Tạp chí Sông Hương - Số 257 (tháng 7)
Chai bao
14:51 | 30/07/2010
HỒNG NHUChợ của phường đặt tại một vị trí khá lý tưởng. Nói như vậy là vì nó chẳng đụng đến các phường khác và cái chính là thuận lợi cho việc mua bán của người dân.
Đó là khu đất ở cuối phường về phía Tây chẳng giáp giới gì với các khu khác. Bởi vì, xế bên hông chợ cách một con đường khá rộng có thể hai làn xe xuôi ngược vào chợ ra chợ là cái xóm nhỏ cũng thuộc phường, vỏn vẹn chỉ có bốn hộ nằm lọt thỏm giữa các bãi cỏ mọc cao lút đầu người và những bờ tre gai có lẽ có từ xa xưa khi ở nơi đây chưa thành đô thị. Hết cái xóm này là con đường cái lớn rải nhựa có tên tuổi hẳn hoi của thành phố rồi. Cách đây khoảng vài mươi năm, toàn bộ cái phường này vốn là những ngọn đồi dùng làm bãi tha ma phần lớn là mồ vô chủ. Người ta đã san ủi các đồi ấy thành mặt bằng, bốc các hài cốt còn có thể bốc được dời đi nơi khác. Và, lẽ dĩ nhiên, phố xá dần dần mọc lên, dân cư dần dần đông đúc, chợ búa dần dần được thiết lập.

Trước mặt chợ cách độ vài ba chục mét là một khu chung cư khá lớn. Nhà bốn tầng, gồm tất cả năm nhà đánh số từ A đến E, mỗi nhà ba hoặc bốn đơn nguyên, quay mặt ra con đường cái lớn có tên tuổi đàng hoàng nói trên. Xế bên phải khu chung cư là vạt đất khá rộng còn chưa có nhà cửa gì; nghe nói sắp tới sẽ xây dựng một siêu thị lớn nhỏ gì đó của thành phố. Trong lúc chờ đợi, phần đất này là bãi đỗ của các xe tải chuyên chở các loại da bò, da trâu kể cả chân cẳng móng giò lòng ruột của chúng từ các nơi đâu như ở phía Nam chở ra, để phân phối cho các quầy hàng trong chợ và cả ngoài chợ. Vì vậy, mùi hôi thối của chúng phải nói là đậm đặc, nhất là mỗi khi các xe ấy phải chờ đợi vì ế hàng, làm mọi người đi ngang qua không ai là không bịt mũi bịt miệng. Dân trong phường ngoài phường, đặc biệt là khu chung cư ở gần, kêu trời kêu đất, kể cả chửi bới, to tiếng xô xát với cánh lái xe không quen biết; cuối cùng là kêu lên chính quyền phường và thành phố, kêu mãi, kêu riết hơn một năm sau thì kết quả. Các xe tải thủ phạm của vụ ô nhiễm môi trường này biến mất. May quá!

Nhưng, khoảng hơn một tuần sau, cái nơi từng hôi thối nọ bỗng biến thành chỗ phức tạp mới, có điều giờ đây nó không hôi thối nữa nhưng cũng chẳng thơm tho gì. Đó là sự mọc lên một cơ sở thu gom chai bao từ các nơi trong thành phố đổ về. Đầu tiên, người ta thấy một tấm biển, vài bốn tấm vải bạt căng lên như lều tạm che mưa trú nắng. Tấm biển bằng gỗ hình chữ nhật đề: “Huyền Bôn - Chuyên thu mua bao chai, giấy báo cũ, đồ vụn sắt, nhựa, nhôm... Giám đốc: Lê Thị Huyền Bồn”. Cứ như biển của một công ty vậy!

Bà “giám đốc” áo quần lòe loẹt như phường tuồng, chính xác bao nhiêu tuổi không biết nhưng nom cũng còn trẻ, khoảng ngoài bốn mươi, trắng trẻo, hơi đẫy, má đầy đặn, đôi mắt dài cứ liếc ngang liếc dọc, còn đôi môi dày vừa phải thì tô son đỏ chót cười cười nói nói luôn mồm làm cho chúng không ngừng mấp ma mấp máy như chớp đông.

Bọn trai choai choai rỗi việc trong phường, cùng với đám xích lô, ba gác, xe ôm... thường mắt la mày lét bình phẩm, đoán định, phán xét, vân vân...

- Mụ ni ở mô mới đến vậy?

- Nghe nói mô trong thành nội. Mụ móc được mấy cha trên phường, đấu thầu được khoảnh đất nớ.

