Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 5)
Ngâm thơ
14:38 | 17/06/2010
BỬU ÝTây phương không có ngâm thơ. Chỉ có đọc thơ. Và đọc diễn cảm. Hoặc, đối với thơ bi kịch của Hy Lạp cổ hoặc của thế kỷ cổ điển Pháp, người đọc thơ, vì vừa đọc vừa diễn vai, nên thành ra đọc diễn, diễn xướng.
Ngâm thơ
GS Bửu Ý - Ảnh: vietnamnet.vn
Người đọc thơ Tây phương có lên giọng và xuống giọng theo cấu tạo đa âm và theo ngữ điệu của lời phát ngôn.

Người ngâm thơ tiếng Việt có thể uốn giọng, luyến láy như âm thanh đàn bầu và đàn Hạ uy cầm, vào bất cứ chỗ nào trong câu thơ: giữa hai chữ, đầu câu, cuối câu. Ngoài ra còn có hơi ngân dùng để lót cho câu thơ mà người ngâm vay mượn ở thể câu hò.

Tiếng Việt vốn đơn âm nhưng nhiều thanh, khiến cho phát âm giàu nhạc tính. Ta thường nghe người nước ngoài bảo rằng người Việt nói giống như hát. Ngay trong một chữ, không dấu hoặc có dấu, người ngâm vẫn có cách phát âm để diễn cảm.

Cách phát âm này thường là một kỹ thuật và nghệ thuật “giáng hóa” hoặc “thăng hóa” một âm bình thường trong âm điệu nhiều hơn trong âm thanh. Thông thường là “giáng”. Sở dĩ như thế là vì tính “giáng” dễ kết hôn với những tình cảm “chùng” (nuối tiếc, nhớ nhung, bàng hoàng, hờn tủi, e ấp, xót xa…). Đây là một cách đè ém ngôn ngữ bắt ngôn ngữ bật cảm xúc.

Chẳng hạn bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử được tổ chức theo cung bậc giáng, trong ngữ nghĩa, hình tượng cũng như âm điệu. Ngay chữ “Sao” vào đầu bài cũng được giáng từ một chữ thông thường để hỏi xuống nghĩa một chữ khoác nghĩa mời mọc. “Nhân ảnh” đều bị “mờ”, hình ảnh thiếu nữ chỉ còn lại gương mặt và áo trắng, con người trở thành “ai” một cách phiếm chỉ. Màu sắc cũng trở thành “sương khói”. Giữa cảnh sắc ấy, âm điệu giáng theo với “dòng nước buồn thiu”, chiếc “thuyền” vắng khách, hoa lay lắt, ánh sáng âm của trăng và mối tình suông.

Người ngâm thơ nào cũng biến chế và điều độ âm điệu và tiết điệu của câu thơ, căn cứ trước hết vào giọng nói của mình. Bắc, Trung, Nam có giọng nói khác nhau theo miền. Thơ lại có nhiều loại (loại thơ hùng, thơ vui, thơ khẩu khí, thơ trữ tình…), nhiều thể (Đường luật, lục bát, năm chữ, tự do…). Giọng nói và thể loại cấu tạo yếu tố khách quan làm nên kỹ thuật cho ngâm thơ. Có giọng “ngâm thơ Đường” của các cụ, thường trầm bổng khúc khắc đầy cảm khái. Có giọng “ngâm sa mạc” dàn trải theo điệu “cò lả”. Người miền Trung có khuynh hướng ngâm theo “giọng Bình Nghệ”, như là giọng không riêng biệt một tỉnh miền Trung mà bao quát cả miền Trung, như giọng ngâm đặc biệt da diết của Châu Loan. Có một thể loại trình diễn bài hát và bài thơ “giao duyên” mà người thưởng thức gọi cách ngâm thơ ấy là “ngâm Tao đàn”, như giọng truyền cảm của Hồ Điệp chẳng hạn.

Ngâm thơ, ngoài những yếu tố kỹ thuật, tất nhiên là một vấn đề nghệ thuật mang tính chủ quan và cá nhân. Nghệ thuật này bao gồm trình độ tri thức của nghệ sĩ đối với ý nghĩa của bài thơ, từ đó chọn điệu ngâm, phân phối tiết nhịp, và nhất là trình độ cảm thụ của nghệ sĩ để từ đó luyến láy, phát âm, tách âm. Người ngâm xướng xuất bài thơ theo hai tiết nhịp chính: tiết nhịp dọc từ câu đầu đến câu cuối, và tiết nhịp ngang theo chuyển động võng nôi từ đầu câu thơ đến cuối câu thơ.

*
Ngâm thơ, dẫu sao, vẫn là trao cho bài thơ một đời sống thứ hai. Một đời sống thứ hai có khi cần thiết, có khi không cần thiết. Nói như thế có nghĩa là chính đời sống thứ nhất của bài thơ, khi lọt lòng ra khỏi tác giả, mới thật sự là đời sống độc nhất vô nhị. Và kể từ đây, bài thơ sẽ có rất nhiều đời sống thứ hai.

Khi được ngâm lên, bài thơ vẫn là bài thơ, nhưng đèo bòng một sinh mệnh nữa dính liền với người ngâm.

Khác với người hát, người ngâm thơ không phải tuân theo một kỹ thuật xướng âm khuôn phép, ngoại trừ, dĩ nhiên, một số quy phạm ấn định do ngôn ngữ. Những quy phạm này cũng gắt gao, nhưng lề hoạt động của người ngâm đủ rộng để chứa nghệ thuật và xúc cảm riêng.

Có khi bài thơ ngâm lên, tác giả không còn nhận ra nó nữa, hoặc tối thiểu nghe lạ tai. Nó đã khác. Nó không còn nằm trong vòng kiểm soát của tác giả. Nó đã ra khỏi bú mớm của tác giả để lọt vào cửa người khác.

Có lẽ do vậy mà nhiều nhà thơ không chủ trương “ngâm thơ”, chỉ “đọc thơ” thôi, như muốn giữ nguyên trạng cho bài thơ từ lúc nó chào đời đến mãi về sau, để nó được gần dạng viết với những âm thanh “tự nhiên thành” của nó, chứ không muốn đưa nó vào kênh “ngâm”. Những nhà thơ này có cái lý của họ, và như thế vô hình trung họ gần với quan niệm của Tây phương. Dù sao ta vẫn ghi nhận rằng “ngâm thơ” là một nghệ thuật riêng biệt của Việt Nam.

(SDB – 5-2010)




Các bài mới
Tamakata (21/06/2010)
Các bài đã đăng
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Áo dài ơi! (09/06/2010)