Tạp chí Sông Hương - Số 257 (tháng 7)
Nên chăng tái thiết đàn âm hồn và tổ chức lễ tế âm hồn 23.5 ở quy mô thành phố?
15:18 | 05/07/2010
NGUYỄN PHÚC VĨNH BASau khi phục dựng thành công lễ tế Nam Giao và lễ tế Xã Tắc trong những năm qua, thiết nghĩ việc tái hiện lễ tế Âm Hồn 23.5 ở qui mô thành phố/ tỉnh là một việc làm có ý nghĩa trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và quảng bá du lịch của thành phố Huế chúng ta.
Nên chăng tái thiết đàn âm hồn và tổ chức lễ tế âm hồn 23.5 ở quy mô thành phố?
Ngoài đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, kinh thành Huế ngày xưa còn có một ngôi đàn nữa: Đàn Âm Hồn, hiện nay ở số 73-75 đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa Huế. Đàn này được xây dựng xuất phát từ biến cố Thất thủ Kinh đô 23.5.1885 (Ất Dậu).

Biến cố Thất thủ Kinh đô 23.5 Ất Dậu đã để lại một vết thương trên tâm khảm người dân Huế qua nhiều thế hệ. Đó là một cuộc quật khởi anh hùng và đẫm máu nhằm lật đổ ách thực dân của đế quốc Pháp, giành lại chủ quyền độc lập cho đất nước và dân tộc. Đó cũng là một thất bại đau thương tang tóc như đã được mô tả lại trong nhiều sách vở và nhất là bài vè Thất thủ Kinh đô.

Sau biến cố này, nhân dân kinh thành Huế, kể cả các vùng phụ cận, hằng năm đã tổ chức lễ cúng cô hồn cho các người đã tử vong rất trịnh trọng. Lễ tế này còn gọi là Bữa quảy cơm chung hay lễ truy điệu Chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong năm Ất Dậu.

Miễu Âm Hồn tại ngả tư đường Lê Thánh Tông và
Mai Thúc Loan, T.P Huế.  (Ảnh TL của tác giả N.P.V.B)


Năm 1894, dưới đời vua Thành Thái, một vị vua có tinh thần yêu nước và kháng Pháp, triều đình Huế mới chính thức lập Đàn Âm Hồn lộ thiên trên một diện tích gần 1500m2 ở phường Huệ An, (nguyên là trại lính Thần cơ) gần cửa Nhà Đồ (cửa Chính Nam) để tế lễ hằng năm. Lễ này do Ty Lý Thiện phụ trách và quan Đề đốc hộ thành đứng chủ lễ. Dầu rõ ràng trên danh nghĩa Đàn này là để cúng các cô hồn phiêu bạt hầu tránh sự quấy nhiễu và dịch bệnh, việc tế lễ này là sự ngấm ngầm tôn vinh các chiến sĩ trận vong và cổ vũ cho công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp thời ấy.

Nay việc tái hiện lễ tế Âm Hồn này có tính khả thi cao vì những lí do sau:

1. Về mặt ý nghĩa:
- Bày tỏ tinh thần bất khuất, truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ độc lập Tổ quốc.
- Bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với các liệt sĩ đã hy sinh cho chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc.
- Bày tỏ tình nghĩa sâu xa đậm đà của bà con láng giềng hôm sớm có nhau.
- Giáo dục thế hệ sau học tập và phát huy truyền thống nhân ái cao đẹp đó.
- Giữ gìn một hình thức lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, một phong tục có tính nhân bản đã phổ biến trong cộng đồng cư dân Huế.
- Công nhận một hoạt động tâm linh đặc trưng của người dân Việt.
- Tạo thêm một địa chỉ du lịch gắn liền với lịch sử xứ Huế.

2. Về mặt tài chánh:
Tái thiết đàn Âm Hồn tốn kém không cao vì kết cấu giản dị, địa điểm có sẵn dẫu đã bị lấn chiếm khá nhiều. Khả năng thu hồi là có thể thực hiện. Kinh phí cho việc tái thiết Đàn này không hơn một nhà thờ họ hay một tư thất hiện đại cỡ 2, 3 tầng. Việc tổ chức lễ tế cũng giản dị hơn là tế Nam Giao hay tế Xã Tắc.
Mong rằng trong một ngày gần đây, thành phố chúng ta có thêm một hoạt động lễ hội hợp lòng dân và hợp xu hướng bảo tồn bản sắc văn hóa của Đảng và nhà nước.