- Chao! Người trong phường chẳng ai biết mà đấu; để người ở mô đến phỗng mất, tiếc của!

Đám xích lô ba gác xe ôm thì chẳng quan tâm đến việc đó, họ quan tâm đến cái khác; vả việc xuất hiện một cơ sở thu gom như vậy ở đây chỉ có lợi cho họ. Họ là người chuyên chở thuê, đằng nào thì việc chở các vật dụng sau khi đã phân loại đến các cơ sở tái chế khác, bà Bồn phải nhờ đến họ. Nhưng không vì thế mà họ không bình luận vẩn vơ, phán xét linh tinh cho vui miệng sướng đời.

- Ôi trời! Đàn bà tên gì lại trùng vần với cái ấy!

- A ha hả! Nom cái bản mặt mụ nớ thiệt xứng với cái tên. Dâm dật lồ lộ ra, chẳng cần giấu giếm ai!

- Ừa, ông nói đúng với tôi nghĩ.

- Mi nghĩ răng?

- Tau nghĩ nhìn cái vẻ dâm bôn của mụ tau chỉ muốn đ... vào cái mặt ấy!

Tiếng cười rộ lên, khoái chí.


Khách đến nhập đồ bao chai cho Bồn toàn là nữ giới, các cô các chị có, đứng tuổi có. Họ đều gọi bà chủ là chị xưng bằng em. Duy nhất chỉ có một cô trẻ nhất trong bọn là gọi bằng cô, nhưng lại gọi anh chồng Bồn cũng có mặt ở đó bằng anh. Anh ta làm người chất xếp đồ đạc mua được sau khi đã tự mình phân loại ra, thành gò thành đống xong phủ vải nhựa ni-lông lên đợi các mối cho xe đến lấy hoặc thuê xích lô ba gác xe bò chở đi đến nơi nhà máy hoặc các cơ sở tái chế. Anh chồng này trẻ hơn vợ ít nhất là năm sáu tuổi, dáng người thanh mảnh như một sinh viên. Chị vợ hò hô, sai bảo anh chồng như người làm công nhưng mặt mày rạng rỡ, môi mồm lại nhấp nháy cười cười, đung đưa hai mắt như ngầm bảo: “Anh làm nhanh lên rồi về sớm, nhà lúc này vắng bọn trẻ đi học hết; chúng mình sẽ hú hí với nhau ban ngày một cái thử coi, thích lắm chứ nhỉ!”.

Bồn ngồi trên một chiếc ghế nhựa thấp có chỗ dựa lưng, trước mặt là một dãy cân có đến bốn năm chiếc, cái lớn cái nhỏ chẳng đều nhau. Nhỏ nhẹ thì cân giấy loại, bao ni lông, các tông, bì xác rắn. Vừa vừa thì sắt vụn, các vòng dây thép gai cũ, cuốc xẻng mòn vẹt, to nữa thì các máy móc hỏng bỏ, quạt trần, ti vi cũ vân vân...

Giá cả được ghi trên giấy khổ lớn dán vào một tấm biển khác bằng gỗ ép cũng lấy từ trong đám báo chai ấy ra: giấy báo loại ngàn ba/kí, bìa các tông ngàn tám, nhựa hai ngàn mốt, sắt vụn ba ngàn rưỡi... Người nhập cư đến, tháo dỡ đồ đạc ra khỏi xe đạp, bắc lên cân từng loại một. Bà chủ ngồi, mắt liếc cân, ghi vào sổ tay, bấm máy tính bỏ túi, xướng lên số cân số tiền rồi thò tay vào trong người móc ra cái ví giả da màu nâu cháy ở đâu trong bụng dưới, đếm tiền giao cho người nhập hàng. Hết người này đến người khác. Bà chủ cứ luôn tay, luôn mắt, luôn mồm. Còn anh chồng trẻ thì trái lại, im lặng chẳng nhìn ai cả, quăng lia lịa, bồm bộp, lanh canh, xủng xoảng... các đồ vật vào các đống các gò của mình, thứ trước mặt, thứ sau lưng, thứ bên phải, bên trái. Động tác của anh ta hao hao như một vận động viên môn thể thao bi sắt, khi ngồi xuống khi đứng lên, ngồi chân co chân duỗi để lấy đà, đứng khom lưng, thẳng gối, dạng chân, chụm gót... thành thục và nhẹ nhàng như đang đùa chơi một mình chứ không phải đang làm việc.

