Tạp chí Sông Hương - Số 258 (tháng 8)
Các nhà văn xứ Huế với chuyến đi “tiến tới” Đại hội nhà văn
09:11 | 05/08/2010
NGUYỄN KHẮC PHÊ                       Ghi chép Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Đại hội Nhà văn Việt Nam (ĐHNV) lần thứ 8 sẽ họp tại Hà Nội. So với các Đại hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, hầu như lần nào ĐHNV cũng “xôm trò” hơn, được dư luận chú ý hơn.
Các nhà văn xứ Huế với chuyến đi “tiến tới” Đại hội nhà văn

ĐHNV lần 4 qua đã mấy chục năm mà bây giờ vẫn râm ran bài “vè” của Nguyễn Duy…; ĐHNV lần 7 thì bầu Ban chấp hành mấy lần, hơn 6, 7 trăm nhà văn mà chỉ bầu được 6 người quá bán; suốt cả miền Trung dằng đặc, cả Tây Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ không có một đại diện nào! Vậy nên, ĐHNV lần 8 chưa họp mà trên “mạng” đã xôn xao ý kiến này nọ, cần phải cải cách đủ thứ quy chế và tổ chức, rồi tính ai sẽ “ngồi” vào ghế nào…

Trong lúc ấy thì các nhà văn xứ Huế lại bàn chuyện… đi chơi!

“Lai lịch” một chuyến đi

Thực ra, thoạt đầu cũng bàn chuyện họp “trù bị” Đại hội Chi hội Nhà văn Huế, “tiến tới” ĐHNV. Nhưng Trần Thuỳ Mai nói: Chi hội thì có chi mà “trù bị”, tổ chức đi biển Lăng Cô, vừa tắm vừa “trù bị” cũng xong. Ok! Lại có bạn nói: “Đã đi chơi thì đi xa, chứ Lăng Cô tuy vào “tốp” bãi biển đẹp nhất thế giới nhưng với dân Huế thì có chi lạ…” Lập tức, Tô Nhuận Vĩ, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, hào hứng nói: “Thế thì ta đi Lào!...” Hay quá! Nhưng hỏi “Hội Hữu nghị…”, được khuyên là nên đi theo “tua” du lịch là hơn, tính ra mỗi người phải góp 5 triệu đồng! Tiếng nhà văn nghe ra thì oai, nhưng làm chi có tiền, nhất là các nhà văn xứ Huế không quen kết hợp làm ăn kinh doanh, 5 triệu là to lắm! Dẹp! Thôi, để xin Uỷ ban Tỉnh chuyến xe cho anh em nhà văn đi thực tế… Nhiều lắm là mươi, mười lăm triệu - chỉ bằng một chuyến công tác đi tàu bay, ở khách sạn “có sao” của một hai “sếp” là cùng chứ mấy! Tức thì, Chi hội trưởng (sắp mãn nhiệm) Nguyễn Khắc Phê sốt sắng thảo công văn, ký và đóng “triện” hẳn hoi, nhưng chưa kịp lên “Tỉnh đường” thì đã thấy công văn của Chi hội Văn nghệ dân gian xin Tỉnh tiền tàu xe ra Hà Nội dự Đại hội. Khổ quá! Mang tiếng là “Chi hội Trung ương”, nhưng nhất cử nhất động, “anh” nào cũng phải xin tiền của Tỉnh. Mà ở Huế, có đến 6-7 “anh” như thế! Đầu tháng 8 tới, ĐHNV, Chi hội Huế “đương nhiên” là lại phải cắp cặp lên Tỉnh xin tiền tàu xe đi Hà Nội. Uỷ ban Tỉnh Thừa Thiên Huế xem ra không hẹp với các nhà văn, năm trước đã cấp hơn trăm triệu làm phim chân dung, lại vừa đồng ý hỗ trợ kinh phí in “Tuyển tập Thanh Hải” nhân kỷ niệm 30 năm ngày ông qua đời; dân gian còn biết “ăn trông nồi…”, huống chi là nhà văn. Thế là kế hoạch “đi chơi” để “tiến tới” ĐHNV đành phải dẹp!

