Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 5)
Festival thơ Huế - Cuộc trình diễn nhiệt huyết của những ý tưởng
08:05 | 03/06/2010
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGCòn nhớ một buổi sáng cuối xuân năm 2006, khi những ý tưởng của những kẻ trẻ lãng mạn Huế đang còn manh nha quẫy đạp bên vỉa hè cà phê Trương Định, tôi buột miệng nói với Đinh Khắc Thịnh, một tay sắp đặt táo bạo và đầy cá tính: “Tại sao chúng ta không làm một cái gì đó như là “cổng thơ”, đưa công chúng thi ca đi vào những nẻo đường huyền diệu của thơ Huế…”.
Festival thơ Huế - Cuộc trình diễn nhiệt huyết của những ý tưởng
Như chỉ chờ có thế, Đinh Khắc Thịnh, sôi nổi và nhiệt thành, đã bung ra một mớ hình dung cho dự án: nào là nhân lực, vật liệu, nào là chủ đề, ý tưởng của từng cổng… Từ đó “Cổng thơ” ra đời, ngay tại công viên 3/2 bên bờ sông Hương thơ mộng, trở thành một điểm nhấn hoành tráng của Festival Thơ Huế 2006. Thú thật, cho dù tôi là người mang tiếng “giữ bản quyền” ý tưởng “Cổng thơ” nhưng cũng không thể nào hình dung nổi sức… hình dung của các nghệ sĩ trẻ, sinh viên Mỹ thuật vào những ngày hội năm ấy. Lê Thị Minh Nguyệt đánh vần “Thờ ơ thơ” lên cổng thơ của mình bằng cách sắp đặt các chữ cái a, b, c… ngộ nghĩnh, lẫm chẫm lên các két gỗ, đưa người xem trở về với những ngày tháng hồn nhiên thơ dại của đời người. Trong khi đó những mảnh gương vỡ, tượng trưng cho xác trăng đau đớn của một đời thơ Hàn Mặc Tử lại được Lê Việt Trung cho nằm sóng soãi bên những két gỗ đỏ như màu máu, trên bãi cỏ xanh rười rượi dưới trăng. “Một mai kia ở bên khe nước ngọc. Với sao sương anh nằm chết như trăng”(HMT)...


Cũng lấy ý tưởng từ trăng, nhưng tác phẩm “Trăng thơ” của sinh viên Đại học Mỹ thuật Huế Lê Như Hiếu là một ý niệm khác về thơ, sự đột phá trong hình thức thể hiện thơ - thị giác theo cảm nhận thơ riêng của tác giả. Cổng thơ chính được đặt ngay trong lòng nhà bát giác (nhà kèn) còn là nơi rộng mở để các nhà thơ xứ Huế thể hiện ý tưởng của mình: Nhất Lâm treo thơ “bánh chưng bánh dày”, các nhà thơ khác lại đề thơ lên giấy cho vào các chai lọ, như những thông điệp tìm nhau cổ xưa giữa dòng đời cuộn chảy… Những bạn trẻ Huế, du khách… lại viết nên những lời yêu thương tình tự gửi đến người yêu dấu… Điều thú vị là những thông điệp ấy đã được ai đó lấy đi chỉ sau một đêm. Ngày mai, những chai lọ lại được bù đắp bằng những bài thơ mới, những lời yêu thương mới. Đó phải chăng là hành trình kết nối thơ, kết nối yêu thương trong đời? Có lẽ nếu đã một lần đi dưới dải lụa trắng khổng lồ kéo dài một góc không gian công viên, trên đó đề thơ của những nhà thơ nổi tiếng, không một ai có thể quên được cảm giác bềnh bồng trong gió mai, một cảm giác ấm áp sẻ chia, vỗ về…, cảm giác ở bên thơ…


Nếu không gian chủ đạo của Festival Thơ Huế 2006 là “Cổng thơ” thì đến năm 2008 chính là “Quảng trường thi ca”, vẫn của họa sĩ sắp đặt Đinh Khắc Thịnh (lần này có thêm sự hỗ trợ của “nghệ sĩ đường phố” Lãng Hiển Xuân) lấy ý tưởng từ đại lộ Danh Vọng ở Hollywood. Tổng thể tác phẩm sắp đặt gồm một chiếc đèn kéo quân lớn mà 8 cái cột của nhà kèn là chiếc sườn và bên cạnh đó còn có khoảng 200 ngôi sao ghi tên các nhà thơ đã tạo nên diện mạo thi ca Việt Nam. Ở trên các ngôi sao, tên các nhà thơ danh tiếng được ghi trên cát rồi cũng có thể bị xóa nhòa thay thế tùy theo ý thích, quan niệm của chính từng độc giả thơ. Thông điệp của Đinh Khắc Thịnh là: “Danh vọng chỉ là ảo ảnh, nó nhỏ bé như hạt cát và mong manh như phù vân giữa trời. Khi mỗi người nghệ sĩ đều nhận ra sự vô thường ấy của cuộc sống thì hãy cống hiến hết sức mình cho nghệ thuật, đừng cầu mong danh vọng và cũng đừng để danh vọng vướng bận trong lòng”.

