Tạp chí Sông Hương - Số 258 (tháng 8)
Thầy quản giáo đường
10:50 | 10/09/2010
LTS: William Somerset Maugham (1874 - 1965) là một nhà văn Anh nổi tiếng, viết nhiều, với bút pháp hiện thực sắc sảo, soi rọi những khía cạnh mâu thuẫn nghịch chiều của cuộc sống, phác hiện những nét sâu kín của bản tính con người. Lối văn của ông trong sáng, khúc chiết, ông lại có biệt tài dẫn truyện hấp dẫn, lý thú, đặc biệt phong cách của ông thường hài hước, sâu cay.Là nhà văn đa tài, ông vừa là tiểu thuyết gia có tiếng, vừa là người viết truyện ngắn bậc thầy, và cũng là một kịch tác gia thành công.
Thầy quản giáo đường
Nhà văn W. Somerset Maugham - Ảnh: Internet
Truyện ngắn “Thầy quản giáo đường” (The Verger) dưới đây thu hút độc giả bằng nghệ thuật lạ hóa được dẫn dắt qua tình huống nghịch lý không biết chữ vẫn thành công trong cuộc sống ở giáo đường cũng như kinh doanh. Dí dỏm, hài hước, đặc biệt cách kết thúc bằng tiếng cười mỉa hình như ông muốn người đọc khám phá một kiểu người thông minh bẩm sinh với kỹ năng sống tuyệt vời. Xử lý nghệ thuật bằng cách chọn điểm nhìn bên trong nhân vật chính phối kết với những hội thoại dí dỏm ngầm cũng là một nét thú vị của văn W.S Maugham.
TCSH



SOMERSET MAUGHAM


Thầy quản giáo đường


Chiều hôm ấy, có lễ rửa tội diễn ra tại Nhà thờ Thánh Peter, Quảng trường Neville, và thầy quản nhà thờ Albert Edward Foreman vẫn còn vận chiếc áo choàng quản giáo đường của ông trên mình. Ông vẫn để dành tấm áo mới của ông, với những nếp gấp còn nguyên vẹn và cứng đơ như thể nó được may từ chất đồng lưu niên, chứ không phải bằng len dệt từ lông lạc đà alpaca Nam Mỹ, nó chỉ chuyên dùng vào dịp các buổi cưới xin, ma chay (Nhà thờ Thánh Peter, Quảng trường Neville, là một nhà thờ được tầng lớp thượng lưu ái mộ những cuộc lễ này lắm!) và hiện giờ ông chỉ mặc chiếc áo hạng thứ mà thôi. Ông vận chiếc áo này, vẻ tự mãn, vì nó là biểu tượng trang nghiêm của chức vị ông, và nếu không mặc nó (đó là những khi ông phải cởi nó ra để về nhà), thì ông có cái cảm giác khó chịu là trang phục chưa được chỉn chu cho lắm. Ông chịu khó giữ gìn nó, ông tự tay là nó, gấp nó rất cẩn thận. Trong 16 năm ông làm thầy quản tại nhà thờ này, ông đã có một lô những chiếc áo như vậy, mà ông cũng không nỡ lòng nào quẳng chúng đi khi chúng đã sờn cũ. Lô áo ấy, đầy đủ không thiếu một chiếc, được gói gọn gàng bằng giấy dầu, nằm trong các ô kéo dưới cùng của chiếc tủ đứng kê trong phòng ngủ nhà ông.  

Thầy quản lặng lẽ làm việc, luôn chân, luôn tay, hết thay chiếc nắp gỗ ván sơn đậy trên bình nước thánh bằng đá cẩm thạch, lại chuyển đi một chiếc ghế mới được kê thêm cho một bà già ốm yếu, hom hem…, đoạn ông đợi cho cha sở xong xuôi mọi việc trong căn phòng áo lễ để ông có thể vào dọn dẹp trong đó rồi ra về. Ngay lúc ấy, ông trông thấy cha sở bước qua thánh đường, quỳ gối trước ban thờ chính, đoạn bước xuống lối đi giữa hai dãy ghế, nhưng ông vẫn còn vận chiếc áo choàng hành lễ của ông.