Đúng vào lúc ấy, may quá, anh Nguyễn Ngọc Đạt, giám đốc một doanh nghiệp ở Nam Định, nguyên là lính Trung đoàn 6 từng chiến đấu ở Huế thời chống Mỹ, nhân vật chính trong một bài ký của Ngô Minh, nhắn vào mời các nhà văn Huế ra chơi, đi càng đông càng tốt! Tuyệt vời! Phương châm “xã hội hoá” các hoạt động văn nghệ là đây chứ đâu! Thế là cấp tập điện thoại, nhắn tin, gửi email để các nhà văn đăng ký. Nghe tin sẽ đi Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá… là những nơi ít có dịp ghé lại, ai cũng hồ hởi - trừ Hoàng Phủ Ngọc Tường hơn chục năm không đi đâu được và Văn Cầm Hải đang tu nghiệp “gì đó” tận bên Mỹ; Võ Quê cũng “bó tay.com” vì phải thường trực săn sóc phu nhân trong bệnh viện. Chi hội có 18 hội viên, vậy là còn 15. Không ngờ trước lúc ra đi thì Nguyễn Khoa Điềm lại có việc phải vào TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Đắc Xuân đã lỡ nhận lời tham luận tại hội thảo “Di sản Văn hoá Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”, hai nhà phê bình Hồ Thế Hà và Trần Huyền Sâm phải lo giúp các sinh viên bảo vệ luận văn tốt nghiệp, “đau” nhất là Nguyễn Quang Hà, ba lô, thuốc thang, tiền nong đã sẵn sàng “Bắc tiến” thì bất ngờ bị một “xế” tuổi “teen” đâm vào, bị thương tay trái khá nặng; Hà Khánh Linh thì muốn được mang theo đứa cháu nội mấy năm nay chị nuôi dưỡng, nhưng “đường xa ngàn dặm”, lỡ nắng gió trở trời, lấy ai bảo đảm…

Vậy là còn đúng 9 người. Một con số đẹp. Tuy vắng một nửa, nhưng “đội ngũ” xem ra vẫn đủ “tư thế” khi đối ngoại: Theo thứ tự tuổi tác là Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vĩ, Vĩnh Nguyên, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Nguyễn Khắc Thạch, Trần Thuỳ Mai. Thế đấy! Tưởng là các nhà văn, nhà thơ nhàn nhã, thảnh thơi để tâm hồn bay bổng, hoá ra cũng bận rộn, dù hầu hết đã về hưu.

Xuất phát sáng 7/5, đúng ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, theo lời mời của một cựu chiến binh, nên trưởng đoàn tuyên bố như “quân lệnh”: 6 giờ xe lăn bánh, ai đi chậm không đợi, tự túc ăn sáng, để đỡ mất thời gian vào quán (và quỹ Chi hội eo hẹp cũng đỡ hao hụt!), lại đã hẹn anh Đạt 7 giờ tối có mặt tại Nam Định. Toàn các “cụ” trên lục tuần (trừ nữ sĩ Thuỳ Mai) đi thế này cũng đáng gọi “hành quân thần tốc”. “Đi chơi” như thế này thì quá cực (giá như quỹ thời gian và nhất là “quỹ” tài chính rủng rỉnh, nghỉ lại Vinh, ra biển Cửa Lò chẳng hạn, rồi đi thăm quê Bác thì hay biết mấy!) nhưng thôi, mọi thứ đều có giới hạn, anh Đạt đã đặt cơm và phòng nghỉ tại Nam Định rồi!...  


