Tạp chí Sông Hương - Số 257 (tháng 7)
Bóng cây phong lan
08:29 | 13/08/2010
NOBUKO TAKAGI(Tiếp theo Sông Hương số 256 tháng 6 - 2010)
Bóng cây phong lan
Nhà văn nữ Nhật Bản Nobuko Takagi - Ảnh: internet
Yukio không quên điều đã nói với vợ khi ra đi hồi sáng. “Anh không để em nghĩ rằng những người thân của em đã rời xa hết cả”, ông nói, với tay ôm lấy Michiko đang ở trên giường. Mỗi lần ôm thân thể chồng vào lòng, Michiko nghĩ đến những mũi khâu gắn hai mảnh vải lại với nhau. Hồi hai mươi tuổi, họ cứ khâu vào nhau như điên như dại, nhưng bây giờ, dù cho không khâu, hai mảnh vải dường như cũng đã đâu vào đấy. Michiko ngỡ rằng hai lớp vải sẽ có khi bị xé toạc ra, nhưng dù sao cũng đã có những đường khâu hữu hình bằng kim chỉ. Rồi thì cũng ổn cả thôi.

Độ dài và chặt của những mũi khâu đã thay đổi rất chậm kể từ khi Michiko và Yukio mới cưới. Những đường khâu ấy trở nên xô lệch nhiều hơn khi họ vào tuổi bốn mươi.

Sau khi xong, Michiko không muốn Yukio ngủ ngay, bà cứ nói chuyện. Nếu để mặc ông thì chỉ sau năm phút là đã nghe tiếng ngáy dòn dã.

“Này”, bà nắm lấy tay ông trong bóng tối. Bà sờ thấy móng tay ông. Móng tay không hẳn dài, nhưng không phải mới cắt. “Lâu nay anh vẫn cắt móng tay cẩn thận chứ?”

“Ưm... hưm”.

“Anh có giũa móng không?”

“Lâu lâu. Sao vậy?”

“Ồ, không sao cả. Em vừa chợt nghĩ ra, trong nhà mình không có giũa móng tay”. Lời bà nói chẳng hề hấn gì đến Yukio, ông đang chìm dần vào giấc ngủ, tay vẫn còn nắm tay vợ. Bà vội giật mạnh tay ông. “Hồi xưa, anh thường cắt móng tay thật ngắn, gần như sát vào thịt. Anh nhớ không?”

“Thật hả?... Thôi, ngủ đi em.”

“Mỗi lần hẹn nhau, em thật ngạc nhiên...”

“Móng tay anh làm em đau à? Anh xin lỗi”.

“Đâu có - Chỉ vì em chợt nhớ. Nếu bây giờ mà anh có nhân tình trẻ, em đánh cuộc là anh sẽ cắt móng tay hết sức cẩn thận trước khi hò hẹn”. Michiko trêu chồng.

“Cho anh ngủ, được chứ?”

Bóng tối dường như chuyển thành tím thẫm, giống như bà đã thấy khi nhắm mắt. Michiko tin chắc chồng đã ngủ sâu, bà buông bàn tay ông. Hình như chỉ chờ có thế, ông liền thu người lại và xoay người sang bên.

Trong đầu ông chắc chắn đang ngập tràn những giấc mơ mà bà vợ không bao giờ có thể tưởng tượng. Không ai có thể thoáng nhìn được giấc mơ của người kia, mà nếu làm được như vậy thì giữa họ sẽ chẳng còn gì để nói nữa. Có chăng chỉ loài chim di trú mới có những giấc mơ mà cả bầy có thể chia sẻ, chứ con người thì không. Chính vì thế mà người ta thường tự ràng buộc mình vào một người khác, nhưng ngay cả trong lúc đang khâu may vào nhau như thế cũng chẳng ai xuyên qua được nhau ngay trong cùng một giấc mơ...

Michiko nghĩ tới con. Qua những cuộc phối hợp như thế giữa hai vợ chồng, đứa con đã hình thành trong thân thể bà, mang dáng vóc con người, sinh ra trên đời, lớn lên. Ngay lúc này đây, chắc nó đang ở Tokyo, uống bia và xem video. Đột nhiên, bà tưởng chừng những điều ấy cũng chỉ là hư ảo. Cơ hồ nếu không ôm chặt lấy, ngay cả đứa con mình cũng sẽ biến mất...

“Vậy là, tôi và cô lại gặp nhau lần nữa”. Michiko bảo. Bà đã được còn hơn cả mong đợi. Bà mong gặp được Đăng Cô, mà bây giờ cô ta đang ở đây.

