Tạp chí Sông Hương - Số 258 (tháng 8)
“Không chồng mà chửa mới ngoan”
09:35 | 21/09/2010
NGUYỄN TIẾN VĂNMột trong những câu ca dao rất thông dụng phổ biến nhưng không phải là đơn giản và dễ nắm bắt nội dung: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường”. Ở đây mắt của câu này là chữ ngoan. Vậy ngoan là gì?
“Không chồng mà chửa mới ngoan”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn - Ảnh: SH

Theo Đại nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (xuất bản tại Sài Gòn, 1895-1896) chữ ngoan được sắp vào loại chữ Nho (để phân biệt với những từ thuộc loại chữ Nôm) và giải nghĩa là cứng cỏi, ngu si, khôn khéo? Tác giả cho những từ kép như: ngoan ma là chai sầm (nói về da thịt); ngoan ngạnh là cứng cỏi, chống báng; ngoan dân là dân khó trị; ngoan nhiên là tự nhiên như một cái cây, một cục đá, không có trau dồi. Thành ngữ được nêu ra là có gian có ngoan: “đứa biết làm điều gian ác, làm sao cũng quỷ quái”; ngoan ngùy là khôn ngoan, nhơn lành; ngoan đạo là giữ đạo tốt, có lòng đạo đức.

Linh mục An-tôn Trần Văn Kiệm trong sách Giúp đọc Nôm và Hán - Việt (nhà xuất bản Đà Nẵng kết hợp với Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm, 2004) kĩ lưỡng hơn, phân biệt hai hình thức và ý nghĩa của chữ ngoan, tuy cùng viết với một tự dạng như nhau, tức là chữ “nguyên” - nghĩa là đầu tiên, và bộ “kiến” - nghĩa là thấy; ghép với nhau mà thành. Trong chữ Nho, ngoan là ngu không biết gì (ngoan độn) và vô tri vô giác (ngoan thạnh), khó bảo (ngoan cố; ngoan địch tức kẻ địch khó trị), và hay phá nghịch (ngoan bì; ngoan đồng). Trong chữ Nôm, ngoan chỉ có nghĩa là dễ bảo (ngoan đạo; ngoan ngoãn).

Như vậy chúng ta đứng trước một trường hợp đặc biệt là một chữ ngoan có cả hai nghĩa hoàn toàn đối lập nhau, mâu thuẫn nhau: khó bảo và dễ bảo. Phải hiểu thế nào đây?

Thành ngữ thông dụng nhất có gian có ngoan hoặc trong dạng phủ định có gian mà không có ngoan cho thấy về mặt thông minh, chứ không phải về mặt đạo đức ý nghĩa đặc biệt này của chữ ngoan, cũng như trong câu ca dao: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Khôn ngoan ở đây từ phạm trù trí tuệ đã có lan sang phạm trù đạo đức xã hội, đề cao tinh thần dân tộc chống ngoại xâm và tránh tranh chấp nội bộ.

Về mặt ngôn ngữ học, người sáng lập ra khoa phân tâm học là Sigmund Freud đã dùng vô thức của cộng đồng các tộc người thời sơ nguyên để giả thiết là ban đầu rất nhiều từ mang trong bản thân cả hai nghĩa mâu thuẫn, và nêu giả thuyết rằng đây là những từ tối cổ chưa bị phân hoá theo nhị nguyên thành hai mặt đối lập nhau. Freud dùng những thí dụ cho những ngôn ngữ ở châu Âu. Để đối chiếu với tiếng Việt cho dễ hiểu, tôi xin nêu một vài trường hợp tương ứng. Thí dụ từ có mùi có thể vừa hiểu là thơm hoặc là thối. Sơ/xưa có thể hiểu là ban đầu và/hoặc một thời điểm xa xôi trong quá khứ. Đĩ có thể hiểu là con gái thông thường (thằng cu, con đĩ) hoặc là người đàn bà phải bán dâm.