Nhà văn càng không thể quên nguồn cội

Các nhà văn muốn “hành quân thần tốc”, nhưng người “cầm lái vĩ đại” luôn phải canh chừng máy “bắn tốc độ” đang nấp rình ở đâu đó, đường thiên lý thì xe đi nườm nượp, nhiều đoạn nát bươm, nên sau hơn 12 giờ đồng hồ vật vã, khách Huế mới đến được Thành Nam. Dù phải chờ đợi mấy giờ liền, chủ nhân vẫn không hề suy giảm nhiệt tình đón khách. Cảm động hơn cả có lẽ là cảnh anh Đạt ôm chầm nhà văn Tô Nhuận Vĩ, miệng không ngớt nhắc đi nhắc lại: “Cảm ơn, cảm ơn tác giả “Dòng sông phẳng lặng” đã viết về những người lính chúng tôi…” Một lúc sau, tay nâng cốc ngoắc vào nhau, anh Đạt xúc động, giọng nghẹn ngào: “Ao ước bao lâu mới có cuộc gặp hôm nay… Chưa, hôm nay chưa phải là của lính. Vài tháng nữa về hưu, tôi sẽ tổ chức cuộc gặp các cựu binh Trung đoàn 6, sẽ mời anh dự… Đáng ra tôi cũng đã nằm lại ở Huế rồi…”

Trong nhà anh Đạt, bên cạnh bàn thờ tổ tiên là bàn thờ đồng đội đã hy sinh. Anh Đạt cảm ơn nhà văn đã không quên người lính, còn các nhà văn xứ Huế thì vô cùng biết ơn anh đã tạo điều kiện cho thế hệ cầm bút đi sau thực hiện được nguyện ước hành hương về vùng quê đã sinh thành nên những tên tuổi hàng đầu của làng văn Việt Nam. Phải! Những ai có chút duyên nợ với nghiệp văn (chứ đâu chỉ là các nhà văn xứ Huế) đều hâm mộ, đều thuộc nằm lòng ít nhiều những tác phẩm của các cụ Tú Xương, Nam Cao, Nguyễn Bính, đều ao ước được đặt chân lên những con đường làng đã nâng bước chân “các Cụ” vào đời, được tận mắt thấy vườn cây, mái nhà, dòng sông… đã nuôi dưỡng tâm hồn “các Cụ” thuở ấu thơ. Từ Hà Nội về Nam Định và Hà Nam tàu xe đều tiện, nhưng ở miền Trung và miền Nam đi ra Bắc, ô tô theo lối qua Ninh Bình, Phủ Lý, đi xe lửa thì mấy ai xuống ga Nam Định chỉ để thấy nơi từng có vườn chuối và cái lò gạch “của Nam Cao”, những dậu mồng tơi “của Nguyễn Bính”…; đi tàu bay thì tất nhiên là đành “vô phép” vượt qua tất cả… Mà chắc chi các bạn văn ở Hà Nội đều có thể tạm gác những bộn bề lo toan nơi phố chật người đông, dành ít ngày về Thành Nam để “sống” với hương hồn “các Cụ”, đó là chưa nói nếu không có xe, không có người dẫn đường, dễ gì đến được làng Đại Hoàng (huyện Lý Nhân, Hà Nam, quê hương Nam Cao) hay làng Thiện Vịnh (huyện Vụ Bản) quê hương Nguyễn Bính…

Vậy nên chuyến đi ra Bắc thắp hương khấn cáo với “các Cụ” - nhất là trước thềm ĐHNV - của Chi hội nhà văn xứ Huế, cũng đáng “thông báo” cùng bạn bè; một việc rất chi là phải đạo và ít ra, nếu bạn văn cả nước khi có dịp cũng làm những cuộc hành hương như thế thì “các Cụ” nằm dưới suối vàng hẳn sẽ ấm lòng.

Chúng tôi đến dâng hương cho cụ Tú trước hết vì phần mộ cụ Tú Xương (1870-1907) nằm ngay trung tâm thành phố, cạnh hồ Vị Xuyên và tượng đài anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ngôi mộ khiêm tốn nằm dưới hoa và lá, hai câu thơ ghi sau mộ phải lại gần mới đọc ra: “Đêm nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Ờ, mà chữ nghĩa của cụ, thơ trào phúng của cụ đã khắc ghi trong lòng dân hơn trăm năm qua. Và sau Cụ, một loạt các nhà thơ trào phúng đã noi gương Cụ, cả cách đặt bút danh (nào là Tú Mỡ, Tú Sụn…). Cụ chỉ hưởng dương được 37 năm, nhưng tên tuổi Cụ đã thọ hơn một thế kỷ và sẽ trường tồn, đúng như hai câu thơ khắc trên mộ Cụ: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”. Cuộc đời Cụ ít gặp may mắn, nhưng có lẽ nhờ những vần thơ trào phúng mang lại cho bao người tiếng cười, niềm vui cho đời, nên chỗ yên nghỉ của Cụ có thể liệt vào hạng “siêu sao” vì mấy ai được như Cụ, ngày ngày luôn có bạn già bạn trẻ vui chơi, tập thể dục, dưỡng sinh xung quanh Cụ…