“Ông ta vẫn còn quanh quẩn ở đây để làm cái quái gì thế nhỉ?” Thầy quản tự hỏi, “ông ấy không biết là đã đến giờ mình phải về nhà uống trà rồi sao?”

Mãi tới gần đây cha sở mới được bổ nhiệm về nhà thờ này, một con người hoạt bát, da dẻ hồng hào, ngoài 40, nhưng Albert Edward vẫn còn tiếc luyến người tiền nhiệm của ông ta, vị cha sở trước kia, đó là một thầy tu thuộc trường phái cổ, ông giảng các bài thuyết pháp một cách chậm rãi bằng một giọng sang sảng và thường xuyên đi dự tiệc với những giáo dân thuộc dòng dõi quý tộc. Ông ấy thích cứ giữ nguyên mọi thứ trong nhà thờ, ông cũng không bao giờ gắt gỏng om sòm; ông không giống vị cha sở mới đến này, người chỉ thích chõ mũi vào tất cả mọi chuyện. Tuy vậy, Albert Edward là người biết chịu đựng. Nhà thờ Thánh Peter tọa lạc giữa một giáo xứ ôn hòa, giáo dân là lớp người rất ngoan đạo. Vị cha sở mới này từ Khu Đông tới và người ta không kỳ vọng ông ta sẽ có thể hòa nhập ngay lập tức với tất cả lối sống dè dặt, kín đáo của đám con chiên quý tộc này.

“Làm cái quái gì mà cứ nhặng xị ngậu cả lên!”, thầy quản Albert Edward tự nhủ. “Thôi được, cứ để cho ông ta có thời gian, rồi ông ta sẽ tự rút ra được những bài học kinh nghiệm cho bản thân mình.”

Khi cha sở bước xuống lối đi giữa hai hàng ghế, ông dừng lại ở khoảng cách đủ để nói với thầy quản mà không cần phải cao giọng quá mức cần thiết tại nơi thờ tự tôn nghiêm này.

“Foreman, ông hãy vào phòng áo lễ một phút, tôi có chuyện muốn nói với ông”.

“Vâng, thưa cha”.

Viên cha sở chờ cho ông theo kịp rồi cả hai cùng bước ngược lối đi.

“Tôi cho là buổi lễ rửa tội diễn ra rất tốt đẹp, thưa cha. Đứa bé nín khóc ngay lúc cha bế nó, trông thật ngộ nghĩnh”.

“Tôi nhận thấy chúng thường nín bặt,” cha sở nói, hơi nhếch mép cười. “Xét cho cùng, tôi đã làm biết bao lần như thế với chúng rồi”.

Niềm kiêu hãnh vẫn bị ghìm nén đối với cha sở là hầu như ông có thể làm cho một đứa bé đang khóc thút thít phải nín bặt bằng cái cách ông bế bổng nó lên, và ông cũng không phải là không thấy sự thán phục vui vui mà các bà mẹ và các cô hầu quan sát ông nhẹ nhàng ôm đứa bé vào chỗ thụng của chiếc áo tế. Thầy quản biết cứ tâng bốc ông ta là ông ta sẽ hài lòng.

Viên cha sở tiến trước thầy quản vào phòng áo lễ. Albert Edward hơi ngạc nhiên khi thấy có cả hai uỷ viên quản lý tài sản của giáo hội cũng có mặt trong đó. Ông không hề trông thấy hai người này vào từ lúc nào. Họ nhã nhặn gật đầu chào ông.

“Xin chào cha giám! Xin chào cha giám!”, ông chào từng người một.