Trường hợp chữ ngoan trong hai nghĩa mâu thuẫn nhau của bướng bỉnh, khó bảo, cứng đầu, ngu ngốc, tinh quái trong chữ Nho; và thông minh, khôn ngoan, dễ dạy trong chữ Nôm không phải là một từ tối cổ, nhưng là một từ đã có mặt từ một hai ngàn năm trong tiếng nước ta. Đây là một thí dụ rất tiêu biểu cho hai cách hiểu khác nhau của hai tộc người, hai truyền thống văn hoá có giao lưu, chung đụng nhưng không bị trộn lẫn, đồng hoá.

Có thể hiểu gốc nghĩa của cả hai cách sử dụng này xuất phát từ ngay hình dạng của chữ: nguyên (ban đầu, gốc gác) và kiến (cái nhìn, quan điểm, bản sắc). Những từ ngữ kiêm dụng được cả hai nghĩa này là ngoan cố (nhất định giữ lập trường của mình) và ngoan cường (mạnh mẽ bảo vệ bản thân, đề kháng mọi đàn áp, chi phối).

Trong cái nhìn của kẻ đi chinh phục thì kẻ ngoan cố giữ bản tính, bản chất, bản sắc của mình là ngu ngốc, khó bảo, không vâng lời. Trong cái nhìn của kẻ tự vệ không muốn bị đồng hoá thì ngoan cường mới là khôn ngoan, mới là người ngoan, mới là giá trị phải phát huy để sống còn và không bị tha hoá, mất chất.

Đây là một thí dụ rất đặc sắc tiêu biểu cho cách hiểu của tổ tiên chúng ta xưa trong cả ngàn năm phải bảo vệ tiếng nói và bản sắc văn hoá của dân tộc. Trong quan điểm của thực dân ngoại xâm thì kẻ bị trị không chịu đồng hoá theo là phần tử ngoan cố. Trong con mắt của chúng ta, đó mới là những “người ngoan” (cường), những đứa con yêu của tổ quốc.

Còn nhớ thời thực dân Pháp, câu nói cửa miệng của các quan Tây cai trị là: “Tous les annamites sont des menteurs, voleurs, assassins” (Tất cả lũ An Nam đều là bọn nói dối, ăn trộm, giết người). Khi còn nhỏ tôi rất cảm thấy nhục nhã khi nghe những câu nói như thế. Cho mãi khi tới tuổi hai mươi tôi mới được một người thầy giảng cho là: “Người Việt chúng ta phải nói dối với Tây để bảo tồn đồng bào xóm làng; phải lấy lại một phần nào có thể khi bọn cướp nước đã chiếm lấy tất cả của chúng ta; phải giết chúng bằng mọi cách tinh ma quỷ quái để chúng phải cuốn gói khỏi đất nước này”.

Trong ca dao tiếng người ngoan là tiếng gọi rất thân thương cũng như người ngay, người khôn vậy.

“Người ngoan lên bãi hái chè
Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi”.

“Người ngoan mà lánh vườn hoa
Khen ai tỏ nẻo cho ta biết chàng
Hai ta cùng tổng khác làng
Khen ai tỏ nẻo cho chàng biết ta”.

“Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo”.

Tục ngữ có câu: “Nôm na là cha mách qué”. Mách qué là ăn nói thô tục, láo khoét, không thể tin được vì là nói hai nghĩa, là giở quẻ, là trở quẻ, là tinh quái, là mánh khóe, là biến báo như 36 chước, 64 quẻ - là cách nói chỉ có người trong nước mới hiểu với nhau, thậm chí để an toàn bảo mật phải nói lái, nói tiếng lóng, nói tiếng địa phương để chỉ có những người một xóm, một làng, một tổ chức hiểu với nhau. Đó là một trong những phương châm “phòng gian bảo mật” với ngoại bang để giữ nước.

Vậy thì “cương vực đã định tại sách trời, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Khi Mã Viện dẹp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 43 Công nguyên) có kiểm kê hộ khẩu và thấy rằng dân Việt có khoảng một triệu rưỡi nhân khẩu và luật tục khác với người Hán ở 11 điểm căn bản. Trong 11điểm đó, một điểm khác biệt quan trọng là về quan hệ nam nữ.

“Không chồng mà chửa” trong phong tục bị coi là chửa hoang, như trường hợp của Thị Màu trong vở chèo Quan Âm Thị Kính. Thị Màu vì lên chùa gặp tiểu Kính Tâm đem lòng thương yêu mãnh liệt mà không có chỗ phát tiết nên ăn nằm với một tá điền, mang bầu và bị làng phạt vạ.