Đoàn nhà văn Huế viếng mộ nhà thơ Nguyễn Bính


Phần mộ của nhà văn - liệt sĩ Nam Cao và nhà thơ Nguyễn Bính đều có bàn thờ và nhà lưu niệm kề bên, nằm trong khu vườn riêng yên tĩnh mà cũng có phần cô quạnh. Ông già trông coi nhà lưu niệm Nguyễn Bính có phần ngạc nhiên và e dè trước đoàn khách đến từ xứ Huế xa xôi. Nhà lưu niệm Nam Cao khang trang hơn, nhưng cửa đóng then cài, Đoàn thắp hương viếng mộ, dạo quanh tìm hình bóng vườn chuối và cái lò gạch mà nhà văn đã miêu tả, đi ra căn nhà nhỏ vẳng ra tiếng lách cách thoi dệt phía sau mới hỏi ra người giữ chìa khoá nhà lưu niệm… Hình như Hội Nhà văn cùng địa phương phải cố gắng nhiều lắm mới có nhà lưu niệm này và không ít địa phương đang mong ước có được nhà lưu niệm các nhà văn tên tuổi. Liệu có “kiểu mẫu” nhà lưu niệm nào khác sống động hơn không?...

Cũng như cụ Tú, cả Nam Cao (1915-1951) và Nguyễn Bính (1919-1966) đều không thọ, nhưng tác phẩm thì lại sống mãi với thời gian. Cả ba đều trải những tháng ngày khốn khó. Như vậy hoá ra… Một ý nghĩ có phần “vô lối” bất chợt đến: Vì sao nhà văn hôm nay sướng hơn trước nhiều, sống thọ hơn trước nhiều, được chăm bẵm kỹ càng, nào học chính trị dài và ngắn, rồi lý luận và nghiệp vụ, nào trại viết, nào “đầu tư” sâu và cạn… nhưng lại ít có tác phẩm để đời?

Đó là đôi điều ngẫm nghĩ về sau, còn trước phần mộ và bàn thờ các Cụ, chúng tôi ai cũng thành kính dâng hương và cầu nguyện. Thật khó biết các bạn cầu khấn những gì… Mà trong chuyện văn chương, dễ gì cầu khấn mà thành…

Hoá ra trong đời, có khi “quay lui” lại hay!

Chia tay với bạn bè Thành Nam, khi biết chúng tôi quay lui về Ninh Bình, có bạn ngạc nhiên hỏi: “Chỉ 1-2 giờ xe chạy, sao không ra Hà Nội “chơi” luôn thể?” Bạn ngạc nhiên cũng có lý vì khắp nơi đang “mùa”… Đại hội, người muốn có “ghế” ở Trung ương phải “chạy” ra Hà Nội đã đành, mà nghe nói nhiều cấp ở Tỉnh, huyện, muốn nắm chắc “ghế” ngon lành (được quyền ký các “dự án” chẳng hạn!) cũng phải “chạy” ra Hà Nội! Đúng là tôi “nghe nói” thế từ một người làm nghề… phô-tô! Tai mắt dân chúng là ghê gớm lắm. Mà chuyện “chạy chức” cũng đã được cảnh báo công khai giữa Quốc hội đó thôi! Còn chúng tôi, xem ra không ai ham hố gì chức vị ngoài Hà Nội cả, “chạy” ra làm chi!