Sau đây là Văn tế (thử đềnghị) để phục vụ cho lễ tế này:

Văn tế Âm hồn Thất thủ kinh đô (23.5. Ất Dậu)

Than ôi!
Tim óc bùi ngùi,
Ruột gan tê tái.

Hơn thế kỷ trôi qua trước mắt, anh linh thiên cổ còn đây,
Mấy bi thương chất kín trong lòng, hương hoả tứ thời ngát mãi.
Nhớ Ất Dậu Kinh thành thất thủ, đám sanh linh phải bao nỗi thương vong,
Nay Mậu Tý Thuận Hoá thanh bình, phường tử đệ vẫn một niềm ái ngại.
Dẫu biết lẽ tử qui sinh ký, đời ngắn tấc gang,
Nhưng xét hồi quốc phá thân vong, nghĩa dài sông núi.
Phận cháu chắt tháng ngày nhớ tưởng, lòng kính yêu dễ mấy nguôi khuây,
Tình bà con hôm sớm quẩn quanh, bụng nuối tiếc khó mà bỏ trái.
Trước thưa sau gởi, đỉnh trầm kỳ hương khói vọng tiền nhân,
Xưa bày nay làm, lễ truy điệu cỗ bàn hầu trưởng bối.

Nhớ linh xưa:
Năng nổ tháng ngày;
Dịu dàng sớm tối
Ham việc ham công, ham đồng ham ruộng, trai cuốc cày gắng sức chăm lo,
Vui vườn vui tược, vui cửa vui nhà, gái bếp núc hết lòng vun xới.
Có đâu ngỡ nước nhà cơn hoạn nạn, lũ Tây dương qua lấn chiếm giang sơn,
Không may thay làng xóm trận can qua, đất Nam quốc hẹp thu dần biên giới.
Ách thực dân đè cổ, ngẩng cổ lên nào thấy trời mây,
Xiềng đô hộ tròng đầu, cúi đầu xuống chỉ là đá sỏi.

Thân mấy mà cam,
Lòng đâu chịu nỗi.
Từ nam chí bắc, mấy lớp nghĩa binh thua trận, quân Văn thân vẫn quyết chí chẳng lùi,
Trong phủ ngoài triều, bao viên mãnh tướng bỏ mình, lính Phấn nghĩa chẳng nề tâm xông tới.
Rựa sắt kiếm cùn, hoả mai con cúi, giết được thù cho thoả dạ hiếu trung,
Dao tu mã tấu, gậy gỗ tầm vông, phá tan giặc là mát lòng địch khái.
Vua nước mất phẫn uất đời nô lệ, họp mưu thần lập kế phản công,
Dân nhà tan thù hận kiếp tôi đòi, kết nghĩa đảng hợp đoàn quật khởi.
Đêm Hăm hai súng thần công nã Chánh toà Khâm sứ, bẽ bàng thay thuốc yếu rơi ngang,
Rạng Hai ba quân hoả dược đốt Tiểu trấn Bình Đài(1), oái ăm thật lửa tàn tắt vội.
Lang sa lê dương(2) xung phong vô Thượng Tứ(3), săng-đá giày(4) dẫm nát mù u,
Mã tà ma ní(5) đột nhập vượt Lương Y(6), bụp-xoà súng(7) bắn tiêu cai đội.
Bàng hoàng quá, vua xuất cung tị loạn, đa đoan văn võ quân thần,
Hoảng hốt thay, dân tẩu lộ cầu sinh, lộn xộn lão nhi phường hội.

