Tạp chí Sông Hương - Số 257 (tháng 7)
Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt
15:08 | 30/07/2010
ĐỖ QUYÊNVài năm nay, người Việt ở khắp nơi, trong và cả ngoài văn giới, tranh luận rất nhiều về trào lưu Hậu hiện đại (Postmodernism) như một nan đề. Dù đồng ý hay không đồng ý với nó, ai cũng mong muốn cần đổi mới trong xu hướng văn chương của Việt Nam và mang tinh thần thế giới.
Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt
Nhà thơ Đỗ Quyên - Ảnh: nguyentrongtao.org

Theo dòng chảy của tri thức và sinh hoạt văn hóa, các trường phái văn nghệ sinh ra là để... chết. Chết khi hết vai trò. Và lưu lại trên sân sáng tạo của ngôi nhà nhân loại một viên gạch của riêng mình.

Nói về trường-phái-nhóm thơ theo cùng thi pháp, phong cách, hơn một thế kỷ qua ở Tây phương, nhất là Pháp, Mỹ đã từng rực rỡ biết bao mặt-trời-thơ nhỏ to khác nhau. Với thơ Việt, từ sau thời Thơ Mới tới thời hiện đại rồi Hậu hiện đại, cũng đôi lúc lấp lánh các vì sao lạ, dự phần tỏa sáng bầu trời thơ ca nước nhà.

Trước 1975: Hai “khuôn viên văn nghệ” là nhóm thơ Bình Định 1936-45 (đưa tới trường thơ Loạn) và nhóm Sáng Tạo 1956-65 đều không là các tập hợp văn học về thi pháp có tính cách mạng mỹ học như hai nhóm Xuân Thu Nhã Tập 1939-42 (cả lý thuyết và thực hành), và nhóm Dạ Đài (với tuyên ngôn Tượng trưng 1946, được hội thảo quốc tế 2006 của Viện Văn học Việt Nam (1) xem xét - có lẽ lần đầu? - như một thi phái Việt chưa kịp thực hành.)

Sau 1975: Nhóm thơ Tân hình thức Việt (2) với lý thuyết và thực hành gây tiếng vang đáng kể trong thi giới, từ ngoài nước tới trong nước, kể từ năm 2000 đến nay. Mới nhất là tuyển tập song ngữ Thơ Kể - Poetry Narrates (NXB Lao Động, 5-2010) với 22 tác giả Việt toàn cầu. Đây là tuyển tập thứ hai, và là đầu tiên in ở trong nước, của thơ Tân hình thức Việt. Nhóm thơ Mở Miệng ra đời 2001, tạo “tăm tiếng cùng tai tiếng” trên báo chí, trang mạng văn nghệ các năm 2003-06 và cả tới nay, nhưng chủ yếu là ở các vấn đề “ngoài thơ”.

Đã mươi năm rồi, một cao trào - với đúng nghĩa của nó – mang tên
Hậu hiện đại, được thực hiện ở văn học Việt, nhất là thơ và tiểu thuyết, trong lẫn ngoài hình chữ S, có tới hàng chục người viết cứng cỏi. Ngay trong dòng chính cũng ngày một tăng, với Nguyễn Bình Phương và Mai Văn Phấn, với Inrasara và Thuận, với Nguyễn Quang Thiều và Lê Anh Hoài, v.v... Đó là chưa tính các tay bút vang danh từ thời Đổi mới có các dấu hiệu Hậu hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài...

Về sách xuất bản, dù chưa nhiều để giới sáng tác tham chiếu, cũng đã có một số khảo cứu, giới thiệu vấn đề Hậu hiện đại của các nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc,
Trần Quang Thái, Hoàng Ngọc-Tuấn, Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân... và sách dịch của các dịch giả Ngân Xuyên, Nguyễn Ước, Trần Tiễn Cao Đăng...

Lãnh vực phê bình văn học và phê bình truyền thông cũng đạt mức trào lưu với đóng góp hữu hiệu của rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình như Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên... Có lẽ chỉ còn yếu về phê bình hàn lâm, nghiên cứu bài bản, giảng dạy khoa bảng?