“Em không dám chắc chị có gọi em lần nữa không”. Đăng Cô bảo. “Cảm ơn chị nhé. Em chắc chị cần có em để tự thấy mình còn hạnh phúc”.

“Cô nghĩ vậy tôi thấy thật áy náy. Nhưng quả vậy”. Michiko trả lời. “Tôi không muốn thừa nhận điều đó, nhưng nghĩ đến một người bất hạnh là cách nhanh nhất để thấy mình hạnh phúc biết bao. Ai cũng ngại nói ra, tất nhiên. Chính tôi cũng muốn giả vờ cao cả hơn thế... Nhưng đó là sự thực. Cứ nhìn vào ti vi, nhìn những tờ tuần báo phụ nữ, thì thấy. Những chuyện ăn khách, nếu không phải cuộc sống thần tiên của các bà công chúa và diễn viên, thì toàn là chuyện bi thương của người đời. Tâm lý công chúng tạo ra những chuyện đó. Đó cũng là một loại mơ tưởng”.

“Vậy em là một con nhãi khốn khổ, tiêu biểu cho nỗi đau của người đời?”

Đúng vậy, Michiko nghĩ, nhưng bà ngậm miệng, nhìn xuống đôi bàn tay. Hai bàn tay có những đốt xương lồi lên, đó là phần xấu xí nhất trong cơ thể bà. Những ngón tay Đăng Cô thì mịn màng với làn da trắng mỏng, lộ cả những gân máu, như những đường vân trên chiếc lá. Máu hồng lan tỏa trong những đường vân ấy.

“Vậy chị đã thấy dễ chịu hơn?” Đăng Cô hỏi.

“Vâng, khá hơn nhiều lắm. Người ta thường gọi cái kiểu đau ốm như thế này là “bệnh than” nhưng tôi có ai để mà than thở đâu, cho nên...”

“Cứ than thở đi, than thở bao nhiêu bằng thích. Bây giờ em có nghe gì cũng chẳng động tâm nữa rồi. Mà thực ra, em còn phải cảm ơn chị về tình yêu của bác sĩ”.

“Cô vừa nói gì vậy?”

“Xem kìa, bệnh ghen vẫn hành hạ chị”.

“Thôi, làm ơn đừng nói những chuyện đáng ghét làm tôi nôn nao. Thời gian qua tôi đã thấy mình thật vô dụng, cứ như một chiếc xe hết xài bị vứt trên một đống rác cũ”.

“Căn phòng này nóng và ngột ngạt quá. Chắc chị cũng rộng lòng đưa em ra nơi nào đó ngoài kia”.

Căn phòng này nóng và ngột ngạt là từ khi cô đến, Michiko rất muốn nói thế.

“Bây giờ cô muốn đi đâu?”

“Đi về cái thời mà bác sĩ còn trẻ, khi ông ấy có đôi mắt chưa hằn vết chân chim, chưa có quả táo Adam nhọn hoắt, chưa có cái cằm xương xương...”

Quả táo Adam hẳn phải to lắm trong mắt một người nhìn lên từ trên giường bệnh. Nhiều lần sau khi tắm, Yukio soi mình trong gương và hỏi vợ, ông trông khác một người hai mươi tuổi ở chỗ nào, như thế nào. Có thể ông ấy cũng đã hỏi Đăng Cô như vậy. Người ta vẫn chẳng bảo những người hai mươi tuổi bây giờ trông cứ như trẻ con, nhưng họ có một sự khách quan tuyệt vời rất trưởng thành. Thuở ấy, có lần Michiko đã nói với Yukio về những vết chân chim, quả táo Adam, và cái cằm....

Bà gặp Yukio lần đầu ở Tokyo. Michiko đưa Đăng Cô đến công viên Shijuku Gyoen. Họ đi qua nơi mà ánh sáng mặt trời trong như pha lê, tuôn tràn qua một khóm cây mùa đông vàng úa.

“Khi bằng y tuổi cô bây giờ, tôi thường đến đây đi dạo với chồng tôi. Cả hai đứa lúc ấy còn là sinh viên, không một xu dính túi, vì vậy kiếm được một chỗ mà giá vé vào cửa vừa túi tiền của mình, để có nửa ngày vui vẻ, chúng tôi thích lắm. Vậy là chúng tôi lấy đó làm điểm hẹn... Yukio hát dở tệ, vì vậy anh ấy hiếm khi tới những quán cà phê có giao lưu ca nhạc hay những thứ đại loại như thế. Ôi, chuyện này nghe hơi kỳ, nhưng vào những hôm thứ bảy, chúng tôi qua đêm ở một khách sạn rồi sáng sớm ra công viên này, nằm bên nhau trên cỏ cho đến chập tối. Tất nhiên, đó là chuyện sau khi chúng tôi quen nhau lâu rồi mới có”.

