Tạp chí Sông Hương - Số 257 (tháng 7)
Ngôi nhà của mẹ
14:49 | 26/07/2010
PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)
Ngôi nhà của mẹ
Tôi được sinh ra trong ngôi nhà rường của Ngoại làm cho Ba Mẹ tôi lúc mới cưới. Nhà giáp hai làng, Đốc Sơ làng Nội, Đức Bưu làng Ngoại. Hai làng dọc theo bờ hói nước trong xanh từ sông Hương chảy vào. Bên những bến nước, bà con tắm giặt, họ thường nở nụ cười trìu mến đón tôi khi tôi chạy lăng xăng ra Ngoại, vô Nội hồi thơ ấu. Đến tuổi đi học, Ba tôi làm việc trên Huế thường đón đưa tôi đến trường Đồng Khánh với xe kéo của Ba. Ba làm tòa Khâm sứ Pháp, qua Kho Bạc, rồi bị đổi vô Đà Lạt đột ngột. Gia đình phải theo vô Đà Lạt, ba tôi làm ở Tòa Sứ. Vì phải xa cái nhà rường gắn bó của tôi, cũng có một góc nhỏ của tôi nên tôi nhớ và buồn lắm. Cách mạng tháng Tám thành công, Ba công khai hoạt động trong Ủy Ban Cách mạng lâm thời. Tây đến Đà Lạt họ mời Ba trở lại Tòa sứ làm việc song Ba từ chối, đưa cả nhà về Huế còn độc lập. Rồi Ba tham gia lãnh đạo Việt Minh tỉnh Thừa Thiên. Bác Hồ kêu gọi thực hiện 3 chống. Thanh niên rầm rộ lên tàu “Nam Tiến” chống giặc ngoại xâm. Bờ rừng, bờ ao, bờ hồ được dân tấp nập trồng khoai sắn chống giặc đói. Ba và các bác trí thức lập Nha Bình Dân học vụ là đầu não để chống giặc dốt. Huế những ngày độc lập rất hạnh phúc, vui tươi đoàn kết theo lời Bác dạy để thực hiện 3 chống. Từ đó gia đình tôi lại được trở về với ngôi nhà rường thân yêu tại quê hương.

Một đêm cuối thu 1946, gió heo mây lạnh, mưa phùn rơi trên sân cải bông vàng. Cành tre la ngà trên bờ hói trước nhà xào xạc đu đưa trước gió, tàu cau rơi, mít rụng, ễnh ương hát liên hồi. Phía Nam Huế có tiếng súng đại bác xa xa. Bỗng tiếng gõ cửa dồn dập. Ba tôi về sau cả tuần lễ chúng tôi lo lắng chờ Ba. Tôi và Mẹ vụt dậy.

Ba nói: “Tây sắp tràn đến Huế, mình xếp quần áo vô túi cho Ba. Cơ quan Ba phải dời đi. Bộ đội ta đang chống cự quyết liệt - một thời gian yên Ba sẽ về”.

Tôi hốt hoảng: “Ba ơi, cho con theo ba được không? Tây đến con sợ quá!”

Ba nói: “Ba đã bàn với Cậu, sẽ đưa cả nhà lên núi An Đô một thời gian, bộ đội đuổi hết giặc ta trở về, Ba cũng về”. Ba vội vàng đi các bác các chú đang chờ Ba.

Hôm sau cả nhà cùng cậu mợ, các em đi sơ tán trên núi. Những ngày đó, suốt ngày đêm tiếng súng nổ rền. Tây đã chiếm Huế. Im tiếng súng, cậu mợ, Mẹ và chúng tôi trở về làng. Mới bước vô nhà, Mệ ngoại cho biết, cậu Bùi Văn Phò là cậu của tôi. Mẹ tôi có hai em trai - cậu Phò đi biệt tin theo cách mạng. Ngày độc lập cậu xuất hiện là sĩ quan Vệ Quốc Đoàn. Tây đến tỉnh nhà, đơn vị của cậu đánh Tây từ phía Nam Huế, lực lượng ta yếu nên hy sinh gần hết. Đơn vị cậu rút vào Nội thành Huế, vừa đánh vừa hô “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Tây bắt họ tại Đại Nội lúc hết viên đạn cuối cùng. Tây đem cả đội cảm tử do cậu Phò chỉ huy ra bãi chém An Hòa. Tây xẻo thịt tẩm xăng đốt cho các chiến sĩ chết dần. Vậy mà các chiến sỹ vẫn hô “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Dân 3 làng An Vân, An Hòa, Đốc Sơ Tây bắt đến chứng kiến, thấy cảnh đó nhân dân căm thù tột độ. Nghe Mệ và dân làng kể lại, tôi vô cùng thương tiếc người cậu ruột. Trong tôi bắt đầu nhen nhóm lòng căm thù từ đó, từ sự hy sinh của người cậu ruột và sự ra đi của cha. Chỉ 2 ngày sau khi đi sơ tán về, Tây lính đến nhà hỏi Ba tôi đi đâu.