Phạt vạ là một hình thức dùng tiền bạc, trâu bò tức là thuế đánh vào những gia đình có con cái không kết hôn mà có quan hệ trai gái dẫn tới sinh con. Những hình thức khắc nghiệt hơn là: “gọt gáy bôi vôi”, “thả bè trôi sông”, “trầm lồng heo” (cho vào giỏ bỏ thêm đá và thả xuống sông). Nghe thì tàn nhẫn thiếu tình người nhưng thực chất thì thường chỉ là những hình phạt tượng trưng nhiều hơn là trí mạng, cốt để răn đe giữ thuần phong mĩ tục và đa số được người nhà hoặc chính xóm làng cứu vớt lên sau khi đã đạt được mục đích nêu gương.

Một trong những cách phản ứng của tổ tiên ta chống lại quyết liệt với lễ giáo phong kiến trọng nam khinh nữ của nhà Hán khắt khe là thuận thụ về mặt hình thức và ở triều đình trung ương, trong khi vẫn giữ lề thói tự nhiên phóng khoáng trong đời sống thường ngày. Đó là tinh thần của câu tục ngữ: “Phép vua thua lệ làng”. Và trong sự đề kháng này có sự phân công khá rõ rệt: chống ngoại xâm là trách nhiệm chính của người trai lo việc nước:

“Làm trai cho xứng nên trai
Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên”.

Còn người con gái thì lo hết việc nhà từ cái ăn, cái mặc, đến nuôi con, nuôi mẹ cha “lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”.

Từ năm 1940, trong cuốn Kinh thi Việt Nam (nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà Nội) Trương Tửu đã viết: “Ở xứ ta, đàn bà không đủ sức giữ chính quyền (quân bị ở cả tay vua quan) nên họ đòi cái quyền sống tự do về tình cảm và nhiều quyền lợi khác. Các nhà cầm quyền cũng phải thể cái xu hướng ấy mà san định pháp luật. Cho nên nhiều khi luân lí thì cay nghiệt với đàn bà mà phong tục và pháp luật lại bênh vực, tôn trọng họ”. Bộ Luật Hồng Đức đời Lê Thánh Tông là một thành tựu vẻ vang tiến bộ của Việt Nam vào thế kỉ 15 khi người con gái/đàn bà được chia gia sản và được bảo vệ cặn kẽ trong thể chế hôn nhân. Nếu chúng ta nhớ lại rằng Cách mạng Pháp 1789 với Tuyên ngôn Nhân quyền và Cách mạng Hoa Kì 1776 với Tuyên ngôn Độc lập chủ yếu cũng chỉ là bảo vệ quyền người đàn ông; và phụ nữ phương Tây đến thế kỉ 20 mới được quyền bỏ phiếu sau rất nhiều vận động tranh đấu cho phụ nữ đầu phiếu (suffragettes) ở thế kỉ 19 và tranh đấu nữ quyền ở thế kỉ 20 - thì chúng ta tự hào là phụ nữ Việt Nam nhờ bình đẳng trong sản xuất và cả chiến đấu (‘giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’) đã không thua sút đến khỏi hổ thẹn với các chị em mình khắp năm châu.

Trương Tửu cũng viện dẫn tác phẩm La Condition de la femme dans les diverses races et civilisations (Thân phận phụ nữ trong nhiều chủng tộc và văn minh phức biệt) của nhà nhân loại học Charles Letourneau cho biết rằng “ở xứ sở bán khai nào cũng có một nền văn chương hoa tình - nhất là thơ (poésie érotique) và thứ thơ dâm ấy thường là sản phẩm của phụ nữ. Nữ sĩ huê tình ở các dân tộc Phi châu chiếm một số lượng khá lớn”.

