Tạp chí Sông Hương - Số 258 (tháng 8)
Nhìn theo cái nhìn Phong Lê
10:31 | 30/08/2010
PHẠM PHÚ PHONG(Nhân đọc Hai mươi nhà văn, nhà văn hoá Việt thế kỷ XX)
Nhìn theo cái nhìn Phong Lê
Nhà giáo Phạm Phú Phong - Ảnh: dhtonghophue.vnweblogs.com
1. Không phải đến hôm nay, Phong Lê mới có cái nhìn xuyên suốt thế kỷ, qua Hai mươi nhà văn - nhà văn hoá Việt thế kỷ XX, mà suốt cuộc đời làm công việc nghiên cứu, phê bình văn học ngót nửa thế kỷ, anh đã lưu tâm và nhiều lần thể hiện cái khát vọng muốn chiếm lĩnh thành tựu văn học của cả thế kỷ XX, thông qua các công trình như Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945 - 1970 (1972), Văn và người (1976), Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa (1980), Văn học và công cuộc đổi mới (1994), Văn học trên hành trình của thế kỷ XX (1997), Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại (2001), Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (2001), Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lý luận (2003), Văn học Việt Nam hiện đại - nghĩ tiếp (2005),... Chừng ấy công trình, tập trung soi tỏ chung quanh vấn đề “văn học Việt Nam hiện đại” còn chưa đủ, anh vẫn còn “nghĩ tiếp” và nay lại tiếp tục cho ra đời Hai mươi nhà văn - nhà văn hoá Việt thế kỷ XX. Ở sự tiếp tục này, tác giả không chỉ nhìn dọc theo lịch sử với cái nhìn lịch đại như Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa, hoặc Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lý luận; cũng không tập trung vào cái nhìn ngang theo chiều hướng đồng đại như Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại, hoặc Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu, mà có sự kết hợp giữa hai kiểu nhìn ngang và nhìn dọc, theo quan điểm đồng đại và lịch đại, có sự rà soát cẩn trọng tiến trình phát triển của lịch sử văn học, từ cách lựa chọn tác giả, cho đến cách phân tích, lý giải, phê bình đầy tính hiện đại của văn chương thông tấn và phẩm chất nghiên cứu sâu sắc, cả chiều sâu lẫn bề rộng, vừa có tính chuẩn xác vừa xác đáng với từng tác giả.

Một sự lựa chọn chuẩn xác ở Hai mươi nhà văn - nhà văn hoá Việt thế kỷ XX quả không phải là công việc dễ dàng, nhất là đối với một thế kỷ có sự chuyển giao, cọ xát giữa cũ và mới, Đông và Tây, cổ điển và hiện đại đầy sôi động của đời sống văn học ở nước ta. Do vậy, những gì mà Phong Lê đưa đến cho người đọc chỉ có tính tương đối. Chỉ nhìn qua công trình cũng có thể hiểu được, với cái nhìn lịch đại, tác giả đã chọn Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh là hai vĩ nhân đầu thế kỷ; rồi đến Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long là ba người vừa mở đầu, vừa tiền trạm cho Thơ, Văn và Kịch hiện đại; Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài là bốn “kiện tướng” cho nền văn học hiện thực, rồi đến hai gương mặt tiêu biểu cho văn xuôi lãng mạn là Thạch Lam và Nguyễn Huy Tưởng, bên cạnh “cây đại thụ” của thơ ca cách mạng là Tố Hữu. Ở khu vực nghiên cứu, phê bình, tác giả đưa Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh và Hải Triều, là những người có tầm ảnh hưởng cả thế kỷ qua, đặt bên cạnh Xuân Diệu với tư cách người phê bình thơ và các nhà văn hoá khác như Hoàng Xuân Hãn, Đinh Gia Trinh và Nguyễn Khắc Viện.

