Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 5)
Chuyện ít ai biết trong làng xuất bản Việt:
15:14 | 03/06/2010
NHÀ XUẤT BẢN TINH HOA Những điều tôi biếtTRẦN BÁ ĐẠI DƯƠNG
Chuyện ít ai biết trong làng xuất bản Việt:
Vào giữa thập niên tám mươi của thế kỷ trước, tôi gặp và làm quen với anh Tăng Quốc Thắng khi anh cùng mấy người bạn vong niên của tôi hùn nhau mở một ki ốt bán sách báo ở công viên Kim Đồng, thành phố Huế. Anh Thắng tốt nghiệp sư phạm Pháp văn, không được bổ nhiệm vì lý do nào tôi cũng không rõ.

Vài năm sau, lại làm quen với Tăng Quốc Thái, cộng tác viên bộ môn cờ vua của Nhà thiếu nhi Huế. Cùng thời gian này, tôi lại có dịp gặp và làm việc với chị Tăng Bảo Hương, đại diện của tổ chức Tầm nhìn thế giới khi tôi tham gia hoạt động và là Đội phó Đội Công tác xã hội Thanh niên Huế.

Một thời gian sau, lại gặp chị Tăng Bảo Thiều trong chương trình tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương do Hội Văn học Nghệ thuật và Trường Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức. Hôm ấy, chị Thiều hát bài Bướm Hoa của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương rất hay và khiến tôi chú ý tìm hiểu, sau mới biết chị là giáo viên anh văn ở Trường Quốc Học, được ban tổ chức mời vì bài này hơi khó hát, những ca sĩ trẻ không thể hiện được cái tình, cái hồn của tác phẩm.

Cuộc sống tình cờ đưa đẩy để tôi quen biết họ, bốn anh chị em ruột và tôi cũng chỉ biết họ là con của ông Tăng Duyệt, chủ nhà sách Tân Hoa ở đường Trần Hưng Đạo, Huế trước năm 1975. Chỉ đến khi xem chương trình Con đường âm nhạc trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam, nghe nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể chuyện ông Tăng Duyệt, chủ nhà sách Tân Hoa ở Huế nhận xuất bản ca khúc Đoàn Giải phóng quân của ông với mức tác quyền 800đ vào năm 1946, tôi mới giật mình, thì ra có một nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã ra đời ở Huế từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước. Và tôi bắt đầu ý định tìm hiểu về nhà xuất bản này, sự đóng góp của nó vào tiến trình hình thành và phát triển của nền âm nhạc Việt Nam.

Ông Tăng Duyệt - Phan Ngọc Minh vẽ

Ông Tăng Duyệt qua đời năm 1968 do bị đạn lạc khi mới 54 tuổi, các con đang còn đi học, không biết nhiều về việc kinh doanh xuất bản của cha mình. Những cộng sự, bạn bè thân thiết trong giới âm nhạc, người mất, người ở nước ngoài không liên lạc được. Những thông tin trên mạng nhắc đến ông, ngoài ghi nhận đấy là một Mạnh Thường Quân của giới nhạc sĩ, ca sĩ, còn thì chỉ tiện thể nhắc đến khi nói về hoàn cảnh xuất bản một ca khúc của một nhạc sĩ nào đó.

Trong Hồi Ký của nhạc sĩ Phạm Duy, khi nhắc đến nhạc sĩ Văn Cao với nhạc phẩm Thiên Thai, ông kể: “...nhưng với bài Thiên Thai in ra vào năm 1944 thì Văn Cao tự nhận mình là “Người Sông Ngự” và không ngần ngại viết mấy câu đề tựa trên đầu bản nhạc do nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế ấn hành. Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên, Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi!”. Trong bản in còn đề rõ: lời ca của Văn Cao và Hoàng Thoái - tôi ngờ Hoàng Thoái là bí danh của Đỗ Hữu Ích.

Cũng trên trang Web của mình, nhạc sĩ Phạm Duy kể, tôi bắt đầu đi vào âm nhạc vào năm 1942 với bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính do tôi phổ thành ca khúc... Bài Cô hái mơ là một trong những bài ca cải cách sơ khởi của nền Tân nhạc Việt Nam.