Nhưng, tư duy Hậu hiện đại Việt vẫn còn như một thách đố, chưa được nhiều người sáng tác, phê bình và nhất là độc giả nhìn nhận là cơ sở của một dòng văn-học-thật. Mà bị coi như thứ dị ứng xã hội bằng chữ nghĩa, như lối quậy phá văn chương truyền thống, mẫu mực và hiện đại, hay như một thứ giả-văn-học. Qua một số bài vở đáng chú ý gần đây (Những bài giới thiệu các nhà thơ Hậu hiện đại Việt của nhà thơ-nhà bình luận Inrasara(3); Phỏng vấn trên báo mạng Tổ Quốc và trên Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn VN) của nhà nghiên cứu Trần Thiện Khanh; Mới nhất là thảo luận bàn tròn trên mạng của nhà thơ Phan Nhiên Hạo(4), chúng tôi thấy cái khó ló ra từ văn hóa tiếp nhận, từ cách đọc của người Việt, chứ chưa hẳn do văn phong hay nội dung của văn chương Hậu hiện đại Việt.

Chẳng hạn... Câu hỏi dễ nảy ra: trong 18 thi sĩ của danh-sách-Inrasara ở cuốn “Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại”, những ai Hiện đại, những ai Hậu hiện đại, những ai từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, và đoán trước những ai Hậu hậu hiện đại?

Rồi đến việc mỗi tác phẩm, ngay cả của một tác giả, thường có một bút pháp riêng. Ai cũng kêu trời đất rằng, Hậu hiện đại quá nhiều sách vở lý thuyết, cuốn nọ cãi cuốn kia. Nó đa thanh tới mức không thể đồng thanh trong một lý thuyết văn hóa chỉnh tề.

Còn ý thức Hậu hiện đại? Lưng lạc đà chất gì lên cũng được! Không là trường phái, Hậu hiện đại không có phương pháp luận ổn định và nghiệm đúng cho mọi tác giả, cho mọi tác phẩm của một tác giả. Không chừng đó là “Phản Hậu hiện đại”? Mà Phản Hậu hiện đại lại chính là Hậu hiện đại! Trong tất cả các khuynh hướng của văn thơ, chắc chỉ Hậu hiện đại chấp nhận sự phản? 

Lại còn một loại phản biện khác, rất là... Hậu hiện đại: “Không cần cổ xúy nữa! Trò chơi Hậu hiện đại đâu còn mới mẻ với các tác giả Việt Nam. Ngay ở chính quốc của thơ Hậu hiện đại là Mỹ, nó đã đi xuống vài chục năm rồi!” Đó là logic rất thường trực trong mọi tranh luận, ở các nơi sự kiện xảy ra sau và các chốn chậm phát triển. Một logic không công bằng! Thuận lý mà bất tình. Là nơi có sở đoản về học thuyết, đương nhiên châu Á và Việt Nam sẽ mãi đi sau phương Tây trong các trào lưu, nhóm phái. (Nếu không muốn nói theo lối cũ: chủ thuyết của phương Đông là không chủ thuyết!) Nhưng không vì thế khi thấy họ bỏ, mình cũng bỏ theo, dù chưa dùng hết cho hợp với xã hội mình, con người mình. Hậu hiện đại Mỹ đi vào thoái trào, xét cho cùng, là việc của người Mỹ. Dân Việt nếu như bỗng “xông lên” cao trào Hậu hiện đại Việt, lại là câu chuyện khác!

Qua biết bao bàn thảo, với chúng tôi, điều “chốt” lại là lập luận như sau của nhà nghiên cứu người Nga Konstantin Kornev(5): “Chủ nghĩa Hậu hiện đại đem lại cho con người phương Đông cơ hội chiến thắng văn hóa Tây phương trong chính mình, chiến thắng tính duy lý Tây phương đã bóp méo ý thức hắn, nhờ chính thuốc trị Tây phương. (...)
Như vậy, Hậu hiện đại có hai bộ mặt – Đông và Tây. Cái ở phương Tây là sự tự hủy, thì ở phương Đông lại là sự giải phóng và sự trở về mình.”

Thiết nghĩ, xã hội Việt và văn học Việt có thể còn dai dẳng với các điều kiện Hậu hiện đại 10-20 năm nữa.

Thi ca là triết học cất cánh, bay vào hoặc bay ra trái tim người.

Chúng ta cần có một chương trình nghiên cứu hệ thống và thực dụng về các hướng đi mới-khác-lạ của thơ ca Việt Nam mà trước đây nó chưa đi hết, đến nay nó chưa đi tới...