Muốn có sự lựa chọn có tầm bao quát như trên, không chỉ đòi hỏi khả năng đọc nhiều, đọc rộng mà còn buộc phải nghiên cứu đối tượng. Không phải ai biết chữ cũng đọc được văn chương, cũng như không phải ai có mắt cũng có thể xem được tranh, đọc được tranh, hiểu được giá trị thẩm mỹ của những công trình kiến trúc. Nếu nhìn những hàng chữ ngay hàng thẳng lối, người ta hay ví như những nấm mộ trong nghĩa trang. Đọc văn không phải là đọc ngôn từ mà lật tìm những hình tượng bên dưới lớp vỏ vật chất của ngôn từ. Với Phong Lê, anh không chỉ đi tìm hình tượng, hình dung ra bản chất hình tượng, mà còn soi tìm hình tượng của hình tượng trong văn chương của các tác giả phê bình, nghiên cứu. Nghĩa là không chỉ khám phá văn chương tưởng tượng mà còn khám phá văn chương lý trí. Điều đó, thể hiện cái tư cách chuyên gia về văn học Việt Nam hiện đại, ngay trong thao tác chọn lựa đối tượng. Phải có một cái nhìn bao quát xuyên suốt cả thế kỷ, một tri thức rộng và trình độ học thuật sâu, một niềm đam mê suốt ngày đắm mình trên từng con chữ và sự tỉnh táo của tư duy khoa học mới có sự lựa chọn tương đối hợp lý, ngay cả đối với những trường hợp lùi xa về quá khứ, vào những năm đầu thế kỷ, khi tác giả còn chưa ra đời.

Thật khó mà xác định Phong Lê là nhà lý luận, nhà nghiên cứu hay nhà phê bình văn học. Bởi lẽ, trong bất kỳ tác phẩm nào anh cũng thấm đẫm, đan cài, xuyên thấm tư duy lý luận chặt chẽ, cái nhìn lịch sử có tính chất khảo cứu và dốc toàn bộ sự cảm thụ, đồng cảm, tri ngộ tương giao trong cảm quan của người làm phê bình. Nhưng, không phải là sự hoà lẫn, sự cố ý sắp xếp của một tổng số, mà là một sự tích hợp có sự cân đối, tương xứng một cách có ý thức, để tạo ra sự hài hoà đến mức hoàn hảo giữa các yếu tố, tuỳ theo mục tiêu, đối tượng nghiên cứu.

Chỉ riêng với phê bình văn học, anh cũng hướng đến nhiều đối tượng khác nhau như tác phẩm, tác giả, trào lưu, và, đối với mỗi đối tượng đều có cảm quan, phạm vi khảo sát và tạo nên hiệu ứng học thuật khác nhau.

2. Hai mươi nhà văn - nhà văn hoá Việt thế kỷ XX là công trình phê bình tác giả, trong đó có nhiều trường hợp phác thảo, nhận định chân dung. Cố nhiên, xác định diện mạo tinh thần là chủ yếu và quả là Phong Lê đã làm được điều đó đối với cả hai mươi tác giả. Không những thế, đối với mỗi tác giả, anh còn có những phát hiện mới, đặt trên bình diện của tinh thần đổi mới để có một cái nhìn khách quan, khoa học và chuẩn xác. Ngay cả cách đặt tiêu đề cho từng tác giả, cũng có thể thấy rõ người viết đã nắm được “thần” của từng diện mạo tinh thần mang tính phát hiện: Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh, Tản Đà và nhu cầu canh tân văn học, Hoàng Ngọc Phách - người khai mạc nền tiểu thuyết mới và trào lưu văn xuôi lãng mạn, Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn, Tố Hữu - thơ và cách mạng, Hải Triều - kiện tướng của nền văn hoá mới, Nguyễn Khắc Viện, kẻ sĩ hiện đại...

