Tạp chí Sông Hương - Số 141 (tháng 11)
Ngôi nhà trên núi cao
08:32 | 09/06/2010
PHAN VĂN LỢI(Tiếp theo SH số 138/8-00)Tôi thức dậy khi nghe tiếng giã gạo thậm thịch, nhìn đồng hồ thấy hơn bảy giờ. Trên nhà chỉ có một mình tôi. Cả chú bé cũng đã dậy từ lúc nào. Trong bếp lửa vẫn còn những cục than đỏ hồng phủ lớp tàn tro cháy trắng.

Tôi thắt nịt súng vào người, lấy khăn mặt bước ra cửa, ngỡ ngàng nhìn quanh. Ngôi nhà sàn nằm cạnh rẫy lúa, lọt thỏm giữa vùng rừng bạt ngàn. Đằng sau rẫy có một rặng núi không cao lắm, mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi ấy. Còn ở phía tây núi thấp dần, những ngọn núi chen với mây chập chùng xa hút tầm nhìn.

Người thiếu phụ đang đứng giã gạo ở sân, dáng chị mạnh mẽ và uyển chuyển. Thấy tôi đi xuống, chị mỉm cười chào tôi, tay vẫn đều đặn giã gạo. Chú bé chạy lẫm chẫm quanh chân mẹ. Con chó vàng ngồi cạnh cối gạo, cánh mũi ướt rượt luôn động đậy. Chốc chốc nó lại hực lên đuổi những con gà mon men đến gần.

Lúc tôi từ dưới suối lên, người thiếu phụ đã giã xong cối gạo. Chị gác chày, cúi xuống bồng chú bé đặt vào tay tôi, vẻ mặt hớn hở như muốn khoe rằng đấy là thiên thần của chị. Chú bé chừng hai tuổi, mái tóc hơi quăn và đôi mắt giống mẹ, nhưng khuôn mặt và vành môi thì rất giống bố. Không chút xa lạ, chú nhỏen cười vòng tay ôm lấy cổ tôi, làn da mềm mát rượi.

Tôi bồng chú bé dạo quanh khoảnh sân phẳng phiu. Trước nhà có mảnh vườn khá rộng trồng dưa, chuối, đu đủ, một vạt cà chua trái tròn to bằng đầu ngón tay và mấy cây ớt chi chít trái xanh trái đỏ chĩa đầu nhọn lên trời. Trên sườn dốc từ vườn tới bờ suối ngô đang lên xanh mướt. Bí đỏ trồng xen giữa ngô, trái vàng như hoa mướp. Ngôi nhà cô độc giữa rừng hoang này có nét rất gần gũi, gợi nhớ tới những ngôi nhà ở vùng quê dưới xuôi. Đồng bào dân tộc trên này thường nuôi lợn thả rong nên họ không làm vườn quanh nhà.

Đằng sau nhà có một vạt đất rộng được quây kín bằng những thân cây to cỡ cổ tay cao quá đầu. Tôi ghé mắt nhìn, thấy một đàn lợn sáu con, con nào cũng chân cao mõm dài, màu lông trên lưng có sọc như sọc dưa. Ngửi thấy mùi người lạ, chúng xồng xộc chạy tới, dữ như lợn rừng. Phía sau chuồng lợn là rẫy lúa. Vui chân, tôi thơ thẩn đi vào lối mòn xuyên giữa rẫy. Chú bé ngọ nguậy trong tay tôi, thỉnh thoảng lại reo à à rướn người đòi bắt những con chuồn chuồn bay ngang qua. Lúa trên rẫy sắp chín, lác đác đôi bông đã ngả vàng. Ở cuối rẫy chỗ giáp bìa rừng cây lúa cớm nắng cao vống, chỉ thưa thớt vài bông lép. Một đàn gà rừng thấy động vỗ cánh bay vút vào bụi rậm, thấp thoáng những chiếc đuôi dài tha thươt.

Lúc quay về nhà thấy vắng tanh, tôi bồng chú nhỏ ra đầu sàn đứng đợi. Mặt trời tỏa nắng chói chang. Mây đã bay hết, bầu trời dâng cao thăm thẳm. Bốn bề lồng lộng nắng gió và mênh mông màu xanh của ngút ngàn cây lá. từ cánh rừng bên kia suối vẳng sang tiếng chim hót xen trong tiếng gió lùa lá ngô lao xao. Dưới gầm sàn có mấy con gà đang nhảy tìm ổ đẻ, tiếng gà cục tác tan loãng vào không gian bao la.