Văn hóa nào cũng có thơ ca làm tinh hoa. Từ lâu chúng ta thường an phận rằng, văn hóa Việt không có luận thuyết theo quan niệm phương Tây. Trong bốn nhóm, trường thơ Việt Nam xứng danh mà chúng tôi thử đề xuất – đó là: nhóm thơ Bình Định/trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đàinhóm Tân hình thức Việt, thiển nghĩ, nhóm Xuân Thu Nhã Tập(6) đến nay duy nhất có lý thuyết thơ hài-hòa-Đông-Tây và thực hành đủ thuyết phục về chất-thơ; thế nhưng trên thực tế vẫn bị xem là không thành quả. Trái thơ Xuân Thu Nhã Tập hậu thế khó ăn nổi, chỉ nên ngắm và tôn thờ.

Chỉ trong mười năm qua, cũng đã có thêm một số khởi xướng, tìm hiểu và thử nghiệm về cách-làm-thơ-Việt, của những tác giả độc lập chưa được, hay chưa thể, trở thành “trường phái” hoặc trở nên có lý luận. Với sự theo dõi hạn hẹp, chúng tôi muốn dẫn ra các điển hình như Lý thuyết Cấu của nhà thơ-nhà lý luận Khải Minh(7), các thủ pháp, kỹ thuật mới như Thơ phụ âm của nhà thơ Đặng Thân(8), Thơ thực hiện của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt(9), và của đôi ba thi sĩ khác nữa mà hầu hết đều chuyên chở các yếu tố Hậu hiện đại.



Cuối cùng, xin mạnh dạn đề nghị “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài”lưu tâm một đề tài xứng đáng làm vùng sáng trong thơ Việt, cần được thể hiện trên văn đàn quốc tế. Đó là trào lưu trường ca Việt Nam!(10)

Quan niệm rằng, thể loại như một thi pháp, cảm hứng chủ đạo như một phương pháp, chúng tôi chia sẻ cùng nhận định của nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn(11), “về thể loại, sự bùng nổ của trường ca có lẽ là hiện tượng đáng kể nhất của thơ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến giờ”.

Với thống kê sơ bộ còn nhiều thiếu sót, danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam của chúng tôi cho thấy, kể từ thời Thơ Mới tới nay, có 122 nhà thơ Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài có ý nghĩa tương đương. Trong danh sách này, một cách tương đối, có thể xem Phạm Huy Thông là trường ca gia Việt Nam đầu tiên với tác phẩm nổi tiếng “Tiếng Địch Sông Ô” ra đời năm 1935, và mới nhất là Trương Thìn với “Mấy Cõi Rong Vui” vừa ra mắt ở TP HCM vào giữa tháng 5/2010. (Mời coi phần Phụ Lục).

Đội ngũ các nhà trường ca Việt đó từng có cả một “trung đội” lừng danh từ những năm tháng khói lửa chiến tranh 1962-75 và sau đó vài năm là Thu Bồn và Thanh Thảo, là Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh, là Anh Ngọc và
Nguyễn Đức Mậu... được nối tiếp tới thời hậu chiến là những Trần Mạnh Hảo và Thi Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo và Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái và Nguyễn Quang Thiều... Còn Trần Dần và Lê Đạt - hai tác giả quan trọng khác của trường ca Việt - thì đã đưa thể loại văn học ngoại cỡ này tới tầm kích lạ lẫm về ngôn từ và sâu sắc về nhân sinh. Ở ngoài nước, ít ỏi không thành phong trào, nhưng cũng có các tác giả với những đóng góp thay đổi cần thiết về cả hình thức, cấu tứ lẫn nội dung, cảm hứng của trường ca Việt; đó là Du Tử Lê và Cao Đông Khánh, là Trần Nghi Hoàng và Đỗ Quyên.

Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam – nếu có thể gọi như vậy – đặc sắc và Việt tính! Đó không là một tập hợp có chủ định, có đường hướng của nhóm các thi sĩ chung phương pháp, quan niệm theo một nhóm phái thông thường. Đó là phản ứng dây chuyền sáng tạo“đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” có ý thức của từng nghệ sĩ hòa cùng cảm xúc tráng ca của đất nước và sử thi của dân tộc trong một thời đại bi hùng của nhân loại. Qua thập niên đầu thế kỷ 21, con sông trường ca Việt hiện đại ấy cũng trở mình theo tâm thức chung của văn học Việt Nam và thế giới, từ thể tài, cấu trúc đến giọng điệu, ngôn ngữ(12)
. Và, lẽ tự nhiên, đã có không ít biểu hiện của trường ca Việt mang gương mặt Hậu hiện đại.