Cả hai đều là những người luống tuổi, đã là uỷ viên quản lý tài sản ngay từ khi Albert Edward vào làm quản nhà thờ này. Giờ đây họ ngồi tại một chiếc bàn ăn rất đẹp mà nhiều năm trước đây, cha sở cũ đã đem từ xứ Italia xa xôi về. Cha sở ngồi xuống chiếc ghế trống. Albert Edward đứng đối diện với ba người, chiếc bàn ngăn đôi giữa ông một bên và ba người kia một bên, hơi thấp thỏm, bứt rứt, phân vân không biết có chuyện gì. Ông vẫn còn nhớ cái lần người đánh đàn organ gặp rắc rối và bọn họ đã ra sức bưng bít, ỉm mọi chuyện đi. Trong một nhà thờ như Nhà thờ Thánh Peter, Quảng trường Neville, họ không thể để cho có chuyện xì-căng-đan được. Trên khuôn mặt đỏ hồng của cha sở là một vẻ mặt nhân từ, cương quyết, nhưng hai người kia thể hiện nét mặt hơi bối rối trông thấy.

“Hẳn là ông ta đã cằn nhằn, rầy la họ gì đây,” Albert Edward tự nhủ, “hẳn ông ta đã buộc họ làm điều gì đó, mà họ không muốn đây. Đúng là như thế, ngẫm mà xem mình nói chớ có sai”.

Nhưng những ý nghĩ của ông không hiện lên khuôn mặt in đậm những nét sáng sủa, phương phi của ông. Ông đứng đó, với thái độ tôn kính, nhưng không khúm núm, xun xoe. Ông đã bắt đầu cuộc đời đi làm, ở toàn những nơi tốt cả, trước khi ông được bổ nhiệm vào chức vị này trong giáo hội, vả lại cách đi đứng, cư xử của ông không hề có điểm gì chê trách được. Thọat đầu, ông làm chú tiểu đồng tại tư thất một hoàng thân là thương gia, ông đã tiến dần lên chức người hầu thứ tư, rồi thứ nhất, trong một năm; ông đã đơn thương độc mã làm quản gia cho một phu nhân huân tước goá chồng; rồi cho đến trước khi vào làm việc tại Nhà thờ Thánh Peter này, ông còn làm quản gia, với hai người giúp việc dưới quyền, tại nhà một viên đại sứ về hưu. Ông cao, gầy, từ tốn và nghiêm nghị. Trông ông, nếu không giống một công tước thì ít nhất cũng giống một diễn viên thuộc trường phái cổ, chuyên đóng các vai công tước. Ông khéo xử sự, cương quyết và tự tin. Tính cách của ông không bắt bẻ vào đâu được.

Cha sở nhanh chóng đi ngay vào vấn đề.

“Ông Foreman ạ, chúng tôi có nhận được một tin không lấy gì làm vui cho lắm phải nói với ông. Ông đã ở đây nhiều năm và tôi cho rằng các vị ủy viên đây đều đồng ý với tôi rằng ông đã làm tròn trách nhiệm ở cương vị của ông khiến tất cả mọi người có liên quan đều cảm thấy hài lòng”.

Cả hai vị uỷ viên đều gật đầu tán thưởng.

“Nhưng hôm nọ, tôi được biết một điều vô cùng khác thường và tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải truyền đạt lại thông tin đó cho hai quý vị đây. Tôi kinh ngạc khi biết tin là ông không hề biết đọc, cũng chẳng biết viết nữa”.

Nét mặt của thầy quản nhà thờ không hề lộ vẻ gì bối rối, lúng túng cả.

“Cha sở trước đây cũng đã biết chuyện này, thưa cha”, Albert Edward đáp. “Cha ấy nói điều đó chẳng hề chi. Cha luôn luôn nói rằng thiên hạ ngày nay biết quá nhiều chữ nghĩa, không hợp với sở thích của cha”.

“Đây là điều đáng kinh ngạc nhất mà tôi chưa hề được nghe thấy bao giờ”, vị trưởng viện thốt lên. “Có phải ông đã làm thầy quản nhà thờ này 16 năm trời mà chưa bao giờ học đọc, học viết không?”