*
Cô gái trẻ nhất trong đám người đến nhập hàng cho Bồn với chiếc xe đạp chất đầy đồ đạc linh tinh bà giằng cả bố lên, to đùng như chiếc xe thồ loại lớn, đạp tới. Bãi hàng đã vắng tanh người; cô là người cuối cùng trong ngày. Bây giờ mới hơn năm giờ chiều. Tháng mười chưa cười đã tối, trời hôm nay không mưa không nắng, mây dày nên khá âm u. Cô gái đạp chầm chậm xem bộ chẳng vội vã gì; một vì chưa có kinh nghiệm mấy, hai bởi chiếc xe đạp to đùng như quá tải với sức vóc của cô. Bà chủ thoáng thấy đã hối thúc:

- Mau lên, mau lên chút, bé! Trời tối sập đến nơi rồi đó. Năm phút nữa chị về thôi! Mau mau!

- Ôi trời, thế à thế à? Đây rồi, đây rồi, em dỡ một tí là xong. Cô cân đi, đây đây...!

Cô gái gạt chân chống xe, mở, rút các dây chằng buộc. Đồ đạc các thứ đổ xòa ra bốn bên một vạt dễ đến ba bốn mét vuông đất. Lộ ra chiếc xe không, đó là chiếc Queen còn khá mới, loại các nữ sinh ở thành phố này thường dùng đi học.

Bồn liếc nhìn người nhìn xe của cô gái, trong lúc vẫn vừa cân, vừa ghi sổ cộng tiền.

- Em mới đến lần đầu à? Ở mô đến? Ai giới thiệu?
Tên em là chi?

- Dạ thưa cô em tên Như. Phải có người giới thiệu à cô? Em ở ngay khu chung cư đây thôi cô à, A2. Mấy mẹ con em vừa chuyển đến có nửa tháng, san được căn hộ cũ mà cô. Thú thật với cô, em mới làm chuyến này là chuyến đầu tiên, mong cô thông cảm cho!

- A à, phải có giới thiệu giới thiếc hẳn hoi chớ! Nhưng thôi, em ở nhà A2 đằng nớ thì khỏi. Này tiền đây, cầm lấy!

- Dạ dạ, em xin cô!

Bà chủ trẻ nghe thấy thích lỗ tai, mặt mày mắt môi cứ nở cả ra. Con bé xưng hô như đang ở trường ở lớp học hay ở cơ quan doanh nghiệp. Mình là cô giáo thì không phải rồi, nhưng là giám đốc thì có chi là không được? Giám đốc cơ sở thu gom chai bao của cá nhân mình. Mình cũng là chủ chứ đâu phải là khách. Bây giờ đâu đâu có thiếu giám đốc! Có nơi chỉ ba mống cũng có trưởng, phó đàng hoàng cơ mà! Huống hồ ở đây ta có dưới tay hàng chục chị em, mấy chục chứ lại! Rồi rồi...! Vậy mà ông xã ta cứ rầy la, bắt ta phải dẹp bỏ ngay cái biển đề tên kia đi. Bồn này cũng là một cơ sở, một công ty chứ bộ. Rồi, rồi...!

Bồn cao giọng với anh chồng đang rửa tay chân xòe xòe ở vòi nước công cộng đằng kia:

- Anh ơi, về được chưa? Đậy điệm xong cả rồi, tối nay trời có mưa cũng kệ hắn, muốn mưa to mưa nhỏ chi cũng được!

Làm như chị ta là người đã khuân vác, bốc xếp, phân loại rồi che chấn đắp đậy các đống các gò hàng không bằng! Hai vợ chồng đèo nhau vút đi...

Trên khoảnh đất bừa bộn rác rưởi chỉ còn lại cô gái trẻ lúc nãy. Cô đứng tần ngần bên gốc cây phượng hoa vàng đã hết mùa hoa, chỉ còn lá rơi lác đác, xào xạc. Cô cầm nạm tiền chẵn có lẻ có xếp lại cho gọn, đếm, tính toán trong đầu. Thế là hôm nay, đầu tiên, lãi được ba chục ngàn. Một ngày từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, ba chục đâu có ít. Mỗi tháng ba mươi ngày. Ba ba là chín, ngót một triệu, cũng đủ cho ba mẹ con. Trong thời gian chờ đi xin việc, như thế này cũng tốt rồi, còn hơn ngồi chơi không có đồng nào. Cô chợt chạnh lòng, cứ ngẩn ra, nghĩ đến phận mình. Tốt nghiệp tú tài xong cô đi trung cấp kế toán do ngành giao thông vận tải mở. Không có tiền thi tiếp học tiếp vì đồng lương hưu của mẹ quá còm cõi, cô đành đi làm để giúp mẹ nuôi em trai ăn học. Cái nghề chai bao này tuy nhếch nhác vất vả một chút nhưng chả phải xin xỏ ai, chiều lụy ai, bán mua đàng hoàng, thanh sạch. Sáng sáng, sau khi lo cho mẹ cho em, dọn dẹp quét tước xong, cô lót dạ bằng bát cơm rang với xì dầu, khi có thì đập thêm vào quả trứng khi không thì thôi; rồi với chiếc xe đạp mà cô đã đi học suốt từ cấp hai đến cấp ba, cô đạp đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố.