Gọi là đi chơi, nên xin “lạc đề” một chút. Chúng tôi quay lui cũng vì các bạn ở Hội Văn nghệ Ninh Bình, dù chưa gặp mặt bao giờ, nhưng đã sốt sắng giúp đặt phòng trọ, cử người hướng dẫn đi thăm Bái Đính và Tam Cốc, Hoa Lư; rồi nhà văn Kiều Vượng ở Thanh Hoá cũng đã “lên lịch” hẹn hò. Chuyến đi có tính hành hương về nguồn cội, lại là người cầm bút ở Cố đô Huế, thì “quay lui” để được đặt chân đến Cố đô Hoa Lư, Thành Nhà Hồ và “Gia Miêu ngoại trang” - quý hương của Nhà Nguyễn - là việc rất phải đạo. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, trên đường vào Tam Cốc bằng chiếc du thuyền xinh xẻo vừa đủ 4 chỗ ngồi, di chuyển nhờ đôi chân của người chủ thuyền, đang ngẩn ngơ trước cảnh sơn thủy hữu tình kỳ thú đến vua nhà Trần đã ghé lại đề thơ, bỗng nghe cô hướng dẫn viên ca ngợi Huế trước khi nói đến vẻ đẹp của Tam Cốc, lại nhớ câu hát quen thuộc “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” do 3 diễn viên chèo có hạng của Nam Định mà Giám đốc Sở Văn hoá Thành Nam dẫn tới trình diễn chào đón các nhà văn từ miền núi Ngự sông Hương đêm trước, chợt “ngộ” ra một điều: Vùng đất nào cũng tìm thấy “vẻ đẹp chẳng nơi nào có được”, Huế mà cứ tự ru bằng câu hát xưng tụng đó thì chưa biết chừng… Như Ninh Bình đây, hồi còn thuộc tỉnh Hà Nam Ninh, gần như là một vùng đất bị bỏ quên; vậy mà nay thành một điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ bằng những phong cảnh đẹp được tạo hoá ban tặng và dấu tích lịch sử ngàn xưa mà còn vô số những công trình mới, trong đó, chùa Bái Đính sắp được hoàn tất, nơi hội tụ đến mấy kỷ lục quốc gia về kiến trúc và điêu khắc, (dù không phải ai cũng bái phục và không ít người còn “thắc mắc” không biết “người ta” lấy tiền đâu ra mà xây dựng một công trình vĩ đại như thế!...) Ngẫm ra, trên đời này cái chi vĩ đại, khác người cũng bị xăm xoi, cũng có “tiếng ra tiếng vào”. Ngày xưa ở Huế thì như Lăng Tự Đức đó, dân chúng “thắc mắc” đến mức thành loạn “giặc chày vôi”, nhưng nay đã trở nên một phần của “di sản văn hoá” được thế giới công nhận!

Có điều, nhìn cả vùng đất mênh mông nối liền Thành phố Ninh Bình với khu thắng cảnh di tích cổ xưa ẩn mình trong dãy núi đá vôi thâm nghiêm và yên tĩnh bao đời vừa được san ủi, đường mới khai thông tung bụi mù mịt mỗi khi có xe qua lòng cứ thắc thỏm một nỗi lo: với tốc độ khai thác như thế này, mươi lăm năm nữa, liệu con cháu còn chi để “làm ăn”? Và thiên nhiên, sinh thái vốn đã cân bằng, liệu có “nổi loạn” trước sự can thiệp thô bạo của con người? Những câu hỏi nhức nhối này gần như đã cuộn lên thành “bão” khi ngang qua khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hoá) và Quỳnh Lưu (Bắc Nghệ An), cả một vùng đất rộng mênh mông với tất cả nhà cửa, vườn tược và hàng vạn con người hầu như suốt tháng, suốt năm chìm ngập trong cơn “bão” bụi trắng nhờ nhờ, hẳn là rất độc hại cho sức khoẻ con người. Và kìa, trên đỉnh một dãy núi đá vôi cao sừng sững vừa bị san phẳng, tựa như bị quỷ thần hay người khổng lồ ngoài hành tinh tung phép lạ chặt ngang thân, một chiếc máy xúc ngạo nghễ vươn cần trông thật oai phong mà cũng thật… ghê sợ. Phải! Con người hôm nay, với phương tiện máy móc hiện đại, “dời núi và lấp biển” xem ra chẳng còn mấy khó khăn. Nhưng trớ trêu thay là mặt nước biển đang dần dâng cao, đe doạ nhấn chìm những vùng đất mầu mỡ rộng lớn nuôi sống hàng triệu người. Mà con người đã bị “tấn công”, đã phải đổ máu ngay từ hôm nay. Vùng đất này đã chứng kiến nhiều vụ đá sập đè chết người tang thương; và khi tôi viết những dòng này, máu đã đổ khi giải toả mặt bằng trên khu đất sẽ xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn!

