Với vài trang truyện ngắn này có thể Bạch Lê Quang chưa khắc họa hết chân dung những số phận hẩm hiu đó, nhưng đã cho chúng ta thấy hoàn cảnh bức bối của một hồi chuông gióng lên “có người trong đám cháy”. Số đặc biệt Sông Hương xin được giới thiệu cùng bạn đọc…
BẠCH LÊ QUANG
Trần gian thưa thớt
1.
Cuối phố, phía tay trái là một ngõ nhỏ. Nhỏ và cụt. Nói cụt thì không đúng hẳn. Dẫu sao, hết ngõ vẫn còn có một khoảng trời xanh con con, soi xuống một ao bèo rộng. Nước ao đen như mực tàu. Lợn cợn trần ai.
Ngõ có bốn nhà. Bốn nhà và một phòng trọ. Người ở ngõ kiếm sống bằng nhiều nghề.
Khi mặt trời còn mờ đục, người đi ra khỏi ngõ trước hết là ông Đằng. Ông Đằng Hói. Ông ra sớm vì có một sạp báo nhỏ ở đầu phố. Ông nhận báo. Treo như người ta hay phơi quần áo. Ông đọc vội những tờ báo chạy nhất rồi viết những tiêu đề ông cho là nóng lên tấm bảng đặt cạnh.
Một ngày bắt đầu. Ông Đằng … lí sự: Tỉnh lẻ đầy mưa và lụt. Báo có khi là gạo. Gạo bữa.
Tuy nhiên, những lúc nóng người vì cút rượu làng Chuồn của mệ Thẻo trong ngõ, trật tự có xáo trộn một chút. Muộn hơn. Và ông Đằng Hói khác hẳn. Không nhẩn nha thường nhật. Bây giờ, lửa rượu, lửa văn hực hực. Ông Đằng múa chân, múa tay như Lữ Bố hí Điêu Thuyền. Ông bảo, trước kia mình là nhà văn. Ông cười khục khục, lần tay vào cái xà cạp màu mận, lôi ra mấy cuốn sách ố vàng. Ông quay quắt, dắt dứ. Buồn. Rằng, đời bạc. Rằng, tỉnh lẻ không dung nổi người. Rằng, chim quyên xuống đất ăn trùn…
Và có khi khóc. Khóc hu hu, hu hu. Ông nhìn vệt nắng quái đậu bên bậc cửa ra vào. Nắng hoi hóp như người bệnh gợi một ban mai lực điền.
Vậy mà, dẫu nói, dẫu khóc… cuối cuộc rượu, ông Đằng không bao giờ quên xếp mấy cuốn sách cũ vào cái xà cạp màu mận. Ông xếp cũng nhẩn nha, cẩn thận như xếp báo. Như người xếp giấy tiền, áo binh đốt cho người chết. Ông vừa xếp vừa rên ư ử trong cổ họng. Ừ, hình như còn một câu Kiều.
Ông rên: “Của tin (ư ử) còn một chút này (ư a) làm ghi…”
* Ông Sở là người thứ hai. Người thứ hai đi ra ngõ, ra khỏi cái trần gian chật chội. Tỉnh lẻ thường có những trật tự bất thành văn mà người ta gọi là nền nếp. Ngõ cụt cũng vậy.
Ông Sở khẳng khiu như cành hóp phơi nắng hè (xứ nầy kinh lắm. Tre hóp dẻo dai là vậy mà gặp nắng ở đây cũng khô quắt, loi thoi). Tóc ông Sở búi thành lọn củ hành. Ông sống bằng nghề hớt tóc. Ông Sở hớt tóc cho một đứa trẻ. Thằng cu cứ nhìn chăm chăm vào ông. Nó thẽ thọt: Không ai cắt tóc cho ông à? Ông giật mình cười hớ hớ: Ừ. Không ai cắt cho ông cả. Ai lại đi cắt tóc mình.
Chỗ ông làm cách xa ngõ hai con phố ngắn, cạnh một ngôi chợ liêu xiêu. Chợ nầy, ông Sở bảo với ông Đằng là chợ… chống chân. Ông Đằng hỏi, ông Sở bảo: “Chợ quý bà, quý cô. Họ đến chợ, chống chân trên xe, mua không cần trả.”