- Ai nhôm nhựa ve chai bao bì bán hông... ông... ông...! Ai nhôm nhựa bao bì...

Thường thường đã có giá; mỗi cân giấy loại, báo cũ lời được một trăm, cạc tông bao bì, giấy dày giấy in ảnh hai trăm, đồ nhựa ba bốn trăm, sắt vụn năm sáu trăm... Đôi khi gặp nhà giàu có, họ quăng ra sân đủ các thứ bát nháo linh tinh, họ cho không, mình dọn đi cho sạch sẽ là họ mừng. Lại có lúc gặp nơi xây nhà mới, thôi thì bao bì xi măng, sắt thép đầu thừa đuôi thẹo tha hồ, cái người ta bán rẻ cái cho. Những lúc ấy có khi ngày lời cả trăm ngàn “lương bằng thạc sĩ tiến sĩ” - dân chai bao có chị đùa như vậy. Thế là sáng hôm sau trước khi ra đường phố cất giọng rao “Ai dép nhựa bao bì...!” dám ăn lót bụng một bát bánh canh năm ngàn có cả một cục thịt băm gọi là thịt cua vằm với hai quả trứng cút!

Trước đó, Như nhập hàng ở nơi khác, tận dưới chợ An Cựu xa xôi. Từ ngày dời đến ở khu chung cư phường này, cô phát hiện ra cơ sở thu gom Huyền Bôn cách nhà cô chỉ vài ba trăm mét. Thế là đi dông đi dài “Ai nhôm nhựa sắt vụn bao bì... bán hôô... ôô... ôô..! suốt ngày; trên đường về nhà chiều tối là bán gọn, tiện lợi vô cùng. Cô chợt nhớ tới hôm đi ngang qua đây nghe được mấy lời kháo chuyện của mấy bác xích lô ba gác. Cô vụt mỉm cười, hai má hồng lên, tay che mặt xấu hổ. Mấy bác mấy chú ấy phẩm bình về bà chủ mới của cô, tục thì tục thật nhưng qua dăm bảy phút vừa rồi, cô có dịp nhìn kỹ bà, khuôn mặt, rồi đôi mắt đôi môi của bà... cô công nhận là họ chẳng sai. Bà ta quả có một cái gì đó lồ lộ như muốn phơi bày điều mà bà khao khát không thể đáp ứng đầy đủ, thỏa mãn; như mời mọc, khêu gợi mọi người đàn ông, bất kể họ là ai, già hay trẻ... Thôi, cho qua chuyện này, kệ bà ta, nghĩ đến làm chi cho mệt! Rồi bỗng như nhớ lại ngày đầu tiên cô bước vào nghề. Đi qua các phố, các phường xa lạ, cô cứ đạp thong thả, nhìn ngó nhà cửa hai bên đường, chưa dám cất tiếng rao, mặc dù cô đã nhẩm thuộc lòng trong bụng. Ngày đó, cô đi xe không về cũng xe không, và tất nhiên không được đồng xu nào. Vượt qua cái khó ban đầu chẳng phải dễ. Song cô lại nghĩ, đây đâu phải là việc khó khăn gì, chẳng qua do mình ngượng ngập không dám thôi; mình mua bán chứ có phải ăn trộm ăn cắp gì của ai mà sợ! Cô nhìn quanh. Đằng kia cũng có vài ba chị vài ba cô đang đạp xe đèo bao bì, giấy lộn, ghế nhựa hỏng, hộp đựng mì ăn liền... đó thôi; người ta đàng hoàng như thế, tiếng rao lanh lảnh như thế, có làm sao đâu! Họ đang ở xa cô và chẳng biết cô là ai, mọi người khác cũng vậy thôi! Cô hít một hơi dài, rồi coi như đang tập thể dục, nghỉ ra chơi hò reo ở lớp học hồi nào, cô vuột cái câu nằm lòng khi quyết định đi làm để giúp đỡ mẹ:

