Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 5)
Festival Huế - con số và sự kiện
10:31 | 03/06/2010
NGUYỄN DUY HIỀNFestival Huế được khởi nguồn từ những kết quả bước đầu của Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992 giữa TP Huế và Codev Việt Pháp. Từ cuộc liên hoan có tính thăm dò này, tỉnh TT Huế đã sớm hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn.
Festival Huế - con số và sự kiện
Ý tưởng ấy đã được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành Trung ương và đặc biệt của Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Pháp là đất nước có nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến trong tổ chức Festival quốc tế. Tháng 10 năm 1998, Chính phủ quyết định cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000. Ngay sau đó, các nhóm chuyên gia kỹ thuật Việt - Pháp đã phối hợp khẩn trương chuẩn bị theo hướng tổ chức Festival Huế 2000 là một sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, vừa có quy mô quốc gia và có tính quốc tế, thu hút sự tham gia của các vùng văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của Pháp, gắn mở rộng giao lưu văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, từng bước tiếp thu công nghệ Festival quốc tế. Sự thành công của các kỳ Festival góp phần cho quyết tâm xây dựng Huế thành một thành phố Festival đặc trưng. Bởi Huế hội tụ các yếu tố và điều kiện để xây dựng một thành phố festival mẫu mực. Xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam mang tầm quốc tế chính là phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử và vị trí đặc thù của Huế.

Khai mạc Festival 2000 - Ảnh: Phạm Văn Tý


Với độ dày về văn hóa, lịch sử của quá trình hình thành và phát triển, Huế đã xác lập cho mình một bản sắc riêng. “Bản sắc Huế” cùng với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của Huế đã tạo ra sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục sâu rộng đối với trong nước và cả quốc tế. Các Festival quốc tế, các hội thảo hội nghị, các gặp gỡ tại Huế và bản thân di sản văn hóa cố đô cũng là di sản văn hóa nhân loại, đã là môi trường đầy sức sống cho giao lưu và phát triển văn hóa.

Diễn ra 12 ngày đêm, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế... Festival Huế 2000 có thể ghi dấu cho việc hợp tác văn hóa có ý nghĩa giữa Đại sứ quán CH Pháp và tỉnh Thừa Thiên Huế. Một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam thành công, tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo tổ chức các kỳ Festival quốc tế định kỳ 2 năm một lần.

Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển chủ đề “Khám phá nghệ thuật sống của cố đô Huế” đi liền với mở rộng giao lưu quốc tế, diễn ra 12 ngày đêm và 1 tháng trước ngày khai mạc được khởi động bằng Trại Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế - Việt Nam” với sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn trong nước gồm 1554 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế.

Festival Huế 2004 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra trong 9 ngày đêm gắn với 1 tháng khởi động của Trại Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế - Việt Nam”, Trại Điêu khắc dân gian, Festival Thơ Huế và nhiều hoạt động dạo đầu, đã quy tụ 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Argentina, Australia, Ấn Độ, Đức, Mỹ; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên và đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ nhiều lực lượng tham gia phục vụ festival, thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế.

Công chúng Huế với Festival - Ảnh: PVT


Festival Huế 2006 với chủ đề “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” - quy tụ 1.440 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước (1171 diễn viên) và 22 đoàn nghệ thuật quốc tế (269 diễn viên) đến từ các nước: Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Argentina, Indonesia, Australia. Festival Huế 2006 tiếp tục phát huy được những kết quả và các kinh nghiệm của các kỳ Festival trước, đã đạt được các yêu cầu đặt ra, thu hút 1,5 triệu lượt người tham dự vào các hoạt động tại Festival Huế. Một tháng khởi động trước khai mạc và 9 ngày đêm liên tục từ 3 đến 11/6/2006, Festival Huế 2006 đã mang đến cho công chúng 138 suất diễn, trên 40 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng. Chương trình đã được công luận đánh giá là một lễ hội mang đậm chất dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn và an toàn, thể hiện được đẳng cấp của một Festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, Festival Huế 2006 đã tiếp tục đánh thức, khơi dậy những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tiếp thị một cách có hiệu quả với bạn bè năm châu hình ảnh của cố đô Huế, thành phố Festival của Việt Nam.