“Sau khi anh chị đã có dự tính kết hôn, phải không?”

“Tôi không sao tưởng tượng được mình có thể đến với ai khác ngoài anh ấy nữa. Nhưng tôi cũng có một giấc mơ riêng, tôi thích thành một nữ biên dịch, cô ạ”.

“Một bác sĩ và một nhà biên dịch. Cao sang quá, thảo nào chị phải choáng ngợp vì giấc mơ ấy, phải không?”

“Tôi đã kết hôn và đi theo anh ấy, nên giấc mơ ấy vẫn chỉ là mơ thôi”.

“Chị ơi, em rất thích những truyện trinh thám nước ngoài. Trong bệnh viện, em toàn đọc chúng. Bác sĩ cũng rất thích truyện trinh thám”.

“Ô, chồng tôi đã từng có nói đến chuyện này thì phải?”

Đăng Cô bỗng nhiên im bặt. Rồi cô ta dường như quyết định tiết lộ. Anh mặt trời xuyên qua cành lá, nhảy nhót trên mái tóc màu hạt dẻ của Đăng Cô. Yukio đã miêu tả cô ta như một cô gái đẹp, nhưng với những sợi lông mi dài, với đôi mắt to, nét mặt cô có vẻ giống một con búp bê hơn là giống người. Những đường nét này có thể hiện ra trên mặt một người khi sống cũng như khi đã chết, Michiko thầm nghĩ.

“Bác sĩ thật tốt, cho em mượn tất cả những cuốn truyện trinh thám mà ông ấy đã đọc. Khi em đọc xong, em tin là ông ấy đem chúng về nhà. Em đã đọc tất cả những cuốn của Dick Francis mà bác sĩ có”. Đăng Cô hình như không nhận ra những lời mình nói làm Michiko thấy đau đến chừng nào. Nhất định không để lộ ra, Michiko cố giương cao lòng tự trọng, cằm bà hỉnh lên.

“Thảo nào những cuốn sách mà chồng tôi đem từ bệnh viện về lại có những trang quăn vểnh lên. Đôi khi có nhiều trang như đã bị ướt. Tôi nhớ mình đã nghĩ sao kỳ vậy”.

“Hồi trước, khi chị đi dạo nơi đây, em đánh cuộc là chị vẫn chưa từ bỏ giấc mơ trở thành nhà biên dịch”.

“Ô, không phải đâu. Tôi rất dứt khoát khi định đoạt cuộc đời mình, cũng như anh ấy vậy”.

“Nếu em là chị, em sẽ giành cho được giấc mơ ấy. Tất nhiên, với em bây giờ đã muộn”.

Đăng Cô dừng bước. Đầu cô rũ xuống phía trước như bông hoa ẻo lả. Đỡ lấy Đăng Cô, Michiko đặt cô ngồi trên một chiếc ghế dài phủ đầy những mảnh sơn đã bong ra, trắng và nát vụn. Ở một đầu ghế có chiếc hộp kẹo Glico màu đỏ. “Đúng rồi. Đúng là phải như vậy”. Michiko gật đầu đồng ý, như thể những ý nghĩ của Đăng Cô đang được truyền trực tiếp qua đầu bà.

Ngày trước, có lần nửa đùa nửa thật, bà đã bảo Yukio rằng một ngày kia sẽ cho ông đọc một truyện trinh thám do chính mình dịch. Lúc ấy bà nghĩ thế thật. Không có gì không làm được trên đời này. Nếu bạn làm việc cần cù, bạn sẽ có tất cả những gì bạn muốn. Những giấc mơ nối tiếp nhau làm cuộc sống mỗi ngày thêm lấp lánh với bao nhiêu triển vọng. Nhưng những năm tháng thành công thường bận rộn trăm cách. Cái năm con trai vào học trường chuyên, Yukio bị một nữ bác sĩ vốn cùng lớp với ông ve vãn, rồi bắt đầu có chuyện nọ kia. Michiko đã tính dọn ra ở riêng, tới một nơi khá xa, chuyển con sang học trường khác. Nhưng rồi Yukio và cô nữ bác sĩ đã đường ai nấy đi, cuộc sống trở lại bình thường. Sau đó ông không bao giờ còn dính líu vào chuyện quan hệ với phụ nữ đến mức để vợ biết được. Yukio thường tự bảo rằng anh chỉ học bài học ấy một lần đau thôi. Trong mười năm sau đó, đứa con và những kỳ thi của con là mối quan tâm lớn nhất.