- Ai nhôm nhựa chai bao bán khôông... ôông... ôông? Giọng cô cao hơn hẳn thường ngày một bậc, nghe như hát mà lại không phải là hát làm cô cũng ngạc nhiên thay cho chính mình. Ủa, thì ra nó cũng bình thường như bao tiếng rao của những người khác. Nếu không rao, ai biết đấy là đâu, ai biết cô là người chai bao để gọi cô vào mà bán?

Có tiếng trả lời ồm ồm phát ra ở nhà bên trái:

- Vào đây! Vào đây!

Cô mỉm một nụ cười không cho ai cả mà cho bản thân mình, vòng xe vào cổng sau khi tiếng kít kít hơi nặng mở ra của hai cánh cửa cao to bằng sắt vừa dứt. Tự dưng, cô thấy tự tin hoàn toàn. Như cách đây năm ngoái một ngày cô ngồi vào bàn thi tốt nghiệp kế toán bậc trung cấp. Đầu óc cô lại như một cuộn phim lướt qua bao nhiêu là sự việc, dồn dập có, chậm rãi có, đặc biệt có, thông thường cũng có. Mẹ cô nói: “Cái số mình nó vậy, chẳng bao giờ gặp may! Phải chấp nhận thôi! Có ai mà cưỡng lại được số phận?” Cha cô và người anh trai đầu đã chết trong cùng một năm, với những lý do hết sức lạ lùng như không thể nào hiểu được. Một hôm ông đi làm về, khỏe mạnh và tươi vui như một chàng thanh niên. Ông kể: gặp được ông bạn cố tri từ cái hồi đi bộ đội cụ Hồ sau Mậu Thân. Hai thằng kéo nhau vào quán thịt chó, gọi một bát rựa mận và hai chai Huda. Chỉ có thế mà hôm sau, ông kêu đau đâu bên trong tì vị, không đi làm được. Chở ông lên bệnh viện trong tình trạng gần tuần ông bỏ ăn, đổ cái gì vào mồm ông cũng ụa ra, kể cả nước đun sôi để nguội. Người ta khám đi khám lại nhiều lần, chụp cả phim cắt lớp bên trong người ông. Cuối cùng, họ kêt luận là ung thư gan giai đoạn cuối; tùy gia đình muốn để ông lại viện thì để, muốn đưa về nhà thì đưa; ông không thể nào qua khỏi được! Về nhà được năm ngày thì ông vĩnh viễn ra đi. Vậy là ông, từ bé đến giờ chỉ ốm một lần rồi mất! Người anh trai đầu của cô vốn bị tàng tàng xưa nay, nhưng chỉ tàng tàng trong nhà; anh chẳng đi đâu cả, chẳng có bệnh hoạn gì cả kể cả đau đầu sổ mũi. Một hôm anh ốm, tưởng là cúm sơ sơ, uống vài viên thuốc sẽ khỏi. Vậy mà, cũng như cha, chở anh lên bệnh viện ngày trước truyền đạm, ngày sau anh đã xỉu dần, xỉu dần rồi đi luôn.

Đó là những ngày sau khi cô vừa đậu trung cấp kế toán. Ở cái thành phố này, người ta bảo trình độ trung cấp chỉ như lao động tạp vụ, chẳng ăn thua gì, chẳng cơ quan nào, công ty nào chấp nhận đơn xin việc của cô cả. Chạy đến mòn gót chân một năm, đợi dài ruột dài lòng thêm một năm nữa, hồ sơ xin việc nếu lưu trữ lại được dễ đã gần đầy một rương gỗ. Bà con lối xóm biết tình cảnh của cô, họ nói: “Mình vác cái đơn xin việc với hai bàn tay trắng thì có đến mồng thất! Phải có phong bì phong bao càng dày, càng nhanh, càng tốt”. Ôi chao ôi, việc đó đối với gia đình cô thì xin vái! Kiếm đủ cơm đút vào ba miệng ăn đã hết hơi rồi, có đâu mà phong bì phong biếc! Ở khu chung cư mới của cô, có cụ ông Bạch vốn là cựu chiến binh thời chống Pháp, làm đến chức trưởng ty giáo dục những năm 70 trước, nay đã hơn 90 tuổi vẫn khoẻ tinh tường. Cụ nói: “Thời buổi giờ là thời buổi “nhất tiền nhị thế, tam quyền tứ nghệ” để vận vào chuyện đi xin việc làm của hàng con cháu cụ giờ đây. Đồng tiền đi trước hết, chẳng “oong-đơ” chi cả; thứ mới đến thế, quan trên áp đặt quan dưới, quan dưới áp đặt quan dưới nữa, cứ thế mà làm; quyền hành trong việc này xếp thứ ba, nghĩa là có chức mới vực được bà con nội ngoại, họ hàng quen biết, bạn bè... Chót bẹt mới tính đến nghề nghiệp chuyên môn, dù là cử nhân, tiến sĩ đi nữa cũng vậy!”.