Tiếp tục phát huy thành quả của các kỳ Festival trước, Festival Huế 2008 đã diễn ra với sự góp mặt hơn 1.500 nghệ sĩ của 37 đơn vị nghệ thuật trong nước và 457 nghệ sĩ của 31 đoàn nghệ thuật quốc tế đã mang đến cho công chúng 133 suất diễn, gần 90 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng, thổi vào Festival Huế một luồng sức sống mới, một hương vị mới, xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam. Từ 3/5/2008, với việc khai mạc trại điêu khắc quốc tế lần thứ V tại Abalone Resort, Festival đã thực sự khởi động sôi nổi, rộn ràng, và sau đó một tháng, Festival Huế 2008 đã chính thức khai mạc từ ngày 3 và kết thúc vào ngày 11/6/2008. Đông đảo các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế và du khách gần xa đều có chung một nhận định: tuy vẫn còn những bất cập phải giải quyết, Festival Huế 2008 tiếp tục khai thác, tôn vinh những giá trị văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, tiếp thị có hiệu quả với bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh Huế, tổ chức quy mô hoành tráng, có chất lượng và có tính chuyên nghiệp cao nhất trong các kỳ Festival từ trước đến nay, thể hiện được nội dung và tiêu chí “Truyền thống, hiện đại, hoành tráng, lộng lẫy, ấn tượng và an toàn”.

Qua 5 kỳ Festival, Huế đã từng bước thu hút hàng chục chương trình nghệ thuật của các quốc gia ở năm châu lục có mặt, trở thành điểm hẹn của di sản văn hoá và nghệ thuật đương đại của Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hoá khác trên thế giới. Có thể nói Festival Huế là “lễ hội bảo tồn-phát triển” của Huế. Festival đã góp phần đáng kể về một cách nhìn mới về di sản Huế của chính người Huế, của những người có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Huế. Festival là nơi quy tụ, gặp gỡ đặc sắc của nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Và vốn “đối ứng” xứng tầm của Huế vẫn là nghệ thuật đặc trưng và những lễ hội tái hiện mang đậm dấu ấn văn hoá Việt. Những dự án từ Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế liên quan đến di sản văn hóa Phi Vật thể được triển khai và đạt kết quả, như dự án thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo vệ Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (với hàng loạt các hoạt động liên quan đến đào tạo phương pháp luận và kỹ năng nghiên cứu, đào tạo nhạc công trẻ và bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn, phỏng vấn lập hồ sơ nghệ nhân, sưu tầm lưu trữ tư liệu, phục dựng bài bản Nhã nhạc, phục chế trang phục và nhạc cụ biểu diễn, quảng bá và phát huy giá trị Nhã nhạc quan giao lưu biểu diễn, tổ chức nói chuyện và hoạt động truyền thông), các đề tài nghiên cứu phục dựng hàng chục bài bản Nhã nhạc, Múa, Tuồng Cung đình, chương trình nghiên cứu khoa học về các bộ sưu tập cổ vật, trưng bày hiện vật; tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xây dựng kịch bản nhiều lễ hội cung đình, tổ chức thành công các lễ tế Nam Giao, lễ Truyền lô, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ hội thi TS võ, Đêm Hoàng Cung, Huyền thoại sông Hương gây dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế và trong nước.