Lát sau thấy người thiếu phụ từ dưới suối đi lên, một tay ôm mớ quần áo ướt, tay kia xách khẩu tiểu liên. Chị quẩn chiếc váy có thêu những hoa văn màu đỏ màu vàng, nửa người phía trên để trần, mái tóc ướt búi gọn trên đầu, những giọt nước đọng lấp lánh nơi bờ vai tròn rám nắng. Dáng chị cao, vóc người tròn lẳn, những đường cong đầy đặn rất hài hòa với thân hình cân đối. Thảo nào áo khâu bằng bao cát mà chị mặc trông vẫn đẹp!

Người thiếu phụ bước lên cầu thang. Tôi đón cây súng đem vào treo trên vách. Chị đứng đầu sàn quay tóc cho khô nước, nghiêng mặt nhìn qua cửa hỏi tôi điều gì đó. Tôi không hiểu, lắc đầu. Chị cười, nói lại lần nữa và rất tự nhiên, chỉ tay vào bụng mình để ra hiệu. Tôi cũng cười, trả lời: “Chị đừng lo, tôi chưa đói đâu!”.

Gần trưa người đàn ông mới về, tay xách ngọn lao cùng xâu cá và mảnh lưới nhỏ, nước còn ướt loáng trên những bắp thịt cuồn cuộn săn chắc như múi thừng. Chú bé nhoài nửa người ra khỏi tay tôi, rối rít đòi bố. Anh vội trao những thứ đang cầm trong tay cho vợ, rồi nhâc bổng con trai trên đôi cánh tay vạm vỡ của mình. Chú bé đạp cả hai chân lên đầu bố, cười sằng sặc. Anh kéo tôi ngồi xuống bên cửa sổ, nói như phân bua:

- Tôi đi thăm bẫy nhưng bữa nay rủi quá, chẳng dính con nào. Định săn con mang đãi anh bữa thịt, lại sợ lâu anh trông, đành xuống suối bắt mấy con cá rồi chạy về.

- Tôi thấy anh không mang theo súng? - Tôi hỏi.

- Tôi chỉ dùng ná với lao. Súng là để cho vợ tôi. Những lúc tôi đi xa, cô ấy ở nhà có nó, tôi vẫn yên lòng hơn. Tôi lấy khẩu súng này trong một chiếc trực thăng rơi giữa rừng. Chắc nó trúng đạn đâu ngoài đường Chín, bay vào đây mới rơi. mấy người trên đó chết cả, thú rừng tha xác họ vương vãi. Tôi lượm xương chôn cất cẩn thận và đem khẩu súng này về dạy vợ tôi bắn. Cô ấy bắn giỏi lắm, bắn ná cũng giỏi! Cứ như có năng khiếu bẩm sinh ấy, anh ạ! Cha vợ tôi là thợ săn có tiếng, nhưng ông cũng không dùng súng.

- Thế giờ bác ấy... - Tôi gợi ý.

- Về cha vợ tôi, tôi chỉ nghe kể lại chứ chưa biết mặt. Khi tôi đến sống ở bản thì ông đã mất... À, để tôi kể tiếp cho anh nghe. Đêm đó, lúc trốn khỏi đoàn quân xa, tôi chạy vào rừng; đến sáng cứ lần theo lối mòn mà đi, hễ thấy bóng người là lẩn tránh. Tôi lang thang trong rừng, không hề có ý tưởng gì trong đầu, không định tự tử nhưng cũng chẳng thiết sống... Hai ngày sau, tôi kiệt sức nằm lả bên lối mòn. Một người đàn ông đi rừng bắt gặp, cõng tôi về nhà. Về sau ông nhận tôi làm con nuôi...

Anh lấy nậm rót rượu ra chén đưa mời tôi, bưng chén của mình nhấp một hớp, mới kể tiếp:

- Sáu năm sống ở bản, (Anh không nói bản nào) tôi học được đủ thứ, từ phát rẫy trỉa lúa trỉa ngô tới phóng lao bắn ná đặt bẫy, rồi đan gùi dựng nhà... Tôi còn theo trai gái trong bản đi gùi gạo vác đạn cho bộ đội. Tóm lại tôi đã trở thành trai bản thực thụ. Cha nuôi tôi là thầy mo, ông dạy tôi biết nhiều bài thuốc chữa bệnh bằng cây lá trong rừng. Phải nói là tôi học được ông ta rất nhiều, chỉ trừ nghề thầy mo. Nghề này cha truyền con nối từ nhiều đời nay trong nhà. Tôi chỉ là con nuôi. Hơn nữa tôi không mê tín. Cách hành nghề thầy mo của ông ta đầy dị đoan, hình như có sử dụng cả những chất thuốc trong cây cỏ để lừa bịp. Tôi không mấy để ý vì nghĩ đó chỉ là tập tục...