Đã đành, trên đời này, việc gì cũng có hai mặt. Để công nghiệp hóa, tăng GDP, phải trả giá, ít nhiều phải chịu hy sinh. Nhưng không biết các nhà làm “dự án” đã bao giờ tính máu xương đổ ra trong quá trình xây dựng và hàng trăm ngàn tấn bụi bặm độc hại gây tai hoạ cho dân chúng vào “giá thành” công trình chưa? Hay như ở “đâu đó”, chỉ nhớ tính tiền phần trăm “lại quả”, rồi “hạ cánh” sống cuộc đời vương giả, mọi sự lời lỗ thua thiệt “bàn giao” cho con cháu đời sau?...

Không phải bỗng dưng tôi nghĩ tới sự “nổi loạn” của thiên nhiên. Ngay trước cửa thành nhà Hồ, vào đúng lúc chiếc xe như bị… ma quỷ ám hại không sao nổ máy được thì một “cơn bão” nổi lên dữ dội, gió lốc xoáy tung bụi đất tối tăm mặt mày. Chẳng thể biết cơn lốc nổi lên vì sao, nhưng bụi bặm mù trời thì rõ ràng là do chiếc máy ủi vừa san bằng một đoạn bên chân thành nhà Hồ. Mấy người thợ đang xây dựng lại đình làng cửa Đông gần đó, bảo: “Trước đây đã có xe chết máy bất ngờ như thế. Chắc là vì các bác không thắp hương cầu khấn… Bên cửa thành có đền thờ nàng Bình Phương rất thiêng. Tương truyền rằng khi xây thành, nàng đến thăm chồng, nhưng chồng đã bị chôn sống; nàng liền đập đầu tự vẫn; tảng đá in dấu chỗ nàng đập đầu và cả hai bàn tay nữa hiện đang thờ nơi hậu cung…” Trong gió và mưa, bất kể già cả hay “liễu yếu đào tơ”, chúng tôi xúm vào đẩy xe mấy lượt vẫn không nổ, đành phải nghe lời khuyên đi mua hương vào đền cầu cúng. Rồi lại xúm vào đẩy xe. Chiếc xe vẫn đứng ì ra. Trời đã tối mịt. Nhà văn Kiều Vượng thì đã đặt cơm tại Thành phố Thanh Hóa, dăm phút lại gọi điện hỏi thăm tình hình.

Lại là “một ngày đàng học một sàng khôn”, thì ra tình đồng đội, đồng nghiệp có khi mạnh hơn cả thần linh, gặp lúc gian nan mới biết mặt anh tài. Giữa dông bão, đêm tối, lại là ngày chủ nhật, không một chủ xe nào chịu cho xe lên Thành nhà Hồ “cứu nguy” cho các nhà văn xứ Huế. Nhưng rồi điện thoại đi động rung lên, giọng nhà văn Kiều Vượng mừng như bắt được vàng: “Các bạn chịu khó chờ một lúc. Tìm được xe rồi!” Người lái xe băng mưa gió lên “giải cứu” cho đoàn Huế đeo kính trắng, thân hình gầy mảnh. Mãi đến lúc vào “tiệc” mới biết anh là tổng giám đốc một doanh nghiệp, cũng là một cựu chiến binh! Chỉ có Kiều Vượng mới có thể “điều động” được xe kiểu đó!...

