Tạp chí Sông Hương - Số 258 (tháng 8)
Đôi dòng hồi ức
14:55 | 27/08/2010
HỒNG NHU(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế)Đại hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4-1994) tại thành phố Huế đã nhất trí khẳng định về năm chính thức thành lập của Hội là năm 1950.
Đôi dòng hồi ức

Đó là ngày diễn ra cuộc hội nghị văn nghệ toàn tỉnh ở Thôn 2 làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ ngày nay) huyện Phú Lộc vào khoảng cuối năm (tháng 10 dương lịch). Rất tiếc cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định được ngày tháng cụ thể.

Sáu mươi năm đã trôi qua. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi hòa bình lập lại, thống nhất Bắc Nam, xây dựng Tổ quốc theo con đường xã hội chủ nghĩa, đưa nước nhà ngày càng giàu mạnh sánh vai cùng thế giới năm châu… Sự nghiệp VHNT nước nhà cũng như riêng tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta cũng nằm trong guồng máy đó; tổ chức văn nghệ đã qua bao thay đổi bởi tình hình xã hội và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng để ngày càng lớn mạnh, phát triển. Từ Phân hội văn nghệ Thừa Thiên ban đầu, rồi Hội Văn nghệ Trị Thiên… đến Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, trở lại Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế như hôm nay. Cái thuở ban đầu, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn cầm cự; văn nghệ, văn hoá, thông tin tuyên truyền kể cả báo chí nữa, hòa lẫn, gắn bó vào nhau trên một mặt trận. Những vang động gần xa của các thế hệ đi trước như Tố Hữu, Thanh Tịnh, Hải Triều… của các tổ chức như văn nghệ khu 4, văn nghệ Việt Bắc… đã là sức mạnh thúc đẩy và nguồn lực bồi bổ cho văn nghệ cả “Bình Trị Thiên khói lửa” trong đó có văn nghệ Thừa Thiên non trẻ nhưng đầy quả cảm và hồn hậu như chính tâm hồn con người bản địa.

Phương hướng đường lối văn nghệ lúc bấy giờ của Đảng ta có thể tóm tắt là: “Văn nghệ phục vụ quần chúng, phục vụ công nông binh” rất thích hợp và sát thực tế; cũng là ý chí, nguyện vọng tự giác của từng cá nhân văn nghệ sĩ. “Một vai mang súng, một vai mang đàn” là biểu tượng của giới văn nghệ thời đó. Phong trào, đội ngũ văn nghệ Thừa Thiên lúc này đã có một bước tiến đáng kể, đòi hỏi có một tổ chức của riêng mình để xiết chặt lực lượng hơn, đem hết tâm sức, tài năng phục vụ kháng chiến.

Tỉnh ta lúc này là vùng bị tạm chiếm, nhưng “xôi đỗ”, xen giữa các đồn bốt Pháp, ngụy tề là những tiểu vùng tự do, việc hoạt động của cán bộ, nhân dân, du kích, văn nghệ… khó khăn, nguy hiểm, nhưng cũng có lúc dễ dàng, bình thường mặc dù các hoạt động đó đều diễn ra trong tiếng súng, tiếng bom đạn…

“Cuối cùng, tổ chức được một cuộc họp văn nghệ toàn tỉnh gồm hơn năm chục người tại phía nam huyện Phú Lộc. Đáng lẽ còn có thể đông hơn (dự kiến một trăm rưỡi) nhưng trước đó địch lùng ở Phú Vang nên một số người ở bắc Thừa Thiên không vào dự được. Ngay hôm khai mạc cũng có tiếng đại bác nổ đùng đùng quanh vùng, chúng tôi phải đề phòng địch càn. Vừa nghe Trịnh Xuân An đọc báo cáo, chúng tôi vừa chú ý theo dõi hướng nổ của đại bác địch. Nhìn ra ngoài đường, thấy một số đồng bào chạy nháo nhác. Sau đó yên lặng trở lại. Chúng tôi họp trong năm ngày, cũng có tranh luận, thảo luận về đủ các bộ môn văn thơ nhạc kịch; có phát giải thưởng, có tổ chức một đêm kịch (diễn cả “Nhật xuất”) và sau đó có tổng kết và bầu ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên…”

Đoạn trên đây trích nguyên văn trong thiên hồi ký “Thừa Thiên một thuở” của nhà văn quá cố Bùi Hiển, lúc bấy giờ là ủy viên kiểm tra của Sở thông tin Tuyên truyền Liên khu 4; đồng thời là một thành viên chủ chốt của Đoàn Văn hoá kháng chiến LK 4 ở vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh. Bùi Hiển vào Thừa Thiên công tác từ giữa năm 1949, thời hạn là sáu tháng do liên khu cử; nhưng theo yêu cầu của Tỉnh ủy Thừa Thiên lúc ấy, ông ở lại giúp tỉnh xây dựng phong trào, tổ chức văn nghệ, mãi đến tháng 12/1950, sau cuộc Hội nghị văn nghệ toàn tỉnh, ông mới từ giã anh chị em lên đường trở ra được. (Cũng theo hồi ký của nhà văn Bùi Hiển).

