Tạp chí Sông Hương - Số 256 (tháng 6)
Festival Huế - 10 năm nhìn lại
08:46 | 03/06/2010
TRẦN THỊ MAI Thấm thoắt đã 10 năm kể từ ngày khai mạc Festival Huế lần đầu tiên vào năm 2000. Tiếp theo Festival Huế, ngày càng có nhiều festival với chủ đề khác nhau được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trong cả nước (Festival Hoa, Festival Biển, Festival Cà Phê, Festival Trái Cây, Festival Lúa Gạo...).
Festival Huế - 10 năm nhìn lại

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao festival có được sự phát triển khá rộng khắp như vậy, mặc dù có không ít ý kiến cho rằng tổ chức festival là “tốn kém”.

Nhân dịp Festival Huế lần thứ 5 sắp đến gần, dựa vào những kết quả nghiên cứu khảo sát trên nhiều mặt, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số lý giải cho trào lưu đó.

Tôi còn nhớ trước festival lần thứ 3 (năm 2004), một hội thảo khoa học với chủ đề “Du lịch và Lễ hội” được tổ chức tại Huế. Tại hội thảo đó, nhiều tác giả đã cố gắng mổ xẻ làm rõ các loại hình, các đặc trưng của festival, mối quan hệ giữa festival và du lịch, vai trò của festival đối với sự phát triển du lịch... Có một vấn đề được nhiều người quan tâm nêu ra tại hội thảo nhưng chưa có câu trả lời thoả đáng đó là vấn đề “lỗ” hay “lãi” của festival nói chung, Festival Huế nói riêng.

Xuất phát từ nhận thức bản chất của festival là một hoạt động văn hóa được tổ chức định kỳ. Đã là một hoạt động văn hóa thì không thể đánh giá kết quả của nó là lãi hay lỗ đơn thuần được tính toán theo cách lấy tổng thu trực tiếp từ vé bán được của các chương trình nghệ thuật trừ đi các các khoản chi trực tiếp cho hoạt động festival. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là việc tổ chức festival không quan tâm đến mục đích kinh tế, ngược lại, nó phải góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch; các mục tiêu này đã được quán triệt ngay từ Festival Huế năm 2000.

Từ nhận thức đó, trong quá trình đi tìm “chứng cứ” cho nhận định về cái “được” và “mất” của Festival Huế, nhờ việc “lang thang” tìm kiếm thông tin liên quan trên mạng Internet, tôi thực sự bất ngờ khi tìm thấy hàng trăm kết quả nghiên cứu về tác động của các festival được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh rất rõ các tác động tích cực của festival, đồng thời hướng dẫn cách thức tiếp cận, phương pháp đánh giá, tính toán tác động về mặt kinh tế của mỗi festival. Ngay cả Boston Cyberarts Festival, một festival tại Boston (Hoa kỳ) về nghệ thuật hiện đại mặc dù mới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999 (trước Festival Huế 1 năm) cũng theo chu kỳ 2 năm một lần như Festival Huế nhưng đã có báo cáo đánh giá cụ thể về lợi ích kinh tế mà festival đó mang lại cho địa phương.


Kinh nghiệm chung của các nước cho thấy, để đánh giá tác động kinh tế của một festival, cần thu thập và xử lý thông tin cần thiết để có thể so sánh được các chỉ tiêu cơ bản sau đây trong hai trường hợp có tổ chức festival và không tổ chức festival:

- Tổng số tiền đầu tư liên quan đến tổ chức festival được thu hút vào địa phương tổ chức festival từ nguồn của trung ương, từ các địa phương khác và các nhà tài trợ...

- Tổng số tiền chi tiêu tăng thêm của khách du lịch (bao gồm chi tiêu của du khách đến địa phương với mục đích tham gia sự kiện festival và chi tiêu tăng thêm cho các hoạt động festival của khách du lịch đến địa phương không vì mục đích tham dự festival là chính).

- Tổng số việc làm mới được tạo ra nhờ có festival và thu nhập bình quân một việc làm.