Người vợ bước vào nhà nhen lại bếp lửa. Anh đứng dậy giúp vợ chuẩn bị bữa trưa. Câu chuyện dừng ngang đó nhưng còn vương lại trong tôi cảm giác buồn buồn, có lẽ vì nét mặt và giọng nói của người kể.

Ăn xong bữa thì trời đã ngả về chiều. Chúng tôi lại ngồi xuống bên cửa sổ. Lúc này anh chỉ say sưa kể chuyện rừng. Dù rất muốn nghe tiếp câu chuyện đang dừng giữa chừng, nhưng tôi không giục vì biết điều gì nói ra được, anh ấy sẽ kể. Tôi cũng định kể cho anh nghe chuyện dưới xuôi, nhưng lại thôi. Anh không hỏi và không hề tỏ ý muốn biết. Ở dưới đó những kỷ niệm thời thơ ấu của anh đã chìm trong máu và lửa...

Gần cuối chiều khi nắng dịu, người đàn ông rủ tôi ra bìa rẫy rình bắn gà rừng. Tôi thích thú nhận lời ngay. Chúng tôi xách theo cây ná và mấy mũi tên đi vào lối mòn giữa rẫy. Lúc gần tới mé rừng, anh ra hiệu cho tôi đứng lại, búng tay gọi chó. Con vàng nhanh nhẹn chạy vượt lên, ngóc mõm hít hít tìm hơi trong gió.

Sau khi bắn được hai con, anh mỉm cười trao ná cho tôi. Tôi hơi run nhưng cũng xách ná bám theo con chó đang rón rén chạy men mép rẫy tìm bầy gà khác. Mãi rồi tôi cũng hạ được một chú gà trống phát tên đầu tiên, và hết sức hãnh diện khi xách nó về trình diện người thợ săn.

Chúng tôi trở lại nhà. Mặt trời sắp lặn. Anh chiều tà phủ màu vàng đìu hiu lên những ngọn núi đang chìm dần trong mây bạc. Từ ngôi nhà sàn lẻ loi, một làn khói bếp bay lên quyện với sương chiều.

Tối đến lúc đã ăn cơm xong, người đàn ông mới tiếp tục câu chuyện:

- Hồi sáng tôi có kể với anh thời gian sống ở bản... Vâng! Đối với tôi thì đó là những ngày tháng êm đềm. Cuộc sống mới lạ nơi núi rừng tuy vất vả thiếu thốn nhưng đã làm nguôi ngoai nỗi đau. Tôi những tưởng mình có thể sống như thế đến trọn đời. Ở đó tôi được nghe một câu chuyện lạ chắp nối từ lời kể của nhiều người, mỗi lúc một ít:

Trước đây trong bản có một người thợ săn giỏi có tiếng, lại hiền lành và hay giúp đỡ mọi người nên được dân bản quý lắm. Trong một chuyến đi săn dài ngày, ông dẫn về theo một người con gái rất đẹp tóc dài da trắng, rõ là không phải người vùng này. Chẳng ai biết gốc tích cô gái ấy ở đâu. Hỏi người thợ săn, ông chỉ cười. Hai người thành vợ thành chồng... Chắc anh cũng đoán ra họ là cha mẹ vợ của tôi sau này. Lúc đầu mọi người có bàn tán xôn xao, nhưng vốn quý người thợ săn, lại thấy người vợ chịu thương chịu khó và chẳng bao lâu đã thông thạo ngôn ngữ tập tục ở đây, nên những điều dị nghị cũng lắng đi. Hai năm sau, họ sinh được một người con gái vừa giống bố vừa giống mẹ, cảnh nhà càng thêm đầm ấm.