Gọi là dâm đãng (pornographie) chỉ là cách nhìn đánh giá từ góc độ luân lí hẹp hòi phụ quyền và nam quyền độc tôn và húy kị những biểu lộ tự nhiên của đời sống và tình cảm. Những phương châm hương nguyện giả hình kiểu “nam nữ thụ thụ bất tương thân” (trai gái trao và nhận không được chạm vào thân thể nhau), hoặc “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai gọi là có con, mười gái gọi là không có đứa nào) hay “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (không có hiếu có ba điều, mà không có con trai là lớn nhất) đã bị đời sống lao động, sinh hoạt ở nông thôn phủ định trong thực tế. Thơ văn truyền miệng và phong tục của các dân tộc miền núi còn giữ được nhiều nét hồn nhiên thuần phác không bị nhiễm ảnh hưởng độc tôn nam quyền và phụ quyền của Hán tộc còn hơn cả người Kinh chúng ta nữa. Đặc biệt nhất là sự tự do giao lưu, kết bạn, khiến ái giữa trai gái. Chế độ mẫu hệ và sự tôn kính người mẹ, người chị, người con gái và cả cõi tự nhiên là mẹ trời mẹ đất, là cơ sở thâm sâu cho sự bảo tồn bản sắc này.

Tất cả những giáo lí và luân lí đề cao đàn ông đều làm việc tráo trở đầu tiên là giành lấy quyền sáng tạo lớn nhất là sáng tạo đời sống cho đàn ông. Đây là sự tước đoạt xảy ra trong thời đồ đá mới cùng với việc đời sống của các tộc người từ lang thang biến thành định cư, phác kiến nông nghiệp, thiết chế chiến tranh, và sự hình thành quyền lực trung ương của nhà nước - bộ tộc khoảng non mười ngàn năm trước hiện tại.

Mọi nền văn hoá cổ sơ nhất đều thờ hình tượng người đàn bà với chức năng sinh sản còn để lại trong những tượng đá, điêu khắc, tranh vẽ khắp các lục địa từ khoảng 35 ngàn năm đến khoảng 10 ngàn năm trước hiện tại.

Các nhà nhân loại học (anthropologie/ ethnologie) gọi đây là tín ngưỡng phồn thực tức thờ sự sinh sản, phong phú của cả con người và mùa màng (culte de la fertilité).


Trong tín ngưỡng phồn thực vinh danh sự sinh nở thì bà mụ qua hình tượng có thực của người giúp việc ra đời của đứa bé được tôn kính như người mẹ thứ nhì (mụ là một biến thể của mẹ). Sự sinh nở được quý trọng thì sự mang thai có bầu cũng là một tin mừng, không những cho người đàn bà đó mà còn cho cả cộng đồng. Vị thế của cái thai trong bụng mẹ được gọi là ngôi. Ngôi thuận là thế sinh với đầu đứa bé ra trước. Ngôi ngược hoặc nghịch là thế sinh bất tiện khi hai chân ra trước - và bà mụ phải thăm dò và nắn lại cho khỏi có sự đáng tiếc xảy ra. Trong chữ Nôm các tiếng người, ngài cùng được biểu hiện bằng một chữ duy nhất. Mỗi người đều đáng tôn vinh vì đều là một bắt đầu thiêng liêng với tiềm năng bất ngờ và vô tận. Trong chữ Nôm chữ ‘chửa’ gồm bộ nữ và chữ chư và mang hai chữ tương ứng: người mang thai và lúa ngậm đòng đòng, hay lúa có chửa. Lúa cho hạt gạo là thực phẩm chính để nuôi mạng sống cá nhân mỗi người - và người đàn bà mang thai (có chửa là có người chưa thành, sắp thành) để trường tồn nòi giống. Lúa là sản xuất (production) và người có chửa là tái sản xuất (reproduction). Đó là hai hoạt động cơ bản của loài người.

“Không chồng mà chửa” tức là nêu vai trò chủ chốt của người đàn bà trong chức năng sinh sản. Người đàn ông tất nhiên phải có, nhưng chỉ đóng một vai trò phụ thuộc, tình cờ - ai cũng được, ai không cần biết. “Cá nào vào ao của ta là cá của ta”.

Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, chắc chắn người đàn bà Việt Nam đã phải chung đụng với người ngoại bang dị tộc mà thơ ca, ca dao còn ghi lại dấu ấn:

“Ba mươi Tết, Tết lại ba mươi
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú Khách
Một tay cầm cái dù rách
Một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông
Em trông sang nước người
Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi!
Một tay em cầm quan tiền
Một tay em xách thằng bù nhìn em ném xuống sông
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
Ối ai ơi! Của nặng hơn người!”