Đêm bế mạc Festival 2004- Ảnh: VDB

Ngành Văn hoá Huế và các địa phương ở TT Huế, cùng với việc tổ chức Festival, đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật, cả nghệ thuật sống, được dày công tôn tạo, gìn giữ và xây dựng mới. Tại Festival Huế, lần đầu tiên những người làm công tác văn hóa, hoạt động nghệ thuật có những suy ngẫm và nhận thức mới về một nghề đặc thù trong lĩnh vực văn hóa: nghề tổ chức lễ hội, với một không gian diễn xướng rộng lớn, và bài toán về ứng dụng công nghệ tổ chức sao cho phù hợp. Tại không gian chính Đại nội và Quảng trường Ngọ Môn, âm nhạc cung đình Huế, nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nghệ thuật truyền thống và đương đại của bạn bè các nước cùng ánh sáng, âm thanh, kỹ thuật nghe nhìn hiện đại đã phô diễn trong cảnh quan lộng lẫy của kinh thành. Kỹ thuật hiện đại sử dụng trong một không gian cổ kính của kinh thành ra sao cho có hiệu quả mà không cải lương hóa hoàng cung. Vấn đề ở đây là công nghệ tổ chức, kỹ thuật tiên tiến, nhưng phải chuyển tải tâm hồn và bản sắc Việt. 5 kỳ Festival có trên 90 đoàn nghệ thuật truyền thống và đương đại với rất nhiều loại hình nghệ thuật của 23 quốc gia đến với Huế, không tính các đoàn nghệ thuật từ các vùng văn hoá Việt Nam. Và một điều khá quan trọng là lựa chọn những chương trình có bản sắc và hấp dẫn, chứ không nặng về số lượng mà lại không phù hợp. Dĩ nhiên nghệ thuật trước hết là sự độc đáo. Là sự gắn kết hài hoà giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa truyền thống và hiện đại. Pháo hoa của Hubert và Hoa đăng Huế, Rồng Phụng linh vật của Việt Nam và sự sáng tạo của người Úc, nhã nhạc Việt Nam, nhã nhạc Gagakư Nhật và Aăk Hàn Quốc gặp gở, sắp đặt của các hoạ sĩ trẻ Huế và sắp đặt của Rémy Polack, âm nhạc của Peter Orins và đàn nguyệt của Tiến Dũng, Âm nhạc đường phố Snob Pháp, Cà kheo Bỉ và áo dài, nón lá Huế, ... Festival quảng bá cho Huế, cho di sản độc đáo của Huế, tất yếu góp phần rất đáng kể tác động tốt cho thương hiệu Huế. Doanh thu trực tiếp từ các khu di tích Huế năm 1996 đến 2008 là 427,8 tỷ, năm 2007 là 75 tỉ đồng, chưa tính đến doanh thu xã hội thật sự - từ hoạt động du lịch, kinh doanh các hàng hóa phục vụ du khách mang lại - gấp hàng chục lần. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng để tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn Di sản. Việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã thúc đẩy phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống đáp ứng nhu cầu của khách Du Lịch. Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Richard Enghenhart đã từng nói: Lễ hội VH Huế được tổ chức chính là một minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ cùng với việc làm sống lại các truyền thống VH trước đây.... DSVH Huế không còn là những Di Tích của quá khứ, nó sẽ là những cơ sở sống động cho sự phát triển trong tương lai của nhân dân và của tỉnh TT Huế.

Hơn mười năm qua, hoạt động festival đã nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai. Festival cũng đã nối kết giữa Huế, Việt Nam và thế giới. Một mô tả về Festival Huế gần đây nhất, 2008, để xác nhận ý kiến này. Trên 60 đoàn nghệ thuật, 2.500 nghệ sĩ chuyên nghiệp và 5.000 diễn viên không chuyên của Việt Nam và 23 quốc gia, hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật đậm dấu ấn truyền thống và đương đại. 654 nhà báo của 104 cơ quan thống tấn báo chí trong ngoài nước, trong đó có 31 phóng viên nước ngoài đến Huế đưa tin về sự kiện văn hoá quốc tế này. Trong thời gian Festival diễn ra có 3.000 tin bài về lễ hội được đăng tải, các chương trình chính và dĩên biến lễ hội được trực tuyến trên các trang Web, Đài truyền hình. Có 30.000 du khách đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế dự Festival hoặc nhân thể đi xem Festival. Đó là sự lan toả không dễ gì mua được bằng tiền. Từ khi có Festival đầu tiên 1992, Nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế, diều Huế, Lân Huế, Nón Huế, Áo dài, nghệ thuật Huế, hình ảnh Huế... mỗi năm ít nhất 5 bảy lần đến với các sự kiện chính trị quan trọng, Liên hoan nghệ thuật và Festival quốc tế ở các nước. Những sứ giả của di sản văn hoá và nghệ thuật Huế đã có mặt một cách đường hoàng trên các diễn đàn nghệ thuật lớn của thế giới. Cùng với Festival, Huế đã trở thành điểm thu hút, hội tụ và lan toả các giá trị văn hóa.


(SDB – 5-2010)




Các bài mới
Tamakata (21/06/2010)
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Các bài đã đăng