Ở các tác giả quá khứ, không có điều kiện tiếp xúc, thay vì nhận diện thông qua những yếu tố đời tư, anh tập trung vào tác phẩm và bao giờ cũng đặt vào hoàn cảnh lịch sử - cụ thể để phát hiện ra cái mới, trả lời cho câu hỏi hiện tại. Đặt Tầm vóc của Phan Bội Châu trong lịch sử và lịch sử văn chương Việt Nam đầu thế lỷ XX mới thấy hết vai trò của một vĩ nhân đã xuất hiện trong “Hằng số bất biến của lịch sử tinh thần của người Việt Nam là lòng yêu nước”. Với một tác gia đã có quá nhiều công trình nghiên cứu, phê bình đề cập đến như Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh, anh cũng phát hiện ra sự xuyên thấm giữa văn hoá nghệ thuật và văn hoá chính trị, giữa tư tưởng và hành động, và khẳng định được rằng: “Không phải chỉ trên các bài viết, bài nói - thường là rất ngắn gọn - mà chủ yếu là sự gắn bó với hành động, sự hoà thấm vào hành động, hơn nữa, sự nêu gương trong hành động - đó cũng là khía cạnh nổi bật, trở thành nét độc đáo, nét riêng của Hồ Chí Minh, làm thành phong cách sống của Hồ Chí Minh”. Nhìn lại Tản Đà và nhu cầu cách tân văn học, chủ yếu là đối với thơ, nhưng không chỉ có thơ mà với cả nền văn học nửa đầu thế kỷ XX và “hy vọng đạt một chất lượng mới trên con đường nhận thức lại Tản Đà - như một sứ giả tiên phong, mà nhận lại con đường phát triển của văn học Việt Nam, nhận lại gương mặt của văn học dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, trong bối cảnh dồn dập những biến chuyển của cách mạng và những gấp khúc của lịch sử, trong sự mở rộng những mối giao lưu quốc tế, và trong xu thế mới của thời đại”. Với văn xuôi, anh đưa Hoàng Ngọc Phách với “Tố Tâm” - người khai mạc nền tiểu thuyết mới và trào lưu văn xuôi lãng mạn đặt ở đầu nguồn một trào lưu văn học mới, trong bước hiện đại hoá của văn xuôi quốc ngữ, là tiếng chuông “thông báo một nhu cầu bức xúc của xã hội: nhu cầu giải phóng cá nhân ra khỏi những kìm toả về tình cảm và tinh thần”, bên cạnh Ông chủ xuất bản Tân Dân Vũ Đình Long, người khai mạc kịch nói hiện đại để thấy sự ra đời của cả ba thể loại là thơ, tiểu thuyết, kịch, là ba thể văn chủ yếu của nền văn học hiện đại: “Đặt Chén thuốc độc, và Toà án lương tâm của Vũ Đình Long bên Tản Đà và Tố tâm, ta thấy Vũ Đình Long đã làm được một cuộc cách tân quan trọng”. Bên cạnh đó, tác giả còn khẳng định được vai trò tổ chức cho một giai đoạn văn học mới phôi thai, với tư cách là ông chủ nhà xuất bản của nhà viết kịch họ Vũ.

Cũng có những tác giả qua đời sớm như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Hải Triều, Nguyễn Huy Tưởng chắc là tác giả chỉ đọc văn chứ chưa từng gặp người, và tuy có so le vài ba chục năm về tuổi tác, nhưng được coi là những người cùng thời, có cùng môi trường tinh thần với tác giả. Vì vậy, ngòi bút Phong Lê không còn sự thăm dò, ướm thử mà phân tích, khám phá một cách linh hoạt, thoáng hoạt trong quá trình khám phá diện mạo tinh thần của các tác giả.