“Tôi bắt đầu đi làm hồi tôi 12 tuổi, thưa cha. Thoạt đầu, một người đầu bếp cố dạy tôi học, nhưng hình như tôi không có năng khiếu học hành, thế rồi hết việc này tiếp đến việc khác, tôi không còn có thời giờ nữa. Mà tôi cũng chưa bao giờ thực sự thấy có nhu cầu cần phải học cả. Tôi cho rằng nhiều người trong đám thanh niên ngày nay lãng phí quá nhiều thời gian vào việc đọc sách vô bổ, trong khi họ có thể làm những việc khác có ích hơn”.

“Thế ông không muốn biết tin tức à?” một vị uỷ viên quản lý lên tiếng hỏi. “Ông không bao giờ thấy cần phải viết một bức thư ư?”

“Không ạ, thưa ngài, tôi vẫn phấn đấu làm tốt mọi việc mà chẳng cần chữ nghĩa gì cả. Và những năm gần đây cho tới giờ, người ta đăng đầy hình ảnh trên các báo chí, chỉ cần xem những hình ảnh đó là tôi có thể biết được khá rõ những gì đang diễn ra. Nhà tôi là một người được học hành; nếu tôi muốn viết một bức thư, bà ấy lại viết giúp tôi. Tôi có cá cược gì đâu mà cần đến chữ nghĩa”.

Hai vị uỷ viên bối rối liếc nhìn vị cha sở, rồi cùng cúi gằm xuống bàn.

“Thế này nhé, ông Foreman ạ, tôi đã trao đổi kỹ vấn đề này với các vị đây và cả hai đều hoàn toàn nhất trí với tôi rằng tình hình như vậy là không ổn, không thể được. Tại một giáo đường như Nhà thờ Thánh Peter, Quảng trường Neville, chúng tôi không thể để có tình trạng một thầy quản không biết đọc biết viết được”.

Khuôn mặt gầy, tai tái của Albert Edward bỗng đỏ bừng, ông cảm thấy khó chịu trên đôi chân của ông, nhưng ông vẫn không đáp lại.

“Thông cảm với tôi, ông Foreman, tôi không có gì phàn nàn về ông cả. Ông hoàn thành công việc của mình rất xuất sắc. Tôi đánh giá cao nhất về cả tính cách lẫn năng lực của ông; nhưng chúng tôi không có quyền cho phép mình liều lĩnh, nhỡ có chuyện gì đó có thể xảy ra do tình trạng mù chữ đáng tiếc của ông gây nên thì nguy to. Đây vừa là vấn đề cẩn trọng vừa là nguyên tắc nữa”.

“Thế ông không thể học được à, ông Foreman?” vị trưởng viện hỏi.

“Không ạ, thưa cha, tôi e rằng tôi không thể học được, nhất là vào lúc này. Cha thấy đấy, tôi không còn trẻ như xưa kia nữa, và nếu như hồi còn trẻ tôi đã không thể nhét chữ vào đầu mình, thì bây giờ chắc tôi khó có thể học được”.

“Chúng tôi không muốn đối xử khắt khe với ông, ông Foreman ạ”, cha sở nói. “Nhưng tôi và hai vị uỷ viên quản lý đây đã quyết định rồi. Chúng tôi sẽ cho ông 3 tháng để học, và cuối thời gian 3 tháng đó, nếu ông vẫn không đọc và viết được, thì tôi e rằng ông sẽ phải thôi việc”.

Trước đây, Albert Edward không hề ưa vị cha sở mới này. Ông cho rằng người ta đã phạm một sai lầm khi họ bổ nhiệm ông ta về Nhà thờ Thánh Peter. Vì ông ta không phải là “típ” người mà họ mong muốn với một giáo đoàn quý phái, sang trọng như thế này. Giờ đây, Albert Edward ưỡn thẳng người. Ông biết giá trị của mình và ông sẽ không cho phép mình bị người khác o ép. “Tôi rất lấy làm tiếc, thưa cha. Tôi e rằng như thế không ổn. Tôi đã có tuổi rồi, không thể học hành được nữa. Tôi đã sống bao nhiêu năm nay mà không cần biết đọc, biết viết. Tôi cũng không muốn ngợi ca mình; tự khen là điều không nên. Nhưng tôi không ngại nói rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong trạng thái mà ý Chúa đã đặt tôi trong đó; cho dù bây giờ tôi có khả năng học được đi chăng nữa, thì tôi cũng không biết là tôi có còn muốn học nữa hay không”.