Tiếp đó, nhạc sĩ Phạm Duy chụp lại hình bìa 1 các bài hát Cô hái mơ, Tiếng Thu, Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh của ông do Nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành.


Như vậy, có cơ sở để suy đoán, Nhà xuất bản Tinh Hoa ra đời và bắt đầu hoạt động xuất bản âm nhạc từ năm 1944.

Trên trang Web Đặc trưng.net, tác giả Biển Nhớ viết về tiểu sử nhạc sĩ Lê Mộng Bảo có nói đến mấy thời điểm quan trọng:

1/ Năm 1948, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo được ông Tăng Duyệt mời cộng tác.

2/ Năm 1952, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo được ông Tăng Duyệt phái vào Nam để thành lập chi nhánh và đại diện cho Nhà xuất bản Tinh Hoa Huế tại miền Nam.

3/ Vì tình hình chiến sự, Nhà xuất bản Tinh Hoa Huế ngưng hoạt động từ năm 1956. Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo một mình ở lại trong Nam, tìm mọi cách khôi phục, cho ra đời Nhà xuất bản Tinh hoa Miền Nam và làm giám đốc (ông chủ) cho đến năm 1975.

Một số trang Web khác sưu tập và giới thiệu những ca khúc tiền chiến do nhà Tinh Hoa Huế xuất bản, nhưng chỉ đưa lên được hình bìa 1, không thể tìm thấy ở đó những thông tin cụ thể hơn.

May mắn thay, trong một lần tán gẫu với mấy người bạn vong niên ở cà phê vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, anh Nguyễn Đình Niêm, nguyên là giáo viên dạy nhạc ở Trung tâm giáo dục Văn thể mỹ thuộc Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế cho biết gia đình anh còn giữ được một số bản nhạc rời do Nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Những bản nhạc này do ông Tăng Duyệt tặng bố anh là ông Nguyễn Đình Thị (còn gọi là ông Đội Thị), nguyên đội trưởng Đội Nhã nhạc cung đình Huế dưới thời Bảo Đại, sau Cách mạng tháng Tám học thêm tân nhạc và là trưởng ban nhạc vô tuyến của Đài phát thanh Huế đến năm 1958 thì nghỉ hưu.

Ban nhạc Vô tuyến Đài Phát thanh Huế những năm 1950. Từ trái sang: ông Đội Thị (violone), ca sĩ Mộc Lan, vợ đầu của nhạc sĩ Châu Kỳ, ông Lê Quang Nhạc (ghitare)


16 bản nhạc anh Nguyễn Đình Niêm cho tôi mượn khảo cứu do nhà Tinh Hoa ấn hành và xuất bản từ 1950 đến 1955 đã cung cấp nhiều thông tin giá trị về tôn chỉ mục đích, thời điểm ra đời các ca khúc cũng như số lượng các ca khúc đã được xuất bản trong thời gian này, quy mô và địa bàn phát hành, từ đó ta có thể lượng giá sự đóng góp của Nhà xuất bản Tinh Hoa vào tiến trình và sự phát triển của âm nhạc nước ta.

- Về tôn chỉ mục đích, trên bìa bốn của nhiều bản nhạc có in dòng chữ: Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới - trên nền tảng văn hoá và nghệ thuật - Nhà xuất bản Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để biếu các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý.

- Phần cuối trang 2 và trang 3 đều có các dòng chữ: Cấm in lại, dịch, thu thanh, đặt lời ca khác và đàn hát nơi công cộngTác giả giữ bản quyền hoặc Nhà xuất bản giữ bản quyền.

- Về quy mô và địa bàn hoạt động, đầu năm 1950, Nhà xuất bản Tinh Hoa có trụ sở chính đặt tại 121 đường Trần Hưng Đạo, Huế: Tổng phát hành và chi nhánh Bắc Việt đặt ở nhà 80c, phố Hàng Trống, Hà Nội (sau chuyển đến 35 Lương Văn Can, Hà Nội); tổng phát hành tại Nam Việt ở số 185 Kichener, Sài Gòn. Từ thời này, giá phát hành ghi ở bìa bốn là 5đ (nội địa), 6đ (Miên,Lào).