Mẹ tôi khai: “Nghe tin Tây đến, chồng tôi trốn Việt Minh để vô Đà Lạt ở với mụ hầu.”

Tây vặn: “Vô Đà Lạt mà ở đâu làm gì?”

Mẹ đáp: “Tôi không biết làm gì! Nhưng ở tại địa chỉ này (Mẹ đưa địa chỉ số 22 đường Đồng Khánh, Đà Lạt) là nhà gia đình tôi đã ở đó.”

Sau hôm Tây đến, cả làng đồn Ba tôi làm Việt gian trong Đà Lạt, vì mẹ tôi đưa cho Tây cái hình Ba chụp với Tỉnh trưởng Đà Lạt. Thế là nhà tôi được Tây để yên, nhưng rất xấu hổ vì tiếng đồn của làng xóm.

Những năm đó Huế đói, tôi phải lao động cật lực cùng với Mẹ để kiếm sống cho cả gia đình 6 người. Tôi không mơ ước gì được trở lại trường. Thấm thoát, Ba biệt tin tức đã 3 năm. Tôi trở thành một bé gái nhà quê có khi phải chân bùn tay lấm để phụ với Mẹ mà nuôi em.

Vào một đêm mùa thu 1948, trong ngôi nhà rường rộng rãi thoáng mát, sao tôi không ngủ được, vậy nên nghe tiếng rì rầm, tiếng chèo ghe sột soạt, tiếng chân bước vào sân cải vàng. Rồi giọng loa vang lên: “Nhà bà Phán nghe đây! Nghe đây! Việt Minh đã về! Ông Phán làm Việt gian trong Đà Lạt! Hãy trở về với dân với nước kẻo thiệt mạng! Nghe đây! Việt Minh đã trở về”.

Ôi tiếng loa vang vang giữa đêm khuya tĩnh mịch. Mẹ tôi sợ quá ngất xỉu té xuống chân giường. Tôi bàng hoàng run tay run chân rồi cố bò ra khe cửa. Nhìn ra sân, một người to lớn cầm cái loa cứ nói đi nói lại những lời “kỳ quặc” đó. Ba tôi theo cụ Hồ sao lại nói là Việt gian? Tôi sợ cãi lại thì mật thám sẽ nghe… Rồi có tiếng kêu nhỏ: “Mở cửa, mở cửa”. Tôi nói: “Cửa tôi không mở được, ông nói chi thì nói”. Người đàn ông cầm loa tiến đến cửa nhét vô một tờ giấy rồi nói rồi khẽ: “Thư của Ba cháu đây. Mẹ cháu và cháu cứ nói Ba làm cho Tây. Tối mai các chú sẽ đến”. Nói xong họ biến mất.

Cầm cái thư trong tay, tôi lảo đảo ôm cái cột nhà, mất hồn mất vía! Tỉnh lại đọc thư tôi reo lên! Ôi Mẹ ơi đúng nét chữ của Ba! Mẹ ơi! Nước mắt tôi trào ra như xối. “Mình và các con, Ba vẫn khỏe mạnh làm việc với cách mạng ở đất cụ Hồ. Bộ đội ta đang mạnh, thắng lớn nhiều trận ở biên giới. Chờ Ba, độc lập Ba về. Quỳ, con đã 13 tuổi lớn rồi, tập lao động giúp Mẹ nuôi em. Người đem thư này là người tốt, con cố gắng giúp họ làm nhiệm vụ tức là con đã theo cùng một chí hướng với Ba”.