Không thể đi tỉnh khác, thành phố khác xa xôi, không thể bỏ mẹ và em trai út đang học lớp mười ở nhà một mình, càng không thể ăn bám mẹ với đồng lương hưu ít ỏi, cô tặc lưỡi: “Mình chẳng có phong bao thì chai bao vậy!” Cô bỗng phì cười với ý nghĩ đến bất chợt như một tia chớp loé. Hồi còn đi học, bạn bè ở lớp thường đặt tên cho cô là “Mệ Hài” để nói về năng khiếu hay hài hước chơi chữ của cô. Cô thưa với mẹ. Mẹ thở dài một cái, chẳng lắc đầu cũng chẳng gật. Thế là cô “vào nghề” từ đó.

Bạn trai của cô, người cùng quê, anh đã tốt nghiệp đại học kiến trúc, đang công tác cho một công ty ở Đà Nẵng, là người mà cô ngại ngùng nhất khi rụt rè báo cho anh biết tin này bằng chiếc điện thoại di động VT 3162 mà anh đã mua bốn trăm rưỡi ngàn mới tặng cô. Không ngờ, anh nhắn lại: “Đó là một việc làm lương thiện. Nhất trí. Hoan hô quan điểm “mệ hài” của anh!” Tưởng là anh phản đối hay ít nhất là không bằng lòng, chẳng vui vẻ gì, hóa ra... Cô thở hắt dài một cái như mẹ. Khác với mẹ là cô mỉm cười sau tiếng thở dài đó. “Của anh à?” Sao vội thế? Cô tự trả lời trong bụng: “Ừa.. à... còn vội chi nữa mà vội, mình năm nay đã hăm sáu rồi! Ối anh ơi...” Cô thầm cám ơn người yêu đã hiểu thấu hoàn cảnh của cô, lòng cô. Bất giác, cô rao nho nhỏ: “Ai nhôm nhựa bao bì bán hôông...”

*
Chiều.

Như lấy làm lạ khi đạp chiếc xe kềnh càng tổ bố về đến bãi nhập chỉ thấy mỗi anh chồng mà không thấy bà vợ có cái bản mặt lồ lộ sự dâm bôn nơi môi mắt. Chỉ thấy một dãy cân đĩa cái nhỏ cái lớn quen thuộc. Anh chủ đang bận thu xếp hàng hóa đằng sau một đống bao chai lớn ló đầu ra, nói:

- Cô cứ tự cân các thứ đi. Có cuốn sổ và bút bi đặt trên ghế đó. Cô ghi vào hộ tôi. Chốc tôi ra sẽ trả tiền.

- Cô Bồn hôm nay đi đâu hả anh?

- Đi ăn cưới con một bà bạn của cô ấy. Suất bốn rưỡi chiều mà!

- À vậy. Nhưng anh ra cân cho em chứ? Chủ nhập lại tin người nhập sao? Thôi anh cứ làm cho xong đó em chờ.

- Được rồi! Ai chứ cô thì tôi tin, cứ cân đi, tính tiền. Tôi bận tíu đây mà… Họ vừa làm phần của họ vừa đối thoại.

- Vì sao anh tin em?

- Vì… tôi có tài xem tướng số!

- Tướng số?

- Đúng. Nhìn qua, tôi biết cô là người trung thực, rất xa lạ với sự giả dối, huống hồ là gian dối, cân một mà hô lên một rưỡi hoặc hai!

- Mới nhìn qua đã biết. Anh tài giỏi vậy à?

- Vâng. Chẳng dám nói mình tài giỏi nhưng tôi biết cô như vậy. Tôi còn biết cô chẳng phải là dân chuyên nghề chai bao như các chị em bạn hàng ở đây. Cô là sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm hoặc tương tự như vậy. Đúng không?