Văn giới Việt đang tung mở. Thi hứng Việt đang bung nở. Thúc đẩy các khuynh hướng, trào lưu thơ Việt đương đại cũng là hiện đại hóa một dân tộc thi sĩ, một đất nước thơ ca.

Vì một dòng thi ca Việt Nam trên cơ sở của lý thuyết, của phương pháp!

Để cùng dựng lên Làng Thơ Việt trong Làng Văn hóa Toàn cầu...
*)

Canada & Việt Nam, 1/12/2009 – 7/7/2010
Đ.Q
(257/7-10)

--------
*) Tu chỉnh từ Tham luận cho “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài 4-10/1/2010, Hà Nội, Việt Nam; và bổ sung phần Phụ Lục so với bản đã đăng trên Tạp chí Sông Hương số 257, tháng 7/2010.


[1] Hồ Thế Hà: Quan niệm về thơ của nhóm Dạ đài (vienvanhoc.org.vn)
[2] Đặng Tiến: “Tân hình thức nhịp đập của thời đại” (thotanhinhthuc.org)
[3] Inrasara: Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại  (inrasara.com)
[4] Phan Nhiên Hạo: Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề (litviet.com)
[5] Konstantin Kornev (Ngân Xuyên dịch): Chủ nghĩa Hậu hiện đại phương Tây và phương Đông (chungta.com)
[6] Lê Thụy Tường Vi: Chủ nghĩa siêu thực và Xuân Thu Nhã Tập (khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)
[7] Khải Minh: Ngày nào thơ Việt Nam chưa có lý thuyết mới thì… (vanhocnghethuat.org)
[8] Đặng Thân: Thơ phụ âm (alliteration) [& tôi] (tienve.org)
[9] Nguyễn Tôn Hiệt: Tuyên ngôn về Thơ Thực hiện(tienve.org)
[10] Đỗ Quyên: “Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức trường ca Việt” (Bản thảo tiểu luận)
[11] Chu Văn Sơn: Thanh Thảo với trường ca (vietvan.vn)
[12] Diêu Thị Lan Phương: Yếu tố tự sự trong trường ca trữ tình hiện đại (vienvanhoc.org)


Phụ Lục:

313 Tác giả trường ca Việt Nam –
Danh sách phác thảo
(Trích bản thảo sách “Một cách tìm hiểu trường ca Việt Nam”)

Đây đang là phác thảo cho một công việc không dễ dàng - và có lẽ là lần đầu tiên - về “tác gia trường ca Việt Nam”.

Ngoài một số rất ít tác giả là thi hữu đã cung cấp trực tiếp tác phẩm, nguồn tham chiếu chính của chúng tôi là các trang mạng, vì không thể về Việt Nam thường xuyên để cập nhật sách báo đã xuất bản. Thành thật xin lỗi về các thiếu sót chắc sẽ có ở mọi mặt, như tiêu chí tuyển chọn, vấn đề văn bản và xuất bản, v.v… - nhất là với các tác giả hiện chưa có trong danh sách này!

Cũng bởi thế, chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp cũng như thông tin về tác phẩm, tác giả trường ca Việt Nam. Các ý tưởng, thảo luận và bài vở thích hợp – khi được người gửi cho phép - có thể tham gia làm nội dung của cuốn sách. Chân thành cám ơn những giúp đỡ vô giá của quý vị tác giả và bạn văn gần xa!