Tôi đã nhìn thấy tên của từng thi nhân, thi sĩ được bạn đọc trân trọng viết lên, thoáng chốc ai đó lại trân trọng xóa đi thay bằng những tên mới. Có nhà thơ không ngại ngần viết tên mình trên cát! Trên “Quảng trường thi ca” năm ấy, những bài thơ vang lên hằng đêm: thơ trẻ, thơ của câu lạc bộ Sông Bồ, thơ của những người con xa Huế… Riêng tôi có ấn tượng đẹp vô vùng với một ngôi sao nơi ấy. Chiều hôm ấy, có hai ông bà cụ già dắt theo cậu cháu trai nhỏ bách bộ trong công viên, len lỏi giữa những ngôi sao danh vọng. Hai cụ lần lượt đi xem tên của những thi nhân được viết trên những ngôi sao bằng cát. Một hồi, hai cụ nắm tay nhau cùng ngồi xuống bên một ngôi sao, nghĩ ngợi hồi lâu. Đoạn bà cụ thủ thỉ gì đó với cụ ông, rồi nhẹ nhàng xóa phẳng phiu nền cát trắng, nhẹ nhàng nắn nót ngón tay. Tôi loay hoay một hồi đằng sau sân khấu, quay lại thì không thấy hai cụ đâu nữa. Bỗng dưng tôi tò mò muốn biết hai cụ đã cùng nhau viết nên tên ai, điều gì? Tôi đến bên ngôi sao của hai cụ. Ánh sáng của ngọn đèn màu dưới đáy ngôi sao chiếu lên nền cát, hiện lên dòng chữ nguệch ngoạc đơn sơ, khiến tôi sững sờ: “Niềm tin cách mạng”

Cổng thơ của họa sỹ Đinh Khăc Thịnh- Ảnh: LVT


… Không thể thiếu trong các kỳ Festival Thơ là các chương trình triển lãm thơ, hội thảo thơ, giới thiệu ra mắt các tuyển tập thơ. Tiêu biểu là “diễn đàn thơ” năm 2004, và đặc biệt là hội thảo chuyên đề “Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt” năm 2006. Tham luận tại các cuộc hội thảo ấy đã gợi mở nhiều điều cho thơ Huế. Thế nào là thơ Huế? Thơ Huế có từ bao giờ? Nói như nhà phê bình Hồ Thế Hà: “Chúng tôi quan niệm thơ Huế là thơ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Huế, là thơ của những người từng đến sinh sống ở Huế và sáng tác, là thơ của những người quê Huế xa Huế, là thơ của những người vùng quê khác ghé qua Huế, chỉ dừng chân trong khoảnh khắc mơ màng trước nỗi niềm sơn thủy Huế mà xúc cảm thành thơ...”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng: “Thơ Huế rộng là thơ viết về Huế. Thơ Huế hẹp là thơ của người Huế viết. Mà như thế là vinh danh cho Huế, một vùng, một xứ thuộc số ít địa danh trên toàn cõi VN rất nên thơ và rất có nhiều thơ”. Trong cảm thức của một người con xa Huế, nhà thơ của “Nhớ Huế” Trần Hữu Lục mượn sông Hương để nói về dòng chảy của thơ Huế qua không gian, qua thời gian: “Sông Hương chảy từ Trường Sơn ra biển Thuận An. Trong dòng chảy có đằm hương Thạch Xương Bồ. Sông Hương có nhiều phụ lưu, nhánh rẽ (...). Xin được ví von như thế, trước khi nói về thơ Huế. Trong dòng chảy của thơ Huế cũng có nhiều nhánh thơ, trong đó có nhánh thơ Huế của những người xa Huế”.

Quảng trường thi ca sắp đặt của họa sỹ Đinh Khắc Thịnh


Festival thơ Huế còn là nơi trình làng các tuyển tập thơ “kỷ lục”: “Tuyển tập 700 năm thơ Huế”, “Tuyển tập 30 năm văn học Thừa Thiên Huế”, tuyển tập “1000 nhà thơ Huế đương thời”… Festival thơ Huế còn là nơi để nhà thơ - cụ đồ trẻ Nguyễn Phước Hải Trung tung hoành tay cọ tài hoa bằng cuộc hai triển lãm thơ: 40 bài thơ trung đại tiêu biểu về Huế (thư pháp chữ Hán) và Thủ bút các nhà thơ xứ Huế (thủ bút và chân dung được trình bày dưới dạng poster). Mệ Trung còn là người “tả xung hữu đột” trong các chương trình thơ trong “Đêm Hoàng Cung”! Một lần chứng kiến cách mà Hải Trung say sưa làm chủ trò trong tiết mục “Đố thơ” trong Đai Nội, tôi xúc động nghĩ về thế hệ chúng tôi, những người trẻ hôm nay của Huế, đang làm một cuộc dấn thân mới trong hành trình “bảo tồn và phát huy” những giá trị của Huế Thơ…

Đêm thơ Huế tại cung Diên Thọ - Đại Nội Huế


Festival Thơ Huế 2010 lại đang đến. Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế cũng đã có những dự án sắp đặt và trình diễn ý tưởng của mình. Chúng tôi có hai cuộc triển lãm thơ: “Thơ đề trên gốm” của Trần Đỗ Nghĩa, triển lãm “Bìa thơ” của Nguyễn Phước Hải Trung. Hai cuộc ra mắt tập thơ: “Thơ tình xứ Huế”,“1000 nhà thơ Huế đương thời” (tập 3). Một cuộc hội thảo chuyên nghiệp “Thơ đến từ đâu” xuất phát từ tập đối thoại cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Và đặc biệt lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng Huế nghệ thuật trình diễn thơ qua đêm “Những nấc thang” vẫn tại Công viên 3/2- “Quảng trường thi ca” của Huế, với sự tham gia của gần hai mươi nhà thơ trẻ của mọi miền đất nước đang được đánh giá là có nhiều đột phá sáng tạo, đầy cá tính, và quyết liệt dấn thân. Tất cả, tất cả đang chờ ngày khai hội…

(SDB – 5-2010)




Các bài mới
Tamakata (21/06/2010)
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Các bài đã đăng