- Ủa, anh căn cứ vào đâu?

- Vào cái chuỗi hạt bằng than đá đen tuyền cô đeo trên cổ và cái “mô bai” trong túi áo cô!

- Anh dòm cả vào túi áo của em à? - cô gái hơi giật mình, bất giác thò tay vào túi áo, sờ lên sau cổ, rồi nhìn xuống nhìn lên trên thân thể mình.

- Tôi đâu phải loại người tò mò thô lỗ hoặc thiếu tế nhị đến mức như thế! Tự cô nói lên đấy chứ!

- Em nói hồi nào? Anh đừng có… điêu!

- Cô xem kìa. Các đường hằn lên trong túi áo vải mỏng của cô hình chữ nhật bằng hai chiếc bao diêm xếp tiếp nhau đấy thôi. Không chiếc điện thoại di động thì là cái gì? Còn chuỗi hạt, các cô sinh viên con nhà giàu có không bao giờ đeo loại than đá rất rẻ nhưng đẹp tuyệt, được gọt giũa bằng tay này. Các cô ấy chỉ thấy đẹp sang ở loại ngọc trai dổm hoặc hạt nhựa giả đá quí dổm thôi!

Cô gái dùng bàn tay phải vợt cái túi áo của mình lên xem, cười:

- Em xin lỗi đã nói anh điêu! Giờ anh em mình làm quen với nhau nghe. Em là Như. Còn anh?

- Tôi là Bảo. Nếu cả họ đầy đủ thì Phan Trần Bảo.

- Anh Bảo xem hộ em cái này là cái gì. Em đoán chắc là một cái máy gì đó, chẳng biết có phải không?

Nói rồi Như lôi từ trong túi xách đeo vai ra một vật vuông vắn hình chữ nhật dày khoảng nửa gang tay to bằng hộp bánh qui, vỏ ngoài của nó bằng sắt sơn đen đã méo mó sứt sẹo, các chữ ghi trên đó đều đã mòn sờn chữ còn chữ mất.

Bảo cầm lên xem. Khá nặng, dễ gần 2 ký. Anh chà chà ngón tay lên các chữ, lật xuôi lật ngược cái vật bốn góc vuông vắn, săm soi ngang dọc, ấn ấn vặn vặn các nút một hồi xong cũng nói một hồi:

- Đây là cái máy biến thế điện loại bỏ túi của Mỹ. Đã lâu lắm rồi giờ - chẳng ai thấy đâu, dùng đâu nữa. Nhưng nó rất tốt, nếu như chưa bị cháy bị hỏng. Nhà cô có vật dụng gì dùng điện 110 hay dưới nữa không, hả. Có à. Có chiếc quạt cũ à. Thế thì hay. Cô cứ mang về dùng thử, xem nó có chạy không. này nhé! Hai cái nút, nút bên phải là điện 220 nút trái là điện 110, cứ thế mà ấn vào. Còn cái núm dưới này là dưới 110, cứ vặn theo ngược chiều kim đồng hồ một nấc giảm đi 10 vôn, 2 nấc giảm đi 20 vôn, vân vân, cho đến nấc cuối cùng.

- Thế ư, tốt quá. Để em đem về thử. Dùng được không nói làm chi, không được mai em mang đến cân sắt vụn cho anh, nhé!

- Ừ. Cô nhặt được cái này ở đâu? Hay là mua?

- Không phải mua, anh ạ. Có cái nhà ông nớ trong đại nội, nghe đâu làm to lắm. Họ dọn nhà dọn cửa làm chi đó, quăng vào đống rác trong các túi xác rắn một đống, để trước cổng. Em đi ngang, họ kêu tới, nói cho, bảo em dọn hết đi cho họ. Em làm ngay!

- À à, các đại gia thường có mới nới cũ ấy mà. Thế là nó còn tốt, dùng được đấy. Loại này nó bền lắm tuy đã méo mó, sứt mẻ lung tung bên ngoài.

- Dạ dạ. Thôi chào anh em về kẻo mẹ em mong.