Chú Khách hay khách trú (các chú), hay chú chiệc là chỉ người Hoa từ phương Bắc tới. Khách trú tức là người ở trọ, không phải quê hương bản thổ và sẽ có ngày Tết về Tàu. Ngô đây là vùng đất phân chia phía Đông Nam Trung Quốc từ thời Xuân Thu (thế kỉ thứ 8 TCN) đến thời Tam quốc (thế kỉ thứ 3 TCN) giáp giới Việt Nam tức Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang bây giờ. Nặng là trọng, nhẹ là khinh. Trọng quan tiền và khinh bù nhìn. Đó là tâm trạng của những người đàn bà Việt Nam bất đắc dĩ phải lấy người nước ngoài. Thể tự do trong mỗi chữ mỗi câu và cách gieo vần cho thấy là bài này làm rất sớm, khi thể lục bát quy phạm chưa thành hình ổn định. Bài này có thể cũng diễn tả tâm sự của những người đàn bà Việt Nam phải quan hệ, rồi có chửa, có con với người nước ngoài thời Pháp, thời Nhật, thời Mĩ sau này và biết đâu cho cả hàng triệu những cô gái tự nguyện hay miễn cưỡng phải đi với người nước ngoài (như Đài Loan, Hàn Quốc…) bây giờ nữa. Bài Cái cò mà đi ăn đêm với câu kết:

“… Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”

…là một lời phó thác chung thân: tôi không phải là hoàn cảnh bình thường vì cò có bao giờ đi ăn đêm, nhưng tôi không có lòng dạ nào phản bội, không vì “đục nước” mà “béo cò”, nên xin cho tôi được xáo (chết) với nước trong để khỏi đau thương cho đàn con trẻ.

Tín ngưỡng phồn thực không phải chỉ tôn thờ người mẹ qua sự sinh nở mà còn tha thiết đến tương lai, đến đứa con, đến thế hệ trẻ, tức lũ cò con.

Với dân số khoảng một triệu rưỡi người vào đầu Công nguyên tức cách đây 2.000 năm, với khoảng 10 triệu người vào đầu thế kỉ 11 (năm nay là kỉ niệm ngàn năm Thăng Long) nếu không có sự tôn thờ đứa trẻ “tre già măng mọc”, “con hơn cha là nhà có phúc”, “người trồng cây hạnh người chơi/ ta trồng cây đức để đời về sau” thì làm sao dân số Việt Nam bây giờ lên đến gần trăm triệu, đứng vị thế 12 so với hơn 200 nước trên hoàn cầu. Hơn nữa, trong lúc dân số các nước phát triển đang lão suy và có xu hướng tiết giảm từ nửa thế kỉ nay suốt từ châu Âu đến Nhật Bản, thì tháp tuổi Việt Nam là rất trẻ, với ¾ ở dưới độ tuổi 35. Mà tuổi trẻ là quan trọng.

Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, chúng ta thấy có hai xu hướng biến đổi quan trọng về mặt luân lí xã hội:

Một là, sau sự đe doạ của huỷ diệt và chết chóc, một thế hệ trẻ lớn lên và lạc quan yêu đời hơn bao giờ hết. Quan hệ hạnh phúc của họ rất cụ thể, đơn sơ và họ như sống hưởng thụ để bù lại một giai đoạn gian khổ thiếu thốn của bản thân hoặc của thế hệ trước. Thế nên dân số tăng vọt, hơn gấp đôi chỉ trong vòng 25 năm, dù với tất cả những biện pháp mà quốc gia và quốc tế đang lo kế hoạch hoá gia đình hay hạn chế sinh sản trong gia đình hai con. Theo báo cáo của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở bệnh viện hộ sản Từ Dũ (2001) thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có 100.000 em bé ra đời và có đến 130.000 vụ phá thai. Trong năm nay (2010) các mạng lưới trời Internet thông báo tỉ lệ truy cập các trang mạng tính dục ở Việt Nam là ở vào mức cao nhất so với cả thế giới.

