Tạp chí Sông Hương - Số 258 (tháng 8)
Huế và văn hoá Huế trong ‘Từ điển tiếng Huế’
08:59 | 01/09/2010
NGUYỄN THỊ HÒA Không cần phải bàn cãi, Từ điển tiếng Huế của Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức là một tác phẩm Từ điển. Một quyển từ điển về phương ngữ địa phương Huế mà dày dặn, công phu, với 2050 trang, thể hiện công sức nghiên cứu miệt mài của một vị bác sĩ - nghiệp dư với nghề ngôn ngữ, nhưng đầy nhiệt tình và khá chuyên nghiệp trong nghiên cứu.
Huế và văn hoá Huế trong ‘Từ điển tiếng Huế’
Ảnh: minhkhai.vn
Cảm giác khi tra cứu công trình này của tôi là một sự ngạc nhiên và rồi thích thú trước lượng kiến thức mang ý nghĩa nhân học - văn hoá phong phú phơi bày trong tác phẩm. Đây là một khía cạnh thể hiện đặc biệt của tác phẩm, mà theo tác giả đó là tánh cách bách khoa của Từ điển tiếng Huế.

Sự thú vị mang nghĩa nhân học bắt nguồn từ ý nghĩa rằng, các mục từ trong tác phẩm không chỉ là một bản thống kê tiếng Huế, mà nó là một hệ thống ngôn từ của người Huế, trong đó hàm chứa những tư tưởng, kiến thức, quan niệm, tình cảm, lối sống..., hay khái quát hơn là chứa đựng tính đa dạng của nền văn hoá Huế thông qua ngôn từ. Về điều này, tác giả cũng đã nhận thức một cách chủ động trong suốt quá trình biên soạn Về bức tranh văn hoá Huế lồng trong Từ điển tiếng Huế.

Sự thú vị càng ấn tượng khi tôi được tiếp xúc với các yếu tố mà tác giả gọi là Văn hoá đối chiếu(1) trong Từ điển tiếng Huế. Ở góc cạnh này, một số điểm nhấn văn hoá riêng của Huế bàng bạc trong bối cảnh văn hoá tổng thể của quốc gia, của thế giới, đã được tác giả tìm kiếm, chắt lọc, lựa chọn, để rồi so sánh trên từng khái niệm, từng sự vật, hiện tượng, với mục đích muốn nêu lên những nét đặc thù về văn hoá của xứ Huế. Và rồi không chỉ thú vị, tôi cảm thấy tự hào về Huế của mền.  

Trong khi nghiền ngẫm, quả thật chất nhân học thấm đẫm trong mỗi một chi tiết của tác phẩm.

Đó là sự thống kê, phân loại một hệ thống các dạng loại văn hoá đặc trưng của xứ Huế, của người Huế, bao gồm trong các sự vật, hiện tượng của văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần lẫn văn hoá xã hội, cụ thể với các loại bánh, các loại áo, các loại bún, các loại muối, các loại cá, các loại chè, các loại chợ, các loại cơm, các loại củ, các loại cửa, các loại gạo, các loại giếng, các loại hoa, các loại trầu, các loại lúa, các loại ớt, các loại hột, các ngôi làng xứ Huế, các loại lăng, các loại nhà, các loại nước mắm, các loại rượu, các dòng sông, các loại thành quách, các loại tiền, các loại trống, các loại trứng, các ngôi trường, các loại xe, các loại cúng, các loại ma, các vị phật, các vị thầy, các loại hò, các điệu múa, các kiểu ngủ, các loại vè...

Sự phong phú trong thống kê, phân loại mới chỉ phản ảnh một chừng mực. Quan tâm đến những mô tả, lý giải, phân tích về từng sự vật, từng yếu tố văn hoá trong tác phẩm, đó mới chính là phần hồn của Từ điển tiếng Huế.

Chẳng hạn cách lý giải của tác giả rất đậm chất Huế, mang bản sắc đặc trưng con người Huế. Khi mô tả bánh nậm, tác giả dùng các tư... hẩm hẩm, nhuỵ tôm thịt...(2)Dạ! chỉ người Huế mới nói nước ấm là nước hẩm hẩm và chỉ người Huế mới nói nhuỵ tôm thịt, rất gần với nhuỵ bông, không giống với nhưn tôm thịt, mà không là nhưn hoa khi người miền Nam nói về điều này.