Vừa là niềm đam mê, vừa là duyên nợ của một cuộc hạnh ngộ, ngay từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX, khi mới về công tác ở Viện Văn học, bài viết đầu tiên của anh in trên tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện là Con người và cuộc sống trong tác phẩm Nam Cao (1961, viết chung với Nguyễn Huệ Chi). Sau đó anh có hàng chục bài viết, khai thác nhiều khía cạnh khác nhau, trong sự nghiệp sáng tác ngắn ngủi của nhà văn tài năng này, và thậm chí, dành hẳn một cuốn sách mấy trăm trang để phác thảo chân dung: Nam Cao - phác thảo sự nghiệp và chân dung(1). Nhưng Nam Cao ở đây là Nam Cao - nhìn từ cuối thế kỷ, là sản phẩm của thời kỳ đổi mới, trong đó, tác giả có một cái nhìn đúc kết một cuộc đời chỉ vỏn vẹn ba mươi sáu tuổi, với mười năm cầm bút, đã để lại hai tiểu thuyết, dăm chục truyện ngắn, vài truyện cho thiếu nhi, dăm tập bút ký, nhật ký, tiểu luận... “Một khối lượng mỏng, có thể nói là vậy, nhưng nhiều chục năm qua đã cho thấy và càng vào cuối thế kỷ XX càng thấy, mỏng mà người đọc vẫn có thể đào xới vào rất nhiều tầng vỉa và vẫn còn hứa hẹn nhiều vỉa mới”. Nhận diện những đóng góp riêng của Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn, tác giả đã có một cái nhìn tách bạch, rạch ròi và chính xác khi xác định được Thạch Lam sáng tạo bằng tư duy lãng mạn nhưng đã có cái nhìn, cảm quan hiện thực. “Nếu Tự lực văn đoàn đã có công đóng góp cho sự phát triển của câu văn tiếng Việt, theo hướng hiện đại, từ khởi điểm 1932, sau bước ngoặt từ Nho phong, Người quay tơ đến Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, thì Thạch Lam, theo tôi là người giữ được, bảo tồn được tính hiện đại ấy cho đến ngày hôm nay”. Với Nhà văn, nhà văn hoá lớn Ngô Tất Tố, anh chỉ ra được sự gần gũi của nhà văn tài năng với thế hệ hôm nay, anh cho rằng: “Nghiệp văn của Ngô Tất Tố là nằm trong nửa đầu thế kỷ, nhưng người đọc vẫn không chút e dè khi đặt Ngô Tất Tố vào hàng những văn gia của thế kỷ. Bởi ông luôn luôn là con người của thời sự, của hiện tại. Bởi vì ánh sáng trong tác phẩm của ông luôn có sức rọi sâu và xa. Bởi sự nghiệp của ông cũng là dự cảm, là phát ngôn, là hiện thân những vấn đề của đất nước, của nhân dân, của thế kỷ (...). Đi suốt chiều dài của thế kỷ XX, ông không phải là người gối đầu, người chuyển tiếp, người của buổi giao thời, mà vẫn cứ là người hiện đại”... Với những người cùng thời, sự nghiệp văn chương xuyên suốt cả thế kỷ như Tô Hoài, Tố Hữu, anh có cái nhìn phân tích nhất quán, vừa khách quan vừa ấm áp, tôn trọng. Tô Hoài là một trong những nhà văn được Phong Lê yêu quý. Từ thời còn là sinh viên, anh đã từng có bài phê bình văn học đầu tay Đọc truyện dài Mười năm của Tô Hoài viết từ cuối những năm năm mươi(2) nhưng không được in, vì thời đó Mười năm bị xem là lệch lạc về tư tưởng. Nay hơn nửa thế kỷ đọc văn Tô Hoài, anh nhìn ra Những miền quê và mùa màng trong văn Tô Hoài, và Tô Hoài là nhà văn của vùng Tây Bắc và của vùng ngoại ô Hà Nội, là ngòi bút có sự nhất quán và liền mạch từ trước và sau cách mạng và “cả thế kỷ XX hiện lên trong văn Tô Hoài”. Tố Hữu - thơ và cách mạng, Phong Lê đã có sự tổng kết: “Hơn sáu mươi năm sáng tác và vào tuổi đời 80, Tố Hữu là nhà thơ luôn hiện diện trong sinh hoạt tinh thần của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX”.