“Trong trường hợp đó, ông Foreman à, tôi e rằng ông sẽ phải ra đi thôi”.

“Vâng, thưa cha, tôi hiểu rất rõ điều đó. Tôi rất vui được làm điều đó, ngay khi cha tìm được người thế chân tôi, tôi sẽ xin nghỉ ngay”.

Tuy vậy, khi Albert Edward đóng cửa, với thái độ lễ phép thường lệ, sau lưng cha sở và hai vị uỷ viên quản lý, ông không còn giữ được cái vẻ thản nhiên điềm tĩnh mà ông đã thể hiện lúc đột nhiên ông bị giáng một đòn chí mạng nữa, giờ đây đôi môi ông run lên. Ông chậm rãi quay trở lại phòng áo lễ rồi treo chiếc áo choàng của ông lên đúng cái móc dành cho nó. Ông thở dài não nuột khi ông nghĩ tới những đám tang lớn, những đám cưới sang trọng mà ông đã từng được chứng kiến. Ông thu dọn mọi thứ, khoác áo, tay cầm mũ, rồi bước xuống lối đi giữa hai hàng ghế. Đoạn ông khoá trái cửa nhà thờ sau lưng ông. Ông đi bộ ngang qua quảng trường, nhưng giữa những ngổn ngang, suy nghĩ buồn rầu, ông đã không đi theo con đường dẫn ông về nhà, nơi có ấm trà đặc, thơm nóng, đang chờ đợi ông, ông đã rẽ nhầm đường. Ông chậm rãi bước dọc theo dãy phố. Trái tim ông nặng trĩu. Ông không biết rồi đây ông sẽ làm gì với chính bản thân ông nữa. Ông không thể hình dung nổi cái ý nghĩ quay trở lại cuộc sống gia đình; sau khi ông làm chủ bản thân ông trong bao nhiêu năm ấy, bởi vì cho dù vị cha sở và các uỷ viên quản lý có thể nói những gì họ muốn đi chăng nữa, nhưng chính ông mới là người thực sự điều hành Nhà thờ Thánh Peter, Quảng trường Neville, cho nên ông khó có thể hạ mình bằng cách chấp nhận tình trạng như vậy. Ông đã tiết kiệm được một món tiền kha khá, nhưng không đủ để cứ dựa vào đó mà sống không cần làm gì cả, trong khi giá sinh hoạt dường như mỗi năm một đắt đỏ hơn. Trước kia ông chưa bao giờ phải bận tâm suy nghĩ đến những vấn đề như vậy. Các thầy quản Nhà thờ Thánh Peter, giống như những đức giáo hoàng của Thành Roma, là những người phụng sự Chúa tại vị suốt đời. Ông vẫn thường mường tượng ra cái cảnh cha sở nhắc đến công lao lâu năm, trung thành và tính cách gương mẫu của ông quản nhà thờ quá cố của họ, ông Quản Albert Edward Foreman, trong bài giảng đạo tại buổi lễ ban chiều ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi ông qua đời. Ông lại thở dài não nuột.

Albert Edward là người không hay hút thuốc lá, đồng thời cũng là người tuyệt đối không uống rượu, nhưng chỉ trong một phạm vi nào đó thôi, có nghĩa là ông cũng thích có một cốc bia trong bữa cơm chiều, và khi nào thấm mệt, ông cũng tự cho phép mình được thưởng thức một điếu thuốc lá. Chính lúc này đây, một điếu thuốc có thể an ủi ông, có thể làm cho ông cảm thấy khuây khỏa, mà ông lại không đem theo thuốc bên mình, cho nên ông nhìn quanh xem có hiệu bán thuốc lá nào không để ông mua một bao Gold Flake. Nhưng ông không tìm ra được một cửa hiệu nào gần đó, và vì thế ông lại tiếp tục đi xa hơn chút nữa. Đó là một dãy phố dài, có đủ các loại cửa hàng, cửa hiệu, nhưng tuyệt nhiên không hề có một hiệu nào bán thuốc lá cả.