“Cô nói phải...”, Michiko thở dài. “Tôi vẫn sống”.

“Vâng, chị vẫn sống... Em chỉ sống có hai mươi ba năm, nhưng nếu chị và bác sĩ cộng thêm hai mươi ba năm vào tuổi mình, thì sẽ là bao nhiêu nhỉ?”

“Hình như vừa hơn bảy mươi”.

“Chị sẽ sống ít nhất chừng ấy tuổi, chị có nghĩ thế không?”

“Chắc vậy, vì trong gia đình chúng tôi không có ai bị ung thư. Thôi đừng nói nữa. Tôi biết cô muốn nói gì rồi...”

Michiko đứng lên. Bà vô tình làm rơi chiếc hộp kẹo xuống đất. Trên nắp hộp, một người đàn ông đang dang hai tay. Có phải là anh ta sắp vào cuộc đua? Có phải là anh ta đã xong cuộc đua rồi? Bà nghĩ, anh ta hơi quá trẻ, chắc chưa thể nào đã về đích. Khi Michiko ngồi xổm xuống trên mặt đất để ngắm cái hộp kỹ hơn, bà thấy như đôi chân người đàn ông đang chuyển động. Bà vẫn nghe tiếng Đăng Cô thở bên tai mình, nhưng bà nghĩ giờ đây không còn gì để ngoái lại.

Khi mưa tạnh, Yukio định xuống dọn dẹp cái sân. Ông mở cánh cửa kính trượt, bước ra ngoài, chân trái ra trước. Khi mới vừa thò chân vào chiếc xăng đan, ông bị mất thăng bằng, đá vào một vật gần đó. Đôi giày xăng đan và chậu phong lan được đặt nằm trên cùng một bậc thềm đá. Chậu hoa văng ra khỏi bậc cấp, rơi xuống chân thang.

“Anh có sao không?” Michiko kêu lên, bà đã ra ngoài, đang làm cỏ.

“Không sao,” Yukio đáp. Khi ông cố chụp lại chậu hoa, cây phong lan rơi tọt ra ngoài, rớt xuống bãi cỏ, rễ nó lòa xòa quanh lớp rêu khô trong chậu. Michiko vẫn làm việc, chẳng để ý.

Yukio lượm cây phong lan lên. Rồi, giống y như khi đang khám cho bệnh nhân, ông nhìn thật sát tấm thân trần trụi của nó. Cuống cây đã mọc lớn lên, tròn, dài, vẫn còn đang ươm nụ. Nhưng đoạn thân gần rễ xem ra mỏng manh. Yukio thấy lạ lùng vì cây đã được dưỡng ẩm qua lối dẫn chật hẹp đến thế. Cái cây đã có vẻ mất cân bằng, như một người đàn bà với đôi cổ chân gầy ngẳng khẳng khiu dưới cơ thể mập mạp. Chùm rễ với lớp rêu đã quá khô khiến cây dễ dàng tuột ra khi chậu đổ. Bốn bông hoa vừa rụng xuống, nhưng khi Yukio đặt lại cây vào chậu, nhìn chung cây vẫn vậy, như chẳng có gì xảy ra.

Đặt chậu vào chỗ cũ, ông vẫn giữ bốn bông hoa mồ côi trong lòng bàn tay.

“Michiko, về cái chuyện trước đây mình còn bàn cãi, sao em không cố thử xem?” Ông bảo vợ.

“Thật sao? Anh đồng ý rồi à? Cảm ơn anh. Em thực tình rất muốn thử xem em còn có thể làm gì”.

“Đã làm thì đừng có nửa vời. Phải làm sao cho có kết quả”, Yukio nói, ông xiêu lòng vì vẻ vui mừng của vợ. Trước đây dù Michiko có học hành cày cục đến đâu, ông vẫn không tin bà lại có thể theo được nghề biên dịch. Nhưng một lần nữa không có gì quan trọng. Một kỳ vào mùa hè, một kỳ vào mùa đông, bà ấy sẽ đến sống trong căn hộ của con trai, theo học lớp đặc biệt trong một tháng cùng với những người trẻ tuổi tại một trường hướng nghiệp. Yukio muốn để bà đi học chừng ấy. Thời gian còn lại trong năm, bà sẽ ở nhà theo học những khóa hàm thụ, như vậy sẽ không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống gia đình.