Hai là, sau 30 năm chiến tranh trường kì nhiều làng xóm Việt Nam không còn đủ nam giới, nhà văn Dương Hướng đã cực tả điều này trong tiểu thuyết Bến không chồng (1990). Cho nên nhiều cô gái và phụ nữ Việt Nam đã chọn việc chủ động có con mà không cần có chồng. Một hợp tác xã trồng trà trên Phú Thọ chỉ có một người đàn ông tuổi xế chiều cho hơn 200 nữ công nhân đủ các lứa tuổi.

Gia đình và xã hội cũng thích nghi và bao dung nên bây giờ không mấy ai còn lên án những cô gái/đàn bà chọn giải pháp có con để được sống trọn chức năng làm mẹ, chăm sóc cho đứa trẻ mình đẻ ra và có chút ấm áp của tình người ruột thịt lúc về già.

Thống kê về quan hệ nam nữ là một vấn đề nhạy cảm và tế nhị nhưng ai cũng thấy được là xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều so với một hai thế hệ trước. Bây giờ không còn thông dụng những lối nói như: “mang ba lô ngược” cho người có chửa, hay “ăn cơm trước kẻng” cho quan hệ tính dục trước hôn nhân nữa (trước đây gọi là “tiền dâm hậu thú”, tức ăn nằm với nhau trước khi kết hôn có giá thú).

Vậy thì đọc lại câu ca dao cổ: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường” chúng ta phải hiểu không phải theo tinh thần chế giễu, châm biếm, mà là thái độ tự xác định, tích cực của chị em phụ nữ ngày xưa cũng như ngày nay. Ngoan đây là ngoan cường, khôn ngoan, chứ không phải là ngoan cố, ngu si.

Trước khi chấm dứt bài này tôi xin kể lại để đính chính một câu tục ngữ rất thông dụng trong mọi sách giáo khoa bây giờ.
Đó là câu: “Người ta là hoa của đất”.

Năm 1995, tôi có may mắn được gặp và trò chuyện, học hỏi về tục ngữ ca dao với giáo sư Nguyễn Kim Thản - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Việt Nam - tại thành phố Toronto, Canada khi ông sang thăm người con trai đang học chương trình tiến sĩ toán tại đại học Waterloo, cách Toronto khoảng trên 100km. Nguyễn Kim Thản cho biết ông đã đi khảo sát điền dã về ngôn ngữ tại Thanh Hoá và được mấy bà cụ già ở đó cho biết là câu tục ngữ đó bị ghi chép sai. Thực ra câu đó là: “Nguời ta là hoa của đách”. Đách là một từ cổ được bảo lưu ở phương ngữ Thanh Hoá để chỉ bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ quan sinh dục của người nữ mà ngày nay người ta gọi thông tục là mồng đóc hoặc ghe. Từ này trong ngôn ngữ cơ thể học sinh lí gọi là âm hạch (clitoris). Vì hình thù và chức năng của nó giống như chiếc thuyền lèo lái cuộc tình lứa đôi, tên nó lại là ghe, nên người Việt miền Bắc tránh gọi chữ này cho phương tiện vận chuyển trên nước mà gọi bằng thuyền hoặc tàu. “Người ta là hoa của đách” là sự xưng tụng người nữ trong chức năng làm mẹ tuyệt vời nhất. Chữ đách này đã có xuất hiện trong Tự điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes in ở Roma năm 1651, và cả trong tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, định nghĩa mồng đóc là “cục thịt ở trên cửa mình đờn bà, giống cái mồng gà”. Một biến âm của đáchđếch và ngày nay còn xuất hiện trong những tiếng nói tục và chửi thề như đếch vào, đếch cần. Người Việt còn có câu tục ngữ: “Làm tài trai cứ nước hai mà nói”. Nói nước hai là nói cả hai mặt sáng và tối, trái và phải, tích cực và tiêu cực của một vấn đề để tránh sa vào nhị nguyên và cực đoan. Đó là trung đạo, trung dung, trung quán… tức là con đường ngã ba ở giữa vậy. Như câu ca dao Việt Nam: “Đầu làng có một cây đa/ Giữa làng cây bưởi, ngã ba cây hồng”.

Sài Gòn, ngày 8.5.2010
N.T.V
(258/8-10)




Các bài mới
Sau ngày mai (24/09/2010)
Các bài đã đăng