Tối hôm sau, Việt Minh đến nhà tôi 6 người toàn mặc áo quần đen. Mẹ tôi vui sướng được gặp họ. Mẹ đồng ý ngay, cho họ làm trụ sở liên lạc, giao ngay nhà trên đêm đó cho họ. Mẹ và chúng tôi xuống ở dưới nhà bếp. Sáng dậy tôi ra sau vườn thấy một đống đất mới, tôi tưởng họ chôn tài liệu, (lúc đó tôi chưa biết họ đã đào hầm bí mật dưới nền nhà rường) nên lấy lá tre khô phủ lên đống đất.

Anh đội trưởng hỏi: “Ba em nói em sẽ giúp các anh, mà phải đi ngang qua đồn bốt em có sợ không?” - “Dạ có”. -“Sợ thì giúp sao được?” - “Anh bày vẽ cho em, em sẽ cố gắng cho Ba vui lòng”. Kể từ đó họ sai đi đâu tôi cũng đi và cố gắng không sợ. Mấy năm sau, khi phải khai lý lịch vô Đảng, tôi hỏi Đội trưởng: -“Lâu nay em theo kháng chiến mà em làm việc chi, khai thế nào?”. Đội trưởng nói: “Em là cộng tác viên của Đội Công an tình báo Lê Cảnh Tân hoạt động tại Huế”. Tôi lạnh xương sống với chữ tình báo. Té ra họ là công an tình báo! Và đã 3 năm rồi tôi tham gia hoạt động tình báo!

Lúc đó tôi mới 16 tuổi. Mẹ tôi và Bà nội lo lắng sợ Tây bắt, nên nói tôi đã 18 tuổi để gả chồng lên Huế ở. Vì vậy tôi tưởng Mệ nói thật nên tôi khai lý lịch 18 tuổi để kết nạp Đảng. Chỉ 2 đồng chí cấp ủy tổ chức kết nạp Đảng cho tôi trong một cái chòi không có chủ ở vùng bị chiếm. Đầu năm 1950 bị lộ do một đồng chí bị Tây bắt khai báo, tôi phải trốn theo văn phòng ủy ban xã sơ tán gần chợ Thông, vùng Kim Long- Huế. Ba tôi đang công tác ở Ủy ban Liên khu Bốn đóng ở Nghệ An, tình nguyện theo quyết định của Khu ủy tăng cường cho tỉnh nhà đang lúc quyết liệt với kẻ thù. Ba băng rừng Trường Sơn về nhận nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Thừa Thiên đóng ở chiến khu.

Ba đón tôi lên chiến khu Dương Hòa với Ba. Hai tháng sau, có đoàn ra Liên khu Bốn, Ba gửi tôi đi theo. Tôi băng rừng Trường Sơn ra Nghệ An để trở lại trường học.

Từ đó tôi xa quê, xa ngôi nhà rường đầy kỷ niệm gắn bó, trong đó có một giai đoạn đáng tự hào nhất trong đời, là thời gian tôi tham gia đội công an tình báo Huế. Ba đã dẫn dắt để tôi bước vào kháng chiến khi còn rất trẻ. Tôi học ở Nghệ An phải xa cha mẹ rất thiếu thốn. Rồi chỉ một năm sau. Một tờ điện tín mang tin sấm sét dội đến, báo tin Ba tôi đã hy sinh sau những trận càn quét bao vây của địch lên chiến khu Dương Hòa. Tôi và em trai đang ở Nghệ An. Mẹ và 3 em nhỏ ở Huế làm sao tới được chiến khu Dương Hòa tiễn ba tôi về chín suối! Lúc đó tôi đau khổ lắm, ốm một trận rụng hết tóc và bị mất trí nhớ hai tháng. Bạn đồng hương Huế cùng học đã giúp tôi qua khỏi cơn hoạn nạn đó.

Tôi học văn hóa dở dang, phải thi vô học Dược để có nghề. Em trai tôi vào thanh niên xung phong rồi trở thành chiến sĩ Điện Biên Phủ. Hai chị em mỗi người một phía ở miền Bắc, dù gian khổ nhưng hai chị em tôi luôn phấn đấu hết mình để khỏi phụ lòng cha mẹ. Hòa bình nửa đất nước, không về quê được vì Huế bên kia vĩ tuyến 17. Đến ngày thống nhất, Ba tôi và Cậu tôi được trao bằng “Tổ Quốc Ghi Công”.