Ông Đằng nghe và cười. Trên đời, không ai hóng chuyện và tưng tửng như mấy thằng cha làm nghề hớt tóc. Khách chờ, khách đang cắt tóc nghe đủ chuyện. Chuyện phố phường, chuyện Mỹ, chuyện khủng bố, gái điếm bị bắt, ông này thay ông kia, dịch lở mồm long móng, ngoại tình, xe tông nhau, nhảy sông…
Có điều, trong cả rừng chuyện của ông Sở, khách còn biết trước đây và lai rai mấy sợi bây giờ, khi hứng, ông Sở còn vẽ tranh. Lúc hết chuyện dương gian sang chuyện quán, khách mở mắt. Thực tình, trong cái quán hẹp và tối của ông Sở có treo hai bức sơn dầu. Bức thứ nhất có hình cô gái trần truồng tắm trăng. Tông màu đậm vàng của da thịt người. Xô vỡ những bọt nước màu xanh bạc. Khách nhìn, xuýt xoa. Ông bảo: “Đó là bức cứu rỗi”. Khách hỏi. Ông cười móm mém.
Bức thứ hai vẽ tĩnh vật. Một bộ ấm chén xô bồ, nghiêng ngả. Cuốn sách gáy đen nằm im lìm bên cạnh cái đồng hồ quá quýt đỏ màu máu. Khách lại hỏi. Lần nầy, ông Sở không cười móm mém nữa.
Ông nhìn xa chỗ dãy núi khuất mờ bọc lấy tỉnh lẻ. Bọc chứ không che (che chi mà bão lụt hoài mãi). Ông bảo: “Cô đơn”.
Nhiều khi mãi chuyện với khách, ông Sở không để ý ngoài quán, một bà mẹ trẻ. Điệu bộ khách quen. Người ấy cứ mở to mắt nhìn ông Sở, len lén cầm tay đứa bé trai bước xa dần. Có thể người mẹ sợ do mãi chuyện, đường kéo ông Sở sẽ lệch. Sợ là phải.
Ba đời, những tay có tí máu nầy, gặp lúc thích chí còn quên cả chính mình huống hồ người khác.
*
Người thứ ba từ ngõ cụt, bất kể giờ giấc là thầy Tín. Thầy Tín… lai vô ảnh, khứ vô hình. Có ngày không biết thầy ra ngõ lúc nào nhưng lại về thật sớm. Có khi lọ mọ mặt người.
Cũng phải. Cách thầy Tín kiếm cơm khác hẳn ông Đằng, ông Sở. Thầy sống bằng nghề cúng bái. Thầy bảo: Nghề no dồn, đói góp. Gặp mùa, thầy đi suốt. Không gặp, thầy com rom ngồi bên cút rượu nhà mệ Thẻo, đợi ông Đằng, ông Sở.
Thầy là sư hoàn tục. Về nhà, gặp buổi ấy, ai cũng nghèo. Mấy năm làm điệu, chợ đời xô dạt. Trở lại chợ, thua người ta nhiều lắm. Nghĩ quẩn, thầy định đi kinh tế mới, rưng rưng tìm của rừng. Rừng không cho những kẻ ngồi khóc, nên đành thôi.
Thôi nhưng cũng phải sống. Ông Sở thương tình, cho vay ít tiền, bày kế: “Nuôi heo mà sống”. Lại bảo: “Mô hình Vê-A-Xê. Ở đây chật quá. Vê, Xê không có nhưng có A”.
Nhà chật, Xê của thầy Tín là nhà thầy. Heo lúc đầu ở chung với thầy Tín. Có ao bèo lợn cợn nhưng cũng đỡ khổ.
Cảnh sát khu vực vào ngõ, bảo: “Không được nuôi heo chung chạ với người. Ô uế”. Thầy Tín sợ mời tay cảnh sát qua nhà mệ Thẻo giải bày. Hết mấy cút rượu, giọng thầy Tín khê khê mà buốt. Thầy rên rẩm: “Mình đâu nuôi heo. Heo nuôi mình đấy, ông ạ”.
Gặp bọn đầu trộm đuôi cướp, tay cảnh sát trị đến nơi. Nhưng ở hoàn cảnh thầy, cảnh sát khu vực phì cười.
Mấy lứa đầu, thầy Tín đỡ khổ. Lứa thứ ba, chưa trả xong nợ cho ông Sở, heo của thầy ngã bệnh. Thầy lo như người thân sắp chết. Cùng kế, đêm ấy, đêm trừ tịch mưa dầm, thầy bước ra ngõ cầu khẩn. Thầy lần qua nhà mệ Thẻo, mua chịu cút rượu. Rả rích, buồn và uống. Ngắc ngứ, thầy tụng kinh. Những bài kinh thuở còn làm điệu ở chùa Linh Sơn.
