Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 3)
Tuyệt tình cốc & chiếc bánh cung đình Huế
15:56 | 28/06/2010
HOÀNG THỊ NHƯ HUY        (Kính dâng hương hồn Mụ)Tuyệt tình cốc là ngôi nhà tranh nhỏ nơi xóm Âm hồn đường Nguyễn Hiệu năm xưa ở Thành nội Huế (nay là đường Lê Thánh Tôn, Phường Thuận Lộc, thành phố Huế).
Tuyệt tình cốc & chiếc bánh cung đình Huế
Là nơi đã gắn bó biết bao kỷ niệm của những nhân tài đất nước: Trịnh Công Sơn, Trần Quang Long, Ngô Kha, Tôn Thất Lập, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Đó là nhà của Mụ tôi (bà dì của cha tôi theo lối gọi Huế), bà Nguyễn Thị Thanh, thân mẫu của hai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Thiếu Phủ.

Tôi lớn lên trong khu vườn ấy, đã có biết bao kỷ niệm tuổi thơ nơi ngôi nhà tranh đơn sơ mà nay đã thành hoài niệm khó quên trong nhiều tác phẩm nghệ thuật lưu đời của bao danh nhân đất nước.

Mụ tôi là cô giáo của Nữ công Học hội, tổ chức Phụ nữ Việt Nam đầu tiên được thành lập năm 1927 tại Huế, do bà Đạm Phương làm Hội trưởng. Mụ chuyên dạy cho các thế hệ thiếu nữ thêu thùa may vá như chuyện bếp núc thì không người phụ nữ Huế nào thời ấy không biết đến. Nhất là những người tài hoa như Mụ. Lấy chồng nghèo, con đông, Mụ đã phải làm tất bật cả trí óc, chân tay mới có đủ tiền nuôi các con ăn học.

Ngày ngày, trong bếp lửa ngôi nhà ngát hương thơm từ những giò Phong Lan mà ôn tôi (cách gọi chồng Mụ) treo đầy ngoài khung cửa, Mụ tôi luôn tay làm hết việc này sang việc nọ. Nhất là ngày có phương việc hoặc khi có ai đó đặt Mụ làm các loại bánh trái cổ truyền Huế là Mụ gọi tôi ngồi bên sai việc vẽ bày. Thật sự ra thời ấy còn quá bé, tôi chưa nghĩ đến chuyện tập tành “chữ công” như các thiếu nữ đàn chị mà chỉ cốt giúp việc lặt vặt để được Mụ phát cho mấy miếng rẻo thừa mà thôi. Mụ thật hiền nhưng cũng thật nghiêm. Mỗi thao tác mụ làm đều giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu.

Tranh sơn dầu do các họa sĩ Bửu Chỉ, Luật sư Nguyễn Thượng Hải và Trần Như Hiển (em rể NS Trịnh Công Sơn) cùng vẽ tại Tuyệt Tình Cốc năm 1970


Nghề làm bánh cần cái tâm kiên nhẫn theo đúng quy trình của từng công đoạn nên có những buổi hai Mụ cháu tôi miệt mài làm bánh cho đến nửa đêm, khi hoa Quỳnh trong vườn nở mới dừng tay đi ngắm.

Cái bánh gây cho tôi ấn tượng nhất mà sau này gắn bó với nhiều giải thưởng ẩm thực trong đời tôi là bánh trái Đào (quả Mận/quả Roi). Bánh được làm bằng đậu xanh nặn hình quả đào, ngoài bọc lớp bột lọc pha phẩm hường (phẩm màu hồng) mỏng thanh. Khi hấp chín, lớp bột lọc chuyển trong. Chiếc bánh này Mụ vẫn thường theo đơn đặt hàng của các gia đình giàu sang làm mâm quả phẩm trong hôn lễ cưới xin. Tôi bắt chước nặn bánh nhưng chưa thể đẹp như tác phẩm của Mụ. Thấy tôi tiu nghỉu, Mụ dẫn tôi ra cây đào sau vườn nhà, bảo tôi quan sát từng chùm quả. Đang mùa cây ra quả, tôi nhìn lên cành thấy có quả to, quả nhỏ, quả tròn, quả méo, quả phơn phớt hồng, quả lại đậm màu chuyển đỏ… Mụ dỗ dành: “Cháu ơi, cháu xem kìa trái đào nó mũm mĩm, nó uốn lượn cong vậy sao cháu nặn tròn như trái cau? Cháu cứ nhìn cho kĩ đi. Cái màu phơn phớt ấy nó chỉ ở phần đuôi nhọn rồi nhạt dần nhạt dần như thế… Làm sao mà cháu tạo được những đám lông mịn màng? Đến Mụ cũng chịu thôi nhưng ta hãy làm sao cho ai thấy bánh của ta cũng phải thán phục. Phục vì cái trái đào của Mụ và cháu làm ra trông giống trái đào nhưng lại không phải là giống một trái đào thật như trái này. Người ta sẽ thấy cả một mùa xuân, cả những ngọn gió đang đung đưa chùm quả sinh ra từ những đóa hoa thắm tươi của mùa xuân ước vọng… Bao giờ làm được như thế thì bánh trái đào của cháu sẽ mãi mãi được mọi người biết đến và trân trọng…”. Tôi nuốt từng lời, cố gắng làm theo…

Gần năm mươi năm trôi qua, Mụ tôi đã qua đời. Nhưng thứ bánh ấy không mất, bởi tôi, đứa cháu được mụ truyền dạy ngày ấy bây giờ đã có thể tiếp nối Mụ.

Rồi một ngày, tôi thay bột lọc bằng bột rau câu, thay phẩm hường bằng nước cốt quả dâu tây trồng trên đất Đà Lạt… thì thật không ngờ chiếc bánh hóa xinh hơn. Vỏ quả mỏng mịn màng trong suốt như pha lê, phơn phớt màu hồng thơm dịu mùi hương, nằm e ấp trong đôi thúng nhỏ. Tôi nghĩ cách thay đĩa sứ để bày bánh, bằng những chiếc thúng tre nhỏ làm vật đựng. Những đôi thúng mà người mẹ Việt Nam qua bao đời tần tảo gồng gánh nơi phiên chợ quê đổi gạo nuôi con. Tác phẩm gánh quả mini đặt trên mâm cỗ cung đình trong các dạ tiệc quốc gia mà tôi sáng tạo ra từ các bài Mụ dạy năm nào đã trở nên độc đáo và được nhiều thực khách yêu thích. Đem kinh nghiệm ấy vào trong bài giảng và thực hành cho sinh viên, tôi đã nhận được giải Giáo viên dạy nghề xuất sắc toàn quốc (2004).

Nhận giải thưởng trên hội trường, tôi không cầm được nước mắt, lòng bùi ngùi nhớ tới Mụ tôi. Nhớ cái dáng nhỏ thoăn thoắt như con sóc với đôi lưng còng ngày đêm miệt mài làm việc tề gia nội trợ.

Mụ ơi! Ước gì có Mụ bên cháu lúc này.

Chúng cháu sẽ dâng lên bàn thờ hai thúng quả được giải thưởng này ở Tuyệt Tình Cốc. Mụ về với chúng cháu Mụ nhé!

(SDB – 3-2010)




Các bài mới
Các bài đã đăng
Tri kỷ Huế (24/06/2010)
Thanh xuất vu lam (24/06/2010)