Đến tháng 4 năm 1954, chi nhánh miền Bắc chuyển về Hải Phòng - số 40 đường Sađi Carnot; chi nhánh miền Nam đặt tại 180 đường Marchaise, Sài Gòn; Tổng phát hành Nam Việt đặt tại 185 đại lộ Kitchener, Sài Gòn và có thêm Tổng đại lý Miên, Lào Hon-Du ở số 4 đường Delaporte, Phnom-Penh. Giá phát hành 7 đ một bản nhạc trên toàn Đông Dương.

Sau 1954, đất nước chia cắt, chi nhánh ở miền Bắc của Tinh Hoa ngưng hoạt động.

-Về số lượng ca khúc: Dù chỉ có trong tay 16 bản nhạc do Tinh Hoa xuất bản nhưng ở bìa 4 các bản nhạc này đều giới thiệu danh mục ca khúc đã in, sắp phát hành hoặc sẽ in, nên có thể biết được tương đối chính xác số lượng ca khúc được in và lưu hành ở Đông Dương thời đó.

Danh mục ca khúc đã in và phát hành trong 2 năm 1945-1946 gồm 16 bài của 7 nhạc sĩ: Đêm đông, Trên sông Hương, Hương giang một đêm trăng, Dưới bóng cờ (Nguyễn Văn Thương); Chiến sĩ vô danh, Chinh phụ ca, Nợ xương máu (Phạm Duy); Gấm vàng (Dương Minh Ninh); Đoàn giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong, Núi Non Nước, Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu); Bến Hàn Giang, Nhớ người chiến sĩ (Ngọc Trai); Hùng tiến (Nguyễn Hữu Ba); Chàng tuổi trẻ
(Vân Đông).

Những ca khúc Tinh Hoa xuất bản trong hai năm 1945-1946 hầu hết đều thuộc loại hùng ca, phản ảnh được không khí của đất nước trước và sau Cách mạng tháng Tám, đề cao lòng yêu nước và chí khí của người trai thời loạn.

Danh mục xuất bản trong hai năm 1949-1950 gồm 102 bài, trong đó có một số ca khúc được tái bản. Những ca khúc vượt thời gian như: Tiếng thu, Cô hái mơ (Phạm Duy); Thuyền mơ (Dương Thiệu Tước); Bướm hoa (Nguyễn Văn Thương); Bóng trăng xưa (Hoàng Trọng), Xuân và tuổi trẻ (La Hối); Hòn vọng phu I (Lê Thương), hoa (Hoàng Giác)... được xuất bản trong thời
gian này.

Cho đến năm 1950, “Ngân phiếu và thư từ giao thiệp xin đề gửi ông Tăng Duyệt-121 đường Trần Hưng Đạo, Huế”. Điều này cho thấy, từ 1945 đến 1950, ông Tăng Duyệt vừa là ông chủ, là giám đốc đồng thời đảm nhiệm toàn bộ mọi khâu từ giao dịch về bài vở, thương thảo tác quyền, tài chính, in ấn và phát hành. Các bản nhạc trong thời gian này đều in ở nhà in Tân Hoa, Huế, bìa do họa sĩ Phi Hùng vẽ.

- Trên bìa bốn bản nhạc Viễn Du của Phạm Duy, kiểm duyệt số 317 ngày 25 tháng 5 năm 1955, ở danh mục các bài hát đã in, bài Cung đàn lữ thứ của Phó Quốc Thăng và Huyền Linh nằm ở cuối cùng, số thứ tự 485.

Như vậy có thể biết rằng, từ 1944 đến tháng 5 năm 1955, Nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế, sau khi trừ hao phần tái bản, đã xuất bản ít nhất trên 400 ca khúc, hội tụ đông đảo các nhạc sĩ anh tài của đất nước Việt Nam đương thời.

- Vài nét tiểu sử ông Tăng Duyệt.