Năm 1992, cả nước đi “tìm nguồn”, gia đình mới tìm được mộ Ba trên chiến khu Dương Hòa. Hai mươi lăm năm xa quê, tôi trở về gặp Mẹ ở nhà em gái tại Đà Nẵng. Mẹ bệnh nặng, tôi đưa Mẹ vô TP HCM ở với vợ chồng tôi trị bệnh. Mẹ kể nhiều chuyện của Mẹ: - “Con đi rồi thì lính vô tra hỏi, Mẹ nói con đi theo chồng rồi. Nó bảo con là Việt Minh nhỏ mà nguy hiểm. Nó bắt Mẹ lên đồn khai báo Ba con ở mô, con đi mô, nó dọa dẫm Mẹ thật khổ nhưng Mẹ chỉ nói không biết. Rồi Mẹ ở tù thời Diệm gần 1 năm, cũng khai không biết, nó thả về, chính quyền miệt thị bắt lên khai báo hoài. Bà con thì xa lánh sợ liên lụy. Cực chẳng đã, Mẹ đành bán bớt đất và ngôi nhà rường, có tiền 3 đứa em con vô Đà Lạt. Tôi hốt hoảng: - “Mẹ ơi! Cái nhà đó Ngoại cho, bao kỷ niệm, Mẹ bán rồi à?”

Tôi chảy nước mắt vì tiếc nuối cái nhà rường bề thế, đẹp đẽ có một góc cho tôi và kỷ niệm 3 năm tôi hoạt động cách mạng. Cái nhà đó cũng là nơi cán bộ cùng với Ba thường nhóm họp với hình thức bên ngoài đàn ca, tổ tôm, tài bàn, nhưng bên trong là bàn bạc công việc của Cách mạng tiền khởi nghĩa. Mất cái nhà đó rồi ư! Tôi hỏi Mẹ: -“Ở dưới nhà có cái hầm bí mật Mẹ biết không?”. Mẹ nói: -“Lúc con trốn đi thì đội trưởng bị bắt, nên họ về lấp cái hầm sợ nhà mình liên lụy. À con ơi, hai bụi tre la ngà trước nhà, lính cũng về đốn sạch vì nó biết Việt Minh trốn ở đó.”

Tôi ngẩn ngơ, hiện lên những ký ức xưa, đã 25 năm trước. Bụi tre la ngà và hầm bí mật là nơi trú ẩn của Đội Lê Cảnh Tân lúc giặc đi càn. Mỗi lần biết Tây đến, họ lội xuống hói vài bước, chui vô bụi tre la ngà có thể ngồi 3 đến 5 người, hoặc chạy xuống hầm bí mật dưới nền nhà rường này, cả hai nơi đều an toàn. Tôi thường đem cơm nước tiếp tế cho họ. Cả hai dấu vết đó nay không còn nữa!

Tác giả (trái) bên cạnh bàn thờ hai liệt sĩ Phan Văn Huyên - Bùi Văn Phò


Mẹ lành bệnh, tôi đưa Mẹ về thăm quê sau 20 năm Mẹ xa quê. Mẹ cảm động lắm. Mẹ dự chạp họ bên chồng, thăm nhà thờ họ Bùi của Mẹ và nhà thờ ông Ngoại. Tôi và Mẹ đến nhà vườn mình xưa, trải chiếu nằm trên cái nền nhà của Mẹ còn lại. Trời có trăng sao rọi xuống nền nhà. Vườn Mẹ đã bán đất hai bên, nên vườn xơ xác không còn mít, chuối, cau um tùm như xưa. Hai lăm năm trở về quê nhà, lòng đau thắt ruột gan. Nơi đây chứa đựng một quãng đời đau khổ của Mẹ, khi Mẹ được báo tin Ba hy sinh, rồi Mẹ bị tù, 2 con lớn và một con nuôi ngoài Bắc, 3 con nhỏ thơ dại. Mẹ nói trong thổn thức: -“Mẹ bán bớt đất nhưng chừa lại khoảnh vườn xưa. Nhà rường Mẹ bán nhưng chừa lại cái nền. Đây là tình thương của Ngoại cho Mẹ, dù nghèo mấy cũng không bán, vì Mẹ tin tưởng các con ngoài Bắc sẽ về, các con trong nầy đều có học hành có nghề nghiệp, chắc các con sẽ làm lại nhà để Mẹ không bị mất tình thương của Ngoại”.