Một buổi sáng người chồng vào rừng săn bắn, đến tối không thấy trở về. Mấy ngày sau có người phát hiện xác ông cách bản hai quả núi, thú rừng đã gặm hết thịt, chỉ nhận ra nhờ nhìn thấy ngọn lao và cây ná của ông bên cạnh. Dân bản đem xác ông về chôn cất. Nhiều người cho rằng đó là một cái chết bí ẩn. Một người thợ săn giỏi như ông đâu chịu để thú dữ giết dễ dàng, mà nơi ông chết không có dâu vết của trận quyết đấu giữa người và thú.

Trong lễ cúng ma, thầy mo phán rằng người thợ săn bị ma lai ăn thịt, và vợ con ông đã bị con ma ấy nhập vào người. Cả bản rúng động kinh hoàng. Nỗi lo sợ biến thành sự phẫn nộ. Có người đòi giết đem thiêu xác, có người bảo phải đuổi ra khỏi bản. Sau rồi mọi người nghiêng về ý thứ hai. Có thể vì họ vẫn còn chút quý mến cái nết ăn ở hiền lành của vợ chồng người thợ săn, hoặc do thầy mo bảo không cần giết, chỉ đuổi khỏi bản, nhưng cấm không ai được tiếp xúc. Cha nuôi tôi uy danh lớn lắm, lâu nay nói gì mọi người cũng nghe theo.

Dân bản xúm lại làm một ngôi nhà sàn giữa rừng và phát một đám rẫy nhỏ gần mộ người thợ săn, đuổi vợ con ông ra đó sống. Từ đó chẳng ai dám gặp họ. Về sau sự việc dần dà nguôi đi, nhiều người thương tình, thỉnh thoảng vẫn đem cho họ xâu thịt, khi gói muối hay quả ngô quả bí... Mọi thứ được treo trên gốc cây cạnh bờ suối gần nơi họ ở. Khi nào vắng bóng người, hai mẹ con mới dám ra lấy.

Ngày tháng trôi qua. Khi tôi đến sống ở bản thì hai mẹ con người đàn bà bất hạnh ấy đã thui thủi như thế gần chục năm. Mỗi lần lên rẫy, tôi vẫn thấy hai cái bóng nhỏ nhoi cặm cụi trên đám rẫy nhỏ. Có lẽ mọi người đều sợ ma lai nên chỉ có rẫy của cha nuôi tôi ở gần đấy. Thầy mo pháp thuật đầy người, ma đâu làm gì được! Rẫy của họ lâu ngày đất bạc màu, ngô lúa xác xơ, chắc chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Vốn không tin chuyện ma quỷ, tôi thấy xót xa cho hai con người cô đơn ấy. Cũng như nhiều người trong bản, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé chỗ gốc cây bên bờ suối, để lại cho họ vài thức kiếm được trong rừng hay hái trên rẫy. Trong suốt thời gian đó, chỉ một lần tôi giáp mặt với người con gái. Lúc đó tôi đang lúi húi treo ống bương mật ong lên thân cây thì cô gái dưới suối đi lên. Cô đứng sững nhìn tôi trân trân, rồi bỗng hốt hoảng quay ngoắt người ù té chạy. Tôi không trông rõ mặt cô, chỉ kịp thấy đôi mắt đen mở to sửng sốt, mái tóc dài xõa xượi và bộ váy áo rách tả tơi, sau đó là đôi chân cuống quýt lội qua suối làm nước bắn tung tóe.

Mấy hôm sau, tôi cùng dân bản đi vác đạn cho bộ đội. Dạo đó đánh nhau to lắm, ngoài đường Chín súng nổ suốt ngày. Trong chuyến đi, tôi mua được một bộ váy áo giấu trong gùi. Lúc về tới nhà thì nghe tin mẹ cô gái đã chết. Tôi lén mọi người đem bộ váy áo tới cho cô, nhưng lần này không treo ở gốc cây mà lội qua suối vào thẳng nhà. Không gặp cô, tôi để bộ váy áo lại trong ngôi nhà đã gần mục nát, rồi ra về...