3. Ở khu vực những nhà văn hoá, những tác giả lý luận phê bình là những người thầy, những bậc đàn anh và cả đồng nghiệp của Phong Lê. Thật khó mà phân chia tách bạch hàm nghĩa nhà văn và nhà văn hoá. Bởi vì nhà văn, trước hết phải là nhà văn hoá, phải am tường tri thức văn hoá đến một mức nào đó, mới có thể trở thành nhà văn theo đúng nghĩa của từ này. Càng khó khăn hơn khi phân chia hàm nghĩa giữa những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình và nhà văn hoá. Vấn đề là thành công nổi bật của họ là ở phương diện nào, chứ không thể phân chia một cách rạch ròi, minh bạch được. Có thể thấy, Phong Lê đã xác định thành công nổi bật về lý luận là Đặng Thai Mai, Hải Triều; về phê bình văn học có Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Đinh Gia Trinh, Xuân Diệu; về văn hoá có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện.

Khi đánh giá thế hệ những người thầy đầu tiên sau khi nước nhà độc lập, Phong Lê nhìn thấy một đội ngũ trí thức, những nhà học giả như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Lương Ngọc và coi “Đó là lớp giáo sư về các bộ môn khoa học nhân văn đầu tiên của nền đại học nước ta. Và dường như sau những tên tuổi ấy cho đến nay (bài viết vào năm 1992 - P.P.P chú thích) vẫn chưa có thế hệ giáo sư nào đứng ngang tầm”, trong đó Bậc thầy Đặng Thai Mai được anh nhìn dưới góc độ tôn kính và đầy sự đồng cảm, tâm huyết có tính chất nghề nghiệp: “Cuộc sống không thiếu người khi thôi đi hoặc mất một chức vụ cao và quan trọng nào đó là hết, còn những người mang tư chất học thuật, theo đuổi con đường học thuật, thì cái hàm kia tuy đáng quý, nhưng không phải mục đích cuối cùng. Nói đến Đặng Thai Mai, người ta có thể quên đi vài chức vụ quan trọng ông đã giữ từ khá lâu (sáng lập và chủ nhiệm khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, sáng lập và Viện trưởng đầu tiên Viện Văn học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá... - P.P.P chú thích) để chỉ nhớ một học giả uyên thâm trên nhiều lĩnh vực của văn học thế giới và dân tộc, và một người thầy của nhiều thế hệ học trò, nay đang đảm giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy nhà nước hoặc cơ quan học thuật”. Nếu với Văn học khái luận, Đặng Thai Mai được coi là người mở đầu cho lý luận văn học ở nước ta, thì Hải Triều - kiện tướng của nền văn hoá mới, được coi là nhà lý luận, phê bình mác-xít đầu tiên: “Toàn bộ sự nghiệp lý luận, phê bình văn học của Hải Triều nằm gọn trong thời kỳ chuẩn bị cho việc xây dựng nền tảng Mácxít-leninit của nền văn học mới, văn học vô sản (...) Ở tư cách là nhà lý luận văn chương tả thực xã hội, thì đây quả là phần đất Hải Triều đã thật sự có những đóng góp chắc chắn còn có ý nghĩa bền lâu đối với sự phát triển của văn học mới, như một bộ phận của văn học nhân loại trên con đường phát triển theo chiều hướng của chủ nghĩa hiện thực”.