Thư từ, bài vở xin gửi về:
Đỗ Quyên, email: truongcaviet@yahoo.com


(Tên in nghiêng: Tác giả chỉ viết thơ dài có tính trường ca)

Thụy An
Trần Xuân An
Duyên Anh
Đặng Nguyệt Anh
Hoài Anh
Vương Anh
Nguyễn Đình Ảnh
Việt Ánh
Nguyễn Lương Ba
 
Nguyễn Bá
Ngọc Bái
Lê Ngọc Bảo
Phan Thị Bảo
Nguyễn Nguyên Bẩy
Nguyễn Thị Bích
Nguyễn Thị Thanh Bình

Nguyễn Trung Bình

Lê Bính
Nguyễn Bính
Nguyễn Đức Bính
Nguyễn Trọng Bính
Thu Bồn
Nhã Ca
Thái Can
Hoàng Cát 
Văn Cao
Đào Cảng
Hoàng Cầm
Huy Cận
Nguyễn Quốc Chánh
Trúc Chi
Nguyễn Việt Chiến
Phan Đức Chính
Vũ Thành Chung
Kim Chuông
Nguyễn Văn Chương
Vũ Hoàng Chương
Hoàng Trần Cương
Võ Bá Cường
Võ Tấn Cường
Trần Dần
Miên Di
Nguyễn Đình Di
Xuân Diệu
Nguyễn Văn Dinh  
Phạm Tiến Duật
Trương Thị Kim Dung
Lê Anh Dũng
Thế Dũng 
Trần Tiến Dũng
Khương Hữu Dụng
Nguyễn Duy
Lưu Trùng Dương
Trần Trung Đạo
Lê Đạt
Văn Đắc
Hà Thanh Đẩu
Khuất Đẩu 
Nguyễn Khoa Điềm
Trinh Đường
Nguyễn Hoàng Đức
Nguyễn Quí Đức
Kiên Giang

Lam Giang
Phan Trường Giang
Thái Giang
Đoàn Huy Giao
Hà Giao
Tế Hanh
Nguyễn Xuân Hanh
Thúc Hà
Nguyễn Hưng Hải
Phan Tấn Hải
Nguyễn Thị Lâm Hảo
Trần Mạnh Hảo
Phan Nhiên Hạo
Nguyễn Trung Hậu
Đặng Hiển
Trần Quang Hiển
Vũ Hiển           
Ngọc Hiền
Nguyễn Tôn Hiệt
Nguyễn Hiếu 
Ngọc Thiên Hoa
Đông Hoài
Trịnh Bửu Hoài
Nguyễn Chí Hoan
Lưu Quốc Hòa
Nguyên Hồ
Trần Ninh Hồ
Nguyên Hồng
Nguyễn Thị Hồng
Luân Hoán
Phan Hoàng 
Thi Hoàng
Trần Nghi Hoàng
Xuân Hoàng
Đặng Tiến Huy
Nguyễn Thành Huy  
Đinh Nho Huề
Cầm Hùng (Thái)
Đinh Hùng
Văn Công Hùng
Lưu Đình Hùng
Vũ Hùng
Vũ Trọng Hùng
Đặng Đình Hưng
Hoàng Hưng
Vũ Xuân Hương
Tố Hữu        
Trần Công Hữu
Inrasara
Đỗ Kh.
Dương Tam Kha
Đào Anh Kha
Ngô Kha
Nguyễn Thụy Kha
Phùng Văn Khai
Trần Tuấn Khải
Nguyễn Minh Khang
Cao Vị Khanh
Vũ Anh Khanh
Cao Đông Khánh
Tạ Kim Khánh
Nguyễn Minh Khiêm
Nguyễn Linh Khiếu
Trần Đăng Khoa
Trần Khoái
Dương Kiền
Huyền Kiêu
Trần Tuấn Kiệt
Đỗ Trung Lai
Nguyễn Thị Ngọc Lan 
Yến Lan
Huyền Lam
Nguyễn Viết Lãm
Mã Giang Lân
Mạnh Lê
Du Tử Lê
Văn Lê
Vĩnh Quang Lê
Tam Lệ
Nguyễn Gia Linh
Vi Thuỳ Linh
Viên Linh
Hữu Loan
Thái Thăng Long
Vân Long
Lê Xuân Lợi
Lưu Trọng Lư
Trần Lưu
Trần Vũ Mai
Thế Mạc
Nguyễn Đức Mậu
Lê Thị Mây
Dương Kiều Minh
Hồng Minh
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nguyễn Nhật Minh
Trần Quốc Minh  
Trần Hồng Minh
Trần Nhuận Minh
Vũ Đình Minh
Nguyễn Thanh Mừng
Giang Nam
Liên Nam
Ngô Quang Nam
Đặng Ngọc Nga
Phạm Ngà
Nh. Tay Ngàn
Anh Ngọc
Lữ Huy Nguyên
Ma Trường Nguyên
Vĩnh Nguyên
Uyên Nguyên
Đào Nguyễn
Dung Nham