“Lạ thật!”, Albert Edward thầm thốt lên.

Để bảo đảm cho chắc chắn, ông đi đi lại lại dọc suốt dãy phố ấy một lần nữa. Không, không còn nghi ngờ gì nữa về chuyện này. Ông dừng bước, vừa nhìn quanh vừa suy nghĩ. “Mình không thể là người duy nhất đi dọc con đường dài ngoẵng này muốn có được một điếu thuốc để hút”, ông tự nhủ. “Mình chẳng cần phân vân, hồ nghi gì, nhưng chắc chắn người nào có được một cửa hiệu nho nhỏ ở đây thì kiếm tiền phải biết. Chỉ cần bán thuốc lá và bánh kẹo thôi”.

Ông chợt giật mình.

“Đó là một ý nghĩ hay”, ông tự nhủ. ‘Thật lạ là những ý tưởng hay thường nảy ra trong óc ta khi ta ít ngờ tới nhất”.

Ông quay gót, trở về nhà uống trà.

“Chiều nay, mình có vẻ trầm ngâm, ít nói, Albert”, vợ ông nhận xét.

“Mình đang suy nghĩ”, ông đáp.

Ông cân nhắc, cứu xét đủ mọi góc cạnh của vấn đề, rồi ngày hôm sau ông lại đi dọc theo dãy phố ấy một lần nữa, và may mắn thay, ông tìm thấy một cửa hiệu nhỏ cho thuê, đúng như mong muốn, trong kế hoạch của ông. Hai mươi bốn giờ sau, ông thuê luôn cửa hiệu đó, và một tháng sau ông vĩnh viễn rời Nhà thờ Thánh Peter, Quảng trường Neville. Albert Edward Foreman mở cửa hiệu kinh doanh thuốc lá và bán báo. Vợ ông cho rằng đó là một bước sa cơ, xuống dốc dễ sợ, sau khi đã làm quản Nhà thờ Thánh Peter, nhưng ông đáp ta phải chuyển biến theo thời cuộc, “thời thế, thế thời, thời phải thế”, nhà thờ ngày nay không còn như xưa nữa, và do đó, của thiên ta phải trả địa thôi.

Albert Edward làm ăn rất phát đạt. Ông kiếm được nhiều tới mức sau một năm gì đó, ông chợt nảy ý nghĩ ông có thể thuê thêm một cửa hiệu nữa và mướn người quản lý. Ông tìm kiếm một đường phố dài khác mà không có một hiệu bán thuốc lá nào, và khi đã tìm được rồi, với một cửa hiệu cho thuê, ông thuê liền và mở cửa hàng bán luôn. Cửa hiệu này cũng thành công. Rồi ông lại chợt nảy ý nghĩ, nếu ông có thể quản hai cửa hiệu, thì chắc hẳn ông cũng có thể quản nửa tá cửa hàng, và thế là ông bắt đầu cuộc săn lùng khắp thủ đô Luân-Đôn; bất cứ khi nào ông thấy có một đường phố dài, không có cửa hàng bán thuốc lá, lại có cửa hiệu cho thuê là ông thuê liền. Trong vòng mười năm, ông đã mở có đến một chục cửa hiệu, và công việc kinh doanh của ông hái ra tiền. Cứ mỗi sáng thứ hai hàng tuần, ông lại làm một vòng tới các cửa hiệu của ông, để thu gom số tiền kiếm được trong tuần, rồi đem gửi nhà băng.

Một buổi sáng, khi ông tới ngân hàng để gửi tiền gồm một bọc toàn tiền giấy và một túi nặng đựng toàn tiền đồng, thì người thủ quỹ nói giám đốc ngân hàng muốn gặp ông. Ông được dẫn vào văn phòng và viên giám đốc bắt tay ông.

“Ông Foreman, tôi muốn trao đổi với ông về số tiền ông gửi tại ngân hàng chúng tôi. Ông có biết chính xác số tiền đó lên đến bao nhiêu rồi không?”