Còn có một sự mở đầu khác, là sự khai mạc cho nền phê bình văn học hiện đại ở nước ta, đó là Hoài Thanh - sự nghiệp phê bình. Trước Hoài Thanh, ở nước ta không phải không có phê bình văn học. Nhưng phê bình chỉ dừng lại ở mức thù tạc, tâng bốc, hô ứng với nhau, chỉ đến giai đoạn những năm 30-45, mới xuất hiện trào lưu phê bình với tư cách là khoa học về văn học, và “Hoài Thanh - người có sự nghiệp phê bình trước Cách mạng tháng Tám 1945. Hơn thế, cùng với Thiếu Sơn - tác giả Phê bình và cảo luận (1933), Hoài Thanh còn là người khai mạc nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại”. Khi nhìn nhận Vũ Ngọc Phan với các giá trị văn chương - học thuật dân tộc, Phong Lê đánh giá rất cao thành tựu của hai bộ sách có tầm vóc lớn lao đối với nền phê bình, khảo cứu văn học: “Một cuộc đời trên 60 năm hoạt động không mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực, ở mỗi lĩnh vực đều có đóng góp, và sự nghiệp để lại, nếu như tính toán cho thật triệt để theo sự thanh lọc của thời gian mà vẫn còn để lại được, với dấu ấn khá đậm, ở phần nửa đầu thế kỷ là bộ sách Nhà văn hiện đại đồ sộ, và phần nửa sau thế kỷ là Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam được tái bản lần thứ mười hai (...). Tôi thấy cần nhấn mạnh thêm về vị trí mở đầu của hai bộ sách mà tác giả là người khám phá, và là một mở đầu rất đặc biệt, vì tầm vóc lớn của nó, vì khả năng tổng hợp của nó”. Với hai trường hợp Đinh Gia Trinh và Xuân Diệu là những phát hiện của Phong Lê. Quả là, khi đọc Đinh Gia Trinh trong đời sống văn chương học thuật hồi 1941-1945 của Phong Lê, tôi mới được biết thêm một người tốt nghiệp Cử nhân Luật nhưng thường xuyên “lấn sân” sang phê bình văn học trên tạp chí Thanh Nghị những năm bốn mươi của thế kỷ XX, đã từng được sưu tập in thành Hoài vọng của lý trí, dưới dạng phê bình chủ quan theo lối viết tuỳ bút, dày hơn 400 trang sách(3). Hoặc với Xuân Diệu, có quá nhiều người soi rọi vào cuộc đời thơ (làm thơ, dịch thơ) dài ngót nửa thế kỷ của ông, nhưng lại ít ai nhìn ông dưới góc độ của một nhà phê bình thơ - cũng cao lớn, vạm vỡ không thua gì sự nghiệp sáng tạo thơ ca: “Cũng có người bao gồm vài ba, hoặc cả bốn khu vực, nhưng có nặng nhẹ khác nhau, và người đời có thể quên hoặc bỏ qua một khu vực nào đó của họ. Còn Xuân Diệu, theo tôi, phải có đủ, mới có một chân dung trọn vẹn về Xuân Diệu”.

Chân dung và sự nghiệp Hoàng Xuân Hãn là một phác thảo chân dung tương đối đầy đủ về tầm vóc của một trí thức, một học giả uyên bác nhiều lĩnh vực, từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng lại có hành trạng cuộc đời gắn liền với các ngành khoa học xuyên suốt thế kỷ XX. Vừa là nhà toán học, là kỹ sư cầu đường, kỹ sư nguyên tử đầu tiên ở nước ta, lại am hiểu về lịch sử, văn hoá sử, văn học sử, văn bản học, Hán Nôm học, “mỗi ngành học, cả học và hành, ông đều đạt kết quả cao. Một năng lực bách khoa ở tuổi thanh niên như thế dường như là thích hợp với cách tìm đường của một thế hệ như ông - Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên,... rồi tiếp đến Nguyễn Mạnh Tường, Nguyến Khắc Viện,... Về sau, kiểu người như vậy vẫn còn, nhưng ít dần, rồi hết hẳn”. Phong Lê chứng minh được bộ óc bách khoa của Hoàng Xuân Hãn ở sự kết hợp giữa sâu và rộng, đồng thời đến mức khó hiểu giữa những lĩnh vực không có gì liên quan đến nhau như khoa học nguyên tử và văn Nôm cổ; ở sự kết hợp giữa tư duy chính xác của toán học với lối tư duy tổng hợp của các bộ môn khoa học xã hội, “Và do thế, gọi ông là nhà gì chẳng được: nhà văn hoá, nhà khoa học và học giả, nhà giáo dục, nhà sử học, văn hoá sử, văn học sử, Hán Nôm học...”. Song hành cùng với Hoàng Xuân Hãn, còn có Nguyễn Khắc Viện - Kẻ sỹ hiện đại, người cùng thời, cùng quê, cùng để lại những công trình có giá trị như Hoàng Xuân Hãn. Về sự học, Nguyễn Khắc Viện có ba bằng Tú tài, tốt nghiệp Bác sĩ ở Đại học Đông Dương, rồi ở Pháp, nghiên cứu về tâm lý trẻ em, viết bút ký, dịch truyện Kiều, nghiên cứu Nho giáo, am hiểu cả ba nền văn hoá Việt - Pháp - Trung Hoa, viết sách bằng tiếng Pháp và trở thành “một trí thức xứ Nghệ, một kẻ sĩ thế kỷ XX” với sự vạm vỡ về nhân cách và tri thức bách khoa.