Ông Tăng Duyệt sinh năm 1915 tại Huế, bố là người Quảng Đông, mẹ người Việt. Năm lên 10 tuổi, bố mất, ông sống với anh trai, đi học đến 15 tuổi thì nghỉ học chữ, theo học nghề và làm thợ chụp ảnh ở hiệu ảnh Khải Xương của anh mình, lương tháng 15 đồng. Mê đọc sách từ nhỏ, ông để dành tiền tiêu vặt, tiền lương lùng mua sách để đọc, rồi đóng bìa da, lập tủ sách riêng. Năm 1943, ông lập gia đình cùng bà Huỳnh Thị Cam, gốc Phúc Kiến, thua ông 8 tuổi. Một thời gian sau, ông bỏ hiệu ảnh Khải Xương, tách ra mở hiệu ăn, rồi mở cơ sở sản xuất đồ mớp (đồ gỗ dân dụng) nhưng đều thất bại. Là người mê sách, lại thấy Huế thời đó số người đọc sách, có nhu cầu mua bán sách cũ khá nhiều, ông bèn mở hiệu sách Tân Hoa ở đường Gia Long, sau chuyển lên 121 Trần Hưng Đạo. Tiếp đến ông mở Nhà in Tân Hoa rồi Nhà xuất bản Tinh Hoa, chuyên xuất bản tác phẩm âm nhạc.

Ông bà Tăng Duyệt và các con


Bà Huỳnh Thị Cam, vợ ông Tăng Duyệt kể, chồng mình là người trực tính, quyết đoán, sống chí nghĩa chí tình với bạn bè, cộng sự và người giúp việc. Ông rất rộng rãi trong việc chi tiêu, từng nhiều lần bỏ tiền mời toàn bộ Ban nhạc Thăng Long về Huế biểu diễn, bao ăn ở, vui chơi, bỏ tiền mua hết vé rồi tặng người quen để họ vào xem cho chật rạp hát. Ông cũng lập Ban nhạc Thiếu nhi Tinh Hoa gồm mấy người con lớn và một số bạn trẻ, thường tổ chức các buổi diễn lấy tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt. Ông Lê Gia Phàm, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục năng khiếu Văn thể mỹ Huế từng tham gia ban nhạc này.

Có một giai thoại liên quan đến ông Tăng Duyệt và nhạc sĩ Văn Giảng (còn sử dụng các bút danh khác như Thông Đạt - khi viết tình ca, Nguyên Thông - ca khúc về đề tài Phật giáo) như sau: Những năm cuối thập niên 1940, Văn Giảng chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được Nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần ông Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về tình ca thì không phải sở trường của Văn Giảng. Văn Giảng nghe như vậy và không trả lời. Sau đó ông viết bài Ai về sông Tương và ký tên Thông Đạt. Ai về sông Tương được tác giả Thông Đạt gửi tới các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhanh chóng nổi tiếng. Sau nhiều lần được nghe bản nhạc đó trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài Ai về sông Tương là ai không. Tăng Duyệt muốn tìm mua lại bản quyền nhạc phẩm đó để xuất bản nhưng Văn Giảng trả lời không biết. Một lần hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới chơi và tình cờ nhìn thấy bản thảo của Ai về sông Tương. Nhờ đó, ông Tăng Duyệt mới biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bài tình ca nổi tiếng đó.

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, trong bài trả lời phỏng vấn Viễn Đông Daily News kể: Trong một buổi phát phần thưởng cuối năm, tôi lên sân khấu hát bài Mùa thi, ông Tăng Duyệt, giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa nghe được và lập tức mua bản nhạc này với giá 1.500đ, xấp xỉ lương tháng của công chức. Về sau này, khi ngày càng có nhiều người biết tới và hát, bản nhạc mới được in ra. Hồi đó, bài nào ông Tăng Duyệt thấy hợp lỗ tai thì mua và in thôi. Ông là người Hoa, quý trọng văn nghệ sĩ, đón tiếp các nhạc sĩ trong nam ra rất trọng thể. Sau này ông còn mua bài Gió sớm của tôi, mặc dù bài này chưa được hát bao giờ.