Các khoản nêu trên được tính là tác động trực tiếp. Nếu tính toán đầy đủ hơn thì còn có tác động gián tiếp, tức là kết quả của những thay đổi phát sinh từ những chu kỳ chi tiêu tiếp theo của các đơn vị, cá nhân hưởng tác động trực tiếp từ festival; và tác động lan tỏa là kết quả của những thay đổi trong hoạt động kinh tế phát sinh từ việc chi tiêu của hộ gia đình từ nguồn thu nhập mà họ kiếm được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ việc chi tiêu của khách du lịch.

Áp dụng phương pháp nghiên cứu về tác động kinh tế nêu trên cho trường hợp của Festival Huế có thể đưa ra một số nhận định ban đầu sau đây.

Festival Huế có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của Tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế thông qua kết quả thu hút đầu tư của Trung ương, của các địa phương khác và các đơn vị tài trợ với tổng số tiền lên tới nhiều chục tỷ đồng vào các hạng mục phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho Festival Huế. Nhờ có Festival Huế mà khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa đến Thừa Thiên Huế tăng đột biến so với cùng kỳ của năm không tổ chức festival. Thời gian lưu trú của du khách được kéo dài, chi tiêu bình quân của các du khách cũng cao hơn so với thường lệ vì du khách sẵn sàng chi thêm tiền để không bỏ lỡ cơ hội được tham dự các hoạt động nằm trong chương trình đặc sắc của festival. Nhờ vậy, thu nhập của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh du lịch, thương mại, vận chuyển, ăn uống... cũng tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra festival. Một số nhãn hàng mới xuất hiện mang nhãn hiệu Festival (bia Festival, khách sạn Festival...). Đối với festival được tổ chức vào thời gian mùa thấp điểm còn góp phần khắc phục được tính thời vụ trong kinh doanh du lịch.

Festival Huế thực sự đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, làm cho bộ mặt của đô thị Huế thay đổi rõ rệt.

- Thông qua Festival Huế, một lần nữa giá trị của các tài nguyên văn hóa, du lịch được được bảo tồn, giới thiệu và khai thác hiệu quả hơn, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc cung đình Huế.

- Festival Huế góp phần tích cực trong việc tạo dựng hình ảnh của Huế đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Festival Huế là động lực thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động du lịch; kích thích các thành phần dân cư tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống...

- Festival Huế góp phần giải quyết hàng trăm loại việc làm ổn định, thu hút được hàng ngàn lao động thời vụ, trong số đó có một lực lượng lớn học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp.


Bên cạnh những tác động trực tiếp, tác động bề nổi dễ nhận thấy và có thể đo lường được bằng con số cụ thể như đã nêu trên, Festival Huế còn có nhiều tác động tích cực khác, đặc biệt là quảng bá hình ảnh của địa phương. Vào mỗi dịp tổ chức festival, có hàng trăm bài báo và hàng chục kênh truyền hình trong và ngoài nước đưa tin về các hoạt động của Festival Huế; có hàng trăm diễn viên quốc tế đến tham dự. Cơ hội quảng bá về hình ảnh của địa phương thông qua việc tổ chức Festival Huế quả là rất lớn. Liên quan đến ý nghĩa này, tôi rất tâm đắc với ý kiến chia sẻ của một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của một tỉnh Miền Trung khi nói về việc bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để mời các thí sinh dự thi hoa hậu Hoàn Vũ đến thăm Khu du lịch nổi tiếng của mình vào năm 2008: “Chỉ với 3 tỷ đồng bỏ ra để mời và tổ chức cho các hoa hậu thế giới đến địa phương tham gia các hoạt động từ thiện, giao lưu,... mà có thể quảng bá hình ảnh của địa phương mình đến với 80 quốc gia trên thế giới thông qua các băng đĩa, ảnh và những câu chuyện của các hoa hậu mang về giới thiệu tại đất nước họ”. Có lẽ, những ai đã từng bỏ tiền ra để làm quảng cáo thì có thể thấy rất rõ lợi ích của tỉnh, của thành phố Huế, của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch,... thu được từ festival về quảng bá hình ảnh, quảng bá điểm đến.