Hội LHVHNT TT Huế và Tạp chí Sông Hương cùng nhà văn Hồng Nhu về lại thôn 2 làng Mỹ Lợi, nơi diễn ra hội nghị văn nghệ toàn tỉnh lần đầu tiên.


Thời gian trôi qua vùn vụt như nước chảy chim bay. Chứng nhân có thể người còn người mất, kỷ niệm có thể cái nhớ cái quên. Nhưng sự nghiệp, tình người - đặc biệt là tình đồng nghiệp văn nghệ - thì mãi còn ghi, mãi còn đọng lại. Tháng 4-1950, là một thanh niên mới lớn, 18 tuổi nhưng tôi đã có nhiều năm tham gia lực lượng du kích, quân đội; được Liên khu điều từ Hà Tĩnh vào chiến trường Bình Trị Thiên. Đến chiến khu Hòa Mỹ, tôi và một số anh em nhận lệnh về Trung đoàn 95 ở ban tham mưu Trung đoàn, đóng quân ở Phong Chương, Phong Điền. Mấy ngày sau khi được phân công vừa làm nhân viên văn thư vừa kiêm liên lạc chiến, tôi được tiếp cận ngay với tình hình, tin tức các nơi dội về lần lượt. Một tốp anh chị em văn nghệ (chủ yếu là các anh chị văn công) đi theo bộ đội xuất kích tham dự các trận đánh lô cốt giặc bằng một loại vũ khí mới ở Việt Bắc của ta chuyển vào. Đó là loại DKZ đạn lõm. Không biết vì lý do gì đó mà khi bắn ra, quả nổ ngon lành, lô cốt Pháp đổ vỡ tan tành chôn vùi xác giặc trong đó; quả thì bay tung tóe như pháo bông, đẹp thì có đẹp, nhưng chả làm gì được ai; đã thế lại bị giặc đánh trả, súng máy từ lô cốt chúng tuôn ra xối xả; bộ đội ta rút lui rất vất vả, anh chị em văn nghệ cũng được một phen hú vía. Chuyện “thử kêu bắn tịt” là như vậy! Rồi ở Vĩnh Linh, Cam Lộ… nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Minh Huệ ở Khu 4 vào, cùng các anh tại chỗ như Vĩnh Mai, Lương An, Dương Tường… đang thâm nhập xuống tận các tiểu đội, các tổ “tam tam chế” (3 người) để làm thơ, viết văn… Tờ Vệ quốc quân của quân đội ta bấy giờ in trên giấy nâu, xấu lắm nhưng rất quí hiếm, đã đến tay bộ đội và nhân dân đều đặn. Tôi đọc trên đó lần đầu tiên bài thơ của Minh Huệ nhan đề là “Cơm thơm bếp lửa”. Lâu quá rồi không nhớ được câu nào, chỉ không quên cái đầu đề và nội dung bài thơ. Minh Huệ miêu tả cái không khí các mẹ các chị nấu cơm ngay tại nơi phía sau tiếng súng, chờ bộ đội ta đánh trận phía trước trở về. Lại nữa, tờ báo “Giết Giặc” của Thừa Thiên, các tờ tin tờ báo của Liên khu (tôi quên mất tên) bao giờ cũng có đăng ghi chép, phóng sự, thơ ca dao, vè, nhạc… bên cạnh những bài vở khác, tin tức khác của quân đội ta, nhân dân ta vừa sản xuất vừa chiến đấu chống giặc. Không kể các văn nghệ sĩ tên tuổi lúc bấy giờ ở Khu, ở Việt Bắc vào, chỉ nói riêng ở Thừa Thiên đã hiện diện các anh như Phan Nhân, Hoàng Tuấn Nhã, Trịnh Xuân An, Hoàng Liên, Thái Quang Ngoạn, Lê Trọng Sâm, Trần Xuân Dục v.v… làm thơ, viết văn, viết kịch, nhạc. Ở các đoàn các đội văn công có Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hồng, Ngọc Lan, Mặc Hy, Vĩnh Cường… viết và diễn nhạc… Ở các đơn vị bộ đội chính quy và địa phương trong tỉnh có Phùng Quán, Hồ Vi, Văn Tôn (tức Hải Bằng), Viễn Tín, Trần Công Tấn, Nguyễn Ngọc Liễn v.v… Đông đảo anh chị em trong đội ngũ văn nghệ tùy theo sức lực và tài năng riêng của mình, ai ai cũng nô nức sáng tác, hoạt động tuyên truyền, kể cả tự mình đọc thơ, ngâm thơ, đàn hát, tấu vè… phục vụ nhân dân, phục vụ bộ đội. Những tác phẩm viết về Thừa Thiên thời kỳ này như “Đánh trận giặc lúa”, “Ánh mắt”, “Gặp gỡ”, “Một chuyện trong chiến tranh” của Bùi Hiển; “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương, “Trận Thanh Hương” của Nguyễn Khắc Thứ, “Lời quê” của Hồ Vi, rồi “Bài ca binh vận - Gửi người chồng bên kia chiến tuyến”, “Đồi 18” của nhạc sĩ Nguyễn Hồng, cho đến giờ đây sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn nằm trong lòng nhiều người đọc, người nghe không chỉ ở Thừa Thiên Huế chúng ta mà thôi!