4. Các chân dung trong Hai mươi nhà văn - nhà văn hoá Việt thế kỷ XX đều được viết vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất, hoặc các hội thảo khoa học: 140 năm ngày sinh Phan Bội Châu (1867 - 2007), 100 năm ngày sinh Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1996), 100 năm ngày sinh Vũ Đình Long (1896 - 1996), 80 năm ngày sinh Tố Hữu (1920 - 2000), 100 năm ngày sinh Đặng Thai Mai (1902 - 2002), 90 năm ngày sinh Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1998), 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng (1939 - 1989), 50 năm ngày mất Thạch Lam (1942 - 1992), 20 năm ngày mất Vũ Ngọc Phan (1987 - 2007)...

Không khí đổi mới đã tạo động lực đáng kể để Phong Lê nhận thức vấn đề một cách khách quan, khoa học, không chịu những áp lực như những chiếc bóng vô hình chi phối tâm lý, tư duy của người làm khoa học. Hơn nữa, đúng vào những dịp kỷ niệm thiêng liêng như ngày sinh, ngày mất của những tác giả có tầm cỡ xuyên suốt thế kỷ, buộc người viết phải trung thực, trước hết là với chính mình. Không phải quanh co, né tránh, và cố nhiên, người viết phải tin vào những suy nghĩ của chính mình. Với mỗi chân dung, Phong Lê tập trung khai thác đạo đức nhân cách, trí tuệ uyên bác và cả những “thân phận” đau khổ của nghề văn - vừa đồng cảm với đối tượng nghiên cứu vừa dốc hết tâm huyết để phơi bày tâm trạng của chính mình. Với anh, người cầm bút là nhà trí thức, là người sống trung thực, là kẻ sĩ, trong đó không chỉ là người có tri thức mà còn là một nhân cách buộc người khác phải ngưỡng mộ, phải ngước nhìn - mà, người tạo ra tầm nhìn, thế nhìn, góc nhìn đầu tiên là chính anh, tác giả của tập sách.

Cái nhìn xuyên suốt thế kỷ của Phong Lê, chỉ có thể thực hiện đúng thời điểm của nó - những năm vắt ngang giữa hai thế kỷ XX và XXI. Đó là những năm trên cương vị Viện trưởng Viện Văn học, một trong những “tiền đồn” và là trung tâm của thời kỳ đổi mới văn học, anh có điều kiện, có ý thức trách nhiệm để tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo nhằm nhận thức lại, đánh giá lại các tác giả như Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Hải Triều... Chính nhờ thế mà Phong Lê đã ít nhiều lý giải và trả lại sự công bằng cho nhiều vấn đề, nhiều tác giả. Chẳng hạn, trong chính bài đề dẫn 40 năm ngày mất Hải Triều, anh đã khách quan đưa ra nhận định: “Những Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, dưới con mắt Hải Triều là phát ngôn cho “giai cấp phú hào”, trong khi thân phận, số phận của họ chẳng khác gì đồng nghiệp cùng thời, trong đó có Hải Triều, Hoài Thanh, ngày vào Huế đội nón, đi chân đất, lúc vào nghề từng bị chính quyền thực dân theo dõi, đuổi ra Bắc Kỳ. Và trong khi cuốn Văn sĩ và xã hội của Hải Triều được phát hành thì cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh lại bị tịch thu”. Ở những thời điểm những năm đầu của thế kỷ XXI, tuy đã thôi cương vị Viện trưởng, nhưng anh vẫn còn đà, còn thế và nhất là có nhiều thời gian để đầu tư cho công việc viết lách. Dường như tác giả không còn trăn trở, dò tìm cách lập ngôn, cân nhắc, thận trọng khi phân tích, mà là sự hiên ngang khám phá một cách thẳng thắn, trung thực với sức nóng của nhiệt huyết và niềm tin ấm áp, mãnh liệt ở tương lai, ở sức mạnh của chân lý. Cũng chính cái đó làm nên nhân cách và tầm vóc của người viết.