Ừ. Mà không biết lòng thành hay ngẫu nhiên trời đất, mai lại, bầy heo của thầy xổng ruột, ói ra thức ăn bẩn, lành lặn. Thầy Tín đem chuyện kể với ông Đằng. Ông Đằng đùa: “Nên chuyên tâm theo nghề cúng. Heo còn cứu được huống là người.”
Khi khổ, đùa hoá thật. Thầy Tín theo lời ông Đằng, mặc áo tràng, nhập phố thị. Buổi phổng pheo, người lo đủ thứ. Lo nên cúng bái năng nhặt hơn trước. Thầy Tín ngày càng khấm khá.
Thêm cái giọng tụng của thầy. Giọng ấy ngấm rượu mệ Thẻo buổi com rom, ngấm thuốc vấn Lạng Sơn cọng vàng. Những đêm khuya khoắc, giọng càng não nùng, xao xác. Gia chủ mê hoặc, rỉ tai nhau. Thầy phất như diều gặp nồm nam.
Tự mình, bao giờ thầy cũng nhớ ơn ông Đằng, ông Sở. Trong cõi người chật chội, họ chỉ thầy chỗ sống.
Và một bí mật mà thầy Tín giấu tất cả. Dưới gầm bàn thờ lúc nào cũng khói hương nghi ngút của nhà thầy, có thờ một bức tượng lợn. Thầy nghĩ chân tình: Đúng là, vật dưỡng nhơn.
2.
Một buổi chiều như bao buổi chiều khác ở đây, tỉnh lẻ và ngõ cụt, có mưa. Mưa ngõ, ngõ chật bao giờ cũng buồn hiu hắt. Những dòng nước đen từ đường, hết lối, lóc lách vào ngõ, đọng vũng, trầm trọng nỗi niềm.
Nhìn mưa, ông Đằng hói bảo: “Uống thôi”. Gặp lúc rỗi rảnh, thầy Tín bảo ông Sở: “Tốt đời, đẹp đạo”. Ông Sở hấp háy mắt, cười móm mém, bỏ cái kéo đang mài dở trên cục đá nhẵn: “Ừ, cho vui”.
Họ rủ nhau sang nhà mệ Thẻo. Mưa đã đời. Rượu đã đời.
Đến cút thứ bảy, trật tự uống của ngõ bắt đầu là việc ông Đằng lần xà cạp màu mận. Ông cất giọng nhừa nhựa: Thơ từ phế phủ sinh ra lại trở lại làm sầu phế phủ. Thứ đến, là những sắc màu đầy triết lí của ông Sở. Và nếu ngõ không có gì mới hơn, ai sẽ về nhà nấy bằng một bài kinh thơ huyễn hoặc của thầy Tín.
Tuy vậy, chiều nay, dù cuộc rượu vẫn theo trật tự cũ nhưng coi mòi vẫn còn hăng lắm.
Ngõ cụt như có chuyện mới. Họ vẫn còn ngồi trong chiều muộn, bày cuộc vui. Mô tê mà đã cút rượu thứ mười một.
Nhà mệ Thẻo (nhà cuối cùng của ngõ, rách nhưng lại có một căn phòng lành), phòng vuông vức hơn mọi xiêu lệch nơi đây. Nhiều lúc, không lụi cụi công việc, mệ Thẻo bắt ghế ngồi ngó mông ra ngõ. Ngõ thì ngắn nhưng mắt thì xa. Xa lắm. Xa hơn dãy núi bọc lấy tỉnh lẻ của ông Sở. Cả ba nguời ở ngõ biết mệ ngóng ai.
Nhiều lần, ông Đằng hói định nói thẳng với mệ thằng Nhất sẽ không về. Sẽ không bao giờ về nữa. Và cuộc chiến đã kết thúc lâu rồi. Và người sống đã sống. Và người chết đã chết. Nhiều lần, nhưng ông Đằng lại thôi. Thầy Tín bảo: “Cứ để mệ ngóng. Ngóng là còn. Còn là chưa mất. Chưa mất nghĩa là còn.” Đôi lúc vui, mệ Thẻo rom rem: “Thằng Nhất hứa về, nó sẽ về. Căn phòng của nó. Chục năm rồi.”
Cách mấy hôm trước, đi ăn giỗ người bà con xa, có người bảo mệ Thẻo: “Nhà hay phòng ở phải có người. Không người là hoang ốc. Là có ma. Ma cản lối về của thằng Nhất.” Mệ Thẻo nghe, gai góc nổi sống lưng. Mệ Thẻo không sợ điều gì trừ việc có người âm thầm cản thằng Nhất. Mệ lụi hụi treo bảng cho thuê phòng. Riết róng mãi, căn phòng cũng có nguời thuê.