Thảm ơi hỡi thảm!
Thành cửa nhỏ đâu dễ chen,
Hào đáy sâu sao khó lội.
Dân tan tác như ong vỡ tổ, đạp lên nhau già trẻ chết chùm,
Binh tán loạn tựa rắn mất đầu, dìu với chắc thấp cao bước mỏi.
Ơi ới, mẹ hú con chồng kêu vợ, thảm thiết sao tiếng khóc bi ai,
Hù hu, em dắt chị cháu níu ông, bi thương thật lời than khắc khoải.
Sáng đã chết, mù(8) càng mau chết, đâm bổ xuống hào,
Nghèo thiệt thân, giàu cũng thiệt thân, té nhào mép hói.
Tên bay đạn lạc, súng thằng Tây tìm kẻ ngây thơ,
Lê thọc kiếm đâm, thịt dân Việt làm mồi lang sói.
Thây nghĩa sĩ ngổn ngang đường Thành Nội, dồn đống xóm Âm hồn,
Máu lương dân vung vãi cửa Đông Ba, xông tanh cầu Gia Hội.

Ngao ngán thay!
Tay cung kiếm mà đền nợ nước, đành ngàn sau công trạng lừng vang,
Phận rác rơm lại bỏ thân tàn, khổ một kiếp tử thi rửa thối.
Nào gái nào trai, nào già nào trẻ, xác chất chồng xóm vắng làng thưa,
Ấy non ấy khoẻ, ấy mẻ ấy lành, xương vất vưởng nắng phơi mưa gội.
Thôi thôi chi nhiều kể lể, chốn tuyền đài linh hãy đến mau mau,
Thảm thảm ôi mấy oán than, cuộc siêu thoát hồn trông sao hối hối.
Man mác đám mây chiều phiêu dạt, người dương gian thêm chạnh nỗi hàn ôn,
Lạnh lành cơn gió chướng hắt hiu, khách âm cảnh còn vương tình trần giới.

Nay kính dâng,
Bát cháo thánh hầu ấm thân cô độc, trên đường xa mù mịt bốn phương,
Tấm áo binh đỡ lạnh gót lạc loài, giữa lối thẳm âm u chín suối.
Nước chè nhạt cũng tình quyến luyến, khát vơi dần miệng kẻ thác oan,
Củ khoai cằn ấy nghĩa thân quen, no đôi chút bụng người chết tủi.
Bông chuối cau trầu đủ thứ, lỡ khi cùng không thiếu vật tuỳ thân,
Giấy tiền vàng bạc sót chi, gặp lúc ngặt có thừa đồ trao đổi.
Tội sớm tha, công thưởng lớn, nguyện cầu vía yên hàn vượt thoát, đêm âm ty ám ám lưới sương giăng,
Oan thì giải, nghiệp trả dần, cầu khấn hồn thanh thản ra đi, chiều dương thế mù mù luồng khói nổi.
Đốt nén nhang ngan ngát, mặc ngậm ngùi xin chớ ngó lui,
Vẫy chén rượu thơm tho, dù ấm ức hãy mau bước tới.
Tâm thành lễ bạc, bàn phẩm vật trên dưới sơ sài,
Ngôn thiểu ý đa, câu ai điếu ngắn dài vụng dại.

Ai tai!
Hồn có hiển linh;
Niệm tình thụ bái.                          
           
                                   
Tháng 4/2008
N.P.V.B
(257/7-10)


---------
1. Tiểu trấn Bình Đài: Đồn Mang Cá nhỏ, nơi lính Tây đóng quân.
2. Lang sa lê dương: Quân viễn chinh Pháp.
3. Thượng Tứ: Cửa thành Đông Nam dẫn vào khu Tam toà và trường Quốc tử giám kế cận với Đại Nội Huế.
4. Giày săng-đá: Giày da của lính Pháp
5. Mã tà ma ní: Lính cảnh sát Pháp người Phi luật tân, có thể chỉ chung bọn lính đánh thuê của Pháp.
6. Lương Y: Một cống nhỏ trên đường dọc bờ thành dẫn tới cửa Đông Ba (cửa Chánh Đông).
7. Súng bụp xoà: Súng bắn phát một, nghe ra “cắc bụp cắc xoà” của lính Pháp.
8. Ở Cầu Kho có một xóm thầy bói mù, khi chạy loạn rớt xuống hồ ao, chết rất nhiều.



Các bài mới
Nội ơi! (20/08/2010)
Chai bao (30/07/2010)