Người đàn ông dừng lại, quờ tay lấy mấy khúc củi chất thêm trên bếp. Đến khi tất cả đã ben lửa cháy đều, anh mới chậm rãi kể tiếp, giọng buồn hẳn:

- Những ngày sau lên rẫy, lúc nào tôi cũng nhìn thấy cái bóng lẻ loi của cô gái bên hai ngôi mộ cạnh đám rẫy nhỏ. Đôi buổi chiều muộn, bóng rừng đã trùm lên mộ mà cô vẫn ngồi đó, im lìm như mô đất, như hòn đá. Những lúc ấy tôi đứng lặng nhìn sang, cứ nghĩ cô gái sắp tan ra cùng sương chiều... Tôi nhớ lại những ngày mình ra ngồi cạnh bốn ngôi mộ của người thân mà ứa nước mắt, chỉ muốn chạy sang gặp cô để nói đôi lời an ủi, để san sẻ cùng cô nỗi đau, để dang đôi cánh tay trai trẻ của mình che chở cô thoát khỏi mọi tai ương... Nhưng tất cả chỉ là xúc cảm! Tôi không nghĩ ra được cách gì ngoài việc hàng ngày mang đến treo trên gốc cây đôi thứ có thể giúp cho một con người sống qua ngày. Tôi có linh cảm cô gái sắp gặp phải một tai họa khủng khiếp nào đó, nhưng đành bất lực. Không người thân, không gia đình, tôi chẳng có nơi nào để đưa cô về nương náu. Nỗi lo lắng cứ lớn dần lên khiến tôi đứng ngồi không yên. Sao không ai giúp cô ấy? Sao mọi người lại nỡ dửng dưng trước một kẻ đồng loại đang phải sống khốn khổ khốn nạn đến như vậy? Mà đó lại là một người con gái mới lớn côi cút cô đơn, không nơi nương tựa... Nhưng rồi tôi nghĩ mình chẳng thể trách ai được! Ở đây lòng nhân ái đã bị trói chặt bởi những tập quán mê tín nặng nề. Ngay cả tôi là người hầu như không bị ràng buộc cũng đâu có làm gì được, sao lại trách người khác?...

Người thiếu phụ ôm con ngồi tựa đầu vào vai chồng, mắt nhìn sững ngọn lửa, từng giọt nước mắt to tròn lăn chầm chậm trên hai gò má. Tôi chợt bối rối, thấy mình có lỗi khi gợi lại những kỷ niệm đau buồn của họ. Người đàn ông vẫn kể rủ rỉ, giọng anh buồn buồn, nhiều lúc lẫn trong tiếng gió rào rào ngoài mái tranh:

-... Cho đến một ngày... Hôm đó tôi lên rẫy cắt lúa giống. Lệ thường ở bản khi lúa chín thì chọn cắt những bông dài nhiều hạt và hạt mẫy, bó túm lại đem về treo trên gác bếp để làm giống, sau đó mới suốt lúa. Lúc tôi lấy đủ số lúa giống thì trời đã trưa. Tôi sang rẫy ngô, lựa bẻ hai chục bắp đã già bỏ vào gùi mang về. Tới chỗ gốc cây trước nhà cô gái, tôi hạ gùi xuống định lấy ngô treo lên đó, thì nghe có tiếng động là lạ. Tôi bước tới mươi bước, bỗng lặng người sững sờ khi nhìn thấy cô gái đang khỏa thân đứng gội đầu dưới suối, nước ngập ngang bắp chân. Cô ấy đẹp quá! Như bị thôi miên, tôi không sao rời mắt khỏi cô. Không ngờ thân hình một người con gái lại có thể đẹp đến nhường ấy...

Đột nhiên mắt tôi bắt gặp một thoáng chuyển động. Tôi ngẩng lên nhìn là lạnh người: cha nuôi tôi đang đi xuống bờ dốc bên kia suối. Không phải tôi sợ, nhưng dáng bộ cùng đôi mắt láo liêng của ông ta khiến tôi giật mình. Nhìn thấy cô gái, ông ta khựng lại một chút rồi nhẹ nhàng trút chiếc gùi trên vai xuống đất, gác ngọn lao lên đó và rón rén tiến lại gần, hai cánh tay chờn vờn như con thú sắp vồ mồi. Khi lão ta chỉ còn cách vài mét cô gái mới biết. Cô hốt hoảng định nhảy xuống suối, nhưng không kịp. Lão lao tới ôm thốc lấy cô đè ngửa ra bờ suối. Cô gái rú lên kinh hoàng, đôi chân trần cuống quýt giãy giụa. Lão thầy mo bịt miệng cô và cố túm lấy hai bàn tay đang cào cấu dữ dội lên mặt lão. Tôi bật rên một tiếng, rồi không hiểu mình nhảy hay bay qua suối, nhưng thoáng chốc đã đứng ngay bên cạnh. Một tay chụp cổ, một tay túm khố, tôi nhấc bổng lão ném lên bờ dốc bẹp dí như con nhái. Chẳng cần biết lão sống hay chết, tôi nhặt bộ váy áo ném chô cô gái rồi thất thểu đi xuống suối, đầu óc tê dại bởi đau đớn và giận dữ, hệt như lúc biết ai là kẻ giết cha mẹ và các em mình. Giờ thì tôi đã hiểu, lão thầy mo, người đã nhận tôi làm con nuôi, chính là thủ phạm gây ra bao bất hạnh đau thương cho gia đình người thợ săn...

