Tạp chí Sông Hương - Số 256 (tháng 6)
Phía sau con chữ là một cuộc đời
14:57 | 06/07/2010
NGUYÊN QUÂN Phía đằng sau những con chữ bình dị như một chốn quê nhà chưa bị ô nhiễm cơn đau phố bụi, một ngôi làng yên bình vẫn luôn hằng hiện trong mỗi hơi thở, mỗi bước gian truân của tác giả là sự chân thật đến nao lòng.
Phía sau con chữ là một cuộc đời
Đó là những gì tôi cảm nhận được ngay từ những trang đầu cuốn tự truyện Sau một cuộc đời của nhà thơ, nhà nghệ sĩ biểu diễn Bảo Cường, một thân phận ba chìm bảy nổi nay tù mai tội ở cả hai chế độ của cậu bé hồn nhiên ở một vùng quê nghèo, thứ nghèo rớt mồng tơi đặc trưng của những miền bán sơn địa trên dải đất miền Trung cằn cỗi nắng gió. Một nhân thân nhỏ nhoi, như hàng triệu đứa trẻ miền quê khác bị trầm luân trong dòng chảy đầy biến động của những năm tháng chiến tranh. Đứa bé ấy cũng mang thật nhiều ước mơ, dù chỉ là những mơ ước bình thường được ăn, được học, được thả tiếng sáo trúc những trưa hè nằm vắt vẻo trên lưng trâu bay cao hơn, xa hơn.

Nhưng rồi những mơ ước bình thường ấy cũng bị chiến tranh tước đoạt phải rời xa quê hương nghèo khó lại luôn gồng mình gánh chịu bom đạn, lang thang tìm về Sài Gòn, nơi bom đạn, tang tóc chưa với tới kịp, sống những ngày tháng ăn bụi ngủ đường, làm thuê làm mướn vất vả trăm điều. Vậy nhưng vẫn không chạy thoát khỏi cái bóng đen đầy hệ luỵ của chiến tranh nên chỉ còn đường sống duy nhất là đăng lính… Để rồi phải ngậm ngùi thú nhận “…sau sự kiện 30/4/1975. Sài Gòn thức dậy với một bộ mặt khác/ Người chiến thắng thì vui mừng/ Người chiến bại thì đau đớn nhục nhã lo lắng/ Người lao động thì tự lách mình giữa hai lớp người có tâm trạng đó, cố làm sao để kiếm đủ ngày hai bữa/ Riêng tôi thực lòng không biết mình thuộc lớp nào trong xã hội đó…” Sự cô đơn, hụt hẫng của một con người không biết mình là ai, phải đứng ở chỗ nào quả thật là nỗi thống khổ vô tận. Không riêng chi một mình Bảo Cường cảm thấy, mà nó là hoàn cảnh, tâm trạng chung của đa phần người miền Nam trong những ngày đầu đất nước không còn ly loạn… “Cha tôi là Việt minh nằm vùng… bị bắt, bị tù đày/ anh tôi thì đi cách mạng…” Còn bản thân tác giả lại là lính Việt Nam Cọng Hoà… dù anh tự ám thị mình không thuộc một loại nào thì cũng vẫn phải gánh chịu chung thứ số phận nghiệt ngã của hệ quả cuộc chiến kỳ lạ nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Lại phải ăn cơm tù, phải nằm chuồng cọp như một thời trốn lính, đào ngũ ở chế độ cũ để phản đối việc cầm súng bắn giết anh em mình…

Tự thuật cuộc đời mình bằng văn bản có thể nói không phải là chuyện dễ, nhiều người cũng từng viết hay đi thuê viết nhưng chẳng mấy ai thành công. Với Bảo Cường, có lẽ chính nhờ sự không cố công trau chuốt, làm đẹp câu chữ khiến người đọc có thể cảm thụ được hết cái tinh thần anh muốn chuyển tải, không bị cái bóng bẩy chữ nghĩa vô tình khoả lấp hết sự chân xác cần thiết của một cuộc đời tự kể, điều mà đa số những tập hồi ký thường vấp phải.

Tập tự truyện Sau một cuộc đời được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ rất đỗi đời thường, thường đến độ có lẽ một vài người khó tính sẽ cảm thấy khó chịu khi bắt gặp những từ lóng láy khá thô tháp cộng với sự luẩn quẩn, lúng túng trong lối hành văn, như bản thân anh vẫn tự khẳng định mình không phải là một cây bút văn xuôi chuyên nghiệp “… mình là người nghệ sĩ biễu diễn, mà với người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu quan trọng nhất là chuyển tải được hết cảm xúc của mình đến khán giả…” Vậy là anh viết, viết theo quán tính của một người muốn nhanh chóng xoá đi món nợ cần phải trả cho chính cuộc đời đầy truân chuyên của mình. Và phải chăng với lối viết, lối suy nghĩ này anh đã thành công, nên khi đọc từ đầu đến cuối tập Sau một cuộc đời tôi và có thể là bạn… dường như không mang cảm giác là đang đọc một cuốn sách, mà đang ngồi đối diện, đang lắng nghe nghệ sĩ Bảo Cường kể chuyện bằng chất giọng mộc mạc như tiếng sáo tre của đứa bé thanh thản, hồn nhiên nằm vắt vẻo trên lưng trâu thời nào.

Huế 04-2010
N.Q
(256/6-10)




Các bài mới
Cây kem (13/07/2010)
Các bài đã đăng