Hơn nữa, việc tổ chức Festival Huế còn có đóng góp không nhỏ vào việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhiều đối tượng tham gia vào việc tổ chức hoặc cung cấp dịch vụ festival, bao gồm cả lãnh đạo, công viên chức, giáo viên, sinh viên,... của nhiều đơn vị liên quan. Thông thường trong những hoạt động lớn như tổ chức festival chúng ta thường phải bỏ ra số tiền khá lớn để đào tạo nguồn nhân lực. Trong khi đó, đối với nhân lực phục vụ cho Festival Huế, kinh phí chi trực tiếp để đào tạo hầu như không có. Việc nâng cao năng lực tổ chức festival được thực hiện thông qua kèm cặp tại chỗ và từ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Thế nhưng chúng ta vẫn thu được những kết quả đáng tự hào về việc xây dựng đội ngũ tổ chức và thực hiện festival. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một “đội quân” khá chuyên nghiệp có thể chủ động xử lý một loạt các vấn đề liên quan đến tổ chức festival như: xây dựng nội dung và điều hành chương trình; tổ chức bố trí các khu vực biểu diễn; tổ chức dạ tiệc; tổ chức in ấn, phát hành và quản lý bán vé, chống vé giả; phương án bảo đảm an ninh, an toàn; công tác lễ tân, đón tiếp khách và các đoàn nghệ thuật; tổ chức vận động tài trợ; tuyên truyền quảng bá,...

Nếu như năm 2000, tỉnh phải huy động một lực lượng lớn gồm nhiều cán bộ nhân viên từ nhiều ban ngành làm việc, bàn bạc hàng tháng trời để đi đến thống nhất từng hoạt động với sự trợ giúp trực tiếp của đại sứ quán Pháp và các chuyên gia Pháp thì đến nay cơ quan chuyên trách về Festival Huế về cơ bản đã có thể chủ động xoay xở, xử lý hàng trăm công việc lớn nhỏ. Đến nay, nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho Festival Huế 2010 ít hơn nhiều so với trước, nhưng vẫn đảm trách được nhiệm vụ tổ chức được festival với quy mô lớn hơn, nhiều nước tham dự hơn và phạm vi địa bàn tổ chức các hoạt động được mở rộng hơn nhiều. Điều này hoàn toàn phù hợp với một trong những mục tiêu của Festival Huế đã được đề ra vào năm 2000 là “chuyển giao công nghệ tổ chức festival”.

Tác động về mặt văn hóa có lẽ chẳng cần phải bàn luận thêm vì mục tiêu lớn nhất của Festival Huế là đẩy mạnh hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa Huế, văn hóa Việt với thế giới. Mỗi kỳ Festival Huế lại xuất hiện thêm một số lễ hội, loại hình nghệ thuật, công trình văn hoá mới (bao gồm cả mới được phục hồi hoặc mới tạo ra). Như nhiều bài báo đã đề cập, Festival Huế thực là là “cuộc hội tụ văn hoá đa sắc màu”, là “nơi giao lưu văn hóa đối ngoại”...

Festival Huế cũng góp phần nâng cao niềm tự hào, đem lại niềm hân hoan, phấn khởi, làm cho người già cũng cảm thấy “trẻ lại” không chỉ cho người dân trong thành phố Huế mà cả nhân dân các vùng quê thông qua các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Quả là Festival Huế có tác động tích cực trên nhiều mặt: văn hóa, xã hội, kinh tế... Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Festival Huế cũng có những tác động không mong muốn như gây ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải về giao thông, sự gia tăng về chi phí cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường cũng như khoản chi tăng thêm của ngân sách cho hoạt động festival... So sánh số tiền chi cho hoạt động trực tiếp của mỗi festival chỉ vào khoảng một vài chục tỷ đồng (đã trừ bớt khoản thu được từ bán vé) mà thu được lợi ích thực sự trên nhiều mặt cả về văn hóa, xã hội và kinh tế thì việc duy trì và mở rộng quy mô của Festival Huế là một quyết sách rất đúng đắn của tỉnh Thừa Thiên Huế, đáng được mọi người dân đồng tình, ủng hộ, đóng góp tích cực cho sự thành công của festival sắp đến.

                (256/6-10)
               T.T.M




Các bài mới
Cây kem (13/07/2010)