Lúc lội qua gần hết suối, tôi chợt nghe cô gái thét lên một tiếng kinh hãi. Linh tính lóe trong đầu như tia chớp, tôi thụp người xuống, vừa kịp tránh mũi lao vụt qua tóc cắm phập vào gốc cây trước mặt, cán rung bần bật. Tôi quay ngoắt lại, thấy lão thầy mo đang rút dao hằm hè xông tới. Tôi quài tay ra sau nắm lấy cán lao nhổ bật khỏi gốc cây. Lão hoảng sợ hét lên và quay người bỏ chạy. Tôi dang tay phóng. Ngọn lao căm phập vào lưng lão, chỗ dưới bả vai trái. Lão đổ ập xuống không kịp kêu lên một tiếng.

Tôi ngoảnh sang phía cô gái. Cô chỉ kịp quấn chiếc váy, hai cánh tay ôm che bộ ngực trần, run lẩy bẩy. Dường như bản năng đàn ông của một chàng trai đứng trước một người con gái đang cần được che chở đã giúp tôi bình tĩnh quyết đoán mọi công việc. Tôi nhảy qua suối, nhặt lấy chiếc áo đưa cho cô và nói: “Mặc vào! Chạy trốn với tôi!”. Cô ngơ ngác nhìn tôi. Rồi vụt hiểu ra, cô mặc vội áo vào người, nhanh nhẹn chạy lên cầu thang vơ mấy thứ nhét vào gùi và xách theo cây ná nhảy xuống. Chúng tôi lội qua suối tới chỗ gốc cây. Tôi quàng gùi lên vai, vớ ngọn lao kéo cô chạy vào rừng sâu. Đêm đó chúng tôi ngủ trong cái chòi lợp lá chuối dựng tạm trên cây...

Mấy ngày sau chúng tôi nhằm hướng tây đi mải miết, chỉ băng rừng leo núi, tránh mọi lối mòn cùng làng bản. Chúng tôi xuyên qua những khu rừng đại ngàn đi mãi lên cao, cho đến hôm tới đây mới dùng lại chọn vùng đất này để sống. Lúc đó tôi mang theo được con dao rừng, ngọn lao, gùi lúa giống cùng hai chục bắp ngô cũng có thể làm giống được. Vợ tôi có mấy cái váy áo, gói muối, cánh ná và lưỡi rìu của người cha để lại...

...Đối với họ như vậy là đủ! Những đau đớn tủi nhục đã lùi xa sau rất nhiều cánh rừng ngọn núi, giờ đây họ ngây ngất trong niềm hạnh phúc bất ngờ đến kỳ diệu. Tuy vậy, khởi đầu cuộc sống mới vẫn là những ngày tháng đầy gian truân vất vả. Họ là những con người, phải sống cho ra con người. Cần có rẫy trĩa lúa trồng ngô, có một ngôi nhà đủ vững chãi để chống chọi với mưa gió, tất cả phải xong trước mùa mưa. Phát cây đốt rẫy, chặt tre đốn gỗ làm nhà, vào rừng kiếm thức ăn..., đôi vợ chồng trẻ ngày ngày làm lụng quần quật từ sáng tinh mơ cho tới tối mịt. Đến khi thu hoạch được vụ lúa vụ ngô đầu tiên, cuộc sống của họ mới thong thả hơn. Ở đây chim thú sẵn trong rừng, cá có dưới suối, mật ong măng nấm rau củ..., mùa nào thức ấy. Ngày nắng chồng vào rừng săn thú bẫy chim, vợ lên nương bẻ ngô suốt lúa. Những ngày mưa dầm lạnh lẽo họ ngồi bên bếp lửa, chồng đan gùi vợ khâu áo... Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi. Sống xa hẳn xã hội loài người, họ không còn sợ những mưu mô hiểm độc, không phải lo đối phó với đối trá phản trắc lẫn thù hằn ganh ghét. Họ phải vật lộn với thiên nhiên để sống, nhưng sống thanh thản, chẳng màng nghĩ tới danh vọng, không thiết bon chen làm giàu. Không lệ thuộc vào ai và chẳng bị ràng buộc vào bất cứ điều gì do con người đặt ra, họ tự do như nắng gió. Ở nơi hoang dã này vẻ đẹp của núi rừng vẫn trinh nguyên như vốn có tự xa xưa. Ngày tháng vui với chim muông cây cỏ, sớm chiều bạn cùng gió núi mây ngàn, tâm hồn họ trong lành như nước suối, như khí trời. Và trên tất cả là hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu. Định mệnh đã cho hai người gặp nhau để bù đắp một phần những gì mà họ phải chịu đựng trong quá khứ...