Người con gái quay đi với chiếc xe đạp bây giờ đã nhẹ thênh, tấm lưng thon thả với mái tóc dài ngoe nguẩy cái đuôi đằng sau. Bảo không khỏi không nhìn theo, nghĩ bụng: Rõ là một cô nữ sinh đi học về! Còn cô gái vừa đi vừa băn khoăn. Chao, anh ấy có vẻ rành cả máy móc đồ điện. Hình như trước đây, anh ấy cũng có học hành tử tế. Chưa biết chừng là cử nhân, kỹ sư … thất nghiệp cũng nên…

*
Bà chủ cơ sở thu gom bao chai đi ăn cưới về vừa lúc đèn đường bật lên sáng rực. Dưới ánh sáng, đôi má của Bồn càng thêm phinh phính, hồng hào như của gái một con, giá như những nếp nhăn hai bên đuôi mắt lặn đi mất tăm. Bù vào đó là đôi môi vừa được bồi dưỡng chất béo và những ly bia trong tiệc cưới mỡ màng hẳn, bầu bậu thêm, nét son không mấy đắt tiền được tô vào khá đậm trên đó trước lúc đi dự tiệc vẫn còn khá y nguyên, mặc dù Bồn đã dùng nó bập vào ly cụng lên cụng xuống không dưới mười lần trăm phần trăm cùng các vị khách mời khác giới trong buổi tiệc. Bởi vậy, nom chúng càng hấp dẫn, càng mời gọi. Trước lúc về nhà, Bồn phóng xe máy qua chỗ làm, liếc qua liếc lại, vừa lúc người chồng trẻ đã ngồi lên yên của mình, rồ máy.

- Về rồi à? Tiệc cưới có đông không?

- Đông lắm. Có đến năm chục bàn, hơn, hơn…! Đại to! Gớm, cái mụ bạn em, tủm tà tủm tỉm vậy mà quen biết nhiều vị quan chức, đại gia trong thành phố ghê! À, hôm nay có chuyện chi không anh?

- Chuyện chi là chuyện chi? Sao lại hỏi như rứa? Bao chai thì ngày nào, buổi nào mà chẳng chai bao!

- Sao với trăng gì. Đây biết cả rồi nghe. Tai mắt xung quanh cả phường này là của đây cả đó - Bồn cười hiêng hiếc nhìn chồng, chừng như bảo: Thôi chuyện này nói sau, cũng có thể xí xóa, giờ ta hãy nghĩ đến chuyện của hai chúng mình - Thôi về đi anh, về còn ăn uống, dọn dẹp đôi chút nhà cửa rồi đi ngủ sớm. Cả ngày hôm nay anh và em đều mệt lắm rồi! Chao ơi, được mời đi dự tiệc ăn uống mà cũng bã cả người!

- Chưa về! - người chồng tắt máy xe - chuyện chi đã biết, nói mau nghe coi!

- Thôi mà cưng! Vợ chồng mình về đi! Về…

- Không thôi! Chuyện chi hai năm rõ mười, có nói mới về; có nói rõ việc ni mới làm được việc khác!

Người vợ dường như “huyết áp hạ xuống” một phút. Lại cười cười, mấp máy, liếc liêng:

- Ờ thì em nói. Nhưng em chả tin đâu anh nghe, họ xầm xì kệ cha họ. Cái con bé chai bao gì mới đến nhập hàng cho mình tuần trước ý mà. Họ bảo nó thân thiết với anh lắm, phải không?

- Xì, tưởng chi! Nó còn đó, mai lại tới nhập hàng, ba mặt một lời, bà cứ để mà coi! Bộ bà tưởng nó thèm bập vào tôi à? Hoặc là tôi trổ hết tài nghệ để cuốn lôi nó ư? Người ta đàng hoàng tử tế chứ có phải tầm bậy tầm bạ như bà ấy à?

Huyết áp chị vợ lại tăng lên như cũ, có phần hơn chút. Vì hối hả cuống cuồng sợ anh chồng mất hứng. Vì cái hồi xuân có phần cao độ, hơn người của ả.

- Thôi thôi mà anh! Em nói rồi mà!
Anh là của em mà!...

Hai chiếc xe máy song song về; họ im lặng không nói thêm gì nữa. Mỗi người đuổi theo một ý nghĩ. Chị vợ thì như tất cả để chuẩn bị cho sự sung sướng, ta sẽ bày ra mẹo mới, mới toanh. Chị ta phóng như điên lên trước. Anh chồng đi sau vài mét, ngao ngán lắc lắc nhẹ mái đầu. Chẳng biết đêm nào ngày nào bà xã ta mới bớt được cái thói hư ăn, hàm hồ như mèo động đực đây?...

Trăng ở phố nhạt hoét như nước ốc quên bỏ muối vắt chanh.

Huế- Đại Lải 3-2010
H.N
(257/7-10)





Các bài mới
Nội ơi! (20/08/2010)
Các bài đã đăng