Về hoạt động xuất bản âm nhạc thời này, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại trong Hồi Ký như sau: Năm 1951, Việt Nam có 4 nhà xuất bản âm nhạc là Nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội), Tinh Hoa (Huế), Sống Chung và Á Châu (Sài Gòn). Thời gian sau có thêm nhà xuất bản An Phú và Minh Phát, trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ rồi in và bày bán trên vĩa hè, nhạc in to như sách học trò hoặc khổ nhỏ bằng nửa bàn tay, có tranh vẽ lòe loẹt kiểu hoa hòe hoa sói, có thêm ảnh tác giả và ca sĩ trẻ măng, đẹp đẽ. Nghề ấn hành bản nhạc càng ngày càng khuyếch trương với sự thành lập của cái tôi gọi là chợ trời âm nhạc. Tân nhạc vào thời này mang tính chất bình dân, người khó tính gọi là nhạc vỉa hè, nhạc máy nước, người thức thời gọi là nhạc thời trang, nhạc thương phẩm.

Như vậy, có thể nhận ra trong lĩnh vực xuất bản âm nhạc vào thời gian từ cuối 1951 trở đi, với sự ra đời của các nhà xuất bản mới, cung cách làm ăn khác trước, tạo ra sự phân hóa và cạnh tranh dữ dội hơn trước nhiều.

Cũng theo bà Huỳnh Thị Cam, Nhà xuất bản Tinh Hoa ngừng hoạt động vào năm 1956 không phải vì tình hình chiến sự mà vì lý do riêng. Năm 1952, ông Tăng Duyệt cử cộng sự là nhạc sĩ Lê Mộng Bảo vào Sài Gòn lo việc mở mang chi nhánh miền Nam. Sau này, việc in ấn cũng chuyển vào Sài Gòn, bìa thì vẫn do hoạ sĩ Phi Hùng ở Huế trình bày. Dần dà, việc kinh doanh ở thị trường miền Nam và Miên, Lào đều giao cho nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, có thêm người cháu gọi ông bằng chú ruột coi ngó. Ông Tăng Duyệt chỉ bay vào bay ra một năm vài lần. Năm 1956, Ông từ Sài Gòn trở về Huế, cùng mấy xe tải chở đầy những ấn phẩm âm nhạc tồn đọng, chất đầy một phòng lớn ở 121 Trần Hưng Đạo. Ông không nói gì với vợ con, bạn bè. Các ấn phẩm âm nhạc chất đống trong kho chứ không chịu đem bán xon, hạ giá vì để giữ uy tín của Nhà xuất bản và của các nhạc sĩ. Từ đó, ông rửa tay gác kiếm, không dính dáng gì đến chuyện xuất bản nhạc, chuyên chú ở nhà dạy con học, dạy cho cả những đứa trẻ hàng xóm, cho đến khi qua đời vào tết Mậu Thân vì mấy viên đạn lạc. Mộ của ông ở thôn Tứ Tây, xã Thuỷ An, nay là tổ 5 khu vực 3 phường An Tây, thành phố Huế.

Mộ ông Tăng Duyệt


Một ngày nắng đẹp, trước khi ngồi vào máy gõ bài này, tôi cùng anh bạn Tăng Quốc Thái - con trai út ông Tăng Duyệt - chở nhau đi viếng mộ ông. Một bó hoa cúc vàng, một nén tâm hương tưởng nhớ con người từng được mệnh danh là ‘Bố già” của nền tân nhạc Việt Nam, Mạnh Thường Quân của giới nhạc sĩ, ca sĩ trong suốt hai thập niên 1940 - 1950. Mắt dõi theo làn khói hương vừa bay lên chợt dừng nơi tán thông già phía sau khu mộ, tưởng như nghe văng vẳng bên tai giai điệu tha thiết của một bài tình ca cũ: Ai ra đi đành quên ngày xưa đẹp sao. Bên ven sông còn nguyên màu hoa chiều nao. Trăm năm vẫn vẹn thề nối lại vạn nhịp cầu. Xa nhau lòng thương nhớ mãi về đẹp lòng nhau... Xa xôi âm vang tiếng cười hiền, trên đường về hoa nở đẹp, môi cười nhớ mãi không quên.

(SDB – 5-2010)




Các bài mới
Tamakata (21/06/2010)
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Các bài đã đăng