Anh sôi nổi nói với tôi những điều đó, ánh mắt long lanh. Người vợ đưa tay quệt nước mắt, trao con cho chồng và ngồi nép vào ngực anh. Ánh lửa lập bùng soi bóng họ rung rinh trên vách nhà. Tôi băn khoăn hỏi:

- Có lúc nào anh nghĩ đến chuyện trở về quê?

- Không! - Anh đáp cụt lủn, mắt tối sầm lại.

- Bây giờ dưới đó đã được giải phóng...

- Cũng thế thôi! - Người đàn ông ngắt lời tôi - Chúng tôi không từ bỏ xã hội, không thù ghét con người, chúng tôi chỉ chạy trốn cái ác. Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao lại có người nỡ nhẫn tâm giết hại cả những người ruột thịt của mình? Cọp dữ còn không ăn thịt con nữa là! Cứ cho rằng trong cuốn gia phả của dòng họ tôi có ghi chép điều gì đó, một kho báu chẳng hạn, nhưng thật kinh khủng khi lòng tham đã làm con người mất hết nhân tính. Tôi cũng không tài nào hiểu được tại sao lão thầy mo lại đang tâm mưu mô hãm hại đày đọa cả một gia đình lương thiện vốn không có thù hằn gì với lão? Vì cái gì? Ganh ghét ư? Mà ở đây, sự tàn ác lại cùng tồn tại với cái thiện trong con người đó, người đã cứu tôi đem về nuôi như con?

Biết anh chỉ nói ra những suy tư của mình chứ không phải hỏi, nhưng tôi cũng nói:

- Suy cho cùng, trong xã hội vẫn có những người xấu như thế, nhưng không nhiều. Từ xưa dến nay, loài người vẫn luôn đấu tranh với các ác để vươn tới cuộc sống tốt đẹp. Chẳng lẽ anh cho rằng con người ta không thể sống tốt với nhau được sao?

- Không phải vậy! - Anh trả lời, tư lự như đang nói với chính mình - Với những gì đã trải qua, vợ chồng tôi khao khát tình người hơn bất cứ thứ gì có trên đời. Không phải chúng tôi mất lòng tin ở con người, nhưng... - Anh lật ngửa hai bàn tay, giơ ra soi trước ánh lửa - Hai bàn tay này từng dính máu, tôi đã phải giết người. Tôi không hề ân hận về việc mình làm. Tôi chỉ giết kẻ ác, vì sự sống còn của mình và cũng vì lẽ công bằng ở đời. Nhưng thật đau đớn khi những kẻ ác đó đã từng là người thân của tôi... Con thú hung dữ do bản năng, còn người ác bởi lòng tham, mà lòng tham thì vô cùng! Tôi không muốn gặp lại chuyện đó một lần nữa...

Nhìn nét mặt khắc khổ của anh, tôi hiểu rằng mình không thể nói gì hơn. Hai con người này không cần an ủi. Không hề hèn nhát và cam chịu, họ tự vượt qua số phận để tìm tới cuộc sống tốt lành theo ý mình mà chẳng cần người đời khen chê. Dù có những điều không thể đồng tình với họ, nhưng tôi đâu đã trải qua những gì mà họ phải chịu đựng? Tôi đành hỏi sang chuyện khác:

- Vậy là từ đó anh chị không hề gặp ai?

- Cũng không hẳn! - Người chồng trả lời - Mỗi năm một, hai lần tôi sang bản Lào bên kia - Anh chỉ về hướng tây - mang mật gấu, xương cọp...đổi muối, vải và vài thứ cần dùng khác. Tôi còn xin được hạt rau, đôi lợn con và mấy con gà về gây giống. Cả con vàng này nữa, - Anh vuốt ve con chó - nòi chó săn của người Lào đấy, nó săn thú giỏi lắm! Từ đây sang bản Lào tôi phải đi cật lực một ngày. Tại đường khó đi chứ những ngày trời trong, leo lên rặng núi sau nhà cũng nhìn thấy...