Buổi đầu tiên, nhìn người đàn bà thuê phòng mệ Thẻo, ông Đằng đã rón rén vào tai ông Sở: Hẳn là lỡ thì, hai là, ba là…
Chiều nay, đến cút rượu thứ mười một, ông Sở chắc mẫm những rón rén của ông Đằng: “Đích thị. Nếu không, ai tuổi đó mà phấn son tô trét. Lại một thân, một mình…” Ông cười móm mém. Móm mém y hệt khi khách hỏi về bức tranh “Cứu rỗi” treo ở quán.
Thầy Tín dở chén rượu, nhắm mắt. Chuyện nầy, thầy thích nghe hơn là nói. Vả lại, lâu rồi, hương sắc đàn bà với thầy như nước chảy huê trôi. Tuy nhiên, nghe ông Đằng, ông Sở, lòng thầy cũng gờn gợn.
Ngõ cụt từ lâu yên tĩnh. Sắc, cuối mùa, bán chúa lộn chồng, ăn sương… vẫn là sắc.
Mà đã sắc, tất sinh luỵ.
Chưa chi đã lụy. Chiều ấy, cho đến đêm, họ còn ngồi với nhau đến cút rượu thứ hai mốt.
Không có người đàn bà đơn thân thuê phòng mệ Thẻo, bữa rượu đã kết thúc. Kết thúc từ lâu bằng những điều đã thành nếp, thành nhẵn. Ừ, mấy cuốn sách ố vàng. Ừ, những bức tranh. Ừ, những bài kinh kệ…
Mấy lối, đạo lấn đời. Chiều nay, đời thấu đạo.
3.
Đêm. Đêm ngõ cụt sâu và buồn. Mưa chiều đọng vũng. Đêm rượu dữ dằn, ông Sở ngủ như chết. Ông Đằng mơ. Ông mơ mình đang đứng trên một chòi cao, với những cuốn sách ố vàng. Phía dưới là dương gian, là ngõ cụt, là cõi người chật chội. Nhung nhúc người. Họ cúi rạp trên mặt đất.
Lời ông như chuông, như khánh. Hương trầm nghi ngút. Càng đọc, ông Đằng càng múa chân múa tay (y hệt Lữ Bố hí Điêu Thuyền). Chòi rung lên bần bật. Cột kèo bằng lạt tre đực kêu cót két, cót két.
Không biết vì mục hay vì sức nặng của ông Đằng (hay có thể vì cơn phấn khích của ông cũng nên), chòi đổ sụp. Ông Đằng la thất thanh. Tiếng ông bị át đi bởi tiếng người hỗn loạn. Cháy. Cha mẹ ơi. Cháy.
Và cháy thật. Lửa bùng phát dữ dội. (Sau này, khi điềm tĩnh, người ngõ cụt mới biết lửa là từ nhà thầy Tín. Cút rượu thứ hai mốt khiến thầy về như người mộng du. Không ngủ được như ông Đằng, ông Sở. Thầy Tín thắp hương nơi bát nhang thờ tượng lợn. Nhang cháy, cháy thành đuốc.)
Ông Sở ngủ như chết nhưng tỉnh trước tiên. Ông ngồi bệt trên nền đường, mắt ráo hoảnh. Dù sao, ông cũng ôm được ba bức tranh mà ông quý nhất. Ông Đằng hói phờ phạc. Trong cái thúng nan của vợ, chiếc xà cạp màu mận vẫn còn nguyên vẹn. Không biết thầy Tín có cứu được bức tượng lợn không mà nhìn thầy cứ như người mất hồn, mất vía.
Thầy cứ lẩm bẩm như người ta cầu kinh. Thầy lẩm bẩm: Phúc hoạ khôn lường.
4.
Phúc họa khôn lường thật. Nguời ngõ cụt sau cháy điểm mặt nhau. Ông Đằng, ông Sở, thầy Tín và cả mệ Thẻo. Đủ mà vẫn thiếu. Thiếu người đàn bà mướn phòng.
Không thân thuộc ngõ ngách, người đàn bà đã không thoát được ngọn lửa. Ông Đằng nhìn ông Sở. Ông Sở ngó trân trân thầy Tín. Trong đám cháy, họ không nhớ ở ngõ cụt vẫn còn một người.
Trần gian chật chội mà thưa thớt (không thưa thớt sao lại bỏ một người. Một người hẳn hoi trong đám cháy).
Ông Đằng lại nhìn ông Sở. Ông Sở lại ngó trân trân thầy Tín. Thầy Tín bảo: Mấy ông hỏi, tôi biết hỏi ai?
Huế đầu xuân 2010 (SDB – 3-2010)
|