Chợt nghĩ: Nếu như không “quay lui” thì làm chi có dịp để suy ngẫm về lẽ “được-mất” ở đời và được “sống” trong một hoàn cảnh mà “cây truyện ngắn” Trần Thuỳ Mai rất có thể sẽ “mượn” đưa vào sáng tác mới nay mai…

“Tiến tới” ĐHNV bằng những tác phẩm mới

Vì “sự cố” hỏng xe, chúng tôi đành lỡ hẹn với nhà văn Đức Ban, tạm gác kế hoạch viếng mộ cụ Nguyễn Du. Mỗi người trong Đoàn, ít nhiều cũng đã đến đây một đôi lần, nhưng địa chỉ văn hoá bên sông Lam này, sau mấy đợt trùng tu tôn tạo, chắc đã khác xưa. Vả chăng, mỗi lần đứng trước một tài năng lớn, một nhân cách lớn, người cầm bút có thể “ngộ” ra những giá trị mới. Nhưng thôi, đợi đến lúc ra Hà Nội dự ĐHNV sẽ đến xin Cụ Tiên Điền chỉ giáo.

Về tới Huế được mấy hôm, Chi hội nhà văn tổ chức Đại hội, để “tiến tới” ĐHNV. Trong khi nhiều nơi thi nhau “chạy chức” thì tổ chức Chi hội nhà văn - ít ra là ở Huế - ai cũng sợ bị bầu vào Ban chấp hành. Từ Tô Nhuận Vĩ, Hà Khánh Linh, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Khắc Phê… đều xin rút lui khi được đề cử. Không chỉ vì Chi hội là một tổ chức “bốn không” (không tiền, không quyền, không trụ sở, không biên chế) mà điều chính yếu vì nhà văn không ai muốn bị ràng buộc, thích được tự do hoàn toàn để sáng tác.

Vậy nên Đại hội Chi hội vừa kết thúc “thành công” (cho dù nhà văn bất đắc dĩ phải “gánh” chức Chi hội trưởng mặt nhăn nhó đến khốn khổ!) thì Tô Nhuận Vĩ tuyên bố “đóng cửa” để ngồi viết cho xong tiểu thuyết “Vùng sâu”; Nguyễn Quang Hà, Mai Văn Hoan, Ngô Minh đều lo tìm nguồn “đầu tư” và nơi in các bản thảo vừa hoàn thành (Nguyễn Quang Hà có tiểu thuyết “Con nợ”, Mai Văn Hoan - tập nghiên cứu phê bình “Đọc và suy ngẫm”, Ngô Minh - “Ký ức Trường Sơn”); Lâm Thị Mỹ Dạ thì sắp in “Tuyển tập” (thơ và truyện thiếu nhi) và tập sách mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nguyễn Khoa Điềm vừa từ TP. Hồ Chí Minh về, trong ý kiến phát biểu tại Đại hội Chi hội, nhà thơ tỏ ra ưu tư về việc Huế chưa khai thác và phát huy hết những giá trị văn hoá truyền thống mà ông cha để lại như Tuồng Huế, thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm…; ông không nhắc tên, nhưng tôi biết ông vừa mang về nhiều tư liệu quý về người phụ nữ tài danh xứ Huế là Đạm Phương Nữ sử (1881-1947), hẳn là để chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu xuất bản trong dịp kỷ niệm 130 năm sinh của bà vào năm 2011 sắp đến. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vừa công bố tập biên khảo về một nhân vật nổi tiếng ở Huế (Phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành), lại đã “nói nhỏ” với tôi: “Mình xong tập hồi ký rồi, dày cộp…” Trần Thuỳ Mai thì lại “Nam tiến”, nghe nói để bàn chuyện làm bộ phim lịch sử rất nhiều tập… Chà, dài dòng rồi mà kể vẫn chưa đủ. Còn Hà Khánh Linh, Trần Huyền Sâm… cũng đang cặm cụi bên những bản thảo mới…

Khi tôi viết những dòng này, thì Nguyễn Quang Hà, dù cánh tay bị thương còn thâm tím, đã ra Bắc Giang tìm gặp lại đồng đội may mắn còn sống sót để hoàn thành tập sách về Đại đội Ngô Gia Tự - gồm toàn những thầy giáo phải rời bục giảng ra mặt trận thời chống Mỹ.

Thiết nghĩ, đã là nhà văn, cách “tiến tới” ĐHNV đẹp nhất là dồn sức để có thêm nhiều tác phẩm mới ra đời…

Trường An- Huế 5- 6/2010
N.K.P
(258/8-10)




Các bài mới
Sau ngày mai (24/09/2010)