiết mục xuất sắc. Sau đó tổng kết, đánh giá và bầu Ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Trịnh Xuân An đã được cử làm Phân hội trưởng.

Ông đã từng chứng kiến một câu chuyện có thật có xảy ra ở Phú Lộc. Sau này, năm 1951, ông đã viết thành truyện Mấy hình ảnh vùng tạm chiến. Câu chuyện kể về đám cưới của một chiến sỹ công an tên là Hiếu. Đám cưới vào buổi sáng, thì buổi chiền bọn địch đóng ở đồn Truồi nã moóc chi ê vào làng. Vợ người chiến sỹ công an mới cưới đã bị mảnh đạn vạt hẳn một bên đầu, óc trắng, nhởn chảy tràn ra nhuộm lẫn máu đỏ tươi. Người ta đưa chị vào nhà người chú của Hiếu thì chị đã chết. Hai lọ hoa cưới hải đường trắng muốt trở thành hai lọ tiễn đưa người tân dâu về nơi chín suối. Cảnh chạy Tây mọi người chen nhau xuống ghe, tròng. Một chị nạ dòng không kịp mặc áo, hai vú thổn thện ra sức rướn người chèo ghe vắt cả vú trùm lên trên đầu mọi người mà không hay biết. Những ngày ở Dương Hòa chỉ toàn ăn cơm gạo hẩm với rau tàu bay chấm nơ rơ (nước ruốc). Thấy anh em ăn nơ rơ miết, chị cấp dưỡng không đang lòng bèn tìm cách bắt cá về kho mặn cho anh em ăn. Sau những bữa ăn ngon như vậy mọi người hỏi chị cấp dưỡng bắt cá ở đâu. Chị cho biết ở đoạn suối gần cuối bệnh viện người ta thường vứt chân tay hỏng và những miếng thịt xẻo ra từ những chỗ bị thương của anh em thương binh xuống suối khiến cho lũ cá tụ hội về đây rất nhiều. Biết chuyện, mọi người yêu cầu chị cấp dưỡng chấm dứt sáng kiến cải thiện ấy. Rồi chuyện ba thanh niên Quốc học Huế rủ nhau xung phong vào Vệ Quốc quân những ngày đầu khi Cách mạng vừa mới thành công. Họ rất hào hứng và lãng mạn. Đến thời kỳ vỡ mặt trận Huế, họ chạy lên chiến khu ăn đói, mặc rét, ghẻ lở mọc đầy người, cứng khớp gối, đi khệnh khạng, mắt mở trừng trừng và tư tưởng bắt đầu chao đảo. Một anh đêm ngủ nằm chết còng queo. Anh thứ hai nửa đường ra trận đã bỏ trốn. Còn anh thứ ba vào trận suýt nữa bị địch bóp cổ chết, nằm lại một mình ở sườn đồi. Đêm xuống anh ta trốn vào làng đi ăn xin... Tất cả là những chuyện có thật mà nhà văn Bùi Hiển đã từng mục sở thị hoặc được nghe những người cùng đơn vị kể lại từ những năm 1949 - 1950. Sau khi hòa bình lập lại ông kể lại những chuyện đó trong Ánh mắt in trên tuần báo Văn nghệ đã bị nhiều người phê phán rằng như vậy là không đúng sự thật, với truyền thống của quân đội và tình cảm quân dân (!?).

Nhạc sỹ Mặc Hy và nhạc sỹ Nguyễn Hồng chỉ với cây đàn ghi ta và đàn măng đô lin đi khắp mọi nơi hát cho đồng bào và chiến sỹ nghe. Họ hát một cách say sưa và vô tư, không có bồi dưỡng thù lao, cũng chẳng cần sân khấu hay giới thiệu gì, thuộc bài nào hát bài đấy. Và nếu cần thì sáng tác ngay những ca khúc mới phản ánh cuộc sống và chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ. Sáng tác đến đâu biểu diễn đến đấy, vừa sáng tác, vừa biểu diễn. Nhạc sỹ Mặc Hy sáng tác khá nhiều nhưng đáng chú ý nhất là các bài Làng vui, Dưới cờ Đảng Lao động Việt Nam, Hò đẩy ca nông... Riêng bài Công nông liên minh của ông đã được giải thưởng. Bài thơ Thuyền em lên xuống Ba Lòng nổi tiếng của Lương An nói về người con gái chở đò trên sông Ba Lòng đưa người cán bộ đi công tác. Đấy chính hình ảnh lấy từ nguyên mẫu chuyến đi biểu diễn của nhạc sỹ Mặc Hy.

Trong thời kỳ ấy nhạc sỹ Hồng Liên và nhạc sỹ Nguyễn Hồng đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Nhà văn Bùi Hiển nhớ lại 5 người trong số anh em đoàn văn công Thừa Thiên - Huế cũng đã hy sinh.Cũng trong thời kỳ này nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã bị địch bắt. Và sau đó nhiều anh em không tiếp tục hoạt động văn nghệ nữa. Nhưng cái buổi ban đầu ấy là một thời kỳ hào hứng sôi nổi. Tất cả họ chiến đấu và lao động vì lý tưởng Cách mạng, vì đồng bào Thừa Thiên - Huế thân thương. Sau nửa thế kỷ trôi qua, ngồi nhớ lại nhà văn Bùi Hiển và nhạc sỹ Mặc Hy còn cảm thấy tự hào về những ngày tuổi xanh. Họ đã sống những năm tháng thật sự có ý nghĩa vì đồng bào mình, cho dân tộc mình. Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sức trẻ họ không hề ngần ngại, sẵn sàng vượt qua để chiến đấu vì lý tưởng. Những bản nhạc, bài thơ, tập truyện,, bức tranh mà họ đã sáng tác trong những ngày Bình Trị Thiên khói lửa năm ấy mãi mãi là những di sản quí báu mà lớp cha anh đã để cho các thế hệ con cháu chúng ta hôm nay thật đáng quí biết nhường nào.

Hà Nội mùa thu - 2000
Đ.N.Y
(141/11-00)




Các bài mới
Thím Thoải (10/06/2010)
Các bài đã đăng
Huế (01/06/2010)