Không chỉ có lời, nhiều hình ảnh, hình vẽ đặt cạnh lời, tôn vinh giá trị của sự giải thích. Tôi thích thú với tấm ảnh đậm chất nhân học Vật võ làng Sình(3), bức tranh Chự vịt, Con nấc cụt, mẹ dán lá trầu trước trán(4), Chơi bài chòi(5)... kể cả tấm ảnh gần đây của cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba(6) - vị thầy giáo dạy đàn của tôi.

Nhiều vật dụng, nếp sinh hoạt của người Huế cổ xưa, kèm theo cách gọi Huế cổ của nó cũng được tác giả tái hiện, mô tả, phân tích khá hóm hỉnh, sâu sắc như kiểu ngồi xếp bè he(7) với câu vè: Muốn ăn khoai nướng, muốn ăn khoai nấu, ngồi xếp bè he(8). Hay, sự lý giải một cách khoa học về cây thầu đâu (Azadirachta indica A. Juss, họ xoan Meliaceae)(9) mà sau này được gọi theo kiểu hoa mỹ sầu đông. Hoặc, các phân tích về chiếc chẹ(10) một vật họ của chiếc chiếu, khiến tôi chợt nhớ đến câu hò của cư dân các làng Huế ven sông Ô Lâu, ranh giới phía bắc của xứ sở này:

...Đêm năm canh đặt mình xuống chẹ, chẹ chẳng dính lưng,
Ngày sáu khắc bưng bát cơm ăn, mà hai hàng châu lệ, giọt đầm như mưa(11)
...

Cũng với cây thầu đâu, tác giả còn vận dụng thủ pháp đối chiếu, dẫn dắt người đọc đến với cây xoan của người miền Bắc, cây sầu đông của người miền Nam ở Việt nam; hoa Lilas Nhật Bản của Âu Mỹ; loài cây Neem của Phi Châu. Và rồi, lại nói đến tác dụng chữa sâu răng từ chiết xuất của loại cây này ở người Ấn Độ... Sự phong phú và thú vị chung quanh vấn đề cây thầu đâu khiến hấp dẫn tôi muốn góp phần mình, rằng: người M’dhur ở khu vực 3 tỉnh DakLak, Gia Lai, Phú Yên Việt Nam, gọi loại cây cùng họ với loại cây này là teng leng. Cư dân thích dùng lá cây teng leng (hlă teng leng) hơ lửa cho dịu đi chất đắng, xắt sợi mỏng hoặc giã nhỏ trộn với kiến vàng và muối ớt để ăn. Đây là một trong những món đặc sản được yêu thích của cư dân tộc người này. Ngoài ra, còn có thể tìm thấy nhiều mô tả so sánh thú vị khác trong Từ điển tiếng Huế, khi tác giả viết về ngựa Thượng tứ(12)của Huế với horse around của Mỹ, Royal Mews của nữ hoàng Anh. Hay, giải thích bộ phận cơ thể của người phụ nữ nhũ hoa(13) (vú đàn bà) của người Việt liên quan đến quan niệm tính dục của người Mexico...

Hiện trạng đa diện, đa sắc trong Từ điển tiếng Huế, phản ánh kiến thức uyên bác của một người Huế cao niên viết về Huế, phản ánh lý do khiến tác phẩm có thể đạt đến độ dày hằng ngàn trang. Như vậy, Từ điển tiếng Huế càng dày, sự thể hiện đặc trưng Huế và văn hoá Huế càng đa dạng hay chính xác hơn là ngược lại. Bởi thế, là một người Huế, tôi trân trọng những đóng góp cho Huế, về Huế của tiến sĩ, bác sĩ Bùi Minh Đức, tự hào dõi theo độ dày của Từ điển tiếng Huế theo thời gian.

T.P HCM. Ngày 5 tháng 7 năm 2010
N.T.H
(258/8-10)



------------------
(1) Cultural comparison.
(2) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Mục bánh mì tây. Tr. 88.
(3) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 1931
(4) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 1249
(5) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 66
(6) Bùi Minh Đức.2009. Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 1309 (1913-1997).
(7) Bùi Minh Đức.2009. Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 1994
(8) Tôn Thất Bình.2001. Vè Thừa Thiên Huế.
(9) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 1584
(10) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 316 - 317.
(11) Nguyễn Thị Hoà sưu tầm ở Làng Mỹ Xuyên, Phước Tích
(12) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 1315.
(13) Bùi Minh Đức.2009.
Từ điển tiếng Huế. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. NXB.Văn học. Tr. 1351.




Các bài mới
Sau ngày mai (24/09/2010)
Các bài đã đăng