Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 5)
Vui mừng & hy vọng
14:55 | 18/06/2010
NGUYỄN KHẮC PHÊNhân đọc “Số đặc biệt” của Tạp chí “Sông Hương”
Vui mừng & hy vọng
Vậy là một lần nữa, Tạp chí “Sông Hương” có thêm ấn phẩm mới: Số đặc biệt Sông Hương tháng 3 vừa ra mắt. Về “chính danh” chưa được gọi đó là “Phụ trương”; vả chăng, trong làng báo, có khi số phụ lại có nhiều người đọc hơn và “nuôi” được số chính. Dễ thấy hơn cả đó là các tờ “An ninh thế giới” với mấy loại báo “An ninh thế giới cuối tháng” rồi “An ninh thể giới giữa tháng”… đều là “Phụ trương” của báo “Công an nhân dân” (Tuy vậy, các tờ báo vừa kể lại ghi là “Chuyên đề của báo CAND”! Tức là có thể có nhiều cách gọi; vì thế, tôi gọi ấn phẩm mới của “Sông Hương” là “Sông Hương mở rộng” (SHMR)!

Nếu tôi nhớ không nhầm thì loạt ấn phẩm SHMR xuất hiện đầu tiên đàng hoàng gọi là “Phụ trương” ra mắt bạn đọc sau bão lịch sử năm 1985. Lúc đó, trước tình cảnh đau thương của dải đất Bình Trị Thiên thì không “cơ quan chức năng” nào ngăn cản hay “bàn lui bàn tới” nên hay không nên ra phụ trương mà phải nghe lệnh của cuộc sống. Và hai số phụ trương in hàng vạn bản đã được bạn đọc, nhất là bà con ở TP. Hồ Chí Minh đặc biệt hoan nghênh.

Sau đó SHMR là “Tủ sách sông Hương” trong đó có cuốn “Bài thơ thôn Vĩ” (Thơ chọn lọc viết về Huế trước 1945) xuất bản tháng 6/1987 khá ấn tượng với số lượng in thuộc hàng “kỷ lục” (30.000 bản). Sau khi ra thêm được mấy cuốn nữa, “Tủ sách Sông Hương” đã phải “hạ màn” với cuốn tiểu thuyết “Tình yêu thời thổ tả” của nhà văn lừng danh G.Mác-két bị… xay bột! “Sự cố” xẩy ra đã mấy chục năm, tưởng cũng nên nhắc lại vì chỉ ít lâu sau, NXB Văn học đã in chính cuốn sách nổi tiếng đó và được giới thiệu trang trọng ở nhiều nơi!

Sau “vụ” này, “Sông Hương” cùng một số bạn hữu ở phía Nam vẫn “nuôi” ý tưởng tìm cách ra SHMR nhưng vì những khó khăn này khác, mọi cuộc bàn luận không đi đến kết quả.

Nhắc chuyện cũ để thấy cuộc sống đòi hỏi “Sông Hương” phải “mở rộng”, đồng thời chứng tỏ toà soạn Tạp chí “Sông Hương” đã phải “gồng mình” hết sức mới cho ra mắt kịp vào ngày lễ trọng của Huế “Số đặc biệt”, vì đây là một việc đòi hỏi nhiều trí tuệ, tâm huyết và cả tiền bạc nữa.

Nhiều lời khen đã được phát biểu một cách nồng nhiệt trong buổi ra mắt SHMR với sự tham dự đông đảo của đại diện một số cơ quan hữu quan và những cộng tác viên thân thiết của “Sông Hương”. SHMR với sự cộng tác của nhiều tên tuổi gắn bó cùng Huế hôm qua và hôm nay, cả trong và ngoài nước, như Bửu Ý, Đinh Cường, Trần Quang Long, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Ngăn, Hoàng Thị Như Huy, Nguyễn Duy Hiền, Trần Thuỳ Mai, Đặng Mậu Tựu, Lê Phùng, Võ Quang Yến, Trần Thiện Đạo… đã thu hút độc giả từ cái bìa “Rất Huế” đến các trang văn xuôi, thơ, ảnh… đậm đà những kỷ niệm Huế qua các thời khắc lịch sử đáng nhớ…

Quan trọng hơn những lời khen là SHMR một lần nữa, chứng tỏ tiềm năng dồi dào của văn hoá Huế cùng đội ngũ những người viết có “đẳng cấp” - những điều kiện cơ bản để Huế hôm nay có thể tiếp tục truyền thống một trung tâm báo chí của cả nước với những tờ báo có tiếng vang lớn như “Tiếng Dân”, “Tràng An”…

Cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ và SHMR (hay các phụ trương) chính là phải thể hiện sự phong phú ấy và như thế mới đáp ứng được nhu cầu độc giả. Trong tình hình cạnh tranh báo chí khá là quyết liệt như hiện nay, để SHMR tiếp tục phát triển, giữ được lượng độc giả đông đảo – một điều kiện quan trọng để tăng số bản in, giảm giá thành - là một bài toán không dễ tìm ra lời giải trọn vẹn.

Chúng ta vui mừng và gửi gắm nhiều hy vọng trước việc SHMR vừa có số ra mắt khá ấn tượng nhưng có lẽ điều cần hơn, là phải góp sức để chia sẻ với những khó khăn của Tạp chí “Sông Hương” trên đường phát triển mới…

(SDB – 5-2010)



Các bài mới
Tamakata (21/06/2010)
Các bài đã đăng
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Áo dài ơi! (09/06/2010)