Cố nhiên, dưới cái nhìn của một người, dù bao quát sâu rộng bao nhiêu đi nữa, cũng không thể nào thoả mãn tất cả mọi điều. Có thể, cân nhắc thêm một vài trường hợp trong sự chọn lựa, để xếp hàng vào đội ngũ Hai mươi nhà văn - nhà văn hoá Việt thế kỷ XX. Chẳng hạn, khi nói đến lý luận văn học không thể không nhắc đến Phạm Quỳnh, về phê bình không thể không nhắc đến Thiếu Sơn, về thơ mới không thể không nhắc đến Phan Khôi, về văn xuôi không thể bỏ quên Nhất Linh, Nguyễn Tuân... Những tác giả này, tôi nhớ không lầm là Phong Lê đã từng quan tâm đến, từng có bài viết, nhưng có lẽ anh dành cho một công trình khác, một dịp khác. Ở đây, anh bị khống chế bởi con số hai mươi, và chỉ chọn những tác giả mà theo anh là tiêu biểu. Và, điều đáng lưu ý, họ đều là những người yêu nước, những người dốc cả cuộc đời và tâm huyết vì quốc gia, dân tộc. Và quan trọng hơn, tuy anh không nói ra, nhưng có thể thấy tất cả những người anh chọn vào danh sách này đều là những trí thức, những học giả, những nghệ sĩ có nhân cách, những người mà cuộc đời ôm trọn cả thế kỷ hay chỉ dừng lại ở tuổi trên dưới ba mươi (Vũ Trọng Phung, Thạch Lam, Nam Cao) nhưng đều là những người có tầm vóc văn hoá xuyên suốt thế kỷ. Không chỉ có thế, họ đều là những thân phận mà đường đời đầy nghiệt ngã, số phận cuộc đời không có sự hanh thông, suôn sẻ mà đầy những bất trắc, đa mang; dường như chỉ có những trí thức, những tài năng có lương tâm, có nhân cách mới thường gặp phải. Thông qua những con người đó, cũng ít nhiều biểu hiện tâm trạng và phong cách của chính tác giả Phong Lê. Bên cạnh đó cũng không thể nào vượt qua con số hai mươi tác giả của thế kỷ XX. Cũng chính vì vậy, cuốn sách của Phong Lê sẽ là sự gợi mở, để nhiều người cùng chung tay, cùng tiếp tục nghiên cứu, kiếm tìm. Với chính tác giả Phong Lê, có lẽ công trình này cũng chỉ là sự ướm thử, là bước phác thảo ban đầu, hứa hẹn còn sự tiếp tục - đúng như anh vẫn hay thường dùng từ “nghĩ tiếp”. Điều quan trọng hơn là, những gì anh đã chọn, vấn đề nào anh đã nêu, chỗ khuất tất nào anh đã để mắt tới, đều được soi sáng, đi đến cùng một cách thấu đáo và thấm đẫm ý nghĩa nhân văn, thể hiện nhân cách của người trí thức thời đại.

P.P.P
(258/8-10)




---------------
(1) Nxb Khoa học xã hội, H. 1997.
(2) Nguyễn Huệ Chi- Những năm tháng với Phong Lê, sách Phong Lê và chúng tôi, Nxb Hội Nhà văn, H. 2008, tr. 40.
(3) Nxb Văn học, H. 1996
.




Các bài mới
Sau ngày mai (24/09/2010)
Các bài đã đăng