“Không chính xác tới từng đồng, thưa ông, nhưng tôi cũng có thể ang áng tổng số tiền ấy của tôi là bao nhiêu”.

“Không kể số tiền ông gửi sáng nay, thì tổng số lên tới hơn ba mươi ngàn bảng Anh rồi. Đó là một khoản tiền rất lớn ký gửi tại ngân hàng; tôi thiết nghĩ ông nên đem số tiền đó đưa vào đầu tư thì hơn”.

“Tôi không muốn liều lĩnh chuốc lấy rủi ro, thưa ông. Tôi biết cứ gửi ngân hàng là an toàn hơn cả”.

“Ông không việc gì phải lăn tăn, lo lắng gì hết. Chúng tôi sẽ chuyển cho ông một danh mục liệt kê toàn những cổ phiếu tuyệt đối an toàn. Chúng sẽ đem lại cho ông một lãi suất cao hơn ngân hàng chúng tôi có thể trả cho ông”.

Một thoáng bối rối hiện trên khuôn mặt quắc thước của ông. “Tôi chưa bao giờ giao dịch có dính dáng đến cổ phiếu với chứng khoán cả; tôi xin gửi gắm tất cả trong tay các ông”, ông nói.

Viên giám đốc ngân hàng mỉm cười. “Chúng tôi xin lo liệu mọi thứ, ông đừng lo. Tất cả những gì mà ông phải làm lần sau ông tới là chỉ phải ký vào các giấy chuyển khoản mà thôi”.

“Tôi có thể làm điều đó được thôi”, Albert nói, giọng không quả quyết lắm. “Nhưng làm thế nào tôi biết được là tôi ký những giấy tờ gì?”

“Tôi cho rằng hẳn ông phải biết đọc chứ”, viên giám đốc ngân hàng nói, có vẻ hơi sẵng giọng một chút.

Ông Foreman mỉm nụ cười hiền hòa, xoa dịu.

“Vâng, thưa ông, chính thế đấy. Vấn đề là ở chỗ ấy đấy. Tôi không biết đọc. Tôi biết, chuyện này nghe có vẻ hơi khôi hài, nhưng thực tế là như vậy đấy. Tôi không biết đọc mà cũng chẳng biết viết, chỉ ký mỗi tên tôi thôi, mà tôi cũng chỉ học ký mỗi tên tôi khi tôi bước vào kinh doanh”.

Viên giám đốc ngạc nhiên tới mức ông ta nhổm ngay dậy khỏi ghế ông ta đang ngồi.

“Đây là chuyện lạ đời nhất mà tôi chưa từng nghe thấy bao giờ”.

“Ông thấy đấy, thưa ông, vấn đề là như thế này, tôi không có cơ hội được học hành cho tới khi đã quá muộn và rồi tôi cũng không muốn học nữa. Tôi có hơi cứng đầu cứng cổ, bướng bỉnh tí chút thôi”.

Viên giám đốc trân trân nhìn ông, như thể ông là một con quái vật thời tiền sử vậy.

“Ý ông muốn nói rằng ông đã xây dựng cả cái cơ ngơi kếch xù này, gom góp được cả một gia tài ba mươi ngàn bảng Anh, mà lại không biết đọc biết viết gì, có đúng thế không ạ? Lạy Chúa lòng lành, ông ơi, nếu như ông biết đọc, biết viết thì giờ đây ông đã làm nên đến gì rồi nhỉ?”.

“Tôi có thể trả lời cho ông biết ngay, thưa ông”, ông Foreman nói, mỉm nụ cười trên khuôn mặt vẫn còn nét quý tộc của ông. “Tôi sẽ làm thầy quản giáo đường của Nhà thờ Thánh Peter, Quảng trường Neville, thế thôi!”

ĐIỀN THANH
(dịch từ nguyên bản tiếng Anh
truyện ngắn nhan đề The Verger)

(258/8-10)






Các bài mới
Sau ngày mai (24/09/2010)
Các bài đã đăng