Nguyễn Quang Nhật
Nguyễn Hữu Nhật
Tô Nhuần
Trần Nhương
Vũ Đình Ninh
Nguyễn Anh Nông
Đỗ Xuân Oanh
Điền Ngọc Phách
Chu Ngọc Phan
Nguyễn Nhược Pháp
Mai Văn Phấn 
Duy Phi
Ngô Văn Phú
Nguyễn Khắc Phục
Hoài Quang Phương
Lê Duy Phương
Nguyễn Bình Phương    
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Trúc Phương
Trung Phương
Thái Viễn Phương
Viễn Phương
Việt Phương
Y Phương
Lê Huy Quang (a)
Lê Huy Quang (b)
Phùng Quán
Thường Quán
Phan Quế  
Thanh Quế
Bùi Minh Quốc
Lê Anh Quốc
Lê Minh Quốc
Đỗ Quyên
Hoàng Quý
Nguyễn Hữu Quý
Phạm Thái Quỳnh
Xuân Quỳnh
Nguyên Sa
Trần Vàng Sao

Trần Hải Sâm
Huyền Sâm
Phạm Sỹ Sáu
Lê Ái Siêm
Lê Quang Sinh
Băng Sơn
Nguyễn Minh Sơn
Nguyễn Thái Sơn
Trịnh Sơn
Lê Vĩnh Tài 
Ngô Văn Tao
Nguyễn Văn Tao 
Nguyễn Trọng Tạo 
Vương Tâm
Kiệt Tấn
Lê Đại Thanh
Tô Ngọc Thạch
Trần Anh Thái
Hoàng Chiến Thắng
Mai Nam Thắng
Trần Thị Thắng
Đặng Thân
Thanh Thảo
Lê An Thế   
Nguyễn Đình Thi 
Quỳnh Thi
Xuân Thiêm
Ôn Quang Thiên
Nguyễn Xuân Thiệp
             
Nguyễn Quang Thiều
Trương Thìn
Hữu Thỉnh
Huy Thông
Huệ Thu
Dương Thuấn
Sương Biên Thùy
Đinh Thị Như Thúy
Nguyễn Quang Thuyên
Phạm Thiên Thư
Nguyễn Đăng Thường
Trần Mạnh Thường
Nguyễn Vũ Tiềm
Nguyễn Trọng Tín
Nguyễn Quang Tính
Từ Nguyên Tĩnh
Nguyễn Khánh Toàn
Nguyễn Thanh Toàn
Thành Tôn

Nguyễn Hoàng Tranh
Trần Huyền Trân
Nguyễn Hương Trâm
Nguyễn Trác
Hưởng Triều
Đông Trình
Hoàng Bình Trọng
Vương Trọng
Nguyễn Xuân Trường
Phạm Xuân Trường
Phạm Công Trứ
Võ Văn Trực
Đỗ Minh Tuấn
Hoàng Anh Tuấn
Hoàng Ngọc Tuấn
Lê Nghĩa Quang Tuấn

Nguyễn Như Tuấn
Thanh Tùng
Minh Tuyền
Thanh Tâm Tuyền
Trần Dạ Từ     

Lưu Xuân Tự
Dương Tường 
Phạm Nguyên Tường
Vũ Xuân Tửu
Kiều Văn
Nguyễn Trọng Văn
Lê Thị Thấm Vân
Chế Lan Viên  
Nguyễn Hữu Viện
Đỗ Vinh
Nguyễn Thế Vinh
Trần Thế Vinh
Tất Vinh
Ngân Vịnh
Lê Văn Vọng
Nguyễn Bùi Vợi
Anh Vũ
Lưu Quang Vũ
Phan Vũ

Tạ Vũ
Vũ Anh Vũ
Trần Hoàng Vy
Lê Anh Xuân
Lý Hoài Xuân
Tạ Hữu Yên
Ngu Yên
Tô Thùy Yên

[Trích bản thảo sách “Một cách tìm hiểu trường ca Việt Nam”]
Vancouver – cập nhật 25/11/2010


Các bài mới
Nội ơi! (20/08/2010)
Các bài đã đăng
Chai bao (30/07/2010)