Tôi đã hứa với Mẹ đêm ấy, tôi sẽ làm lại cái nhà của Mẹ. Từ đó trong lòng tôi canh cánh điều đã hứa với Mẹ. Nhưng gia đình cũng phải phục hồi dần, vì đã bị chia ra sống hai chế độ, mà thống nhất đất nước thì gia đình cũng nảy sinh ra bao việc. Lúc đó tôi và chồng tôi đều gánh nhiệm vụ nặng nề. Chồng tôi là bác sĩ làm giám đốc một bệnh viện lớn. Tôi là dược sĩ làm giám đốc một xí nghiệp Dược Trung ương. Tôi nhớ lời Mẹ nhưng hoàn cảnh lúc đó của tôi không cho phép. Mãi cho đến năm 2009 tôi mới chủ trì bàn bạc với gia đình với các em để làm nhà cho Mẹ, toàn thể gia đình nhất trí lập kế hoạch tiến hành.

Nhớ ngày Mẹ sắp ra đi ở tuổi 95, vào năm 2006. Đêm ấy Mẹ kể chuyện ngày cưới của Mẹ, Ngoại làm nhà cho Mẹ, và Mẹ nói: -“Con ơi! Ngôi nhà Ngoại cho là nơi Mẹ chuyển dạ để sanh con vào 30 tháng 12 năm Quý Dậu mà con lọt ra 2 giờ sáng năm Tuất nên ông Ngoại đặt tên con là Mực cùng tên với con chó Mực”. Đó là lời nói cuối cùng khi Mẹ sắp đi xa. Mẹ nhắc lại chuyện ngôi nhà của Ngoại cho một cách rất tình cảm. Mẹ nói nơi đó tôi được sinh ra, như là Mẹ nhắc nhở nhiệm vụ của tôi nên tôi càng thấm thía. Tôi là chị cả nên đã đứng ra chủ trì cùng con cháu của hai gia đình liệt sĩ để tiến hành làm nhà trên cái nền nhà Mẹ để lại. Bắt đầu khởi công vào mồng 10 Tết Canh Dần đến ngày 30-4-2010 nhà đã hoàn công. Ngày 21-5-2010, đúng ngày 8-4 Canh Dần kỵ Mẹ tôi lần thứ 5, chúng tôi tổ chức lễ khánh thành Nhà tưởng niệm 2 vị liệt sĩ là Ba tôi và cậu ruột tôi Bùi Văn Phò. Chính giữa nhà có bàn thờ 2 tầng. Tầng trên thờ liệt sĩ Phan Tấn Huyên, liệt sĩ Bùi Văn Phò. Tầng dưới thờ Mẹ tôi - quả phụ của liệt sĩ.

Đến dự lễ khánh thành “Nhà tưởng niệm liệt sỹ” và kỵ Mẹ tôi có đông đủ họ hàng bà con. Đặc biệt có lẵng hoa của Tỉnh ủy, HĐND và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế; lẵng hoa của Thành ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc thành phố Huế chúc mừng; tranh chúc mừng của các phường Hương Sơ, phường An Hòa, Trường tiểu học An Hòa và Hội đồng Phan tộc tỉnh. Hai gia đình cùng họ hàng thắp nhang cúng Cha Mẹ và Cậu tôi. Chúng tôi vui mừng nhà làm xong trong dịp kỷ niệm 120 ngày sinh của Bác và kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước. Ngôi nhà thể hiện đang xây đắp sự gắn bó từ xưa của hai bên Nội và Ngoại của chúng tôi. Ngôi nhà là nơi Cha Mẹ và Cậu sẽ về quây quần với con cháu, mà đã 50 năm qua, nay mới làm được.

Những ngày về quê tôi lại được sống trong ngôi nhà mới mà nền cũ của Mẹ. Tôi cũng có một góc như Mẹ dành cho tôi ở đây từ thuở ấu thơ. Đêm đêm của những ngày trở lại ngôi nhà của Mẹ, tôi thắp nhang tôi thì thầm với Cha Mẹ và Cậu: - “Con đã về nhà của Ngoại rồi Cha Mẹ ơi! Cậu ơi!”.

Ngày 21 tháng 5 năm 2010
P.T.T.Q
(257/7-10)





Các bài mới
Nội ơi! (20/08/2010)
Chai bao (30/07/2010)
Các bài đã đăng