Chúng tôi đi ngủ lúc đêm đã khuya. Bên ngoài gió vẫn lồng lộn từng cơn. Ở nơi heo hút này, tiếng gió hú trong đêm khuya nghe lạnh lùng sầu thảm quá. Mãi không ngủ được, tôi khoác chăn ngồi dậy. Bên kia bếp lửa, gia đình chủ nhà đã ngủ say. Người vợ gối đầu lên tay chồng, một tay chị quàng qua khuôn ngực vạm vỡ của anh đầy yêu thương và tin cậy. Người chồng nằm gác tay lên trán như đang suy tư. Đứa trẻ ngủ say giữa hai người, vô tư và yên ổn. Con chó vàng nằm cạnh cửa vểnh tai cảnh giác. Bếp lửa sưởi ấm cho tất cả.

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm. Người thiếu phụ bỏ vào gùi chồng hai nắm cơm cùng gói thịt nướng, và mở ba lô của tôi nhét vào đủ thứ: chiếc mật gấu, mấy xâu thịt khô, mật ong đựng trong vỏ quả bầu, măng khô, cả một trái đu đủ chín hườm mới hái dưới vườn. Xong chị đứng dậy tần ngần nhìn quanh nhà, ý chừng xem còn thứ gì có thể đem cho tôi mang theo.

Tôi hôn chú bé và chào từ biệt chị. Chị nghẹn ngào nói với tôi điều gì đó, hai mắt ươn ướt. Người chồng bảo: “Vợ tôi nói, anh đi rồi cô ấy sẽ nhớ anh lắm đấy...”.

Chúng tôi ra đi khi sương còn chưa tan. Xuống tới suối, tôi quay lại nhìn. Người thiếu phụ vẫn đứng ở đầu sàn trông theo. Hình dáng hai mẹ con chị in lên nền trời đang xanh dần trong nắng sớm.

Hai chúng tôi băng rừng đi mải miết, chỉ dừng nghỉ lúc ăn trưa. Xế chiều thì ra tới đường xe. Anh đứng lại bảo tôi: “Từ đây tới bản A. anh đi chừng một giờ nữa! Không sợ lạc đâu! “Tôi phải quay về thôi!”. Chúng tôi nhìn nhau lặng lẽ. Nói ra điều gì lúc này cũng đều không cần thiết. Anh vẫn bình thản nhưng ánh mắt buồn bã. Tôi cởi chiếc đồng hồ đeo vào cổ tay anh và nói ngay không để anh kịp từ chối: “Tôi tặng cháu! Để sau này anh dạy cháu biết xem giờ!”...

Tôi lại bước đi trên con đường đã quen hôm trước. Vẫn lối xe chạy bỏ hoang lòa xòa cây cỏ, vẫn vết cuốc mờ mờ ở vách ta luy và nắng chiều rat bỏng trên vai. Dường như không có hai ngày vừa qua, như tôi chỉ mơ một giấc mơ dài, giờ tỉnh dậy đi tiếp. Ngoảnh nhìn lại, vẫn thấy người đàn ông đứng im lìm trên đỉnh dốc, mặt trời lấp lóa sau lưng anh.

Cho đến tận bây giờ, trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh người đàn ông lưng mang gùi, một tay xách cánh ná, một tay chống ngọn lao, đứng im lìm như pho tượng cổ trong nắng chiều vàng óng... Tôi rất muốn gặp lại những con người ấy, nhưng biết tìm họ ở đâu trong một vùng núi non bạt ngàn ở miền tây Quảng Trị, mà cũng có thể là đất Lào.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, không biết bây giờ họ ra sao? Nếu còn sống, anh chị ấy giờ cũng đã già như tôi, chú bé ngày nào đã trở thành một chàng trai lực lưỡng... Biết đâu cậu ta đã lấy vợ, một cô gái bên bản Lào chẳng hạn, và nơi ấy giờ đã có một bản mới nho nhỏ...

Huế, tháng 4 năm 2000
P.V.L
(141/11-00)



 

Các bài mới
Thím Thoải (10/06/2010)
Các bài đã đăng
Huế (01/06/2010)