Mấy chục năm sau, tôi gặp một người bạn văn nghệ là Nguyễn Ngọc Liễn. Hồi đó, tôi và Liễn ở hai đơn vị khác nhau (Liễn ở Trường Tiểu đội trưởng Trung đoàn 101) nhưng thường chơi với nhau thân thiết như hai anh em. Liễn thanh mảnh như một thiếu nữ mới lớn, tính tình lại thuần hậu, nói năng nhỏ nhẻ. Vì vậy, chẳng biết tuổi tác của nhau ai lớn ai nhỏ nhưng Liễn cứ tôn tôi làm anh; tôi cứ hồn nhiên gọi Liễn là em, xem như em nuôi của mình. (Sau này mới biết thật ra Liễn lớn hơn tôi một tuổi; anh Tân Mùi còn tôi Nhâm Thân). Trong một trại sáng tác do Hội ta và tạp chí Sông Hương tổ chức tại Huế, chúng tôi ngồi ôn lại cái thuở mười tám đôi mươi ở trên mảnh đất phía Bắc Thừa Thiên với sông núi đẹp mê hồn và tâm hồn con người thì nồng đượm tình cảm quê hương và bè bạn. Liễn kể lại đôi nét anh còn nhớ về Phân hội Thừa Thiên trong những ngày hội nghị thành lập ở Kỉnh nhì (Thôn 2) Mỹ Lợi năm nào. Bấy giờ Liễn là một cây văn nghệ ở đơn vị, làm thơ, bình văn rất giỏi cả bằng tiếng Pháp, rất sành. Liễn người Quảng Bình nhưng sinh ra và lớn lên, học hành ở Huế trước ngày gia nhập Vệ quốc quân. Liễn hỏi tôi sao ngày ấy không đi họp văn nghệ. Tôi nói đã được cử đi rồi, vừa để làm người dẫn đường cho một số các anh ở Ban chính trị Trung đoàn (các anh làm văn nghệ tuyên truyền) rồi, (Mỹ Lợi là quê nhà của tôi), ngày mai lên đường thì chiều hôm trước tôi được lệnh hỏa tốc dẫn hai hàng binh Pháp (trận đánh ga Hiền Sĩ) lên Dương Hòa để liên lạc phân khu đưa họ ra Việt Bắc; thế là tôi đành bị lỡ cuộc họp. Liễn còn hỏi: các anh trong Ban chấp hành phân hội hồi đó giờ có ai còn, những Phan Nhân, Hoàng Liên, Trịnh Xuân An, Hoàng Tuấn Nhã…? Tôi nói cũng đã mất cả rồi. Anh còn cho biết là hồi đó, hội nghị bầu BCH đến chín, mười một người chi đó… do Trịnh Xuân An đứng đầu, gọi là thư ký (như chủ tịch Hội bây giờ); trong lúc giờ đây chỉ riêng Hội Nhà văn Việt Nam ta nhiều khóa bầu bán khó khăn đến mức chỉ trúng có 5 người 6 người thôi! Nói xong, anh cười ha hả…

Một thời đã qua, một thời để nhớ - Người đời thường nói như vậy. Vế đầu thì tất nhiên - thời nào rồi cũng phải qua đi. Còn vế tiếp theo, hơn ai hết, theo thiển ý người viết bài này, những văn nghệ sĩ chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm. “Nhớ” chỉ để nhớ, tựu trung chẳng có ý nghĩa gì. Nhớ, để mà tiếp bước, mà hành động, mà tô điểm thêm những gì mang tên là “cái đẹp” của nó.

Chắc chắn rằng, Hội VHNT Thừa Thiên Huế chúng ta trong nhiệm kỳ sắp tới mà Đại hội lần thứ XI sắp diễn ra, sẽ mang một tầm vóc mới, biểu hiện cho một sự bừng nở mới về truyền thống, bản sắc và nhân văn.

8-2010
H.N
(258/8-10)




Các bài mới
Sau ngày mai (24/09/2010)
Các bài đã đăng