Nhưng vẫn còn một chuyện, Yukio nghĩ thầm trong khi nhìn xuống lưng vợ.

Mấy hôm trước đây, bà đã lánh mình ở đâu mà không hề nói gì với ông cả? Yukio đã lặng im không hỏi gì, lo rằng nếu đụng độ với vợ chỉ làm cho mọi chuyện tệ hại hơn. Ngay cả khi ông kể chuyện hài hước cho bà nghe, bà cũng chỉ nhếch miệng cười không quá hai ba giây, rồi nhanh chóng thu mình vào một góc nào đấy khuất mắt ông. Đôi mắt u ám, xa xăm, vô hồn, bà nhìn đăm đăm vào màn hình vô tuyến, xuyên đến tận ống đèn huỳnh quang phía sau, xuyên đến tận phía bên kia thế giới. Đó là lúc bà hoàn toàn đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài. Yukio thường không dám lại gần, bởi ông cảm thấy lúc đó chỉ cần một can thiệp nhỏ cũng đủ làm nảy sinh và lan tỏa một chấn động khủng khiếp.

Mọi chuyện đã tệ đi như vậy từ cái ngày ông đem chậu phong lan về nhà. Ông hối tiếc sao ngày ấy không để nó lại trong phòng trực, vì đem nó về mới nảy sinh những điều phiền hà không đáng. Ông đành để mặc mọi chuyện. Thế rồi, mấy hôm gần đây, tâm trạng vợ ông có khá hơn, trông có vẻ hồng hào nhanh nhẹn trở lại. Mỗi đêm bà cứ như trẻ ra. Mỗi lần đưa cây phong lan từ nhà ra ngoài hay từ ngoài vào nhà, bà thì thầm nói gì đấy với nó qua hơi thở, gọi nó là Đăng Cô. Khi Yukio hỏi sao lại gọi là Đăng Cô, bà bảo vì nó là cây Đăng lan.

“Đăng Cô”, Ông nói với bốn bông hoa trong lòng bàn tay. “Xin lỗi nhé. Không phải tôi đặt tên này cho em đâu, vợ tôi đấy...” Lòng bàn tay ông bỗng xốn xang, rồi ngực ông thắt lại bởi một nỗi tiếc thương.

Tôi không bao giờ quên được ba năm rưỡi mà tôi đã có với em...

Một đợt sóng hồi tưởng ngập tràn trong khi Yukio đi vào phòng khách, tay vẫn cầm chậu phong lan. Ông vẫn còn cảm thấy những ngón tay nàng ghì chặt sau cổ ông không buông, nàng bảo nàng không muốn chết mà chưa một lần được ai ôm vào lòng. Ông còn nhớ đã giả vờ đi dự hội nghị để đưa nàng đi một chuyến qua đêm: Năm ngoái, ngày mồng bảy Tết, lúc giữa trưa, ông còn hỏi thế đã đủ cho nàng chưa, đã chuồi những ngón tay vào trong khe nhỏ dưới chỗ lông mu mềm mại của nàng. Những ngón tay ông đã được cắt tỉa thật sát.

Ông cũng nhớ cái lúc nàng bảo hãy quên nàng đi và lo cho đời mình sau khi nàng chết. Ông đã sợ điếng cả người, e có cô y tá nào nghe lỏm ngoài cánh cửa. Tất cả bắt đầu chỉ từ một ý nguyện hoàn toàn thiện chí: là bác sĩ, ông muốn làm cho bệnh nhân tất cả những gì có thể; ông đã làm hết sức để làm thỏa ước nguyện của một người sắp chết. Bấy nhiêu đủ để ông tự tha thứ cho mình, nhưng ông biết mình đã gây nên cơn trầm cảm của vợ, ông vẫn còn một món nợ lớn phải trả.

Thế là đã hết chưa, với Đăng Cô?

Tiếng cười đắng khan trong cổ họng Yukio. “Bao giờ em tái sinh, hãy trở lại như một cô gái mạnh khoẻ, chững chạc để cho anh gọi là Đăng Cô.” Ông thì thầm với ai đó, người chưa bao giờ ăn ý với cái tên ấy.

TRẦN THÙY MAI dịch
qua bản tiếng Anh
của Avery Fischer Udagawa)

(257/7-10)





Các bài mới
Nội ơi! (20/08/2010)
Các bài đã đăng
Chai bao (30/07/2010)